Thu Hằng đánh máy, Bảo Ngân biên tập
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi. Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo, giữ thân – khẩu – ý thanh tịnh để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật ban rải năng lượng đại từ đại bi, tha lực Phật điển tới muôn loài chúng con và gia trì cho chúng con luôn tinh tấn Chánh Niệm hơi thở, quán chiếu Từ Bi và Trí Tuệ để thấu rõ được vạn pháp Vô Thường sanh – diệt, Khổ và Vô Ngã. Xin chư Phật tác đại chứng minh!
Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, ngồi ngay thẳng, nhẹ nhàng buông thư, từng giây phút Chánh Niệm hơi thở vào ra, buông thư nhẹ nhàng, trì mật ngôn Mu A Mu Sa và NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, chúng ta sẽ gắn kết gần gũi với mười phương chư Phật và đón nhận được thật nhiều năng lượng tình thương, hãy thể nhập vào năng lượng đó để sống.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang (7 Biến)
Mô Phật! Các bạn thân mến, Bảo Thành đang nhìn vào màn hình của cái điện thoại, nhìn cho rõ cái chủ đề ngày hôm nay, một chủ đề rất ấn tượng, suy nghĩ đây để làm sao có thể chia sẻ với các bạn về ý nghĩa của chủ đề này cho tương đối phù hợp. Đây là một chủ đề tranh cãi từ ngàn xưa cho tới bây giờ, ai ai cũng muốn phát huy được ý nghĩa của chủ đề này, nhưng vô tình lại tạo cho cái bản ngã, cái tôi của mình lớn dần mà không hay.
Nếu các bạn đang cùng đồng tu trực tiếp với Bảo Thành, các bạn nhìn lên trên màn ảnh các bạn thấy chủ đề “Hòa Nhập Nhưng Không Hòa Tan”, ở giữa hai chữ “hòa nhập” đứng ở đầu, chữ “hòa tan” đứng ở cuối, giữa hai cái cán cân hòa nhập – hòa tan là hai chữ “nhưng không”. Trong cuộc sống, chúng ta nói chuyện thao thao bất tuyệt, chuyện này qua chuyện kia vẫn có hai chữ “nhưng không”, tôi đi chơi với bạn nhưng không thế này, thế kia. Cái chữ “nhưng không” nó trở thành như là một cái thành ngữ vô cớ hiện hữu trong cái cách ứng xử hàng ngày, để mỗi một câu đôi khi chúng ta cũng có chữ “nhưng không”. Chúng ta tới đó nhưng không đi vào, tới nhưng không đi vào. Chúng ta đãi tiệc nhưng không phung phí. Chúng ta đi chơi nhưng không, nhưng không…, mỗi người có thể điền vào cái vế sau. Hai chữ “nhưng không” luôn luôn đứng ở giữa, để rồi hình như chúng ta đã trở thành người lúc nào cũng lo âu sợ hãi bị biến mất, bị đánh mất đi cái bản sắc riêng tư của chính mình.
Nâng tầm cho cái bản sắc riêng tư, bản sắc dân tộc, con người hoặc những cái văn hóa của chúng ta bởi sợ mất, hòa nhập nhưng không thể hòa tan để đánh mất cái bản sắc dân tộc. Ngày nay nghe, nghe nhiều, cái câu này nó khuyến khích cho chúng ta khuếch trương và làm lớn cái tầm của cái tôi, không biết các bạn có nghĩ như vậy hay không? Người học Phật phải suy nghĩ thật nhiều về cái tôi, cái ngã, cái được cho là chủ thể của mình, cái riêng tư của mình, chuyện gì cũng có thể bỏ nhưng cái bản sắc riêng tư nhất định không thể để mất. Với cái chiều hướng suy nghĩ như thế, chúng ta vẫn còn ôm ấp giữ cái tôi của mình và dĩ nhiên khi cái tôi được chạm, được giữ, được ôm ấp, nó sẽ phình ra lớn lắm.
“Hòa nhập nhưng không hòa tan”, cách nói này hiện hữu trong mọi sinh hoạt của cuộc sống, từ nền kinh tế phát triển của thị trường tới sự giao thoa văn hóa, phong tục tập quán, bản sắc và ngay cả ngôn ngữ. Nếu trở về với cái thời đại thuở xưa thuở phong kiến, hồi xưa lắm rồi, dân tộc nào cũng nâng cao cái tầm tối ưu quan trọng của bộ lạc, của bộ tộc, của dân tộc, của quốc gia. Thời xa xưa ấy, không một ai chấp nhận một dân tộc nào khác có thể sống trên vùng đất được quy hoạch là của dân mình, sẵn sàng chết, sẵn sàng đổ xương, đổ máu, bỏ cả mạng để bảo vệ từng tấc đất mà ta nhân danh ông cha của chúng ta đã tạo ra. Điều đó ngày nay vẫn đúng đấy. Và cứ như vậy chẳng bao giờ đón nhận những con người khác từ những vùng đất không thuộc về quê hương tới định cư hoặc là du nhập để sống. Và giả sử như có du nhập để sống, ta cũng tìm đủ mọi cách thành lập nên những cái luật để bảo vệ cái gọi là dân tộc. Văn hóa dân tộc, ngôn ngữ của dân tộc, tín ngưỡng của dân tộc, ta cứ gom riết vào hai chữ “dân tộc” để bảo vệ, bảo vệ đi đến mức cứng ngắc trở thành bảo thủ. “Hòa nhập nhưng không hòa tan” đó đã tạo ra biết bao nhiêu sự xung đột, chiến tranh. Từ nước lớn xâm chiếm nước nhỏ, từ con người có thế lực tới người thấp yếu, bị chèn ép. Người lớn, đất nước lớn thì không những muốn hòa nhập mà hòa tan luôn cái nước nhỏ để triệt tiêu họ. Người có quyền lực không những hòa nhập mà còn muốn hòa tan để những người không có quyền lực biến mất trên địa cầu. Cứ như vậy biết bao nhiêu cuộc chiến đã xảy ra.
Bảo Thành còn nhớ hồi còn rất nhỏ, khi mà chúng ta còn sống được gọi là thôn, là làng, mà thuở đấy mấy ai ra khỏi thôn làng của mình đâu, hiếm lắm, chúng ta sống quây quần bên thôn, bên làng, sinh hoạt gặp gỡ, con cái có lớn lấy vợ gả chồng thì cũng phải ở trong thôn, trong làng. Và mỗi một thôn, một làng hầu như cũng quy tụ những người quen biết sống chung cùng thôn cùng xóm tự cái thuở nào và cùng tôn giáo nữa. Cho nên các thế hệ trẻ lớn lên thường lập gia đình là những người bạn cùng tôn giáo. Tuy vậy, vẫn có các bạn lấy vợ hoặc lấy chồng là người khác tôn giáo. Mỗi lần như vậy không những cha mẹ, ông bà, mà những bậc lãnh đạo tinh thần trong tôn giáo bạn theo cũng luôn lo sợ. Và rồi mỗi một bạn theo tôn giáo nào đó, gia đình hoặc các bạn có mối liên hệ với cái tôn giáo thì những bậc lãnh đạo tinh thần đó có những cái luật để đưa bạn vào cái khuôn khổ để dẫn dắt các bạn khác tôn giáo, là người yêu sắp sửa cưới lập gia đình phải theo. Nhất định các bạn không ít thì nhiều cũng đã từng nhìn qua những cảnh như vậy. Là bậc cha mẹ thì sợ con cái lấy người khác tôn giáo, hòa nhập vào cuộc sống mới của gia đình sẽ bị hòa tan cái nét đẹp của tôn giáo nhiều đời truyền thống của ông bà. Nhưng thời đó rất phức tạp, bởi có những cái tôn giáo họ khư khư không bao giờ cho tôn giáo khác có thể hòa nhập nhưng không hòa tan, họ nhất định hòa nhập phải hòa tan, mang cái ý nghĩa rằng nếu lấy những người thuộc tôn giáo họ theo bắt buộc phải bỏ tôn giáo kia và phải theo tôn giáo của họ. Nhiều trường hợp như vậy, nhưng ngày nay thay đổi rồi, bởi cách sống từ thôn từ làng đã không còn. Người ta đã sống xa nhà, cái thôn, cái làng đã biến thành thành phố, sự giao lưu văn hóa và sự hội nhập trong cuộc sống mới đã làm cho sự phân biệt tôn giáo, chủng tộc, văn hóa hình như không còn là cái gánh nặng cho đời sống của tuổi trẻ ngày hôm nay.
Các bạn có biết rằng chính cái sự hòa nhập nhưng không hòa tan nó đưa đến sự kỳ thị thật là nhiều trong tôn giáo, kỳ thị dân tộc, kỳ thị văn hóa. Và nó ngầm ở trong cái thành ngữ hòa nhập nhưng không hòa tan là một cái chấp, chấp trược rất là nặng, để cái tôi nó lớn dần mà không ai hay. Thuở khoảng chừng 50 năm về trước, có thể là thời thập niên 60, 70, 80 hoặc 90, giữa dân tộc này và dân tộc kia hình như nó vẫn là một cái sự tranh đấu đến chết để bảo vệ cái bản sắc riêng, hai chữ hòa nhập cũng chẳng có, huống hồ chi có thể hòa tan. Một người ngoại quốc mà tới đất nước Việt Nam chắc khó vào thời đó, bởi ai cũng có tinh thần đánh đuổi giặc ngoại quốc. Gọi là giặc bởi cứ ai tới đất nước của chúng ta ở những cái nước khác chúng ta gọi là xâm lược, nếu là người quân đội ta gọi là xâm lược đất nước, nếu là người mang truyền thông văn hóa, tín ngưỡng thì ta gọi là xâm nhập văn hóa tín ngưỡng để đánh mất đi cái nền giáo dục văn hóa tín ngưỡng nhiều đời của ông cha. Cứ như vậy mà cứ tranh đấu, cứ đố kỵ, cứ chấp, để rồi biết bao nhiêu những sinh mạng của những người thuở ấy phải nằm xuống dưới cái bàn tay nhân danh đất nước, văn hóa, tôn giáo để sát hại.
Một cái điểm, một cái điểm đen nhưng cũng là điểm sáng trong quá khứ lịch sử tôn giáo của Việt Nam chúng ta. Khi đạo Thiên Chúa đi vào Việt Nam do người Pháp du nhập để truyền bá, chúng ta không bàn tới đằng sau cái ẩn ý của truyền bá Thiên Chúa giáo tới Việt Nam, nhìn về cái sự tướng và cái sự lý đơn giản một chút xíu thì thuở ấy có thể là vua chúa, cũng có thể là dân tộc Việt Nam chưa sẵn sàng hòa nhập nhưng không hòa tan, chưa có hòa nhập cũng chưa có hòa tan. Do đó, khi Thiên Chúa giáo được truyền bá, du nhập vào Việt Nam đã xảy ra cái thảm họa là những ai theo đạo Thiên Chúa, làm chứng nhân cho đạo Thiên Chúa đều bị giết. Đó là một cái điểm đen tối của lịch sử dân tộc Việt khi nói về tôn giáo và rồi cái điểm đen đó lại là điểm sáng cho người Thiên Chúa giáo, bởi sau cái sự thảm hại đó Thiên Chúa giáo Việt Nam đã có các vị Thánh tử vì đạo.
Bảo Thành nói sơ qua để thấy rằng sự khốc liệt của cái thành ngữ “hòa nhập nhưng không hòa tan” hoặc “không hòa nhập và không hòa tan”, nó cứ lấn cấn như vậy. Nhưng ngày nay các bạn thấy, thế giới đã mở rộng, chúng ta nếu là người Việt Nam có điều kiện nhất định vẫn mơ ước cho con cháu của mình đi du học ở nước ngoài, đặc biệt là Huê kỳ, nước Mỹ. Nước Mỹ là một nước đa văn hóa, đa chủng tộc, được hình thành trên cái tôn chỉ ấy, xứ cờ Hoa Liên Hiệp Quốc, bởi vì ở nước Mỹ này quốc gia nào trên thế giới, dân tộc nào trên thế giới cũng có chung sống ở đây, di cư tới đây để sống. Khi sống ở nước Mỹ nếu là người thích văn hóa và xã hội thì chúng ta vẫn có cơ hội tìm hiểu và gặp gỡ các nền văn hóa và dân tộc khác trên tại nước Mỹ. Rồi Việt Nam của chúng ta ngày nay mở cửa rồi, kinh tế thì hòa nhập vào với thế giới và người ngoại quốc đã từng tới, và đã tới, và sẽ tới sống làm việc trên quê hương của chúng ta. Họ sinh sống bằng những cái nghề rất bình thường, có cả nghề bán hàng rong ở lề đường để sống, họ nói tiếng Việt thông thạo, họ hiểu văn hóa thông thạo, họ hòa nhập vào cách sống của Việt Nam. Họ có thể ăn được nước tương, nước mắm, họ có thể sử dụng được đũa, nhưng họ vẫn không hòa tan bởi màu sắc và tướng vóc của họ vẫn là người ngoại quốc, ta vẫn phân biệt được. Nhưng nếu chúng ta không nhìn thấy họ, ngôn ngữ tiếng Việt họ nói thao thao bất tuyệt, còn phong tục thì chẳng khác gì người Việt chúng ta, ngoại trừ khi nhìn thấy họ ta mới nhận ra họ hòa nhập, thực ra là hòa tan tất cả. Nhưng cái sắc tướng của họ không thể biến mất, họ vẫn là châu Âu, châu Mỹ và họ vẫn mang cái hình hài dân tộc của họ.
Trở về cái chủ đề “Hòa nhập nhưng không hòa tan”, theo tinh thần của Phật giáo, khi Đức Phật tại thế còn rất trẻ, Ngài là một Thái tử và dĩ nhiên chúng ta đều hiểu Ngài chưa thuộc về Phật giáo thuở đó. Ngài sinh ra trong cái thời tôn giáo lớn nhất của Ấn Độ là Bà La Môn giáo. Thuở nhỏ Ngài rất thông minh, Ngài được vua cha mời gọi các bậc Pháp Sư, các bậc thầy lớn của Bà La Môn tới dạy cho Ngài về kinh Vệ Đà. Kinh Vệ Đà là kinh, kinh lớn tổng hợp cái nền triết lý, triết học tôn giáo của Bà La Môn. Ai không học qua kinh Vệ Đà, thông thạo kinh Vệ Đà thì không phải là người Bà La Môn. Trong đó có đầy đủ về tôn giáo, về thông thiên học, về mọi ngành hết, gọi là tổng hợp tinh hoa từ văn hóa tâm linh, xã hội, không gian, toán học, đặt dưới cái tên gọi là kinh Vệ Đà. Thái tử Tất Đạt Đa thuở ấy học nhớ và thông thạo, và thuở ấy Ngài là người Bà La Môn giáo, y như các bạn sinh ra và lớn lên trực thuộc vào cái tôn giáo bạn được thừa hưởng từ ông bà cha mẹ, có thể là Phật giáo, có thể là Thiên Chúa giáo, có thể là Bà La Môn giáo (Việt Nam cũng có Bà La Môn giáo) hoặc là Hồi giáo, sau này có thêm các tôn giáo khác như Cao Đài giáo, Hòa Hảo hoặc những cái tôn giáo nhỏ nhỏ ở địa phương. Mỗi vùng có một nền tôn giáo khác biệt, nếu sinh ra chúng ta sẽ là người của tôn giáo ấy và rất khó để cho chúng ta có thể biến mất cái tôn giáo đó đi để hòa nhập vào một tôn giáo mới, bởi ta được hấp thụ cái nền tín ngưỡng tôn giáo ấy ngay từ thuở rất nhỏ, rất thơ.
Đức Phật cũng vậy, nhưng khi Ngài đi tìm một con đường để chuyển hóa khổ đau, sinh – lão – bệnh – tử, Ngài đã giác ngộ. Và cái giáo lý, cái con đường Ngài dạy thuở ấy dần dần được đặt tên gọi là Phật giáo, chữ Phật là giác ngộ, là tỉnh thức. Con đường tỉnh thức để hết khổ được gọi là Phật giáo. Ngài đi từ những cái thôn quê, làng mạc nhỏ, từ cội bồ đề cho tới phía nam kinh thành giàu có, tiếp cận vua chúa quan quyền, tiếp cận với biết bao nhiêu những bậc thầy cao cả của Bà La Môn, Ngài hòa nhập và hòa tan luôn nhưng không mất đi cái chân lý giác ngộ tỉnh thức. Bởi cái chân lý giác ngộ tỉnh thức không thuộc một hệ phái, một tôn giáo nào, chẳng thuộc về cái gọi là Phật giáo, chẳng thuộc về cái gọi là Bà La Môn giáo. Từ đó mà Ngài rộng tay phương tiện tiếp độ những người thuộc về Bà La Môn giáo, bởi chân lý của Ngài là đánh thức con người đang bị mê để tỉnh dậy, để không còn đau khổ, đâu có xiển dương cái gọi là Phật giáo đâu, chỉ là con đường giác ngộ mà thôi. Con đường đó đã đưa Ngài xuyên suốt các cái nước nhỏ thuộc vùng miền Bắc của Ấn Độ tới miền Nam Ấn Độ. Và những bậc đại đệ tử của Ngài hầu hết là những người Bà La Môn giáo, như Ngài Cấp Cô Độc, Ngài Xá Lợi Phất, Ngài Mục Kiền Liên, Phú Lâu La, Ngài Ca Diếp, tất cả, tất cả các đệ tử của Ngài đều là Bà La Môn giáo, bởi thời đó Bà La Môn giáo là tôn giáo chính của người Ấn Độ, đâu có ai theo Phật giáo. Mà Phật lúc đó cũng chẳng thành lập nên một cái nền tôn giáo mới để chống đối lại Bà La Môn. Ngài chỉ đi rao giảng cái chân lý để đánh thức những người còn mê, đắm chìm trong đau khổ, để họ được tỉnh thức thoát khổ. Giáo lý của sự tỉnh thức, chữ Phật là tỉnh thức, là giác ngộ, là hiểu, hiểu thấu không có vấn đề gì hết. Ngài đi mãi, không những Ngài hòa nhập vào với Bà La Môn, mà Ngài còn hòa tan, bởi trong tâm của bậc giác ngộ không có sự phân biệt và chướng ngại. Khi nói đến hòa nhập nhưng không hòa tan là còn có chướng ngại về mặt tôn giáo. Cái điều này có, chúng ta ngay cả các bạn học về Phật giáo vẫn còn sự chướng ngại lớn này, bởi chẳng bao giờ nhìn tại sao Đức Phật hòa nhập, hòa tan luôn mà không biến mất, cái chân lý giác ngộ vẫn hiện hữu. Bởi chân lý giác ngộ là chân lý tỉnh thức, nó chẳng thuộc hệ phái tôn giáo, tông phái, chùa chiền, dân tộc, nó là điều tất cả mọi chúng sanh đều có thể thể nhập, đều có thể hòa nhập và hòa tan như bóng đêm biến mất do ánh sáng tràn vào, y như thế.
Các bạn, ngày nay Phật giáo về cái sự tướng phát triển thật mạnh ở Việt Nam, chính vì vậy có những bậc lãnh đạo tinh thần của Phật giáo cũng lo âu, sợ hãi cái sức mạnh của Phật giáo khi hòa nhập vào với xã hội dễ bị hòa tan và biến mất, do đó thường đưa ra những cái tư tưởng chống kình, phỉ báng những tôn giáo bạn. Đôi lúc còn đưa ra những cái sự suy nghĩ hoặc luật nghiêm cấm Phật tử không nên tham gia, không được tham gia vào những cái nghi thức, lễ lạy lớn của các tôn giáo bạn. Ví dụ như có những vị tôn túc cũng không mong muốn Phật tử đi tham dự những cái khóa lễ về đêm Noel, Giáng Sinh hay Phục Sinh, bởi luôn nghĩ rằng tôn giáo bạn hình như không quan trọng. Họ có thể đến tham dự lễ Phật đản, Vu Lan, nhưng ta thì không nên. Vẫn còn có những cái tư tưởng phân biệt, phá chấp Vô Ngã hình như chỉ là một cái danh xưng, hay nó biến thành cái nét chữ thư họa vẽ lên trên cái bảng trang trí thôi, Vô Ngã thôi, chứ chấp, chấp nhiều lắm. Không hẳn chỉ có Phật giáo đâu mà các tôn giáo bạn cũng như thế, bởi vì ai cũng sợ hòa nhập sẽ bị hòa tan, mất cái thế đứng bản bản sắc riêng của tôn giáo mình, niềm tin của mình. Và đúng là con người chúng ta khi chưa thật sự tỉnh thức như Đức Phật, còn mê, hòa nhập vào với cái sinh hoạt thường nhật của cuộc đời tâm linh, xã hội, khoa học, chúng ta dễ bị đánh mất đi cái bản sắc riêng tư của mình. Ai càng mong muốn giữ cái bản sắc riêng tư của mình thì hình như càng đánh mất mà không hay thôi, bởi chúng ta chưa suy nghĩ kỹ, chưa tinh tế nên sợ mất. Cái gì càng giữ thì nó đã mất rồi, chỉ trên đời này các bạn cứ nghĩ đi, cái điều bạn muốn giữ mãi mãi nó có tồn tại được không? Cái mà muốn giữ mãi mãi là mạng sống này đã không tồn tại được bởi nó là Vô Thường. Và nếu nhìn cho rõ thì Đức Phật dạy vạn pháp đều Vô Thường, các tôn giáo cũng Vô Thường, tất cả đều là Vô Thường. Ta ôm ấp cái Vô Thường, ta bảo vệ cái Vô Thường từ xã hội, từ dân tộc, từ văn hóa, từ tôn giáo, từ tông môn, từ Pháp môn,.. khư khư bảo vệ, đưa đến sự tranh chấp, chê bai, dèm pha, đấu đá, chẳng muốn cái bên kia hòa nhập hòa tan vào mình và chẳng muốn mình hòa nhập hòa tan vào cái bên kia, ở giữa bên kia và bên này vẫn là sự ngăn ngại, sự chướng ngại. Và sự ngăn ngại, chướng ngại đó, ta đã dồn quá nhiều sức đầu tư, quá nhiều sức để bảo vệ, lúc nào cũng như người lính ở biên cương giữ cái đúng của ta và cái đúng của người, chẳng thể hòa nhập và cũng chẳng thể hòa tan, chống đối kịch liệt cho đến cái mức sự chống đối đó nó biến thành độc quyền tư tưởng, đã thốt lên những cái tiếng nói thật kỳ là không muốn ai, không muốn ai thực tập cái tôn giáo, cái pháp môn, cái tông môn, cái giáo pháp của mình đang theo. Bởi luôn nghĩ rằng những người đó không hiểu, không biết rõ và đã đặt để cho những người ấy là lợi dụng cái tôn giáo của mình, tông môn của mình, pháp môn của mình, trường phái của mình, dân tộc của mình, văn hóa của mình để làm giàu, để xưng danh. Ta bắt đầu nghĩ nhập nhằng những người khác hoàn toàn là xấu, lợi dụng mà thôi, họ chẳng hiểu biết gì, họ chẳng biết gì, chẳng hiểu, chẳng thấu, chỉ có ta, và ta, và ta biết mà thôi, cái ta lớn đấy.
Đức Phật không bao giờ để dính ở giữa hai cái bờ hòa nhập và hòa tan để có cái chữ “nhưng không”. Ngài bỏ đi một chữ, giữa cái hòa nhập và hòa tan Ngài bỏ đi chữ “nhưng”, chỉ còn chữ “không”, chẳng phải là “hòa nhập không hòa tan” mà là chữ “không”, “không” ở đây là Vô Ngã, là không có chướng ngại giữa cái hòa nhập và hòa tan, không có ngăn ngại giữa hòa nhập và hòa tan, không có bị cái hòa nhập hòa tan khủng bố. Đúng là tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, “không” là tâm không, là Vô Ngã. Chính vì cái sự Vô Ngã ấy, tinh thần Vô Ngã ấy, Đức Phật không bao giờ gặp chướng ngại trên con đường đi đánh thức chúng sanh còn ngủ mê, đắm chìm trong đau khổ. Dù trên con đường đó biết bao nhiêu chông gai, thử thách ập tới, biết bao nhiêu hàm oan giáng họa, biết bao nhiêu lần từ đệ tử thân thuộc cho đến người ngoài đã tìm cách giết hại Ngài, nhưng tinh thần Vô Ngã, chữ “không” vẫn luôn luôn hiện hữu.
Vô Ngã và Vô Thường nói lên cái tinh thần của bậc tỉnh giác, Ngài thấu được điều đó nên mới gọi là Phật, là giác ngộ, là tỉnh giác, chúng ta chưa thấu nên cứ vùi đầu trong mê. Một hình ảnh mà ta có thể hình dung, suy nghĩ để trực tiếp thể nhập vào cái tinh thần của Đức Phật, đó là hình ảnh của muối. Muối hòa nhập vào với nước và cũng hòa tan, hòa nhập cũng hòa tan nhưng không biến mất, vẫn còn cái vị mặn của muối, bạn thấy hình ảnh đó ta sẽ hiểu được cái tâm tỉnh giác y như muối. Hòa nhập hòa tan, hòa nhập bởi Vô Thường, hòa tan bởi Vô Ngã, nhưng không biến mất. Cái tâm tỉnh giác là tâm Phật, chẳng trực hệ một nền tôn giáo, pháp môn, tông môn, giáo phái. Tâm tỉnh thức là tâm Phật, tâm tỉnh giác hội nhập và hòa tan nhưng không biến mất, bởi người chứng đắc được cái tâm ấy, thể nhập vào được tâm ấy, hòa tan vào được tâm ấy là người liễu thông được vạn pháp Vô Thường sanh – diệt và Vô Ngã. Nếu bạn hòa nhập chẳng hòa tan vẫn còn có cái ngã. Trong thời đại mới này có biết bao nhiêu những người theo cái tinh thần bảo vệ tông môn của mình, luôn luôn nghĩ tông môn, luôn luôn nghĩ cái pháp môn, luôn luôn nghĩ cái giáo phái, cái tông phái, cái tôn giáo của mình là cao cả, là nhất nhất, rồi mang cái tinh thần hòa nhập vào với các tôn giáo khác nhưng không hòa tan, đi đến cái chỗ cứng ngắc, bảo thủ. Khi không khéo phương tiện trong sự tỉnh thức như Thế Tôn mà chỉ mang cái tinh thần áp chế cài đặt, từ đó gây hấn chiến tranh và cuối cùng bị đẩy lùi ra xa thật xa không thể hòa nhập cũng chẳng thể hòa tan, đưa đến cái tinh thần cục bộ, chê bai, dèm pha.
Chúng ta nhớ, chúng ta phải trở về với tinh thần của Đức Phật, hòa nhập và hòa tan toàn diện. Đừng có chữ “nhưng không” ở giữa, bởi Phật giáo là con đường thể nhập vào sự tỉnh thức nơi Phật tánh, nơi đó là Vô Thường, Vô Ngã để hết khổ đau. Câu này được thể nhập thật sâu sắc cho những ai thực tập Thiền Mật Song Tu qua mật ngôn số 2 NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang để chấm dứt hết mọi phiền não và đau khổ trong cuộc đời, không những hòa nhập mà còn phải hòa tan. Chúng ta qua mật ngôn này tu tập quán chiếu trong tỉnh giác và Chánh Niệm, hiểu thấu được vạn pháp là Vô Thường, Vô Ngã nên không có cái biên giới, cái ta, cái tôi, cái chỗ ngã để rồi nói hòa nhập nhưng không hòa tan. Ánh sáng có thể hòa tan vào tận hư không nhưng chẳng biến mất, sự tỉnh thức có thể chuyển hóa, thể nhập vào tất cả, dung thông vào vạn pháp, không bị kẹt, không bị chướng, không bị ngăn ngại. Giữa hai cái bờ hòa nhập và hòa tan là chữ “không”, không của Vô Ngã, không của Vô Thường, cái tâm không.
Các bạn, không có chữ “nhưng”, “nhưng” là còn thể hiện cái chữ tôi, cái bản ngã, chữ “không” là Vô Ngã, Vô Thường, “không” là tâm không, vi diệu vô cùng. Nếu đã là tâm không thì chẳng có cái mệnh đề hòa nhập hoặc hòa tan, bởi trên đời này luôn luôn là tan bởi Vô Thường, luôn luôn là nhập nếu có chủ ngã, nhập vào chủ ngã đó mà, cho nên cuối cùng chỉ còn chữ “không” và chữ “hòa”, hòa vào với cái tâm không tận hư không pháp giới. Người theo đạo Phật là người có thể hòa vào tất cả, chẳng có tôi, chẳng có chủ ngã, nên luôn tỉnh thức, luôn hòa bình và an vui. Trong cuộc sống thời đại ngày nay, cách sinh sống hiện tại của người Phật tử tại gia đã hòa quyện vào sự phát triển, sự dung thông, sự hòa nhập đa tôn giáo, dân tộc, bản sắc, văn hóa, kinh tế, đưa tinh thần giác ngộ của Phật, sống để được an vui thì nhất định phải chỉ có một cái chữ hòa mà thôi, chữ hòa, tâm hòa. Và để có cái tâm hòa là tâm đó phải là tâm không, để có cái tâm không để hòa hợp dung thông với tất cả ta cần phải quán chiếu vạn pháp là Vô Thường, là Vô Ngã. Cho nên người học Phật như chúng ta, người Phật tử như chúng ta không có chống kình, không có chống đối, hòa tan, hòa nhập để hòa tan như muối nhưng vẫn luôn luôn còn cái hương vị mặn của sự giải thoát. Và cái vị mặn giải thoát đó chỉ có nơi người có cái tâm tỉnh thức đã được thức tỉnh mà thôi. Còn u mê là còn chấp, là còn có cái chữ nhưng và không, nhưng không, nhưng không, tôi đi với bạn nhưng không…, tôi tới với bạn nhưng không…, cái gì cũng nhưng không, nhưng không, bởi thủ đắc cái tôi. Tinh thần Vô Ngã của NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang phá vỡ tất cả vì nhận thức được vạn pháp là Vô Thường, là Vô Ngã, để sống đúng với cái sự diệu dụng của tâm không, sống tỉnh thức, sống tỉnh giác, không chướng ngại, không chấp trược, không vướng mắc.
Ngày nay Phật tử tại gia hiểu được điều đó thì kết lại một câu thật dễ, con đường thực tập của Phật giáo hiện thời và hiểu rằng đó là con đường thực tập trong sự tỉnh giác không trực thuộc thực hệ một nền tôn giáo nào để chúng ta phải căng mình, căng sức bảo vệ tôn giáo, tông môn đó. Chỉ cần làm sao hòa nhập và hòa tan luôn nhưng vẫn giữ được cái vị mặn giải thoát trong mọi mối tương giao của cuộc đời, đi đứng nằm ngồi, từ công việc làm ăn kinh tế, giao tiếp trong xã hội, trong gia đình, dưới mọi hình thức, dưới mọi phương tiện vẫn luôn luôn có cái vị mặn. Tức là vị giải thoát, giải thoát khỏi sự chấp trược, giải thoát khỏi cái tôi, giải thoát khỏi cái ngã, cái chấp vào những chuyện hiện hữu mãi mãi trong đời, để được tỉnh thức mà sống an vui, sống bình an, sống đúng với tinh thần của Phật là bậc giác ngộ. Không phân biệt tôn giáo, không phân biệt tông môn, không phân biệt quốc gia, dân tộc, màu sắc, không phân biệt tất cả những cái sự khác biệt đối với cái tôi. Nhưng hòa nhập và hòa tan, hòa nhập và hòa tan bởi cái tâm không, tâm liễu hiểu, liễu thông được Vô Thường, Vô Ngã, tâm tỉnh giác không còn mê, tâm thoát khổ chẳng chướng ngại. Và trong mọi tình huống sinh hoạt của cuộc sống, cái được gọi là Phật giáo đó chính là sự tỉnh giác, là vị mặn của giải thoát, không có ngăn ngại dưới mọi hình tướng, tôn thờ, tu tập, gọi là sự hòa tan hòa nhập, để tâm trở về với tận hư không pháp giới, nơi đó ta luôn tỉnh giác an vui.
Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái để chúng ta trở về với bảy biến vi diệu âm Mu A Mu Sa và NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.
Thưa Phật! Ngài là bậc tỉnh giác, không còn vướng mắc giữa hai bờ hòa nhập và hòa tan, Ngài đã thấu được Vô thường và Vô Ngã nên đoạn diệt khỏi mọi phiền não và đau khổ. Theo chân Ngài, chúng con thực tập Thiền Mật Song Tu, quán chiếu qua mật ngôn từ bi Mu A Mu Sa và mật ngôn Vô Thường, Vô Ngã, Khổ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Xin Ngài gia trì cho chúng con thấu hiểu được để không còn bị mắc kẹt giữa hai bờ của sự hòa nhập và hòa tan, để thể nhập vào sự tỉnh giác sống đời an vui.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang (7 Biến)
Chúng ta hãy hồi hướng công đức.
Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con ngày hôm nay nếu tạo ra được chút phước báu nào, nguyện hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.