Search

Bài 3025. Bỏ Lỡ Cơ Duyên| Thất Bảo#3 – Ma Sa Ốp Uê

Bảo Diệu Tâm đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Mô Phật! 

Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, và các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi. Chúng ta cùng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện xin Chư Phật ban truyền lễ quán đảnh Đại Thủ Ấn Trí Tuệ An Lạc Viên Mãn cho chúng con để chúng con đón nhận được năng lượng tình thương và thắp sáng đuốc Tuệ, quán chiếu trong Chánh niệm hơi thở, thấy rõ vạn pháp Vô Thường sanh – diệt, Khổ, Vô Ngã. Nguyện xin Chư Phật gia trì cho thế giới được hòa bình, chúng sanh được an lạc. Và nguyện xin Chư Phật gia trì cho chúng con nhận rõ được những cơ duyên đặc biệt học về Phật pháp. Xin Chư Phật chứng minh.

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta hãy lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Nguyện đời đời giữ giới và hành Thập thiện, nương vào Tam Bảo để tiến lên một đời sống cao thượng. Từng giây phút trong những mật ngôn của Mật Thiền song tu, chúng ta sẽ đón nhận được thật nhiều mật điển – tha lực của Chư Phật vào thân tâm. Chúng ta hãy bắt đầu.

Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Ma Sa Ốp Uê

(7 biến)

Mô Phật!

Bảo Thành kính chào tất cả các bạn đồng tu. Các bạn, chủ đề hôm nay là: “Bỏ Lỡ Cơ Duyên”. Cơ duyên hay cơ hội? Cơ duyên thường nói về con đường tu tập đi đến sự cao thượng. Cơ hội thường nói về những sự may mắn hoặc những trường hợp ta có thể ứng dụng vào đời sống, lợi lạc về vật chất, tinh thần, tình cảm. Dù là gì đi nữa thì chúng ta cũng cần nói sơ qua, tại sao chúng ta thường bỏ lỡ những cơ hội? Và theo chủ đề, chúng ta thường bỏ lỡ những cơ duyên.

Sống trong cuộc đời này mỗi một người chúng ta luôn cần nương nhờ vào người khác, đặc biệt là ông bà, cha mẹ để được sinh ra đời, được sống, được nuôi dưỡng, được giáo dục và chăm sóc đúng. Hầu hết tất cả mọi đứa trẻ như chúng ta thuở xưa, luôn phải được nhờ ơn, nương nhờ vào đấng bậc sinh thành. Nhờ vậy mà mỗi người chúng ta đã có cơ hội hấp thụ được những nền giáo dục cao, và được dìu dắt, hướng ý để có được sự nghiệp, công danh, có được nền giáo dục cao để thành tựu, để sống bình an hạnh phúc. Nếu có được sự nương nhờ như vậy, ta sẽ thành công nhiều lắm. Còn nếu không có sự nương nhờ vào các đấng ấy, chúng ta khó có thể thành công. Trên con đường học đạo, chúng ta cần phải nương nhờ vào nơi tốt đẹp nhất, bởi con đường học đạo là con đường tiến lên sự cao thượng của đời sống tâm linh. Nói về Phật giáo, nếu Phật tử chúng ta có nhân duyên nương vào Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo, chúng ta sẽ được hướng dẫn, được giáo dục, được thực tập, được nuôi dưỡng trong một môi trường đầy đủ để tiến lên một đời sống cao thượng hơn. Chúng ta thực sự là những người không bỏ lỡ cơ duyên học Phật, bởi đang đồng tu với Bảo Thành hoặc đang đồng tu với các bậc Tôn Túc và học hỏi các pháp môn phương tiện phù hợp. Do đó các bạn đã có cơ duyên.

Nhưng nói về “Bỏ lỡ cơ duyên” trong cuộc đời, hình như ai chúng ta khi ngồi nghĩ lại cũng từng hay nuối tiếc. Có những cơ duyên rất đặc biệt tới với mỗi người. Và mỗi một người chúng ta tùy theo nhân duyên, tùy theo nghiệp chướng của chúng ta mà cái cơ duyên học Phật khác thật nhiều. Chúng ta không nói về chính Đức Phật, bởi cơ duyên của Ngài là một sự tích lũy từ vô lượng kiếp tu tập và rồi đi đến cơ duyên tự giác tự ngộ. Nói đến các hàng đệ tử lớn của Chư Phật, năm anh em Kiều Trần Như cũng có một cơ duyên rất đặc biệt là được tu cùng với Phật. Khi chưa giác ngộ, theo hạnh biệt lập ở trong rừng khổ hạnh, nhờ cái cơ duyên đó mà khi Đức Phật giác ngộ rồi, Ngài mới tới để tìm năm người họ mà giảng pháp. Rất may trong sự khinh thường của Phật pháp, cái duyên đồng hành khi xưa vẫn còn nên năm người anh em Kiều Trần Như vẫn ngồi nghe và sẵn tâm lắng nghe Đức Phật khai thị. Từ đó đi đến sự chứng đắc, trở thành năm vị đệ tử đầu tiên. Họ đã không bỏ lỡ cơ duyên khi gặp bậc giác ngộ.

Thật là nhiều gương các bậc đại đệ tử đã không bỏ lỡ cơ duyên dù tất cả các vị ấy đều có chức vị, đều có thế đứng trong xã hội và tâm linh thuở ấy. Như ông Ca-Diếp thì ông cũng là một giáo chủ của một tông phái thời đó, dưới ông ta có cả 500 đệ tử và biết bao nhiêu những cận sự nam, cận sự nữ (những người tín đồ nam, nữ theo ông ta). Đường đường chính chính là một người ở cái ngôi vị giáo chủ của một tông phái, thế nhưng khi gặp Đức Phật nói qua và hướng dẫn một số pháp, ngài (ông Ca-Diếp) liền từ bỏ cái chức phận danh giá, cao cả, là giáo chủ của một tông phái để trở thành một người rất bình thường, xin Phật nhận làm đệ tử và từ đó theo Phật để học pháp. Đứng trên một cái danh vị, một cái thế đứng lớn thuở ấy, nhưng khi nhận ra Đức Phật là bậc giác ngộ, ông Ca-Diếp đã không bỏ lỡ cơ hội, sẵn sàng từ bỏ chức vị.

Các bạn, nếu như các bạn đang đứng ở một địa vị nào đó trong xã hội, tầm cỡ của một niềm tin, của một tôn giáo, hay của một cái chức phận gì đó mà dưới trướng của các bạn có nhiều người theo, thì khi gặp một bậc minh sư, một đấng giác ngộ, một giáo lý giải thoát đau khổ, bạn có dám từ bỏ cái danh phận hão huyền kia để đi theo hay không? Có dám như ông Ca-Diếp hay không? Hay lại bỏ lỡ cơ hội? Như ông Xá-Lợi-Phất, ông ta là một bậc thầy về tôn giáo cổ của Ấn Độ là Bà-La-Môn, ông ta thông thạo Kinh Vệ Đà, là kinh sách của Bà-La-Môn, trong đó có đầy đủ những nền kiến thức tích lũy nhiều đời. Thế nhưng khi gặp Đức Phật, khi nghe tới Đức Phật, ông ta liền rủ người anh em đồng môn thân với mình là Mục Kiền Liên tới thỉnh Phật. Hai ông này đều là những vị trưởng giả Bà-La-Môn, thông thạo dữ lắm, trưởng bối, tuổi còn trẻ, học thức cao, có quyền lực, có danh phận, nhưng chẳng bỏ lỡ cơ hội để làm đệ tử của một bậc giác ngộ là Phật. Hai ông đã từ bỏ danh phận cao cả của Bà-La-Môn theo Phật.

Sơ sơ qua ta thấy những bậc có trí tuệ thường không bao giờ bỏ lỡ cơ duyên khi có cơ hội tiếp cận với bậc giác ngộ. Họ chẳng níu kéo, họ chẳng giữ những cái danh phận hão huyền ở đời phong, mà họ sẵn sàng từ bỏ tất cả để đi vào con đường chân thật. Họ chẳng bỏ lỡ cơ duyên, vậy nên họ đã trở thành những bậc giác ngộ. Trước cả khi năm anh em Kiều Trần Như, ông Ca-Diếp, Xá- Lợi-Phất, Mục Kiền Liên, Phú Lâu La, trước cả như ông A-Nan và các bậc đại đệ tử khác theo học Phật, trước cả khi đã được lập Tăng đoàn có Tam Bảo thì trở về cái thuở đầu tiên khi Phật mới giác ngộ. Lúc đó chưa thành lập Tăng đoàn bởi Ngài chưa có đệ tử, mới giác ngộ ở dưới gốc cây Bồ Đề, Ở Bodh Gaya, trong khi ngồi dưới một tàn cây lớn, có hai anh em thương buôn kia, họ là thương gia, họ có đến 500 giai nhân và 500 xe ngựa chở hàng hóa buôn bán tứ phương, mà chỉ nghe thấy ở ngay đây có một bậc giác ngộ, nghe nói có một bậc thánh nhân, có một vị Phật ở đây, hai anh em thương buôn này đã không bỏ lỡ cơ duyên, sắm sửa đồ cúng dường và phẩm vật cúng dường đã đi tới Bodh Gaya để cúng dường cho Phật một bữa ăn. Thấy dung nhan bậc giác ngộ tỏa sáng dưới ánh hào quang của năng lượng Từ Bi, hai vị thương gia này một lòng thành kính xin Đức Phật nhận làm đệ tử tại gia (có nghĩa là cận sự nam – Phật tử quy.) Thời đó chưa có Tăng đoàn, Phật chưa nhận đệ tử ai hết, chỉ có Phật và Pháp, Phật đã cho hai anh em thương gia này là ông Tapusa và ông Bhallika, hai anh em được quy y theo Phật Bảo và Pháp Bảo. Và ta có thể nhận biết rõ, chính hai người cư sĩ tại gia, chính hai người thương buôn này đã không bỏ lỡ cơ duyên để gặp Phật đầu tiên. Và là hai người đầu tiên được Phật nhận làm đệ tử, đệ tử cư sĩ, là Phật tử đó quý vị.

Năm anh em Kiều Trần Như là sau cả hai vị thương gia này. Lúc đấy chưa có Tăng Bảo, và cũng chẳng bỏ lỡ cơ duyên được quy y với Phật, với Pháp, hai vị này còn xin Phật cho họ một cái gì đó để kỷ niệm, để tôn thờ, để nhớ về Phật và Pháp. Phật đã lấy ít tóc của Ngài tặng cho hai ông (theo ngôn ngữ Phật giáo gọi là: “Xá Lợi Tóc”). Hai ông này là hai thương gia gốc từ Miến Điện bôn ba tứ xứ làm ăn, nghe thuyết pháp được Phật tặng tóc, người anh là Tapusa đã chứng vào cái dòng Thánh, thoát khỏi khổ. Còn người em là Bhallika sau này đã xuất gia làm vị tỳ kheo của Phật và tu tập chứng quả A-la-hán. Ngày nay, những dấu tích của hai vị thương gia, cư sĩ tại gia, đệ tử đầu tiên của Phật tại Miến Điện vẫn còn. Xá lợi tóc của Phật vẫn còn lưu giữ ở trong cái tháp ở thủ đô Yangon Miến Điện ngày nay. Nếu ta tới đó, chúng ta vẫn có cơ hội chiêm bái Xá Lợi Tóc của Phật.

Bảo Thành điểm sơ qua để thấy rằng những bậc có trí tuệ, những bậc có kiến thức, những bậc có tâm đạo, dưới mọi hoàn cảnh là danh gia vọng tộc, là trưởng giả, là các bậc thầy trong xã hội thời đó, hay chỉ là thương gia, khi có cơ duyên họ không bao giờ bỏ lỡ, họ tới với Phật. Những bậc mà chức cao, quyền trọng ngày xưa như ông vua Ba-Tư-Nặc, Tần-Bà-Sa-La, A-Xà-Thế, vua Lưu Ly, các vương hầu, các công tử, các hoàng hậu đều luôn luôn không bao giờ bỏ lỡ cơ hội để đón lấy cái nhân duyên diện kiến Phật học Pháp. Các bạn, đó là bởi vì Đức Phật ngày xưa còn hiện diện trong cuộc đời và ai nếu có cơ duyên gặp được Ngài thì không bao giờ bỏ qua. Còn trong thời nay, chúng ta có cơ duyên gặp được Phật hay không?

Thông thường chúng ta cứ nghĩ Phật là phải là một bậc thần thông cao cả, hiện thân nơi những cái danh thật là cao, ở những chức vị như là Thượng sư, những cái chức vị gọi là Minh sư cao cả, những chức vị như là Phật sống, chứng đắc quả vị Phật A-la-hán, ở những cái chức vị như Phật tái sanh, Bồ Tát tái sanh. Bảo Thành và các bạn muốn nghĩ Phật phải tới từ những cái địa vị cao như thế. Nhiều kiếp rồi chúng ta nghe những cái danh như những bậc Vô Thượng sư, chúng ta liền chạy tới để gặp Phật nơi vị Vô Thượng sư ấy. Chúng ta nghe những cái danh như Minh sư tối cao, Thần thông tái thế là chạy tới, không bỏ lỡ cơ duyên để gặp Phật. Ta nghe tới những cái danh những vị Phật sống ở trên đời chứng đắc quả Phật là ta bỏ hết, không bỏ lỡ cơ duyên chạy tới để gặp Phật. Ta nghe những bậc Bồ Tát tái thế, tái sanh trở lại nắm giữ chức Bồ Tát, chức Phật, từ đời này qua đời kia, ta lao tới, không bỏ lỡ cơ duyên để gặp Phật. Và hình như cái danh càng lớn sự lôi kéo càng mạnh. Và chúng ta khi tới với những vị đó, chúng ta thấy những vị đó ngồi trên cái tòa thật cao, được trang phục bằng những y áo đủ màu sắc, và có biết bao nhiêu những cận vệ, thị vệ, thị giả đóng vai đứng xung quanh, cái uy lực của các vị đó ta luôn nghĩ rằng Phật là chỗ này đây, ta theo.

Nhưng nếu chúng ta trở về với hai anh em thương gia Tapusa và ông Bhallika, thì khi tới cái gốc cây ngay đạo tràng Bồ Đề đó, Đức Phật hình dáng lúc ấy chỉ là một người bình thường. Bởi y áo cũng chỉ là những tấm vải rách mục, và dĩ nhiên khi nhìn thấy không thể nhận ra được danh giá của Ngài. Nếu không có tâm tịch tĩnh, có lòng cầu đạo thì chẳng nhận ra Phật. Nhưng nếu ngày nay chúng ta thấy những con người như vậy thì chúng ta chẳng bao giờ màng tới. Bởi chữ Phật và cái cơ duyên gặp được Phật được lồng vào trong những ngôn từ quá cao như: Minh Sư, như Vô Thượng Sư, như Phật sống, Bồ Tát tái sanh, đủ những cái phẩm hạnh cao cả. Và cứ như thế, chúng ta đã rượt đuổi theo những cái cơ duyên của những hàm vị, của những học vị, của những cái chức danh tự xưng, hay trao tặng cho nhau. Và cuối cùng mỗi người chúng ta có thực sự tìm được cái cơ duyên đó, tranh thủ cái cơ duyên đó và gặp được Phật hay không? Hay cũng chỉ gặp được một mớ kiến thức văn chương, chữ nghĩa, diễn giải về Đức Phật mà thôi? Hoặc là những câu tán tục tự thân, nâng cao lên chín tầng trời của cái vị ấy, và được cài đặt, sắp xếp, theo một cái nguyên tắc làm mê hồn các bạn hay không?

Các bạn, chúng ta thực sự đã bỏ lỡ cơ duyên thật nhiều để gặp Phật. Cơ duyên gặp Phật chẳng phải qua những danh từ như Vô Thượng Sư, Minh Sư, Phật sống, Bồ Tát tái thế. Chúng ta thấy ngày nay có những phái, pháp môn của những quốc gia, họ xếp đặt ở những cái tầng lớp cao quá. Bởi vì những bậc thầy trong các giáo phái đó, pháp môn đó, tông môn đó, thường là những vị Bồ Tát thôi, tái sanh trở lại để dạy chúng sanh, hoặc là vị đó là Phật nữa, đủ danh xưng hết. Cái danh càng lớn, lôi kéo càng nhiều và mọi người hình như luôn lui tới. Bảo Thành không nói đến cái cơ duyên gặp những bậc quá lớn như vậy, lớn đến mức kinh khủng làm hãi hùng tâm can của mọi người khi hiểu thấu và nhận ra. Nay nói đến những cái cơ duyên mà Đức Phật dạy, cơ duyên mà Đức Phật dạy gặp được Phật, gặp được Pháp, gặp được Tăng ở ngay trong Tứ Thánh Đế. Cái Đế đầu tiên, tức là sự chân thật đầu tiên, đó tức là “Khổ”. Khi chúng ta thấy khổ dưới mọi hình thức chính là cơ duyên để gặp Phật. Khổ về thân bệnh, khổ về thân nghèo, khổ về thân không lập nghiệp thành công, không có kiến thức, khổ về thân bị đầy đọa, bị khinh thường. Khổ… khổ… muôn điều xảy ra trong đời. Khổ vì thất bại, khổ vì bị khinh thường, khổ vì muốn mà không thành, ước mà không được. Khổ vì những thứ xảy ra ở trong đời ta chẳng làm chủ. Chính những cái điều khổ này là cơ duyên tuyệt vời để ta gặp Phật, gặp Pháp, gặp Tăng, gặp Tam Bảo để nương nhờ vào Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo để giải thoát, để an lạc, để hạnh phúc. Chứ đâu cần phải tìm nơi rừng hoang, núi lạnh, hoặc những hàm vị chức sắc cao tự phong cho nhau. Không cần!

Bài học Tứ Thánh Đế – Chuyển Pháp Luân đầu tiên tại vườn Nai cho năm người đệ tử xuất gia đầu tiên là năm anh em Kiều Trần Như. Mấu chốt ngay từ đây, gặp Phật ngay từ đây, cũng giác ngộ ngay ở chỗ này. Tức là Khổ! Ai trong chúng ta cũng đã từng trải qua biết bao nhiêu cái Khổ của cuộc đời. Nhỏ có cái khổ nhỏ, lớn có cái khổ lớn. Người có kiến thức có cái khổ của người có kiến thức. Người không có kiến thức có cái khổ của người không có kiến thức. Người thành công cũng có cái khổ của người thành công. Thất bại ê chề cũng có cái khổ của thất bại ê chề. Quốc độ nào, con người nào, nơi nào, chỗ nào, hoàn cảnh nào, không gian nào, đã là con người ai ai cũng phải đương đầu với Khổ. Khổ chính là cơ duyên để cho chúng ta diện kiến Phật, Pháp và Tăng – Tam Bảo thường trụ trong thế gian.

Các bạn tự hỏi: Bạn có bao giờ khổ chưa? Có! Nhưng bạn đã bỏ lỡ cơ duyên khi khổ. Bởi vì khi khổ, bạn chưa bao giờ được nhắc nhở rằng đó là bài học đầu tiên Phật dạy: nhìn vào khổ, hiểu được khổ là có cơ duyên gặp Đức Phật. Cho nên khi khổ tới, bạn không quán chiếu để gặp Phật, Pháp, Tăng. Khi khổ tới, bạn và Bảo Thành đã than thở, đã trách móc, đã thù hận, đã ai oán, đã phiền muộn, và đau khổ càng đau, càng đau ở trong lòng hơn. Nhìn lại đi! Các bạn và Bảo Thành đau khổ thật nhiều. Nhưng trong cái sự đau khổ đó, ta không nhìn rõ: Đấy chính là cơ duyên Phật dạy trong bài pháp đầu tiên về Tứ Thánh Đế, Khổ đế. Con đường Khổ đế là con đường giúp cho chúng ta có cơ duyên nhận ra Phật, Pháp, Tăng nhưng ta không làm như vậy. Khổ, ta kể lể, ta khóc lóc, ta giãy giụa, ta oán trách. Rồi trong cái khổ đó thay vì cơ duyên gặp Phật, ta không tìm Phật trong cái duyên bị khổ, ta đã đi tìm thầy tà, tìm ma, tìm quỷ, lao đầu vào trong mê tín dị đoan. Để rồi khổ tăng thêm khổ, não phiền tăng thêm não phiền, bệnh tật tăng thêm bệnh tật. Cứ thế ta tự đầy đọa thân ta, và chúng ta đã bỏ lỡ cơ duyên để gặp Phật, Pháp, Tăng.

Vì sao? Như lúc đầu Bảo Thành đã nói: Ta đã bị tẩy não, không nhận ra cơ duyên gặp Phật qua cái sự khổ, mà cứ mong cầu gặp Phật qua các danh như các đấng bậc Vô Thượng Sư, các đấng bậc gọi là Minh sư tái thế, Bồ Tát giáng trần, Phật hiện thân. Những cái danh xưng lớn nào, ta cho đó là cái cơ duyên gặp Phật. Bao nhiêu ngàn năm qua, những cái danh phận như vậy vẫn luôn luôn được lưu giữ, luôn luôn được tán tụng, luôn luôn được lợi dụng để mà truyền bá Phật pháp. Nhưng những người tới để học dưới những cái danh xưng cao cả ấy liệu có giác ngộ được hay không? Liệu có được gặp được Phật hay không? Hay chỉ gặp Phật nơi hình tướng xây dựng bằng sự tưởng tượng của con người khéo léo xếp đặt hệ thống hóa con đường Phật giáo?

Các bạn! Chúng ta vì lẽ đó đã nhiều đời nhiều kiếp, và ngay trong kiếp này vẫn còn lao đầu vào như những con thiêu thân để tự giết chết cuộc đời của mình khi không nhận ra ngọn lửa của tham, sân, của quyền danh chức lớn, tự hủy mạng sống của mình, đánh mất cơ duyên gặp Phật, Pháp, Tăng. Mấy ai chỉ cho bạn thấy rằng, chính nơi cái khổ cuộc đời bạn đang đương đầu là cơ duyên tối thượng để bạn có thể gặp được Phật bảo, gặp được Pháp bảo, gặp được Tăng bảo hay không? Chỉ có Phật mà thôi!

Mật Thiền song tu là một pháp môn phương tiện, hướng dẫn cho chúng ta dùng cái phép thở Chánh niệm trong Bát Chánh Đạo. Bát Chánh Đạo là một trong những tứ đế Phật dạy đầu tiên là

Khổ đế – tức là khổ

Tập đế – tức là nguyên nhân gây ra khổ

Diệt đế – tức là hạnh phúc

Và Đạo đế – tức là phương thức để kiến tạo hạnh phúc

Chánh niệm hơi thở của Mật Thiền thể nhập vào trong ba mật ngôn hiện thời:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Ma Sa Ốp Uê

Đưa chúng ta vào sự thiền quán của Tạng Mật uyên thâm, nhận lãnh được mật điển vào thân tâm của ta. Qua mật điển đó, ta nhận được tha lực của Chư Phật ban truyền, phối hợp nhịp nhàng với cái tự lực phát nguyện cầu đạo giác ngộ, cầu đạo gia hộ, cầu đạo giải thoát khỏi luân hồi sinh tử, chúng ta nhận được tha lực mật điển thật nhiều. Và muôn sự khổ của cuộc đời ta đang đương đầu đó, ta nhận rõ hơn, nhìn rõ hơn. Trong cái khổ đó, ta sẽ thấy được ứng hóa thân của Phật nơi mật điển của Mật Thiền hiện hữu qua năng lượng của Từ Bi, Trí Tuệ và Tỉnh Giác.

Các bạn! Đây lại là một cơ duyên tuyệt vời, bởi trên miền đất khô bị khổ nó làm cằn cỗi  chính là nơi ta có thể gieo những chủng tử thiện lành bởi các pháp thiện đã thực hành mỗi ngày. Cơ duyên vô cùng! Bạn đừng trông chờ, huyễn ảo chạy theo những cái phong trào của những câu chữ quá lớn mà hãy khiêm tốn trở về với Phật. Nhớ! Hai anh em thương gia Tapusa và Bhallika chỉ nghe tới danh của Phật thôi, với một lòng thành kính đã sắm đồ tới cúng dường cho Ngài và xin Ngài quy y và xin Phật tặng cho bửu bối là Xá Lợi Tóc. Trong Mật Thiền song tu, chúng ta là những Phật tử bôn ba trong cuộc đời vô lượng kiếp qua với biết bao nhiêu khổ, khổ đầy ải trong cuộc đời. Nay với cái nhân duyên đón nhận được mật điển tha lực của Chư Phật, ta có như hai vị thương gia kia là xin Phật quy y, ta có sẵn sàng quy y Phật, Pháp, Tăng chưa? Hai vị đó đã quy y Phật, Pháp, và xin Phật cho cái bửu bối là Xá Lợi Phật, ngày nay còn lưu truyền tại Miến Điện. Ta khi tiếp cận với mật điển của Phật, ta có xin thỉnh nơi Phật năng lực Từ Bi, Trí Tuệ và Tỉnh Giác hay không?

Phật không bao giờ khước từ sự thỉnh cầu của chúng ta. Hai vị thương gia đầu tiên đã được Phật ban tặng tóc của Ngài. Các vị đệ tử sau này đã được Phật ban tặng Trí Tuệ qua sự hướng dẫn và thực hành, chứ không phải là trao truyền Trí Tuệ bằng cách lấy Trí Tuệ cài đặt vào đầu, mà lấy kiến thức để khai mở Trí Tuệ. Chúng ta nhất định khi nói với Phật: “Phật ơi! Con xin quy y Phật, Pháp và Tăng, bởi con thấy cơ duyên trong cái khổ của cuộc đời con nhận ra Phật. Xin Phật cho con một dấu chỉ để đi trên dấu chỉ ấy con thành tựu được sự an lạc”. Dấu chỉ ấy chính là mật điển Từ Bi, Trí Tuệ và Tỉnh Giác. Nếu bạn thỉnh trong Mật Thiền, trong Chánh niệm trong hơi thở vào ra, trong mật ngôn ta trì tụng, ta thỉnh cái năng lượng Từ Bi, ta thỉnh Trí Tuệ của Chư Phật, ta thỉnh Phật ban tặng cho chúng ta sự Tỉnh Giác thì nhất định như hai nhà thương gia kia, Tapusa và Bhallika, sẽ có được tóc của Phật. Ta sẽ có được mật điển của Phật lưu truyền vào thân tâm, khai sáng con đường chuyển hóa khổ đau và an trú trong sự an lạc hạnh phúc.

Các bạn! Không cần biết các bạn đang tu pháp môn nào, không cần biết các bạn đang học ở chùa nào, thầy nào, chỗ nào, truyền thống Phật Giáo nào, tất cả đều là những cơ duyên tuyệt vời. Nhưng cái cơ duyên gần gũi nhất với chúng ta là cơ duyên mỗi khi chúng ta chứng kiến được sự đau khổ nơi tự thân của mình, đau khổ bởi vì bệnh, bởi vì già, đau khổ bởi vì sanh ra trong các hoàn cảnh éo le, đau khổ bởi vì cái sự chết, đau khổ bởi vì cầu mà không thành, hoặc là những điều mà chúng ta như ý muốn chẳng tới và phải chia tay với những người yêu thương, hoặc trong những môi trường khó khăn. Những sự đau khổ và phiền não đó tới với chúng ta hằng ngày trong cuộc sống. Mỗi một giai đoạn chúng ta chúng ta có nhiều sự trải nghiệm về đau khổ, thì từng giai đoạn trong cuộc đời sự trải nghiệm về sự đau khổ ấy luôn luôn có mặt. Và sự có mặt của đau khổ là có mặt của những cơ duyên lớn để gặp Phật, Pháp và Tăng. Đừng lao đầu theo những cái phong trào, chìm đắm trong những danh của những hàm vị cao của những danh Vô Thượng Sư, Minh sư, Phật sống, Bồ Tát tái sanh, mà nhìn ngay vào cái khổ của mình là cơ duyên thấy được Phật, được Pháp và được Tăng.

Các bạn! Khổ của ta chẳng ai có thể mang đi được. Khổ của ta chẳng ai có thể kéo nó ra, lôi nó ra được. Khổ của ta chỉ của ta mới chuyển hóa được. Nhưng chính nơi cái khổ của ta đó, ta sẽ có được cơ duyên gặp được Phật, Pháp, Tăng để được học, được giáo huấn, được truyền dạy, được tu luyện những mật pháp vi diệu, để bước qua cái khổ của cuộc đời, nếm được hương vị của an lạc và hạnh phúc. Mỗi khi các bạn khổ đó là cơ duyên, đừng bỏ lỡ cơ duyên nơi cái khổ của chính mình để gặp Phật, Pháp, Tăng. Bảo Thành muốn chia sẻ một chút xíu dưới một góc độ nhìn khác về cơ duyên gặp Phật, Pháp, Tăng để tu. Cơ duyên đó chính là cái khổ của chúng ta.

Các bạn thân mến! Mật Thiền song tu là một phương tiện vi diệu để chúng ta qua cái khổ của đời mình có được cơ duyên gặp được mật điển Từ Bi, Trí Tuệ và Tỉnh Giác trong từng hơi thở của Chánh niệm, bởi sự đồng tu chung với nhau mỗi ngày. Các bạn đừng bao giờ bỏ lỡ cơ duyên này, nếu đã có cơ hội nghe qua, đồng tu với Bảo Thành.

Các bạn! Chúng ta trở về với Chánh niệm hơi thở.

Thưa Phật! Các đệ tử của Ngài đều có những cái cơ duyên đặc biệt để gặp Ngài. Và họ đã nhận ra, tranh thủ để lãnh nhận sự ban truyền giáo pháp của Ngài. Chúng con trong đời mạt Pháp này cũng có cơ duyên đặc biệt trải nghiệm trong đau khổ và tiếp cận được với Mật Thiền song tu để lãnh nhận được tha lực mật điển Từ Bi, Trí Tuệ và Tỉnh Giác mà nhận diện ra được Phật, Pháp, Tăng đồng hành với chúng con mỗi ngày trong cuộc sống này. Xin Phật gia trì cho chúng con.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Ma Sa Ốp Uê

(7 biến)

Chúng ta hồi hướng công đức

Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con nếu tạo được phước báu nào, xin nguyện hồi hướng cho thế giới được hòa bình và chúng sanh thành tựu được đạo quả. Xin Chư Phật chứng minh!

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn