Bảo Uyên đánh máy, Bảo Phước biên tập
Mô Phật!
Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và tất cả các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi! Kính mời các bạn cùng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay!
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho muôn loài chúng sanh và xin chư Phật chứng minh, gia trì cho chúng con thường tinh tấn Chánh niệm hơi thở, quán chiếu bằng Trí tuệ và Từ bi để thấu rõ vạn pháp Vô thường sanh diệt, Khổ và Vô ngã.
Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái!
Ghi nhớ ở trong tâm, chúng ta luôn luôn phát nguyện lấy Trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Từng giây phút, từng sát na trong cuộc sống, ngay hiện tại chúng ta trở về với Chánh niệm, gắn kết với mười phương chư Phật, đón nhận năng lượng tình thương và hồi hướng tới cho muôn người.
Trong Mật chú Mu A Mu Sa – Là quán Từ bi và Mật chú NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Quán Trí tuệ để nhìn thấy Vô thường, Khổ, Vô ngã. Hai pháp quán này, chúng ta sẽ đón nhận được thật nhiều năng lượng!
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì Mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
(15:21) Mô Phật!
Các bạn! Các bạn có khỏe không? Chắc chắn các bạn sẽ khỏe. Vì sao? Vì khi đồng tu với nhau, chúng ta đã lìa xa mọi dục vọng, trở về với hơi thở thật nhẹ nhàng, ta hít vào thở ra, ta chánh niệm từ bi và trí tuệ, ta thể nhập vào cùng với bản thể của tâm thanh tịnh trong suốt. Chỉ có vậy, đơn giản lắm các bạn! Ta sẽ lấy lại được sức khỏe từ thể chất lẫn tinh thần! Sau một ngày làm việc mệt mỏi, sau những sự việc ta đương đầu làm cho đầu óc tán loạn, đồng tu để trở về chánh niệm hơi thở là một phương pháp thể dục tâm linh các bạn ơi! Thể dục tâm linh có lợi cho sức khỏe của thân, làm cho tinh thần được sàng lọc thật kỹ và đẩy lùi những sự chướng ngại va chạm trong ngày để tìm lại thế đứng vững chãi, thật vững chãi, không một chút gì tạo ra sự khó khăn, trở ngại dù vẫn biết một ngày trôi qua, ta đã đương đầu tới biết bao nhiêu những sự việc khó chịu.
Đồng tu trong chánh niệm và đặc biệt quán chiếu tâm từ bi và trí tuệ, Bảo Thành có thể nói đây là một phương pháp hay là một cách thể dục tâm linh tuyệt hay. Rất tuyệt vời! Rất tuyệt vời các bạn! Bởi phương pháp thể dục tâm linh Thiền Mật Song Tu – Thất Bảo Huyền Môn là một phương pháp thanh tịnh thân – ngữ – ý, thanh lọc bản thể. Cũng như có thể ví dụ sau một đoạn đường xa mịt mù bụi bặm, ta được trở về tắm rửa sạch sẽ, giũ sạch hết mọi bụi bặm. Thể dục tâm linh Mật Thiền Song Tu là trở về với chánh niệm hơi thở, ta tắm rửa sạch sẽ hết mọi dục vọng, không những trong ngày hôm nay mà trong biết bao nhiêu những kiếp của thời xưa. Rất hay! Nếu bạn chú ý, bạn chuyên chú thực tập, thì sự thể dục tâm linh Thiền Mật Song Tu là một phương pháp phù hợp với mọi hoàn cảnh đặc biệt là với Phật tử tại gia của chúng ta!
Chúng ta sống trong thời đại gọi là mì ăn liền, phải liền liền, liền liền, đói là lấy gói mì thả vô nước sôi ăn ngay, chẳng sợ đau bao tử, chẳng sợ thiếu sức khỏe vì không đủ chất bồi dưỡng. Không sợ đâu, bởi đói mà! Sự đói khát về tinh thần và đời sống tâm linh đã thúc giục, đã thôi thúc Bảo Thành và các bạn ngược xuôi trong cuộc đời quá lâu, tìm đủ mọi pháp phương tiện trên con đường cứu khổ tự thân bằng cái tâm lý “mì ăn liền”. Đi tới chùa thì phải gặp chùa nào linh thiêng để thắp ba nén nhang, để cúng một nải chuối, một dĩa trái cây, bình bông là có được những điều như ý. Liền liền như vậy mới gọi là chùa linh thiêng. Thế mới nói chuyện đời ngược ngạo! Trong những ngày đầu năm, người ta đi hết kiểng chùa này đến kiểng chùa kia, chọn lựa những cái chùa gọi là linh thiêng nhất để tới bái lạy, van xin. Và rồi năm nào cũng vậy, không biết sự vái lạy, van xin đó có mang lại gì hay không. Nhưng nó vẫn là điều gì đó không thể thiếu được. Tới chùa là như thế!
Các bạn có nghe qua câu chuyện người chết khát bên dòng sông chưa? Y như vậy, anh ta khát nước, nằm bên bờ sông mà chết khát, chúng ta chết khát cái nước đời sống tâm linh khi ngay ở, ngay ở trong Niết bàn. Chẳng phải ở dưới Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh đâu, chúng ta đang ở trong Niết bàn mà chết khát bởi thiếu sự bình an và hạnh phúc. Do đó ngược xuôi trong cuộc đời, tìm chỗ chùa linh thiêng, chùa linh mà. Rồi khi tới với quý thầy, các bậc tôn sư học, phải tìm tới bậc tôn sư cao tay ấn, có những pháp môn vi diệu. Cứ đời này qua đời kia, chạy và rượt đuổi theo những sự sùng ái bởi những danh tiếng lớn của các bậc thầy. Ta nào có được gì đâu? Khi chưa hiểu rõ các bậc thầy ấy cũng chỉ là trung gian mang lời Phật truyền trao cho chúng ta. Nếu lãnh nhận, thọ nhận được lời của chư Phật qua các bậc thầy dù đã được ấn chứng, giác ngộ mà ta không tu, không luyện, không thực hành, chẳng mang lại lợi ích gì đâu. Phải thấu điều đó các bạn!
Điều này chứng minh thật rõ, thời đức Phật, biết bao nhiêu người gặp Phật mà có mấy ai? Gặp được Phật, chạm tay vào được thân xác, áo cà sa của Phật, nghe Phật giảng, đối diện với Phật, nhưng cũng không giác ngộ. Bởi họ chỉ nghe, nghe người ta đồn đức Phật là bậc giác ngộ, tới xem, xem như xem tuồng đó các bạn! Câu “tới chùa xem lễ”, “tới chùa dự lễ”, ta chỉ dự như dự tiệc thôi, ta chỉ xem như xem tuồng thôi, chứ ai tới chùa để tu đâu? Ta tới gặp một bậc thầy là để nghe giảng, để xem ông thầy đó nói như thế nào, chứ ta có tới chùa để gặp thầy, thọ nhận lời của Phật qua vị thầy đó để thực hành đâu? Các bạn cứ hỏi bản thân mình rồi sẽ rõ! Thật trớ trêu, chúng ta đã coi Phật, đã coi các đệ tử của Phật, đã biến chùa chiền, am thất, đã biến tất cả mọi phương tiện thay vì tới để được truyền trao lời của Phật, thì nay ta tới với cái tâm ý rằng chỉ là người tham dự, người xem. Riết rồi lời Phật, các bậc tôn túc, ứng như cái câu trong dân gian thường nói đùa: “Gần chùa gọi Phật bằng anh”, mà lỡ chùa đó gần sông thì “Buồn buồn cõng Phật ra sông dìm xuống nước”. Chuyện này nói chơi trong dân gian nhưng đôi khi cũng lọt vào tâm tưởng của chúng ta! Chúng ta có phước báu gần gũi với Phật pháp đến mức chẳng bao giờ tư duy và suy nghĩ, đã biến Phật pháp, lời của Phật thành món đồ chơi, để lật ngửa, lật xuôi, bới tìm những điều mà dục vọng, ham muốn của chúng ta cầu tìm!
Chủ đề “Thực Tại Là Niết Bàn”, mỗi một người trong chúng ta, nếu nhận thức rõ, thật nhiều lần các bạn và Bảo Thành đã mải miết suy nghĩ chuyện gọi là vọng tưởng, phóng tâm, hay nói dân gian là chúng ta cứ suy nghĩ liên miên về những chuyện đâu đâu đó, để quên đi thực tại, mơ mơ màng màng quên luôn thực tại! Có người đang nấu ăn, mơ mơ màng màng suy nghĩ tới chỗ nào không biết, quên thực tại, để rồi khi ngửi thấy mùi khét mới giật mình trở lại, nồi cơm đã cháy. Các bạn có trải qua sự việc đó chưa? Nếu không là cơm cũng là món gì đó! Bảo Thành chứng kiến ở trong chùa có một vị sư cô bắt cái nồi lên nấu đồ ăn, nhưng cứ loay hoay lo làm chuyện gì đó, rồi quên mất, đến khi nghe tiếng hú thì giật mình chạy lại, cái nồi đã cháy, khói mịt mù.
Tại sao nghe tiếng hú? Bởi những nhà bếp bên Mỹ thường có bắt những hệ thống phát hiện ra lửa cháy và khói. Cho nên khi đồ ăn quên, nó bốc khói mịt mù, nó khét, là nó hú như cái còi cứu lửa, giật mình chạy vào thì món đồ ăn đã cháy. Mà cũng may nhờ hệ thống báo lửa mà biết được món đồ ăn cháy. Nếu trong cuộc sống của mỗi người chúng ta, ta cứ rượt đuổi theo mê vọng, để rồi lửa sân, si mà nó cháy như cái bếp kia, có hệ thống báo lửa nó hú lên thì thật là phước báu, để ta biết chạy trở về đời sống của tâm, cũng như chạy vào cái bếp tắt lửa chữa khói. Chúng ta ước mơ như vậy phải không các bạn? Chúng ta ước mơ, mà trong nhà bếp không chấp nhận bắt hệ thống báo lửa, báo cháy?!
Hệ thống báo lửa, báo cháy là pháp tỉnh thức khi tiếp cận với các bậc thầy, các bậc thiện tri thức, với kinh sách của nhà Phật. Từng pháp môn qua kinh điển truyền lại, từng lời dạy các vị thầy, các bậc thiện tri thức đều là những hệ thống báo lửa, báo cháy, để khi chúng ta vì dục vọng đang thiêu cháy, đốt cháy cuộc đời có hệ thống báo lửa nhắc nhở. Nếu chúng ta đặt hệ thống đó vào, có nghĩa là đặt mình trong sự lắng nghe và được giáo dục thì nhất định chúng ta sẽ được nhắc nhở! Khi dục vọng và lửa sân đang thiêu đốt, sắp chết, hệ thống báo lửa sẽ kêu, sẽ hú để giúp cho chúng ta tỉnh mà biết tắt lửa sân, si đi. Và khi hệ thống báo hú như vậy, đưa chúng ta về thực tại. Rất hay!
Một ví dụ đơn giản nhưng thực tế! Cuộc sống hằng ngày chúng ta thường bị nhiễu sóng bởi muôn sự lôi cuốn của những mê vọng ảo giác làm cho chúng ta rời xa cái thực tại của cuộc sống. Mà rời xa thực tại, chạy theo mê vọng là đi vào Địa ngục, dứt được mê vọng, trở về với thực tại là Niết bàn. Thực tại là Niết bàn! Thật rõ, mê vọng là khổ, thực tại là Niết bàn! Trong bài kinh đầu tiên chuyển pháp luân đức Phật dạy về Khổ – Tập – Diệt – Đạo, Khổ là Địa ngục, diệt là Niết bàn ngay ở nơi đây. Nếu rời xa được khổ, nếu làm cho cái khổ vắng mặt, thì Niết bàn hiển lộ. Rời xa khổ là cập bờ giác ngộ, Niết bàn ngay chỗ đó! Từ đó suy ra, chúng ta thấy Niết bàn đối với Phật tử tại gia chỉ đơn giản là những giây phút hạnh phúc, bình an, rời xa dục vọng, những giây phút tâm thanh tịnh, im bặt tất cả những mê ảo của cuộc đời vờn quanh, tâm sáng. Nếu nhận diện Niết bàn của Phật tử tại gia là như vậy, Bảo Thành và các bạn nhất định thật dễ thẩm nhập vào Niết bàn, thật dễ bước vào tận hưởng Niết bàn!
Chúng ta cứ bàn cãi quá nhiều, là Phật tử tại gia, lượm lặt được những câu ý nghĩa về Niết bàn, ta say đắm. Nhưng không thực tế, bởi ta không thể thành tựu được cái Niết bàn như định nghĩa của những chữ cao siêu nhiệm mầu của Nguyên Thủy, của Đại Thừa, từ những tạng kinh Pali, Sanskrit hoặc từ những tiếng Hán dịch qua tiếng Việt. Nào là Niết bàn Vô dư, nào là Niết bàn Hữu dư. Định nghĩa Niết bàn Vô dư là Niết bàn có thể thể nhập được sau cuộc đời này, định nghĩa Niết bàn Hữu dư là Niết bàn có thể tận hưởng được ngay khi còn sống. Ví dụ như khi đức Phật còn tại thế, Ngài đang ở trong cái Niết bàn Hữu dư, còn khi Ngài viên tịch, thì Ngài đã đi vào Niết bàn Vô dư. Và rượt đuổi theo triền miên lắm những ý nghĩa như rừng rậm rồi ta thấy mệt mỏi, mới thốt lên một câu: “Trời ơi, hàng Phật tử tại gia bận rộn lo cho chồng, cho con, cho vợ, cho cuộc sống, làm ăn bù đầu rối tóc. Nhưng nếu như còn cha mẹ, ông bà, lại trả hiếu, báo ân. Rồi với xã hội, cộng đồng, hàng trăm, hàng ngàn việc linh tinh như vậy, làm sao có đủ thời gian để tìm vào cái Niết bàn Hữu dư hay Vô dư trong kinh nói?”.
Các bạn có khi nào hỏi mình như vậy không? Và cảm thấy xa tầm tay với: “Thôi, Phật giáo, con đường đi về hoặc đi vào Niết bàn dành riêng cho các bậc tôn túc, các chư Phật, Bồ Tát, Thánh hiền. Còn ta là Phật tử tại gia, tới chùa với tâm lý xin, cầu là được rồi! Bởi sao mà có thể thành tựu được Niết bàn?”.
Đúng! Nếu cứ suy nghĩ như vậy thì làm sao Phật tử tại gia và Bảo Thành có thể nếm được hương vị của Niết bàn? Thực tại là Niết bàn! Rõ lắm! Đừng để cho mê vọng trượt xa chúng ta, đẩy chúng ta văng vào cái cõi huyễn giả để quên thực tại! Nếu bạn đã một lần nấu đồ ăn cháy hoặc làm một việc gì hư hỏng bởi tâm bị lôi kéo chuyện gì đó, bạn rất may mắn bởi có được cơ hội trải nghiệm, hiểu rõ sự thực tại. Thực tại là tất cả những gì ngay đây, ở đây, nhận diện được bằng chánh niệm, không bị mê vọng lôi kéo, trượt xa. Thực tại đó, là Niết bàn! Chánh niệm là con đường Thánh trong Bát Chánh Đạo giúp cho chúng ta trở về với thực tại để tận hưởng Niết bàn. Niết bàn đó là Niết bàn trong sự tỉnh thức của chánh niệm, của trí tuệ, không bị mê vọng, không bị ảo vọng, không bị dục vọng kéo đi. Đơn giản vậy thôi!
Biết ta đang thở, thở vào thở ra, biết cha mẹ đang hiện diện, biết vợ chồng đang sống chung, biết con cái, biết mọi sự việc ta đang làm trong chánh niệm, thì đó là Niết bàn. Còn bước vào được Niết bàn không, thì mỗi người chúng ta phải tác ý như pháp thiện. Cũng như bạn thấy được cái cửa vào nhà, nhưng vào nhà được hay không là phải tác ý, khởi tâm muốn đi vào. Cho nên thực tại là Niết bàn, mà thể nhập vào được Niết bàn đó hay không thì phải giữ chánh niệm và tác ý như pháp thiện. Bạn sẽ thong dong bước vào cửa Niết bàn để đi vào trong cõi Niết bàn tại thế, có thể gọi là Niết bàn Hữu Dư. Chẳng đợi đến lúc chết để tái sanh, để có đủ phước đi vào cảnh giới Niết bàn Vô dư. Không cần! Niết bàn thực tế nơi đấy có chánh niệm hơi thở từ bi và trí tuệ để rời xa mọi ảo vọng, dục vọng, mê vọng của cuộc đời, mọi tham vọng đều rơi rụng hết. Thể chứng được những giây phút nhiệm mầu như vậy, ta sẽ vơi đi thật nhiều những đau khổ, phiền não trong cuộc đời!
Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Kinh Pháp Hoa (gọi ngắn) có một phẩm gọi là Hoá Thành. Có một người đi trên sa mạc mà chưa biết bao giờ mới có thể vượt qua cái sa mạc mênh mông này, để tới được thành phố. Anh ta yếu đuối sắp chết rồi, sắp gục trên sa mạc, thì bất chợt nhìn thấy một cái thành, tức là một lâu đài nguy nga, đẹp, lại có người đứng ở trước cửa mời anh ta bước vào. Anh ta bước vào trong đó, được mọi người tắm rửa, cho ăn uống, phục dưỡng và điều sức trở lại. Anh ta hạnh phúc vô cùng, bởi những người trong lâu đài đó tử tế và biết cách chăm sóc. Do đó anh ta hoan hỷ trong tâm, mà sức khỏe được phục hồi, được ăn, được uống, được tận hưởng. Rồi sau đó anh ta lại tiếp tục rời xa lâu đài để đi. Cuộc đời Phật tử tại gia của các bạn và Bảo Thành, đang đi trên những chặng đường dài của sa mạc cuộc đời, biết bao nhiêu những sự lôi kéo, những cơn bão tố, bão cát hừng hực sức nóng của tham vọng, dục vọng, mà cái sa mạc cuộc đời biết bao giờ mới vượt qua được? Rất may lâu đài trong kinh Pháp Hoa đã hiện, đó chính là Niết bàn Hữu dư, chánh niệm hơi thở, vẫn biết nó chỉ là hoá thành, có nghĩa nó chỉ hóa hiện như một phần của Niết bàn Hữu dư cho chúng ta bước vào nghỉ ngơi, nhưng rất cần cho hàng Phật tử tại gia!
Đừng chờ thể nhập vào cái Niết bàn Vô dư hoặc Hữu dư như Phật, mà hãy đi vào cái Niết bàn Hữu dư của hàng Phật tử tại gia, đó chính là ngôi nhà của chánh niệm, của tỉnh thức, của từ bi, của trí tuệ trong từng giây phút đồng tu! Để người lữ khách trên sa mạc mênh mông vô tận là các Phật tử tại gia, là Bảo Thành được nghỉ ngơi, được phục hồi và điều sức trở lại. Chẳng mê đắm cái Niết bàn đó, nhưng ít nhất, cái lầu đài ấy là nơi dưỡng sức!
Niết bàn nơi thực tại của chánh niệm, mỗi người chúng ta nếu bước được vào, tức là lữ khách trên sa mạc được nghỉ ngơi trong cái lâu đài, được chăm sóc. Chúng ta hãy trở về với thực tại là Niết bàn qua hơi thở chánh niệm để được tự thân mình chăm sóc cho mình, để được tự thân mình chăm sóc cho tất cả mọi sinh hoạt về tâm, về tinh thần và thể xác của chúng ta! Ngôi nhà lầu đài chánh niệm hơi thở trí tuệ và từ bi có đầy đủ những dược liệu để chúng ta tẩm vào trong tâm, gội rửa mọi phiền não. Rất hay!
Đời sống Phật tử tại gia nhất định sẽ có biết bao nhiêu những cồn sóng dữ kéo tới, ập về từ những ảo vọng, mê dục trong cuộc đời, nếu không bước vào Niết bàn thực tại của chánh niệm hơi thở để được dưỡng sức, để được che chắn, thì nhất định chúng ta sẽ bị cuốn trôi mất và bão cát của dục vọng sẽ vùi chết chúng ta. Chỉ có người Phật tử tại gia mới thấm được sự mệt mỏi trong cuộc đời, biết bao nhiêu thứ ta đương đầu hàng ngày, cho tới hơi thở cuối cùng của cuộc đời! Nhìn rõ đi các bạn! Thực tại là Niết bàn! Niết bàn của thực tại chính là nơi ta giữ được chánh niệm của hơi thở qua quán chiếu tâm từ bi và trí tuệ!
Đừng màu mè với cái định nghĩa Niết bàn Vô dư, Niết bàn Hữu dư, Niết bàn của cảnh giới tịnh diệt, vắng lặng dục vọng như trong kinh điển thường nhắc tới để rồi chúng ta cảm thấy không bao giờ thành tựu được, rớt vào vùng trũng của mê tín dị đoan, khó thoát lắm các bạn! Mỗi một căn cơ có một địa giới của Niết Bàn hiển lộ, Phật tử tại gia, địa giới của Niết bàn của Phật tử tại gia là thực tại trong chánh niệm hơi thở quán chiếu từ bi và trí tuệ. Nếu bạn không phải là lữ hành trên sa mạc mênh mông của cuộc đời mà là vua chúa quyền quý thì không nói tới. Chúng ta là Phật tử tại gia, nói văn chương là lữ hành trên sa mạc, chứ thực tế nói ra chúng ta khổ dữ lắm! Quần quật tối ngày, tìm đâu ra cái Niết bàn Vô dư, Hữu dư? Khó! Nhưng tìm ra được cái Niết bàn thực tại trong chánh niệm các bạn ơi! Niết bàn thực tại trong chánh niệm hơi thở từ bi và trí tuệ quán là một phần để thành tựu Niết bàn Hữu dư tại thế, cũng như là một phần tiếp nối để đi vào Niết bàn Vô dư.
Đừng bỏ qua những bước đầu! Nhịp cầu thứ nhất rất quan trọng để nối tiếp cho nhịp cầu thứ hai mà bước tới bờ giác, Niết bàn thực tại chánh niệm hơi thở là nhịp cầu rất gần và là nhịp cầu thứ nhất cho hàng Phật tử tại gia tận hưởng để nghỉ ngơi, để điều sức, để phục hồi, để có sức khỏe về thể chất, tinh thần và tâm linh để tiếp tục sống trong an bình và hạnh phúc. Dù biết bao nhiêu những bão tố, những bão cát, sức nóng của sa mạc như lửa thiêu đốt, ta vẫn có thể nhẹ nhàng bước qua, bởi trên chặng đường, từng chặng đường của sa mạc cuộc đời vẫn luôn luôn có sự hóa hiện của những hóa thành như trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa nói. Và từng ngày đồng tu trong chánh niệm để trở về với thực tại quán chiếu tâm từ bi và trí tuệ là từng lúc chúng ta bước vào cái hóa thành trên sa mạc, bước vào Niết bàn Hữu dư của hàng Phật tử tại gia để tắm rửa, để phục dưỡng và để khỏe mạnh trở lại!
Dĩ nhiên nếu như các bạn có tầm cao kiến thức, có khả năng và thời gian lìa xa tất cả để thể nhập vào Niết bàn Vô dư hay Hữu dư như trong Kinh nói, điều đó luôn luôn tán thán! Hôm nay Bảo Thành nói đến thực tại là Niết bàn Hữu dư của hàng Phật tử tại gia khi trở về với sự đồng tu trong chánh niệm từ bi – trí tuệ quán. Nếu bạn là Phật tử tại gia chưa thể bước vào hóa thành của sa mạc cuộc đời bằng chánh niệm hơi thở để trở về với thực tại là Niết bàn, thì tất cả những điều bạn đang tìm chỉ là ảo vọng biến bạn thành mê, vọng, cầu, xin, cúng kiếng.
Nhớ, thời đại hiện tại, chúng ta thấy có những phương tiện dẫn con người vào mê thức rất nhanh! Cụ thể thấy các em bé chơi iPhone, iPad qua các cái game thì chúng ngồi yên cả ngày từ sáng tới tối để cho cha mẹ dễ làm việc. Vì dễ dãi cho ta mà ta đã đưa con cái của mình vào mê vọng, quên mất thực tại. Bạn có biết rằng chơi game trên phone, trên iPad, trên máy vi tính làm cho các bé xa rời thực tại, não bộ không phát triển tốt, đắm chìm? Không phải các bé đâu, ngay chúng ta cũng vậy, cứ lướt, cứ phượt ở trên Facebook, trên trang mạng, nhiều người đắm đuối ở đó cả ngày trời quên mất thực tại. Và chúng ta thấy mà, nhiều người đắm đuối trên những trang mạng quên thực tại, quên sống thật, mà nó trở thành gọi là sống ảo, sống giả, sống ảo, tình trạng đó có nhiều!
Niết bàn thực tại qua chánh niệm hơi thở là đưa chúng ta rời xa những cái game của cuộc đời để không sống ảo nữa mà sống thật. Còn không, các bạn sẽ chết, sẽ gục ngã trên những ảo vọng khát khao nơi sa mạc rừng rực lửa cháy của những dục vọng mê thức mà bạn không thể ngừng được. Cuộc đời Phật tử tại gia thử thách nhiều lắm! Để đạt được cái Niết bàn Vô dư, Hữu dư, tái sanh cảnh lành, đầu tiên là phải trở về với đời sống thực tại qua chánh niệm hơi thở từ bi – trí tuệ quán, để có thể nếm được hương vị Niết bàn của Phật tử tại gia là sự bình an, là sự hạnh phúc dù rất nhỏ, rất bé, rất mỏng manh nhưng vẫn đủ để phục hồi sức khỏe cho đoạn đường dài ta tiếp tục phải đi trong kiếp nhân sinh là Phật tử tại gia.
Bảo Thành khuyến khích quý Phật tử tại gia có cơ hội tinh tấn học, mài dùi trong chữ nghĩa, trong kinh điển, nếu cơ hội thực sự có, hãy đi sâu, tìm hiểu về Niết bàn Vô dư và Hữu dư, và có thể lìa xa được thật nhiều thứ trong cuộc đời để thành tựu, đó là điều nên được tán thán! Nhưng nếu các bạn đang ở trong vòng xoáy loay hoay là Phật tử tại gia, cơm áo gạo tiền, lo cho vợ, lo cho chồng, cho con, cha mẹ, chúng ta nhớ, đừng quên rằng chúng ta trong tình cảnh đó, trong hoàn cảnh ấy, vẫn có một cái Niết bàn thực tại trong chánh niệm – Niết bàn hữu dư để dưỡng sức như cái hóa thành được nghỉ ngơi và phục dưỡng, để tận hưởng sự an lạc, sự bình an, sự hạnh phúc trong những giây phút, trong những ngày tháng quần quật đầu tắt mặt tối của kế sinh nhai!
Các bạn! Các bạn Phật tử tại gia ý thức được điều này để thấy rằng đức Phật vẫn dành riêng cho các bạn một cái Niết bàn Hữu dư trong thực tại của chánh niệm từ bi – trí tuệ quán, chỉ cần đồng tu mỗi ngày, chỉ cần trở về với chánh niệm từ bi – trí tuệ quán mỗi một ngày, dù một phút hay mười phút là chúng ta có cơ hội tận hưởng được cái Niết bàn, sự an yên, sự bình an và hạnh phúc. Dù một giây, một phút thôi, vẫn đủ năng lượng để phục hồi lại sức cho chúng ta, vẫn đủ để điều phục lại sức khỏe mà tiếp tục đi trên con đường mà ta đang đi. Phật vẫn luôn luôn trao truyền và Ngài đã thực sự nói về cái Niết bàn Hữu dư của hàng Phật tử tại gia chúng ta, đó là sự thực tại, quay về với thực tại dù rất ngắn, dù rất ít, dù rất nhỏ, một hơi thở thôi các bạn, chỉ là một hơi thở chánh niệm thôi, cũng có được cái năng lượng kỳ diệu siêu thế để làm cho biết bao nhiêu sự mệt mỏi, sự mệt nhọc, sự phiền não, sự đau khổ tan biến. Chỉ cần một giây phút chánh niệm hơi thở từ bi – trí tuệ quán thôi các bạn! Một giây, một phút, một hơi thở thôi, đã làm cho biết bao nhiêu những dục vọng, những mê vọng, những ảo vọng tan biến, đó chính là thực tại của chánh niệm. Và thực tại chánh niệm từ bi quán – trí tuệ quán đó, chính là Niết Bàn tại thế Hữu dư của hàng Phật tử tại gia chúng ta!
Là Phật tử tại gia trong thời đại 4.0 thử thách thật nhiều, chúng ta rất cần những giây phút nhiệm mầu bước vào Niết bàn Hữu dư của chánh niệm từ bi – trí tuệ quán! Không thể rời xa cái Niết bàn của thực tại này mà tìm cầu những cái Niết bàn Hữu dư hoặc Vô dư như trong kinh! Nếu bạn là Phật tử tại gia, bạn sẽ coi trọng thực tại là Niết bàn trong chánh niệm hơi thở của từ bi – trí tuệ quán, dù chỉ là một hơi thở; Bảo Thành nhắc lại. Nhưng rất nhiệm mầu, rất kỳ diệu, bởi trong một hơi thở ấy, vẫn đón nhận được tha lực Phật điển đại từ đại bi, năng lượng tình thương, năng lượng siêu thế. Rất hay!
Các bạn! Hãy đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái để chúng ta thể nhập vào 07 biến của Từ bi – Trí tuệ quán, ngõ hầu có một sự trải nghiệm trở về với thực tại, bước vào Niết bàn Hữu dư tại thế của hàng Phật tử tại gia chúng ta.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì Mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Hồi hướng:
Chúng ta hãy hồi hướng công đức!
Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con hôm nay nếu tạo được chút phước báu nào qua sự thể nghiệm trở về với thực tại, bước vào Niết bàn Hữu dư của Chánh Niệm hơi thở Từ bi – Trí tuệ quán, phước báu ấy nếu kiến lập được, xin hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.