Bảo Phước đánh máy
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, cùng tất cả các bạn đồng tu ở trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn, Facebook Chùa Xá Lợi.
Giờ này đạo tràng đã thanh tịnh, mời tất cả các bạn đồng tu đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo, để bắt đầu buổi tu ngày hôm nay.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Chúng con nguyện xin Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì thắp sáng đuốc tuệ. Để chúng con thể nhập vào tâm tĩnh giác, quán chiếu trong Chánh niệm hơi thở, nhìn rõ các pháp là Vô thường, là Khổ, là Vô ngã. Một lòng thành kính, chúng con cũng nguyện xin Chư Phật gia trì cho tất cả các bạn đồng tu, ân nhân, quý Phật tử, những ai đang lâm bệnh có đầy đủ phước báu gặp Thầy, gặp thuốc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt. Nguyện hồi hướng, cầu siêu cho chư vị hương linh vừa vãng sanh theo thiện nghiệp tái sanh cảnh thiện lành. Cũng đồng hồi hướng cho sự hòa bình của thế giới. Xin Chư Phật chứng minh!
Chúng ta hãy đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, ngồi tĩnh tọa trong tư thế phù hợp. Trong Chánh niệm hơi thở, chúng ta trì 03 Mật âm, Mu A Mu Sa có nghĩa là quán tâm Từ Bi, Mật âm thứ 02 – NamMô TàMô TàMô ĐaRaHoang có nghĩa là quán tâm Trí Tuệ, Mật ngôn số 03 – Ma Sa Ốp Uê là quán tâm Tĩnh Giác. Với sự quán chếu vào tâm Trí Tuệ – Từ Bi – Tỉnh Giác trong Chánh niệm, chúng ta, mỗi một người khi tu sẽ đón nhận được thật nhiều Mật điển của Chư Phật gia trì. Để nhìn rõ các pháp là Vô thường, Khổ, Vô ngã. Chúng ta hãy bắt đầu.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, đồng trì Mật chú:
Mu A Mu Sa! NamMô TàMô TàMô ĐaRaHoang! Ma Sa Ốp Uê! (07 biến)
Mô Phật! Các bạn thân mến! Tất cả mọi người trên thế giới rất hân hoan và vui mừng, dù khác biệt tôn giáo vẫn một lòng ngưỡng về lễ kính mừng Phật Đản – Đức Phật giáng trần. Từ cung trời mà Ngài giáng trần phổ độ chúng sanh, mang thông điệp của sự giải thoát, dẫn đưa chúng ta vượt qua màn đêm vô minh để tới được ánh sáng giác ngộ, chẳng còn đau đớn, phiền não và khổ lụy. Cả cuộc đời của Đức Phật, từ khi sinh ra tới khi viên mãn là cả một bài học để cho mỗi người chúng ta thấy. Trên con đường tu dù là xuất gia; hay những vị Phật tử tại gia cũng sẽ phải đi qua những chặng đường gặp nhiều những chướng ngại, những thử thách. Và vẫn luôn luôn có được niềm vui, hạnh phúc.
Chủ đề “Tâm Tình Đời Tu” trong mùa Phật Đản, một chủ đề rất là bạn, tại sao gọi là bạn? Bởi có chữ “tâm tình”. Ta tâm tình với nhau về những kinh nghiệm vui buồn trong đời tu. Nói về Phật tử tại gia, từ thuở các bạn tu, chúng ta đã trải qua biết bao nhiêu những cung bậc ở nơi gia đình. Có người là cha là mẹ, là vợ hoặc chồng, hoặc con cái trong gia đình, vì một nhân duyên lớn nào đó tiếp cận được với Phật pháp. Có thể là phong tục tập quán, Phật giáo nơi gia đình; hoặc một chuyện xoay chuyển nào đưa ta tới với Phật và chúng ta bắt đầu tu. Những bậc xuất gia cũng như thế, cái tu trong nhà Phật chẳng dành riêng cho người xuất gia mà cho tất cả mọi người. Tu trong nhà Phật có nghĩa là bắt đầu vào con đường quán chiếu để nhìn ra lầm lỗi của mình để sửa. Đó là chuyện tu trong nhà Phật. Bạn tu được ở tại gia, mọi người xuất gia trong chùa cũng tu được. Dù bạn ở nhà hay bạn ở chùa, trong hang trong động, trong tịnh thất, trong tịnh xá, chúng ta khi tu đều nương theo lời khai thị của Phật quán chiếu cho rõ, để nhận ra lầm lỗi của ta. Rồi nương theo lời hướng dẫn của Phật, để sửa chữa. Ngõ hầu, ta có thể giảm bớt sự phiền não, đau khổ, có thêm chút an vui hạnh phúc trong cuộc đời. Một số các bạn tu tại gia có biết bao nhiêu kỉ niệm, đôi khi cha mẹ tu con cái không hài lòng; đôi khi vợ tu chồng không thích; hoặc chồng tu vợ không thích. Cũng có thể là cả hai vợ chồng đồng tu, hoặc là con cái tu rồi cha mẹ, anh chị em không ưa, có những lời bàn ra nói vào.
Đối với Phật tử tại gia, Đức Phật nói thật lành thay, có bốn nhóm người tu, có những sự trải nghiệm khác biệt. Có khi vợ tu mà chồng không tu, đó cũng gọi là có phước; và có khi chồng tu mà vợ chẳng muốn, đó cũng gọi là phước. Nhưng đại phước hơn là cả vợ chồng song tu, điều này là đại phước. Rất tốt! Nhưng ngược lại, có gia đình cả vợ chồng chẳng tu, con cái chẳng hề biết tới Phật.
Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, người tại gia như thế, người xuất gia cũng như vậy. Trong chúng ta đều có chủng tử của Phật tánh, chưa đúng mùa thì hạt giống chưa nảy mầm, chưa đúng thời chưa đầy đủ nhân duyên, vẫn đắn đo chưa khơi dậy mạnh mẽ để bước tới.
Hôm nay, tâm tình đời tu là tâm tình đời tu của ai? Trải qua trên 02 năm trời đồng tu ở trên mạng, trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn; hoặc những trang Facebook các bạn chia sẻ. Một số quý Phật tử và các bạn đồng tu đã gặp Bảo Thành, một số chúng ta biết nhau ở trên mạng. Biết nhau ở trên kênh Youtube, Facebook trong sự đồng tu hoặc các bài chia sẻ gợi ý cho nhau. Có duyên gặp nhau rồi, chúng ta vẫn luôn luôn mong rằng ta có thể biết về nhau đôi chút.
Chủ đề các bạn gửi về “Tâm Tình Đời Tu’’, Bảo Thành cũng chia sẻ về một chút trải nghiệm của Bảo Thành trên con đường tu, khi tới đất nước Hoa Kỳ. Các bạn thân mến! Khi Bảo Thành tới nước Mỹ, nước Hoa Kỳ, nước người ta gọi là xứ cờ hoa bởi lá cờ của nước này có nhiều ngôi sao, 50 ngôi sao nhìn như là hoa, người ta gọi là xứ cờ hoa. Bảo Thành tới đây sống ở vùng thủ đô Washington, thủ đô của nước Mỹ. Một số các bạn còn nhớ, cũng có một số các bạn không nhớ; hoặc biết hoặc không biết, nhưng năm 2001, nước Mỹ bị sự tấn công của khủng bố, thả bom vào những nơi chủ yếu bằng cách không bom đạn nhưng dùng máy bay, cướp máy bay đâm thẳng vào tòa Tháp Đôi ở New York và bay vào Ngũ Giác Đài. Khủng bố như vậy mang đến sự khủng hoảng toàn diện cho nước Mỹ và thế giới. Lúc ấy Bảo Thành thổn thức ở trong lòng, bởi nhìn thấy không có một xứ sở nào an toàn, không có một nơi nào an toàn, bởi thuở qua Mỹ, nghĩ rằng nước Mỹ này, là đất nước có nền kinh tế hùng mạnh, là một cường quốc có quân đội siêu việt, không thể một quân đội nào, đất nước nào có thể vào đây gây khủng hoảng trong chiến tranh. Nhưng năm ấy, người ta đã khủng bố bằng cách cướp máy bay, gây ra chiến tranh tại nước Mỹ lần đầu từ khi thành lập nước Mỹ, có chiến tranh của người bên ngoài đi vào. Nền kinh tế sụp đổ; hai điều này đã chứng tỏ những cái gì ta cưỡng cầu, ta mong chờ để dựa dẫm vào không bao giờ bền vững. Một cường quốc kinh tế cũng bị sụp đổ, quân đội siêu hùng cũng bị người ta đánh. Suy tư như vậy, nhớ lại lời Đức Phật dạy các pháp đều vô thường không bền vững. Bảo Thành đã tới đây, chỗ Bảo Thành đang ngồi các bạn nhìn đây, các bạn nhìn thấy Bảo Thành, quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu trên màn hình. Nơi đây chính là một nông trại và chỗ đang ngồi gọi là chánh điện của Tổ đình chùa Xá Lợi tiểu bang Maryland, chính là một cái chuồng bò. Thuở ban sơ, thuở đầu đó, nơi ngồi đây, toàn là rơm. Người ta chứa rơm, chứa cỏ khô, có một cái lỗ ở giữa thả xuống tầng dưới để trâu bò ngủ ở dưới. Hoang sơ lắm! Cỏ dại nhiều, rắn rết nhiều, chẳng có bóng người, nơi này cách xa thủ đô 50 phút, thuộc miền quê của một thành phố nhỏ. Khi về đây chẳng ai theo bởi quá xa, và khi vào đây chẳng ai tới bởi chỉ là chuồng bò.
Khi còn sống ở thành phố, bạn bè nhiều, đệ tử nhiều, Phật tử cũng có, nhưng khi về đây, chẳng ai tới. Rồi làm sao? Ở tầng dưới nó ấm hơn bởi có 03 bức tường. Nơi đây trống vắng, điện không có, nước không có, nhà vệ sinh, nhà bếp không có, xứ Mỹ bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông, mùa Hạ nóng – nóng cháy da người, mùa Đông lạnh – lạnh đóng băng giá, Bảo Thành bắt đầu đời sống ở đây. Mùa Đông lạnh lắm! Nhưng ở tầng dưới có lớp rơm cũ và một lớp phân bò dày đến một thước. Chuồng bò đã bỏ hoang 50 năm trời rồi, vẫn còn những kỷ vật vô giá của nông trại để lại, đêm nằm có thể ngắm ngàn sao và ngửi được thoang thoảng mùi hương đồng nội hòa quyện giữa rơm và những tặng phẩm của bò nhưng ấm lòng. Không phải là cao siêu gì, nhưng bởi vì chính sự khủng bố làm cho tinh thần của Bảo Thành khủng hoảng, đâm ra cái đầu chai lì muốn thử thách một mình, sống trong sự thử thách để hiểu mình hơn, để biết mình hơn. Hay nói một cách khác, muốn thi gan với ông trời, coi ta và trời, ai chịu thua. Cho nên tới Mỹ, các bạn đều nghĩ đất nước siêu cường này có đầy đủ phương tiện, nhưng Bảo Thành về đây, nơi còn hoang sơ hơn cả miền quê nơi Việt Nam nữa, đều thiếu thốn mọi phương tiện, gia tài duy nhất là cái chuồng bò màn trời chiếu đất. Mùa Đông lạnh quá! Và một số Phật tử, người thân đã gửi áo ấm thật nhiều, Bảo Thành quấn còn hơn bánh tét nhiều lớp vào với nhau. Lạnh đến mức mà chui vào cái áo vải kín gọi là túi ngủ như con nhộng đó các bạn, chui vào đó ngủ. Lạnh, tự lấy hơi ấm của mình mà sưởi ấm cho mình.
Lúc đó, ông thân của Bảo Thành còn sống, nghe tin Bảo Thành vào đây, buồn lắm. Mẹ thì mất rồi, mẹ mất năm 1992, năm nay vừa tròn 30 năm, ông cụ giờ cũng đã mất tròn 05 năm rồi. Nhưng năm 2001 ông cụ gọi, nghe tin Bảo Thành vào đây, buồn. Gửi thư, lúc đó chưa có điện thoại để gọi, cũng không có YouTube hoặc Facebook, phương tiện như vầy để gặp nhau. Ông cụ viết thư tới tấp nói: “Cha mẹ cho con qua Mỹ để học, để thành công, để thành tựu. Sao con khờ dại chui vào chuồng bò làm chi?”. Mà đúng, khi sống ở nước Mỹ này có đầy đủ mà mình lại đi vào chỗ thiếu thốn sống. Hằng ngày, hằng đêm, từng giây phút, biết bao nhiêu những thổn thức ở trong lương tâm, ở trong tâm của mình nó trào dâng như sóng. Biết bao nhiêu những cảm xúc, biết bao nhiêu những câu hỏi nhưng cô đọng lại một câu hỏi đặc biệt: “Ta tu theo Phật để làm gì?”. Chỉ một câu hỏi đó, Bảo Thành đã sống ở Tổ đình, thuở đấy là chuồng bò 10 năm trời với phương tiện hoàn toàn trống không.
Lúc đó còn trẻ, đẹp có đó, cũng đẹp trai, cũng khoẻ, cũng mạnh, dõng mãnh, chẳng sợ. Cắt cỏ, đào đất, dọn dẹp rác rưởi, không ai tới. Cứ suy nghĩ rằng “Học Phật để làm gì và tu để làm gì?”. Nhiều câu trả lời lui tới nhưng cái giải quyết trước nhất là cái bụng vẫn thường đói mà đồ ăn không có, bếp không thể nấu. Rất may mắn, một số đệ tử còn thương chút, còn có chút tình thương khi mình sống ở thành phố, lui tới đây, lâu lâu thì thảy vài thùng mì khô và vài két nước. Bếp không có, làm gì để nấu mì ăn, trở về cái thuở cùng cực, lông lá, cứ xé từng gói ăn khô như vậy rồi uống nước. Mười năm trời chỉ mì gói mà thôi, mì gói không có nước các bạn, không có lửa, chỉ ăn đơn giản như vậy và uống nước. Vẫn có sức như con trâu nó bừa, cắt cỏ, dọn dẹp. Tần tảo như vậy và chỉ suy nghĩ rằng “Tu để làm gì, tại sao theo Phật?”. Trong hoàn cảnh đó, câu hỏi cứ lặp đi lặp lại nhiều lắm!
Trong 10 năm trời sống thuở hoang sơ ấy, đã 03 lần Bảo Thành đã muốn từ bỏ đời sống tu, từ bỏ ngôi chùa vì sự hối thúc của thân phụ và vì hoàn cảnh mà mình đương đầu thử thách, mình chai lì đó, đã làm cho mềm lòng bởi những mùa Đông quá khắc nghiệt. Có những năm tuyết phủ tới đầu, đi ra ngoài không có, không thể được, nhà vệ sinh không có đâu, sống như loài vượn, bới tuyết ra mà ngồi. Nay tâm sự về đời tu của chính mình trong một thời gian 10 năm, thấy biết bao nhiêu những kỷ niệm đã đi qua, thất thối Bồ Đề Tâm nhiều lần, bước đi bỏ chùa và muốn từ bỏ chí nguyện xuất gia bởi không nhìn thấy nó rõ như thế nào về Phật, về con đường đi tu, lúc đó mù mờ dữ lắm, rất mù mờ. Riêng chỉ còn một niềm tin duy nhất vào Thầy Tổ, bởi khi sống cùng với Thầy Tổ, Thầy Tổ là tấm gương sách tấn như người cha, như người ông. Mỗi khi thất thối Bồ Đề Tâm, chán nản và sợ hãi thì hình ảnh của Thầy mình, những âm thanh ngàn xưa đấy; gọi là ngàn xưa bởi vì Thầy Tổ cũng mất rồi, lúc đó mất rồi, Thầy Tổ mất năm 1994 sau mẹ 02 năm. Thì còn cái pháp âm ngàn xưa ngàn kiếp nào đó, Thầy Tổ còn vang vọng trong tâm. Lấy cái pháp âm vang vọng đó, lấy hình ảnh của Thầy Tổ và hình ảnh của mẹ để vực mình dậy trong những lúc sợ hãi và đương đầu với thử thách.
Cứ suy nghĩ thôi, “Tôi tu để làm gì và ông Phật có hay không?”. Chỉ một niềm tin duy nhất vào Thầy của mình và một niềm tin nữa là vào mẹ; hai điều đó nó mạnh, để 10 năm trời tuyết phủ giá băng, thiếu ăn thiếu uống, sống đơn giản như con khỉ đột trong rừng hoang nơi xứ người, ẩn thân nơi chuồng bò. Và rồi cuối cùng, mình nhận ra cái mục đích của mình đi tu đơn giản là để nhìn rõ, để nhìn rõ những cảm thọ của mình, cảm xúc của mình và để thấu được nguyên nhân tạo ra cảm xúc, gây ra những cảm thọ đó. Chỉ có vậy, vì sao? Vì những lúc đau buồn, sợ hãi, hoang mang, có ai bên cạnh để nói chuyện đâu. Thời đó chưa có phone tay thuận lợi như vầy; phone cùi bắp. Mà ở xa xa trong đây gọi không được, không có hình ảnh đâu, chỉ để đó, lỡ có trường hợp khẩn cấp thì gọi người thân hoặc gọi cảnh sát hoặc gọi nhà thương tới mang đi chôn thôi; mà không biết có gọi được, chết rồi làm sao chôn, làm sao gọi. Nhưng trong hoàn cảnh như vậy, mình chỉ nhìn mình, nhìn cảm xúc của mình, nhìn cảm thọ của mình. Bởi còn nhớ Thầy của mình dạy: “Con ơi, Phật dạy cho con, mà Thầy truyền lại, là hãy tập nhìn cảm xúc, cảm thọ. Vui thì phải biết vui, buồn biết buồn, khóc là phải biết khóc và nhìn rõ nguyên nhân làm sao ta buồn, làm sao ta khóc!”. Hôm nay kể hơi mắc cỡ, bởi thuở đó khóc nhiều lắm, tủi thân, là không còn Thầy, không còn mẹ, rồi bạn bè, đệ tử không ai tới, ở một mình, cái hương duy nhất có thể ngửi được là cái hương của phân bò, cái hương của rơm, của cỏ khô lâu ngày còn đó, hương của chuột, của những chú dơi ẩn ở trong này, vậy thôi. Cho nên nghĩ đến phận đời sống ở xứ cờ hoa đất nước Mỹ siêu kỳ mà phận mình lại chẳng có gì nên tủi, khóc. Khi khóc, nhìn nước mắt rớt xuống bờ môi mặn chát đó. Rồi lại cười, rồi lại vui, rồi lại buồn. Cứ nghe theo lời Thầy, nhìn vào cảm xúc, nhận ra những cảm thọ vui buồn, sướng khổ. Rồi hỏi thêm câu như Thầy Tổ dạy, Phật chỉ cho chúng ta; hỏi thử coi: “Tại sao ta buồn?”, “Tại sao ta khóc?”, “Tại sao ta vui?” và tìm ra cái nguyên nhân đó.
Không phải vu vơ như người trong đời thường, là “Không biết hôm nay tại sao tôi buồn?!”, “Tôi buồn vì trời mưa hay trời nắng?”, “Tôi buồn vì vắng bóng người yêu hay người thân?”. Cũng có những cảm xúc đó, bởi khi tuyết, khi mưa, cũng buồn mà chẳng biết, nó vu vơ. Cũng có cảm xúc đó, buồn bởi vì không người thân lui tới. Cũng cảm xúc đó, buồn bởi vì mình cũng như con người khác, có cảm tình, mà người thân, người mến mộ chẳng ai lui tới, cô quạnh, cho nên buồn lắm. Nhưng vẫn không quên được lời của Thầy dạy: “Con ơi,…!”. Tiếng đó nó vang vọng trong đầu đó các bạn: “Nhìn vào cảm xúc đi! Nhìn thử coi, tại sao buồn, tại sao vui?”!
Và cuối cùng, cuối cùng sau 10 năm, sau 10 năm trời đó các bạn, Bảo Thành mới nhận ra. Nhận ra đơn giản những cảm xúc của mình, những cảm thọ, tức là những điều mình mong muốn để vui hoặc những hạnh phúc, những điều mình muốn chẳng qua là bởi vì ta ôm ấp, ta mong muốn thôi. Và từ đó, khi không có, ta buồn. Nói đúng ra, là ta đã bị những cảm xúc của mình ràng buộc và nó tăng trưởng quá nhiều bởi ta chiều chuộng cảm xúc của riêng mình. Nhưng nếu một lần mình lì, mình liều mạng để cho cảm xúc đó nó dâng nó tràn, nó đổ nó thành sóng thần coi có chết không, thì mình sẽ có cơ hội nhìn sâu vào tận gốc rễ của những nguyên nhân tạo ra cảm xúc đó.
Thuở ấy còn là thanh niên, bây giờ chưa cụ mà hơi già rồi các bạn! Thanh niên thuở đó cứng đầu, gan lì, không sợ. Gan bằng gan cóc tía, thi gan với ông trời, nói rằng cảm xúc đó tới, cứ để nó tới coi sao. Khi hiểu được chẳng qua mình chỉ là kẻ ích kỷ, chỉ muốn người khác chiều chuộng mình, chỉ muốn người khác phục vụ mình, chỉ trông chờ những gì thuận lợi nhất tới với mình mà thôi. Và rồi thấy rằng, mọi cảm xúc vui buồn, sướng khổ cũng chính là bởi vì những ước vọng, những ước muốn lồng trong chữ của nhà Phật là chấp vào những cảm xúc của riêng mình. Đơn giản, Bảo Thành hiểu đơn giản vậy, suy nghĩ đơn giản như vậy! Và đã chiều cảm xúc thì thôi chiều cho tới bến, mà muốn chiều cho tới bến để được an vui, thì nghe thử lời Phật dạy coi như thế nào. Lúc đó mới lần mò mang lại lời của Tổ dạy qua kinh của Phật. Phật dạy những cảm xúc buồn, đau đớn, khổ và phiền não tới, là do những pháp ác, những điều ta làm không tốt. Suy nghĩ, thấy đúng, thấy đúng lắm! Còn muốn hạnh phúc, an lạc, vui, là những pháp thiện, những điều tốt ta làm. Cho nên khi tu, là ta tu cho ta. Ta làm điều ác là ta hại ta, ta làm điều thiện là ta đang ban tặng cho mình, ban tặng cho mình những tặng phẩm vô giá để được vui, được hạnh phúc, được an lạc. Tu là tu cho mình. Chỉ có vậy, hiểu được đó, thì tự nhiên trong lòng sướng lắm! Lúc đó mới biết rằng ta tu chẳng phải vì ai, ta tu vì chính ta. Và ta tu chẳng có điều gì gọi là huyền bí cao cả, mà ta tu, là nhìn thẳng vào những cảm thọ, cảm xúc của mình và nhận ra vui hoặc là buồn, đau khổ hoặc là hạnh phúc đều do ta tạo. Hiểu được rõ cái nguyên nhân, khổ là do pháp ác, hạnh phúc là do pháp thiện, phiền não do pháp ác, an lạc do pháp thiện, thiện – ác rõ ràng, nhân quả chẳng trốn được. Vậy tu là chuyển hoá cái gì? Cái ác! Thấy ác thì bỏ, thấy thiện thì làm và đó là sự tu cho chính mình! Biết bao nhiêu những kỷ niệm nhưng đây là kỷ niệm tuyệt vời nhất, vì sao? Vì tận trong thâm sâu khi nhận ra điều này, Bảo Thành đã vượt qua chông gai. Mà đúng, sau 10 năm ẩn tu như thế, chỉ hiểu được như vậy, nhưng năng lượng hoan hỷ trong lòng vui lắm! Và từ đó, mật ngôn Mu A Mu Sa trì hằng ngày, Bảo Thành lãnh nhận được năng lượng hoan hỷ, vui, thấy Phật thật là gần. Gần nơi đồng quê, gần nơi rơm rạ cả 50 năm bị bỏ quên, gần ngay nơi hương vị của những chất thải chồng chất cả thước. Những mùi mốc, những mùi ẩm, những mùi của súc vật lẩn trốn, mùi của dơi, nhưng vẫn thấy, thấy Phật thật gần!
Và qua mật chú NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, chẳng gọi là trí tuệ cao siêu gì nhưng ít nhất thắp sáng cho mình nhận rõ được chính mình, nhận rõ được con đường mình tu. Và như vậy, như người đã được tỉnh sau cơn mơ, mình hiểu rõ mình tu để làm gì trong lúc đó và mãi mãi. Tu là để nhìn rõ mọi cảm xúc của mình, mọi cảm thọ của mình. Hiểu nó tới từ đâu, nguyên nhân gì, nhìn cho thấu. Và hiểu được tu, là tu cho chính mình, tu để cho mình hạnh phúc và an lạc. Đơn thuần như vậy đã! Và đúng, khi năng lượng nó đã dâng lên, nó đã toả ra, đúng như ông cha đã dạy: “Hữu xạ tự nhiên hương”, Phật tử xa xa bắt đầu tới. Người xa lắm, có người từ California, có người từ New York, các tiểu bang lâu lâu ghé ngang, thảy vào đây vài thùng mì, vào đây chút nước. Nhưng cũng từ nhân duyên ấy, từ nhân duyên ấy, năm 2013 đã hội đủ nhân duyên để không phá vỡ cái tiền thân là chuồng bò nhưng sửa chữa lại để thành ngôi Tổ đình chùa Xá Lợi ngày hôm nay.
Bảo Thành chia sẻ với tâm tình đời tu của riêng Bảo Thành để sách tấn tất cả các bạn trên con đường tu, chúng ta nhất định sẽ phải một lần đương đầu bướng một chút, cứng đầu một chút với chính mình để phá vỡ đi sự bao bọc ở bên ngoài hay sự bao bọc của những ước mơ hão huyền để nhìn rõ thực tế cái đời mình tu. Tại gia hay xuất gia, mỗi một người trong chúng ta sẽ có nhiều cơ hội trực diện với nhiều hoàn cảnh khác biệt và có sự trải nghiệm để mình tự vấn bản thân: “Ta tu để làm gì?”. “Tu để làm gì?”, các bạn – Phật tử tại gia, có khi nào các bạn hỏi: “Mình tu để làm gì? Mình đồng tu để làm gì?”? Nếu nói thông thường, ta tu để có được phước, để bớt khổ, bớt phiền não; bạn có dám hỏi một câu nữa không? Là cái phiền não, cái đau khổ đó, nó tới từ đâu, do đâu, có phải do chính mình hay không? Bạn có dám hỏi thêm một câu nữa, là để có phước, thì phước đó ai ban, ai trao, ai tặng, có phải do chính ta tạo ra do những pháp thiện lành ta thực tập hay không? Hãy mạnh dạn hỏi điều đó, và trả lời cho chính mình, bạn sẽ củng cố được sức mạnh vô song vốn có nơi tâm Phật để vượt qua muôn trùng chướng ngại. Câu mà người đời thường gọi, là chúng ta dù bước qua hầm hố, chông gai, thử thách, bàn chân tuy mềm vẫn có thể in dấu trên những vùng đó để tiến về phía trước, dù đá cứng chân mềm không bao giờ gục ngã.
Kinh nghiệm của Bảo Thành, một chút tâm tình về đời tu của chính mình, 10 năm trải qua sự thực nghiệm, gan lì với trời đất, thuở thanh niên thật khoẻ, đẹp trai còn bây giờ lão rồi, già, sức cũng đã yếu, đẹp lão. Dù đẹp trai hay đẹp lão thì chúng ta nhớ, cái đẹp nhất vẫn là cái ý nghĩa cao cả của mình hiểu được mình tu để làm gì. Và những cái khổ, cái phiền não, nguyên nhân và ai tạo ra? Rồi cái hạnh phúc, cái an lạc tới từ đâu và làm gì để có? Hiểu và thấu được những điều đó, bạn sẽ đẹp vô cùng bởi cái đẹp của bạn không tới từ phấn son, từ sự trang điểm hào nhoáng bên ngoài, nhưng nó thoát ra từ sự nhẹ nhàng bởi bao nhiêu lo âu, phiền muộn đã rụng rơi do chính mình hiểu được con đường tu và thấu nghĩa được lời Đức Phật dạy.
Các bạn, tâm tình hôm nay chỉ vậy, dài lắm! Nếu nói tâm tình đời tu chắc phải nhiều tập, nhưng tập 01 tới đây chấm hết. Như một sự chia sẻ để các bạn thấy rằng mỗi một người trong chúng ta – tại gia hay mỗi một bậc tôn túc xuất gia, đều có những sự trải nghiệm thật khác nhau trên con đường tu. Tuy khác về hoàn cảnh, về những sự trải nghiệm nhưng đồng một chỗ nếu ta đi thấu, thì ta sẽ hiểu được ý nghĩa của đời tu chính là đoạn ác mà hành thiện, và tu là tu cho chính mình, sửa chữa những lầm lỗi để có được sự hạnh phúc, đầy đủ phước báu, sống đời an vui ngay bây giờ, tại đây. Mời các bạn trở về với hơi thở của Chánh niệm.
Thưa Phật! Mỗi người chúng con sẽ phải gặp thật nhiều thử thách trên con đường tu tại gia hoặc xuất gia. Nguyện xin Chư Phật gia trì cho chúng con hiểu rõ mục đích tu của mình, để từng bước chân có Phật dìu dắt, nở hoa Trí Tuệ, thấu rõ vạn pháp. Và dẫn chân trên con đường tu, tu cho mình, sửa lầm lỗi của mình bằng cách đoạn diệt pháp ác và tu hành những pháp thiện rất thực tế trong mỗi ngày của đời sống chúng con.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, đồng trì Mật chú, đón nhận Mật điển:
Mu A Mu Sa! NamMô TàMô TàMô ĐaRaHoang! Ma Sa Ốp Uê! (07 biến)
Hồi hướng:
Chúng ta hồi hướng công đức.
Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con hôm nay nếu tạo ra được chút phước báu nào nguyện hồi hướng cho tất cả mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo. Hồi hướng cho thế giới được hòa bình và cho tất cả chúng con đều tinh tất vượt qua được thử thách để thành tựu được ý nghĩa tu hôm nay đã hiểu.
Xin Chư Phật chứng minh!