Search

Bài 2252. Chủng Tử Giải Thoát

Bảo Uyên đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý thầy, quý sư cô và các bạn đồng tu ở trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi. Kính mời các bạn thành kính và quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Chúng con nguyện xin chư Phật gia trì cho tất cả các vị lãnh đạo các quốc gia trên thế giới có sự sáng suốt và tình yêu thương lớn, biết ngồi lại với nhau bàn thảo thiết lập nền hòa bình trật tự lại cho thế giới và chấm dứt chiến tranh. Xin chư Phật gia trì.

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Giây phút này, cùng thể nhập vào Chánh niệm của hơi thở, quán chiếu thân tâm, lãnh nhận năng lượng Từ Bi và đồng rải tới muôn loài chúng sanh.

Chúng ta hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

(7 biến)

Các bạn thân mến, chúng ta có đầy đủ phước báu lại hợp nhân duyên để thành tâm đồng tu trong Chánh niệm hơi thở, thể nhập vào với tự tánh và khơi nguồn yêu thương, sống bình an. Chủ đề ngày hôm nay chúng ta nhìn thấy trên màn ảnh “Chủng tử giải thoát”, khi nghe qua có lẽ ai cũng có thể lặp lại “chủng tử giải thoát”, nhưng nếu để hiểu cho nó uyên thâm áo nghĩa với cái cụm từ “chủng từ giải thoát” trong kinh điển Phật giáo đại thừa hoặc Nguyên thủy, mỗi người chúng ta phải đọc thật nhiều sách. Ngày nay phương tiện đó có, cơ hội nghiên cứu kinh điển, hiểu thấu được ý nghĩa đặt để, chúng ta có cơ hội nhìn rõ hơn về những lời Đức Phật truyền dạy. Nhưng dòng thời gian trôi qua, văn tự và ngôn ngữ của con người thay đổi, mỗi ngày, mỗi năm, mỗi tháng, từng vùng miền lại chế tác ra nhiều thể loại ngôn ngữ mới, những cái từ vựng mới. Và rồi những từ vựng, ngôn ngữ cổ lùi lại về quá khứ. Sau nhiều thế hệ, những ngôn ngữ cổ xưa có lẽ chỉ còn lại trong các tàng kinh các, các thư viện quốc gia, hoặc các thư viện tôn giáo để cho những ai nghiên cứu về văn tự phải lần mò, lật ngược dòng quá khứ để hiểu biết.

Đối với các bạn trẻ, cụm từ “chủng tử giải thoát” nghe cho vui nhưng mấy ai trong chúng ta đào sâu đâu, bởi vì sao? Vì chúng ta càng ngày càng không còn thời gian, tuy thời gian vẫn còn, có nghĩa hai mươi bốn tiếng đồng hồ vẫn đó nhưng quá bận rộn nên chẳng còn thời gian chứ thực ra hai mươi bốn tiếng vẫn y nguyên như thuở ta sinh ra trong đời. Nhưng nó ngắn dần là bởi chúng ta nhồi nhét vạn sự ở thế gian vào trong cái khung thời gian nhỏ bé. Và cứ thế, chúng ta nuối tiếc bởi có thời gian nhưng rồi thời gian trôi qua, ta lại bị cuốn vào cái vòng xoáy ngớ ngẩn là ta đã bị mất thời gian, không có thời gian, không còn thời gian. Luẩn quẩn như vậy hoài thôi thì làm sao chủng tử giải thoát hiểu cho được cái thâm ý uyên áo của người xưa.

Các bạn trẻ ngày nay, Bảo Thành dịch đơn giản “chủng tử giải thoát” như thế nào? Đơn giản thôi bởi ta là Phật tử tại gia, và dù có xuất gia đi nữa thì cũng phải đi từ cái ngưỡng cửa của sự hiểu biết rất bình thường để thiết lập một cái cách sống an vui, tự tại cho chính mình. Khi nói đến hai chữ “giải thoát” thôi ta nghĩ thử coi, nếu rốt ráo đi đến sự giải thoát, các bạn nghĩ thử coi chúng ta giải thoát khỏi cái gì? Nếu trong đạo Phật nói đến giải thoát thì giải thoát khỏi cái gì? Và nói đến giải thoát thì giải thoát để đi về đâu? Giải thoát khỏi cái gì và để đi về đâu là điều cần phải hỏi khi sử dụng “giải thoát”. Còn “chủng tử” là mầm mống. Dịch như vậy cũng thấy vui nhưng Bảo Thành nói đơn giản chủng tử giải thoát theo như Bảo Thành với cái tâm ý của tuổi trẻ ngày hôm nay hiểu sơ sài nhưng mà tròn đầy dễ thực hiện được, chủng tử giải thoát có nghĩa là chúng ta biết cách tháo gỡ, khả năng tháo gỡ, chúng ta có khả năng tháo gỡ, giải thoát là tháo gỡ, chủng tử là khả năng. Hi vọng các bạn trẻ nhìn cái cụm từ “chủng tử giải thoát” chuyển dịch thành cái ngôn ngữ phù hợp với tuổi trẻ ngày nay là mỗi người chúng ta đều có khả năng tháo gỡ. Tháo gỡ cái gì? Tháo gỡ tất cả những gì ta bị ràng buộc để tạo ra khổ đau và phiền não. Khả năng đó là gì? Là Trí Tuệ, Trí Tuệ để nhìn thấy, nhìn thấu và Trí Tuệ đó ta ứng dụng vào đời sống này. Chúng ta mỗi người đều có khả năng để tháo gỡ tất cả mọi khổ đau và phiền não ta đã tự ràng buộc vào cuộc đời này.

Đơn giản vậy thôi nhưng mà không dễ dàng để thực tập, nếu chúng ta không nghiên cứu và không dốc lòng nhất tâm thì làm sao chúng ta có thể tháo gỡ được đau khổ và phiền não mặc dù chúng ta có khả năng. Dù các bạn là bạn trẻ hay những bạn đã lớn tuổi (để chúng ta có sự bình đẳng) thì khả năng tháo gỡ của chúng ta đều có. Mọi đau khổ phiền não ta tự ràng buộc, tự chế tạo, tự thiết kế, cột chặt mình lại thì chúng ta cũng có khả năng tháo gỡ. Có khả năng ràng buộc cột chặt thì có khả năng tháo gỡ – đó là định luật thiên thu của con người. Nếu chúng ta khiêm tốn đặt mình dưới cái sự giáo dục của chư Phật, chúng ta học cho kỹ để nhận biết cái khả năng vốn có nơi ta để rồi ta tháo gỡ mình mà thoát khỏi đau khổ phiền não thì thật là dễ. Ta không đi sâu vào đau khổ phiền não là gì bởi đã được nhắc nhở, nhưng cái nguyên nhân dẫn đến sự đau khổ và phiền não khởi nguồn từ thân – ngữ – ý, từ tham – sân – si, còn cái cội nguồn thì là từ vô minh – nghĩa là không thấy, không nhận biết, không rõ. Bởi không thấy, không nhận biết được và không rõ nên ta từ nhiều năm, nhiều ngày tháng qua ta tự cột chặt mình vào trong những chuyện gây ra đau khổ phiền não cho chính mình. Nên bây giờ ta phải học cách để thấy, để biết, để rõ. Và từ đó, chúng ta gỡ những cái khúc mắc, những cái chỗ cột chặt do chính mình vào đau khổ phiền não để thoát ra khỏi cái đau khổ phiền não, để bình an và hạnh phúc.

Có một câu chuyện kể như vầy. Có một mãnh chúa sơn lâm, đó chính là sư tử, cái cô sư tử cái này là mãnh chúa sơn lâm, tung tăng bên bờ rừng nhưng đang mang thai. Chợt đúng vào cái ngày giờ hạ sanh, đau bụng quá, quằn quại mà ngay ở bên cái bờ vực thẳm. Trong lúc quằn quại đau đớn để sanh con mấp mé bên bờ vực thẳm, sư tử nhỏ được sinh ra và rớt thẳng xuống dưới vực sâu ngay bên bìa rừng. Ở bên dưới kia, sư tử con đang rơi vướng vào cành cây và rơi xuống đất. Còn ở trên, sư tử mẹ khóc lóc bởi đã mất con không thể nào tìm thấy được. Rồi sư tử con được một đàn khỉ dưới chân núi làm quen, nuôi dưỡng và dạy cho cách leo trèo, nhảy nhót, đi hái trái cây để tự nuôi. Sư tử con lớn lên chẳng nhận biết mình là sư tử và cái kiểu cách sống với khỉ đã quen, được huấn luyện trèo leo nhảy nhót, hái trái cây cũng đã thành những cái thao tác quen thuộc như khỉ. Trong thâm tâm của sư tử con, nó chỉ nhận biết rằng nó là khỉ và khả năng của nó là trèo leo, nhảy nhót, hái trái cây. Và khi gặp thú dữ như cọp, beo, sư tử, những loài ăn thịt, nó cũng lại theo đồng loại chạy trốn, sợ hãi, trèo lên cây. Sống lâu năm lắm rồi, một hôm ở trong một cái bìa rừng, nó gặp một bầy sư tử và sư tử thấy bầy khỉ đó liền phóng tới để săn bắt thì con sư tử con sống với khỉ kia cũng sợ hãi chạy lên trên cây. Đàn sư tử bao vây ở dưới chẳng còn chỗ chạy trốn nữa, nhưng sư tử mẹ đã nhận ra đó là sư tử con của mình, tìm đủ mọi cách để kêu mời sư tử con hãy xuống cây và gia nhập vào đàn để trở nên dũng mạnh, không sợ hãi, nhút nhát như bầy khỉ. Nhưng sư tử con thì ngược lại, thấy bầy sư tử cũng hay hay đẹp đẹp, thấy hình như cũng giống giống nhưng vì sống với khỉ quen rồi sợ hãi nên không dám xuống. Sau đợt đó, có một lần đi ngang qua bờ sông, con sư tử con cùng với đàn khỉ uống nước, nhân dịp ấy nó soi mình trong nước và nó nhận thấy toàn bộ bầy khỉ kia không giống nó. Nhưng bất chợt ở dưới bóng nước, nó nhìn thấy một hình ảnh giống y hệt nó đứng ở đằng sau, nó sợ hãi chợt tỉnh quay lại thì nó chợt thấy con sư tử lớn hơn đứng sau. Đó chính là con sư tử mẹ đã theo dõi con sư tử con của mình bị lạc vào bầy khỉ, sống như khỉ và đã trở thành tánh khí như khỉ. Chú sư tử con sợ hãi nhưng cuối cùng cũng nhận ra đồng loại, bị thuyết phục và sẵn sàng đi theo sư tử mẹ học trở lại cái bản tánh vốn có nơi sự sống của mình và đã trở thành một con sư tử dõng mãnh, là chúa tể của rừng xanh.

Các bạn, Đức Phật là con sư tử mẹ, sư tử hống, sức mạnh và chúng ta đã lạc Đức Phật, rơi vào trong cái vùng tăm tối của những loài khỉ leo trèo, nghịch ngợm trên những cái sợi dây của tham sân si lâu dần làm mờ cái ý tưởng hiểu thấu về mình. Đó gọi là vô minh, không nhận rõ ra mình là sư tử nữa mà đồng hóa mình thành khỉ. Từ đó đánh mất cái sức mạnh vốn có và cứ như vậy trèo leo trên ba sợi dây tham – sân – si, cột chặt mình vào cái thân xác, nòi giống của loài khỉ sợ hãi, không có sức mạnh. Đức Phật đã tới trong cuộc đời như con sư tử mẹ đã đưa chúng ta tới cái bờ hồ của tâm thanh tịnh bằng Chánh niệm hơi thở. Các bạn, các bạn phải nhớ cái điểm này đây. Đức Phật đã tới với cuộc đời của mỗi một người chúng ta như con sư tử mẹ đã đưa chúng ta tới bờ hồ thanh tịnh của cái tâm chân thật nơi hơi thở Chánh niệm, để từ đó ta soi mình xuống cái mặt hồ nước trong vắt phẳng lặng không có cái sóng của tham – sân – si. Chánh niệm hơi thở đó đã giúp chúng ta nhìn rõ được hình ảnh của mình, sự khác biệt của ta và loài khỉ của tâm tham – sân – si. Và nhận rõ cái hùng lực vô tận siêu thế của sư tử mẹ chính là Đức Phật và nhận ra ta giống Phật. Và đúng y như lời Phật đã thọ ký “Ta là Phật, các con là Phật sẽ thành”. Chỉ có khi nào ta được Phật dắt về cái bờ hồ vắng lặng, thanh tịnh trong suốt của tâm Chánh niệm, ta sẽ có cơ hội nhìn thấy hình bóng của mình soi ở trên mặt phẳng trong suốt của cái chân tâm chân thật kia thì ta sẽ nhận ra ta có khả năng giải thoát khỏi cái thân khỉ để trở thành sư tử hống. Tiếng rống của ta có thể làm rung chuyển, tan nát tất cả màn đêm tăm tối ở trong tâm, giúp cho chúng ta tìm lại cái sức mạnh tháo gỡ tất cả mọi sự ràng buộc nơi cái thân khỉ trèo leo trên ba sợi dây của tham – sân – si.

Các bạn, chúng ta có khả năng tháo gỡ mọi phiền não và đau khổ do chính sự thiếu phước, sinh lọt vào cuộc đời trong vô minh, nhận lầm loài khỉ là cha mẹ, là thân bằng quyến thuộc. Chúng ta từ vô mình bị lọt vào đó tới nhận lầm những cái thứ giả, thứ huyễn, tham – sân – si là gốc, là mẹ. Nay có đầy đủ phước duyên được soi mình dưới mặt gương trong suốt của Chánh niệm hơi thở, ta đã nhận ra, ta có khả năng như Phật để tháo gỡ mọi sự ràng buộc trong đau khổ và phiền não. Ta không còn hú hú hú, hu hu, ha ha như loài khỉ nữa mà ta phải rống lên như sư tử hống. Từ cái miệng không còn thị phi, đâm thọt, thêu dệt, thô ác, gian dối nữa bởi vì những cái lời gian dối, những cái lời đâm thọt, thêu dệt, những cái lời thô ác, thị phi là tiếng hú của loài khỉ, là tiếng hu hu ha ha của cái loài mà trong vô minh ta lạc vào. Còn từ trên cái miệng này rống lên âm thanh của hùng lực Chánh niệm, của chánh ngữ, của ái ngữ, của chân thật thì tiếng rống đó sẽ làm tiêu tan màn đêm tăm tối và làm cho chúng ta thoát ra khỏi sự ràng buộc cột chặt vào loài khỉ hu hu ha ha.

Các bạn thân mến, chúng ta có khả năng tháo gỡ mọi sự ràng buộc, mê lầm của cuộc đời và các bạn đã có khả năng đó nơi tự tâm, tự thân. Và chúng ta lại có phước duyên được sư tử mẹ dắt tới bờ hồ – đó chính là Đức Phật. Chúng ta đã gặp được Phật – Pháp – Tăng qua cái bài giảng, các khóa tu, các bậc thiện tri thức, qua truyền thống của cửu huyền thất tổ, ông bà cha mẹ, qua nhân duyên gặp gỡ và hiểu được ta chẳng phải là khỉ. Chỉ cần thực tập theo sư tử mẹ, chỉ cần thực tập và tu luyện theo lời Phật dạy, đấng giác ngộ, đấng đã tự cởi trói khỏi mọi sự ràng buộc và nhận ra chúng ta có khả năng tháo gỡ. Thực tập cho thông thạo, tháo gỡ cho rành thì nhất định ta sẽ trở thành chúa tể của sơn lâm, chẳng sợ gì, có sự tịch tĩnh, có sự an vui và hạnh phúc. Các bạn, nhìn lại cuộc đời của Phật tử tại gia, có phải chúng ta đã lầm, lầm ở trong cái cảnh sống của loài khỉ, chỉ có trèo leo trong những cái tham – sân – si, những cái mồi của lục dục, của ngũ dục, của tham ái, của sân giận, của si mê? Có phải chăng chúng ta đã vô tình hoặc cố tình, hoặc thiếu phước bởi đó mà lọt thỏm vào cái cuộc sống của loài khỉ tối ngày chỉ biết trèo leo phá phách? Rồi từ cái miệng chỉ biết hu hu ha ha tạo nghiệp cho chính mình. Phải nhìn lại thôi.

Và đã đi vào Chánh niệm của hơi thở, chúng ta đã có khả năng nhìn thấy thật rõ mình, thật rõ được chính mình khác biệt với loài khỉ, và thật giống y khuôn như đúc, không sai một ly với Phật. Phật nói chính xác, Phật là Phật, còn ta sẽ là Phật. Ta vốn gốc là con của sư tử, ta có tiếng rống thật lớn, sư tử hống, chúng ta phải hống lên cái âm vang thật lớn, oai hùng kia. Đừng hú như loài vượn, loài khỉ, đừng hú trong gian dối, đừng hú trong thêu dệt, đừng hú trong đâm thọt, đừng hú trong gian dối, trong thô ác, trong thêm bớt, trong thị phi. Bởi những âm thanh thị phi, thêm bớt, thêu dệt, đâm thọt, gian dối, thô ác, miệt thị, chê bai là những âm thanh của những loài khỉ, là tiếng hú của loài súc sanh. Và tiếng hú đó như những sợi dây thể lộ cái tánh tham – sân – si và chúng sẽ ràng buộc, cột chặt ta vào trong đau khổ và phiền não, sợ hãi. Phải rống lên như sư tử, cũng từ cái miệng ái ngữ là hải triều âm, chánh ngữ là hải triều âm, lời chân thật là hải triều âm, lời dễ thương là hải triều âm, là sức mạnh, là hùng lực, là tiếng rống của sư tử, sư tử hống. Sức mạnh đó nó âm vọng tam thiên đại thiên thế giới, nó làm tan vỡ màn vô minh, làm rụng rời đau khổ và phiền não, tăng trưởng cho cái sự vững chãi của tự thân, oai hùng như chúa tể của sơn lâm. Phải như vậy!

Khả năng tháo gỡ là cách phiên dịch đơn giản nhưng ý nghĩa vô cùng của cụm từ “chủng tử giải thoát”. Các bạn, mỗi người chúng ta đều có khả năng tháo gỡ, chỉ vì mê lầm, hiểu sai trong cái hoàn cảnh thiếu phước sinh ra và rơi xuống cái hố sâu của tham – sân – si, tự ngộ nhận mình là khỉ. Nhưng vốn trong tự thân của ta có cốt cách của chúa tể sơn lâm là loài sư tử, chúng ta có chủng tử giải thoát, có khả năng tháo gỡ, có mầm mống bồ đề, có Phật tánh, đó là lời Phật khẳng định thật rõ. Và chúng ta may mắn quá, Phật đã đưa chúng ta tới bờ hồ chân tâm vắng lặng và thanh tịnh của Chánh niệm hơi thở để soi mình mà thấy tự thân, để nhận ra chúng ta có khả năng tháo gỡ mọi sự ràng buộc của khổ đau, phiền não và sợ hãi. Nhìn lại cuộc đời của Phật tử tại gia, nhìn lại cuộc đời của con người chúng ta trong bao nhiêu năm qua, bạn đang đau khổ, bạn đã đau khổ, bạn sẽ nhìn thấy mình sẽ đau khổ, phiền não và sợ hãi, thì các bạn thân mến, chúng ta soi mình vào trong Chánh niệm hơi thở sẽ nhận thấy rằng chúng ta có khả năng tháo gỡ khỏi sự ràng buộc đó để sống tự tại và bình an. Cần có cái sự nhận thức này bằng sự đồng tu miên mật, soi mình trong Chánh niệm bên bờ hồ của tâm thức thanh tịnh và hãy dùng nước Từ Bi Mu A Mu Sa rửa cho thật sạch những vết nhơ, những vết đen ta đã bôi lên khuôn mặt của loài sư tử hống để biến mình thành khỉ. Rửa sạch đi để thấy lại cái chân tâm thanh tịnh, chủng tử giải thoát, Phật tánh của chúng ta. Phải lấy Từ Bi để rửa sạch những vết dơ đó và phải thắp sáng Trí Tuệ để soi mình trên cái mặt phẳng của chân tâm thanh tịnh Chánh niệm, để nhận ra đằng sau ta có hình bóng của thế tôn, có hình bóng của chư Phật, chư Bồ Tát và nhận ra chúng ta cũng như Phật. Phật đã nhận ra có khả năng giải thoát và tháo gỡ nơi mỗi chúng sanh, bởi Phật đã dùng chính cái khả năng tháo gỡ đó để thành Phật, nay nhắc nhở thì chúng ta cũng hãy cố gắng. Nhất định chúng ta sẽ thành công. Cảm ơn các bạn đã nghe. Mời các bạn trở về với hơi thở Chánh niệm.

Thưa Phật, chúng con đã soi mình trong Chánh niệm của hơi thở và đã nhận ra bao nhiêu kiếp qua nhận lầm loài khỉ là cha mẹ để suốt cuộc đời chỉ biết hu hu ha ha trong những tiếng thị phi đâm thọt, thêu dệt, gian dối và thô ác. Nay soi mình trong Chánh niệm nhận ra cái bản tâm gốc của mình là có khả năng tháo gỡ mọi sự ràng buộc để bình an và hạnh phúc, tự tại và bao dung. Xin chư Phật gia trì cho chúng con.

Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

(7 biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn