Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Phước biên tập
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facbook Chua Xa Loi! Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu đồng tu ngày hôm nay!
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Nam Mô Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật.
Thưa Phật! Hôm nay ngày mùng 03 Tết Nhâm Dần 2022, Tăng thân Chùa Xá Lợi cùng hàng đệ tử chúng con đồng tu, nguyện xin chư Phật gia trì cho chúng con có một đời sống Chánh Niệm trong năm mới, biết quán chiếu nhìn rõ vạn pháp Vô Thường sanh diệt, Khổ, Vô Ngã và luôn luôn biết hành thiện tích đức, đón nhận năng lượng Từ Bi mà chư Phật luôn rải xuống cho mỗi loài chúng sanh. Chúng con cũng nguyện cho thế giới được hòa bình, chúng sanh được an lạc, cho đại dịch mau qua, đặc biệt cho ông bà, cha mẹ tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt và cho hàng đệ tử chúng con tinh tấn tu học. Nguyện siêu cho cửu huyền thất tổ, ông bà, cha mẹ, chư vị hương linh ký tự nơi chùa theo thiện nghiệp vãng sanh cảnh thiện lành. Xin chư Phật tác đại chứng minh!
Chúng ta hãy đặt bàn tay phải – bàn tay của Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái – bàn tay của Từ Bi!
Hãy lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương! Từng hơi thở vào ra Chánh Niệm, thể nhập vào tự tánh bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm, đón nhận năng lượng tình thương từ mười phương chư Phật và thắp sáng đuốc Tuệ để quán chiếu. Giờ phút linh thiêng nhiệm mầu này, hãy nghĩ tới ông bà, cha mẹ, gia đình, người thân, cộng đồng, xã hội và nhân loại.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì Mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
(16:43) Mô Phật! Các bạn thân mến, hôm nay ngày mùng 03 Tết rồi, nhiều bạn trong chúng ta vẫn chưa xong việc, chúng ta vẫn còn phải đi chúc Tết. Trong ý niệm của người Phật tử, ngoài những phong tục tập quán của người Việt tới chúc Tết cho ông bà, cha mẹ, họ hàng, bà con, ta còn thêm một niềm tin đi viếng 10 cảnh chùa và hình như có tiếng nói hoặc tin đồn niềm tin tưởng rằng trong ngày Tết nếu viếng được 10 cảnh chùa thì phước báu vô lượng. Niềm tin ấy thôi thúc, thế nên trong những ngày xuân này đây, bất cứ chùa nào cũng đông Phật tử, dập dìu xe lớn, xe nhỏ chở Phật tử tới chùa, vội vội vàng vàng thắp được nén hương rồi lên xe đi tiếp, bởi mục tiêu là phải là 10 kiểng chùa trong một ngày. Chùa xa, chùa gần, phái đoàn đi hành hương 10 kiểng chùa cũng lựa chọn, chọn cái chùa mình yêu thích, mình muốn theo ý của ban tổ chức.
Bao nhiêu năm qua Bảo Thành đã để ý những phái đoàn hành hương tới chùa, thúc, giục, đẩy đưa Phật tử tới, kinh chưa tụng được, lễ Phật cũng chưa xong, chạy, chạy cho kịp mà, 10 kiểng chùa. Vậy mà đôi khi phái đoàn hành hương cũng phải bỏ một vài chùa bởi không còn thời gian trong ngày. Cái năm mà Phật tử đi 10 kiểng chùa đó, không đủ 10 kiểng chùa đúng như sự định hoạch chắc buồn lắm, bởi lỡ có chuyện gì xảy ra, thì đổ thừa cho ban tổ chức bởi không đúng 10 kiểng chùa nên chuyện xui quấy, bất như ý.
Đã bao nhiêu năm trời rồi phong tục đó khắc ghi như một giáo lý của Đức Phật dạy, chẳng ai nghĩ tới câu “Đi viếng 10 kiểng chùa đầu năm được nhiều phước!” đó xuất xứ từ đâu, nhưng hình như nó lưu truyền rộng rãi. Bởi chỉ có ngày Tết thôi, ai cũng muốn 10 kiểng chùa nhưng trong năm, thì tất cả các chùa đều vắng bóng tất cả những người tới. Người ta tới vào dịp Tết, còn trong năm hỏng tới. Cổng chùa chưa nhìn, nói chi đến kiểng chùa. Đó cũng là ý nghĩa mà chủ đề các bạn gửi về ngày hôm nay: “Vào Chùa Chẳng Thấy Phật”. Làm sao thấy được Phật? Vội vàng quá! 10 kiểng chùa trong ngày đầu xuân, tính cho kỹ mà chạy ngược xuôi đó, hỏi thử ở trong lòng: “Ta tới chùa để thấy Phật?”. Đâu có! Tâm ý tới chùa thấy Phật đâu có ở trong tâm thì làm gì khi vào chùa thấy được Phật?!
Vào chùa không thấy Phật, vào chùa chẳng thấy Phật. Đúng! Có khi nào chúng ta – Bảo Thành và các bạn hỏi với bản thân của mình rằng: “Chúng ta đã thấy Phật chưa? Ai trong chúng ta mới có thể thấy Phật? Phải chăng là những chư vị xuất gia, Phật tử tại gia hay là tất cả mọi người trên thế gian không phân biệt tôn giáo, mọi chúng sanh không phân biệt đẳng cấp đều có thể thấy chùa, tới chùa thấy Phật hoặc thấy Phật ở trong đời?”. Câu hỏi đó cũng nên hỏi để chúng ta dần dần đi vào sự tư duy “Vào Phật chẳng thấy chùa hay vào chùa chẳng thấy Phật, Phật hay chùa ở đâu?”. Bởi vì ngày nay Phật tượng ở khắp nơi, ta vào được tôn tượng Phật nhìn bái đó, ta chẳng thấy chùa bởi mấy ai tới chùa đâu, rồi ta vào chùa ta thấy tượng Phật nhiều mà chẳng thấy Phật. Chúng ta tới chùa trong ngày Tết, tới chùa trong ngày thường, mục đích chẳng bao giờ nghĩ rằng tới để thấy Phật thì làm sao thấy Phật?
Nếu nói về Đức Phật thực sự – một con người lịch sử, hầu hết Phật tử tại gia chúng ta đều biết về Ngài. Ngài là một con người sinh ra tại Ấn Độ, là con của vua, là một thái tử tên xưa là Tất Đạt Đa, bỏ hết đi tu, đắc đạo thành Phật, hoằng dương đạo pháp được 45 năm trời, sống trọn kiếp người 80 tuổi rồi viên tịch ra đi. Đó là vị Phật lịch sử, sinh thời sau này như chúng ta, nếu muốn thấy Phật lịch sử đó, làm sao có thể thấy? Bởi Ngài là một con người thường, thọ mạng cũng chỉ là một kiếp người, trên 2560 mấy năm, làm sao ta thấy được Ngài nữa? Vậy thì vô chùa để thấy một vị Phật lịch sử kia hoang đường lắm, nhưng chúng ta vẫn có thể biết được Phật khi tới chùa. Biết được Phật qua các tôn tượng an vị nơi chùa, biết được Phật qua kinh sách, giáo lý in ấn để trên chùa, để ở trên mạng hoặc để trong những tủ kinh tại tư gia. Ta cũng có thể biết được Phật qua đời sống của các đệ tử là những bậc xuất gia hoặc tại gia. Còn thấy Phật hay không, chúng ta phải đi vào chiều sâu của ý nghĩa “Phật là gì?”.
Trước khi đi vào một chút xíu, chúng ta hãy nói về tánh tình của con người khi tới chùa có phải chăng để tìm Phật! Nhìn thẳng vào lòng của mình, ta tới chùa ta tìm cái gì? Cái mà Bảo Thành đầu tiên nhận thức được qua cái hình tướng còn trong tâm của mỗi người, Bảo Thành không có thấy, nhưng nghĩ cái bên ngoài cũng nói lên một phần nào đó tâm tư, nguyện vọng của Phật tử tới chùa. Đầu tiên là nhìn tìm bó nhang, hương đó, đặc biệt trong các chùa đôi khi nhỏ, bịt bùng như ở Mỹ, mùa đông đóng kín cửa, máy sưởi thổi rồi hút vào nhả ra, nhưng không có nhang là không được, mà nhang cất rồi, Phật tử cũng hỏi tìm nhang trước. Thắp nhang trong chánh điện dâng lên cho Phật nhìn có vẻ huyền bí bởi hương khói bốc lên nghi ngút, rồi nhắm mắt quỳ xuống phủ phục, lâm dâm cái câu gì đó, mà có lẽ suy bụng ta ra bụng người, Bảo Thành cũng đã từng như vậy, thôi thì cầu nguyện một tràng dài như pháo nổ cầu xin Phật đủ thứ để cúng, để bái, để thắp nhang, để quỳ, để lạy, để cầu nguyện, để giải oan, để cúng sao, để xin xăm, để coi bói, để lấy lộc tấn tài tấn lộc tấn phước, cái gì cũng muốn cả một tấn không à, tới chùa là tìm những điều đó chứ đâu có tìm Phật mà thấy.
Chúng ta không tới chùa để tìm Phật, sao thấy được Phật? Ta chỉ tìm danh lợi trong lời cầu lời nguyện mà thôi, thì vào chùa chẳng thấy Phật là đúng, bởi toàn thấy cầu nguyện cúng kiếng, giải oan giải kiết, cúng sao. Cũng tội nghiệp mấy ông sao xa quá, ta cúng đủ thứ mà xa gửi không tới, nên ngàn sao tinh tú trên trời mà dưới trần dâng cúng có nhận được gì đâu. Bởi vậy mà nghiệp chướng cứ tràn đầy, mỗi năm xui xẻo nó tới lại than, than hết chỗ này đến chỗ kia. Các bạn, vào chùa chẳng thấy Phật! Mà chúng ta chưa tư duy rõ mà thôi! Chúng ta dưới con mắt phàm phu, con mắt trần hay còn gọi là nhục nhãn, con mắt thịt, nhìn đời bằng con mắt thịt, con mắt trần gian, con mắt của dính chấp, nhìn những tướng dạng cao thấp, nhỏ bé, đẹp xấu, mập tròn, gầy yếu, sang chảnh, quyền quý, giàu có, đủ hết và dính mắc trong đó, vào cửa chùa chẳng tìm Phật, cầu danh cầu lợi, so kè đủ thứ, sao thấy được Phật?
Khi đụng chuyện gì đó dính dáng đến quyền lực, đến quyền lợi, tình cha con, tình mẹ con còn chẳng còn. Đời đó mà, thiếu gì những mẫu chuyện con quăng cha mẹ ra ngoài đường chiếm nhà chiếm cửa, thậm chí có thể giết cha mẹ để lấy của. Tình bà con quyến thuộc còn đâu nữa, vì quyền lợi đấu đá tranh giành. Tình huynh đệ anh chị em cũng xé nát huống chi là tình bạn, tình người, tình xóm làng chẳng còn đâu. Quyền lợi tranh giành cho tới mức nuôi dưỡng sự ích kỷ, đấu đá tới tận cùng tranh giành quyền lực, quyền danh, đoạt lợi chẳng gớm tay, thì vào chùa chẳng thấy Phật là đúng. Còn nếu đụng đến tiền bạc thì trời ơi, ông trời có ngó xuống cũng không biết phải làm gì khi đụng đến tiền bạc. Đụng đến tiền bạc dù là một xu, hay bạc triệu, bạc tỷ thì thật là ghê gớm, bởi lúc đó tình đồng bào chẳng còn nữa đâu, huống chi là đồng hương, đồng đạo, đồng tu, đồng đội, đồng ngũ. Hết rồi! Những cái tình đồng đó không còn nữa mà chỉ còn lên đồng và chỉ còn duy nhất một cái đồng đó là đồng tiền mà thôi, người ta tranh giành, giết nhau. Nói chi đến tình đồng hương, đồng bào, đồng tu, đồng đạo, hết rồi, hết rồi, chỉ còn đồng tiền mà thôi! Vào chùa chẳng thấy Phật là đúng, bởi chúng ta mang đồng tiền, quyền lực tới chùa!
Phật từ bỏ tất cả, Phật từ bỏ tất cả nên có được sự bình an, còn chúng sanh lại tới chùa cõng phiền não về nhà. Phật bỏ ngũ dục là tiền, tình, tài, danh vọng địa vị, sự ăn uống, nhà cao cửa rộng nên Ngài là Phật, ta vào chùa, ta cõng phiền não về, làm sao thấy Phật ở trong chùa? Cõng phiền não về nhà là gì? Bởi vì tới chùa, ta cầu xin đồng tiền, quyền lực, tình cảm, nhà cho to, ăn uống cho phủ phê, ngủ nghỉ cho banh trời banh đất, là chúng ta cõng và rước phiền não về nhà, đâu tới chùa để thỉnh Phật đâu, thì tới chùa chẳng thấy Phật là đúng! Với cái tâm trạng của loài người như thế, mọi người tới chùa chẳng thấy Phật, cõng phiền não, rước phiền não, xui quấy, đắm chìm trong ngũ dục. Tới chùa mong muốn ngũ dục, lấy gì gặp được Phật?
Các bạn thân mến! Vậy Phật ở đâu? Làm sao thấy được Phật? Trong kinh Kim Cang dạy, nếu qua hình tướng, qua âm thanh, qua tất cả những điều gì thấy, nhìn, nghe, ngửi, sờ được để gặp Phật thì đó tà tâm, tà giáo, chỉ gặp ma mà thôi, huống chi là qua những cái tướng của ngũ dục thì Phật chẳng còn đâu ở trong chùa! Chùa chẳng phải là có Phật để ta thấy mà chùa là nơi các bậc xuất gia tu tập, ta tới diện kiến các vị ấy học hỏi tu hành, để qua cái công hạnh tu hành đó, ta diện kiến được Phật, ta thấy được Phật!
Các bạn thân mến! Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Tòng Địa Dõng Xuất nói về Phật hiện ra, chúng ta cứ mong chờ gặp được Phật cưỡi ngôi sao hoặc là trên đám mây hạ trần, ngồi trong chùa ngẩng mặt lên cao, nhìn nhìn coi trên kia có đám mây ngũ sắc hay không, rồi moi, rồi bới, rồi ghép, rồi tạo ra những hình ảnh nhân tướng Phật sà sà xuống mặt đất trên đám mây ngũ sắc hoặc là cưỡi rồng. Ta cứ mong chờ một vị Phật giáng trần từ cõi trời cao cưỡi mây, cưỡi rồng, hoặc ta lại mong chờ một vị Phật ở dưới đất chui lên, ở Đông, Tây, Nam, Bắc, mười phương pháp giới hiện ra không à. Ta muốn tìm Phật qua sắc tướng; vào chùa chẳng thấy Phật là vì đó!
Phẩm Tòng Địa Dõng Xuất nói thật rõ Phật tới từ tâm của chúng ta, Phật nơi tâm của mọi chúng sanh. Điều này thật đúng! Bởi kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật đã dạy trong chúng sanh có bản tánh thanh tịnh trong suốt, có tâm Phật, có Phật tánh và mọi chúng sanh đều bình đẳng tánh như vậy. Cho nên Phật thực ra, ở nơi tâm của mỗi người, tâm thanh tịnh, tâm không dính mắc, chấp trược, tâm không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, dân tộc, màu da, sắc tướng, nhân dạng, giàu nghèo, to nhỏ, xấu đẹp, quyền lực hay không. Với cái tâm không phân biệt như thế và với cái tâm thiện lành hành thiện, tránh xa điều ác, với cái tâm từ bi trong sáng của trí tuệ tịch tĩnh (mà ta thấy trong kinh Phật thường nói là tâm không tịnh), tịch tĩnh rỗng lặng thì Phật liền hiện ra ở trong tâm của chúng ta. Tòng địa dõng xuất, ngay trên cõi trần gian này, cõi địa cầu này, cõi Ta Bà trái đất này, Phật ở đây, chẳng ở trên trời sà xuống, chẳng ở dưới đất chui lên, Phật chẳng ở trong quá khứ lịch sử bởi chữ “Phật” là giác ngộ, là tỉnh thức. Chúng ta vào chùa sẽ thấy Phật nếu tới chùa, nếu vào chùa bằng cái tâm tỉnh thức, không dính mắc, không chấp, thanh tịnh, ta sẽ thấy được Phật nơi tâm của mình, nơi bổn tâm của mình, nơi tâm của người.
Trong kinh thường dạy Phật ở đâu, Phật ở khắp mọi nơi, chỗ nào, lúc nào, thời nào cũng có Phật hiện diện, tất cả chúng sanh đều là Phật. Nhớ, Đức Phật và chúng sanh khác nhau ở chỗ chúng sanh thấy Phật như chúng sanh nên gặp phiền não và đau khổ, tìm hoài chẳng thấy Phật bởi gặp Phật như chúng sanh mà thôi, còn Phật thấy chúng sanh là Phật cho nên Niết Bàn hiện ra và Phật luôn tỉnh giác. Chúng ta thấy hai câu này khác nhau ở chỗ đó! Ta thấy Phật như chúng sanh nên chỉ thấy địa ngục, đau khổ, phiền não, còn Phật thấy chúng sanh là Phật sẽ thành cho nên Niết Bàn an vui và hạnh phúc luôn hiện tiền. Thay đổi cách nhìn như thế, cách nhìn như Đức Phật, chúng ta sẽ thấy Phật khi vào chùa, chúng ta sẽ thấy Phật nơi các kiểng chùa ta tới thăm trong ngày Tết, chúng ta sẽ thấy Phật nơi ông bà, nơi cha mẹ, nơi người thân, để rồi nơi cái tình nghĩa của đồng bào ta thấy Phật, tình nghĩa của đồng hương ta thấy Phật, tình nghĩa của đồng tu, đồng đạo, đồng đội, đồng nghiệp, đồng thuyền, đồng bè, đồng nhóm, đồng hành ta thấy được Phật, còn không chúng ta chỉ thấy được đồng tiền mà thôi!
Các bạn! Phải nhìn thật sâu sắc trong ngày đầu năm, đừng để đồng tiền xóa tan đi tất cả các tình đồng hương, đồng đội, đồng tu, đồng đạo, đồng thuyền, đồng hành với nhau nữa. Ta cứ xiển dương hai chữ “đồng bào” để rồi moi móc, bới lông tìm vết. Chúng ta gạt bèo tìm những vết nhơ, để đồng tiền lên trên hết, đi đâu cũng mượn danh chữ “đồng” này “đồng” kia nhưng chẳng đồng nghĩa như Đức Phật nhìn thấy chúng sanh là Phật sẽ thành. Chúng ta nhìn Phật như chúng sanh, tới chùa chẳng thấy Phật, cả cuộc đời chẳng thấy Phật. Phải thay đổi cách nhìn đó đi! Như chư Phật thấy chúng sanh đều là Phật sẽ thành, mỗi người chúng ta sẽ nhất định vào chùa thấy Phật đấy, vào nhà thấy Phật đấy, gặp ông bà, gặp người thân, gặp mọi chúng sanh đều sẽ thấy Phật đó. Bởi vì ta học cách nhìn của bậc giác ngộ, của bậc tỉnh giác không chấp trược, không dính mắc, không phân biệt. Hạnh phúc biết bao! Thay đổi một cách nhìn đơn giản như vậy, ngày mùng 03, vẫn chưa muộn cho chúng ta viếng 10 kiểng chùa để thấy được Phật bằng cách thay đổi cách nhìn của mình, cách nhìn của Thế Tôn nhìn chúng sanh đều thấy Phật tương lai, Phật sẽ thành, đừng nhìn Phật như chúng sanh chẳng thấy Phật đâu, nhìn chúng sanh như vậy sẽ thành, sẽ thấy được Phật!
Phật ở ngay trên cõi đất này tòng địa dõng xuất, Phật ở trong trái tim, đừng tìm Phật qua hình tướng như kinh Kim Cang nói mà tìm Phật nơi tâm không có chấp mê, không dính mắc. Nhìn đời thấy mọi chúng sanh, nhìn chúng sanh đều là Phật sẽ thành, chứ đừng nhìn đời, nhìn mọi người đồng là một thứ, thứ đó là đồng tiền, thì tình nghĩa của ông bà, của cha mẹ, của người thân chẳng còn nữa, tình đồng bào quê hương, đồng đội, đồng tu cũng chẳng còn nữa mà thật là ghê gớm, bàn tay sẵn sàng nhuộm máu để tranh giành quyền lợi, quyền danh. Bởi thế làm sao khi vào chùa mà thấy Phật được các bạn ơi? Nhân quả Đức Phật dạy muôn điều có được ở đời đều do phước báu của công hạnh tu thiện pháp. Nếu cầu mà được thì chẳng cần ông Phật nữa, chẳng cần tu nữa, chẳng cần chùa, ở đâu ta cầu cũng được. Nếu cầu mà được thì trong những cái khổ mà Phật dạy: “Cầu bất đắc là khổ!”, Phật không nhấn mạnh chữ “cầu bất đắc”. Cầu bắc đắc tức là cầu không được nên mới khổ, Phật dạy một trong những cái khổ của chúng sanh là cầu mà không được. Vậy tại sao chúng ta tới chùa, chúng ta cứ cầu các bạn à? Phật nói rõ ràng cầu không được là khổ, nói thật rõ điều đó rằng cầu sẽ không bao giờ được, vậy mà chúng ta cứ cầu. Cứ cầu để không được rồi khổ, cầu không được rồi chẳng thấy Phật!
Vô trong chùa thấy các vị xuất gia là tăng hay là ni, soi, soi cho kỹ để coi ông thầy này, sư cô kia có hợp với mình không, cầu mong người ta phải tiếp đón mình cho nồng hậu, đủ thứ hết, tới chùa để cầu mong thầy và các sư cô tiếp đón đàng hoàng, để không được như vậy là khổ. Cầu bất đắc chưa xong, ôi chùa này hợp, chùa này không hợp, chùa này nghèo, chùa này giàu, chùa này sang, chùa này linh, chùa này chùa kia, chùa kia chùa nọ đủ thứ hết. Bởi vì cái tâm cầu, cầu không được khổ, không tới chùa nữa, không gặp thầy đó nữa, không gặp cô này nữa, không gặp chùa, không gặp cô, không tới, ghét. Ghét rồi đâu có dừng ở đó, trở thành những nhà phóng sự tài ba, phóng lên trên mạng những tin đồn nhảm, những tin đâm thọc, thêm bớt, giả dối, thô ác bởi chúng ta tới chùa để cầu danh cầu lợi, cầu được đáp ứng những cảm xúc, những ý muốn. Cầu bất đắc Phật dạy là khổ, Phật dạy cầu không được là khổ bởi Phật thấy không có một sự mong cầu nào nơi thế gian của con người có thể thành tựu được, nên Phật đã nói: “Cầu bất đắc là khổ!”.
Cầu không được đâu! Phật tử ơi, các bạn ơi, cầu không được, Phật dạy như vậy, cho nên chúng ta cứ khổ hoài! Vậy vào chùa chẳng thấy Phật bởi ta mang theo cái tâm lý tới chùa là để cầu, không thấy Phật đâu, muốn thấy Phật, ta phải nhìn chúng sanh là Phật sẽ thành, đó là cái nhìn của bậc chánh đẳng chánh giác, bậc toàn giác, bậc giác ngộ, bậc tỉnh thức. Hãy tỉnh thức, tỉnh thức thôi! Ngày mùng 03 Tết, chúng ta phải sống một đời sống chánh niệm tỉnh giác, để có thể thấy được nơi ông bà, nơi cha mẹ, nơi vợ chồng, con cái, nơi người thân, nơi bạn bè, nơi các bạn đồng tu, nơi những chúng sanh hữu duyên và thuận duyên trong cuộc đời ta gặp, là Phật sẽ thành. Ta sẽ thấy được Phật ở mọi nơi, mọi lúc, mọi thời gian. Với cái nhìn viên dung như vậy, hạnh phúc biết bao. Vào chùa, vào đời sẽ luôn thấy Phật, bởi chúng ta đã học được cái nhìn của bậc giác ngộ, thấy chúng sanh đều là Phật sẽ thành. Đừng tập nhìn cái của chúng sanh, thấy Phật như chúng sanh nên cõng và rước phiền não về nhà, để mở cửa cho xui xẻo, cho tai họa, cho phiền não, cho đau khổ, cho bệnh tật nó trào vào, nó nhận chìm cuộc sống của chúng ta.
Năm mới, mùng 03 Tết Nhâm Dần 2022, một chủ đề thật tuyệt vời! Nếu bàn về chủ đề này có thể lâu lắm, nhưng Bảo Thành đi gọn gọn nhẹ nhẹ để mong rằng tiếng nói của Bảo Thành ngày hôm nay, các bạn có thể nghe được một chút, tư duy, để lắng đọng tâm của mình, để thấy được Phật thật sự khi viếng 10 cảnh chùa hay chỉ 01 cảnh chùa, hay ở tại tư gia, trên đường phố, hãng xưởng, công xưởng, đời hay trường học, bất cứ đâu, chúng ta – các bạn và Bảo Thành đều có cơ hội thấy được Phật. Muốn vậy, phải tập cái nhìn của Phật! Phật nhìn chúng sanh đều là Phật sẽ thành, ta nhìn chúng sanh cũng đều là Phật sẽ thành, ta sẽ thấy Phật thôi. Đừng bắt chước những người khác, thấy Phật như chúng sanh để rồi phiền não, đau khổ tới nghe các bạn!
Năm mới, ai ai, chúng ta cũng phải thay đổi cách nhìn đừng cầu mà tới để lãnh nhận, để đón nhận, để thỉnh, và nhất định Đức Phật lịch sử ta không thấy, nhưng Đức Phật của tâm linh giác ngộ ta sẽ thấy. Phật nơi tâm của mỗi người, tâm tánh thiện lương, không dính mắc, không chấp, không phân biệt. Không chấp từ dân tộc, màu da, sắc tướng, không chấp từ tôn giáo, không chấp từ quyền lực, giàu sang, cao đẹp, tốt xấu, không chấp tất cả mà chỉ dùng con mắt tỉnh thức giác ngộ, mắt thương nhìn cuộc đời, trí tuệ soi sáng, trí tuệ soi chiếu thật rõ để thấy tất cả chúng sanh đều là Phật!
Nay trở về với chùa, ta nhìn trên tôn tượng của Đức Bổn Sư, nếu các bạn đang hiện diện nơi chùa hoặc các bạn đang hiện diện nơi tư gia, hãy tới ngay tôn tượng của Đức Phật Bổn Sư đó, ta nhìn thấy đôi mắt, đôi mắt thịt, đôi mắt gọi là nhục nhãn, đôi mắt trần của Ngài khép hờ lại. Nhìn đi, tôn tượng của Phật đó mà, đôi mắt của Ngài hờ khép lại! Đôi mắt trần gian đã không còn nhìn, không còn duyên theo cảnh trần của thế gian nên Ngài khép lại chuyện của thế gian. Các bạn nhìn kỹ lên tượng Phật đi, ngay trên bàn thờ, còn nếu các bạn ngồi trong chánh điện chùa, các bạn nhìn lên tôn tượng Đức Bổn Sư, có phải chăng đôi mắt của Ngài khép hờ bởi chẳng còn duyên theo cảnh trần nữa, nhưng giữa đôi mắt ấy có một viên ngọc tượng trưng cho con mắt thứ ba, tượng trưng cho con mắt của bậc giác ngộ, con mắt của bậc giác ngộ? Con mắt ấy là con mắt gì các bạn biết không? Con mắt đạo đó, pháp quang thường chiếu, Phật quang thường chiếu. Con mắt Phật thường chiếu trong thế gian là con mắt không có dính mắc, con mắt của sự tỉnh giác lìa xa cảnh trần, mắt đó là mắt thấy chúng sanh đều là Phật sẽ thành.
Chúng ta tới chùa hoặc tới bất cứ nơi đâu, không vương cảnh trần, không duyên cảnh tục, nhất định mọi người nhìn nhau bằng mắt tỉnh thức, mắt thương nhìn đời của mẹ hiền Quan Âm, chúng ta đều thấy, đều thấy chúng sanh là Phật sẽ thành. Để từ đó ta còn có nghĩa, có tình, có ân với ông bà, với cha mẹ, với người thân, với nhân loại. Để từ đó ta còn có cái tình thật sự là tình đồng bào, tình đồng hương, đồng liêu, tình đồng đội, tình đồng tu, tình đồng thuyền, tình đồng hành. Đừng để đồng tiền chiếm mất nhân tánh thiện lương của chúng ta, để từ đó ta chỉ thấy quỷ ma, quyền lợi để tạo tác những tư tưởng, lời nói và hành động thật ghê gớm, máu nhuộm tay chẳng hề run sợ!
Trong năm mới Nhâm Dần, phải dũng mãnh như con cọp, như con hổ, trấn giữ tất cả các căn của mình bằng năm giới và nhìn cuộc đời bằng con mắt của bậc tỉnh giác nghĩa là thấy chúng sanh đều là Phật sẽ thành. Bảo Thành và các bạn nhất định vào chùa sẽ thấy Phật, vào đời sẽ thấy Phật, vào nhà sẽ thấy Phật và câu trả lời “Phật ở đâu?”, Phật ở khắp mọi nơi, ở mọi chúng sanh ta đang thấy bởi ta nhìn chúng sanh đều là Phật sẽ thành!
Mô Phật!
Mời các bạn đặt bàn tay Trí Tuệ và bàn tay Từ Bi vào với nhau!
Thưa Phật! Từ xưa cho tới giờ chúng con vào chùa là để cầu, là để cúng, là để lạy, là để xin. Phật đã dạy: “Cầu bất đắc là khổ!” bởi Ngài thấy tất cả những gì cầu sẽ không bao giờ thành. Nay hiểu thấu, cái nhìn của bậc giác ngộ nhìn chúng sanh là Phật sẽ thành, nên chúng con sẽ thấy được Phật nơi chùa, nơi nhà, nơi tư gia, nơi cuộc đời, nơi mỗi một con người. Xin Chư Phật gia trì cho chúng con thể nhập vào tự tánh bất sanh diệt, bất cấu tịnh, bất tăng giảm, thắp sáng đuốc Tuệ, khởi nguồn Yêu Thương, nhìn rõ Vô Thường, Vô Ngã để không còn tạo khổ cho nhau.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì Mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Hồi hướng:
Chúng ta hãy hồi hướng!
Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con hôm nay nếu tạo được chút phước báu nào, nguyện hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.