Bảo Thiện đánh máy, Bảo Phước biên tập
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi! Giờ đồng tu đã tới, kính mời các bạn cùng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay!
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho muôn loài chúng con và gia trì cho chúng con tinh tấn tu học, giữ Chánh Niệm hơi thở, quán chiếu bằng Trí Tuệ và lòng Từ Bi để nhận rõ các pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã.
Xin chư Phật gia hộ!
Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái!
Cũng là sự nhắc nhở thường xuyên tới với mỗi người chúng ta, lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình Yêu Thương. Trong từng hơi thở, chúng ta giữ Chánh Niệm, gắn kết với mười phương chư Phật, đón nhận tha lực Phật điển đại Từ đại Bi, năng lượng Tình Thương.
Chúng ta hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì Mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
(15:06) Mô Phật! Bảo Thành kính chào các bạn! Bảo Thành có cái phone (điện thoại) ở trên tay, cái phone đây, và thời đại ngày nay các bạn và Bảo Thành đi đâu cũng phải có cái phone. Người lớn hay người trẻ tuổi, cái phone hình như là một cái mà chúng ta không thiếu được trong cuộc đời, cái phone này người Phật tử tại gia hoặc các chư vị xuất gia cũng cần có cái phone. Không biết là nếu Đức Phật hiện thân trong cuộc đời này Ngài có sử dụng cái phone hay không? Chắc có lẽ nếu Ngài không sử dụng phone tay, chắc phải có cái phone bàn, thậm chí có thể Ngài sử dụng máy vi tính.
Phương tiện nhiều khi chúng ta khó chấp nhận, cái phone tay này là phương tiện, nó đồng nghĩa với tất cả các pháp vi diệu mà các bạn từng tu, dù các thầy, mọi người nói về các pháp để tu, thì Đức Phật cũng nói thật rõ chỉ là phương tiện để hỗ trợ cho chúng ta thành tựu được sự an lạc và hạnh phúc, chuyển hóa mọi khổ đau và phiền não. Phương tiện, chúng ta phải nhớ, pháp phương tiện! Phone là một pháp phương tiện! Chúng ta đi ra ngoài lúc nào cũng phải nhớ đến cái phone, tạo thành một thói quen rồi, ai cũng phải nhớ đến phone. Nhớ đến phone thì phải luôn luôn nhớ đến một điều kiện rất gần gũi đó là phải sạc pin trước khi đi ra ngoài. Ai cũng phải nhớ đi ra ngoài nhìn vô cái phone hoặc có một thói quen sạc pin trước rồi đi ra ngoài để cái phone đầy đủ pin, khi chúng ta đi không bị hết pin, không nghe được bạn bè gọi, không liên lạc được với bạn bè hoặc chúng ta có thể đọc thông tin, chia sẻ những điều gì đó xảy ra trong cuộc sống thường nhật.
Bảo Thành mượn hình ảnh cái phone để nhắc nhở bản thân và các bạn, có những cái phương tiện nếu chúng ta tinh tế một chút, chúng ta thấy nó là phương tiện rất cần được sự chăm sóc, nếu vượt khỏi tầm tay, phương tiện ấy trở thành một cái ma lực hấp dẫn, lôi cuốn. Có nhiều người mê phone đến mức lúc nào cũng cầm phone trên tay, đi vào tự kỷ thật sâu, bởi ngồi bên cạnh cũng không nói bằng miệng, nhìn mặt nhau, nhìn qua phone nói chuyện, nhắn tin; đó là quá đà rồi, còn nếu sử dụng đúng, cái phone rất là lợi ích.
Sự đồng tu của chúng ta không khác gì cái phương tiện là phone, mỗi một ngày Bảo Thành đồng tu với các bạn và chia sẻ đôi chút cho các bạn ở nước ngoài vào buổi sớm bắt đầu một ngày mới hoặc cho các bạn ở Việt Nam vào một buổi tối kết thúc một ngày. Sự đồng tu trong Thiền Mật song tu là sạc pin đó các bạn, sạc pin đời sống tâm linh để chúng ta có đầy đủ năng lượng, cái pin của chân tâm của chúng ta có đầy đủ năng lượng để trong suốt cuộc hành trình của một ngày hoặc của một buổi đêm nghỉ ngơi, tinh thần, cái tâm và ngay cả thân xác của chúng ta cũng có đủ năng lượng, năng lượng để nghỉ ngơi hoặc năng lượng để làm việc! Cuộc sống rất cần sự quan tâm này! Chỉ cần nhận thức sự tu tập là phương tiện, không khác gì cái phone, chúng ta sẽ ý thức được tầm quan trọng đi ra ngoài mang phone phải sạc đầy đủ pin, cuộc sống cần tu tập để sạc đủ năng lượng vi diệu của chư Phật. Phone thì sạc pin nguồn từ điện, những ổ cắm, sự tu tập ta sạc năng lượng từ bi và trí tuệ từ cái nguồn của đấng minh tuệ đó là Đức Phật.
Hiểu đơn giản vậy thôi các bạn, chúng ta đừng cầu kỳ! Phật đã nhắc tất cả mọi phương tiện tu luyện của chúng ta đều là phương tiện, đã gọi là phương tiện thì cứ việc ứng dụng, sử dụng sao cho thật hay để mang lại lợi lạc cho chúng ta. Đồng tu, sự tu tập, giáo pháp của Phật là phải nhìn thấy tầm quan trọng của phương tiện vi diệu giáo pháp của bậc giác ngộ trao truyền để ta thường xuyên chăm sóc kỹ lưỡng. Tầm quan trọng trong đồng tu là như vậy, y như cái tầm quan trọng sự sống thường nhật hàng ngày của thời đại mới, phải mang phone và sạc pin đầy đủ, người Phật tử tại gia cần phải mang sự học hỏi của mình như sạc pin vào phone!
Các bạn nhớ, không quên được đâu, quên sạc pin ra đường có phone ở trên tay cũng không sử dụng được và chúng ta nếu trong cuộc sống học được pháp Phật khư khư ôm ấp mang theo mà không thực tập không khác gì cái phone không có pin! Các bạn cố gắng đồng tu với Bảo Thành với cái ý niệm như vậy thôi, rất đơn giản, đừng tô điểm những sắc thái huyền bí trong sự đồng tu để đề cao, để tự hào, để đặt lên một cái tầm mà hình như quá nghiêng về tôn giáo, làm cho chúng ta cảm thấy lúng túng bởi vì cứng nhắc trong đời sống tôn giáo của mình và rồi chỉ có những người theo tôn giáo đó, tông phái đó mới thực tập!
Quốc gia nào trên thế giới, con người nào trên thế giới, chủng tộc nào trên thế giới cũng đều xài phone. Ta phải hiểu được Phật pháp là phương tiện mang lại sự bình an và hạnh phúc, tôn giáo nào cũng có thể lắng nghe và thực tập, con người nào cũng có thể thực tập để thành tựu, không phân biệt. Hiểu như vậy là vui lắm và chúng ta không trở nên cuồng tín vào niềm tin tôn giáo của mình là Phật giáo!
Có những bậc thầy dạy đề cao Phật giáo tới cái mức thượng đẳng siêu việt làm cho chúng ta cảm thấy nó bị tách rời khỏi cái sinh hoạt đời sống hàng ngày. Nhưng Bảo Thành nhớ, Đức Phật dạy tất cả các pháp của Ngài là phương tiện để chúng ta sử dụng để không tạo ra đau khổ cho ta, mang lại hạnh phúc cho chính mình. Phật giáo Đức Phật dạy cho Phật tử tại gia và người Phật tử tại gia của chúng ta phải khẳng định lời Đức Phật dạy là để cho ta tu, không phải để cho người khác tu, nhận định thật rõ, ta mới tu được. Ta đừng nghĩ lời Phật dạy là để cho người này tu người kia tu, để khi họ không tốt theo chiều hướng cảm xúc, suy nghĩ riêng của ta, ta liền trách họ: “Học Phật pháp mà như vậy sao?”, “Là Phật tử mà như vậy sao?”.
Thường, ta hay nhìn thấy đối tượng là người khác không tu, không làm đúng lời Phật thường hay có lỗi. Đó là ta sai, ta không nhận định được pháp của Phật dạy là cho mỗi người chúng ta tu, để cho chính ta tu sửa, chuyển hóa đau khổ, đạt được sự hạnh phúc bình an cho chính mình! Như cái phone ta mang theo là để ta sử dụng, sạc pin là để ta sử dụng, ta tu là để ta ứng dụng vào cuộc đời của chính mình và ta đồng tu với nhau là sạc pin năng lượng tình thương. Do đó mà ở giây phút đầu, Bảo Thành luôn nguyện rằng xin chư Phật mười phương ban rải năng lượng tình thương tới cho mọi loài ý nghĩa như vậy.
Chủ đề ngày hôm nay “Nhìn Bằng Tâm Chân Thật”. Khi nói đến chủ đề “Nhìn Bằng Tâm Chân Thật”, hầu hết ta cứ nghĩ câu này nó thuộc Phật giáo và rồi chỉ dành riêng cho những người Phật giáo phải nhìn nhau bằng tâm chân thật, bởi chữ “tâm” trong nhà Phật được sử dụng quá nhiều như “vạn pháp do tâm tạo”, “tướng do tâm sanh”, cái gì cũng do tâm, tu tâm, “Phật tại tâm” và chữ “tâm” có lẽ không thể tách rời được hoặc tách rời khỏi Phật giáo. Chữ “tâm” hình như dần dần trở thành một ngôn ngữ của Phật giáo, là bản quyền của Phật giáo, nhưng chúng ta quên, quên suy nghĩ xa một chút, ở trên đời này không cần biết bạn thuộc tôn giáo nào, dân tộc nào, quốc gia nào, thời đại nào, thì cái tâm chân thật vẫn luôn cao quý!
Người có tâm chân thật trong xã hội được mọi người kính trọng, trong gia đình được mọi người yêu thương, trong tình bạn được mọi người nể vị, trong mọi tổ chức sinh hoạt của cộng đồng xã hội luôn được kính trọng. Bạn cứ nhìn đi, phải chăng những người có tâm chân thật, phong thái của họ nhẹ nhàng an nhiên và người có tâm chân thật không vội vã, không phân bua, không tranh cãi, không thêm bớt, chẳng thị phi, rất trầm tĩnh? Tâm chân thật làm cho tướng hảo của những vị ấy càng ngày càng tăng trưởng cái vẻ đẹp của sự hồn nhiên và phúc hậu. Người có tâm chân thật được quý mến, đi tới đâu cũng thêm bạn bớt thù, đi tới đâu cũng tỏa hương thơm; chính xác không sai! Bạn thuộc tôn giáo nào, dân tộc nào, ở hành tinh lạc loài trong vũ trụ mênh mông mà lỡ có rớt xuống trái đất này thì bạn cũng luôn luôn quý trọng ai đó có tâm chân thật!
Đức Phật dạy cho chúng ta là trở về nhận ra trong cuộc đời của mỗi người, của mỗi chúng sanh, luôn luôn có sự hiện diện của tâm chân thật ấy. Nếu bạn là người đau khổ, là người mất uy tín, là người gặp nhiều xui xẻo, nhiều phiền não, không ai thương mến, lạc lõng, cô đơn, có nghĩa bạn chưa tìm được cái bạn có đó là tâm chân thật để chúng ta nhìn cuộc đời của chính mình, chẳng phải nhìn cuộc đời của ai đâu, nhìn cuộc đời của chính mình bằng tâm chân thật. Tâm chân thật rất cao quý! Bảo Thành và các bạn thường bị dẫn dắt bởi tâm tham – sân – si rồi quên mất chúng ta thật sự có tâm chân thật để sống luôn tranh luận, luôn bàn cãi, luôn đổ lỗi cho người khác và luôn luôn nhìn đến những người khác xỉa xói, đâm thọc, tìm cho ra lỗi của họ.
Nhìn kỹ trong đời sống của Bảo Thành và các bạn thường vấp phải, gặp một chuyện gì xui quấy, chẳng bao giờ bình tĩnh nhìn lại và ứng dụng tâm chân thật để nhận ra những cái sai mà sửa, luôn luôn là phải đổ thừa cho những ai gần gũi đó. Cho nên hai chữ “tại bạn”, “tại cô ấy”, “tại ông ta”, “tại người này”, “tại người kia”, khi chúng ta đổ lỗi cho người dù là chuyện rất nhỏ, có những lúc nhỏ đến mức không thể tưởng tượng được, nhưng đó chính là dấu hiệu thể hiện rằng ta chưa sống với tâm chân thật của mình, hay nói đúng hơn ta đang gian dối. Không chân thật là gian dối đó các bạn!
Ra cuộc sống hàng ngày chúng ta thấy, có cái gì mà chúng ta nhận ra lỗi của mình để sửa đâu, chuyện gì cũng là lỗi của người ta, luôn luôn là lỗi của mọi người. Đạo Phật tu là tu nhìn về chính mình, nhìn ra lỗi của mình để sửa. Nhưng ngày nay, người Phật tử tại gia chúng ta tu luôn nhìn thấy lỗi của người. Và những ai thấy lỗi của người quá nhiều thì có một cuộc sống dễ sân giận, dễ bực bội, dễ lùi và lạc hậu về vùng tối của tâm. Người đó không chân thật, luôn giả dối, khó thành công trong cuộc đời, khó liên kết và chẳng được ai mến thương, đi tới đâu cũng luôn gặp trái chiều, trái ý, oan gia đầy hết. Bạn cứ để ý cuộc đời của chính bạn, bạn sẽ thấy, người không tâm chân thật, người đó luôn luôn phải lo toan, tính toán. Tại vì đâu có nói sự thật, cứ phải bơi bơi nhớ nhớ những điều đã nói, đã làm, không nó sai, và lo lắng sợ hãi, làm sao có được sự bình yên? Người có tâm chân thật vốn đã được sự an yên, bình ổn, khỏe mạnh và người có tâm chân thật các bạn biết không, không sống thấp thỏm, lo âu, và sự thấp thỏm, lo âu không có thì cơ thể sẽ khỏe, tinh thần sẽ an, rõ lắm!
“Nhìn bằng tâm chân thật” đó là một sự cần nhận thức rằng trong ta có tâm chân thật! Nhà Phật luôn luôn nhắc nhở chúng ta về trí tuệ, nếu là người trí tuệ không thể thiếu tâm chân thật, nếu bạn còn đổ lỗi cho người, nhìn lỗi của người, chẳng nhìn lỗi của mình, chẳng nhận ra lỗi của mình để sửa, bạn đang sống gian dối với chính bạn. Đó, là bạn không có trí tuệ, dù bạn có tu theo các tông phái, các pháp môn cao siêu được quảng bá hoặc đi theo các bậc thầy lớn, thì bạn cũng chỉ là một kho tàng chất chứa dầu lửa chuẩn bị thiêu đốt chính cuộc đời của mình, không có lợi ích gì hết. Thiếu tâm chân thật chẳng tu được, thiếu tâm chân thật chẳng có trí tuệ, tâm chân thật là dấu chỉ của người có trí tuệ, mà trí tuệ rất cần trên con đường tu tập để chuyển hóa khổ đau, phiền não của tự thân.
Chúng ta học Phật mà không quen lời dạy của vị Bồ Tát có tên là Phổ Hiền Bồ Tát, đi tới đâu ta cũng gặp ma, gặp quỷ, gặp người sai quấy, gặp người dữ, gặp người mang tới cho ta phiền não lo âu, gặp người mang tới cho ta sự bực mình sân giận, gặp người tạo ra sự thất bại đau khổ; các bạn để ý đi! Nếu đau khổ thì cũng có người tạo ra đau khổ cho ta, chứ mấy ai nhìn lại mình tạo ra đau khổ đó đâu, nếu phiền não thì cũng nhìn thấy người tạo phiền não đổ thừa ngay. Ôi cha cái bệnh đổ thừa nó lây lan nhanh lắm, hình như Bảo Thành và các bạn cũng dính mắc về bệnh này nhiều á, đổ thừa! Nhìn ai cũng sai, nhìn ai cũng có lỗi với mình, nhìn ai cũng học dở, tu chẳng ra gì, đi đâu cũng khư khư thủ đắc mình là cao tay ấn, mình học giỏi, mình tu cao tu hay, chê bai người ta, thương tiếc cho người ta. Nhưng những cách sống, cách nói như vậy chẳng khác gì đang chê bai chính mình bởi cái tự ngã quá cao, sai cái phẩm hạnh của Bồ Tát Phổ Hiền dạy.
Ngài có 10 điều khuyên dạy cho hàng đồ chúng Phật tử chúng ta thực tập, thứ nhất là lễ kính chư Phật, “Nhất giả lễ kính chư Phật” – thứ nhất đó, trong cuộc đời phải biết lễ kính Phật. Phật tử tại gia ngay cả các bậc xuất gia đôi khi lầm lẫn, tới chùa thấy tượng Phật to quỳ xuống lễ kính thì gọi đó là nhất giả lễ kính chư Phật, tới bàn thờ vội vàng lễ kính chư Phật trước, tới nhà ai đó vô thẳng bàn thờ lễ kính chư Phật, tới chùa lễ kính chư Phật. Trước là lễ Phật, sau rồi mới gặp chư tăng ni, gặp Phật tử. Bạn cứ để ý, tới chùa là phải chạy vô chánh điện quỳ xuống lạy cho nó đổ máu ở trên đầu: “À, con lễ kính Phật!”, râm ran cái câu thần chú cầu tài, cầu lợi, cầu tình, cầu đủ thứ cầu. Mà cái gì ở trong cái chỗ cầu các bạn? Trong nhà cầu nó hôi thối dữ lắm! Vậy mà chúng ta mang sự hôi thối trước bàn thờ Phật, trước chánh điện, mang cả một cái hầm cầu, cầu tiền, cầu tình, cầu tài, danh vọng, địa vị, đủ thứ hết,… Thối lắm các bạn ơi! Đi tới chùa đừng mang cả một cái hầm cầu nguyện như thế và đừng mang tư tưởng lễ kính chư Phật ở trong chánh điện, ở nơi các tôn tượng, đền miếu, am thất!
“Nhất giả lễ kính chư Phật”, vậy Phật ở đâu để lễ kính? Nhất nhất là phải hiện thân trong cuộc đời của chúng sanh! Chúng sanh là Phật sẽ thành và nhìn được tư tưởng đó, thì không thể nhìn bằng tâm thiếu chân thật, chúng ta phải nhìn bằng tâm chân thật. Tâm chân thật là trí tuệ, nhìn được chúng sanh là Phật là nhìn nơi chúng sanh không có lỗi lầm!
Chúng ta không bị kẹt dính chặt vào tâm tham – sân – si của chúng ta để luôn thấy mọi chúng sanh khác là đối tượng sai lầm. Vốn Bảo Thành và các bạn luôn bị mắc kẹt ở đó mà chẳng thấy được bản tâm chân thật của mình. Nên Ngài Phổ Hiền dạy cho chúng ta nhất giả lễ kính chư Phật là để cho chúng ta thấy được bản tâm chân thật của mình, nhìn đời bằng tâm chân thật để nhận ra tất cả mọi chúng sanh đều là Phật. Chúng ta tu là sửa bản thân của mình, chúng ta học Phật là để học cho chính mình, khi học cho chính mình phải nhìn lại chính mình, thấy sai để sửa. Quá vội vàng khi thấy người sai, nếu suy nghĩ kỹ, tư duy cho sâu, lời Ngài Phổ Hiền dạy nhất giả lễ kính chư Phật, thì khi gặp một người hoàn toàn sai, ta phải suy nghĩ rằng đây là một vị Phật, một vị Bồ Tát thị hiện trong nghịch cảnh để nhắc nhở chúng ta, để nhắc nhở chúng ta đừng có sai, đừng phạm lỗi. Nhưng mấy ai có cái nhìn viên thông như vậy đâu?! Thấy ai sai là chỉ tay, chỉ trỏ, đào bới, chê bai, mắng nhiếc và rồi còn loan truyền cái sai của họ!
Ngày nay, như lúc đầu Bảo Thành nói, phone sẵn trên tay, chụp hình, quay phim, thâu ngay bỏ lên trên mạng, thế là thế giới này tràn đầy những thông tin gian dối. Tại sao gian dối, lừa dối? Là bởi vì ta chưa nhìn rõ theo tinh thần của Phật, ta chỉ vội vội vàng vàng theo sự phán xét của chính mình. Ta đang là sứ giả cho ma vương, truyền bá những thông tin gian dối. Bởi ta chẳng nhìn đời bằng tâm chân thật, ta nhìn đời bằng tâm phân biệt, tâm ma. Tâm ma, tâm phân biệt là của ma vương, ta làm nhà báo cho ma vương, không được trả lương, bị đọa đầy, vậy mà vẫn làm. Trên đời không ai khờ đi làm mà không có lương, ta đã làm không có lương mà còn bị hành hạ, đọa đầy bởi ma vương. Vì làm nhà báo, báo những tin sai, tin trái chiều, giả dối do luôn sống tiếp cận quá gần gũi với tâm thiếu chân thật.
Các bạn cứ để ý đi, những chuyện như vậy xảy ra thường xuyên lắm các bạn ơi, mà chúng ta không để ý thôi! Lời Đức Phật dạy ứng dụng thực sự rất dễ trong cuộc sống nếu để ý một chút xíu, chẳng cần thiết phải khoác lên người một hình hài gì cao đâu, lớn đâu, đơn giản là Phật tử tại gia sinh hoạt hằng ngày, lời Phật ứng dụng được hết trong mọi góc độ, nhìn bằng tâm chân thật rất hữu ích, bởi ta sẽ tăng trưởng được ánh sáng trí tuệ thắp sáng mười phương cho chúng ta. Nếu một con người sai, ta gặp, nhận diện ra đây là Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền đang thị hiện trong đời dưới những nghịch cảnh, điều sai trái để cảnh tỉnh ta. Nhìn bằng cách nhìn đó là nhìn bằng tâm chân thật đấy! Nếu bạn nhìn bằng tâm phân biệt thì liền chê bai ngay, chẳng nhận ra vị Phật, làm sao ứng dụng được nhất giả lễ kính chư Phật, tức là điều quan trọng phải biết lễ kính Phật? Ta khinh ngay, tâm khinh thường, tâm chê bai đó là tâm ma, sao không dùng ngay tâm Phật, tâm chân thật để nhận ra Như Lai, chư Phật ở đó?
Và nếu vị đó làm đúng, ta cũng lại chê nữa: “Tưởng được làm như thế nào, làm như vậy mà cũng làm?!”. Cái gì cũng chê được các bạn ơi! Đời sao nó lạ lẫm?! Điều gì ta chê cũng được! Mấy ai mở miệng khen người khác đâu?! Chê, chê cho tới mạt số cuộc đời của họ! “Gặp tôi mà làm thì chắc là hay lắm chứ người đó làm trời ơi…”, thấy không? Chê! Hình như cái đó có trên môi miệng của Bảo Thành, môi miệng của các bạn. Ta là nhà báo của ma vương, chẳng có lương, bị đọa đày, vậy mà bán cả cuộc đời từ kiếp này qua kiếp kia nô lệ, làm nhà báo đưa thông tin giả. Gian dối quá!
Những cách sống này có ở trong Bảo Thành, có ở nơi các bạn, chúng ta thường không nhìn ra. Vậy mà đi chùa tụng kinh 10 điều Ngài Phổ Hiền dạy: “Nhất giả lễ kính chư Phật”, đọc còn hơn con vẹt nhưng chẳng thực hiện được, bởi chẳng thấy Phật. Còn thấy Phật ở trong chùa thì mang cả cái nhà cầu tới đó, tức là cầu cho cả nhà đó các bạn, cầu cho cha, cầu cho mẹ, cầu cho ông, cầu cho bà, cầu, cầu, cầu, cầu,… cả một hầm, một nhà, mà Bảo Thành nghịch chữ một chút xíu, mang cả cái nhà cầu, cầu cho cả nhà, mang cả cái hầm cầu là cầu quá nhiều. Không tốt!
Không thấy Phật trong đời thường, sao cái tượng kia có thể nhận ra Phật ở đó?! Thấy Phật trong đời thường là thấy bằng tâm chân thật, là người có trí huệ và trí tuệ, thì muôn vật, muôn sự ở đời ta đều nhận ra sự hiện diện của Phật. Ngài Phổ Hiền dạy rất đúng, nhất giả lễ kính chư Phật! Câu thứ hai mới là tuyệt vời: “Nhị giả tán thán Như Lai”! Có khi nào ta khen người ta đâu?! Người ta nói: “À, không nhìn thấy Phật, không nhìn thấy Như Lai, lấy gì để tán thán?”. Hóa ra từ xưa đến giờ ta tán thán cái tượng không à, cái chùa không à, ta không nhận ra Như Lai trong cuộc đời bởi thiếu tâm chân thật, luôn là gian dối!
Chủ đề hôm nay nhắc nhở cho Bảo Thành và các bạn hãy nhớ và hãy nhớ nhìn cuộc đời, nhìn mọi người, nhìn vạn pháp bằng tâm chân thật! Khẳng định một lần nữa rằng lời Đức Phật dạy là để cho chúng ta tu và sửa bản thân của mình, chẳng tu để sửa những người khác. Nếu Bảo Thành và các bạn có thói quen tu Phật để sửa người khác, để nhìn thấy cái sai của người, đó là ta thật sự chưa hiểu thấu, ta chưa sống với tâm chân thật, ta chưa có trí tuệ, ta chưa nhận ra Phật ở trong đời, nhìn thấy Như Lai hiện thân nơi mọi chúng sanh. Ta đang sống giả dối, ta đang là đệ tử, nô lệ cho ma vương, ta đang giết chết cuộc đời của chính mình và ta đang tạo khổ cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Ai mà hay than phiền, ai mà hay nhìn thấy lỗi của người ta, ai mà hay trách móc chính là người đang gian dối, lừa gạt bản thân, người chưa có tâm chân thật, chưa nhìn đời bằng tâm chân thật, chưa có trí tuệ!
Làm sao nhận ra một người không có tâm chân thật và không có trí tuệ? Họ hay nhìn thấy lỗi của người khác, họ hay than phiền, họ hay trách móc, họ hay chê bai. Đó, là họ sống gian dối, họ đang lừa gạt bản thân của họ, họ không có trí tuệ! Không cần biết họ đặt bản thân của họ vào địa vị gì, có quyền lực trong xã hội hay trong các sinh hoạt tôn giáo tâm linh, đại đức, thượng tọa cao cao cỡ nào, hoặc học của những bậc thầy cao mà họ cứ moi móc, chê bai, không nhận ra lỗi của bản thân, luôn đổ lỗi cho người khác, thì họ sống không có trí tuệ, họ không chân thật, họ sống lừa dối. Những người như vậy, khi tiếp cận với họ, ta phải cẩn thận. Ông bà nói “gần mực thì đen”, gần những người gian dối, ta sẽ dần dần dối gian bản thân của mình, gần những người lừa gạt ta dần dần gạt và lừa bản thân đi xa con đường của chánh pháp.
Cái phone cần sạc pin đủ bởi là phương tiện, sự đồng tu là một hành động cao cả, sạc đầy đủ năng lượng từ ái, trí tuệ của Phật để ứng dụng mọi lúc mọi nơi, giữ được tâm chân thật, biết nhìn ra chư Phật hiện hữu nơi mọi chúng sanh. Nghịch hoặc là thuận, sai hay là đúng, tốt hay là xấu nơi những người ấy, chúng ta nhận ra Phật đang thị hiện trong cuộc đời để dạy cho chúng ta. Điều nghịch, điều sai, điều xấu nơi người ở ngoài, ta không đổ lỗi, chê bai. Ta nhận diện rằng Phật đang thị hiện, Bồ Tát đang thị hiện cảnh nghịch đó để nhắc nhở, để nhắc nhở ta đừng làm sai. Còn nếu như vị đó làm đúng, ta biết tán thán. Bởi vì ta tri ân Bồ Tát, chư Phật hiện thân trong người ấy để sách tấn ta làm những việc tốt. Để giữ cho cái phone đầy pin, giữ cho cuộc đời luôn luôn tu và giữ cho tâm chân thật luôn gần gũi và hiển lộ trong từng giây phút của cuộc đời.
Bảo Thành muốn nhắc cho các bạn biết, nếu ta không có tâm chân thật, thường, là hay bắt lỗi của người, hay nhìn thấy người sai và hay nói theo cái cảm xúc bị kẹt trong cái cống cao ngã mạn của mình. Người đó thường lo âu sợ hãi, sống chẳng được ai mến thương, hay bị bệnh tật và khuôn mặt cau có khó chịu, hành động lỗ mãng, khó thành công trong cuộc đời. Người thành công trong cuộc đời có khuôn mặt phúc hậu, có đời sống an nhiên, là người có tâm chân thật, chẳng bao giờ thấy lỗi của người, luôn nhìn mọi hiện tượng, mọi vật, mọi pháp, mọi người bằng cái tâm lễ kính chư Phật, tán thán Như Lai, đúng như hai điều Bồ Tát Phổ Hiền đã dạy. Người đó là người biết sạc cái phone đầy pin, người đó là người biết đồng tu, là người biết tu tăng trưởng năng lượng từ bi và trí tuệ từ Phật, để cuộc đời của họ luôn luôn mọi lúc mọi nơi có cơ hội tiếp cận với Phật và Như Lai trong cuộc đời.
Các bạn, hãy nhìn bằng tâm chân thật! Người có tâm chân thật là người có trí tuệ, người chê kẻ khác, đổ lỗi cho người khác, tâm đó là tâm gian dối, đang lừa đảo bản thân, người ấy không có trí tuệ, xã hội sẽ chê bai. Không nói đến Phật giáo nha các bạn! Đã là người, ai có tâm chân thật đều được quý mến, đều được kính yêu, đều được mọi người, mọi tầng lớp trong xã hội thích gần gũi và người ấy có khuôn mặt từ ái, phúc hậu, dễ thương, ngôn từ chuẩn mực, năng lượng yêu thương lan tỏa.
Hãy sống bằng cái nhìn của tâm chân thật, đừng lừa dối, đừng lừa gạt bản thân của mình nữa, đó chính là pháp phương tiện của Phật dạy cho mọi người không phân biệt tôn giáo, bởi hễ là người, dù ở tôn giáo nào, thuộc tôn giáo nào, dân tộc nào, con người nào, thời đại nào, thì tâm chân thật vẫn là tâm cao quý và Phật dạy cho chúng ta trở về tâm chân thật đó để có được trí tuệ! Cho nên lời Phật dạy, ai ai đã là người đều thực hiện được, không phân biệt tôn giáo, bạn là tôn giáo nào không quan trọng, điều bạn và Bảo Thành luôn luôn quý mến đó là người có tâm chân thật, chứ tâm chân thật không thuộc Phật giáo mà thuộc cái đạo đức làm người mà tổ tiên, ông bà đã dạy cho chúng ta.
Hãy sống và thực hiện theo những điều đó và thực hiện được mỗi ngày chính là ta đang thực hiện lời của bậc giác ngộ dạy!
Các bạn, chúng ta hãy đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái!
Thưa Phật! Chúng con đã lừa dối bản thân, bởi chẳng bao giờ nhìn bằng tâm chân thật, luôn nhìn bằng tâm sân, tâm si và tham, vậy nên ai trong cuộc đời chúng con cũng đều nhìn thấy lỗi lầm của họ. Nay hiểu thấu, tu luyện lời Phật dạy là tu cho chính mình, là nhìn chính bản thân của mình, lời Phật không phải để người khác tu mà để cho chính chúng con tu. Xin Phật gia độ, gia trì để chúng con tinh tấn tu học và nhìn bằng tâm chân thật để thắp sáng Trí Tuệ, có được sự bình an trong cuộc sống.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì Mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Hồi hướng:
Chúng ta hãy hồi hướng công đức!
Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con ngày hôm nay, chúng con nguyện xin chư Phật gia trì để chúng con biết nhìn đời bằng tâm chân thật để không còn lừa dối bản thân của mình nữa. Công đức nếu có tạo được chút nào, chúng con nguyện hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.