Bảo Diệu Tâm đánh máy, Bảo Ngân biên tập
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi. Một lòng thành kính, chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Chúng con nguyện xin chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh, và gia trì cho chúng con tinh tấn tu học, hơi thở Chánh Niệm, thiền quán Trí Tuệ và Từ Bi để thấu rõ vạn pháp Vô Thường sanh – diệt, Khổ và Vô Ngã. Hôm nay chúng con cũng nguyện xin Đức Đại Từ Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư phóng quang tiếp linh cho chư vị hương linh theo thiện nghiệp mà tái sanh cảnh lành.
Chúng ta hãy đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái. Lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Từng sát na trong cuộc sống, hơi thở Chánh Niệm sẽ dẫn đưa chúng ta gắn kết mật thiết với chư Phật và đón nhận được thật nhiều năng lượng tình thương. Hãy nghĩ về ông bà, các đấng bậc sinh thành, gia đình và xã hội. Nguyện xin chư Phật luôn gia trì cho mọi người trong những ngày cuối năm.
Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang (7 biến)
Mô Phật! Các bạn thân mến, hôm nay đã là ngày thứ năm, vài ngày nữa năm 2021 sẽ hết, chấm dứt và năm mới sẽ tới. Những bậc làm cha mẹ người lớn có trách nhiệm với gia đình, có trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng, với những tổ chức chúng ta đang tham gia, thường rất bận rộn trong những ngày cuối này. Công việc thật là nhiều bởi chăm sóc cho người khác, công việc thật là nhiều bởi lo lắng cho tập thể chúng ta đang chung sống hoặc cho sự dấn thân tới với xã hội với cộng đồng. Từ đó mà chúng ta tăng ca làm thật nhiều dẫn đến sự mệt mỏi. Trong sự mệt mỏi như thế thường hay tạo cho chúng ta cáu gắt khó chịu, sân giận, bực bội. Mang ý nghĩa giúp đời, mang ý nghĩa làm việc thiện, mang ý nghĩa dấn thân, mang ý nghĩa lo toan cho cuộc sống và gia đình, nhưng chúng ta khi mệt thường hay bực bội, sân. Sân giận là một trong những thứ độc dược mà Đức Phật thường nói tới “Tam độc”. Tam độc gồm có tham, sân và si.
Chủ đề các bạn gợi ý nói hôm nay là “Tam Độc Xâm Lấn”. Chúng ta nếu như không siêng năng tu tập, Chánh Niệm hơi thở Từ Bi – Trí Tuệ, bỏ phế đời sống tâm linh, không chăm sóc cho tâm của mình cho đời sống của mình, nhất định tham, sân, si là ba thứ độc dược sẽ tự xâm lấn đời sống của chúng ta, như vùng đất bỏ hoang không người chăm sóc, cỏ dại mọc đầy, gai góc trổ hoa. Một năm sắp trôi qua, nhìn lại trong từng góc của cuộc đời nơi tâm, mỗi người chúng ta rút tỉa được thật nhiều những kinh nghiệm đã cam qua, có sự thành công lẫn sự thất bại, có sự hạnh phúc xen với khổ đau, có bình an hòa trộn với phiền não và sợ hãi. Cuộc đời con người là sự hòa trộn của biết bao nhiêu những cảm xúc. Nhìn cho thiệt kỹ vào những dịp cuối năm, kiểm tra lại cuộc đời đã đi qua để chúng ta lại một lần nữa nhìn thấu và nhìn rõ được chính mình. Đời sống người Phật tử tại gia nói chung rất cần sự sàng lọc mỗi một năm trôi qua. Đó là nói đến thời kỳ dài. Còn đúng hơn theo lời Phật dạy, trong từng giây phút ta cần phải nhìn cho thật rõ, lắng nghe tâm tư của mình và quán chiếu sâu sắc để từng giây từng khắc trong cuộc đời ta trân quý sàng lọc những năng lượng thanh tịnh đưa vào để đời sống thăng hoa mỹ mãn. Còn nếu như chúng ta chẳng quán chiếu sâu sắc, bỏ phế đời sống tâm linh, để cho muôn sự ở đời nó dắt dìu, nó dẫn dắt, nó cài đặt và sự lo toan sợ hãi dồn dập, mưu chước, tính toán sẽ tạo cơ hội cho tâm tham, tâm sân và sự đen tối của nhận thức lấn chiếm, xâm lấn vào trong tâm của chúng ta.
Đây là điều rất hiển nhiên để mọi người thấy rằng: Sự tu tập cần phải luôn luôn liên tục. Như người trồng bông thì phải chăm sóc, nhổ cỏ, tưới tẩm cho những mầm mống của những loại bông mà chúng ta chuẩn bị mang ra trưng bày trong những ngày Tết. Xuân về ta mua sắm đồ để ăn tết, mua hoa để trang trí hoặc cúng Phật, cúng ông bà. Những hình thức bên ngoài đó rất cần bởi là một phong tục truyền thống văn hóa. Còn đời sống nội tâm, ta không thể quên được các bạn ạ. Nếu ta quên mà chỉ chạy theo hình thức bên ngoài là chúng ta đã tạo điều kiện cho phước báu của mình bị tổn hại và cơ hội cho tâm tham, tâm sân trỗi dậy che mờ lý trí và làm cho chúng ta dần dần thiếu vắng căn lành ở trong đời sống của chúng ta. Tâm tham và tâm sân thường là hai đầu mối dẫn đưa muôn sự phiền não vào trong cuộc sống của chúng ta. Thường thì sân đi kèm với tham, càng tham tâm sân giận càng dễ nổi dậy. Ta muốn có một đồng mà chỉ có 99 cắc (99 cent) ta giận, ta sân, ta bực bội, ta đập bàn đập ghế, bởi muốn được một đồng mà hôm nay chỉ được 99 cắc (99 cent). Ta muốn được cái này, được cái kia, nhưng không được như ý, ta sân, ta giận.
Đức Phật nói: “Cầu bất đắc” sẽ tạo ra đau khổ. Nhìn cho rõ những điều ta mong cầu mà không được như ý ta đó là sự thể hiện của tâm tham. Do chính vì tham quá đưa đến sự mong cầu quá đáng, ta không được, ta khổ. Cái khổ của tâm tham đưa chúng ta đến giận dữ, khó chịu và cuộc sống của chúng ta thường là tạo thêm nhiều phiền não cho những người sống chung nơi gia đình, nơi xã hội. Dĩ nhiên mỗi người chúng ta thường hỏi rằng: “Làm sao để tránh được tâm tham, tâm sân khi mang thân kiếp làm con người?” Đúng! Đã là mang thân phận làm người, tâm tham, tâm sân, nó luôn luôn lẫn lộn. Mà đôi khi chúng ta lại thầm nghĩ chúng ta vốn là tham, sân thì có gì phải xấu hổ. Nhìn đi trong cuộc đời này ai không tham? Ai không sân? Ai không si? Nhìn đi chung quanh chúng ta từ những bậc ở bên trên tới bạn bè, ai mà không có tham, sân, si? Có gì đâu mà xấu hổ? Cứ để tự nhiên, sống cứ bình thường, rồi cũng chỉ một đời sinh ra như thế. Ngày nhắm mắt xuôi tay, ai cũng như ai chôn vùi trong lòng đất, kết thúc một kiếp người. Những cách nói như vậy nghe thích lắm, bởi vì nó đồng thuận với tâm tham và sân, si của chúng ta. Cho nên chúng ta từng phủ lấp bằng những lý tưởng hão huyền của cách nói vừa rồi để cho chúng mình, để cho chúng ta, thỏa mãn sân giận với mọi người, vơ vét, tham si.
Các bạn! Chúng mình là những người học về Phật pháp. Phật nói thật rõ tham, sân, si, một tên khác gọi là “Tam độc” trong nhà Phật sẽ giết chết chúng ta, bằng cách tiêu hủy toàn diện công đức và phước báu do ta tu luyện, thực tập và do sự thừa hưởng hồi hướng của muôn người. Làm sao chúng ta có được một đời sống an lạc và hạnh phúc khi chúng ta không biết chăm sóc đời sống tâm linh bằng những phương pháp mà Đức Phật đã dạy cho chúng ta? Làm sao đời sống của mỗi người chúng mình có thể hạnh phúc hơn trong năm mới, không còn phiền não và đau khổ khi chúng mình chẳng biết tu tập cho đúng, chẳng biết chăm sóc cho tâm của mình, chẳng biết quán chiếu thiền định, chẳng biết thắp sáng Trí Tuệ, chẳng biết sống một cuộc đời từ bi, yêu thương? Chúng mình thực sự đã bỏ phế đời sống tâm linh, lao đầu vào và bị vật chất và những thú vui của cảm xúc nơi thân dẫn dắt, xa rời tâm chân thật, chân thiện mỹ của cuộc sống để sa đoạ vào biết bao nhiêu sự cám dỗ. Người con Phật như chúng mình đây cần phải luôn cảnh tỉnh, nhắc nhở tự thân, nếu như ta bỏ phí cuộc đời tâm linh của mình thì dĩ nhiên tham, sân như những loài cỏ gai sẽ mọc bao phủ hết thềm chân tâm của chúng ta.
Sống trong cuộc đời sự lo toan, sự suy nghĩ, sự tính toán, mỗi người ai ai cũng muốn cho có thật nhiều và chính vì cái có thật nhiều đó làm tăng trưởng tâm tham và khi sự thành công không được như ý muốn, ta sân, giận. Cái sân, giận do tâm tham tạo ra, thường tạo ra nghiệp nhiều nhất là từ “Khẩu” của chúng ta. Nói năng bất cẩn, thiếu sự tôn trọng và khi đối xử với nhau chúng ta quá vội vàng nói những thể loại ngôn ngữ để thể hiện cảm xúc của mình, để bảo vệ cảm xúc của mình, chẳng quan tâm đồng cảm, chẳng quán chiếu sâu sắc để hiểu được tâm trạng của người khác. Từ đó mà ta thường hay vặn vẹo, bẻ cong sự thật và thế là ta thả dàn cho tâm sân tuôn ra bằng những ngôn từ thật là ngọt ngào, thật đúng. Đúng cho riêng ta, ngọt ngào để xoáy sâu vào tai của người khác, để làm loạn tư tưởng của người ta, đồng hướng về phe của mình. Đấy chẳng qua là dọn chỗ cho tâm sân của mình xả ra cho hả giận, cho thỏa mãn sự bực bội của chính mình. Ta luôn muốn người tôn trọng, đó là tham sự tôn trọng, tham danh, tham tiếng, mà lại không chuẩn bị bằng sự quán chiếu sâu sắc trong sự xử thế, trong sự tương tác bằng tình yêu và từ bi chân thật. Nhưng bằng mưu mô tính toán, hoặc bằng sự đặt để cái ngã của mình quá cao, để rồi khi người ta làm cho mình vỡ toang ra bởi chạm vào cảm xúc của mình, mình giận.
Ngày nay, sân, giận nó quá khéo bằng cách luồn lách các ngõ, các nơi, các người ta quen biết để đưa về cùng một phía với ta, để ta có sức mạnh áp đảo, chà đạp lên danh dự, phẩm chất của người khác. Các bạn, hình thức này được thể hiện thật nhiều trong cuộc sống mới, bởi ai cũng muốn giữ cho mình không thể hiện tâm sân một cách lỗ mãng trước mặt mọi người, nhưng lại ngấm ngầm mượn những phương tiện cao siêu hơn bằng ngôn ngữ để tạo sức mạnh cộng đồng, sức mạnh của nhóm, sức mạnh của sự ảnh hưởng, bằng cách thì thầm, thủ thỉ cho người khác, để gièm pha chê bai. Nhưng đó là tâm sân biến đột gen một cách quá khéo. Ngay chính ta cũng không nhận ra ta đã sân. Thực ra, chúng ta, chúng mình thật dễ sân, nhưng thời đại này quá khéo. Cái khéo của tâm sân nó luồn lách trong mọi ngõ ngách, và truyền thông thật rộng rãi tới mọi người ta quen biết. Và thế ta dồn người khác vào chân tường, ta dồn người khác vào ngõ cụt, và ta thỏa mãn cảm xúc, bởi có nhiều người đã nghe ta, đã theo ta, hưởng ứng với ta. Trong cuộc sống, tam độc là tham, sân, si, luôn luôn xâm lấn tâm thức của chúng ta. Nếu chúng ta không biết tu luyện trong Chánh Niệm hơi thở để quán chiếu từng giây phút những tư tưởng khởi lên trong tâm, quán chiếu từng ngôn từ ta ứng dụng trong cuộc sống và những hành vi ta thể hiện trong tương tác, ta thật dễ bị tâm tham, tâm sân, tâm si xâm lấn và rồi sẽ phá vỡ toàn diện ngôi nhà tâm của chúng ta.
Các bạn biết không? Chỉ một hành động nho nhỏ, đơn giản là giúp đời đã làm cho tâm tham, sân, si không còn chỗ đứng trong cuộc đời của chúng ta. Dấn thân, công hiến, giúp đời là dọn sạch vườn tâm để cỏ tham và gai sân không trỗi dậy bao trùm đời sống của mình nữa. Có một ông chủ có một cái thuyền, ông ta đi xa, nhờ một người thợ tới sơn cái thuyền đó thôi. Người thợ sơn khi tới sơn cái thuyền và thấy cái thuyền đó có một lỗ thủng ở dưới. Thực ra người chủ kia chỉ muốn anh ta sơn thôi, nhưng anh ta sơn xong rồi thấy lỗ thủng mới nghĩ rằng: “Lỗ này thủng không vá lại, lỡ có ai không biết đi ra khơi sẽ bị chìm chết”. Dù không được trả tiền và chẳng bao giờ được hỏi phải sửa lỗ đó, anh ta sơn xong, thấy lỗ thủng liền vá cái lỗ đó một cách an toàn tốt đẹp rồi đi về, hoan hỉ lắm. Chiều ông chủ về thấy thuyền không có đó, bởi vì những đứa con ở nhà muốn ra khơi chơi nên tất cả các con đều lên thuyền đi ra khơi. Ông chủ lo lắng và sợ hãi, không biết con cái giờ ra sao? Và ông ta đau khổ vô cùng, bởi khi đi không dặn dò con cái. Nhưng rất may chỉ một tháng sau, ông ta thấy cái thuyền cập vào bến ngay nhà, con cái về bình an và hạnh phúc. Ông ta chạy vội lên cái thuyền và nhìn thấy nơi cái lỗ thủng ở dưới đáy thuyền đã được vá. Ông ta hỏi thì chẳng biết ai, các con không làm điều đó. Suy ra ông ta biết người thợ sơn đã làm chuyện đó. Cảm động, ông không nhờ vá lỗ thùng đó mà chỉ sơn thôi mà ông thợ sơn kia sẵn sàng vá, để rồi năm người con được cứu sống. Các bạn, dù chỉ dấn thân thêm một chút, gọi là thấy sự nguy hiểm cho ai đó, cho dù chẳng hỏi, chẳng nhắc, chẳng mượn, chẳng mướn để làm, nhưng anh vẫn dấn thân vá lỗ thùng đó mà cứu được người. Ông chủ ngầm hiến tặng cho người thợ sơn thật nhiều. Nhưng người thợ sơn đó chẳng lấy, anh mang tặng lại cho những người nghèo khổ.
Các bạn thân mến! Mỗi một cuộc đời của chúng ta, ai ai cũng có một lỗ thủng. Chúng ta chẳng khéo như người thợ sơn kia để âm thầm vá cái lỗ thủng tâm thức của người khác, mà cứ xoi mói thọc vào trong đó khoan cho nó to ra, để rồi cái thuyền tâm thức của người đó khi đi ra khơi vào cuộc đời sẽ chìm đắm trong thất bại. Thấy họ chìm xuống dòng sông của cuộc đời, ta vỗ ngực cười ha hả, bởi thỏa mãn họ đã bị chìm. Nếu chúng ta khéo như người thợ sơn kia chẳng khoan to, chẳng đục vỡ mà lại âm thầm vá nó lại cho người thì đây là phước đức vô cùng, để cho tâm tham, sân, si – tam độc không có cơ hội xâm lấn và cuộc đời. Mỗi người chúng ta theo lời Phật dạy, cần phải bố thí thật nhiều, xuất khởi từ tâm Từ Bi và Trí Tuệ. Chỉ người có tâm Từ Bi mới dấn thân giúp đời, chỉ người có Trí Tuệ mới nhìn thấy sự nguy hại cho người khác mà sẵn sàng giúp đỡ. Người thợ sơn đã nhìn thấy lỗ thủng này. Nếu như người chủ đã đi, con cái còn nhỏ không để ý mà chèo thuyền ra khơi sẽ bị chìm. Chỉ có tình thương và chỉ có Trí Tuệ mới nhìn thấy xa sự nguy hại như vậy, liền gia công vá lại lỗ thùng đó. Chúng ta nếu không tu tập tình thương thực sự, nếu không quán chiếu tâm Từ Bi và không thắp sáng Trí Tuệ của mình. Chúng ta không bao giờ thấy được lỗ thủng và sự nguy hại nơi tâm thức của người khác và nơi tâm thức của chính mình. Nếu không nhìn thấy điều đó thì lỗ thủng đó sẽ làm cho chúng ta chìm sâu vào trong sự đau khổ mà thôi. Nhìn thấu được lỗ thủng của tâm tham, nhìn rõ được lỗ thủng của tâm sân, chúng ta vá lại bằng tâm từ bi, yêu thương, bố thí, phóng sanh, bằng tâm biết làm việc thiện. Nếu thấy lỗ thủng của tham, thì ta phải thực tập hạnh bố thí để mà vá lỗ tham đó lại. Nếu thấy có lỗ thủng của tâm sân, chúng ta, chúng mình phải dùng tâm yêu thương từ bi vá nó lại, thì nhất định khi đi ra khơi vào cuộc đời, thuyền tâm của chúng ta chẳng bao giờ phiền não và đau khổ, chẳng bao giờ bị phiền não và đau khổ nhận chìm sâu vào những cảm xúc.
Chúng ta có thói quen bảo vệ cảm xúc của mình để tăng trưởng tâm tham, để thể hiện cho người ta thấy mình như thế nào. Và rồi thật khéo phát triển tâm sân, ứng dụng những phương tiện để khoét sâu vào sự đau đớn của người khác, nhận chìm đối phương ta không ưa thích. Chuyện ta không ưa thích người tới từ nhiều thứ, đặc biệt tới từ chỗ quyền lợi và thế đứng của chúng ta. Mỗi khi chúng ta suy nghĩ về quyền lợi của riêng mình quá nhiều, và thế đứng của riêng mình quá nhiều thì chúng ta thực sự đắm chìm trong tâm tham. Và trên đời Đức Phật dạy “Cầu bất đắc” nghĩa là mọi sự cầu cho có, cầu cho được ở đời chẳng bao giờ mà thành tựu được đâu. Bởi những chuyện ta cầu nào có thuộc về ta. Còn những chuyện thuộc về ta hẳn nhiên nó đã có. Cái thuộc về ta là nguồn sáng của Trí Tuệ. Cái thuộc về ta là năng lượng và yêu thương vốn có nơi tâm Phật. Tiền tài, vật chất, danh dự, và thế đứng của xã hội chỉ là những huyễn giả phương tiện của cuộc đời, chẳng thuộc về ta. Ta chỉ mượn để sống với thân kiếp này trong từng giây phút, nó chẳng phải là cứu cánh. Thế nhưng Bảo Thành và các bạn thường bị quên và hiểu lầm, cho rằng những thứ đó là cứu cánh của cuộc đời, để rồi chúng ta đã tạo điều kiện cho tâm tham, tâm sân xâm lấn của cuộc đời của chúng mình.
Những ngày cuối của năm, mỗi người chúng ta cần phải nhìn thật sâu trong những mối quan hệ, giữa tình nghĩa vợ chồng, giữa tình nghĩa với các đấng bậc sinh thành, với bạn bè, với thầy trò, với đồng môn, với huynh đệ, người thân và ngay cả với người dưng. Chúng ta phải phát triển tâm Từ Bi và thắp sáng Trí Tuệ bằng sự thực hành quán chiếu sâu vào những mối quan hệ ta đang tương tác có nhân duyên gần gũi. Bởi những mối quan hệ trong cuộc đời này là vườn Phước Điền, là vườn Công Đức, là vườn Phước Báu mà ai trong chúng ta nếu khéo thì từ những mối quan hệ này sẽ gây dựng được thật nhiều những phước báu. Còn nếu ta không khéo, chính trong mối quan hệ cuộc sống của cha con, hoặc đối với mẹ, hoặc đối với vợ chồng, với con cái, đối với anh chị em, đối với bạn bè, đối với thầy trò, đối với đồng môn, đối với huynh đệ sẽ là địa ngục trần gian. Bởi vì sao? Bởi trong ta có ba lỗ thủng ở trong tâm. Lỗ tham, sân và si không quán chiếu, nhìn thấu, chỉ vỗ ngực xưng tên, vơ vét cho đầy sự tham muốn nơi chính mình. Đừng nghĩ tham tiền mới là tham, tham danh vọng, tham quyền lực, tham thế đứng, tham đắm vào những cảm xúc được người khác ca ngợi, tôn trọng. Nhưng mình lại không biết mang tâm chân thật từ bi yêu thương để có được sự mến mộ yêu thương của người khác. Ta chỉ tìm đủ mọi cách để cho tâm sân lấn chiếm và gièm pha đè bẹp những người khác tới mà thôi.
Đã bao nhiêu lần Bảo Thành và các bạn đã dùng những ngôn ngữ và hành động bất kính mất sự tôn trọng với người yêu thương. Ta chẳng biết lắng nghe họ mà chỉ nói rằng họ không biết lắng nghe ta mà thôi. Nhưng trong hành động của chúng ta, chúng ta đã quá sai. Chúng ta không có tầm nhìn xa để trong mối tương quan giữa người và người đối xử bằng tình thương. Bởi tầm nhìn của ta chỉ là tầm nhìn làm sao thỏa mãn cảm xúc và suy nghĩ của riêng mình, chẳng bao giờ nghĩ về cộng đồng, về tập thể, về một khối đại đồng đang sống chung có sự chằng chịt liên hệ với nhau trong nhân duyên trùng trùng khơi dậy từ vô lượng kiếp. Ta nhìn quá ngắn hạn để rồi dồn một cục tư tưởng tạo ra những hành động, những ngôn từ, những sự đối xử hoàn toàn trái ngược với luân thường đạo lý, gây khổ và phiền não cho chính mình và từ đó sân giận, tạo ra những hành động ngôn từ lỗ mãng tổn phước.
Nhất định phải theo Phật, thắp sáng Trí Tuệ trong Chánh Niệm hơi thở, mỗi người chúng ta có cơ hội quán chiếu và nghe thật rõ sự thì thầm của tâm tham và tâm si đang xuyên tạc trong lỗ tai của chúng ta, đang dắt tâm của chúng ta, đang lừa chúng ta vào những cảm xúc mà được gọi là bị chạm tự ái. Thật khéo các bạn ơi! Món quà vô giá của cuối năm chính là chúng mình biết lắng nghe tâm của mình, nhìn rõ lỗ thủng của tham, sân và si. Nơi sự suy nghĩ, nơi ngôn ngữ và hành vi, chúng ta cần phải sửa đổi. Các bạn đã quá mệt và Bảo Thành đã quá mệt mỏi đi tìm những thứ bên ngoài để đạt được những chỉ tiêu trong cuộc sống. Nhưng lại quên chỉ tiêu vô giá mà Đức Phật nhắc nhở cho chúng ta rằng đó là chỉ tiêu: “Vá lại những lỗ thủng của tâm tham, tâm sân và tâm si”. Bởi vậy mà sự tương quan trong gia đình giữa vợ, chồng thường hay cãi cọ, thường hay đấu đá, chính là bởi vì người vợ và người chồng, ai ai cũng muốn thủ đắc cảm xúc của mình, chẳng biết lắng nghe vợ hoặc chồng để rồi gia đình xào xáo gây lộn. Do chính vì ta nâng cảm xúc của mình lên quá cao mà chẳng đồng cảm với những sự rung động của người bạn đời, hoặc đối với cha mẹ, bạn bè, huynh đệ, thầy trò, trong xã hội cũng như vậy, mà trong chùa cũng như thế. Mỗi người chúng ta dù là tại gia hay xuất gia, đều luôn luôn phải tự nhắc nhở mình, cần phải quán chiếu thật sâu cội nguồn của đau khổ tới do tâm tham và tâm sân, si, gọi là tam độc sẽ xâm lấn cuộc đời. Dù cuộc đời thật mỏng manh dễ vỡ, thật ngắn bằng một hơi thở thôi, nhưng nếu Bảo Thành và các bạn, nếu chúng mình, nếu bọn chúng mình thật khéo nghe lời Thế Tôn dạy và thực hành thì nhất định cuộc đời của bọn chúng mình sẽ hạnh phúc mà, sẽ bình yên mà. Sự bình yên và hạnh phúc chúng mình không cần phải cầu Phật ban cho, chỉ cần thực hiện theo lời dạy của Đức Phật, của Thế Tôn thì bọn chúng mình sẽ hạnh phúc, cuối năm này sẽ bình an.
Đừng để tam độc xâm lấn cuộc đời để tạo khổ và phiền não cho nhau. Bớt đi được một chút tham, gọt giũa bớt đi được một chút sân và thắp sáng một phần bằng Trí Tuệ để vô minh dần dần lùi xa, bọn chúng mình sẽ hạnh phúc, sẽ bình an. Và khi chúng ta bình an và hạnh phúc mới có thể mang sự bình an và hạnh phúc đó hồi hướng cho mọi người. Nếu chúng ta cầu cho người ta được bình an và hạnh phúc thì nơi chính cuộc đời của chúng ta cũng cần phải có hạnh phúc và bình an. Để chúng mình hạnh phúc và bình an thì nhất định chúng ta phải phát triển lòng yêu thương, phải có một cái nhìn xuyên suốt, rõ, để thông cảm và đồng hành với mỗi người, để lắng nghe thật sâu, để thấu được. Đừng tự bảo vệ cảm xúc, đừng để tự ái nó lấn át, nó dâng trào, để rồi phản ứng thiếu tự chủ trong ngôn ngữ và hành động.
Các bạn có thấy không? Những bậc bên trên như cha mẹ, ông bà, phận làm con như Bảo Thành và các bạn nhiều lần đã lầm lỗi. Bởi vì khi ông bà, cha mẹ chia sẻ, nói chuyện với chúng ta, phận làm con như chúng ta đã lấn át mà đôi khi còn muốn ông bà, cha mẹ phải câm mồm để cho chúng ta nói. Trong quá khứ, Bảo Thành đã phạm lỗi đó với cha của mình. Bởi vì ta nghĩ ta đúng, ta nghĩ ta hay, cho nên ta đã tạo ra lầm lỗi. Ta đã bắt cha mẹ, ông bà phải im để cho chúng ta nói. Thậm chí khi các đấng đó nói chúng ta có những hành động như đưa tay che miệng. Ý thức rằng hành động đó thật là xấu nha các bạn bởi vì ngầm nói người ta câm mồm đi. Và trong mối quan hệ của huynh đệ, của người thân, của bạn bè cũng vậy, chúng ta quá tự trọng bản thân để mất đi sự tôn trọng đối với người khác nên luôn luôn có những hành động lấn át, coi thường, đó chính là thể hiện của tâm sân. Mỗi khi chúng ta nói người khác nói nhiều, mỗi khi chúng ta nói người khác phải im để cho chúng ta nói, hoặc khi chúng ta so sánh mình giữa người, đó là điều kiện tạo cho tâm sân trỗi dậy để thỏa mãn tâm tham của chúng ta, phước báu sẽ bị tổn hại.
Trong dịp cuối năm này, chúng ta chạy đôn chạy đáo, chạy ngược chạy xuôi để làm tròn trách nhiệm hoặc đạt chỉ tiêu, hoặc sự mơ ước, nhất định chúng ta sẽ mệt mỏi, dễ sân lắm. Càng cuối năm, các bạn càng dễ quán chiếu để nhận diện lỗ thủng của tâm tham, lỗ thủng của tâm sân và tâm si, hãy mạnh dạn vá nó lại. Và nếu thấy nơi người khác có những lỗ thủng đó, hãy như anh thợ sơn kia tình nguyện vá nó đi dù người ta không hỏi. Nhưng mà phải thật khéo. Cái khéo là ở chỗ mình nhận ra sự nguy hại, thuyền có thể bị chìm, các con của ông đó có thể bị chết nên sẵn sàng dấn thân đó là việc thiện để chuyển hóa tâm tham và sân để tam độc không xâm lấn cuộc đời của chúng ta. Đức Phật dạy: “Chỉ có lòng Từ Bi và Trí Tuệ mới nhìn thấu trong mọi mối quan hệ tương tác của cuộc đời”. Là cơ hội để chúng ta chăm sóc tâm Từ Bi và Trí Tuệ để tâm tham, sân, si, không có cơ hội lấn át xâm lấn cuộc đời của chúng ta. Phải tự tình nguyện vá những lỗ thủng của tâm nơi ta và nơi người một cách thật khéo. Các bạn, chỉ có Từ Bi và Trí Tuệ mới có thể vá được lỗ thủng của tham, sân, si đã khoét sâu vào đời sống người Phật tử tại gia chúng ta, cũng như những vị xuất gia. Sự quán chiếu sâu trong Chánh Niệm sẽ giúp chúng ta ý thức phải sống được như thế nào để tạo phước, để chuyển nghiệp. Càng cận kề ngày cuối năm, việc gì chúng ta cũng phải làm, nhưng không thể quên vá lỗ thủng tâm tham, sân, si, để con thuyền chân tâm của chúng ta ra khơi đi vào cuộc đời được bình an.
Các bạn! Rất cần, rất cần! Sóng gió của cuộc đời thật nhiều, nếu mà chúng ta bị thủng bằng tham, sân, si mà còn khoét cho nó to ra nữa thì coi như xong rồi. Và nếu ta thấy ai có bị thủng đi nữa, nhớ là vá cho họ bằng cách khéo léo, đừng khoét sâu vào những chỗ đau của người khác, đừng khoét sâu vào những chỗ làm tổn hại cảm xúc của người khác. Nếu còn sống, chúng ta phải biết trân quý nhau. Nếu còn có cơ hội tiếp xúc với nhau, ta không biết trân quý thì một mai phải xa nhau rồi chẳng có thể làm được gì nữa đâu. Đừng đợi đến khi mà mồ xanh cỏ mới khóc râm ran ở trên đời để thể hiện tình thương. Nếu còn có phước duyên sống bên nhau, gần gũi với nhau, chúng ta nhất định không để cho tâm tham, sân, si, ba thứ độc dược này tiêm nhiễm làm ô uế suy nghĩ của ta. Và chúng ta cũng đừng mang ba thứ độc dược này tẩm vào những con người ta yêu thương để giết hại họ. Thiền Mật Song Tu luôn nhắc nhở chúng ta phải quán chiếu sâu sắc trong từng sát na, gắn kết với mười phương chư Phật, đón nhận năng lượng tình thương, luôn lấy tình yêu thương để vá lại những lỗ thủng của tâm thức tham, sân, si, nơi ta và người. Luôn lấy ánh sáng Trí Tuệ chiếu soi vào tất cả mọi ngõ ngách trong tâm thức của ta để nhận rõ những lỗ thủng ngàn đời kia để chúng ta dùng tình thương yêu chân thật bằng pháp thiện, bằng pháp bố thí, bằng những hành động thiện nguyện thực sự, dấn thân phụng hiến cho tha nhân.
Các bạn thân mến! Cuối năm rồi, bó hoa thiêng liêng nhất chính là lòng Từ Bi và tình thương được thắp sáng bởi Trí Tuệ. Chúng ta hãy kết bó hoa Từ Bi ấy lại bằng tình thương và Trí Tuệ để khi thềm năm mới bước tới ta hãnh diện dâng hiến cho muôn người. Đừng để tam độc xâm lấn cuộc đời của chúng ta, nếu có lầm lỗi phải khử độc ngay. Sự khử độc trong cuộc đời thật dễ. Hãy dũng cảm tới xin lỗi những ai ta đã vô tình vẩy độc tham, sân, si lên họ. Chúng ta hãy mang nước từ bi Cam Lồ tịnh thủy gội rửa thân tâm của mình để sạch sẽ tam độc nơi tự thân, tự tâm. Để mọi lần nữa trong năm mới này bọn chúng mình hãnh diện đón xuân, bởi xuân này ta có Phật Di Lặc dạy cho chúng ta biết cười bằng nụ cười tình thương. Các bạn, đừng để tam độc xâm lấn vào cuộc đời của mình và rồi tẩm độc đến những cuộc sống của những con người rất yêu thương ta mà ta đang có cơ hội tương tác, sống chung với họ.
Hãy đặt bàn tay phải – bàn tay Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái – bàn tay Từ Bi. Thưa Phật! Xin Phật hãy gia trì cho chúng con để cho chúng con biết chuyển hóa tâm tham, sân, si, không để cho chúng xâm lấn vào cuộc đời của chúng con. Nguyện mọi người biết tha thứ cho nhau, biết nhận ra lỗi lầm, biết xin lỗi, biết sám hối, biết sửa và biết chuyển hoá. Để mỗi một cuộc đời ngắn ngủi của chúng con vẫn có cơ hội tích lũy phước báu, để chuyển nghiệp và dừng tạo những nghiệp ác.
Chúng ta hãy hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng và phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu tâm, đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang (7 biến)
Chúng ta hãy hồi hướng công đức.
Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con hôm nay, nếu tạo được chút phước báu nào, nguyện hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.