Search

Bài 3038. Hành Trình Của Linh Hồn | Thất Bảo#3 – Ma Sa Ốp Uê

Bảo Uyên đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Mô Phật!

Bảo Thành và tăng thân chùa Xá Lợi kính chào quý thầy, quý sư cô cùng tất cả các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi. Đã đến giờ đồng tu, chúng ta hãy cùng nhau một lòng thành kính quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương, Trí Tuệ và sự Tỉnh Giác nơi chúng con để chúng con trong Chánh niệm hơi thở quán chiếu thấy cho rõ vạn pháp là Vô Thường, Khổ và Vô Ngã. Nguyện xin chư Phật gia trì cho quý Phật tử, những bạn đồng tu đang lâm bệnh có đầy đủ phước huệ gặp thầy gặp thuốc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt. Nguyện hồi siêu cho chư vị hương linh vừa quá vãng nương bóng từ ân Đức Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật theo thiện nghiệp mà tái sanh cảnh lành. Xin chư Phật chứng minh!

Chúng ta hãy đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, ngồi xuống với tư thế phù hợp, thong dong tự tại, nhẹ nhàng buông thư từng giây từng phút với hơi thở Chánh niệm, trở về với tự tánh, thể thập vào với năng lượng Từ Bi của mười phương chư Phật. Lấy Trí Tuệ làm gốc để giải thoát, lấy sự Tỉnh Giác để thấu rõ các pháp Vô Thường sanh diệt, khổ, lấy tâm Từ Bi để san sẻ yêu thương. Và chúng ta hãy thành kính đón nhận mật điển trong sự đồng tu ngày hôm nay.

Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú, đón nhận mật điển:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Ma Sa Ốp Uê

(7 biến)

Các bạn thân mến, Bảo Thành cùng tăng thân chùa Xá Lợi đang ngồi ở chánh điện nhỏ ở miền quê Hoa Kỳ, đồng tu với các bạn để chia sẻ về chủ đề các bạn gửi: “Hành Trình Của Linh Hồn”. Hai chữ “linh hồn”, khái niệm, ý nghĩa hầu hết Phật giáo, Thiên chúa giáo hay bất cứ một tôn giáo nào chúng ta cũng luôn nghĩ tới. Dù không theo tôn giáo, hình như “linh hồn” – hai chữ ấy vẫn luôn luôn canh cánh ở trong lòng bởi vì chúng ta thường được nghe. Câu hỏi đối với quý thầy, quý sư cô và các bạn đồng tu rằng, trong cuộc sống có sanh có tử, tức là có sinh ra và chết đi, chúng ta có sợ chết hay không? Lắng đọng một chút để tư duy,  tự hỏi, tự tư vấn, chúng ta có sợ chết hay không?

Trong tất cả mọi loài, chỉ có loài người là thường suy nghĩ về sự chết bởi rất sợ. Và níu kéo với cái điều khúc mắc rằng, sau cái chết ta vẫn luôn luôn tồn tại một cái bản ngã, một linh hồn? Con người không muốn mất đi, muốn trường cửu mãi mãi, thân xác chết nhưng vẫn muốn tồn tại một cái thể gọi là linh hồn. Chính vì điều linh hồn mà ta níu kéo còn tồn tại đã đưa ra thật nhiều những cái cách nói trong các tôn giáo. Đúng sai ta không phân tích nhưng chia sẻ theo các cái nhìn của người Phật tử tại gia cũng như người theo đạo Phật, chúng ta bắt đầu suy nghĩ.

Từ lâu lắm rồi, ngay cả tới thời Đức Phật và sau cả thời Đức Phật, mãi đến tận nay, linh hồn được mặc định là một cái chủ ngã còn tồn tại và sẽ được lên một cái cõi gọi là thiên đàng, gọi là Niết bàn hay đoạ vào địa ngục đau khổ. Nếu chúng ta theo một tôn giáo nào đó, ngay cả Phật giáo, chúng ta làm tất cả để linh hồn (tạm gọi như vậy, đừng dính mắc ngôn ngữ) của chúng ta về một cảnh giới cao, về cái cõi nào đó được ban thưởng và tránh cho linh hồn bị đoạ vào địa ngục. Không biết tới giờ này, có ai thấy linh hồn và hiểu thấu linh hồn chưa, nhưng những cuốn sách viết về linh hồn, cuộc hành trình của linh hồn hoặc những cuốn sách viết về ai đó thiếp hoặc thăng vào cuộc hành trình xuống địa ngục, nói về linh hồn ta mê, ta đọc mãi thôi, tốn tiền cũng mua, tốn thời gian cũng đọc. Không ai dám phủ định linh hồn, không có. Mà cũng không ai dám khẳng định linh hồn là có. Nhưng những chủ đề viết đó của những nhà tâm thần học, tâm lý học hoặc những con người muốn lưu lại sử sách ở đời chứng tỏ ta biết, viết xuống vẫn hấp dẫn. Chúng ta, tôn giáo nào cũng vậy, người đi theo chưa giác ngộ đều là những kẻ đui mù nhưng thích trổ tài hoạ sĩ, không thấy được màu sắc khác biệt, trộn lẫn với nhau, viết lên con chữ, hoạ lên cuộc đời, và vẽ lên cái hình ảnh của linh hồn mà chính mình cũng chẳng biết. Miễn sao phụ hoạ cho hay, người ta thích thú, kiếm được chút tiền, có được chút danh, được ca ngợi là vui. Cuộc đời là như vậy.

Nhưng nếu nói rằng mà cái chuyện này có một nhóm người không bao giờ tin là có linh hồn, nghĩa là chết là hết, không còn gì, danh từ của nhà Phật gọi là đoạn kiến. Có một nhóm người tin rằng có một cái linh hồn tồn tại sau khi chết được lên thiên đàng, Niết bàn, hoặc đoạ xuống địa ngục đau khổ, danh từ nhà Phật gọi là thường kiến. Ngôn ngữ thôi, nghe qua để biết. Và trong cái nhóm tin tưởng có linh hồn đó đã suy nghĩ tới có một cái cõi giới gọi là thiên đàng hay niết bàn và có một đấng tạo ra làm chủ để đưa ta về đó sau cái cảnh giới của cõi trần. Và thật nhiều những suy nghĩ niềm tin khác nhau tuỳ theo kiến thức của mỗi một con người. Lần mò mãi thôi. Dù là Phật tử tin theo Phật nhưng những cái thuyết, những cái sách vở, những cái lúc chia sẻ về linh hồn, ta thích ta mê lắm, ta ưa bởi vì nó thú vị. Nhưng khi còn sống, còn tỉnh, còn có Trí Tuệ, ta không bao giờ nghĩ tìm hiểu linh hồn là gì. Ngày nay trên những cái tủ sách, “Hành trình của linh hồn” hình như là một cuốn sách nhiều người thích. Nhưng đó cũng chỉ là những bức hoạ về linh hồn của những nhà tâm lý, tâm thần học mà thôi, họ chưa giác ngộ. Ta là Phật tử, ta học về Phật, nhưng ta chẳng bao giờ tin vào những lời Đức Phật dạy về linh hồn, nhưng lại tin những người khác.

Trong Phật giáo Việt Nam của chúng ta, có tin chữ linh hồn hay không? Lời của Đức Phật và trong kinh, chưa một lần Đức Phật giảng về linh hồn, chưa một lần Đức Phật dạy cầu nguyện cho linh hồn, hoặc giảng cho các linh hồn nghe. Ngày nay thì đủ rồi, ta cầu nguyện cho các linh hồn, ta giảng cho các linh hồn nghe, chuyện đó cũng là nghi thức đặt ra. Từ đâu? Chữ “linh hồn” được hình thành trong Phật giáo Việt Nam không ai biết được khởi nguồn từ đâu. Nhưng có lẽ vào khoảng thế kỷ thứ 15,16,17 khi phái Lâm Tế tào động ở bên Trung Hoa mang những cái nghi thức lễ lạy ma chay phổ truyền nơi Việt Nam, chúng ta bắt đầu ảnh hưởng. Có cái chữ “linh” nhưng cắt bớt chữ “hồn”, bởi nếu dùng chữ “linh hồn” đồng nghĩa với Thiên chúa giáo, hoặc đồng nghĩa với các tôn giáo khác. Phật giáo Việt Nam cải cách không muốn mượn toàn diện, nhưng dùng chữ “linh” hoà hợp vào với cái tông phái Lâm Tế Tào Động hoặc là những cái nghi thức cúng kiếng của Đại thừa, chữ “linh” còn giữ nguyên nhưng chia ra 4 đẳng cấp. Các bạn nghe cho vui để chúng ta có cái khái niệm tại sao ở các nghi thức cúng kiếng, ta nghe thấy những cái danh từ khác biệt.

Chữ “linh” bắt đầu thể hiện trong Phật giáo ngày nay các bạn đã nghe, đối với hàng tôn túc, tăng ni, tức là tỳ kheo, tỳ kheo ni thì linh hồn được biến thành linh, nhưng được gọi là giác linh. Như một vị hoà thượng, một vị tỳ kheo, tỳ kheo ni mất đi hay viên tịch, thuận lẽ Vô Thường ra đi thì ta không gọi là vong linh, hương linh, người ta gọi là giác linh. Cái chữ “giác linh” người ta phân biệt thật rõ để cho ta thấy đó là những bậc xuất gia đã ra đi. Phân biệt đẳng cấp chút để cho có sự khác biệt nha các bạn. Còn đối với những bậc sadi không gọi là giác linh, gọi là chơn linh. Rắc rối lắm điều! Trong khi họ bình đẳng tánh trí, tỳ kheo thì gọi là giác linh, còn sadi dưới bậc thì gọi là chơn linh, thấp hơn nữa là hàng Phật tử đã quy y thì gọi là hương linh. Ôi, phân biệt quá! Còn thêm chút xíu nữa, những ai không thuộc Phật giáo, chưa quy y thì gọi là vong linh, cái dạng vong linh hay nhập đó. Bốn đẳng cấp, giác linh, chơn linh, hương linh, vong linh. Hương linh thì chúng ta cúng ở trong chùa nhiều lắm, cầu nguyện cho hương linh này, hương linh kia. Vong linh thì đầy hết trong các buổi chẩn tế, mở cửa ngục để cho vong linh được siêu thoát. Còn khi nói đến chơn linh, giác linh thì cao đăng Phật quốc.

Nghĩ cho kỹ thì linh hồn, hai chữ đó chuyển biến qua những ngôn ngữ khác biệt thôi nhưng cũng đồng nói về một cái bản ngã còn trường tồn sau khi chết mà Đức Phật không bao giờ giảng, nói tới. Nhưng Phật giáo ngày nay không hẳn chỉ có Đại thừa, Mật tông, Tây tạng, các tôn giáo tông phái khác biệt cũng vậy, cứ như thế tuần tự như hoạ sỹ mù pha màu không rõ, vẽ lên bức hoạ linh hồn huyền bí. Càng huyền bí siêu kì của linh hồn, càng hấp dẫn người ta càng lệ thuộc đi theo. Nói chân chính, lặp lại lời Phật thì người ta cảm thấy hình như nó vô nghĩa quá. Vậy mà cứ xưng danh là Phật tử, không tin Phật đâu, tin những chuyện mà người ta đồn thổi mà thôi.

Cái vấn đề nếu tin rằng theo như đoạn kiến không còn gì tồn tại thì cuộc đời vô nghĩa, có chi để chúng ta phấn đấu trở thành người tốt, người thiện. Bởi vì thiện – ác rồi cũng sẽ chết, chết rồi còn gì đâu? Cho nên cái cách suy nghĩ này rất nguy hiểm bởi dễ gây ra tội ác. Còn nếu theo cái thường kiến, tin là có một cái bản ngã để lệ thuộc vào một đấng nào đó hoặc một phương pháp nào đó níu kéo sự sống ở kiếp sau, ta cũng tự đày đoạ mình, suy nghĩ, huyễn tưởng, chẳng thực tế.

Đức Phật không dạy có linh hồn, chẳng nói về giác linh, chơn linh, hương linh, vong linh. Nói có sách, mách có chứng, lời Phật được kể, bài pháp thứ 2 Đức Phật dạy sau khi giác ngộ tại vườn Nai cho năm anh em Kiều Trần Như – đệ tử đầu tiên thọ giới với Phật, sau bài thứ nhất là Tứ Thánh Đế, là bài pháp Vô Ngã Tướng. Vô Ngã trong Tam Pháp Ấn mà ta thường trì tụng để có Trí Tuệ nhìn rõ tinh thần Vô Ngã của NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Vì các pháp đều Vô Thường sanh diệt, níu kéo có bản ngã sẽ đau khổ, do đó Đức Phật dạy về Vô Ngã trong kinh Vô Ngã Tướng, bài pháp thứ 2 Phật truyền.

Đức Phật dạy hình thành con người có hai thể, thể vật chất và thể vô vật lý, không phải là vật chất. Vật chất gọi là sắc, nhà Phật gọi là ngũ uẩn, kinh Vô Ngã Tướng Đức Phật dạy về ngũ uẩn. Thể vật chất là Sắc là về phần tướng, phần dương, phần vô vật lý gọi là vô tướng, phần âm, chúng ta gọi thế nào cũng được. Sắc là sắc thân của chúng ta, tay chân, mắt mũi, não bộ, lục phủ ngũ tạng, máu huyết, sự vận hành hình thành nên cái thân này. Phần thứ 2 có 4 thứ, bao gồm thọ, tưởng, hành, thức. Thọ là những cái cảm thọ của chúng ta, cảm xúc của chúng ta. Tưởng là những suy nghĩ của chúng ta. Hành là những cái tâm tư. Thức là sự nhận thức. Cái phần này là phần tâm sinh lý của con người. Con người chỉ có 5 điều đó gọi là ngũ uẩn. Phật dạy cái sắc thân này nó không có Ngã, bởi nếu nó có Ngã tướng, nó tự vận hành, có Ngã tướng là bất diệt không chết, muốn làm gì cũng được. Nhưng các bạn thử coi bạn có làm chủ được thân của bạn không? Bạn có thể di động cái con mắt nhấp nháy, đá lông nheo với nhau, bạn có thể đưa tay để bắt tay, để ôm nhau, để ăn để uống, để làm việc, bạn có thể dùng miệng để nói, tai để nghe, mắt để thấy, cảm xúc, thân này để cảm thọ, cảm xúc nhưng bạn không làm chủ được đâu. Không làm chủ được cái thân này, nó khoẻ là nó khoẻ à, nó bệnh nó yếu, nó chết là nó chết. Cho nên không có Ngã. Có Ngã là phải làm chủ được. Không làm chủ được các bạn ơi. Biết bao nhiêu những người quen bất chợt ra đi, đâu làm chủ được, biết bao nhiêu người chúng ta bất chợt nó bệnh phải chịu thôi. Bệnh này bệnh kia, cảm mạo, phổi, ung thư, đột quỵ, tóc rụng,…đủ thứ hết, chẳng làm chủ được. Mặt mày nhăn nheo xấu xí, yếu đuối, già nua, bệnh hoạn, không làm chủ được.

Thân này không phải là Ngã. Nó hình thành do tứ đại, tức là bốn tổng hợp đất, nước, gió, lửa, có duyên nó hình thành, không duyên nó mất đi. Còn nói đến những cảm xúc, cảm thọ của chúng ta, những suy nghĩ, những tâm tư và sự nhận thức của chúng ta đâu có tồn tại được. Nếu có Ngã ở trong 4 cái uẩn đó thì nó phải tự tồn tại nếu rời cái thân, nhưng không, rời thân thì những điều đó mất. Khi chết rồi còn suy nghĩ gì nữa, còn có tâm tư gì nữa, chết rồi còn có nhận thức gì? Phật phân tích thật kỹ nhưng chúng ta cứ níu kéo và từ đó khổ lắm.

Kinh Vô Ngã Tướng, Đức Phật chỉ rõ, có một thời trong kinh Đức Phật dạy nói về một đoạn về ông Cấp Cô Độc. Ông ta là một đại thí chủ giàu có vô cùng, nếu mà nói thời đó giàu đến mức như vậy thì ngày nay chắc Bill Gates thua xa, hoặc mấy ông chủ Facebook, hoặc những nhà giàu nổi tiếng thế giới cũng không bằng ông Cấp Cô Độc đâu, vàng mà có thể rải đầy rừng mà, giàu đến mức mà nhìn đâu cũng thấy vàng. Thì ông Cấp Cô Độc nếu của cải nhiều như vậy mặc dù biết cúng dường để thỉnh đất lập chùa Kỳ Viên đầu tiên, và cúng dường Trai Tăng, làm việc thiện nhiều lắm, nhưng đã là người có cái tầm vóc cao về quyền lực, tiền, tài, danh vọng, địa vị ở đời cũng như trong tâm linh, đệ tử thân cận với Phật mà, gần Phật mà, cho nên có giá đó thì khi chết nhất định sẽ níu kéo. Ta là người giàu, ta là người có quyền, ta là đệ tử ruột của Phật thì nhất định chết linh hồn hay hương linh (do ông ấy có quy y  rồi) của ông ấy đi về đâu. Nếu tu mà chưa quán chiếu về Kinh Vô Ngã Tướng thì các bậc tỳ kheo cũng nghĩ về giác linh của mình chứ không gọi cái hương linh của mình. Bởi vì mình tu mà, cao chút thì gọi là giác linh, thấp thấp chút nữa thì gọi chơn linh, dưới nữa Phật tử thì gọi là hương linh, còn nếu kẻ mà chưa quy y, vất vưởng ngoài đường bất chợt chết đi gọi là vong linh. Bốn cái danh từ đó thôi đã phân biệt đẳng cấp, có giá đó các bạn.

Thì ông Cấp Cô Độc cũng suy nghĩ, đắn đo, không chết được, nhưng mà ông Xá Lợi Phất và ông A Nan ngồi bên cạnh khai thị cho ông Cấp Cô Độc. Hai vị đại đệ tử của Phật đã dùng kinh Vô Ngã Tướng cho ông ta biết: cái thân này không phải của tôi, cái thân này không thuộc về tôi, và tôi không phải cái thân này. Mọi cảm xúc của thân từ cái cảm xúc gọi là thọ, tưởng, hành, thức (cảm xúc, tâm tư, suy nghĩ và kiến thức) đều là không có, nó đều là Vô Thường sanh diệt. Nên trong nhà Phật gọi là thuận thế Vô Thường, chứ đừng nghịch thế Vô Thường, nghịch là chống lại, ta sẽ khổ. Kinh Vô Ngã Tướng, ngài Xá Lợi Phất và ngài A Nan đã khai thị lặp đi lặp lại nhiều lần về Vô Ngã Tướng: hãy thuận thế Vô Thường, các pháp là Vô Thường sanh diệt, không có gì là của tôi, thân này chẳng là của tôi, tôi không thuộc về thân này, thân này không thuộc về tôi, thấu rõ ngũ uẩn đều là không. Ông Cấp Cô Độc đã hiểu, mặt bừng tỉnh sáng ngời, hơi thở đi chẳng cần phải trở lại, nhẹ lắm, và rồi ra đi, chứng đắc và sanh về cảnh trời, chư Thiên.

Trong nhà Phật, Đức Phật dạy cái phần còn lại của chúng ta chẳng có ngã, nó như không khí mà thôi, nó ở tất cả mọi dạng, nó như nước là một dòng chảy liên tục, dời chỗ này, nó chảy về chỗ khác, nó thẩm nhập vào chỗ khác, không còn duyên ở đó, nó bốc hơi, nó thăng hoa, lại trở thành mưa thành nước rơi xuống. Không có Ngã, đừng níu kéo, nó thay đổi muôn hình vạn trạng tuỳ theo nhân duyên của nghiệp lành hay nghiệp ác, năng lượng đó chuyển hoá vô tận. Các bạn thích cái hành trình của linh hồn trong sách vở hoặc những người vẽ vời trong thế gian để đam mê xa rời lời Phật dạy về tinh thần Vô Ngã trong kinh Vô Ngã Tướng, bài pháp số 2 quán Vô Ngã, NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, dùng Trí Tuệ để thấy các pháp Vô Thường sanh diệt, níu kéo vào đó sẽ khổ, thấu rõ được Vô Ngã sẽ an nhiên và tự tại. Hay các bạn thích phiêu lưu vào những miền du ký của những người kể về địa ngục.

Ngày nay đầy hết, có người nói tôi xuất hồn xuống địa ngục, 18 cửa ngục tôi thông hết, tôi xuất hồn gặp cả Phật, gặp Di Đà, gặp đủ hết, rồi kể. Ôi ta quỳ, ta lạy, người này thiêng quá, họ xuất hồn. Hỏi lại: “Hồn của anh ở đâu?”. Chẳng biết. Hồn anh như thế nào? Chẳng biết. Nếu anh có thể xuất hồn thì hồn đâu. Cái vị tổ đó nói, ôi tôi khổ, tôi phiền não, tâm tôi không định, tổ nói tâm đâu mang ra, nay nói xuất hồn đâu, mang ra đi, ai chứng minh được. Thế mà những chuyện như vậy bán đắt lắm, ai cũng thích. Chúng ta chỉ làm lợi cho những người kiếm tiền, kiếm danh, kiếm quyền hoặc chế tác ra. Bởi vì họ ảo tưởng sức mạnh, họ chưa giác ngộ, họ mang cái tưởng thức vẽ vời như người mù sờ voi. Ta theo Phật chẳng tin Phật.

Có một câu kinh mà Đức Phật dạy thật rõ là chúng ta đừng có níu kéo, tìm tòi cái linh hồn, cái bản ngã, để rời khỏi cái sự chấp ngã, cái thường kiến ấy để chúng ta sống an vui và hạnh phúc. Trong kinh nói rõ, như người bị một mũi tên độc bắn vào người, bác sĩ tới rút tên độc, khử trừ chất độc để chữa lành, ta không cho, ta muốn truy tìm. “Đừng đừng, bác sĩ đừng khử độc, trước khi làm chuyện đó hãy trả lời cho tôi biết trước rằng mũi tên này do ai bắn, kẻ thù hay bạn? Nó làm bằng vật liệu gì, nó bắn từ hướng nào? Cái cung nó có tốt hay dở để nó bắn mũi tên vào tôi? Còn nếu có độc thì độc gì, họ chế tác làm sao, nhóm người nào có?”. Phật nói, thôi thôi, đừng hỏi, lắm điều làm chi để bác sĩ chữa đi, thêm phút nữa độc thấm chết đó. Các bạn nghĩ câu chuyện hay trong kinh nói vậy, ta đứng trước cái sự khổ đau, đang chết dần dần, chẳng để bác sĩ chữa bệnh, trị bệnh mà cứ đi huyễn tưởng lung tung, đào bới, xây dựng, chế tác những câu chuyện về linh hồn, trong khi ta đang đoạ đày trong đau khổ bởi bám víu vào cãi Ngã, cái linh hồn. Dần dần chuyển qua đủ thứ hết, rồi thần thức trung chuyển, thân trung ấm, tái tạo đủ mọi ngôn ngữ,tạo mọi cảnh giới. Thực ra đó chỉ là phương tiện nói cho rõ để hù doạ ta xa các pháp ác để hành pháp thiện. Sau này các chư tổ, các chư thầy chưa đủ cái sự chứng ngộ, giác ngộ như Phật cho nên phải dùng phương tiện. Riết rồi ta lệ thuộc phương tiện, Phật là bậc đại giác ngộ không dùng phương tiện để đe doạ, để hù doạ, ngài dùng Trí Tuệ để khai thị, để giới thiệu, để mở và vén cái màn bí mật khi trí tuệ loài người không hiểu được, để ta nhìn và thấy những điều ta không thấy, chưa thấy, để ta hiểu và biết những điều ta chưa hiểu và chưa biết.

Phật nói trong kinh Vô Ngã Tướng, quán tinh thần Vô Ngã, tổng hợp hình thành con người từ 5 uẩn, sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều là Không. Mẹ hiền Quán Thế Âm trong kinh Bát Nhã đã tụng ta thấy rõ ngài quán tâm, quán chiếu ngũ uẩn đều là không, mà có thể giải trừ tất cả mọi phiền não, đau khổ của ngài, và của mọi loài chúng sanh. Ngài chứng đắc thành Bồ tát, thành Phật, tức là hết đau khổ, chấm hết. Đừng thần tượng hoá, đừng huyền thoại hoá Phật là một đấng thần linh, thần thông, Bồ tát cũng vậy. Phải hiểu thật rõ Phật là bậc giác ngộ, tức là đã hiểu và thuận lý Vô Thường, thoát ra cuộc chơi của sanh tử. Còn chúng ta cứ tìm cái linh hồn, như người bệnh bị mũi tên độc bắn, chẳng chịu chữa trị, chết đi, sống lại, chết đi, sống lại, khổ lắm.

Các bạn nghe cái chủ đề “ Hành trình của linh hồn” thích lắm. Các bạn là Phật tử đó, các bạn là những người đồng tu với Bảo Thành, đồng tu với các bậc tôn túc, hoặc các bậc thiện tri thức, hoặc là tự mình nghiên cứu kinh điển, ta tu theo Phật, phải hiểu rõ, đừng để những cái danh xưng, những cái chủ đề cuộc hành trình của linh hồn hoặc những người thả hồn vào cõi phiêu du, nhập vào cái cảnh mộng nói hoang đường mà nghe, rồi chúng ta điên đảo mộng tưởng. Ta theo Phật mà ta không nghe Phật, nghe người ta kể chuyện thì thích mà lạc vào u mê. Kinh Vô Ngã Tướng nói thật rõ, các bạn muốn tìm hiểu sâu sắc hơn về kinh Vô Ngã Tướng thì lên Google gõ đọc cho kỹ các bạn sẽ hiểu. Hôm nay chia sẻ thật ngắn thật gọn vì cái khung thời gian không cho phép, để chúng ta khẳng định rằng đã theo Phật phải tin tưởng lời Phật dạy. Đừng rong ruổi, bỏ tiền bỏ sức, bỏ thời gian suy nghĩ, phóng tâm theo cái chủ đề cuộc hành trình của linh hồn. Linh hồn có đâu để rồi có cuộc hành trình? Các bạn thân mến, chỉ có quán chiếu cái đau khổ hiện thời như mũi tên độc bắn vào, nhức nhối, phiền não, đau khổ. Rồi ta nương vào chư Phật mười phương và nơi tự tánh, khai thông Trí Tuệ để mà tu tập để đi vào sự Tỉnh Giác. Thấu rõ thì ta chính là bác sĩ của đời mình biết rút mũi tên độc, khử độc, hết đau, để khỏi bị chết. Bạn tìm gì vào một cõi mai sau nếu bạn đang đau khổ hiện thời mà bạn không chuyển hóa được?

Linh hồn không cần thiết phải tìm hiểu bởi Phật chẳng bao giờ nói về nó. Những danh từ mượn cái chữ linh nhưng giác linh, chân linh, hương linh, vong linh, nếu Bảo Thành nói hơi nặng các bạn đừng buồn, thì đó là phân biệt giai cấp. Trong khi sống đã phân biệt giai cấp rồi, đấng này, ngài kia, chết rồi cũng phân biệt giai cấp, giác linh, chân linh, hương linh, vong linh. Mà không lập những chữ đó thì không được, Bảo Thành đôi khi cũng phải dùng những chữ đó, thấy ngượng vô cùng nhưng mà bây giờ biết sao. Hôm nay tỏ lộ cái sự suy nghĩ, tư duy, theo kinh Vô Ngã Tướng nói tuột ra như vậy, mong các bạn nghe rồi tư duy một chút, không hài lòng thì bỏ qua đi. Còn nếu như có vướng mắc thì nghiên cứu thêm kinh Vô Ngã Tướng, các bạn sẽ hiểu thấu. Còn sẽ có một dịp nào đó Bảo Thành sẽ chia sẻ riêng kinh Vô Ngã Tướng, nói chi tiết hơn. Nhưng hôm nay nói sơ qua để chúng ta thẩm định và khẳng định rằng chẳng có cái cuộc hành trình của linh hồn nào cả, chẳng qua là vẽ vời của các nhà tâm lý học, tâm thần học ở phương tây. Họ đã dùng tâm lý để dẫn đưa cảm xúc của người bệnh nhập vào cái cơn đau và dùng cái sự hướng dẫn của ngôn ngữ để cho người ta tỏ lộ, gán ghép những sự nhập nhằng của cảm xúc vào, rồi phỏng đoán kiếp trước kiếp sau là gì.

Phật nói không nghe. Đúng như câu ông cha đã dạy: Bụt nhà không thiêng. Người ngoài nói thì cười tít mắt, bỏ cả gia tài, của cái để đi theo, người nhà nói không tin. Ta theo Phật, Phật nói không nghe nhưng thiên hạ, những nhà tâm lý học, tâm thần học, những người viết truyện, sáng tác ra, hoặc những người hoang tưởng nói hồn xuất đi đây, hồn xuất đi đó, hồn đi cõi này, hồn về cõi kia, đi mây về gió, thấy thích thích thích, ngồi nghe kể dài cả mặt ra. Các bạn bỏ đi, chẳng có cuộc hành trình của linh hồn đâu. Chỉ có một cuộc hành trình để chuyển hóa những ác nghiệp và chỉ có một cuộc hành trình thực hiện những thiện pháp để hết những đau khổ, phiền não, để có được một cuộc sống an vui.

Mời các bạn trở về hơi thở. Thưa Phật, xin hãy dìu dắt chúng con trên cuộc hành trình nhận rõ những ác nghiệp để đoạn chúng đi và nhìn nhận rõ những thiện nghiệp để hành mỗi ngày.  Đây là cuộc hành trình chuyển khổ đau và phiền não thành hạnh phúc và bình an. Xin chư Phật gia trì cho chúng con trên cuộc hành trình này.

Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú, đón nhận mật điển:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Ma Sa Ốp Uê

(7 biến)

Chúng ta cùng hồi hướng công đức. Thưa Phật, sự đồng tu hôm nay nếu tạo được chút phước báu nào, nguyện hồi hướng cho hòa bình của thế giới và cho mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo. Xin chư Phật chứng minh!

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn