Bảo Uyên đánh máy, Bảo Ngân biên tập
Mô Phật!
Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, và các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và các kênh Facebook Chua Xa Loi. Giờ đồng tu đã tới, kính mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu đồng tu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh. Và gia trì cho chúng con biết tự đứng dậy thắp đuốc tuệ, quán chiếu trong Chánh niệm hơi thở để thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, thấy rõ vạn pháp là Vô Thường sanh diệt, Khổ, Vô Ngã. Chúng con cũng nguyện xin Chư Phật gia trì cho những ai phát đại nguyện tinh tấn cầu đạo giải thoát qua con đường xuất gia được vững vàng trước mọi chướng ngại. Cũng đồng nguyện cho Thế giới được hòa bình, chiến tranh chấm dứt, cho tất cả những ai đang lâm bệnh có đầy đủ phước báu gặp thầy gặp thuốc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, thân tâm thường an lạc. Và thành kính hồi hướng cho chư vị hương linh theo thiện nghiệp tái sanh cảnh lành. Xin Chư Phật tác đại chứng minh.
Mời các bạn ngồi xuống với tư thế buông thư nhẹ nhàng phù hợp với cơ thể của mình. Đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái. Trong giờ phút này, mọi người chúng ta hãy nhớ về lời Đức Phật khai thị: “Lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp để giải thoát chính mình khỏi luân hồi sinh tử, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương”. Trong Mật Thiền song tu, pháp môn phương tiện này, những ai có căn duyên phù hợp thì đồng trì mật chú Mu A Mu Sa, có nghĩa là quán tâm Từ Bi. Mật chú NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang có nghĩa là quán Trí Tuệ tỉnh giác, quán Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. Mật ngôn Ma Sa Ốp Uê có nghĩa là quán tâm Tỉnh Giác. Trong Chánh niệm hơi thở và đồng trì mật chú qua sự thanh tịnh quán chiếu, chúng ta mỗi người đều lãnh nhận được thật nhiều mật điển.
Giờ đây mời các bạn. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú, đón nhận mật điển:
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang
Ma Sa Ốp Uê
(7 biến)
Mô Phật! Các bạn thân mến! Sự đồng tu của chúng ta đã tiến bộ thật nhiều. Bởi trải qua hai năm rưỡi, các bạn và Bảo Thành vẫn kiên trì, vẫn tinh tấn, nhìn rõ được mục đích đồng tu trong pháp ngôn Mật Thiền Chánh niệm hơi thở, trì các mật ngôn quán chiếu về tâm để đánh thức lòng Từ Bi, thắp sáng Trí Tuệ và được Tỉnh Thức mỗi giây phút trong cuộc đời. Bảo Thành rất hạnh phúc khi các bạn có sự cảm ứng, cảm ứng được với Chư Phật mười phương, với năng lượng của Bồ Tát. Và cảm ứng được cái tâm hoan hỉ từ, bi, hỷ, xả bắt đầu được kích hoạt trong sinh hoạt hằng ngày khi tương tác.
Vẫn biết trong chúng ta sinh ra từ tâm tham, sân, si, lòng tham vẫn còn nhiều lắm, tâm sân thì đếm hoài không hết, còn sự mê muội, si mê thì tràn ngập, nhưng từ nơi tăm tối của tâm si, chúng ta đã thấy cái điểm sáng của Trí Tuệ được thắp lên để cho chúng ta nhận rõ được cuộc đời này là Vô Thường sanh diệt, bám víu vào những điều cho là thường hằng, bất biến của cuộc đời, ta sẽ đau khổ. Ta hiểu được Khổ, ta hiểu được tinh thần Vô Ngã để sống khiêm tốn thật sự trong cuộc đời. Và trong biết bao nhiêu chất chồng của cái tâm tham, ta dần dần dọn dẹp sạch sẽ, bớt đi một phần tham để lòng Từ Bi của chúng ta được mở rộng, lan xa, biết san sẻ yêu thương, biết bố thí, biết từ thiện, biết cúng dường, biết sám hối, biết cho đi và hiến dâng. Rồi sao? Rồi những cái sự sân giận ở trong lòng của chúng ta cũng xẹp bớt đi, làm cho chúng ta tươi mát tâm hồn, nhẹ nhàng khoan thai, thong dong và tự tại. Nhất định với sự đồng tu quán chiếu Mu A Mu Sa tâm Từ Bi, quán chiếu Trí Tuệ thấu rõ được Vô Thường, Khổ, Vô Ngã: NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, quán chiếu tâm Tỉnh Giác Ma Sa Ốp Uê, chúng ta dần dần sẽ dần dần đạt được sự an lạc, hạnh phúc hiện thời trong kiếp này.
Các bạn! Chủ đề nhìn trên màn hình các bạn gửi về: “Tuổi Hồng Thơ Ngây”. Bảo Thành tuổi chưa già, nhưng cũng đã cao, có một số các bạn còn rất trẻ, nhưng hầu hết chúng ta đã không còn là “Tuổi hồng thơ ngây”, tuổi bé, tuổi thơ. Nhưng dù muốn dù không, ta cùng đi từ chỗ thơ ngây của tuổi hồng đó. Hãy trở về với cái “Tuổi hồng thơ ngây” ngay bây giờ, nơi tâm, nơi sự quán chiếu để chúng ta không khư khư ôm ấp những cái khuôn mẫu già nua qua bao nhiêu năm tháng sống ở đời, cũng như qua biết bao nhiêu năm trời tu tập.
Các bạn thân mến! Tuổi hồng là tuổi thơ ngây, tuổi dễ thương, tuổi bé bỏng, tuổi nằm ở trên cái nôi để cho mẹ ru ngủ, mớm ăn. Tuổi hồng, tuổi thơ ngây, tuổi mà ta có cái ánh mắt hồn nhiên thiên thần. Tuổi mà nụ cười thật đẹp, khóc cũng còn đẹp. Từng động tác, từng cái duỗi tay, duỗi chân lật ngửa, dáng vóc của ta tuyệt vời lắm khi còn ở cái tuổi hồng thơ ngây em bé. Và bất cứ ai nhìn vào em bé đó đều cảm nhận được cái tình thương và đều thấy ở trong lòng của mình dâng trào cái tình thương đối với em bé. Lớn dần, chúng ta mất đi cái “Tuổi hồng thơ ngây”. Chúng ta cứng cáp, chúng ta thô và chúng ta cũng thâu lượm quá nhiều ở bên ngoài vào. Ta vơ vét những hình hài, những hình tướng, và rồi ta chiêu mộ những cung cách sống làm cho cuộc đời già nua cứng ngắc. Đôi mắt đã đăm chiêu, vầng trán đã nhăn, chân tay đã quờ quạng, cái già của sự xiêu vẹo nơi thân nơi tâm cũng đã báo hiệu.
Không hẳn chỉ có cuộc đời như thế, mà ta còn mang cái già nua của cuộc đời vào trong con đường Phật Pháp. Càng tu, các bạn cứ nhìn đi, ta đóng khuôn, ta đóng thùng, ta cột chặt vào những cái phong cách, cốt cách gọi là đạo phong của Thiền Môn. Không biết ai đặt ra như vậy mới gọi là đạo phong của Thiền Môn, cốt cách của nhà tu giáo lý của nhà Phật? Để rồi các pháp môn ta đang tu phù hợp với mình như Thiền, như Mật, như Tịnh độ, như tu theo Hoa Nghiêm, các phái Thiền hoặc đọc Kinh trì chú các khóa tu, chúng ta cứ dần dần quên mất cái “Tuổi hồng thơ ngây” của mình. Chúng ta tát cạn cái dòng sữa trẻ thơ và thổi lửa của sự tham muốn thành tựu trong pháp của Phật qua các pháp môn. Để dần dần chúng ta đã quá già. Già một cách toàn diện, cằn cỗi. Cằn cỗi toàn tập! Nhìn cung cách của người tu đi vào xã hội thật khó. Bởi ta mất đi sự tự do hồn nhiên của tuổi thơ. Ta mất đi tất cả. Ta quá cứng, cái cứng của chúng ta thật gượng gạo. Ta ôm ấp và mang cái khuôn mẫu đó áp chế vào mọi người, hoặc là để phô bày, phô diễn cho thiên hạ thấy được cái khuôn mẫu của cốt cách người tu.
Các bạn nhìn kỹ đi, từ thuở các bạn tu, các bạn đã thấy các bạn quá gượng gạo, quá gượng ép, quá khuôn mẫu, quá đóng cứng vào trong những cái luật, những cái giới, những cách cư xử. Các bạn luôn luôn mang cái thước đo. Gặp người thì đo từ chân đến đầu, từng lời nói của họ chúng ta cũng đo giữa thiện và ác, từng suy nghĩ của họ ta cũng đo giữa cái ác và thiện, từng hành động của họ ta cũng lại đo. Ta đo riết rồi ta so đo, đo trời đo đất, đo thần đo Phật, đo người, đo nhân cách. Và vô tình ta đã quá bận rộn, chẳng phải là thợ may mà thích đo, để rồi khi khâu khi vá, khi chắp nối cái hình hài của người ta vào, ta đã biến họ, biến những người ta yêu thương thành những hình nộm chắp vá vụn vặt theo tư tưởng suy nghĩ riêng tư và sự ham muốn của chính bản thân.
“Tuổi hồng thơ ngây”, đây không phải là một cái câu đơn giản đâu. Đúng! Là đơn giản theo văn ngữ đời thường. Nhưng nếu chúng ta mang Kinh thì Đức Phật cũng nói về “Tuổi hồng thơ ngây” dưới cái ngôn từ khác mà thôi, nhưng đồng một nghĩa như vậy. Trong kinh Đại Bát Niết bàn Đức Phật dạy về phẩm Hạnh Anh Nhi, hạnh trẻ thơ, hạnh bé thơ, hạnh mà ai ai chúng ta nhìn thấy một em bé đều yêu thương, đều muốn ẵm vào lòng, đều muốn hôn, đều muốn tiếp cận gần gũi. Và biết bao nhiêu sự căng thẳng của đời thường khi nhìn thấy bất cứ em bé nào, chúng ta cũng thấy nhẹ lòng an vui. Em bé chưa thể tự đứng dậy, em bé chưa thể đi, chưa thể nhận biết, chưa thể chạy tới lui, chưa thể nói. Nhưng tất cả mọi tạo tác của em đều có cái chất mà làm cho mọi người rơi rụng mọi phiền não, ưu phiền, đau khổ. Và đều có cái chất làm cho chúng ta hoan hỉ hạnh phúc, bình yên, yêu đời, yêu người. Thế thì nhìn lại trong cái công hạnh tu của chúng ta, chúng ta có còn cái chất đó hay không? Hay càng tu càng cằn cỗi, càng tu càng khó, càng tu càng khó ưa, khó chịu. Càng tu, đi tới đâu cũng mang cả cái nhà chùa, Đức Phật tới đó làm cho muôn người kề cận cảm thấy như là ta đang xâm chiếm quyền tự do của người khác? Bởi chúng ta thấy ở đời không có đạo, không có Phật, nên cứ vội vội vàng vàng biến tuổi thơ thành cằn cỗi, mang đạo nhập vào cuộc đời, lấn chiếm lề đường tự do của tuổi thơ làm cho bao nhiêu người chướng tai gai mắt.
Các bạn nhớ Kinh Đại Bát Niết bàn, Đức Phật nói với ông Ca Diếp về cái hạnh Anh Nhi này. Ông Ca Diếp là một trong những đệ tử lớn của Phật, không những lớn về đạo hạnh, mà còn lớn về tuổi tác. Tuổi của ông Ca Diếp là một trong những đệ tử có độ tuổi lớn nhất. Và như thế, Đức Phật đã dạy hạnh Anh Nhi cho ông ta và nói rằng: “Này ông Ca Diếp! Hãy học hạnh Anh Nhi” tức là hãy học cái hạnh của “Tuổi hồng thơ ngây”. Một người già rồi, nay Đức Thế tôn nhắc lại cho ông phải học lại cái “Tuổi hồng thơ ngây”. Các bạn, trong Kinh Hạnh Anh Nhi, hạnh của tuổi hồng thơ ngây là một trong năm hạnh của các vị Bồ Tát. Chúng ta tu, nhìn vào trong gương đi, chúng ta đã đánh mất cái “Tuổi hồng thơ ngây”.
Các Tổ thường chuyển dịch lời Phật qua cách đơn giản trong giao tế. Cái hàm ý cao siêu nhiệm màu nhưng bình dân giản dị để ta dễ hiểu qua cái câu: “Đói thì ăn, khát thì uống, mệt thì ngủ, khỏe rồi thì thức dậy”. Trong cái tu của chúng ta, chúng ta quá gượng gạo, ăn không dám ăn, khát không dám uống, mệt không dám nghỉ. Cứ nói không tu khổ hạnh nhưng thật là khổ, bởi ép mình quá đáng còn hơn mấy năm trời Đức Phật tu khổ hạnh nữa. Không đến nỗi tiều tụy về thân xác, nhưng chúng ta đã tiều tụy về tinh thần. Quá căng thẳng! Tu, thay vì phải trở về cái tuổi của bé thơ, tuổi hồng ngây thơ, ta lại trở thành một lão già, một bà cụ lụ khụ, lệ khệ ôm cái pháp ta học đặt để vào mọi nơi, mọi chỗ, mọi hoàn cảnh, nhưng chẳng ai ưa, gây phiền não. Nhưng nếu ta trở về với “Tuổi hồng thơ ngây” với bé thơ, các bạn quan sát đi, một em bé còn nhỏ thơm mùi sữa, miệng mỉm cười ta vui, miệng khóc ta cũng thích thú, giãy giụa ta thấy dễ thương muốn ôm. Nhìn trong ánh mắt của em chẳng có ước muốn gì, nhưng tràn đầy hy vọng cho ngày mai. Và em bé đó mang tới đâu, đặt ở đâu, chỗ nào cũng được mọi người yêu thương. Còn chúng ta đi tới đâu mọi người cũng không ưa bởi quá già nua trong cái phong cách của người tu.
Liên quan giữa Mật Thiền song tu và “Tuổi hồng thơ ngây” và trong Kinh Đại Bát Niết bàn dạy về hạnh Anh Nhi rất gần gũi. Hạnh Anh Nhi hay “Tuổi hồng thơ ngây” là biểu tượng, là hiện thân của tình thương. Không phải ngẫu nhiên Đức Thế Tôn nhắc nhở cho ông Ca Diếp phải trở về với cái “Tuổi hồng thơ ngây”, mà Ngài thấy chúng ta tu, các đệ tử tu đánh mất đi cái sự hồn nhiên. Thay vì như lời Đức Phật khai thị để cho chúng ta sống hồn nhiên thong dong và tự tại, nay ta càng học ta càng cứng trong cái khuôn mẫu giáo điều. Các bạn nhìn kỹ đi, chúng ta đã bị dính mắc vào giới “Cấm Thủ”, hay dịch cho đơn giản gọi là “Giáo điều khuôn mẫu”, chẳng còn tự nhiên. Đức Thế Tôn nhắc ông Ca Diếp về cái điều này để nhớ đừng quên cái “Tuổi hồng thơ ngây”, đừng quên cái tánh của bé thơ vốn có trong ta là nền tảng đạo hạnh pháp tu quán của các vị Bồ Tát.
Tình thương rất quan trọng, được dùng hai cái chữ mà chúng ta đã quen là Từ Bi. Từ Bi không phải là người ta mang tới, mà là lan tỏa được cái năng lượng Từ Bi vốn có như em bé. Em bé rất thơ ngây. Năng lượng Từ Bi của em, năng lượng tình thương của em lan tỏa ra, để cho mỗi một chúng ta khi tiếp cận với em, ta hoan hỉ, ta vui, ta muốn ôm vào trong lòng. Nếu con đường tu Phật pháp ta như bé thơ, thì nhất định pháp của chúng ta tu, phương tiện pháp của chúng ta tu sẽ có cái năng lượng tình thương lan tỏa. Để khi chúng ta đi tới đâu, ta cũng như một bé thơ nhẹ nhàng, dễ thương, không chấp, không tham, không suy nghĩ, không chạy đua, không rượt đuổi, không mong cầu, không tới, không lui, chỉ có tình thương mà thôi. Thì ai ai khi chúng ta tiếp cận, và ta đặt mình ở đâu, ở đó mọi người đều hoan hỉ. Người tu đúng pháp đi tới đâu thì nhiều người đều cảm ứng được cái năng lượng tình thương và đều hoan hỉ.
Mật Thiền song tu chú trọng vào hạnh Anh Nhi qua mật ngôn Mu A Mu Sa – quán chiếu tình thương, quán chiếu tâm từ. Trong Mật Thiền song tu không đặt nặng về những giáo điều, những kỹ năng thiện xảo của thiền, thiền Định, thiền Chỉ, thiền Quán, Thiền của các phái. Mà cái thiền của Mật Thiền là thể nhập vào năng lượng vốn có nơi tự thể của “Tuổi hồng thơ ngây”, của cái tánh “Thơ” vốn có nơi ta. Đừng để mất nó. Và trong cái tánh “Thơ”, trong cái “Tuổi hổng thơ ngây”, năng lượng tuyệt đối siêu sạch đó chính là: Tình thương. Sao cái ánh mắt của em dễ thương? Sao cái nụ cười của em dễ thương? Sao cái tiếng khóc của em dễ thương? Sao những cái âm thanh bập bẹ chẳng thành ngôn từ văn chương mà ai cũng thấy dễ thương mà ai cũng hiểu, ai cũng thấm. Và đều đưa mọi người chạm vào cái cung bậc của tình thương cao ngất. Không cần biết em đó xuất thân từ đâu, con của vọng tộc quyền quý, vua chúa, hay chỉ là một em bé bỏ rơi bên lề đường nằm trong trại mồ côi, khi chúng ta tới với các em thơ chỉ một dấu chỉ duy nhất ai cũng đón nhận được đó là “Tình thương”.
“Tuổi hồng thơ ngây” trong Mật Thiền, trong Kinh Đại Bát Niết bàn, trong những phẩm hạnh của Bồ Tát là nhắc về cái “Tình thương”. Nếu chúng ta tu mà dần dần chẳng còn tình thương đối với chính mình, đối với ông bà cha mẹ người thân, đối với nhân quần xã hội, thì chúng ta đã già nua thực sự. Nếu chúng ta tu, không cần biết bao nhiêu năm trời, tu pháp môn cao siêu tới đâu và quy y với những bậc thầy được gọi là Phật tái thế, hay Bồ Tát tái thế, những bậc đã giác ngộ, Thiện Trí thức, nhưng chúng ta càng ngày càng khô cạn cái tuổi thơ, của tình thương. Đi đâu cũng khó chịu, nhăn mặt nhăn mày, sân giận đủ hết. Đi đâu cũng ham cũng muốn, đi đâu cũng muốn chạy tới đằng trước, đi cồng kềnh trước mặt mọi người, vơ vét ôm đồm, chẳng còn cái tuổi thơ. Tuổi thơ đói khóc oe oe mẹ mang sữa tới, mang cơm tới mớm. No rồi cười, tay chân vung vẩy, chẳng đứng. Có nghĩa là chưa đứng ở trên bất cứ một cái tư kiến, cái suy nghĩ, kiến thức gì hết, chỉ có tình thương thôi. Trẻ thơ chỉ nằm một cách mềm nhưng không trụ, bám víu vào bất cứ một điều gì. Trẻ thơ không chạy để tranh giành, để vượt tới phía trước, để đạt. Tuổi thơ cũng không đi, không nói, không triết lý, không triết luận. Tuổi thơ rất nhẹ nhàng bởi tuổi thơ là tình yêu.
Người tu trên con đường mà giải thoát đau khổ khi Đức Phật khai thị, chúng ta học và nghiên cứu kỹ, là người luôn biết nuôi dưỡng cái tình thương, lòng Từ Bi. Luôn luôn như trẻ thơ, luôn luôn hiểu thấu được cái phẩm hạnh Anh Nhi của Kinh Niết bàn mà Đức Phật đã nói cho ông Ca Diếp biết. Luôn luôn thể nhập vào năng lượng Từ Bi Mu A Mu Sa của Mật Thiền, thẩm thấu được cái tình thương vào trong từng thớ thịt, trong từng tế bào, trong từng hơi thở, trong từng lời nói, suy nghĩ và tạo tác. Và ta đi tới đâu, chẳng mang khuôn mẫu của quyền, của danh, của tài, của tình cảm cá nhân riêng tư, của những tòa nhà cao đồ sộ, xe hơi chảnh chọe so sánh. Mà ta đi tới đâu ta mang tình thương tới đó. Người tu Phật chẳng đi tới đâu đều là mang giáo điều Kinh điển, giới luật, ngôn ngữ cứng nhắc của nhà Thiền của nhà Phật của nhà Tu, rồi phân tích chỗ này chỗ kia, mà khô cạn toàn diện cái tình thương thì cái đó chẳng khác gì đang biến cuộc đời thành sa mạc khô cằn, giết chết cái chất sống vốn có nơi chúng ta là “Tình thương”, mà làm cho muôn vật, muôn người kề cận trên sa mạc cuộc đời của mình bị nóng bức, khó chịu. Nhìn lại tại sao chúng ta tu, người nhà càng khó chịu? Tại sao chúng ta tu, ta càng khó chịu, sân? Là bởi vì ta đã đánh mất đi cái hạnh Anh Nhi. Ta đã đánh mất đi cái năng lượng hồn nhiên của “Tuổi hồng thơ ngây”. Chúng ta quá giáo điều, chúng ta đã chấp giới, chấp pháp, chấp tướng, chấp cảnh, gặp cái gì cũng chấp. Tuổi thơ đâu có chấp.
Ông Ca Diếp được Phật nhắc khéo và nhắc nhở hạnh Anh Nhi là hãy trở về với tuổi hồng thơ ngây. Hãy quán chiếu Từ Bi và tình thương. Từ Bi và tình thương không phải là cao vời siêu lý trong những cái triết luận văn chương chữ nghĩa, mà Từ Bi tình thương nó thể hiện bằng năng lượng lan tỏa. Ai cũng cảm nhận được, rất vui, rất tự nhiên. Bạn vẫn có thể làm được điều đó. Còn không, chúng ta càng tu, chúng ta càng già nua trong khuôn mẫu. Các bạn cứ nhìn phong thái của các nhà tu xuất gia hay tại gia, càng ngày càng khuôn mẫu, mất đi sự hồn nhiên, càng ngày càng cứng, càng rập khuôn gọi là trang nghiêm khuôn mẫu, giáo điều khuôn mẫu, giới luật khuôn mẫu, mất đi cái sự tươi mát hồn nhiên của tình thương. Tiếp cận với các đấng ấy, các vị ấy, chúng ta toàn thấy giới, thấy sự oai nghi trang nghiêm, thấy chức vị, thấy hàm vị, thấy học vị, thấy quyền lực. Cái thấy đó nó lồ lộ ở trước mặt mọi người khi ta tiếp cận. Ngày xưa, khi Đức Phật tiếp cận với bất cứ một người nào, và bất cứ một người nào không đủ can đảm gặp Phật mà lủi lủi đằng sau chạm vào vạt áo của Ngài, chân của Ngài thôi thì tâm hồn ngây ngất sung sướng lạ thường. Bao nhiêu nhọc nhằn, đau khổ, phiền não không còn nữa, vui lắm, hoan hỉ lắm, hạnh phúc lắm! Ngay cả cái lúc mà Ngài tám mươi tuổi, khi Ngài nói đến cái hạnh Anh Nhi trong Kinh Niết bàn là Ngài lớn tuổi rồi mà Ngài vẫn phải nhắc nhở các đệ tử lớn tuổi rằng: “Phải sống như một trẻ thơ với phẩm hạnh như thế”.
Ngày nay, ta tới với các bậc Tôn Túc, sự vui của chúng ta hình như rất ít cảm nhận được, hầu hết là giáo điều khuôn mẫu. Đức Phật ngày xưa khi Ngài giác ngộ, đâu có những Phật tử đâu, toàn là những người theo Bà La Môn tôn giáo khác thôi. Chúng ta thuần Phật giáo ngày nay gặp các bậc Tôn Túc mà không thể vui được, thì làm sao các tôn giáo khác như Hồi giáo, Thiên chúa giáo, các tôn giáo khác gặp các bậc đó có thể vui được? Ngày xưa, Đức Phật gặp toàn là Bà La Môn (thời Đức Phật, Ấn Độ toàn là Bà La Môn giáo) hoặc Thần giáo, Thánh giáo, các tôn giáo đủ mọi thứ, không có Phật tử từ Ngài mới giác ngộ, nhưng người ta cảm nhận được Ngài là bậc đạo sư và theo Ngài bởi vì khi gặp Ngài họ thấy vui, họ thấy hạnh phúc. Họ thấy thơ ngây và hồn nhiên. Họ thấy cái tình thương nó dâng trào. Họ lãnh nhận, họ cảm ứng được cho nên họ đã theo Ngài. Còn chúng ta ngày nay, khi tiếp cận với cái khuôn mẫu giáo điều của người tu, những bạn khác, tôn giáo khác họ cảm thấy chướng ngại, khó chịu. Những Phật tử tới cũng cảm thấy hình như xơ cứng toàn thân, đứng hình, khó di động, mất tự nhiên.
Em bé nằm kia, chẳng mong chẳng cầu, chẳng chưng, chẳng diện, chẳng điệu đà, chẳng phấn son, chẳng dùng mọi chiêu kế của đời người để hấp dẫn, chỉ nằm đó rất ngây thơ mà ai cũng thương cũng mến, cũng tiếp cận muốn ôm muốn ấp. Em chưa biết nói mà ta cứ nói luyên thuyên với em. Ta nhìn em chăm chăm, em thật là đẹp! Hạnh Anh Nhi thật đẹp! “Tuổi hồng thơ ngây” thật đẹp cho những Phật tử tại gia đang bươn chải trước biết bao nhiêu thử thách của cuộc đời. Bạn nếu nhớ được lời Phật dạy trong Kinh Đại Bát Niết bàn, hạnh Anh Nhi, “Tuổi hồng thơ ngây” khi Ngài khai thị trở lại cho ông Ca Diếp, chúng ta thực hiện được hạnh này là điều cao quý vô cùng. Con đường của Đức Phật dạy là con đường đi trên tình thương, là con đường lan tỏa tình thương. Nếu bạn học Phật mà khô cạn tình thương đối với tha nhân, nếu bạn học Phật mà khô cạn tình thương để mọi người tới với bạn cảm thấy khó chịu thì đó phải thẩm định trở lại.
Nhớ lời Phật: “Tuổi hồng thơ ngây”, hạnh Anh Nhi thực tập cho đúng, để chúng ta là nguồn nước tình thương tươi mát tưới tẩm vào cuộc đời của mình, đi tới đâu cũng vui, đi tới đâu cũng mang tình thương đến cho mọi người. Nếu họ tiếp cận mình mà không cảm nhận được tình thương là bởi vì họ đã khô cằn. Chúng ta phải đầy ắp tình thương như một bé thơ nằm ngay đó để mọi người có thể ẵm, ôm, và tâm sự với ta bằng những ngôn ngữ đa sự sầu não. Nhưng nụ cười của bé thơ sẽ làm giảm đi sự nặng nề, căng thẳng, và sức ép của cuộc đời, để chúng ta thực sự thấy được cái công hạnh “Tuổi hồng thơ ngây” phẩm hạnh Anh Nhỉ trong Kinh Đại Bát Niết bàn Đức Phật đã dạy cho ông Ca Diếp. Hãy mang niềm vui đó vào đời sống của mình để chúng ta không bị lão hóa toàn tập, toàn diện mà chúng ta trẻ hóa toàn bộ từng giây từng phút mà chúng ta đang sống trong cuộc đời này.
Các bạn, chúng ta hãy trở về với hơi thở của Chánh niệm. Thưa Phật! Chúng con đã hiểu giá trị của tình thương qua Mật Thiền song tu, Phật ngôn Mu A Mu Sa quán chiếu tâm Từ Bi. Nguyện xin Chư Phật luôn rải năng lượng tình thương xuống cho chúng con, để chúng con trẻ hóa toàn phần trong từng giây phút, sống với hạnh tuổi hồng thơ ngây nhẹ nhàng bước vào đời, mang ánh sáng Trí Tuệ thắp sáng cho tự thân vượt qua mọi chướng ngại, để tiếp hiện sự hạnh phúc an vui nơi đời sống hiện thời.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú, đón nhận mật điển:
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang
Ma Sa Ốp Uê
(7 biến)
Chúng ta hãy hồi hướng công đức. Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con hôm nay nếu tạo được chút phước báu nào, nguyện hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.