Search

Bài 3004. Đến Kiếp Nào Mới Tu? | Thất Bảo#3 – Ma Sa Ốp Uê

Bảo Đăng đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi.

Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Thưa Phật! Chúng con một lòng thành kính đón nhận lễ quán đẳng đại thủ ấn Trí Tuệ An Lạc viên mãn, để khơi nguồn Từ Bi, thắp sáng đuốc tuệ, nhìn rõ vạn pháp Vô Thường sanh diệt, Khổ và Vô Ngã. Chúng con hôm nay cũng nguyện xin chư Phật gia trì cho tất cả các vị lãnh tụ các cường quốc trên thế giới, ngồi lại bàn thảo để thiết lập nền hòa bình cho thế giới, chấm dứt chiến tranh.
Xin chư Phật tác đại chứng minh!

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái. Chúng ta hãy nhớ lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Từng hơi thở trong chánh niệm một lòng thành kính, chúng ta hãy cùng nhau đón nhận lễ quán đẳng đại thủ ấn Trí Tuệ An Lạc viên mãn.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì Mật chú.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Bảo Thành kính chào các bạn! Với nghệ thuật sống chánh niệm để trang điểm cho đời sống tâm linh, nghĩ đơn giản mà cũng đẹp. Chúng ta phải rất từ từ để tu, nhưng không thể không tu và nếu như tu mà cứ một bước nhảy vọt lên trời cao, dễ trở thành người tưng tửng, lơ lửng ở cõi trên, hoang tưởng dẫn đến sự ảo tưởng không thực tế. Trong chánh niệm mật thiền Thất Bảo Huyền Môn, mỗi một câu Mật chú quán chiếu về một trạng thái của tâm, chúng ta tu tập một năm trời. Ngày nay trong thế giới mênh mông những sự cám dỗ về vật chất, về thú vui tinh thần và thể xác, thật hiếm để cho chúng ta có những kế hoạch tu tập dài hạn. Chơi dài hạn, chơi mút mùa lệ thủy được nhưng tu tập một năm nghe ngao ngán, hai năm nghe như là rụng rời chân tay, năm thứ ba thì chắc có lẽ bỏ xác ở đồng hoang, sợ lắm. Đời có nhiều thú vui hấp dẫn tu cái gì, chơi đi từ từ rồi tu, chơi đi mà, ngày mai ngày mốt tu, thôi thỏa mãn đi rồi năm sau, năm tới, lớn tuổi, già, về hưu rồi tu. Có những người còn hẹn đến kiếp sau tu, kiếp này xã láng cuộc đời, chơi từ sáng đến tối rồi lộn ngược từ tối đến sáng. Cứ như vậy và có lẽ chúng ta đã hứa hẹn với chính bản thân của mình những điều kỳ diệu về một ngày nào đó có thể buông bỏ, có thể nhẹ nhàng, có thể thảnh thơi để bắt đầu tu.

Chủ đề hôm nay “Đến Kiếp Nào Mới Tu?“. Hãy tự hỏi mình, tự hỏi bản thân “Bạn ơi! đến kiếp nào bạn mới tu?”. Tu là gì mà phải cứ hẹn hò đến kiếp nào mới tu đây? Bảo Thành gặp thật là nhiều các bạn cũng như quý vị đồng tu, đôi khi thấy hợp căn cơ, nhân duyên phù hợp, gửi một lời mời bước vào con đường tu. Thông thường gặp câu nói dân gian “bây giờ bận rộn quá, còn làm việc, bây giờ còn thế này, thế kia, để khi nào sắp xếp xong sẽ tu”. Hình như sự sắp xếp cũng sẽ xong nhưng xong vào giây phút cuối đời, để người ta sắp xếp thân xác này đặt vào hòm chôn xuống đất. Nhưng các bạn biết không, cuối đời xếp vào hòm chôn dưới đất cũng chưa xong đâu, bởi nghiệp còn theo và đưa ta vào luân hồi tái sanh nhiều cảnh đau đớn hơn nếu kiếp này bạn không tu. Trong cuộc sống ta thường nghe hãy ráng mà tu đi, hãy ráng mà niệm Phật đi, vì sao? Vì nếu không bạn cứ thử đi ra ngoài đồng hoang nghĩa địa, bạn thấy lớp lớp từng ngôi mộ xanh của những người trẻ tuổi đầy kìa. Tu đi không mai mốt già yếu chết làm sao mà tu được, khổ lắm. Và để sách tấn sự tu hầu hết quý tôn túc, quý Phật tử và những lời ghi chép ở một phương diện nào đó vẫn dùng hình ảnh của sự đau khổ để chúng ta nhìn thẳng vào đau khổ sợ hãi mà tu. Nhìn thấy đau khổ sợ mà tu, có. Sợ tái sanh vào cảnh giới thấp hơn, luân hồi vào tam đồ khổ. Sợ kiếp sau đầy đọa, sợ, sợ mà tu. Đây cũng là một cách giáo dục tốt, giáo dục để chúng ta nhận thức và nhìn rõ vào cái khổ, hậu quả của khổ, khổ hơn nếu không tu, đánh thức, làm thức tỉnh để dấn thân vào con đường tu để hết khổ.

Có lẽ các bạn và Bảo Thành được nhắc nhở nhiều về cái khổ và hầu hết thường nói về kiếp sau khổ lắm nếu không tu. Cho nên kiếp này các bạn vào thành tựu chính là bởi vì sợ khổ. Cách này là cách nói hay nhưng cách nói này Bảo Thành không đi sâu để diễn giải vào ngày hôm nay. Bảo Thành nói về một góc độ của một bậc thầy khả kính, mà Ngài đã rất tâm lý khi hiểu được tâm ý phàm phu của con người. Chẳng hù dọa về một kiếp sau đau khổ mà Ngài đã nhìn thấy ngay kiếp này sự sung sướng, sự đầy đủ, sự hạnh phúc, sự an lạc có dư nhưng chúng ta lại vùi đầu vào trong khổ não.

Tu là gì? Tu là sửa, chỉ có vậy, mức độ cao thấp sửa chữa như thế nào? Nhanh hay chậm? Và sửa chữa cái gì là tùy theo bạn đã tạo ra sự hư hao, nhỏ lớn để mà sửa, đúng sai nhỏ lớn để mà sửa. Tu hãy tóm gọn rằng là sửa những điều sai trái, tội lỗi, thành thiện lương, thành tốt tùy theo bạn. Nhìn như vậy cho dễ các bạn, hãy bắt đầu từ định nghĩa đơn thuần như vậy. Tu là sửa, mà muốn sửa phải thấy, thấy để sửa thì phải thực tập cho chuyên nghiệp để sửa cho đúng, không người xưa nói đang lành mà sửa thành hư thì không được, hư sửa thành cho tốt nha các bạn.

Đến kiếp nào bạn mới sửa những lỗi lầm của bạn? Bây giờ mình thay chữ tu đi, chữ tu nó lớn lao, nghe có vẻ tôn giáo, nghe có vẻ như là xuất gia, nghe có vẻ là chuyên tu ghê gớm lắm. Bởi trên đời vẫn có những nơi gọi là chuyên tu, chuyên tu hay tu vừa vừa không chuyên môn cũng là tu. Bạn đi ở Việt Nam thời xưa có lẽ thời nay vẫn có, tu là sửa đó các bạn. Trong công việc hàng ngày vẫn có những bảng hiệu đề rằng chuyên tu sửa xe gắn máy, chuyên sửa chữa xe đạp, chuyên xây dựng, chuyên môn. Mà chữ chuyên tu, chuyên tu nghe như có mà trong đạo cũng có nhiều vị đặt chữ chuyên tu để đặt để mình rằng mình chuyên chú về sự tu. Được, không sao, bởi tu là sửa, nếu chúng ta chuyên sửa những lầm lỗi là điều rất tốt, là người tốt. Câu này cần phải dịch rằng đến kiếp nào bạn mới sửa những lỗi lầm? Ta tránh chữ tu để gắn mác cho tôn giáo. Hỏi trong dân gian và hỏi trong mỗi chúng ta khi bạn đã lầm lỗi quá, bạn đã sai lầm, bạn đã tội lỗi, khi nào bạn mới sửa? Hình như chữ sửa hằng ngày ta vẫn sử dụng trong cuộc đời, sửa cách ăn nói, cách hành động, ngay cả sửa chữa thay đổi cho phù hợp mọi thứ sinh hoạt trong cuộc đời, luôn luôn bởi ta hướng tới sự tiến bộ hơn, không muốn đình trệ về mọi mặt trong cuộc sống.

Đức Phật nhìn thấy cuộc đời là khổ, nhưng không mang khổ ra như một đề án chuyên môn tạo sợ hãi để ép ta tu. Khi Ngài nhìn vào khổ, thấu được khổ và nhận ra nguyên nhân tạo khổ, lúc đó Ngài mới phát hiện ra con người đã quá chú trọng về phần khổ, sống trong khổ không thấy khổ, chú trọng về khổ mà không hiểu khổ, đâm ra sợ. Còn Phật thì nhìn thẳng vào khổ lại thấy còn một phần vi diệu khác, một tiềm năng tối quan trọng khác mà chúng ta không bao giờ tác hợp đi vào đó để tận hưởng, đó chính là hạnh phúc và an lạc. Chúng ta thật sự có tiềm năng và kho báu của hạnh phúc an lạc nơi ta, bởi trong ta có thiện và ác, có thiện nghiệp và ác nghiệp nhiều đời. Những ác nghiệp tạo khổ ta đã sống chung quá lâu rồi, còn những thiện nghiệp tạo ra phước báu và hạnh phúc an lạc ta quên. Ta đã bị ác nghiệp chi phối nhiều, mà quên đi một phần của thiện nghiệp là hạnh phúc và bình an vốn có nhưng ta không tận hưởng, ta không sử dụng. Ta không dùng vốn đó để tăng trưởng, mà ta cứ đào bới trong mồ sâu của ác nghiệp, để chôn vùi cuộc đời vào trong khổ não, bi ai, các bạn nghĩ đi đúng không? Đúng đấy.

Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa nói về phẩm viên Dạ Minh Châu. Có một người bạn say sưa tối ngày, vào một lúc say có một người bạn thân nhìn thấy nhưng người bạn kia đã say tí bí rồi. Say đến mức mà quay cuồng chẳng còn biết gì, túy túy nốc vào say ngất ngưỡng, trời đất quay cuồng biết gì đâu. Người bạn thấy tội nghiệp bởi người bạn của mình nghèo khổ tối ngày say, nhưng bận việc phải đi làm ra đi. Người bạn đó không quên nhét vào cặp quần của anh ta một viên Dạ Minh Châu, một viên ngọc bích, viên hồng ngọc đó các bạn, to lớn dữ lắm, mà thời đó viên hồng ngọc đó đổi được nhiều tiền, sống bao nhiêu đời cũng không hết. Nhưng một thời gian xa mấy năm sau trở lại thấy người bạn mình cũng còn nghèo, còn ăn xin mới nói với bạn rằng: “Bạn ơi! Thuở xưa bạn như vậy, tôi đã tặng bạn một viên Dạ Minh Châu, viên ngọc ở cặp quần sao bạn không lấy ra xài, cứ để nghèo thế”. Người bạn đâu có biết đâu, rồi người bạn kia chỉ vào cạp quần, anh ra sờ và nhận ra mình có viên Dạ Minh Châu.

Các bạn, chúng ta có hai người bạn, một người bạn ác và người bạn hiền. Người bạn ác là nhồi nhét vào trong tâm của chúng ta những cái khổ, lầm lỗi nhiều đời và thì thầm nói rằng “con người là như thế, đời là bể khổ, đời là khổ, kiếp người ai cũng vậy, thôi cứ khổ đi, cứ làm đi sợ gì”. Rồi chúng ta cứ say sưa chuốc vào cuộc đời này độc dược, những chất say lăn quay dưới thềm đất của vô minh, chẳng còn biết gì. Cũng rất may ta có một người bạn Thiện Nghiệp ghé ngang cuộc đời trong cơn nguy biến, khi lăn quay dưới thềm vô minh chẳng còn biết. Đã nhắc nhở cho chúng ta thấy bên hông của cuộc đời hiện tại có một viên dạ minh châu của Thiện Nghiệp nhiều kiếp ta đã tạo, hãy lấy ra mà sử dụng để thoát khổ. Đây là ý nghĩa cao vời, ngoài vấn đề tu sửa những lỗi lầm theo ý nghĩa gọi là tu, tu là sửa những lỗi lầm. Một ý nghĩa nữa ngày hôm nay ta cần phải nhận ra tu có nghĩa là người khôn ngoan biết nhận biết ra kho tàng và tiềm năng vô giá vốn có nơi ta, khai thác sử dụng để sống hạnh phúc và an vui. Kho tàng và tiềm năng vốn có trong ta là thiện nghiệp ta vốn có, nếu không có thiện nghiệp nhiều đời ta đã tạo ta chẳng thể mang thân kiếp làm người. Các bạn nghĩ đi, nếu cuộc đời của bạn và Bảo Thành toàn là ác nghiệp, nhất định đang đọa vào trong địa ngục hoặc ngạ quỷ, súc sanh rồi. Nhưng chúng ta là người, bạn đang nghe Bảo Thành tâm sự, bạn đang sống và đang tu mật thiền chánh niệm hơi thở cùng với Bảo Thành hoặc nghe qua những lời Bảo Thành đang nói. Chúng ta là người đấy, mà đã là người thì Phật nói phước báu vô cùng mới có thể mang thân người và quý hiếm vô cùng. Điểm này nói thật rõ chúng ta đã có viên Dạ Minh Châu, đã có thiện nghiệp tích lũy nhiều đời, đã có hạnh phúc và an lạc nhiều đời chuyển đến kiếp này. Tiềm năng đó có nơi ta, kho tàng đó có nơi ta, tài khoản ngân hàng thiện nghiệp phước báu an lạc hạnh phúc vốn có. Nhưng chúng ta quên, quên con số tài khoản để vào nhà băng tâm thức rút ra mà xài, chỉ nhớ tài khoản của ác nghiệp để rồi lầm lẫn đó là vốn tự có vốn có, ngoài ra chẳng còn gì.

Các bạn! Tu đúng là sửa những lầm lỗi, nhưng tu còn mang một mặt khác nữa là biết sử dụng tiềm năng và biết đào ra kho báu vốn có nơi ta. Cho nên hôm nay chúng ta nói về cái mặt tu là người khôn ngoan, biết nhận ra tiềm năng và kho báu hạnh phúc an lạc vốn có. Để ứng dụng vào đời sống trong kiếp nghèo nhiều khổ, nhiều phiền não này. Để ta có được vốn tự hào mang thân người biết được lời Phật trao truyền. Tu sửa lỗi lầm ý nghĩa đó không sai, nhưng tu tức là khôn ngoan nhận ra được viên Dạ Minh Châu nơi cạp quần khi người bạn ra đi tặng cho chúng ta. Khi chúng ta từ bỏ bao nhiêu kiếp trước nay thành kiếp này, thì chúng ta đã tự tích lũy được viên Dạ Minh Châu nơi trí tuệ của tánh Phật bằng thiện nghiệp. Nếu chúng ta có mà quên sử dụng, nếu chúng ta có tiềm năng vô giá đó mà quên ứng dụng thì ta khờ, ta thật là khờ. Hôm nay Bảo Thành sách tấn các bạn để nhớ rằng lời Phật dạy một mặt khác tu còn mang ý nghĩa rất bình thường tu là khôn đấy. Chúng ta tu là người khôn biết mang vốn liếng thiện lành ra mà xài, chớ đào khoét trong đống sình của phiền não mà phủ phê đắp lên trên người cho hôi thối cuộc đời các bạn. Hãy bước vào kho tàng tâm thức thiện lành. Hãy chạm vào viên dạ minh châu của Phật tánh. Hãy nhận ra tiềm năng siêu thế vốn có bởi thiện nghiệp nhiều đời trong vô lượng kiếp ta đã tích lũy.

Chúng ta đã là những con người say cuống cuồng, vùi đầu vào trong đống sình của phiền não, đau khổ nơi vô minh. Rất may thay ta có một người bạn thiện nghiệp nhắc nhở, đã trở về nhắc nhở rằng chúng ta, ngày xưa đó khi chia tay người bạn thân đó đã trao cho chúng ta Dạ Minh Châu. Một nhân duyên đặc biệt nào đó Bảo Thành và các bạn đã được nhắc nhở sự cao quý của tâm thiện lành vốn có còn đây, nơi chứa đựng hạnh phúc và bình an. Để rồi Bảo Thành và các bạn đã cùng nhau phát nguyện mang toàn bộ trí tuệ, kiến thức, phát nguyện cho chí nguyện giải thoát. Công hạnh đó mỗi một ngày để tận hưởng kho tàng vốn có nơi ta. Từ đó trí tuệ sáng ra, nhìn rõ hơn, nhìn rõ hơn nha các bạn, những lầm lỗi để ta sửa. Còn nếu không có trí tuệ thì đôi khi khó nhận thức ra cái gì sai, dễ bị điều khiển bởi tâm tham ái, tham dục, sân giận, si mê. Cho nên sự tu chẳng cần phải đợi đến kiếp sau hay kiếp nào đó hứa hẹn, bởi như vậy là khờ.

Bạn nghĩ đi, trong cuộc đời này chúng ta có thói quen có tiền là xài, có đồ ăn ngon là phải ăn, có quần áo đẹp là phải mặc, có cái gì xài ngay tốt là phải xài đó mà. Thì tại sao phước báu hạnh phúc an lạc kia tốt lắm, có đó sao ta không xài, ta còn đợi đến kiếp nào nữa. Tu là ứng dụng phước báu vốn có bởi tâm thiện lành đã tạo ra, để hạnh phúc để bình an. Vậy thì tu ngay bây giờ tức là chúng ta nhìn, hiểu cho dễ hơn là tận hưởng sự hạnh phúc an lạc vốn có. Bạn muốn chịu khổ hay sao? Không ai muốn khổ hết, Phật đã nói tất cả mọi chúng sanh đều mong cầu hạnh phúc và bình an, hạnh phúc bình an đã vốn có nơi chúng ta bởi thiện nghiệp từ vô lượng kiếp ta đã tạo. Ý nghĩa của sự tu hôm nay tức là tận hưởng hạnh phúc và bình an, để từ đó tăng trưởng thêm. Có vốn rồi người xưa nói, ông bà nói “có bột gột nên hồ” có bột gột nên được hồ. Chúng ta có vốn thiện lành, có vốn phước báu an lạc. Tu là sờ vào cạp quần để thấy viên Dạ Minh Châu. Tu là bước vào kho tàng để mang vàng bạc châu báu ra sử dụng trong cuộc đời khi đang nghèo. Tu là tận hưởng sự hạnh phúc an lạc khi đau khổ tràn đầy trong cuộc đời, bởi ta đã có hạnh phúc và an lạc. Bạn đang đói khát sắp chết nhất định không thể đợi đến ngày mai mới ăn hoặc một năm sau mới ăn khi trước mặt bạn là một bàn đồ ăn đầy đủ những thứ ngon, cao lương mỹ vị, đói mà củ khoai còn gặm cho hết huống hồ chi là cao lương mỹ vị. Trong cuộc đời đang đói khát hạnh phúc và bình an mà hạnh phúc và bình an lại đầy hết ở trong tâm, bạn không lấy ra ứng dụng mà cứ đợi đến kiếp sau. Bạn và Bảo Thành thật là những người khờ khạo. Thì để trả lời câu “Đến kiếp nào mới tu?”, thì ta phải nói ngay, đang đói gặp vật ngon, đồ ngon là phải ăn. Ta đang khổ thì phải tu ngay thôi, bởi tu ngoài có ý nghĩa là sửa những lầm lỗi tội lỗi, tu còn mang ý nghĩa khác tức là tận hưởng sự hạnh phúc và an lạc ta đang có. Nếu bạn chỉnh sửa lại một chút như vậy bạn sẽ hãnh diện, bạn sẽ hạnh phúc, bạn sẽ vui để bạn tu, bởi vì bạn tu là bạn tận hưởng sự hạnh phúc và an lạc vốn có nơi bạn. Sờ vào cặp quần có viên Dạ Minh Châu, ăn mày làm chi cho cuộc đời nó khổ. Vốn hạnh phúc an lạc ở nơi ta, tầm cầu làm chi đợi đến kiếp sau hả các bạn?

Các bạn thân mến! Chúng ta cứ nói ngược nói xuôi cuộc đời là như vậy, xuôi ngược, ngược xuôi nhiều riết rồi chúng ta lẩn quẩn. Sự giáo dục của Phật tùy theo căn cơ của từng người để nhắc nhở. Như phong tục giáo dục của Á Đông chúng ta ngày xưa là răn đe. Nếu các bạn, để Bảo Thành suy nghĩ thử coi, từ 50 tuổi hơn thì nhất định các bạn đã từng trải qua một nền giáo dục của Á Đông Việt Nam chúng ta ngày xưa. Khi tới trường các thầy cô dạy hoặc những bậc cha mẹ lớn tuổi dạy thường răn đe bằng gậy gộc, bằng thước, chỉnh sửa những lầm lỗi của chúng ta bằng câu “thương thì cho đòn cho vọt, ghét thì cho ngọt cho bùi”. Ôi! Câu đó nó ngọt ngào làm sao ấy, để rồi cho thế hệ 50 tuổi về trước lớn hơn, trên người đầy những vết sẹo, trong tâm đầy những vết tang thương. Ngày nay trong tâm lý học người ta gọi là xâm hại tinh thần, xâm hại thể xác và tại nước Mỹ này đây, bộ luật của nước Mỹ khi các cha mẹ xâm hại tinh thần và thể xác sẽ bị đi tù. Nhưng ngược dòng lịch sử thì cách đó là cách giáo dục của Á Đông và trong sự giáo dục đó biết bao nhiêu những đứa con đã trưởng thành, đã thành tài, thành nhân, thành những bậc thánh. Nhưng ở phương tây người ta không dùng phương thức giáo dục bằng gậy gộc, bằng mỹ từ của câu ngạn ngữ “thương thì cho đòn cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Họ dùng tâm lý để tránh sự tổn hại, xâm hại thân xác và tinh thần. Nên thường sách tấn trình bày một cách kiên nhẫn để đứa trẻ có thể nhận ra năng khiếu thiên phú, thiên bẩm học hỏi mà phát triển. Để đứa trẻ có thể làm được những điều chúng yêu thích mà tinh thần thể xác không bị xâm hại. Cho nên cha mẹ ở Tây Phương thường không áp đặt khuôn mẫu mà là hướng tâm, hướng nghiệp, đồng hành như một người bạn, khơi nguồn những thiên phú bẩm sinh của con, những sở thích con có để dẫn đưa con thành đạt được điều đó. Và trong giáo dục tâm linh của Đức Phật, Ngài cũng nói thật nhiều về những cái khổ, lỗi lầm ta tạo ra và tai họa phải gánh. Thí dụ như bị đọa vào địa ngục, bị sanh vào những cảnh giới đau khổ, đó là cách giáo dục của Á Đông ta ngày xưa. Nhưng trong thời đại này chúng ta phải nhìn thêm một mặt giáo dục khác mà Đức Phật cũng đã truyền dạy về tâm lý, rất ăn ý với mọi người, đó là nhìn thấy tiềm năng thiên phú vốn có nơi mỗi người. Đức Phật đã nhìn thấy tiềm năng thiên phú bẩm sinh vốn có nơi chúng ta, đó là Phật tánh, mà trong Phật tánh của chúng ta chứa đựng đầy những thiện nghiệp. Ai đã thực hiện được thiện nghiệp, thiện pháp thì nhất định có đầy đủ phước báu của hạnh phúc, của bình an, của muôn mặt. Đức Phật đã theo dõi chúng ta, đã đồng hành với chúng ta như cha, như mẹ, như người bạn thân, đã nhìn ra tiềm năng thiên phú phẩm sinh vốn có, đó là tâm tánh thiện lương nơi ta, kho tàng tiềm năng hạnh phúc và an lạc.

“Đến kiếp nào mới tu?” Thì bạn thấy tu tức là thẩm nhập vào tiềm năng thiên phú mà Phật tánh mang tới kiếp này. Bởi tâm tính thiện lành ta đã tạo qua các thiện nghiệp nhiều đời, kho tàng đó ta đang nắm giữ, ta đang có. Như người bạn ăn xin có viên Dạ Minh Châu, có phải chăng là cứ nghèo cứ khổ, ăn xin vất vưởng bên lề đường khi bên cạp quần có viên Dạ Minh Châu. Có phải chúng ta cứ khổ, cứ khổ, cứ khổ như một kẻ ăn xin đời sống tâm linh để rồi đợi đến vô lượng kiếp sau mới tu hay sao? Hay chúng ta trở thành một người con ngoan nghe theo lời Phật dạy vì Ngài hiểu được tâm lý và tâm ý, đã chỉ đúng vào chỗ ta vốn có, khả năng, tiềm năng thiên phú bẩm sinh. Có là kho tàng của tâm tánh thiện lương, thiện nghiệp ta đã tạo. Cơm và các đồ ăn ngon mà không ăn để nó thiu, để nó bị hư ăn không được. Chúng ta có sự an lạc và hạnh phúc càng để thì dĩ nhiên nó càng nhiều chứ không bao giờ nó hư, tuy nhiên có đó mà không xài là khờ. Bạn có trí tuệ, Bảo Thành có trí tuệ. Bạn có kiến thức, Bảo Thành có kiến thức, đừng nhìn về mặt khổ nữa. Gọi tu để sửa khổ những mặt như vậy bạn đã nhìn rồi, tu để sửa cho hết khổ, tu là sửa những lỗi lầm rồi nhưng hôm nay chúng ta phải nhớ rằng tu là bước vào kho tàng hạnh phúc, an lạc vốn có, mang ra sử dụng ngay trong cuộc đời này.

Về mặt giáo dục, ngày nay chúng ta phải ứng dụng phần này để giảm bớt sự căng thẳng. Bởi cuộc đời đã có biết bao nhiêu sức ép, mà chúng ta cứ mang ra những lời hù dọa, đè nặng lên nhau nghe sao nó não nùng, nặng nề, khó chịu. Một người đang sai mà bạn cứ miệt thị họ buồn lắm, ta cũng vậy, ai cũng vậy. Khổ, khổ thấy đội mồ lên không tìm đường thoát được, vậy mà cứ hù dọa là sẽ bị này sẽ bị kia. Phật nhìn thấy ta đội cái mồ khổ, là bởi vì không nhận ra trong cặp quần có viên Dạ Minh Châu, Phật chạm vào đó nói “Này con ơi! Vàng bạc ngay đó sao không xài, cứ đội ngược mồ khổ não lên làm chi”. Ta sờ vào cạp quần thấy gia tài phước báu thiện lành ta sung sướng, thì biết bao nhiêu những mồ mã của những khổ não nhiều đời đội trên đầu liền rớt xuống bởi ta chẳng ôm ấp chúng nửa.

Đây là một cách tu mới, một cách tu mới không phải là nó mới, nó củ nhưng nhận thức và nhìn theo một góc độ mới để ta vui hơn, hoan hỉ hơn và hãnh diện về cuộc đời của mình đang mang kiếp làm người. Bạn và Bảo Thành đang làm người, đang là người phước báu lắm. Bên cạnh khổ vẫn có hạnh phúc và an lạc. Tiềm năng thiên phú bẩm sinh từ vô lượng kiếp do tâm tánh thiện lành đã tạo được, vốn vẫn có nơi đây. Ý nghĩa của tu ngày hôm nay không nên đợi đến kiếp sau bởi chúng ta quá giàu có phước báu, hãy ứng dụng ngay để đời bớt khổ, để đời hết khổ. Chánh niệm mật thiền song tu là chìa khóa để bạn mở cánh cửa của kho tâm thức thiện lành, bước vào mang châu báu hạnh phúc an lạc ra ứng dụng. Trong từng hơi thở vào ra thể nhập vào với lòng thành kính đón nhận đại thủ ấn Trí Tuệ An Lạc viên mãn qua lễ quán đẳng Ma Sa Ốp Uê. Bạn sẽ bước vào kho tàng của Mu A Mu Sa là kho tàng của tâm từ bi và mang tài phú NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là trí tuệ viên mãn, nhìn rõ được vô thường, khổ và vô ngã. Các bạn, đây gọi là là tu, rất hấp dẫn bởi sẽ hết khổ và hạnh phúc ngay bây giờ, tại đây, chỗ này.

Vậy thì câu hỏi theo chủ đề “Đến kiếp nào mới tu?”. Trả lời chân thật, trả lời với tâm chân thật, tu ngay bây giờ. Và đúng, các bạn và Bảo Thành đã tu, đang tu và sẽ mãi mãi tu để tận hưởng sự hạnh phúc, an lạc vốn có do thiện nghiệp ta tạo ra. Để rồi từ đó trí tuệ sáng ra mỗi ngày để sửa đi những lỗi lầm của kiếp trước, kiếp này. Để kho phước báu của chúng ta có một thành 10, có 10 thành 100. Để sống hạnh phúc, an vui cho tự thân và san sẻ cho muôn người đang đau khổ mà ngay trong cuộc đời này ta có cơ hội gặp.

“Đến kiếp nào mới tu?” Câu trả lời đó cần phải suy ngẫm cho kỹ và mỗi người chúng ta phải nhận thức rằng tu là tìm về tiềm năng vốn có, bẩm sinh thiên phú do thiện nghiệp ta tạo được. Ai là người bạn đã nhét viên Dạ Minh Châu đó vào cuộc đời của chúng ta? Chính thiện nghiệp của chúng ta. Ai là người chỉ cho chúng ta có kho tàng đó? Đức Phật Bổn Sư Thích Ca và trong mật thiền chánh niệm song tu đây chính là chìa khóa để chúng ta mở được kho tàng. Hãy cùng nhau lấy chìa khóa mật thiền song tu, lãnh nhận lễ quán đẳng Đại thủ ấn Trí Tuệ An Lạc viên mãn, mang ra dõng mãnh mở cánh cửa của chân tâm, bước vào mà tận hưởng sự an lạc, hạnh phúc ngay bây giờ, tại đây, chỗ này qua chánh niệm của hơi thở.

Chúng ta bắt đầu trở về bảy biến của chánh niệm.

Thưa Phật! Đã nhiều đời rồi chúng con không nhận ra chúng con đã có viên Dạ Minh Châu, chúng con đã có kho tàng tâm thức thiện lành, phước báu công thức đầy đủ, hạnh phúc và an lạc. Nay nhận rõ được điều này, chúng con rất hạnh phúc, đã tu, đang tu và sẽ tu mãi mãi, để tận hưởng sự an lạc trong cuộc đời, ngay trong giờ phút này.
Xin chư Phật gia trì cho chúng con!

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì Mật chú.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức.

Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con hôm nay nếu tạo được chút phước báu nào nguyện hồi hướng cho nền hòa bình của thế giới. 

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn