Search

Bài 2241. Dệt Bình An Giữa Nhân Gian

Thu Hằng đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi. Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con. Xin chư Phật cũng gia trì cho chúng con tinh tấn tu học, Chánh Niệm hơi thở, thiền quán Trí Tuệ và Từ Bi để nhận rõ các pháp là Vô Thường sanh – diệt, là Khổ, là Vô Ngã.

Xin chư Phật chứng minh!

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta hãy cùng nhau ghi nhớ lời dạy của Đức Phật là chúng ta hãy lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Thiền Mật Song Tu, Chánh Niệm hơi thở đưa chúng ta tới thật gần, thật gần với mười phương chư Phật qua sự gắn kết của tha lực Phật điển từ bi. Trong từng hơi thở vào ra chính là những giây phút nhiệm màu mà ta gắn kết với Phật, lãnh nhận năng lượng tình thương rải tới tất cả những người ta yêu thương.

Chúng ta hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang (7 Biến)

Các bạn thân mến, ở trong chánh điện, Bảo Thành đang ngồi trước cái phone để quay trực tiếp trong sự đồng tu ngày hôm nay. Nhưng ở ngoài trời tuyết đang rơi, gần cuối tháng 2 rồi tuyết vẫn còn rơi, nhiệt độ dưới âm độ thật nhiều, lạnh. Tuy vậy, sự đồng tu mỗi ngày vẫn làm cho Bảo Thành hạnh phúc vô cùng, bởi còn hơi thở của Chánh Niệm, còn ý thức được sự sống và giá trị của cuộc đời. Đặc biệt hân hoan hạnh phúc và tràn ngập sự bình an mỗi khi đồng tu cùng các bạn.

Chủ đề ngày hôm nay “Dệt Bình An Giữa Nhân Gian”. Hai chữ “bình an” trong mỗi người luôn luôn tìm cầu, đôi khi chúng ta thốt lên rằng “Xin cho tôi hai chữ bình an”. Bình an ở đâu để ta có thể xin? Thực ra hai chữ “bình an” có thể xin được. Đặc biệt là vào những cái dịp tết chúng ta đi vui xuân, gặp ông đồ nói thẳng với ông đồ rằng cho tôi xin hai chữ “bình an”, thì nhất định ở trên đời này có thật nhiều ông đồ thật khéo, sẽ họa cho chúng ta hai chữ “bình an” trên nền giấy đỏ thật đẹp hoặc trên những cái nền của khung được tạo bởi những nhiên liệu phù hợp để treo ở nhà. Có lẽ, nhiều người trong chúng ta đã từng đi xin chữ và được ông đồ cho chữ “bình an” treo ở nhà ngày qua tháng lại, nhưng vẫn không có bình an. Để cuối cùng biết bao nhiêu phiền não nó tới, ta phải thốt lên với ông trời “xin cho tôi hai chữ bình an”. Nếu mà các bạn cứ phải thỉnh nguyện cầu xin, xin cho tôi hai chữ bình an, thì nhất định ông trời sẽ trở thành thương buôn, bởi vì ông sẽ đi dệt hoặc là đi in hai chữ bình an tới tất cả mọi nhà để bán. Vì sao? Vì nếu có hai chữ “bình an” mà được bình an thì ông trời sẽ đi bán bình an để hưởng lộc, đâu ngồi ở trên bàn thờ, đâu ngồi ở trên trời để cho quý vị cúng kiếng chút xíu mà cầu xin than vãn mãi.

Bình an ở đâu? Bình an ở giữa nhân gian hay bình an ở cõi trời? Bình an ở đâu mà kiếp người chúng ta tìm hoài không thấy? Phong tục xin chữ trong ngày đầu xuân khởi nguồn từ sự khao khát của con người về những cái điều mới mẻ tốt đẹp trong đầu năm, mà có lẽ cả một năm qua chúng ta đã dốc sức ra để đi tìm nhưng không được. Vậy nhân dịp đầu năm mượn câu chữ trong dân gian để tìm cái may, được tặng chữ tài, tài lộc thì một năm đó cứ tưởng tượng lộc sẽ tới, tài sẽ thăng. Nhưng lộc chẳng tới tài cũng chẳng tới, cứ may rủi xin chữ hoài nhưng có được đâu. Bình an ở đâu đây mà sao mỗi người chúng ta thật khó đi tìm sự bình an đó? Nói cho thật lòng thì ai trong chúng ta cũng muốn tìm sự bình an, bởi không ai mà không thiếu sự bất an, sự phiền não. Vậy cho nên mỗi người chúng ta vẫn luôn luôn từ cái tâm của mình khao khát được sự bình an. Có khi nào các bạn tự hỏi bình an ở đâu mỗi khi các bạn đi tìm sự bình an chưa? Các bạn có khi nào đi tìm sự bình an chưa hoặc các bạn có khi nào nói cho tôi xin hai chữ “bình an” chưa? Chắc có.

Ngày xưa ở một cái quốc độ kia, phải trải qua bao nhiêu năm trời chiến tranh, những cái nước lân bang lớn tìm đủ mọi cách để thôn tính cái đất nước này và phương pháp để thôn tính đất nước này là chiến tranh. Liên miên từ đời ông bà xưa rồi cho đến đời cha mẹ và hàng con cháu, chiến tranh cứ như vậy, đói khát, giặc giã, chiến tranh, chết chóc. Sau một thời gian như thế thì cái vị bạo chúa bên nước lân bang từ trần, người con lên nối ngôi không muốn bành trướng để mở rộng bờ cõi nên ngừng hẳn chiến tranh và muốn cho tất cả các nước nhược tiểu, có nghĩa là nước nhỏ ở lân bang có cơ hội để tái tạo lại nền hòa bình cho dân chúng. Nhưng mới lên ngôi chẳng biết phải làm sao để cho các nước kia có được sự bình an, hạnh phúc cho dân. Những cái nước ấy trải qua bao nhiêu năm trời chiến tranh, lòng của con người đã khô cứng, nước mắt đã cạn, hình như cũng trở thành vô cảm. Bởi sự tồn tại của mỗi người nơi những nước đó đều phải dựa trên nắm đấm, quyền lực, gươm giáo, cướp bóc, bạo tàn. Sống giữa bạo tàn của chiến tranh không tàn bạo chẳng thể sống nổi, quen với cái tánh bạo tàn như thế cho nên dù hết chiến tranh nhưng những con người vùng miền đó cũng không thể bỏ được cái thói quen hung ác.

Vị vua kia một lòng mong muốn cho mọi người được bình an, nhưng không sao tìm ra được một cái kế sách nào. Cuối cùng ở trong một cái cốc có một vị cốc chủ là tiên nhân, mách báo cho vua rằng: vua hãy ra lệnh cho tất cả mọi người đứng đầu của các đất nước kia, đang hung tàn ấy, nếu có thể làm cho dân chúng bình an và hạnh phúc thì ngài sẽ nhường ngôi cho họ lên làm vua. Nghe vị cốc chủ tiên nhân kia nói như vậy vị vua cũng hơi ngỡ ngàng, bởi vì phải nhường ngôi cho kẻ hung ác nếu họ có thể lập được sự bình an cho dân chúng. Nhưng với cái tâm ngược hẳn với vị vua cha là bạo chúa, vị vua này có cái tâm nhân ái, cũng mới lên ngôi mà, cho nên tham quyền chẳng có, sẵn sàng truyền ngôi. Sau đó, vua đã ban lệnh như vậy thì những kẻ ác kia cũng thấy rằng cái vương quyền của sự bạo lực, tàn ác chẳng bền vững, nay chỉ cần mang lại sự bình an cho dân của mình, cho chính mình thì được lên làm vua nên họ hào hứng, họ ngồi lại với nhau, họ bàn thảo. Và để tồn tại cho sự bình an của cá nhân và của những người sống chung quanh, họ quyết định lên ngôi bởi đã có người nhường ngôi. Và thế là họ đã bắt tay nhau, họ bắt tay nhau bởi vì họ đã nhìn rõ được cái bản tánh hung tàn của chiến tranh, của chính họ, lợi dụng chiến tranh để giữ vững cái đời sống cá nhân cho nên họ liên kết và họ buông bỏ. Họ quyết định đưa ra những chính sách mang lại sự bình an cho dân chúng. Trong nhóm ấy có một vị khôn ngoan đã thống lĩnh được những người hung ác và bàn ra một kế sách buông bỏ toàn diện, hình thành một con đường mới mang lại sự bình an cho dân chúng. Đúng ngày vị vua gặp họ cũng là đúng ngày vị vua nhường ngôi và trở thành người dân bình thường để sống trong sự bình an mà chính vị vua đó đã mong ước cho toàn dân. Ngày ấy vị vua đã được cốc chủ tiên nhân dắt về động và từ đó chẳng ai nhìn thấy vị vua nhường ngôi kia, họ chỉ còn nhìn thấy một vị vua mới đi từ chỗ hung ác, hung tàn trở thành vị vua mang lại sự bình an cho mọi người.

Các bạn, Bảo Thành kể câu chuyện nghe sơ qua không có dính dáng nhưng thật ra có. Bởi mấy ai ở trên đời nghĩ rằng chính cái kẻ ác, chính cái kẻ hung tàn kia ra có thể làm một việc gì mang lại sự bình an cho mọi người đâu. Mà đúng, nếu cứ mang quân đánh đuổi họ, họ càng ác, tiêu giệt họ, họ càng ác. Vị cốc chủ tiên nhân đã đưa ra một cái chân lý tuyệt vời là nhường ngôi. Vua thật sự am hiểu bởi vì vua chỉ muốn dân chúng thực sự bình an mà thôi, cái ngôi vị Đế Vương đâu phải là sự hấp dẫn, sự bình an của dân là quan trọng, nhường ngôi là chuyện nhỏ nên sẵn sàng ra đi. Và thế là kẻ hung ác lại có cơ hội mang lại sự bình an cho mọi người. Vì sao? Vì chính họ là hung ác, sống trong hung ác, hiểu được sự ác cho nên chỉ cần buông cái ác đã có sự bình an, xếp đặt lại là thăng tiến trong cuộc đời, nhất định ngôi vị sống trong sự bình an đó phải là người biết bỏ ác. Trong nhà thiền có câu “kiến phiền não lập bồ đề” tức là nhìn thẳng vào phiền não để hiểu, để thấu, từ đó mà thành lập tâm Bồ Đề, tức là tâm bình an. Bảo Thành dịch như vậy thật dễ cho các bạn hiểu. Làm sao ta có thể nhìn thấu được sự phiền não ở trong tâm nếu ta không ở trong vùng bão táp của phiền não? Làm sao người ta có thể có được sự bình an nếu như không sống trong sự hung tàn, bạo ác? Chính cái sự hung tàn, bạo ác họ đang sống trong, họ hiểu thấu, họ nhìn rõ và họ chỉ cần buông những tạo tác ấy thì được nhường ngôi làm vua.

Tâm phiền não hay tâm an cũng là tâm của chúng ta. Có điều cái ông vua được gọi là bình an kia không thật sự bình an, bởi luôn dùng mọi cái luật để triệt phá, để tiêu diệt cái tâm phiền não. Các bạn thấy đấy, kẻ hiền được mệnh danh là người tốt thường muốn tuyên dương cái kiểu cách tiêu diệt những người ác, diệt ác. Người ta gọi là tiêu diệt những kẻ ác để mang lại sự bình an, cho nên tìm đủ mọi thứ để tiêu diệt, tiêu diệt và chúng ta đã bị rơi vào những sự suy nghĩ như vậy. Do đó, khi phiền não tới, ta tìm đủ mọi cách để tiêu diệt. Trong nhà thiền như cỏ lấy đá đè lên, nó càng mọc nhiều hơn, phiền não như cỏ, diệt làm sao hết. Tìm sự bình an chẳng phải là tiêu diệt. Câu “kiến phiền não” là nhìn thẳng vào phiền não để lập ra sự bình an cho chính mình. Phiền não hay bình an tới từ tâm, chẳng phải ông trời hay chẳng phải ông đồ cho hai chữ “bình an” là được bình an. Ông đồ chỉ là họa sĩ, người vẽ chữ, thêu dệt thì dễ mà. Hai chữ “bình an” có thể thêu, có thể dệt, có thể vẽ, có thể họa, nhưng sự bình an thật sự không thể có. Bình an thực sự chỉ có thể có nơi cõi lòng thiện tâm của mỗi người chúng ta. Khi nói thiện tâm là có bình an, thì ác tâm cũng song hành ở bên đó, sẽ hiển lộ sự bất an, ác tâm là bất an, thiện tâm là bình an tới ngay. Cho nên bình an sẽ ở với người có lòng thiện tâm, nhìn rõ vào phiền não trong cuộc đời, chẳng tiêu diệt, chẳng chạy trốn để ta một lần nữa nhìn rõ cái tâm của mình vẫn có cái lòng thiện tâm, có thiện tâm là có bình an.

Ta có thật sự như vị vua kia dám nhường ngôi hay không? Cái tâm thể hiện sức mạnh để tiêu diệt cường hào ác bá, những kẻ hung ác để tìm bình an đó, có sẵn sàng ra một cái lệnh, một cái chiếu chỉ rằng ta sẽ nhường ngôi nếu như ai mang lại sự bình an. Nếu ta thật sự biết nhường ngôi thì cái tâm hung tàn của ta cũng muốn ngồi lên cái ghế của vua, một vị vương đế mang lại sự bình an. Bởi tâm an hay là tâm não phiền đều chính là do ta, chỉ cần buông ác làm thiện là có sự bình an, bình an dưới thế này cho những người có lòng thiện tâm. Và dĩ nhiên giữa dân gian, giữa nhân gian này ta có thể dệt sự bình an. Bình an không phải như một cái tấm thảm để cho ông đồ họa lên hai chữ, mà bình an là những tạo tác thật nhỏ, những việc thiện thật nhỏ, nhỏ li ti như những sợi tơ mỏng manh của con tằm mà người thợ thật khéo, biết kéo mới duỗi ra, dệt thành những tấm lụa là tươi mát. Công thật là khó, phải kéo tơ ở trong cái kén con tằm và nhiều cái kén như vậy có thể mới lập nên tạo ra một mảnh lụa. Sự bình an sẽ tới chẳng phải từ những cung trời cao ban xuống bởi các vị trời, vị thiên, Phật Bồ Tát, mà sự bình an có được là do mỗi người chúng ta biết nhường ngôi cho cái tâm thiện và tâm ác trực diện đối thoại, dung thông, giao thoa, hòa hợp. Thiện ác vốn có trong ta, tâm thiện tâm ác vốn có nơi ta. “Kiến phiền não”, nhìn thẳng vào sự phiền não đang có trong cuộc đời, ta sẽ có cơ hội dệt được sự bình an từ những mảnh vụn vỡ tan trong mọi nghịch cảnh thất thường của cuộc đời.

Một phương tiện có thể giành được sự bình an thật dễ, mà phương tiện đó ta sử dụng hàng ngày đó các bạn. Mỗi một ngày ta sử dụng nhưng ta đã không biết nhường ngôi để cái phương tiện đó dệt lại được sự bình an, mà ta để nó cứ chảy dài trên cái sườn dốc thiếu sự hiểu biết, không thể dừng nên hoảng loạn, phiền não. Hoảng loạn và phiền não luôn có nơi cuộc đời. Phương tiện đó Đức Phật gọi là Chánh Ngữ Bát Chánh Đạo. Chánh Ngữ là một phần trong tám chi của Bát Chánh Đạo, tức là một phần để tu tập có được sự bình an. Người xưa nói “nhất ngôn mà khả dĩ hưng ban”, một lời mà phù hợp thì cả đất nước thịnh vượng, nửa lời mà không hợp tai nhau chiến tranh sẽ tàn ác.

Ông vua kia chỉ ra chiếu nhường ngôi, nếu như những kẻ ác, những kẻ hung tàn có thể ngừng, mang lại sự bình an, tái tạo lại nền hòa bình cho dân chúng, nhường ngôi. Nếu cái miệng của chúng ta biết nhường nhịn nhau, để cũng từ những cái miệng đó không còn những ác ngữ, những lời gian dối, những lời thêu dệt, những lời đâm thọc, thô ác nó làm chủ, thì từ môi miệng ấy có cơ hội cho những cái lời chân thật, những lời hòa giải, những lời thật đẹp thật dễ thương, những lời nhẹ nhàng, thì nhất định cũng từ đó mà thế giới được bình an, được thái bình. Ta chưa nói tới thật nhiều những phần nhỏ khác, chỉ nói tới cái miệng của chúng ta thôi, một câu nói có thể gây ra chiến tranh. Suy cho cùng trong cuộc sống gia đình có thể ta là cha mẹ hoặc ông bà, con cháu, một lời của những thành viên trong gia đình có thể tạo tác ra chiến tranh. Nhưng nếu người ở trong gia đình đó hiểu và ý thức được thì một lời của một người đó sẽ dệt lên được sự bình an trong gia đình.

Bảo Thành biết được thật nhiều quý vị lớn tuổi là cha mẹ hiểu được cái giá trị của sự bình an và hạnh phúc trong gia đình, nên những vị ấy từ môi miệng của mình luôn luôn là ngọc ngà châu báu, những lời trân châu bảo ngọc tuôn ra để trải thảm bình an cho các thành viên trong gia đình, giữ được sự ấm cúng đoàn kết. Và chính vì ý thức được điều đó mà gia đình của những vị ấy, con cái thành đạt, thành tài, thành nhân, thật tuyệt vời. Bảo Thành cũng quen biết nhiều vị trong cuộc đời, có lẽ chưa ý thức được là biết nhường cho cái miệng nói những cái ngôn từ thiện hảo, chỉ chanh chua rồi ứng dụng những cái ngôn ngữ mà ở đời gọi là dao to búa lớn ở trong gia đình, vợ chồng thì sứt mẻ, ông bà con cái khó có gần gũi, chiến tranh tại gia. Mà gia đình nào có chiến tranh bằng ngôn ngữ gia đình đó nào có chút bình an.

Kiến phiền não để tìm được sự bình an, tức là mỗi người chúng ta phải nhìn rõ được sự phiền não tới chính là từ cái miệng của mình mỗi một ngày và ta biết để cho những cái ngôn từ hung ác xưa từ miệng tuôn ra nhường chỗ để cho những ngôn từ thiện lành, thiện lương được ứng dụng. Nhường ngôi vua mà dân được bình an, sẵn sàng nhường. Chúng ta ở đời không biết nhường nhịn, chỉ lấn tới dùng bạo lực thì làm sao có được sự bình an? Đã đến lúc mỗi người chúng ta từ cái miệng này phải biết nhường ngôi cho những cái lời nói thiện lành được xiển dương. Chánh Ngữ là một cái phương tiện siêu việt mà chỉ cần một lần chúng ta sử dụng Chánh Ngữ trong cuộc đời thì nhất định không những người mà ta sẽ luôn được bình an bởi đây chính là lời dạy của Thế Tôn.

Ta quen cái thói đi tìm những pháp cao siêu nhiệm màu, nhưng mà đâu ngờ ta có một vị cốc chủ tiên nhân, cốc chủ tiên nhân đó không là ai khác mà chính là cái Biết của chính mình ẩn trong cuộc đời. Biết, biết nhường nhịn, biết nhường ngôi, biết dừng bởi nhìn thấu, nhìn rõ được sự hung tàn, sự bạo ác, sự bất an, sự đau khổ tới cũng do chính là ta, thì sự bình an cũng phải do chính ta,. Đừng đợi đến ngày Tết mới đi xin hai chữ bình an, mà mỗi một ngày là một điểm son của cuộc đời, để ta có thể dệt, dệt được bình an giữa nhân gian, được.

Tánh Biết là cốc chủ tiên nhân, đã từng thì thầm với chúng ta thật nhiều dưới cái mật danh là tiếng nói của lương tâm, nhắc nhở ta nhiều lắm, ta chẳng chịu nghe, ta cãi càn bởi ta ỷ vào cái sức mạnh để triệt tiêu những điều không ưng ý. Uổng sức các bạn ơi, thay vì các bạn đi triệt tiêu những phiền não, những sự bất an, những điều không như ý, thì bạn hãy tạo cơ hội để làm được những điều trái ngược lại. Nếu là phiền não thì đó là tâm ác nó hiện hình, vậy chỉ cần hướng về tâm thiện thì bình an sẽ hiển lộ thật rõ. Mỗi khi bạn thấy phiền não tới với bạn, bạn phải tìm gặp cốc chủ tiên nhân đó là Tánh Biết, để cho Tánh Biết đó nói cho bạn thấy thật rõ là phiền não đang ở trong ta chính là do sự hiện hình của tâm ác, nhận ra ta vẫn còn ác, ác trong ngôn ngữ, ác trong lời nói, ác trong sự suy nghĩ và hành động. Biết thôi, chỉ cần biết và như vị vua kia nhường ngôi, biết ta đang ác trong ngôn từ sử dụng hàng ngày, ác trong cái suy nghĩ và hành vi. Ta nhường ngôi cho Chánh Ngữ, cho Chánh Kiến, Chánh Hành Động là rồi sự bình an sẽ tới mà. Bởi khi tâm thiện ngự trị trong cuộc đời thì bình an sẽ hiển lộ, còn phiền não có thì tâm ác đang hiện hình. Hiểu thấu được điều đó thôi, biết, biết và nhường ngôi thì ta là một người thợ dệt tài phú bất tận, bởi có thể dệt được bình an giữa nhân gian, chẳng cầu, chẳng xin.

Điều này cũng được nhắc trong kinh Pháp Cú, tâm được làm chủ, tâm làm chủ mỗi tạo tác. Tánh Biết giúp cho chúng ta có thể làm chủ được cái tâm của mình, làm chủ được mọi tạo tác để kiến lập sự bình an và được mệnh danh là một thợ dệt bình an giữa nhân gian. Làm chủ được cái tâm thiện để nhường chỗ cho cái tâm ác một lần nữa hành thiện thì nhất định, nhất định ta sẽ vui. Cốc chủ tiên nhân là Tánh Biết hiện hữu trong cuộc đời mà Đức Phật đã nhắc đi nhắc lại cho chúng ta, cần phải về diện kiến cốc chủ tiên nhân – Tánh Biết ấy để nhìn rõ (kiến phiền não) vào cái tâm phiền não ta đang có. Vậy nếu các bạn đang phiền não, đừng tiêu diệt nó, đừng chạy trốn nó, đừng sợ hãi nó. Bởi trong ta có cốc chủ tiên nhân là Tánh Biết, dùng cái Tánh Biết đó nhìn thẳng vào phiền não của bạn, truy cho rõ thì lập tức bạn sẽ thấy sự bình an hiển lộ. Bởi nơi tận cùng sự tàn ác gây ra phiền não kia vẫn có cái tâm, tâm thiện lương và bình an dưới thế cho những người thiện tâm. Tâm thiện vốn có nơi chúng ta không bao giờ mất, ta không biết nhường ngôi để tâm thiện lên trị vì cuộc đời, ta sấn tới sấn hoài, lấn tới lấn hoài, đàn áp, do vậy mà hung hăng, bạo tàn phiền não tràn đầy.

Cuộc sống hiện tại lo toan thật nhiều, thử thách không thiếu, mỗi người chúng ta một lần nữa nhắc nhở với nhau, chúng ta có khả năng trở thành người thợ dệt cao tay nghề, dệt được sự bình an giữa nhân gian bằng cái tâm thiện lành. Bởi có câu “bình an dưới thế cho người thiện tâm”, “nhân chi sơ tánh bổn thiện”, khi sinh ra ta đã có tánh thiện, tâm thiện rồi. Nếu biết nhường ngôi vị cho tâm thiện trị vì cuộc đời, làm chủ cuộc sống và nếu biết tiếp cận với cốc chủ tiên nhân là Tánh Biết để quán chiếu sự phiền não, nhìn thẳng vào phiền não thì nơi cuộc đời của ta chính là cái vùng đất bình an để ta được sống dung thông với mọi người. Bình an vốn có trong ta, chỉ biết nhường ngôi chuyển vị là ta đã được rồi. Tâm được làm chủ, sao có thể làm? Chỉ cần quay về với Chánh Ngữ, làm chủ được ngôn ngữ ứng dụng trong mọi ngày là ta có thể ứng hóa thần thông, để kiến lập sự bình an trong bể khổ, phiền não của cuộc đời. Bởi ta thấu được ta, ta biết được ta và ta biết nhường ngôi cho tâm thiện hiển lộ, để bình an luôn có, để một lần nữa giữa cuộc đời gian ác bao kiếp qua, ta một lần biết buông bỏ cái ác để phiền não đoạn diệt mà trở về tâm thiện, để bình an hiển lộ. An hay là phiền não đều do tâm, tâm làm chủ. Và phương pháp đơn giản làm chủ được cái tâm, thực hiện thật dễ cho người Phật tử tại gia là hãy làm chủ cái miệng, suy nghĩ, tư duy cho đúng, để mọi ngôn ngữ từ cửa miệng của chúng ta là những ngôn ngữ dệt sự bình an giữa nhân gian. Đừng thêu dệt, thêm bớt, thô ác, gian dối để dệt sự thảm họa, dệt sự thảm họa cho ta và cho người.

Các bạn, mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái. Thưa Phật! Chính từ ngôn ngữ ứng dụng hàng ngày chúng con đã dệt nên sự thảm bại, gây ra sự phiền não đau khổ cho muôn người. Nay hiểu được chúng con sẵn sàng nhường ngôi vị và cũng để từ môi miệng này Chánh Ngữ sẽ dệt nên sự bình an giữa nhân gian. Nguyện xin chư Phật gia trì cho chúng con biết tu Chánh Ngữ trong Chánh Niệm hơi thở để chuyển hóa mọi sự phiền não, mang lại sự bình an cho mình và cho người.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang (7 Biến)

Chúng ta hãy hồi hướng công đức. Thưa Phật! Chúng con đã dệt được bình an giữa nhân gian qua ái ngữ, lời dạy của Phật. Nếu tạo được chút phước báu nào, nguyện hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn