Tuệ Uyên đánh máy, Bảo Minh biên tập
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi. Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về với ba ngôi tam bảo để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Phật!
Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh. Và đặc biệt xin các ngài soi sáng tâm trí của các vị lãnh đạo các cường quốc trên thế giới để họ biết ngồi lại và bàn thảo, thành lập kế sách có được nền hòa bình cho thế giới hiện tại. Xin chư Phật tát đại chứng minh.
Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái. Chúng ta lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát và lấy từ bi nuôi dưỡng, lan tỏa tình yêu thương. Một lòng thành kính qua chánh niệm hơi thở gắn kết với mười phương chư Phật, thể nhập vào thể tánh chân như, nhìn và quán chiếu cho rõ thân tâm của mình trong từng giây phút. Chúng ta hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa! NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang (07 biến)
Mô Phật! Bảo Thành kính chào các bạn đồng tu. Các bạn ơi, chủ đề thấy tếu tếu, các bạn gửi về nhiều chủ đề làm Bảo Thành phải suy nghĩ coi mình có như vậy hay không? Chủ đề là “Rước Tâm Ma Làm Chủ Ta”, mình cùng suy nghĩ đi các bạn. Bảo Thành và các bạn trong cuộc đời có khi nào đã âm thầm hoặc là rộn ràng rước tâm ma làm chủ chúng ta không? Chúng ta thực sự có rước tâm ma vào làm chủ cuộc đời của mình, làm chủ cuộc sống của mình hay không? Khi câu hỏi được đặt ra, dĩ nhiên mọi người trong chúng ta sẽ thật nhanh trả lời rằng: “Không! Không hề!” Ai dại gì mà rước tâm ma làm chủ cuộc đời của mình. Và nếu ngồi nói chuyện, ai cũng sẽ hãnh diện về cuộc đời của chính mình, chưa một lần rước ma vào làm chủ cuộc đời của mình. Nhưng chủ đề “Rước tâm ma làm chủ ta” cũng làm cho ta hơi lăn tăn trong tâm trí mọi người, để suy nghĩ lại một chút “Ta có thực sự trong trắng, ta có thực sự lành thiện, ta có thực sự là chưa bao giờ rước ma vào nhà chưa?” Suy nghĩ nhé các bạn! Mình cứ nghĩ rằng ma hình thù xấu xí, đáng sợ, chưa kể các loài ma quỷ mà các họa sĩ vẽ ra, có sừng rồi có răng nanh. Ôi nó cắn vào cổ là chết. Có nhiều loại ma tóc dài, phủ tới đất, bay bay trên ngọn cỏ, ban đêm nhìn thấy sợ lắm. Lại có ma có đuôi. Ôi nếu mà họa sĩ danh tiếng ở trên đời này tụ họp lại để vẽ nên hình hài của ma quái, mỗi một họa sĩ có thể phác họa ra hàng trăm hàng ngàn hình ảnh về ma. Nhưng nếu hỏi các họa sĩ đó ở trong đời thực sự của họ, họ đã nhìn thấy ma chưa? Họ sẽ cười khẩy thôi, họ sẽ nói cho các bạn biết ma hay không là ở trong đầu, trong đầu tưởng tượng ra ma như thế nào họ vẽ ra như thế. Cái này đúng, các nhà tạc tượng cũng vậy thôi, mọi hình ảnh từ trong đầu mà ra. Trong đầu nó hiển bày, nói đến ma họ tưởng tượng ma như thế nào, họ vẽ, họ tạc thành ma đấy. Trong tâm, hình dung và đôi bàn tay có thể vẽ hoặc tạc. Đây là một hình ảnh thật cụ thể, trong tâm như thế nào tay có thể vẽ và tạc như vậy, mà người xưa thường nói cái tướng do tâm sinh. Tâm sinh ra cái tướng, thể hiện cái tướng của ma phải hiện trong tâm rồi vẽ, rồi tạc, rồi hành động. Ý nghĩa chiều sâu hay nông cạn tùy theo mỗi người hiểu biết. Nhưng hôm nay chúng ta trong một cái khuôn khổ đồng tu để mỗi người tự nhắc nhở bản thân cốt lõi của cuộc đời tu là gắn kết với ánh sáng của trí tuệ nơi chân tâm, và năng lượng từ bi vốn có nơi mỗi người. Trí tuệ và từ bi là hai nhiên liệu siêu thế để chúng ta tu, xóa tan đi cũng như chuyển hóa tất cả những ác nghiệp nhiều đời. Vậy thì rước tâm ma làm chủ ta, chữ “ma” ở đây Bảo Thành định nghĩa tức là sự chướng, bởi những gì trong tâm của ta tạo ra; hoặc sự chướng ngại từ những cái ngôn ngữ hằng ngày ta giao tế; hoặc những hành động, tạo tác. Bởi ai học Phật cũng đều biết nghiệp tạo ra từ thân, ngữ, ý. Rước tâm ma chính là từ trong tâm chuyển thành lời nói và tác thành hành động. Cái tâm khởi đó nếu gây ra chướng ngại thì gọi là ma. Mọi suy nghĩ của chúng ta nó khởi lên từ sự tương tác qua các giác quan với môi trường bên ngoài giữa người và vật. Nhìn một cảnh đẹp ta khởi lên những tư tưởng đẹp, nhìn một cảnh xấu ta khởi lên những tư tưởng xấu. Và dần dần khi nó đủ một cái quán tính, năng lượng nó tự vận hành và từ tâm đã có dữ liệu của tốt xấu hoà trộn khởi lên những luồng tư tưởng riêng biệt làm chủ cuộc sống của chúng ta. Bởi tư tưởng vận hành ngôn ngữ và tư tưởng vận hành hành động. Như vậy tư tưởng làm chủ ta. Tư tưởng mà thuộc loại chướng ngại gây khổ thì gọi là tâm ma. Tư tưởng thuộc loại thuận duyên hòa hợp, tạo ra hạnh phúc, bình an gọi là tâm Phật. Cứ đơn giản như vậy các bạn! Ta là Phật tử tại gia, cứ hiểu đơn giản, thực hành đơn giản ta sẽ thành tựu. Đừng cầu kỳ hoá như những bức tranh của hoạ sĩ vẽ hoặc như những nhà thơ, nhà văn, những nhà nghiên cứu về lịch sử, về triết học. Họ phác hoạ lên những từ ngữ sâu xa khó hiểu.
Trong cuộc sống của chúng ta, mọi Phật tử tại gia cần hiểu đơn giản, tâm ma được định nghĩa theo lời căn dặn của Đức Phật đơn giản, được gọi là tâm sân. Tâm sân thể hiện cho tâm ma, tâm sân nó thể hiện cái tánh hung dữ, hung ác, sân giận nơi địa ngục. Tâm sân chính là chỗ đó. Lúc nãy ta nói ta rước tâm ma làm chủ ta, ta khó suy nghĩ nhưng thật sự chúng ta đã thật nhiều lần trong đời có tâm sân. Sân từ suy nghĩ, sân từ ngôn ngữ và hành động rồi thể hiện toàn diện trong mọi tạo tác của tâm sân. Có những cái sân nó vi tế nhẹ nhàng, chỉ là sự khó chịu thôi nhưng đó cũng là sân. Bạn đi ra ngoài đi chơi với một người bạn gái hoặc một nhóm bạn. Hôm ấy bạn sơ ý bởi trời nó hơi hơi lạnh nên khoác cái áo len áo ấm. Đi một hồi trời thay đổi không khí, nó nóng lên, thế là cảm thấy khó chịu bởi đã lỡ mặc cái áo quá dày. Cái khó chịu đó cũng là tâm sân đó các bạn. Nó vi tế, nó nhỏ như cái mồi than nằm ở dưới đống tro chỉ đợi một cơn gió thoảng sơ qua nó có thể bật lên thành lửa đốt cháy cả ngôi nhà. Đừng nghĩ rằng lửa kia mới là sân, tham cũng là sân. Lăn tăn khó chịu bực bội cũng là sân. Cụ thể thân của Bảo Thành nó thay đổi là bởi vì cái thời tiết lúc lạnh, lúc nóng, có lúc khoẻ nhưng thường Bảo Thành hay bị sổ mũi bệnh không khí mà tuy nhiên vẫn khoẻ. Nhưng nếu Bảo Thành khó chịu thì đó là tâm sân mà Bảo Thành hoan hỷ thấy được ấm thịnh suy, tức là những cái sự thay đổi của khí hậu, môi trường làm cho cơ thể thay đổi mà vẫn giữ được sự tự tại thì không sân, nhưng hơi sân chút xíu trách rằng ui cha, hôm nay như vầy, hôm như kia. Chỉ sân một chút xíu như vậy là ma đó, ta đã cài đặt ma vào trong tâm rồi. Từ những cái chiều sâu đến chiều nông vi tế, những cái thật đơn giản ta không để ý những đều tới từ tâm sân. Vậy nên đức Phật mới nói có ba thể loại cảm xúc của tâm thường tạo ra chướng ngại đọa địa ngục hoặc tạo ra thuận duyên gieo trồng được những chủ tử Bồ Đề tốt đẹp, Phật gom lại đó là tâm sân, tâm tham và tâm si. Sân tức là ma, trong kinh Hoa Nghiêm, ngài Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi mà chúng ta thường tụng là Nam Mô Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, vì ngài Văn Thù Sư Lợi tiêu biểu cho trí tuệ bậc nhất của đệ tử Phật thời xưa. Đại Trí mà, bậc Đại Trí Văn Thù Bồ Tát. Kinh Hoa Nghiêm, ngài Văn Thù Bồ Tát có truyền dạy cho chúng ta một bài kệ bốn câu. Nói thật là đơn giản, văn từ thật là đơn giản nhưng ý nghĩa cao siêu và nếu như các bạn và Bảo Thành thực hiện được chúng ta đã trở thành siêu phàm rồi, người siêu phàm đó các bạn ơi! Chúng ta khi nghe tới cái tâm ma thì chẳng thể nghĩ đó là tâm sân. Khi nghe thấy chữ siêu phàm thì liền tưởng tượng ôi cha người đó là thánh, siêu phàm mà, bay bay ở trên cõi trời chẳng cần cánh như chim đâu. Nhưng chữ siêu phàm tức là thoát ra khỏi những suy nghĩ của phàm tục. Siêu là xuất ra, xuất ra khỏi cõi phàm, xuất ra khỏi những suy nghĩ, những hành động, những tư tưởng, những lời nói của phàm phu tục tử tạo ác nghiệp. Cho nên khi siêu phàm tức là ta thoát ra khỏi những thói thưởng tạo nghiệp, những tư tưởng thường tạo nghiệp, những ngôn ngữ thường tạo nghiệp. Mong các bạn chỉ dừng lại cái nghĩa của chữ siêu phàm ngay đó, đừng hoang tưởng, ảo tưởng quá mức để rồi tưởng tượng chữ siêu phàm như thánh bay, trời bay, Phật bay. Nếu nghĩ như vậy thì ngưng. Siêu phàm có nghĩa, đối với Bảo Thành, là thoát ra khỏi mọi tạo tác tạo nghiệp đời sống của chúng ta. Ngài Văn Thù tặng bài kệ cho chúng ta là:
“Trên mặt không sân đồ cúng dường
Trong miệng không sân xuất diệu hương
Trong tâm không sân là trân bảo
Không nhơ không nhiễm là chân thường”
Bài kệ có bốn câu nói rõ lắm. Câu đầu là “Trên mặt không sân đồ cúng dường”, các bạn đi ra đường, ai hạnh phúc mặt mũi tươi rói, miệng mỉm cười rất đẹp, chẳng cần trang điểm vẫn đẹp nhưng nhất định ai trong chúng ta cũng sẽ nhận ra cái người đang sân bởi trên mặt của họ cau có khó chịu, nhăn nheo, bực bội, nhìn là thấy ngay sân rồi. Ngài Văn Thù nói đơn giản mà, những cái đồ cúng dường cho Phật chẳng phải là tiền, chẳng phải là hoa trái, chẳng phải là cái gì lớn lao trong cuộc đời mà Phật tử tại gia chúng ta không thể làm được. Đồ cúng dường Phật tử tại gia của chúng ta là trên khuôn mặt của chúng ta không thể hiện sự sân giận. Cho nên câu “trên mặt không sân đồ cúng dường”, khi mặt của chúng ta, đôi mắt biết tươi, biết sáng, biết mắt thương nhìn đời, miệng biết mỉm cười tươi, khuôn mặt thơi thới nhẹ nhàng ai nhìn vô cũng thích thì đó chính là phẩm vật cúng dường vô giá dâng lên cho mười phương chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền, dâng lên cho cửu huyền, cho ông bà cha mẹ và trao tặng cho những người yêu thương trong cuộc sống. Làm được không? Được! Chúng ta tươi được mà, trên khuôn mặt tươi được mà. Trên mặt mà tươi thì đối với phụ nữ đẹp lắm, đỡ phải tốn tiền trang điểm. Câu này cũng ứng với lời Phật dạy. Phật dạy người phụ nữ biết kham nhẫn không sân và thực hiện pháp thiện lành người đó sẽ đẹp. Người kham nhẫn sẽ không sân các bạn, người không kham nhẫn dễ bực bội. Cho nên không những phụ nữ mà tất cả mọi người chúng ta khi biết kham nhẫn, biết yêu thương và chúng ta biết thực hiện các pháp thiện thì trên khuôn mặt của chúng ta sự sân giận sẽ tan biến, và trên mặt không sân chính là đồ cúng dường phẩm vật cao quý nhất.
Pháp thiện lành là gì các bạn? Nghe thì chúng ta liền hiểu pháp thiện lành tức là bố thí, cúng dường, từ thiện nhưng phải nhớ thêm hai chữ đằng trước nữa, tức là phải kham nhẫn bố thí cúng dường và từ thiện. Nếu bạn không kham nhẫn, bạn bố thí ít người ta chửi bạn, bạn sân. Nếu bạn không kham nhẫn, bạn cúng dường không đúng chỗ, người ta làm bạn sân. Nếu bạn không kham nhẫn, bạn từ thiện mà có chuyện gì nghịch ý bạn khó chịu tổn phước thì những hành động từ thiện cúng dường kia không tạo được gì. Cho nên sức mạnh ba chữ bố thí – cúng dường – từ thiện phải là kham nhẫn để không sân. Các bạn nhìn thử coi hiện tại khuôn mặt của các bạn có tươi không? Bảo Thành phải cười vì mình học theo ngài Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát đã dạy rồi. Nếu mặt mà không tươi mà sân thì ngày đó chư Phật, Bồ Tát xa ta, bởi mặt sân như vậy ai dám gần? Loài người còn không dám gần nữa mà các bậc thánh gần sao nổi? Ta cứ thử sân đi con cháu sợ, bạn bè sợ, cha mẹ ông bà người thân sợ, vợ cũng sợ, chồng cũng sợ. Cho nên Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi rất tâm lý và hiện hữu trong đời sống bình dân của Phật tử tại gia. “Trên mặt không sân đồ cúng dường”. Chúng ta hãy thực tập Thiền từ bi Mu A Mu Sa để từng hơi thở vào ra, khuôn mặt được thư giãn, mắt của chúng ta thể nhập vào tự tánh yêu thương của mẹ hiền Quan Âm, có đôi mắt thương nhìn cuộc đời, có nụ cười tươi để trao gửi cho nhau. Và trên khuôn mặt không sân đấy là một cái pháp thiện đã được thực hiện, pháp thiện đó là cái hạnh kham nhẫn. Trong Lục Độ Ba La Mật, một trong các pháp Lục Độ Ba La Mật tức là sáu con đường tu Mật để thành tựu có hạnh kham nhẫn. Cho nên một câu đơn giản “Trên mặt không sân” tức là người tu hạnh kham nhẫn, nó có lợi thực tế cho sức khỏe cho sự tươi trẻ, đẹp lắm, tốt lắm. Nhớ nhìn vào mặt của chúng ta mỗi một ngày, sửa soạn những pháp lành thiện trong cái đức hạnh kham nhẫn khi tương tác với cuộc sống để đừng bao giờ cái tâm sân trỗi dậy hiện trên khuôn mặt. Mỗi lần sân tức là ta đã rước tâm ma làm chủ ta, còn khi ta tươi cười, ta kham nhẫn, ta nhẹ nhàng, ta bao dung, mắt sáng, môi tươi, mặt thư giãn là ta đang cúng dường chư Phật, thì có nghĩa ta không rước ma làm chủ ta mà ta thỉnh Phật trụ thế vào đời, ta thỉnh Bồ Tát ghé thăm nhà, ta thỉnh thánh hiền đồng hành với chúng ta.
Câu hai nói “Trong miệng không sân xuất diệu hương” các bạn thấy chưa, miệng của ta mở ra một câu là thể hiện cái tánh sân hoặc cái tánh thiện lương ngay. Các bạn cứ âm thầm ra phố, ra chợ, ra ngoài đường đi, chỉ nghe thôi, bịt mắt lại, các bạn sẽ nghe được những âm thanh sân giận, chửi những lời thô tục, ô uế, thô ác. Và cũng lẫn lộn trong cuộc đời đấy, có những cái lời chân tình nhẹ nhàng. Và bạn lắng nghe cảm xúc của bạn khi những ngôn ngữ trong miệng của họ tuôn ra sự thô ác, sân giận thì cảm xúc như thế nào và những người nói trên miệng của họ những ngôn từ ái ngữ, dễ thương, nhẹ nhàng, kính trọng bạn thấy cảm xúc của bạn như thế nào? Đối với ngài Đại Trí Văn Thù thì trong miệng không sân tức là miệng biết ái ngữ, biết nói lời tốt đẹp, có hạnh kham nhẫn thì đó chính là diệu hương, xuất ra cái diệu hương. Tất cả các hương ta tặng, ta cúng dường, tặng cho nhau hoặc cúng dường lên các đấng bậc giác ngộ thì diệu hương của cái miệng không sân là cao nhất và thơm nhất, là đẹp nhất. “Trong miệng không sân xuất diệu hương”. Mỗi một ngày ta nói chuyện, các bạn có nhìn vào ngôn ngữ các bạn sử dụng không? Nó có phải là thể loại ngôn ngữ của sân giận hay không? Hay là thể loại ngôn ngữ của yêu thương, của tha thứ. Có phải là thể loại ngôn ngữ để tạo thành khói mù, nồng nặc người ta ngửi vào bị ngộp thở chết hay không? Hay là thể loại ngôn ngữ xuất diệu hương Phật, Thánh, Bồ Tát đều hoan hỉ. Bạn cứ thử đi, hôm nào đó chồng vợ con cái hoặc người thân mình bực bội mà họ chửi mình thì bạn cảm giác như thế nào, bạn biết mà. Thì cũng từ đó chính trong miệng của ta mà tuôn ra những lời sân giận thì chính là khói độc đang giết ta và giết mọi người. Bồ Tát Văn Thù ngài là bậc đại trí tuệ đã nhìn thấy có một thể loại diệu hương siêu thế từ miệng của chúng sinh khi không có những cái lời sân giận tuôn ra. Điều này thực hiện được, dễ lắm các bạn, không khó. Trong bài kệ này muốn nhắc nhở các bạn Phật tử điều gì cũng làm được, nó ở trong tầm tay của chúng ta.
“Trên mặt không sân đồ cúng dường
Trong miệng không sân xuất diệu hương”
Câu ba “Trong tâm không sân là trân bảo”, trân châu bảo ngọc ở chỗ tâm chúng ta không sân. Thể nghiệm nơi bản thân mỗi người khi tâm ta sân ngày nào là ngày đó khó chịu, ngày đó coi như thôi xong rồi, ăn biết bao nhiêu sơn hào hải vị đồ bổ đi nữa mà cái tâm sân thì chẳng khác gì độc dược nó lan tỏa, chẳng có nghĩa lý gì. Cho nên ngài Văn Thù dạy cho chúng ta rằng đừng – đừng có sân ở trong tâm. Đó mới là trân bảo. Dù bạn có làm tiền thật là nhiều, bạn là tỷ phú, dù bạn có quyền lực hô phong hoán vũ, bỏ tiền ra mua thì thứ trân bảo trên cuộc đời này không có cái gì có thể so sánh rằng chính trong tâm của bạn không có sân. Vì trên mặt không sân, trong miệng không sân, trong tâm không sân thì cuộc đời của bạn không nhơ, không nhiễm, đó chính là chơn thường, bất diệt, đó là điều cao quý mà Phật tử tại gia ai cũng có thể làm được.
Hôm nay chúng ta chia sẻ về chủ đề “Rước Tâm Ma Làm Chủ Ta” có nghĩa là nếu trên miệng, trên mặt, và trong tâm của chúng ta thường hay sân giận chính là biểu hiện của chủ đề, chính là rước tâm ma làm chủ ta. Đức Phật dạy tâm phải được làm chủ bằng chánh niệm hơi thở để thắp sáng trí tuệ, để lan tỏa yêu thương, tâm ấy là tâm cúng dường, là “tâm diệu hương”, tâm ấy là trân bảo, tâm ấy là chơn thường, là cao quý. Chẳng phải vào trong động, trong hang, trong núi, trong rừng, trong chùa, trong am, trong thất, trong thiền viện mà ngay trong đời của Phật tử, một cuộc đời bình thường. Chúng ta cũng có những phẩm vật cúng dường siêu thế, cũng có những diệu hương tuyệt vời thắp lên, dâng lên, cũng có những trân bảo cao quý, chơn thường bất diệt. Bồ Tát Văn Thù dạy cho chúng ta đơn giản như vậy mà không cần phải là thánh mới làm được, phàm phu đều làm được. “Rước tâm ma” chính là để cho tâm sân hiện hữu trên mặt, trên miệng, ở trong tâm rồi tâm của chúng ta sẽ bị dơ bẩn, ô nhiễm. Còn nếu mà lúc nào cũng vui, hoan hỉ, không sân, miệng ta không bao giờ nói lời thô ác. Không sân, tâm của ta lúc nào cũng an nhiên tự tại thì chúng ta sẽ trở thành người không có nhơ, một người không bị ô nhiễm và chính là chơn thường bất diệt, là tịch tĩnh an vui, là hạnh phúc, là niết bàn. Đơn giản quá!
Có câu chuyện ông vua kia, muốn trị vì dân chúng cho quốc thái dân an nên liền mời một vị thầy phong thuỷ đến coi. Thầy phong thủy đến coi và nói với vua rằng: “Thưa vua, quốc gia này sẽ thịnh vượng lâu dài nếu chúng ta có thể thỉnh được một vị quốc sư vào trong cung đình. Quốc sư có đức hạnh, tướng hảo tốt.” Và sau đó vua mời một vị quốc sư tướng hảo thật tốt, đức hạnh cao, ở trong chùa làm quốc sư. Thầy phong thủy bước vào nhìn vị quốc sư đó có thân tướng sáng ngời, mặt như mặt trời, miệng thơm như diệu hương, từ trên đảnh đầu thoát ra như ngọc Maly sáng ngời đẹp lắm, tướng đi thanh thoát nhẹ nhàng, chậm rãi ung dung tự tại. Thầy phong thủy mới nói: “Đây đúng là một vị Phật, một vị thánh xuất trần độ cho quốc gia.” Vị thầy phong thủy rời bước ra đi, quốc gia thịnh vượng, vua rất là thích vị quốc sư kia và ban tặng cho quốc sư biết bao nhiêu là vàng bạc, gấm lụa, đất đai rồi các tiệc của cung đình đều mời quốc sư tới chứng kiến chung vui. Trải qua một thời gian, vị thầy phong thủy thấy ở kinh thành khí đen ngất trời như có ma bao phủ, quỷ vương chiếm lĩnh liền đến diện kiến vua và hỏi tại sao chỉ một thời gian thôi kinh thành lại có ma quái yêu quỷ nó xâm nhập chiếm cứ? Vua thất hồn liền để cho nhà phong thủy bắt đầu đi dò coi cái khí tà nó ở đâu. Theo thuật phong thủy, thầy phong thủy liền đi vòng vòng cuối cùng dừng lại ở cái chùa trong kinh mới thấy và nói rằng ma quỷ đã ẩn ở trong chùa. Bước vào trong chùa cùng với vua thì vị thầy phong thủy té ngất sợ hãi vì trước mặt thấy một quỷ vương hiện hình, cầm phương trượng gặp vua mà không kính nể. Sau khi tiếp cận, vị thầy phong thủy mới được vua cho biết đã ban tặng quá nhiều cho vị quốc sư kia. Và vị phong thủy cũng nhận ra từ ngày vị quốc sư được ưu ái bởi vua ban tặng vàng bạc, tiệc tùng đầy rẫy thì sự thánh thiện, sự lành thiện đã biến mất. Và sự ăn chơi xả láng, tranh chấp quyền lực, tiền tài danh vọng ở trong đời đầy mỏ cái dục lạc thì liền biến tướng thành quỷ vương, khí tà ngút trời. Phật cũng là vị quốc sư ấy năm xưa, ma cũng là vị quốc sư ấy chẳng qua là cái tâm đã thay đổi vì dục lạc cám dỗ.
Câu chuyện này bổ túc cho lời của ngài Bồ Tát Văn Thù dạy cho chúng ta: Tâm ấy cũng là ma, tâm đó cũng là Phật. Chỉ một niệm thành ma, mà cũng một niệm thành Phật. Gieo giống bồ đề thanh tịnh. Sân là chủng tử của ma vương. Mỗi khi bạn sân trên khuôn mặt, bạn sân trong ngôn ngữ, bạn sân nơi những tư tưởng suy nghĩ chính là bạn đã rước tâm ma làm chủ ta. Và khi như thế thì bạn sẽ bị dơ bẩn, bị ô nhiễm, bị uế trược, sự bất tịnh sẽ ở trong cuộc đời các bạn như tà khí ngất trời của vị quốc sư ô nhiễm dục lạc bởi tiền tài danh vọng địa vị, bị đánh ngã, bị đốn ngã khi sống kề cận trong kinh thành. Cho nên trong cuộc sống, lìa xa tâm sân chính là pháp bảo vi diệu mà trên mặt của những ai không sân chính là đồ cúng dường. Mặt đẹp, miệng đẹp, tâm đẹp bởi không sân đều là cúng dường vi diệu hương trân bảo chơn thường. Để có thể đẩy lùi tâm sân khỏi cuộc sống – gần mực thì đen gần đèn thì sáng. Chúng ta phải gần gũi với đèn trí tuệ của Phật qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Và chúng ta phải đắm mình tắm rửa trong bể nước từ bi của Mu A Mu Sa, để gội rửa với từ bi để cho thân tâm, để thân ngữ ý của chúng ta không bị ô nhiễm, không còn dơ bẩn. Thiền Mật Song Tu quán chiếu trí tuệ từ bi qua chánh niệm hơi thở, giúp cho hàng Phật tử tại gia của chúng ta có được khuôn mặt không sân, có được cái miệng không sân và có được cái tâm không sân, không ô nhiễm, không dơ bẩn. Làm được dễ lắm, chỉ cần thực hành thực tập liên kết với các bạn đồng tu, tinh tấn nỗ lực vượt qua mọi chướng ngại trong cuộc sống. Dành thời gian trong công hạnh đồng tu như vậy, chúng ta sẽ thực hiện được lời của vị Bồ Tát Đại Trí Văn Thù và chúng ta sẽ chấm dứt rước tâm ma làm chủ ta. Nhưng có thể khởi đầu trong một giai đoạn mới để thỉnh Phật trụ thế, thành đấng giác ngộ vào đời, thỉnh Bồ Tát tới với gia đình và thỉnh chư thiện thần, hộ pháp đồng hành với ta trên mọi nẻo đường của cuộc sống.
Các bạn hãy cố gắng đồng tu Trí Tuệ – Từ Bi quán để trên mặt không sân, để trong miệng không sân, để trong tâm không sân, để ta không nhơ, ta không nhiễm, để ta có được đồ cúng dường xuất diệu hương trân bảo chơn thường. Các bạn, mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái.
Nam Mô Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, ngài đã dạy cho chúng con
“Trên mặt không sân đồ cúng dường
Trong miệng không sân xuất diệu hương
Trong tâm không sân là trân bảo
Không nhơ không nhiễm là chân thường.”
Chúng con nguyện đồng tu từ bi trí tuệ quán để có thể chuyển hóa tâm sân và loại bỏ chúng ra khỏi cuộc đời của chúng con. Xin chư Phật, xin ngài Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi gia trì cho chúng con.
Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa! NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang! (07 biến)
Hồi hướng:
Chúng ta hãy hồi hướng công đức.
Thưa Phật! Chúng con nguyện hồi hướng phước báu nếu tạo được trong buổi đồng tu hôm nay cho nền hòa bình của thế giới.
Xin chư Phật chứng minh!