Bảo Ngân biên tập
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi. Mỗi người chúng ta với lòng thành kính hãy quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương, tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống với muôn loài chúng sanh. Nguyện gia trì cho chúng con nhất tâm Chánh Niệm, thiền Từ Bi và Trí Tuệ để nhìn thấu rõ vạn pháp Vô Thường sanh – diệt, Khổ, Vô Ngã. Nguyện cầu cho quê hương Việt Nam và toàn thế giới mau thoát khỏi đại dịch, cho đệ tử chúng con tinh tấn tu học, thân tâm thường an lạc và bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt. Nguyện hồi siêu cho chư vị hương linh theo thiện nghiệp mà tái sanh cảnh lành. Xin Chư Phật tác đại chứng minh.
Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta hãy lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Trong từng hơi thở của Chánh Niệm, chúng ta sẽ gắn kết mật thiết thể nhập vào năng lượng Từ Bi của Chư Phật ban rải xuống. Cùng nghĩ tới ông bà, đấng bậc sinh thành, cùng gia đình và người thân cộng đồng và xã hội, nguyện mang năng lượng này rải đến muôn người.
Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang (7 biến)
Các bạn thân mến nhìn vào chủ đề hôm nay thấy tâm hồn u ám bởi thấy được mình chẳng khác gì chủ đề này. Chủ đề “Bạc Như Vôi”, ba chữ “bạc như vôi” theo ngôn ngữ Việt Nam của chúng ta được gọi là thành ngữ mà người Việt sử dụng thật nhiều trong đời thường khi nói chuyện hoặc trong văn thơ. “Bạc như vôi”, ta không phải là không thấy mình có, mỗi người nhìn vào đời sống sẽ thấy mình bạc như vôi. Bạc không phải là vàng bạc, người có vàng bạc thì chắc chắn họ không có như vôi. Chữ “bạc như vôi” nói với ý nghĩa rằng là một người sống vô ơn, bạc tình bạc nghĩa, vô ơn vô nghĩa, không biết đền đáp công ơn. Đó là một phần ý nghĩa để ám chỉ cho những ai thọ ơn mà vô ơn, thọ nghĩa mà bạc tình bạc nghĩa. Có một ý nghĩa khác, “bạc như vôi” cũng nói đến thân phận hẩm hiu của những người như vô gia cư, sinh ra ở đời thiếu thốn nghèo khổ, bị đày đọa, bị bỏ rơi thì đó cũng là một phận đời hẩm hiu ứng với câu “phận bạc như vôi” hoặc là “kẻ bạc như vôi”.
Nói đến hai thái cực của cuộc đời, nhất định các bạn và Bảo Thành đã từng làm những việc tốt đối với ai đó nhưng khi họ thất bại chúng ta đã giúp đỡ họ vực dậy sự thất bại và thành công, nhưng xong rồi họ vô ơn bạc nghĩa coi ta như kẻ thù, ta buồn ta gán luôn cái mác lên trên trán của họ “kẻ phụ bạc, phụ tình, phụ nghĩa bạc như vôi”. Hoặc trong cuộc đời về ân tình có người chúng ta yêu thương họ dữ lắm, thậm chí mà có thể mà bỏ cha bỏ mẹ, bỏ tất cả mọi người để hiến dâng cả cuộc đời cho người được gọi là người yêu. Khi họ khó khăn chúng ta ra sức, ra tâm nuôi dưỡng, chăm sóc, đùm bọc. Tưởng chừng tình yêu ấy sẽ mãi mãi đẹp nhưng rồi một ngày khi họ đã thành công, đường xưa lối cũ vắng bóng mình mà thêm kẻ thứ ba lò dò theo sau, ta cũng gắn cho họ cái mác “kẻ bạc tình”. Ở đời kẻ bạc tình nhiều lắm, kẻ vô ơn cũng đầy hết. Lại có kẻ khi túng thiếu họ tới vay mượn ta, ngặt nghèo trong biết bao nhiêu hoàn cảnh không tiền không của, ta thấy thương vì tình bạn tình người ta giúp đỡ họ tiền. Không những họ không trả mà họ còn quay ngược tố tụng. Thật là bạc tình, bạc nghĩa, vô ơn! Trong chúng ta nhất định đã từng trải gặp gỡ những người bạn bạc tình, bạc nghĩa, vô ơn, nhiều lắm. Và rồi chúng ta ngồi lại với nhau mang cái sổ của những danh nhân bạc tình bạc nghĩa vô ơn kia nói chuyện kể cho nhau nghe, chỉ trỏ kẻ bạc tình vô ơn, kẻ bạc nghĩa nhiều. Cho nên thành ngữ “bạc như vôi” nó đầy ở ngoài xã hội.
Các bạn có cho ai mượn tình rồi họ bội tình chưa, để mà trong cuộc sống ta gọi họ là kẻ bạc như vôi. Các bạn cho ai mượn tiền rồi họ không trả, họ phản nghịch lại chưa, để ta gọi họ là kẻ vô ơn vô nghĩa bạc như vôi. Các bạn đã giúp đỡ ai chưa, giúp đỡ nhiều lắm để rồi họ không biết nhớ ơn, họ chẳng trả ơn và ngược lại còn xua đuổi, còn hận thù, còn chà đạp lên ta, vô ơn bạc nghĩa bạc như vôi. Có, có thật nhiều và rồi khi sự việc xảy ra như vậy, ta buồn ta mới thốt lên một câu hình như mọi người thường nói: “thương người thường bị hại, sống tốt thường gặp họa”. “Thương người thì bị hại, sống tốt thì bị họa”, những câu như vậy ăn ý bởi ta gặp quá nhiều kẻ bạc tình, bạc nghĩa, bạc như vôi, vô tình lắm, vô nghĩa lắm. Rồi chúng ta không muốn giúp đỡ người ta nữa, bởi vì giúp đỡ thì bị phản bội vô đơn bạc nghĩa, không muốn hiền nữa, phải dữ lên bởi hiền quá thì hay gặp họa. Và ta sống dữ, ta không muốn giúp ai bởi trải qua kinh nghiệm của cuộc đời ta gặp quá nhiều người bạc như vôi.
Câu hỏi là tại sao những người được gọi là bạc như vôi có thể ảnh hưởng đời sống của chúng ta? Có thể làm cho đời sống tốt đẹp của chúng ta lại biến thành kẻ bạc như vôi đối với mọi người, ta lại biến thành kẻ vô cảm, vô ơn? Vô cảm là từ đó chúng ta thấy những người đau khổ, những người cần sự giúp đỡ, ta không còn mang tình thương để che chở vì kinh nghiệm đương đầu với người vô ơn bạc nghĩa nay ta trở thành vô cảm. Ta trở thành người vô ơn là bởi vì cha mẹ ông bà và chư Phật cũng dạy cho chúng ta hãy biết giúp đỡ, ta biết đó là một điều tốt nhưng rồi ta không bao giờ thực hiện lời đó nữa, bởi vì người ta vô tình vô nghĩa nên ta phải vô ơn với lời giáo dưỡng, với ân đức dạy dỗ. Hóa ra kẻ bạc như vôi đã làm cho ta trở thành vô cảm, vô ơn. Không hay! Họ đã tha hóa cuộc đời tốt đẹp của mình thành cuộc đời xấu rồi. Sao chúng ta có thể để cho người bạc như vôi làm tha hóa cuộc đời tốt đẹp của chúng ta? Không thể như vậy. Dù họ có bạc như vôi, vô tình vô nghĩa thì ta cũng không thể vì đó mà ta trở thành vô cảm, vô ơn với sự giáo dưỡng hướng dẫn của cửu huyền, của ông bà, của cha mẹ, của chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền, của những bậc thiện tri thức, của các bậc tôn túc mà ta đã học được. Ta phải tri ân, ta phải cảm niệm ân đức đó và mang sự giáo dưỡng đó thực hành để phá tan tảng băng vô cảm nhiều đời do bất thiện nghiệp đã kết lại thành núi, để san bằng mọi hầm hố. Cuộc đời rong chơi trong cõi ta bà với tâm nguyện Từ Bi và yêu thương. Đừng để cho người vô ơn biến ta thành vô cảm, đừng để cho kẻ không còn nhớ đến ân nghĩa biến ta thành vô ơn. Sống phải có chỗ trụ lại vững chãi, đừng để cho cảnh bên ngoài nó tha hóa thay đổi ta, mà phải để cho tâm cảnh hiền lương đức hạnh của ông bà, của trời Phật đã dạy dỗ chúng ta có cơ hội nảy mầm trổ bông, dâng hiến cho cuộc sống.
Là người con Phật chúng ta nhất định không để cho người bạc như vôi ảnh hưởng tha hóa mình mà phải thể nhập vào lời giáo dưỡng của Phật, của các chư tổ, chư Thầy, của các bậc thiện tri thức, các bậc tôn túc. Và đặc biệt là những lời giáo dưỡng của ông bà của đấng bậc sinh thành nảy mầm khơi nguồn trong đời sống của chúng ta. Vẫn biết ở đời họ vô tình bạc nghĩa nhưng ta không thể bạc nghĩa vô tình với mọi người. Bởi kẻ vô tình bạc nghĩa, bởi kẻ bạc như vôi kia họ tạo nghiệp riêng cho họ, họ phải chịu. Còn nếu ta vì họ mà trở thành kẻ vô ơn bạc nghĩa bạc tình, bạc còn hơn vôi nữa chứ không như vôi, họ bạc như vôi còn ta bạc hơn vôi thì hóa ra ta đang tự tạo nghiệp cho chính mình.
Tổng kết một năm ta muốn tìm được một chút gì đỏ gọi là dư giả trong một năm cật lực làm việc để mà xài xả láng trong ngày Tết mà. Nếu kết thúc một năm trong công nghiệp tu hành của chúng ta, ta có tạo được phước báu gì hay không? Nhìn lại cuộc đời bạc như vôi, nhìn lại những con người vô tình bạc nghĩa đối xử với ta thì cũng nên từ chỗ đó ta thầm cảm ơn họ. Bởi họ bạc như vôi, vô tình bạc nghĩa đã làm chúng ta nhìn và thấu nghĩa được cuộc đời này và sửa mình đừng như họ, giữ mình để không bị tha hóa và nuôi dưỡng những tâm hạnh cao cả. Ông bà, cha mẹ cài đặt giáo dưỡng chúng ta, nuôi dưỡng và phát triển tâm hạnh mà Đức Phật đã khai thị, chư thầy Tổ đã sống và truyền lại, chư bậc tôn túc đã tận tâm hướng dẫn cho chúng ta phải làm như vậy để tránh trở thành người vô ơn vô nghĩa, bạc tình.
Lời của Đức Phật dạy thường nhắc nhở chúng ta: tứ ân tức là ân trời Phật, ân thầy tổ, ân những bậc giáo dưỡng chúng ta; ân Cha Mẹ; ân tổ quốc và ân nhân loại đối với mọi người. Người tu Phật là phải biết ân, biết tri ân. Còn vô ơn bạc nghĩa, người ta bạc như vôi mà ta bạc hơn vôi thì chẳng học được gì nữa đâu. Cuối năm nhất định tìm lại cuốn sổ cuộc đời của năm này, công nghiệp tu đức của chúng ta phải ít nhất còn lại một chút gì đó gọi là cao quý. Qua một năm lộn xộn bươn trải trong cuộc đời trầm luân, sàng lọc lại vẫn phải còn chút phước báu. Để ngày 30 Tết, ta thỉnh ông bà về ta có hương giới đức mà dâng lên triệu thỉnh để ngày mùng 1 ta mở cửa nhà của ta ra đón khách thì họ bước vào thấy không khí thanh bình của mùa xuân, tràn đầy ân phúc có Phật ngự, có ông bà hiện diện qua cách tâm đức cả một năm ta tu hạnh Bồ Tát, ta rải tâm từ, ta yêu thương nhau. Đừng để những người bạc tình bạc nghĩa, bạc như vôi, vô ân vô nghĩa kia biến ta thành tội đồ của chính mình.
Nhìn cho kỹ thì chúng ta thực sự là người vô tình, bạc nghĩa bạc tình, vô ơn có với chính mình chứ chẳng phải đối với ai. Ta là những kẻ bạc như vôi khi đối xử với chính bản thân của mình một cách bạc nghĩa, một cách vô ơn, một cách vô tình. Nhìn đi, ta được thân này đầy đủ quá mà, đôi mắt này sáng, đôi tai còn nghe, miệng lưỡi còn nói được, cơ thể khỏe mạnh, mọi giác quan tứ chi đều đặn, sinh ra trong hoàn cảnh có đủ phước báu không khổ cực. Mà ta đâu có nhớ đến ân nghĩa của cha mẹ, của trời Phật đâu, ta đã đâm đầu vào phung phí tàn phá thân xác và cuộc đời của chúng ta như hút chích, như ăn chơi, như rượu chè, như bê tha, như xả láng đắm đuối ở trong những sự gọi là lục dục của cuộc đời làm cho thân xác bị tàn phế, làm cho tinh thần bị tiều tụy, làm cho cuộc đời hoang phế. Ta đã trở thành kẻ vô ơn với chính ta, ta không biết trân quý trân trọng cuộc đời ta sinh ra quá đầy đủ phước báu. Các bạn nhìn đi cuộc đời này có biết bao nhiêu người họ có cuộc đời bạc như vôi bởi vì cuộc đời họ hẩm hiu, nhà không có ở dưới hầm cầu, đồ ăn không có phải bới trong rác để tìm, công việc cũng chẳng có. Có những nơi nếu bạn nhìn kỹ đi, ở châu Phi người ta khổ như thế nào. Cũng như con người của chúng ta, nhưng bụng họ thì sình ra, cổ họ thì teo lại, xương thì lòi, vất vả, khổ, bệnh hoạn, không có nhà, ở bò lê bò lết trên lề đường bới đất mà ăn. Phận bạc như vôi, phận hẩm hiu nghèo khổ thiếu phước. Vậy mà chúng ta có đầy đủ quá, chúng ta chẳng màng chăm sóc sức khỏe này, ta chuốc độc vào thân từng ngày từng giờ. Cẩn thận! Cẩn thận! Cuối năm rồi lại mang biết bao nhiêu độc dược đổ vào cả cuộc đời chắt chiu làm việc không dám ăn, nhưng mà lại dám uống độc dược để rồi tiền bạc không dám ăn kia lại phải mua thuốc trả cho bác sĩ. Thật là khổ! Phận bạc như vôi, hẩm hiu quá mức.
Hình như vô ơn vô nghĩa, bạc tình ta cũng có bởi vì ta vô ơn vô nghĩa, bạc tình với chính mình. Ta cũng bạc như vôi bởi phận ta cũng hẩm hiu quá. Ta chẳng bao giờ nâng nhân cách sống của chúng ta khi dư dả phước báu được sinh ra làm người trong cuộc đời đầy đủ phương tiện. Ta đã để cho cuộc đời hoang phế và ta chẳng biết trân quý những lời giáo dưỡng của thầy, của Phật, của cha mẹ ông bà. Ta thọ ơn thầy tổ, ân chư Phật, ân của ông bà, ân của cha mẹ cao như núi, mênh mông như trời bể làm sao có thể trả. Chẳng cần phải trả đâu bởi các đấng ấy không bao giờ mong cầu chúng ta trả, nhưng chúng ta phải biết ân nghĩa đó để sống cho đúng. Nhìn lại một năm chúng ta tốt mà, chúng ta cũng đồng tu, chúng ta cũng làm nhiều việc thiện phóng sanh, từ thiện bố thí. Điều này là điều đáng sách tấn và được mọi người phải nói ra để khuyến mọi người tu, nhưng đừng vì thế ta quên rằng ta cũng để thời gian trôi quá nhanh vì bởi vùi đầu trong những việc vô nghĩa tạo nghiệp.
Thành ngữ “bạc như vôi” nó có sẵn trong lòng của mỗi người. Ta bạc với chính ta để rồi cuộc đời hẩm hiu thật, biết bao nhiêu tai họa xui xẻo, bao nhiêu chuyện này chuyện kia tới như bệnh hoạn ảnh hưởng đến sức khỏe, như tán tài tán lộc làm cho cuộc đời khổ và làm cho tình cảm bị suy sụp. Đó cũng chính là bởi vì ta là tội đồ của chính mình, là kẻ bạc tình với chính mình, là kẻ vô ơn vô nghĩa với chính mình. Đức Phật luôn luôn dạy cho chúng ta phải có trách nhiệm với bản thân. Người có trách nhiệm với bản thân là người không bạc như vôi, là người biết ân nghĩa sinh thành, là người biết mình đang thừa hưởng phước báu, phải có trách nhiệm sống đúng. Người có trách nhiệm sống là người không để tha hóa bởi những ai đối đãi với mình không tốt. Đừng để cho những người bạc như vôi mang vôi tới nhà quét vào tâm ta để rồi tâm ta cũng bạc như họ. Hãy nhìn những người bạc như vôi kia như một biển báo hiệu để chúng ta biết dừng và sửa đổi cuộc đời, không khéo coi chừng phận đời lại hẩm hiu, phận đời bạc như vôi. Bởi biết bao nhiêu người trong chúng ta có ân đức được thọ hưởng các phúc báo của ông bà, cha mẹ, của Phật, của tổ dạy nhưng chẳng biết ứng dụng phước báu đó dần dần bị mất và rồi đời sống của chúng ta biết bao nhiêu tai họa, biết bao nhiêu những bất thiện nghiệp tới lấn chiếm đẩy chúng ta ra lề của cuộc đời đau khổ trở thành kẻ van xin, ăn xin, xin chút cơm thừa canh cặn đời sống tâm linh.
Các bạn có nghe kịp Bảo Thành không? Chúng ta đã trở thành kẻ ăn xin cơm thừa canh cặn của đời sống tâm linh, nghĩa là chúng ta đã chạy ngược chạy xuôi tới đền, tới thất, tới miếu, tới thầy bói, tới thầy tướng, tới người này người kia để chúng ta xin xỏ họ ban ơn cái gọi là cơm thừa canh cặn của tâm linh đó để được có tiền, có tình, để cột tiền chặt vào cuộc đời nó không chạy trốn, để cột tình vào cuộc đời để chồng để vợ hoặc người yêu không có bỏ ta, để buộc danh vọng địa vị cột chặt vào không mất. Ta đã trở thành người như thế nào? Kẻ ăn mày, ăn xin cơm thừa canh cặn của các đấng gọi là tâm linh. Và rồi chúng ta đã nhuộm màu mê tín dày đặc ở trong tâm, theo Phật cuối cùng trở thành mê tín và dị đoan. Ta vô ơn bạc nghĩa với chư Phật, với chư tổ, với cửu huyền cha mẹ đã tới dạy dỗ cho chúng ta một con đường nên thánh, nên Bồ Tát, nên Phật. Chúng ta khước từ và trở thành kẻ ăn xin vất vưởng bên lề đường, ăn xin tâm linh.
Một câu mà Bảo Thành cũng thích là “cơm thừa canh cặn nơi cửa chùa, cửa Phật”, bởi vì cửa chùa, cửa Phật, đền, miếu không còn là nơi thờ Phật nữa mà là nơi để chúng ta tới xin, xin xỏ và rồi không được bởi chẳng thực hành theo giáo lý của Phật, của Bồ Tát mà quay ngược lại mê tín tìm tòi các vị thầy này, vị thầy kia xin họ. Ta đúng là người vô ơn vô nghĩa với Phật. Lời Phật dạy, lời ông bà cha mẹ ông bà dạy, lời quý thầy dạy không mang vào ứng dụng, bỏ vào xó, quăng vào sọt rác để trở thành kẻ ăn xin. Thật là vớ vẩn! Bạc như vôi, đời hẩm hiu. Chúng ta phải tự tháo gỡ cho mình khỏi sự ràng buộc bởi thiếu suy nghĩ. Biết pha chế vào cuộc đời những ân điển cao quý của Phật để đời sống bạc như vôi tức là đời sống hẩm hiu, ăn xin, ăn thừa, đời sống tâm linh xin xỏ mê tín kia phải được tẩy sạch để chúng ta tịnh hóa thân tâm hiểu rõ ở lời Phật dạy trong những ngày cuối. Chỉnh đốn cuộc đời trở về cho ngay cho thẳng, cho chân thật, thắp sáng tự tâm nhìn rõ đường mà đi.
Và chúng ta cũng đừng để cho những ai bạc như vôi tức là vô tình vô nghĩa làm cho ta trở thành vôi. Các bạn sống cần phải sống trong sự tư duy quán chiếu hàng ngày với chính mình. Nhớ rằng kẻ đối xử với ta bạc như vôi sẽ làm cho chúng ta trở nên giàu có đời sống tâm linh, sẽ làm cho chúng ta khai mở được kho tàng vô giá là tình thương, sẽ làm cho chúng ta sáng ra bởi tư duy trong Trí Tuệ, để từ đó ta sống trọn vẹn và thực hành được những lời dạy của Phật, của chư thầy, chư tổ, của ông bà. Ta phải mang ơn họ bởi họ là những người bạc như vôi để ta không sống và đối xử như họ, để ta không bị tha hóa để ta trở thành kẻ bạc như họ. Nhờ họ bạc như vôi mà ta nhìn nhận ra giá trị cao quý và vẫn có ở trong ta, nhờ họ bạc như vôi họ đối xử vô tình vô nghĩa với ta mà ta lại tìm ra bổn pháp cao quý Phật đã dạy, để đào bới trong cuộc đời hôi thối nghiệp ác của chúng ta tìm ra pháp bảo kim cương vô giá của tánh Phật hiển ngự tại đây. Đây là một cách nhìn tích cực, đây là một cách nhìn khuyến tu thúc đẩy ta vươn lên để thành tựu.
Hãy quán chiếu, đạo Phật thường lấy biểu tượng của hoa sen vươn lên trên những sự bạc như vôi để nở hoa, vươn lên trên sình lầy của cuộc đời để tỏa sáng. Dù họ đối xử với ta như thế nào, mang rác rưởi sình lầy chôn ta xuống thì ta cũng vươn lên chẳng trách móc, bởi ta là mầm sen, là giống sen thanh tịnh, là tòa sen tỏa sáng, chỉ cần vươn lên vươn lên đừng trách cứ ai. Càng cuối năm càng phải thẩm định lại cuộc đời để xác minh rằng ta là mầm sen của Phật tổ gieo vào cuộc đời này. Và trong cuộc đời này sình lầy nhiều lắm, mầm sen mà sa lầy thì vươn lên, cuộc đời sa lầy thì đứng dậy. Đừng để cho sình lầy của cuộc đời biến ta thành vôi, bạc bẽo vô ơn vô nghĩa, biến cuộc đời thành hẩm hiu. Đừng trở thành kẻ ăn mày trong cõi tâm linh, xin cơm thừa canh cặn, cúng kiếng mê tín. Càng cuối năm càng cần phải dọn sạch tâm của mình để hiểu thấu lời Phật dạy để trở về với phẩm vị cao quý là tánh Phật trong sáng thanh tịnh, không dơ không bẩn, để từ đó thể nhập vào, bước vào đời sống cao quý hơn. Các bạn đừng để cho sự đối xử vô ơn của ai đối với ta để ta trở thành người vô cảm, đừng để cho ai vô tình với ta để ta thành kẻ bạc nghĩa.
Phật dạy đạo tứ ân, nhớ đến ân của trời Phật, ân của ông bà cha mẹ, ân tổ quốc, ân đồng bào, ân của mọi chúng sanh. Dù họ bạc như vôi, ta cũng phải tri ân họ bởi vì họ đã đánh thức nguồn sáng nơi tâm của chúng ta. Cao quý lắm, rất cao quý! Như hạt thóc mang vào cối xay nó đau đớn nhường nào, bởi vì nó bị xay ra nhưng đây là sự xay vỏ trấu cho nó thoát ra bên ngoài còn hạt gạo nó trắng đẹp. Cuộc đời ta đi vào sự đay nghiến, dèm pha, chê bai, trù dập là để lột bỏ bản ngã, lột bỏ cái gì cái xấu xa ở bên ngoài, để tỏa sáng cái nhân trong suốt tịnh thanh của Phật tánh. Nhờ vào sự bạc như vôi của cuộc đời mà ta không biến phận đời của mình bạc như vôi hẩm hiu, ta biến cuộc đời trở thành cao quý hơn bởi đi xuyên suốt qua sự chà đạp của xã hội, của con người, của bạn bè, ta đã được chà sạch những vết nhơ ở trên đấy để tánh kim cương bắt được ánh sáng của mặt trời tỏa sáng, để tánh Phật tiếp cận được Trí Tuệ của Phật để khơi nguồn Từ Bi, để giữa cuộc đời bôn ba đây đó dù cho cuộc đời đầy chông gai thì từng bước chân của ta trở thành những bước thiền tọa an nhiên an lạc nở sen ở trong tâm, hương sen thơm ngát. Ý thức được điều này, ta chẳng vội vàng chê trách, oán trách những ai đối xử với ta vô ơn bạc nghĩa. Mà ta thầm tri ân bởi nhờ họ mà ta nhận thấy ta vẫn còn có tâm tính thiện lương cao quí, ta vẫn còn ánh sáng Trí Tuệ của Phật soi rọi vào, ta vẫn còn tình yêu thương bao la vô tận và ta vẫn có khả năng vươn lên trên từ sình lầy cạm bẫy cuộc đời để tỏa sáng.
Các bạn và Bảo Thành làm được điều đó bởi chúng ta có Phật ở cận kề, bởi chúng ta thừa hưởng được quá nhiều những phước báu của ông bà cha mẹ để lại. Và đặc biệt trong sự đồng tu cùng với nhau Thiền Mật Song Tu – thiền Trí Tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang và thiền Từ Bi Mu A Mu Sa, ta có thể mất tất cả nhưng không thể để mất Trí Tuệ, lu mờ Trí Tuệ. Ta có thể mất tất cả nhưng không thể để cạn kiệt nguồn yêu thương ở trong ta. Mỗi khi đồng tu, ta có tràn dư năng lượng tình thương của Phật, ánh sáng Trí Tuệ, ánh minh tuệ điển quang phát quang của chư Phật soi chiếu thắp sáng cuộc đời thì có chi đâu mà ái ngại, mà sợ hãi những người bạc như vôi đối với chúng ta. Đừng để họ bạc như vôi đối xử vô tình vô nghĩa mà biến ta thành cuộc đời bạc như vôi tức là hẩm hiu. Sống tự hào bởi có phước báu ông bà cha mẹ ban cho chúng ta, sống tri ân trời Phật dạy dỗ, sống đúng với lời của chư tổ chư thầy, thực hiện đúng lời giáo dưỡng của các vị thầy, các bậc tôn túc, các bậc thiện tri thức, ta – các bạn và Bảo Thành sẽ an nhiên tự tại, sẽ là vườn sen trổ bông trổ hoa ngay giữa vũng sình lầy của cuộc đời mà nhân thế đối xử với chúng ta bạc bẽo như vôi.
Các bạn cuối năm rồi nhìn lại để sống chứ đừng nhìn lại để trách cứ ai, đừng để cho cuộc đời của người ta đối xử như thế mà biến ta thành vô cảm vô ơn. Hãy tiếp nguồn đạo linh diệu của Phật qua năng lượng Từ Bi, hãy thắp sáng Trí Tuệ bằng ánh pháp quang của Đức Bổn Sư để Bảo Thành và các bạn vẫn tự tại vẫn thong dong vượt bao nhiêu sự gian khó trùng khơi thử thách mà vững chãi bởi ta vẫn luôn cận kề mẹ hiền Quan Thế Âm. Phẩm Phổ Môn dạy niệm hồng danh mẹ hiền Quan Thế Âm là niệm tuệ niệm Từ Bi. Thiền Trí Tuệ, thiền Từ Bi tức là niệm tuệ niệm Từ Bi. Người biết niệm tuệ niệm Từ Bi luôn có mẹ hiền Quan Âm kề cận dẫn bước dìu bước, dắt dìu chúng ta đi. Đừng để những người bạc như vôi dẫn dắt, sỏ mũi kéo ta trượt dài trên miền ác nghiệp. Hãy để mẹ hiền Quan Thế Âm trong sự niệm tuệ và niệm Từ Bi, thiền Trí Tuệ và Từ Bi Chánh Niệm dắt dìu chúng ta vượt qua gian khó để được sự thong dong tự tại, để luôn luôn mang yêu thương san sẻ tới muôn người, để luôn luôn có Trí Tuệ nhìn thấu tất cả những khúc mắc để gỡ.
Cuối năm biết làm được những việc như vậy thì các bạn chính là người tuyệt vời ngồi bên nồi bánh Chưng bánh Tét biết gói những chiếc bánh thật là ngon. Như mấy hôm nay Bảo Thành thấy các sư cô lăn xả vào trong bếp nấu bánh chưng, bánh Tét từ gạo nếp từ nhân, từ lá chuối, từ lá dong cuối cùng thành gói thành bánh tuyệt vời. Biết bao nhiêu những yếu tố đang xảy ra trong cuộc đời ta có thể biến nó thành nhân, biết bao nhiêu phương tiện tu tập của nhà Phật ta có thể biến nó thành lá chuối, lá dong để gói những nhân tố xảy ra rõ ràng trong cuộc đời và nấu nó bằng sự tu tập huân tu. Nhất định sẽ có những bánh chưng bánh tét tuyệt phẩm của cuộc đời mình vào trong những dịp tết này. Nguyện đúc những hương hoa của của giới đức, của hạnh đức, của công hạnh tu tập thành những phẩm vật cao quý cúng dường lên Chư Phật, cúng kiếng cho ông bà cha mẹ và dâng hiến cho mọi người. Đừng để cuộc đời bạc như vôi của ai đó biến mình thành vô ơn vô nghĩa, tha hóa cuộc đời để biến thành phận đời hẩm hiu. Mà hãy mượn luôn cảnh sống của cuộc đời một năm qua. Ai đối xử với ta như thế nào không quan trọng, đừng tự đối xử bạc như vôi với chính mình, đây là lời nhắn nhủ qua chủ đề các bạn gửi về.
Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái. Thưa Phật, những người đã đối xử bạc như vôi với chúng con, nhưng chúng con phát nguyện không để họ tha hóa để biến chúng con trở thành phận đời bạc như vôi hẩm hiu. Nguyện một lòng tu Chánh Niệm Từ Bi và Trí Tuệ để giữa sự bôn ba sình lầy hôi thối chúng con vẫn nở hoa mầm sen tươi sáng. Xin chư Phật gia hộ cho chúng con.
Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang (7 biến)
Chúng ta hãy hồi hướng công đức. Thưa Phật, nếu sự đồng tu ngày hôm nay tạo ra được chút phước báu nào, chúng con nguyện hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.