Search

Bài 2239. Đời Vô Thường Biết Đâu Mà Lường

Bảo Diệu Tâm đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và tất cả các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi! Chúng ta cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con. Xin chư Phật cũng gia trì cho chúng con tinh tấn Chánh Niệm hơi thở, thiền quán Trí Tuệ và Từ Bi để nhận rõ các pháp là Vô Thường sanh diệt, là Khổ, là Vô Ngã.

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, giữ thân cho thẳng, buông thư nhẹ nhàng, trở về với hơi thở Chánh Niệm Từ Bi và Trí Tuệ, chúng ta hãy cùng nhau khiêm tốn với lòng thành kính đón nhận năng lượng tình thương của Phật để thắp sáng Trí Tuệ của chúng ta!

Hãy luôn lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Hãy nghĩ tới tất cả những người yêu thương của chúng ta, rải năng lượng lãnh nhận được từ chư Phật tới tất cả mọi người!

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì Mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

(17:29) Mô Phật! Bảo Thành kính chào các bạn! Các bạn biết không, Bảo Thành đang ở một tiểu bang của nước Mỹ – tiểu bang Minnesota. Đây là một trong những tiểu bang ở miền Bắc nước Mỹ giáp ranh với nước Canada. Tiểu bang này là một trong những tiểu bang lạnh nhất nước Mỹ, hiện thời nhiệt độ dưới 0° rất lạnh. Bởi vậy Bảo Thành khi ngồi ở đây, có máy sưởi nhưng vẫn còn lạnh. Do đó các bạn thấy Bảo Thành hơi bị sổ mũi. Nhưng thật ra chỉ một vài phút nữa thôi, khi năng lượng chan hoà rồi, Bảo Thành sẽ khoẻ và không bị sổ mũi.

Hầu hết khi mới bắt đầu, trong các bài tu tập, Bảo Thành hay bị sổ mũi bởi không khí lạnh, và Bảo Thành hay đi đây đó thay đổi nhiệt độ quá nhanh ở cơ thể, nhưng tĩnh tọa một hồi thôi, con người sẽ khỏe, năng lượng sẽ tràn đầy. Đặc biệt là lúc này, khi bảy lần trì mật chú Mu A Mu Sa và NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, năng lượng tràn ngập nơi thân, tâm cũng thật vui và hạnh phúc, rất hạnh phúc. Bảo Thành rất hạnh phúc là mỗi một buổi sáng ở bên Mỹ, dĩ nhiên khung thời gian khác biệt tùy theo các bạn đang ở đâu, Bảo Thành đều đồng tu, đều có sự chia sẻ, san sẻ và rải năng lượng tới với tất cả mọi người. Qua sự lãnh nhận năng lượng từ Phật cũng như lãnh nhận năng lượng mà các bạn rải tới, chúng ta đồng san sẻ với nhau. Đây là những giây phút nhiệm mầu, hạnh phúc. Cách xa hàng bao nhiêu dặm, cách xa hàng bao nhiêu cây số, cách xa cả nửa vòng trái đất, cách biệt cả âm dương, cách xa hằng hà sa thế giới, chúng ta vẫn có thể liên kết mật thiết và gắn kết với nhau qua năng lượng từ bi của mười phương chư Phật.

Chủ đề hôm nay: “Đời Vô Thường Biết Đâu Mà Lường”. Đúng vậy! Cuộc đời quá vô thường, ai ở trên đời này có thể biết để mà lường được chuyện gì sẽ xảy ra và ta phải làm gì. Không phải đương nhiên Đức Phật nói về vô thường. Phải là một lý do rất đặc biệt, Phật mới tóm gọn lại chân lý Ngài dạy trong ba thứ gọi là Vô Thường, Khổ, Vô Ngã (Tam Pháp Ấn). Nói theo kinh điển, Tam Pháp Ấn là Vô Thường – là một, Khổ – là hai, Vô Ngã – là ba. Khi chúng ta học về Phật pháp, ngoài sự hiểu, cần phải thể nhập qua trải nghiệm để thấu rõ và thực hành được trong sự ứng dụng của đời sống, còn không vẫn tồn đọng ở trong kho tàng kiến thức, không làm lợi lạc gì cho chúng ta.

Khi suy nghĩ và quán chiếu hai chữ “vô thường”, ai trong chúng ta cũng đều nhận rõ, hiểu đấy. Vạn vật vô thường, vạn pháp vô thường, muôn sự ta có thể nhìn, ta có thể sờ được, ta cảm nhận được, ta nghĩ tới được, đều vô thường. Thân của chúng ta là vô thường, tâm là vô thường, cỏ cây, mây nước là vô thường. Tất cả đều là vô thường. Thời gian trôi qua thật nhanh, vô thường chẳng dừng lại, chẳng vĩnh cửu. Tiền tài cũng vô thường, chẳng vĩnh cửu, tới rồi đi, chẳng tồn tại. Khi tới cuộc đời hai bàn tay trắng, khi lìa đời tay vẫn trắng không, đâu có mang được đâu. Cái nhà mà công sức bỏ biết bao nhiêu ra, xây cho lớn cũng vô thường, tưởng rằng kiên cố, nhưng thời gian trôi qua, cũng dần dần suy yếu và đi đến sự sụp đổ – Vô thường!

Cái xe – vô thường, nó cũng hư đó, nó có thời hạn thôi. Người ta cố tình kéo dài tuổi thọ của xe để hấp dẫn những người mua, nhưng nó cũng vô thường, hư một cách bất thường khó mà lường được. Sức khỏe của chúng ta cũng vô thường bởi ta cứ nghĩ khỏe lắm, nhưng khi những cơ phận nơi thân, lục phủ ngũ tạng theo thời gian nó yếu dần, nó đau, nó bệnh, lúc đó ta mới nhận ra vô thường; thực ra nó vô thường từng giây phút tới lui. Tình cảm của con người cũng vô thường, khi yêu, khi thương, ta cứ nghĩ rằng tình thương yêu ấy nó sẽ cả trăm năm, rồi gắn cho cái mác là vĩnh cửu của tình trường. Mà chữ “tình trường” người ta bỏ đi chữ “tình” thêm chữ “phim”, nó gọi là “phim trường” của cuộc tình. Đã gọi là phim trường chỉ là diễn thôi; tuồng diễn nào mà không có hồi kết? Vô thường luôn tới từ những cảm xúc, suy nghĩ và tất cả mọi hiện tượng. Chẳng có một điều gì trong thế gian này, ta nhận thấy, cảm thấy, biết thấy, suy nghĩ thấy mà không nằm trong quy luật của vô thường. Vô thường biết đâu mà lường, vô thường là như vậy, vô thường chẳng phải do Đức Phật, Đức Thế Tôn chế tạo ra quy luật này. Vô thường cũng chẳng phải do một vị thần thánh nào tạo ra; đó là lẽ tự nhiên của vũ trụ, đó là sự tự nhiên.

Thông thường, cái hiểu bình dị, hai chữ “vô thường” tức là không tồn tại, tới rồi đi, có rồi mất, hay nói gọn hơn, chữ “vô thường” ta thường nghĩ nó là sự tận diệt, chẳng có gì tồn tại. Hiểu như vậy cũng được nhưng nên hiểu trong một điểm nhất định thôi, còn chữ “vô thường” hiểu đúng nghĩa, là luôn biến chuyển. Trong sự biến chuyển đó, nếu nhìn không kỹ thì tưởng chúng ta mất, nếu tư duy không kỹ tưởng chừng nó tận diệt. Trong cái vô thường có thường. Vô thường tức là thường biến động, thường biến chuyển không cố định, thường lưu dẫn từ trạng thái này qua trạng thái kia, không cố định dưới mọi hình tướng, dưới mọi thân tướng, dưới mọi sắc tướng. Vô thường chính là thường hằng, thường hằng trong sự biến chuyển, biến dịch, không cố định ở một sắc tướng, ở một định mức ta định chế, ta quy chế, để rồi từ đó ta hụt hẫng khi sự biến chuyển nó khác với cái định chế của chúng ta.

Khi thương yêu nhau, ta luôn định nghĩa tình yêu phải như vậy. Nhưng tình yêu sẽ không tồn tại mãi như thế, bởi tình yêu là vô thường, luôn chuyển biến. Tình yêu là vô thường, luôn chuyển biến, tình yêu là thường biến động; biến động có chữ “thường” đằng trước tức là không phải tận diệt đó các bạn. Thấu được chữ “vô thường” không phải là tận diệt mà là thường biến động, chúng ta sẽ trân quý đời sống. Sống làm sao như một chuyến xe cần phải lựa chọn điều gì cao quý bỏ lên trên chiếc xe đó để tiếp tục di dời. Vô thường như một cuộc hành trình ta cần phải trân quý khi nhận thức rõ nó luôn biến động để chúng ta sàng lọc những hành trang cần thiết mang theo trên cuộc hành trình đó để không hối tiếc, không đau khổ. Đức Phật nhấn mạnh về chữ “vô thường” tức là thường biến động, thường di chuyển, thường xê dịch để cho chúng ta phải tư duy, phải nhận ra chân lý này, để hết khổ. Mục đích của Đức Phật dạy nói rõ, bởi Ngài đã nhận thấy điều đó là sự vận hành chung của tất cả. Từ đó mà Ngài hết phiền não đau khổ, luôn hạnh phúc và thể nhập vào cõi Niết bàn tức là hạnh phúc, cõi vĩnh phúc. Chúng ta noi theo gương của Đức Phật, tư duy, suy nghĩ, đi vào chiều sâu trong sự quán chiếu, sẽ hiểu thấu được hai chữ “vô thường” là thường biến chuyển. Và như vậy, chúng ta không dừng lại một chỗ theo tư tưởng định nghĩa riêng, mà luôn luôn vận hành theo sự biến chuyển của thế giới vô thường để được hạnh phúc và bình an.

Biết bao nhiêu con người thật đau khổ khi nghĩ đời sống về tinh thần luôn luôn tồn tại như điều mơ ước. Nhưng không! Có những bậc cha mẹ khi có con còn rất nhỏ, lúc nào cũng ôm ấp cái ý tưởng con của mình phải như thế, như một vị thiên thần, như một vị thiện thần trong trắng, đẹp và sẽ thành tựu theo những ước mơ mình định chế. Nhưng rồi tất cả các người con của cha, của mẹ khi lớn lên, đều tùy theo phước duyên, đều tùy theo phước báu vận hành mà trưởng thành khác biệt. Dưới sự cộng tác hiện thời với cái trí tuệ, nhận thức phối hợp với phước báu, nhân duyên nhiều đời, một em bé sinh ra sẽ dần dần tiến về phía trước, chẳng theo chiều hướng khuôn mẫu của cha mẹ. Chỉ có vậy thôi, mà các bậc làm cha mẹ cũng đau khổ lắm! Ai ai đã là người, luôn luôn có một khuôn mẫu như cái mộc, đóng chắc vào cuộc đời của nhau, đóng dấu vào tất cả những điều ta có. Nhưng thời gian đâu thể đóng dấu; nó phai mờ, nó lu mờ tất cả, bởi nó luôn biến động, di dời trong từng giây từng phút. “Đời vô thường biết đâu mà lường” đúng! Chẳng phải vì biết đâu mà lường để rồi ta sống khinh thường cuộc đời, ta sống trong sự bất thường điên đảo của mộng tưởng. “Đời vô thường biết đâu mà lường” Đức Phật dạy chẳng phải vô thường là tận diệt, mà vô thường là thường biến chuyển trong tất cả mọi phương tiện pháp giới, tức là tất cả mọi hiện tượng của cuộc đời đều thường biến chuyển.

Nếu thường biến chuyển thì có cái gì cố định không? “Đời vô thường biết đâu mà lường”, đâu mà lường. “Đời vô thường”, “đâu mà lường được”, có chữ “biết” ở giữa. Không biết chủ đề này, các bạn đồng tu nào đó đã đặt ra, Bảo Thành nay nhìn thấy trên màn ảnh mới nhận ra, ở giữa chữ “đời vô thường”, “đâu mà lường” có chữ “biết”. Dù không lường được, dù vô thường, nhưng có chữ “biết”, tánh biết trong nhà Phật là tánh thường lưu chuyển của vạn pháp. Tất cả mọi hiện tượng là vô thường bởi nó thường biến động từ dạng này qua dạng khác, nhưng tánh biết thì không biến động. Tánh biết nằm ở giữa câu này, nhìn kỹ cũng hay, có bảy chữ, ba chữ ở đầu là “đời vô thường”, ba chữ ở cuối “đâu mà lường”, ở giữa là chữ “biết”, tánh biết là thường trong tất cả các pháp vô thường thường biến động, thường biến chuyển.

Các bạn nhớ, vô thường không phải là có rồi mất, sống rồi chết; không phải. Vô thường là thường biến động, trong cái thường đó mà có tánh biết, thì chẳng khác gì trên cuộc hành trình, mọi chuyến xe, chúng ta đều có những hành trang phù hợp để mang lên vừa đủ cho cuộc hành trình nhiều biến động, nhưng thường biết, thấu rõ. Để thường biết, Đức Phật dạy trong chánh niệm hơi thở, giữ được sự thăng bằng để trí tuệ luôn sáng, nhìn rõ vào tất cả các pháp, tất cả mọi hiện tượng, từ hiện tượng của vật chất, của vật lý đến hiện tượng của tinh thần, cảm xúc, thế giới quan trong cảm xúc, thế giới quan của vật lý qua vũ trụ đều thường biến chuyển, nhưng tánh biết là thường hằng. Bởi thường biến chuyển là vô thường; vô thường chẳng tận diệt mà là thường di chuyển từ trạng thái này qua trạng thái khác; nếu chánh niệm hơi thở thì tánh biết của chúng ta luôn hiện hữu để nhìn rõ sự di động của vạn vật, của vạn pháp, của muôn hiện tượng; biết được điều đó để chúng ta không ôm ấp, không cố chấp giữ mãi những định kiến, những định nghĩa riêng tư của mình, những định chế mình tạo ra để khổ.

Phật thấy chúng ta khổ là bởi vì chấp, bám víu, chấp là bám víu, không muốn buông; trong khi ở đời, muôn sự đều di động, không buông không được, dù có chấp, nó cũng chẳng ở trạng thái đó muôn đời, nó thường biến chuyển. Cho nên Đức Phật dạy cho chúng ta qua chính đời sống trải nghiệm tu tập nhận rõ để hết khổ; nếu các bạn muốn hết khổ, muốn có sự bình an hạnh phúc, nhất định chúng ta cần phải đầu tư thời gian trong chánh niệm hơi thở; đặc biệt đối với mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, mật ngôn này đưa chúng ta tới sự gắn kết mật thiết liên hệ thật gần gũi với chư Phật để dùng năng lượng tình thương ứng dụng tánh biết nhìn xuyên suốt các hiện tượng thường biến chuyển; từ đó tâm ta định, có được chánh định các bạn.

Trong chánh niệm tu tập câu số hai này, là quán chiếu vô thường để hiểu rõ vạn pháp thường biến chuyển; từ đó mà ứng dụng tánh biết hiện diện trong chánh niệm, sống ngay trong thực tại Niết bàn tại thế. Rất tuyệt vời các bạn! Khi nhận rõ được và quán chiếu thấu được chữ “vô thường” là thường biến chuyển ấy, để tánh biết luôn luôn hiện hữu trong cuộc đời; chúng ta sống bình an hạnh phúc, sống khỏe mạnh, và đặc biệt là chúng ta có khả năng làm được thật nhiều việc trong sự sáng suốt và bình an trong nhân đức và từ bi. Một chuyến xe đi, ta không thể chất chứa tất cả mọi thứ chúng ta mong muốn, cần phải có sự lựa chọn. Một cuộc hành trình, hành trang mang theo không thể ôm tất cả. Khi quán chiếu vô thường, thấu được – tánh biết hiển lộ, ta biết được cái gì, thứ gì cần mang theo như là hành trang trong cuộc hành trình ấy. Hành trang trong cuộc hành trình mà Phật dạy cho chúng ta luôn phải mang theo, đó là chánh niệm, đó là hiện tại, đó là thực tại ngay bây giờ, tại đây, chỗ này. Đừng để những điều mơ ước vượt rào tới tương lai làm cho ta đi sâu vào hoang tưởng, ảo tưởng sức mạnh. Và cũng đừng để quay ngược lại, bám víu, cột chặt vào quá khứ để đau khổ, để buồn.

Vô thường là thường biến động, thường di chuyển, thường đó các bạn. Các bạn cứ nghĩ đi, vô thường tức là không có bị tận diệt, không bị chết, không bị mất, mà là sự biến chuyển từ trạng thái này qua trạng thái khác. Nếu là sự biến chuyển thì ta phải biết làm sao chuyển lưu trong dòng thường biến chuyển đó những thứ cần thiết, để dù nó có biến động như thế nào, ta cũng luôn an vui. Cái cần phải thường đặt vào trong cỗ xe vô thường thường biến chuyển ấy là tánh biết của chánh niệm. Người hiểu thấu và thực hành qua mật ngôn số hai này, sẽ thay đổi được cuộc sống trong môi trường hiện tại thật nhiều, để hạnh phúc, để bình an và chuyển hóa được đau khổ cho mình và cho tất cả những người chúng ta yêu thương. Rất cần quán chiếu hai chữ “vô thường” này!

Ở cuộc đời, muôn sự đều vô thường, chẳng ai biết đâu mà lường, nhưng nếu giữa cái vô thường, giữa cái không thể lường được, ta có thể biết được trong chánh niệm tánh biết. Đức Phật dùng thật nhiều thời gian để khơi dậy sự tư duy cho mỗi người, để chúng ta có thể ứng dụng được tánh biết vào trong cuộc sống. Tánh biết là năng lượng siêu thế chuyển hoá mọi khổ đau, đưa chúng ta cập bến an vui hạnh phúc. Người Phật tử tại gia của chúng ta, trong cuộc đời hiện tại muôn sự biến động quá nhanh, đã chứng minh thật rõ vô thường luôn luôn hiện diện trước mặt. Hiểu được vô thường chẳng phải để khinh thường cuộc sống, sống bê tha, sống bỏ mặc. Hiểu được vô thường để lựa chọn cuộc sống có chọn lọc hơn để tận hưởng sự an vui và hạnh phúc, không bị đau khổ và phiền não ràng buộc. Cho nên hiểu được sự vô thường là một nghệ thuật sống – một nghệ thuật sống tâm linh thật cao. Hiểu được vô thường và hiểu thấu vô thường là thường biến động, ta biết được cõi vô thường thường biến động; tánh biết đó, giúp cho chúng ta thực sự sống hạnh phúc và an vui, không đau khổ đâu các bạn. Dù là Phật tử tại gia, nếu tánh biết được ứng dụng giữa cuộc đời vô thường này, khó mà lường được đó, ta vẫn thong dong tự tại đó các bạn; và ta sẽ an lạc hạnh phúc.

Chúng ta thường mắc vào chỗ Phật tử tại gia bận rộn quá, không tu được. Bởi định nghĩa của chữ “tu” quá cao siêu, hình như dành riêng cho những người có phước duyên, căn cơ đặc biệt. Không! Tu là để thấu hiểu, tu là sửa sự suy nghĩ, sửa những hành động sai trái. Theo như Bảo Thành, tu tức là biết lựa chọn hành trang phù hợp để mang theo trên cuộc hành trình tiến về phía trước. Hiểu được vô thường, ta sẽ thấu được ta không bao giờ chết. Thật là hay các bạn! Nghĩ đến sự chết ai cũng sợ, nhưng quán chiếu thấu rõ được vô thường tức là thường biến chuyển, ta nhận ra chân lý tại sao Đức Phật muốn ta quán chiếu vô thường. Để chúng ta thấy rằng Bảo Thành và các bạn không bao giờ chết. Để các bạn và Bảo Thành thấy rằng chúng ta là bất sanh diệt, bất cấu tịnh, bất tăng giảm. Để chúng ta thấy rằng chúng ta là vĩnh hằng nhưng luôn biến động, luôn biến chuyển từ trạng thái này qua trạng thái kia, không bao giờ bị chết, bị tận diệt, bị hủy diệt.

Người quán chiếu vô thường hiểu thấu được điều đó sẽ nhận ra mỗi một cá nhân của chúng ta, dù so với vũ trụ bao la mênh mông vô tận chưa bằng hạt bụi, nhưng vẫn bất diệt, không bao giờ bị tận diệt. Nhờ đâu thấy được? Nhờ quán chiếu vô thường để nhận ra ta dù chỉ là một vi trần, một hạt bụi thật nhỏ cũng bất diệt, không bao giờ tận diệt, luôn biến chuyển cùng với tất cả vạn pháp. Nếu biết chánh niệm thì trong dòng biến chuyển, nằm ngoài những gì ta suy nghĩ từ xưa đến giờ có cái tánh biết; hay lắm! Bởi quán chiếu rõ được vô thường để tánh biết hiển lộ là đã thoát khỏi sanh tử rồi. Vì sao gọi là thoát khỏi sanh tử? Vì ta hiểu rằng ta không bao giờ chết, ta cũng không bao giờ sanh, ta chỉ luôn biến chuyển dưới mọi trạng thái. Do đó, trong sự biến chuyển liên tục đó, nếu có tánh biết, ta biết chánh niệm là biết sàng lọc, biết lựa chọn hành trang, thì nhất định đó chính là một cuộc phiêu lưu tuyệt vời đi về cõi phúc lạc. Còn nếu không có tánh biết để chuẩn bị cho mình hành trang phù hợp trong chánh niệm, thì ta là một người lạc lõng, cô quách, không tìm thấy đường để trở về với chính mình.

Các bạn thân mến! Vô thường, “Đời vô thường biết đâu mà lường” – một chủ đề rất đơn giản nghe có vần có vế nhưng nó lại có chữ “biết”. Để hôm nay Bảo Thành khẳng định thật rõ: “Hiểu thấu vô thường là thoát khỏi luân hồi!”. Vô thường tức là thường biến chuyển, hiểu thấu vô thường, ta sẽ xác định rằng chúng ta không bao giờ bị chết, chỉ chuyển hóa, chỉ chuyển biến. Hiểu rõ được vô thường để thấy rằng; thấy cái gì các bạn? Để thấy và khẳng định rằng chúng ta không lệ thuộc vào sanh tử. Bởi chúng ta có bị tận diệt sanh tử đâu?! Chúng ta chỉ thay đổi, chỉ chuyển biến. Và trong cái hiểu thấu vô thường mà có chánh niệm hiển dụng được tánh biết, ta luôn biết phải mang theo những hành trang của thiện pháp. Và trong cuộc hành trình đó luôn được thắp sáng ánh minh tuệ của Phật và đổ vào nhiên liệu của từ bi, thì cuộc hành trình của mỗi một con người chúng ta là một cuộc phiêu lưu về cõi bình an, cõi Niết bàn, cõi hồng phúc, cõi tràn đầy những trân châu bảo ngọc mà mười phương chư Phật đã đang trông chờ chúng ta để trao cho chúng ta.

Biết trước được đó là một chuyến đi, ta sẽ có cơ hội chuẩn bị hành trang; biết rõ vô thường là một chuyến đi, biết rõ vô thường là thường biến động; hành trang chúng ta mang theo là chánh niệm của tánh biết. Hành trang chánh niệm tánh biết đó sẽ giúp cho chúng ta tận hưởng được sự bất sanh diệt ngay trong cõi đời này, tận hưởng được sự an bình; bởi nhận rõ ta thực sự đã thoát khỏi luân hồi. Bởi chúng ta có chết đâu mà luân hồi?! Vô thường là thường biến động, trong cái biến động, ta luôn chánh niệm với tánh biết, thì đó đã là thoát khổ hết khổ; đó chính là thể nhập vào Niết bàn cao siêu mà Phật tử tại gia của chúng ta chẳng cần phải là những đấng bậc xuất gia nghiên cứu Phật học cho thâm sâu. Không cần! Cứ bình thường như Bảo Thành, cứ tầm thường như các bạn, chúng ta cũng có chữ “thường” đó mà! Bình thường, tầm thường cũng là thường. Biết trong cõi thường này; đó chính là Niết bàn. Biết trong thân kiếp tầm thường; đó chính là trí tuệ. Biết ta tầm thường, biết ta bình thường, biết nó là thường, để mọi hành trang chúng ta mang theo luôn luôn được đặt để vào trong hơi thở chánh niệm, thì nhất định những biến ảo của cuộc đời sẽ tô điểm thêm sắc màu cho cuộc sống, không gây ra khổ và phiền não cho chúng ta. Rất cần tư duy về hai chữ “vô thường” này!

Mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, hít vào thở ra trì mật ngôn này, chúng ta sẽ thành tựu được khả năng nhận diện rõ hai chữ “vô thường”. Các pháp là vô thường sanh diệt; nhận rõ các pháp vô thường sanh diệt tới lui để ta thường chuyển trong tánh biết của chánh niệm, không bao giờ chết, không bao giờ khổ. Và như vậy trong dòng biến chuyển của chánh niệm tánh biết kia, ta luôn gặp gỡ được Phật và Bồ Tát, Thánh Hiền; ta luôn đẩy lùi sự sợ hãi, đau khổ và phiền não; ta luôn tiếp cận được với sự yêu thương, từ bi, an lạc và hạnh phúc.

Các bạn! Chúng ta đặt tay phải vào lòng bàn tay trái!

Thưa Phật! Vô thường là thường biến chuyển, vô thường là thường, thường, còn lạc hay không, thì hành trang chúng con mang vào sự biến chuyển thường biến động đó là gì? Nếu là Chánh Niệm Từ Bi Trí Tuệ, Thiện Pháp, thì chúng con sẽ thể nhập vào được thường lạc ngã tịnh. Còn nếu là Ác Pháp, là đau khổ, là bất thiện thì chúng con sẽ thường biến chuyển trong đau khổ và phiền não.

Xin Phật gia trì cho chúng con biết chọn lựa hành trang Chánh Niệm Từ Bi – Trí Tuệ để hiển ứng Tánh Biết vào trong từng giây phút của cuộc đời này!

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì Mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức!

Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con hôm nay về hai chữ “vô thường” biết đâu mà lường đã giúp cho chúng con hiểu thấu vô thường là thường hằng, là bất diệt bất sanh, bất cấu bất tịnh. Xin chư Phật gia trì cho chúng con luôn có hành trang là cứu cánh của Trí Tuệ, phát nguyện tầm cầu sự giải thoát. Thành tựu được chút phước báu nào, nguyện hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo!

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn