Search

Bài 3018. Biết Ơn Và Đền Ơn | Thất Bảo#3 – Ma Sa Ốp Uê

Bảo Uyên đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý thầy, quý sư cô và các bạn đồng tu trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi. Chúng ta với một lòng thành kính hãy cùng nhau quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con thành kính nguyện xin chư Phật ban truyền lễ quán đảnh Đại Thủ Ấn Trí Tuệ An Lạc Viên Mãn cho chúng con để chúng con biết khởi nguồn yêu thương, thắp sáng đuốc Tuệ, quán chiếu thấy rõ vạn pháp Vô Thường sanh diệt, Khổ, Vô Ngã. Chúng con một lòng thành kính xin chư Phật gia trì cho các vị lãnh tụ các quốc gia trên thế giới chấm dứt chiến tranh và thành lập nền hòa bình. Nguyện xin chư Phật tác đại chứng minh.

Các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta cùng đồng tu với nhau, gắn kết mật thiết với mười phương chư Phật, chư Bồ Tát, thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, Từ Bi và Trí Tuệ. Từng giây phút trong Chánh niệm hơi thở, mỗi người chúng ta sẽ đón nhận thật nhiều sự ban rải năng lượng của chư Phật. Một lòng thành kính, chúng ta đón nhận năng lượng Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác và hồi hướng tới cho muôn loài.

Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Ma Sa Ốp Uê

(7 biến)

Mô Phật! Các bạn thân mến, trong sự đồng tu của chúng ta, pháp môn Mật Thiền song tu qua hơi thở Chánh niệm Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác, quán chiếu toàn thân tâm. Ba mật ngôn này có năng lượng siêu thế, có mật điển truyền vào để chúng ta nương vào tha lực mật điển đó quán chiếu và thấu rõ được cuộc đời của mỗi người. Ta tiếp được năng lượng tình thương của Phật, của Bồ Tát, để chữa lành tất cả mọi vết thương trong cuộc đời nhiều đời ta đã tạo ra, ta thắp sáng Trí Tuệ nương vào sự giác ngộ của Phật để ta nhìn rõ các pháp Vô Thường sanh diệt, tạo Khổ và các pháp đều Vô Ngã. Ta thể nhập vào Đại Thủ Ấn Trí Tuệ An Lạc Viên Mãn tâm Tỉnh Giác để thoát mê, để chuyển hoá những chấp trược trong cuộc đời. Từng giây phút thở vào thở ra mỗi người trong chúng ta tuỳ theo nhân duyên phước báu mà đón nhận được thật nhiều mật điển, tha lực của chư Phật.

Các bạn thân mến, chủ đề hôm nay “Biết Ơn và Đền Ơn”, một chủ đề cao siêu, thật cao siêu với những từ ngữ đơn giản. Hầu hết chúng ta cứ nghĩ Phật giáo là con đường cao siêu tàng ẩn trong những ngôn ngữ gọi là siêu thế, xuất phàm. Có ngờ đâu con đường Đức Phật dạy được gọi là Phật giáo lại là một con đường thật bình giản dễ hiểu, thật gần gũi với nhân cách làm người. Ở trên đời mà các bạn cùng với Bảo Thành chúng ta không biết ơn, chúng ta không biết đền ơn, chúng ta không xứng đáng làm người. Đã là người, dù có lớn hay nhỏ thì thọ ơn nghĩa đó ta phải biết và ta phải đền được cái ơn đó. Nhiều người trong chúng ta đã sống vô ơn bạc nghĩa. Những người như vậy phước báu chẳng còn, công đức hao tổn và dĩ nhiên sự may mắn trong cuộc đời thật hiếm muộn, sự xui xẻo thì gõ cửa lui tới liên tục. Nói về cái kiếp sau được hưởng, mà ngay kiếp này chúng ta không có sự bình an thì chẳng thể. Sự bình an, phước báu và công đức chỉ có thể tới khi chúng ta có lòng biết ơn và biết đền ơn mà thôi. Không chỉ có ông bà cha mẹ, sách cổ xưa dạy dỗ hoặc chính Đức Phật đã dạy điều đó cho chúng ta.

Đức Phật dạy cho chúng ta phải biết ơn và biết đền ơn. Đừng nghĩ Đức Phật chỉ dạy cho chúng ta cái cách làm sao đó để thành Phật, thành Bồ Tát bay bay lơ lửng tưng tửng ở trên những cái ý tưởng cao siêu nhiệm màu mà không sống chân thực với đời người. Phật dạy cho ta phải biết ơn và biết đền ơn. Biết ơn và biết đền ơn là rất người, là thực tế ở trên hành tinh này khi còn mang thân kiếp của con người. Nếu bạn không biết ơn, không biết đền ơn, bạn đâu là người. Những cái pháp nhiệm màu cao siêu mà bạn tửng tửng bơ bơ hướng vọng, tưởng tượng chỉ là huyễn giả không có thật, không thực tế. Trong kinh A Hàm, phẩm thiện tri thức, vào một thuở nọ ở thành Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Độc có nghĩa là ở thành phố Xá Vệ nơi khu rừng của thái tử Kỳ Đà cúng dường cho Phật. Tại cái vườn mà ông Cấp Cô Độc cùng với thái tử Kỳ Đà đó cúng dường cho Phật để lập nên cái chùa đầu tiên gọi là tịnh xá Kỳ Viên, nơi chính xứ ấy Đức Phật đã giảng cho hàng đệ tử của mình một bài kinh về Biết Ơn và Đền Ơn. Phật dạy thật rõ các bạn, từ ngữ dễ hiểu lắm. Đọc ra nói ra Bảo Thành và các bạn đều hiểu được bởi chẳng nói về cái cảnh giới cao mà nói về cảnh giới của con người bình thường nhưng cao siêu khi chúng ta có lòng Biết Ơn và Đền Ơn.

Thuở ấy, Đức Phật dạy cho các hàng đệ tử rằng bất cứ một chúng sanh nào có lòng Biết Ơn và Đền Ơn, chúng sanh ấy thật đáng kính bởi được chư Phật khen ngợi. Dù chúng sanh đó xa Đức Phật hàng vạn dặm nhưng có lòng Biết Ơn và Đền Ơn thì thật gần gũi ngay bên Phật bởi vì Phật luôn khen ngợi những người có lòng Biết Ơn và Đền Ơn. Phật dạy chúng sanh, các bạn và Bảo Thành, mọi người ở trên đời này dù là đương thời Đức Phật còn sống hay hiện thời trong cái thế kỷ này, ta không được gặp Phật trực tiếp nhưng nếu chúng ta có cái lòng Biết Ơn và Đền Ơn, chúng ta được mọi người kính trọng, và cho dù xa hằng hà sa kiếp không gặp Phật thì chúng ta vẫn luôn gần gũi Phật. Đây là một câu thọ ký đặc biệt. Thọ ký có nghĩa là Phật đã hứa gả cái điều tuyệt vời đó. Các bạn muốn được gặp Phật, muốn gần gũi với Phật, các bạn phải có cái lòng Biết Ơn và Đền Ơn thì dù xa bao nhiêu thế kỷ không gặp Phật, vô lượng kiếp không gặp Phật, chỉ có cái lòng Biết Ơn và Đền Ơn thôi thì chúng ta được gần ngay với Phật bởi Phật luôn khen ngợi những chúng sanh nào biết ơn và biết đền ơn. Những chúng sanh như thế thật đáng khen.

Phật còn dạy thêm, những chúng sanh nào không biết ơn, không biết đền ơn, những chúng sanh đó không được khen ngợi bởi Phật và chẳng ai kính trọng. Dù ở gần Phật, dù mặc áo của các bậc xuất gia thì cũng xa Phật hằng hà sa, xa Phật hàng ngàn hàng ngàn dặm chẳng thể gặp. Những chúng sanh như thế Phật không bao giờ khen và chẳng thể gần Phật được. Đúng! Dù các bạn là Phật tử tại gia hoặc những bậc xuất gia, đắp y áo của bậc xuất trượng mà không biết ơn, không biết đền ơn thì không thể gần Phật được. Đức Phật nói những người biết ơn thì những cái ơn nhỏ họ còn nhớ, họ còn đền huống hồ chi những ơn lớn. Còn những người vô ơn bất nghĩa, những cái ơn lớn họ không bao giờ nhớ tới, ơn nhỏ kia làm gì có ở trong đầu. Đây chính là đạo nghĩa Đức Phật dạy cho ta trong kiếp sống làm người. Bởi ai trong chúng ta sống ở trên đời cũng luôn luôn thọ ơn mọi người, chẳng thể chơ vơ như Tề thiên Đại thánh từ cục đá chui ra chẳng cần ơn của ai để có thần thông bay lên trời, chui xuống dưới biển để gặp thuỷ tề ở dưới nước để phá, lên cõi Phật cũng phá bởi vì đâu có ơn, đâu có nợ ơn. Nói như vậy không đúng, con khỉ dù ở đá hoá ra cũng thọ ơn nhưng nó là đầu khỉ không có nhớ được nên chẳng biết ơn và biết đền ơn. Phật tử tại gia nói chung và những bậc xuất gia nói riêng đều là con người, là chúng sanh đều phải thọ ơn và chúng ta cần phải biết ơn đó.

Bốn cái ơn lớn Phật luôn nhắc nhở chúng ta phải luôn luôn biết ơn và biết đền ơn. Ơn thứ nhất là ơn cha mẹ. Không hẳn chỉ có cha mẹ trong đời này là đấng bậc sinh thành hiện tại, mà chúng sanh nhiều đời đã mang thân cha mẹ tạo nhân duyên cho chúng ta thành người ta đều phải Biết Ơn và Đền Ơn hiếu đạo với các đấng bậc sinh thành. Ai mà không Biết Ơn và Đền Ơn cha mẹ, những người đó được gọi là vô phúc, tức là không có phước báu và công đức. Tai hoạ, xui xẻo tràn ngập và chẳng ai kính mến họ. Những người đó dù có làm bất cứ một cái việc gì theo truyền thống của Phật giáo cũng chẳng thể gần Phật, bởi Phật dạy dù là xuất gia mặc y áo của nhà Phật mà không biết ơn, biết đền ơn dù ở kề cận Phật thì cũng xa Phật, cũng xa lắm không thể gặp Phật. Là con người chúng ta nhớ lời Phật dạy, cái ơn lớn nhất trong đời người là ơn sinh thành của cha mẹ, dù dưới bất cứ một hoàn cảnh như thế nào của cha mẹ đối xử, nuôi dưỡng chúng ta ra sao thì cái ơn chỉ tạo ra chúng ta làm người thôi đã lớn lắm. Mỗi người đều phải biết ơn cha mẹ và phải biết đền ơn, có lòng hiếu đạo. Các bạn nhớ, Phật tử tại gia phải làm trọn vẹn cái ơn này, chỉ cần biết hiếu thảo với cha mẹ, biết tìm ra cái phương pháp để đền ơn sinh thành của cha mẹ thôi, phương pháp phù hợp với khả năng vốn có, với nhân duyên tuỳ thời thì chúng ta đã gần Phật lắm. Bởi Phật đã rất gần với những người có lòng biết ơn sinh thành của cha mẹ. Bạn có lòng hiếu đạo thương cha thương mẹ Phật luôn gần với các bạn. Phật luôn gần gũi với các bạn, che chở dạy dỗ và dắt dìu các bạn. Đây là sự khẳng định thật rõ ngay trong kinh A Hàm, phẩm Thiện Trí Thức, rõ lắm các bạn.

Cái ơn thứ hai là ơn thầy tổ, các bậc thầy truyền dạy đạo nghĩa cho chúng ta, ta luôn luôn phải Biết Ơn và Đền Ơn các bậc minh sư, các bậc sư phụ, các chư tổ, chư thầy đã dạy dỗ cho chúng ta. Ơn này không thể quên. Người biết ơn luôn luôn được chư Phật gần gũi và độ trì cho chúng ta. Ơn thứ ba là ơn của muôn loài. Khi sinh ra chúng ta thọ ơn của muôn loài các bạn có biết không? Muôn loài động vật và sinh vật trong đó có cả con người đã hiến mạng để nuôi chúng ta đấy. Tồn tại trong cuộc sống này ta phải hưởng thụ biết bao nhiêu những sinh vật và những động vật, thực vật, đủ các loài mới có thể tồn tại sự sống. Ta phải biết ơn muôn loài, biết tri ân, biết tôn trọng, biết bảo vệ muôn loài. Ơn thứ tư là ơn Tổ quốc. Ta sinh ra ở quốc độ nào, ở chỗ nào, đang sống ở đâu ta phải tri ân quốc gia đó, đồng bào ở nơi đó, con người đang sống chung quanh ta.

Đây là bốn cái ân lớn mà đức Phật dạy cho chúng ta phải biết ơn và biết đền. Nó bao trùm ý nghĩa làm người. Rất hay! Hàng Phật tử chúng ta đừng có đắm đuối vào những dòng kinh tự cao siêu, quên đi cái bình thường. Chính bài kinh rất bình thường này – bài kinh “Biết Ơn và Đền Ơn”, Đức Phật đã nói tại thành phố Xá Vệ, trong rừng của thái tử Kỳ Đà, vườn Cấp Độc cho các bậc tỳ kheo xưa, bài kinh “Biết Ơn và Đền Ơn”. Ai Biết Ơn và Đền Ơn, chúng sanh nào Biết Ơn và Đền Ơn, chúng sanh đó thật đáng kính bởi những cái ơn nghĩa nhỏ họ còn nhớ, còn biết đền huống chi là những cái ân nghĩa lớn sao họ có thể quên. Những người như vậy Phật luôn khen ngợi và ở gần, dù họ có ở xa, dù họ có sinh vào cái thời không gặp Phật Phật cũng gần gũi. Còn những ai không biết ơn và biết đền ơn, cái ơn thật lớn họ không nhớ tới huống chi là những cái ơn nhỏ, những người như vậy thật đáng khinh. Dù họ có mặc áo cà sa ở sát bên Phật cũng chẳng thể gần Phật bởi Phật không bao giờ khen ngợi những người không biết ơn. Ơn cha mẹ, ơn thầy tổ, ơn muôn loài, ơn Tổ quốc chúng ta cần phải ghi nhớ, tư duy thật nhiều để biết ơn và biết đền ơn tuỳ theo phương tiện nhân duyên ta có.

Trong một đoạn kinh khác Đức Phật dạy, kinh Tăng Chi Bộ, phẩm Uế Trược, Đức Phật dạy như vầy: Nếu có ai đó thực hiện được bốn pháp này. Pháp thứ nhất tức là suy nghĩ thiện, nói thiện, và hành động thiện tức là suy nghĩ, lời nói và hành động đều thiện là ba pháp, pháp cuối là biết ơn và biết đền ơn thì người đó coi như tương xứng được sanh về cõi trời, đầy đủ phước báu và hạnh phúc. Chúng ta thấy không dễ lắm. Sinh về cõi trời chỉ cần suy nghĩ thiện, nói lời thiện, hành động thiện và là người biết ơn, biết đền ơn thì ta đã sinh về cõi trời rồi. Nghĩa là ngay khi còn sống cũng như là hàng chư thiên đó, ta đã được hưởng phước báu, công đức nhiều lắm. Có gì cầu kỳ, xa xôi, huyền bí đến mờ hoặc ỡm ờ đâu, chỉ cần suy nghĩ thiện thôi, chỉ cần sử dụng những ngôn ngữ thiện thôi, những hành động thiện và có lòng biết ơn, biết đền ơn là đã như đang sống ở cảnh giới chư thiên đầy đủ phước báu và công đức. Người xưa thường nói chỉ cần nghĩ ngay, nói ngay, làm ngay. Nói cho nó dễ hơn, đi ngay về thẳng, chỉ có vậy. Và biết ơn cha mẹ, ông bà, biết đền ơn đấng bậc sinh thành, ơn thầy tổ, ơn muôn loài thì người đó như là bậc thiên, bậc trời đang sống trên cõi đất này.

Cũng trong Tăng Chi Bộ, phẩm Ô Uế, Đức Phật dạy rằng những ai suy nghĩ không có thiện, nói năng không thiện, hành động không thiện, chẳng có lòng Biết Ơn và Đền Ơn thì những chúng sanh ấy tương xứng như đang sống ở địa ngục, đoạ vào địa ngục đó các bạn. Mà đúng vậy, ai trong chúng ta suy nghĩ ác, nói lời ác, hành động ác, hành động ác, vô ơn bạc nghĩa thì như đoạ đày vào trong địa ngục, chẳng có phước, chẳng có công đức, tai hoạ tới liên tục, xui xẻo nó gõ cửa, nó phá cửa trào vô trong nhà, bệnh hoạn liên miên, đau khổ phiền não tới tấp. Điều này chứng thực được. Khi nhìn vào trong cuộc đời các bạn thấy, những ai hiền lương đi ngay về thẳng, suy nghĩ thiện lành, nói năng tốt đẹp, hành động từ ái có lòng Biết Ơn và Đền Ơn thì những người đó có tướng hảo phúc hậu, đẹp, quý, đi đâu cũng được kính trọng, khởi sự gì cũng được muôn phước báu, làm việc gì cũng thành công mỹ mãn. Còn những ai có những cái suy nghĩ gian ác, lời nói thô ác gian dối, thêu dệt thêm bớt, những hành động hại người hại vật, hà hiếp nhau, vô ơn bạc nghĩa, những người đó sống khổ, sống thấp thỏm. Dù cho có đi chùa cầu khấn và có tu, làm theo những hình tướng bên ngoài rầm rộ thì cũng không bao giờ được cái gì hết. Cái kết là cuộc sống của họ như ở địa ngục, bị đoạ đày trong đau khổ. Không chờ kiếp sau các bạn ơi để đoạ vào địa ngục, ngay trong kiếp này hiện tiền thật rõ.

Biết Ơn và Đền Ơn là giáo pháp cao siêu nhiệm màu thật dễ ứng dụng mà mỗi người Phật tử tại gia đều có đầy đủ mọi hoàn cảnh để mang cái pháp này thực tập tạo ra phước báu và công đức. Chẳng cần cầu mong kiếp sau đi về đâu, kinh Pháp Cú nói kiếp này hạnh phúc, kiếp sau sẽ hạnh phúc bởi hai đời sẽ hạnh phúc. Nếu kiếp này đau khổ, kiếp sau cũng sẽ đau khổ, hai đời đều đau khổ. Bạn cứ vùi đầu vào trong những cái kinh điển, khổ khổ quá trời trong kiếp này mà mong kiếp sau được sướng đó là khờ. Kiếp sau chẳng cần mong, chỉ cần bạn sung sướng ở kiếp này bởi tu đúng thiện pháp của nhà Phật bởi có lòng Biết Ơn và Đền Ơn. Phật nói điều này trong Tăng Chi Bộ, phẩm Ô Uế, bạn đang sống ở cõi trời, nếu bạn biết suy nghĩ thiện, nói lời thiện, hành động thiện, có lòng biết ơn và biết đền ơn, bạn đã trở thành chư thiên hạ phàm sống hạnh phúc, đủ phước báu và công đức. Còn nếu như bạn suy nghĩ ác, lời nói ác tổn tại đến mọi người, lời nói gian dối, đâm thọc, thêu dệt, thô ác, hành động hại người hại vật chẳng có biết ơn. Người xưa hay nói rằng vô ơn bạc nghĩa, thì các bạn đang đày đoạ chính mình ngay trong cuộc sống này nơi địa ngục đau khổ lắm. Nếu các bạn nhìn rộng nhìn xa suy nghĩ kỹ, thật nhiều những cảnh đời như thế bạn có thể quán chiếu được lời Phật nói là chân thật, là giản dị, không cần phải đòi hỏi là những bậc có tri thức Trí Tuệ cao, ai ai cũng hiểu được điều đó. Biết Ơn và Đền Ơn là phẩm chất cao quý thiện lương của con người. Và nếu ta không biết ơn biết đền ơn thì ta đã đánh mất cái phẩm chất cao quý đó. Ta sống chẳng khác gì loài súc sanh địa ngục.

Trở về với kinh A Hàm Phật dạy, những ai biết ơn các bạn ạ, những ai biết ơn và biết đền ơn, ơn nghĩa dù nhỏ họ cũng nhớ huống chi là ơn nghĩa lớn, những người đó đáng kính dù không gặp Phật, dù xa Phật lắm thì Phật cũng ở gần với Phật và luôn được Phật khen ngợi. Các bạn phải nhớ cái đoạn kinh này, chúng ta sinh ra trong cái thời không gặp Phật nhưng nếu chúng ta có cái lòng biết ơn và biết đền ơn, ơn thật nhỏ cũng biết ơn, biết đền thì những ơn lớn ta cũng làm được. Và như vậy ta được Phật chủ động tới gần với chúng ta, cho nên các bạn đồng tu nào muốn được Phật gia hộ độ trì cho chúng ta, gần gũi với chúng ta, tới với cuộc đời của chúng ta, tới nhà của chúng ta, Phật đồng hành với vợ chồng, với con cái, với người thương của chúng ta, chúng ta chỉ cần có cái lòng biết ơn và biết đền ơn. Biết ơn và đền ơn ai? Biết ơn và đền ơn cha mẹ, ơn thầy tổ, ơn muôn loài và ơn Tổ quốc. Nếu ta biết ơn đó và biết đền ơn đó thì ta là người luôn luôn được mọi người kính trọng, ta là người luôn luôn được Phật gần gũi tới.

Chẳng phải các bạn cầu cho hay những cái câu kệ, câu văn chương dùng ngôn ngữ của loại người theo những cái thơ văn cho hay, đọc tán tụng nghe đê mê đi nữa, chẳng có ý nghĩa gì đâu, chỉ cần bạn có lòng biết ơn và đền ơn thôi. Không cầu kỳ các bạn ơi. Không cần phải tế tụng chuông mõ, kinh kệ chi để Phật gần với chúng ta. Phật đã nói rồi, ai biết ơn và biết đền ơn, biết ơn và đền ơn với cha mẹ, với chư vị thầy tổ, với muôn loài và Tổ quốc, người đó là người đáng kính. Và Phật luôn luôn gần gũi với họ dù họ sinh ra vào thời không gặp Phật, dù họ có cách xa Phật hằng vô lượng kiếp, Phật cũng sẽ tới ở gần với chúng ta. Còn ngược lại, kẻ không biết ơn, không biết đền ơn cha mẹ, ơn thầy tổ, ơn muôn loài, ơn Tổ quốc thì người đó dù có mặc áo nhà tu gần gũi nơi chùa chiền, nơi tịnh thất, nơi thiền đường, nơi cơ sở tu tập, tham gia biết bao nhiêu khoá tu hoặc là ở ngay sát bên Phật thì Phật cũng xa họ lắm. Kinh A Hàm, phẩm Thiện Tri Thức nói như vậy.

Có phải các bạn đang suy nghĩ làm sao để Phật có thể ghé vào cuộc đời của các bạn không, ghé vào gia đình của bạn, kề cận với bạn và gia đình của mọi người không? Người Phật tử tại gia luôn luôn tác ý thiện để Phật có thể tới thì nay cái ý thiện cao cả nhất mà ta có thể tác ý đó là biết ơn và đền ơn, Phật sẽ chủ động tới với các bạn. Không cần biết bạn sống ở lâu đài cao đẹp hay chỉ là túp lều xập xệ, Phật cũng chủ động bước vào cuộc đời của các bạn mọi lúc mọi nơi, gia trì phò hộ cho các bạn. Còn nếu như các bạn sống trong chùa, trong thiền viện, trong tịnh thất mặc áo xuất gia hoặc là đi các khoá tu kinh kệ rần rần rần rần mà chẳng có lòng biết ơn và đền ơn: ơn cha mẹ, ơn thầy tổ, ơn muôn loài, ơn Tổ quốc thì Phật không bao giờ gần gũi với các bạn.

Có những điều đôi khi thật dễ ứng dụng. Suy nghĩ cho ngay, nói lời ngay thẳng, hành động cũng ngay như thế, nghĩ ngay, nói ngay, hành động cho ngay, gọi là người chân thật đấy thì người đó luôn luôn biết ơn và đền ơn. Nó thật rõ thôi. Còn người suy nghĩ gian ác, nói lời thô ác, hành động hại người hại vật, những người như vậy không bao giờ biết ơn và biết đền ơn. Hai cái đoạn kinh thật nhỏ trong A Hàm, phẩm Thiện Tri Thức và Tăng Chi Bộ, phẩm Ô Uế nói thật rõ cho chúng ta phải làm gì và sống như thế nào. Các bạn hãy học theo lời Phật dạy phải là người biết ơn các bạn ạ, phải là người biết đền ơn dù ân nghĩa thật nhỏ.

Bảo Thành được thầy tổ dạy thuở rất xa xưa, những ơn nghĩa nhỏ bé dù chỉ một chén trà, một bó rau, một hạt cơm mà Bảo Thành thọ được của ai trong lòng cẩn cẩn ghi nhớ suốt đời cưu mang chẳng bao giờ quên. Được thầy tổ dạy theo lời Phật, phải luôn luôn hiếu đạo, biết ơn cha mẹ, luôn luôn phải kính trọng, biết ơn các bậc tổ sư minh sư, các bậc thầy đã hướng dẫn cho chúng ta, đã được thầy tổ dạy phải biết ơn muôn loài để hiến dâng, để ta được sống và biết ơn những nơi ta đang sinh sống, nơi quốc độ, nơi tổ quốc, nơi thành phố, nơi thôn xóm ta đang sống. Chỉ như vậy thôi đã đủ lắm. Bởi như vậy là người luôn luôn có Phật kề cận. Nếu bạn cảm thấy bạn không gần Phật, bạn coi lại coi bạn có phải là người biết ơn và biết đền ơn hay không? Nếu bạn biết ơn và biết đền ơn, bạn ơi nhất định Phật sẽ tới với bạn, bạn suy nghĩ, bạn tư duy bạn sẽ nhận ra nếu bạn là người có lòng biết ơn và đền ơn. Biết ơn và đền ơn cha mẹ, ơn thầy tổ, ơn muôn người và ơn Tổ quốc, bạn ơi bạn đã có Phật ở trong tâm, Phật đã tới với bạn. Bạn ơi bạn đã có Phật ở trong nhà bởi Phật đã tới nhà của bạn, đã tới để che chở cho ông bà cha mẹ vợ chồng con cái người thân của các bạn. Phật thật gần gũi với các bạn bởi Phật luôn khen ngợi những ai có cái lòng biết ơn và biết đền ơn.

Không cần phải tu pháp môn gì cao siêu đâu, ngay trong Mật Thiền, những cái ơn nghĩa này luôn nhắc nhở cho chúng ta trong các buổi đồng tu khi chia sẻ các chủ đề khác biệt mà các bạn gửi về, luôn luôn dẫn cho chúng ta đi về với cái tâm Từ Bi yêu thương và cái Trí Tuệ nhìn rõ để là người biết ơn và biết đền ơn, ta mới có cơ hội đạt được cái tâm Tỉnh Giác, thoát khỏi bờ u mê. Rõ lắm các bạn. Con đường Đức Phật dạy là con người tu tập, là con đường mà mỗi người chúng ta phải thực hành, chẳng phải ngồi xếp bằng như cái tượng Phật từ giờ này qua giờ kia mà trong mọi tạo tác suy nghĩ, hành vi ứng dụng hằng ngày nơi mọi hoàn cảnh môi trường ta đều có cái tâm thiện. Nói rõ hơn là thân, ngữ, ý đều thiện, có lòng biết ơn và đền ơn thì Phật gần ta. Mà Phật gần ta chính là con đường ta đang tu đúng đấy. Và nếu bạn không có thân ngữ ý thiện mà không biết ơn và biết đền ơn dù bạn có đi đâu cúng kiếng cho nhiều, tiền tài có nhiều, tìm đủ mọi cách nương bóng cửa thiền, cửa chùa, gần gũi với các thầy, các bậc tôn túc, Phật cũng chẳng gần. Bởi Phật đã nói rằng ngay cả những bậc xuất gia tăng ni thời xưa đó mà ngồi sát Phật mặc áo xuất gia mà không có lòng biết ơn và đền ơn thì ngồi sát Phật, Phật cũng chẳng gần. Còn nếu có lòng biết ơn, xa lắm, xa như chúng ta hằng hà sa kiếp chưa gặp Phật thì Phật cũng tới để gần gũi với ta. Các bạn hãy thực tập một đời sống có lòng biết ơn và đền ơn: ơn cha mẹ, ơn thầy tổ, ơn muôn loài, ơn Tổ quốc và luôn biết suy nghĩ thiện, nói lời thiện, hành động thiện để Phật luôn tới với cuộc đời của mỗi người chúng ta.

Mời các bạn trở về với hơi thở Chánh niệm. Thưa Phật! Con đã hiểu trong kinh A Hàm, phẩm Thiện Tri Thức và trong kinh Tăng Chi Bộ, phẩm Uế Trược, Ngài đã dạy cho chúng con phải suy nghĩ thiện, nói lời thiện, hành động thiện và phải có lòng biết ơn, đền ơn thì sẽ luôn luôn được Phật gần gũi, sống như cảnh trời mênh mông của chư Thiên. Nguyện một lòng hành theo pháp này, xin chư Phật gia trì cho chúng con.

Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, thể nhập vào Từ Bi, Trí Tuệ và Tỉnh Giác:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Ma Sa Ốp Uê

(7 biến)

Chúng ta hãy cùng hồi hướng công đức. Thưa Phật, sự đồng tu của chúng con hôm nay nếu tạo được chút phước báu nào, nguyện hồi hướng cho tất cả chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn