Bảo Đăng đánh máy, Bảo Ngân biên tập
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn. Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Chúng con nguyện xin chư Phật ban rải năng lượng tình thương, tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì cho chúng con biết Chánh Niệm hơi thở, thiền quán Trí Tuệ và Từ Bi để thấu rõ vạn pháp Vô Thường sanh – diệt, Khổ, Vô Ngã. Chúng con cũng nguyện chư Phật gia trì cho quê hương Việt Nam và toàn thế giới mau thoát khỏi cảnh đại dịch, cho hàng đệ tử chúng con thân tâm thường an lạc, tinh tấn tu học, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt. Và nguyện siêu cho chư hương linh theo thiện nghiệp mà tái sanh cảnh thiện lành. Xin Chư Phật Từ Bi tác đại chứng minh.
Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ, tay trái tượng trưng cho tình yêu thương. Lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương, trong từng hơi thở mỗi một phận người nhỏ bé của chúng ta sẽ đón nhận được thật nhiều năng lượng tình thương của chư Phật. Hãy cùng nhau hồi hướng cho ông bà và các đấng bậc sinh thành, nguyện quý ngài tăng long phước thọ, sống đời an vui.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang (7 Biến)
Mô Phật! Các bạn, chủ đề hôm nay nhìn vào thôi Bảo Thành đã phải suy nghĩ, cố gắng cắt gọn tuổi đời đã qua để một lần quay ngược lại tuổi thanh xuân, tuổi mà 13, 14, tuổi từ bắt đầu lớn lên cho tới thanh niên rất thích cái chủ đề này. Mà các bậc làm cha mẹ ngày hôm nay và ngày xưa cũng phải gặp những cái câu trả lời như vậy từ con cái của mình. “Thích Đâu Cần Lý Do”, đó là cách nói của tuổi trẻ ngày xưa, ngày nay và mãi mãi. Khi cha mẹ hỏi: tại sao làm điều đó? Tại sao lại thích như vậy? Bọn trẻ của chúng ta thuở xưa và thuở nay trả lời ngọt xớt “thích không cần lý do”. Và câu trả lời đó làm cho những người lớn tuổi đôi khi lúng túng. Đúng vậy, trong thời gian qua Bảo Thành gặp một số các bậc phụ huynh còn trẻ và có con cái độ tuổi 14 tới 18 tuổi thời nay, nhiều thứ vui chơi, nhiều sự việc xảy ra, cha mẹ hỏi con cái “Con ơi! Tại sao con lại làm cái chuyện đó? Tại sao con lại mê mệt và thích như vậy?”. Và các em thường trả lời: “Thích không cần lý do” và chúng cười thoải mái khúc khích, vui và cha mẹ cảm thấy ngỡ ngàng.
Trở về xưa, trò chơi ít, game cũng không có, những cái thú giải trí gọi là cực kỳ hấp dẫn như ngày nay không có, các bậc phụ huynh thường nhắc nhở con cái chăm chỉ học hành để có một cái tương lai, sự hướng nghiệp trong cái hướng ý đi tới những cái ngành nghề tốt đẹp và những cái chuyên môn kiến thức cần phải học, gọi là hấp thụ ở trong môi trường như trường học, xã hội và gia đình. Cha mẹ ông bà xưa rất kỹ vấn đề đó. Ngày nay thế giới không còn nằm gọn trong hai chữ gọi là “ao làng” nữa mà ao làng đã biến thành thành phố, thành phố đã gắn kết với toàn thế giới. Những chuyện gì xảy ra ngày hôm nay dù buồn hay vui, thành công hay thất bại, chỉ cần bấm nút một cái ai cũng có thể nhận được, bởi cái thông tin quá nhanh. Những cái thú vui cho tuổi trẻ được chế tác ra bởi những con người nghiên cứu tâm lý của tuổi trẻ, họ sản xuất ra quá nhiều, quá nhanh, nhanh đến mức khủng hoảng. Để rồi tuổi trẻ cũng rượt đuổi theo cái sự khủng hoảng đó để hưởng cái niềm vui và sống trong cái cuộc sống, cái sự cung cấp thú vui mà nó xa khỏi tầm với, xa khỏi sự suy nghĩ. Tuổi trẻ không còn cơ hội thẩm định để xác minh coi cái sự việc đó có nên hay không nên. Cộng thêm cái sự nghiên cứu để làm giàu của những nhà thương mại, họ đã hiểu thấu được tâm lý của tuổi trẻ “thích đâu cần lý do” và thế họ quảng cáo họ tiếp thị quá hay. Tuổi trẻ ngày nay lao mình vào những cái sở thích chẳng cần một lý do gì. Là phụ huynh trong thời đại này, chúng ta gặp nhiều rắc rối, bởi không biết làm sao mà khuyên bảo khi các con của mình ở cái độ tuổi đó.
Chủ đề này gửi về chắc chắn là một bạn cũng không trẻ đâu, chắc cũng lớn rồi ngoài 20. Ngoài cái tuổi trẻ 14, 15, tuổi từ 20 tới 30 ngày nay cũng vẫn thích, thậm chí người lớn tuổi vẫn thích, thích cái câu này, nó hấp dẫn quá mà: “Thích đâu cần lý do” để mà gọi là phù phép, biến hóa cho mình cái cơ hội muốn làm gì thì làm. Thậm chí mà đôi khi vợ hỏi chồng “Sao anh lại như vậy? Sao anh lại thích cứ tan sở xong là đi đến tối mới về? Sao lại thích gặp bạn bè ở ngoài quán? Sao anh lại thích đủ thứ?”. Ông chồng quay ngược lại nói câu như thượng đế phán “thích đâu cần lý do”. Cái “thích không cần lý do” của mỗi con người thường luôn luôn vướng mãi, chẳng phân biệt tuổi tác đâu và cái thích không cần lý do nó làm đổ vỡ hạnh phúc, nó làm tan biến cuộc đời, nó làm cho đau lòng nhau.
Có một chàng thanh niên sống ở thành phố, anh ta sinh ra trong một gia đình may mắn, gia đình giàu làm ăn thành công, có tiếng tăm và quyền lực trong xã hội. Sinh và lớn lên vào cái tuổi thanh niên, nhìn lại cái vai trò của cha mẹ, đi ra ngoài đường ai cũng kính mến, ai cũng sợ hãi khúm núm bởi cha mẹ là người có quyền lực trong xã hội, giàu. Anh ta cảm thấy tù túng bởi vì lời cha mẹ căn dặn anh ta phải làm cái này, phải làm cái kia, để cho anh ta dần dần đi vào cái khuôn mẫu chỉnh tề, để sau này nương vào cái sức mạnh của quyền lực và sự thành công của gia đình, và người con trai này có thể vươn lên đỉnh cao hơn. Nhưng người con trai tính tình khác biệt, cảm thấy khó chịu với cái sự ràng buộc của gia đình. Một hôm gia đình mới dắt anh ta tới nhờ một vị thầy ở trong chùa, cho anh ta vào một cái khóa nhập thất ngắn gọn trong 3 ngày cuối tuần và mong rằng vị thầy kia sẽ có cái giáo pháp linh liệu và phương tiện để mà đánh thức người thanh niên trẻ này. Người thanh niên trẻ gặp vị thầy đó giãi bày đủ mọi chuyện rằng anh ta muốn làm, anh ta có cái sở thích làm những điều mà mình thích, không thích bị ràng buộc bởi những cái luật, bởi những cái điều cấm kỵ ngăn cản của gia đình. “Nhưng Thầy ơi! Ở nhà cha mẹ ngăn cản làm cho con khó chịu, đã nhiều lần muốn bỏ nhà ra đi. Hôm nay con nể cha mẹ lắm mới vô đây gặp thầy, thầy làm ơn thầy nói với cha mẹ của con, tuổi trẻ của tụi con thích đâu cần lý do, thích cái gì làm cái đó cho nó thỏa mãn cái ước mơ, cái cảm xúc, cái niềm vui là được rồi”. Vị thầy kia nói: “Ờ! Hồi trẻ thầy cũng như con, thích cái gì thì không có cần lý do, muốn làm là làm. Cho nên bỏ luôn cha mẹ, bỏ nhà cửa đi”. Anh chàng thanh niên vỗ tay khen: “Thầy giống y như con, con cũng muốn bỏ nhà đi, muốn làm gì thì làm, bởi những điều con thích không cần có lý do, không sự ràng buộc nào ngăn cản được, chẳng thích cha mẹ”. Vị sư cũng nói: “Thầy hồi nhỏ cũng như vậy, thích không cần lý do, bỏ nhà cửa ra đi”. Hình như hai cái này hợp hợp. Mà người thanh niên chẳng bao giờ hỏi thầy thích cái gì mà thầy bỏ nhà thầy đi, anh ta chỉ thấy thỏa mãn bởi có một người trả lời cái câu phù hợp như cái điều anh suy nghĩ.
Cha mẹ tới rước anh ta về, hỏi với vị thầy rằng: “Ba ngày tu thầy dạy con của chúng tôi cái gì?”. Thầy nói “Thầy dạy cho nó thích thì cứ việc làm, không cần có lý do, bởi vì hồi xưa thầy cũng thích không cần lý do, đâu cần có lý do. Thầy đã bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ hết đi rồi, không cần lý do, cho nên thầy nói với nó thích đâu cần lý do, cứ làm đi.” Cha mẹ sợ hãi bởi vì nghĩ rằng ông thầy sai rồi, dắt con tới ông thầy chỉ cũng sai, thất vọng mang con về. Mà quả thật, vị thanh niên đó đã bỏ nhà ra đi. Sau một thời gian dài, anh ta làm những cái chuyện anh ta thích, gọi là thích đâu cần lý do, nhưng những điều anh ta thích đó nó không hình thành như ước muốn.
Ba tháng sau, cái người mà anh ta yêu bỏ anh ta, rồi công việc làm của anh ta để có tiền mà đi chơi với người bạn gái thì bị đuổi, không còn tiền nữa. Đau khổ vì thất tình, anh ta tới hỏi ông thầy: “Thưa thầy! Tại sao người yêu của con lại bỏ con? Nó chê con là không có tiền, không có một cái tương lai, nó bỏ. Mới đầu yêu nhau dữ lắm, nhưng sao bây giờ nó bỏ con?”. Thầy mới hỏi: “Vậy thì con có làm cái điều mà con thích không?”. Anh ta đáp: “Con có con tới với người bạn gái là theo sở thích”. Và ông lại hỏi: “Vậy khi con tới với người bạn gái và người bạn gái tới với con có lý do gì không?”. Anh ta nói: “Thì theo thầy dạy: thích không cần lý do”. Và anh ta nói tiếp: “Hồi xưa thầy thích cũng không cần lý do, thầy bỏ nhà, bỏ cửa, con cũng làm theo thầy mà bây giờ đau khổ”. Thầy hỏi: “Bây giờ con muốn hỏi gì?”. Người thành niên đó chỉ cần hở miệng ra là thấy cái mùi không cần lý do, nhưng mà cuối cùng đau khổ quá nên anh ta mới hỏi ông thầy rằng: “Tại sao và tại sao?”. Lúc đó, ông thầy mới nói “Nếu thuở xưa khi con gặp cô này mà con hỏi tại sao ta thích cô ta và con suy nghĩ thì cô ta không bao giờ bỏ con. Nhưng hồi ấy con thích người đó không có lý do, chỉ thích thôi, thỏa mãn cảm xúc thôi, cho nên bây giờ có cái lý do để cô ta rời xa con. Cô ta có lý do để rời xa con, bởi vì con tới với cô ấy không có lý do để tới. Anh ta bàng hoàng và hỏi ông thầy: “Vậy thì tại sao hồi xưa thầy thích cái gì đó mà thầy bỏ nhà, bỏ cha, bỏ mẹ đi không cần lý do”. Ông Thầy trả lời y chang như anh ta đã hành động: “Hồi xưa thầy cũng như con, cũng trải qua thất bại và thầy cũng đã tìm tới chùa hỏi các vị chùa rằng tại sao Đức Phật cứ ngăn cản người ta, cấm đoán người ta”. Thì có một vị thầy chùa nói rằng: “Phật không bao giờ ngăn cản ai, Phật chỉ chỉ cho họ hai con đường, một con đường đi trên thảm và một con đường sẽ bị sập xuống hố sâu, Phật chỉ chỉ đường chứ không ngăn cản”. Và nhà sư đó đã nói với thầy rằng: “Phật chỉ rằng đừng làm điều ác, làm điều thiện đi thì đời an vui, Phật không có cản, không có cấm.”
Và phải trải qua ba tháng trời vị thầy đó mới giải thích cho vị thanh niên này hiểu rằng: ở trên đời này bất cứ một việc gì xảy ra, muốn hay không muốn nó cũng có cái lý do, không có một sự việc gì xảy ra mà không có lý do. Ba tháng sau anh ta thấm nhuần cái đạo lý nhân quả và nghiệp. Và từ đó anh ta thấy ngay cả cái chuyện tiến tới yêu thương một người con gái thủơ đầu nghĩ rằng không có lý do gì, không cần lý do để yêu thương, chỉ cần thích là tới, nhưng sau này anh ta hiểu cái điều mà anh ta cho rằng không có lý do đó có cái lý do nghiệp duyên nhiều đời đi tới và cũng có cái lý do cần phải chia tay.
Thấu được nhân quả và nghiệp duyên, con người thấy vạn pháp trên đời sanh – diệt vô thường đều có lý do. Chính vì lý do cho sự việc này cho sự việc kia xảy ra thường hiện hữu trong cuộc đời, mà Phật đã dạy cho chúng ta cần phải quán chiếu, cần phải nhìn rõ để hiểu được cái lý do. Chữ “lý do của sự việc xảy ra” đó là chữ thời đại mới, cũng như cái câu cái mốt ngày nay “thích đâu cần lý do” cho tuổi trẻ muốn làm gì thì làm. Cái chuyện “thích không cần lý do” đã chứng tỏ sự mất phương hướng, mất định hướng của cả những thế hệ trẻ ngày nay. Họ không tìm được cái lý do sống, có thể là vì nghề nghiệp, có thể là vì giáo dục, có thể là vì hoàn cảnh sống trong một cái môi trường chính trị, xã hội, không có một cái điều gì vững chãi, vững chắc xây dựng nên cho tuổi trẻ cho nên tuổi trẻ mất định hướng và từ đó họ lao đầu vào làm bất cứ điều gì họ muốn làm.
“Thích đâu cần lý do” ngày nay nói trong cái xã hội hiện thời tuổi trẻ ai cũng thích câu này và từ đó biết bao nhiêu sự cám dỗ ở đời từ những cái loại thuốc mê, thuốc lắc, rồi những cái thứ ăn chơi xả láng, họ cứ lao đầu vào và chẳng cần biết ngày mai sẽ ra sao. Thích đâu cần lý do. Cha mẹ ngày nay khổ là bởi vì con cái không bao giờ tư duy sâu, suy nghĩ sâu, họ thích là họ làm, họ không suy nghĩ, dần dẫn tới không hẳn những thế hệ trẻ, mà còn hầu hết mọi người ngày nay cũng cứ thích là làm, chẳng cần lý do. Mà cái điều này hình như xảy ra đối với Bảo Thành và các bạn, khi chúng ta muốn thỏa mãn cái cảm xúc, cái sở thích trời ngăn cũng không được, ông trời cản cũng không được, ta cứ nói thích đâu cần lý do. Nhưng khi đau khổ như anh chàng kia, khi đau khổ các bạn nhớ, chúng ta thường ngẩng mặt lên trên trời và nói “Trời ơi! Tại sao?”. Các bạn thấy không? “Trời ơi! Tại sao, tại sao, tôi lại bị như vậy, tôi lại bị như kia?”. Mà ông trời đã nói rằng: “Đừng làm như thế, nguy hiểm!”, ta không nghe. Đến khi ta làm khổ rồi thì ta than trời, ta trách cứ ông trời, mà thật ra ông trời đã từng khuyên chúng ta rồi. Hoặc là chúng ta chạy tới các đấng ta tôn thờ, Chư Phật, Bồ Tát: “Phật ơi! Bồ Tát ơi! Sao con lại bị như vậy?”. Nhưng mà Phật, Bồ Tát, Thánh hiền đã dạy cho chúng ta đừng làm những chuyện này, đừng làm chuyện ác, hãy làm chuyện thiện. Thiện – ác, nhân – quả Phật đã dạy rành rành nhưng ta không bao giờ nghe, chỉ khi đau khổ tột cùng chạy tới rồi trách móc tại sao.
Chính vì cái chữ “Tại sao, Trời ơi! Phật ơi! Tôi bị như vậy?” mà ta đã làm cho Phật giáo biến tướng, bởi nghĩ Đức Phật là đấng có quyền năng trừng phạt chúng ta hoặc là ban cho chúng ta. Từ đó, ta tới với Phật là để cầu nguyện xin Ngài ban để ta khỏi xui, khỏi bị đau khổ, khỏi bị buồn và biến Đức Phật thành ông thần để cầu xin. Thật ra Đức Phật là vị thầy, Ngài chỉ khuyên và dạy, đau khổ và hạnh phúc là sự lựa chọn của chúng ta. Thấu rõ được nhân quả là hiểu được cái lý do tại sao ta vui, tại sao ta buồn, tại sao ta khổ, tại sao ta thành công, tại sao ta hạnh phúc và an lạc. Rất quan trọng, là Phật tử tại gia chúng ta nhất định không thể thích đâu cần lý do, mà phải hiểu được mọi nguyên do của từng sự việc đã và đang xảy ra trong cuộc đời, nhìn thấu. Cái phương pháp nhìn thấu đó là giúp cho chúng ta củng cố được cái sự hiểu biết về nhân quả và nghiệp. Nếu người Phật tử tại gia không hiểu về nhân quả, không tin về nhân quả, không hiểu về nghiệp, không tin về nghiệp thì nhất định cái câu thích đâu cần lý do sẽ là cách sống của họ, và ông trời sau này sẽ bị khiển trách bởi sự thất bại sẽ tới với người đó mà thôi.
Khi ta còn trẻ, cái sức trẻ vẫn cho phép ta vấp ngã và thất bại nhiều lần, bởi ta nghĩ ta còn trẻ, vấp ngã là chuyện thường, đứng dậy thôi, thất bại là chuyện thường, làm lại cuộc đời, thích cứ làm không cần lý do. Và cứ như thế chúng ta phung phí tuổi trẻ và sức khỏe. Đến khi cái tuổi trẻ và sức khỏe đã cạn rồi thì hỡi ơi cái điều thích không cần lý do sẽ là hàng vạn lý do cho ta thắc mắc. Nhưng lúc đó lực bất tòng tâm, muôn sự ở đời khó có thể cải hóa, thay đổi được. Ý thức được nhân quả, hiểu thấu được nhân quả, ý thức về nghiệp và hiểu thấu về nghiệp giúp cho mọi người chúng ta luôn an vui và hạnh phúc. Đức Phật luôn luôn muốn chúng ta hưởng được niềm hạnh phúc và an vui vốn có nơi tự tánh. Chúng ta đã chôn vùi cái quyền sống hạnh phúc và an vui, và tìm bới sự đau khổ và thất bại chính là bởi vì chúng ta đã ỷ vào sức trẻ và sức khỏe. Ai cũng có một thời tuổi trẻ và cũng có một thời sức khỏe mạnh, thời trẻ và sức khỏe như cơn mưa rào rất nhẹ rất thoáng, nhưng các bạn biết rồi nó đi mất từ lúc nào không hay bởi đó là cơn mưa rào. Mỗi một người chúng ta thường ỷ vào sức trẻ và sức khỏe để làm bừa, không suy nghĩ.
Nói đến “thích đâu cần lý do” thì cái thích của mọi người chung quy đều là để làm sao hạnh phúc và bình an, phải không các bạn? Ta có được một căn nhà, một chiếc xe, có được một người yêu thương, có công việc làm cũng là để đạt được cái sự hạnh phúc và bình an. Bất cứ điều gì bạn thích nếu bạn suy nghĩ kĩ đều với cái mục đích là để được hạnh phúc và bình an. Không ai thích đau khổ đâu, không ai thích phiền não đâu. Cho nên cái câu “thích không cần lý do”, “thích đâu cần lý do” là hoàn toàn sai, bởi vì ta không suy nghĩ. Bạn hỏi 100 người, 1.000 người thì ai cũng thích hạnh phúc và bình an, chẳng ai thích đau khổ và phiền não. Chỉ có người nói càn, tức là người đó nói càn thôi còn trong thâm sâu của cảm xúc, của sự suy nghĩ, tất cả mọi chúng sanh đều mong cầu hạnh phúc và bình an, đều thích hạnh phúc và bình an.
Điều này đã được củng cố vững chắc bởi Đức Phật, Đức Thế Tôn. Ngài nói với chúng ta, Ngài nói rằng: “Mọi chúng sanh đều mong cầu và thích tận hưởng sự hạnh phúc và bình an”. Chính vì đó mà Ngài mới hướng dẫn cho chúng ta đừng sát sanh, đừng trộm cắp, đừng tà dâm, đừng nói dối và đừng uống sử dụng các chất say. Năm cái điều đừng làm này là để đừng tạo đau khổ và phiền não cho người khác và cho ta. Và năm cái điều không nên làm này là để cho chúng ta có cơ hội tận hưởng được sự hạnh phúc và bình an, và làm cho mọi người đều đồng như ta có cơ hội như vậy. Ỷ vào sức trẻ và sức khỏe, ta sống không cần lý do khi làm khi thích, từ đó ta đã chẳng bao giờ màng tới, nghĩ tới những điều Đức Phật dạy, những điều các đấng ở trên cao trong nền tôn giáo ta theo hướng dẫn, mà ta chỉ thỏa thích không cần lý do cho tất cả những việc ta muốn làm. Và rồi cái kết là sự đau khổ và phiền não, ta vội vội vàng vàng chạy tới Phật, tới ông trời, tới Thượng Đế ta than rằng tại sao, tại sao và trách ông trời không công bằng, trách Phật chẳng công bằng, người ta như vậy mà tôi như thế này. Mà thuở xưa thật rõ Phật trời dạy cho chúng ta nhân quả đã tạo nên cái nghiệp duyên đó, chỉ cần chú ý một chút xíu thì cái thích vốn có nơi chúng sanh, thích sự hạnh phúc và bình an, mỗi người sẽ gặp và tận hưởng được.
Nay Phật tử tại gia của chúng ta nhớ rằng đừng để cho những cái triết lý tầm phào “thích đâu cần lý do” của những người thương mại, làm giàu cho họ bằng cách đào khoét trong cái sở thích tâm lý của tuổi trẻ để xô đẩy chúng ta vào muôn điều cám dỗ, tội lỗi, lao đầu vào bóng tối, làm không cần suy nghĩ để cái hậu quả và cái kết là tạo ra nhiều sự đau khổ, và nó kéo dài trong suốt cuộc đời của chúng ta. Hãy luôn luôn học theo Đức Phật, học về nhân quả và nghiệp, nhân nào quả đó, mọi nhân của cái hạnh phúc và những việc thiện sẽ tạo ra an vui và an lạc. Nhân nào quả đó, cái nhân đau khổ và phiền não sẽ tạo ra cái quả đau khổ và phiền não, cái quả hạnh phúc và bình an do nhân hạnh phúc và bình an tạo ra. Chú trọng cái nhân và quả này đơn giản như thế, đừng cầu kỳ, đừng phân tích, đừng chi tiết quá. Tóm lại, Phật nói cái nhân ác tạo ra sự xui xẻo, sự thất bại và phiền não, cái nhân thiện tạo ra cái quả là hạnh phúc và an vui. Ngày nay khi bạn thấy được hạnh phúc và an vui, cảm nhận được bạn thấu ngay cái nhân thiện bạn đã làm. Ngày nay bạn thấy cái quả đau khổ và hạnh phúc là bạn phải thấu ngay cái nhân thiện hay nhân ác bạn đã gieo, đó là nhân ác không sai. Hiểu được điều này nhất định ta sẽ tìm trở lại được cái gia tài vô giá là sự an lạc và hạnh phúc vốn có nơi chúng ta.
Xã hội càng phát triển thì cái lòng tham của con người càng tăng trưởng, những nhà kinh tế họ thật khéo nghiên cứu về tâm lý học, đào bới cái sở thích của tuổi trẻ, bởi vì tuổi trẻ là kho vàng cho họ đào bới. Tuổi trẻ thích đâu cần lý do, xài không cần suy nghĩ, làm không cần hỏi và bởi vì như vậy những nhà thương gia họ đã đầu tư vào nghiên cứu để khai thác các sở thích của tuổi trẻ không cần lý do, làm giàu cho họ nhưng lại làm cạn kiệt hạnh phúc và bình an cho tuổi trẻ, cho thế hệ mới ngày hôm nay. Người ta càng giàu nhưng tuổi trẻ chúng ta càng cạn kiệt và nghèo. Để rồi dẫn tới hậu quả là mai sau chúng ta hoàn toàn thất bại bởi quãng thời tuổi trẻ ta đã đốt, ta đã làm cạn kiệt tất cả. Là Phật tử tại gia ngày hôm nay, chúng ta phải biết Chánh Niệm hơi thở để biết dừng lại nghỉ ngơi. Người biết dừng lại nghỉ ngơi trong Chánh Niệm hơi thở là người biết nuôi dưỡng sự hạnh phúc và bình an, là người hiểu thấu được lý do của muôn sự ở đời đang xảy ra với ta và với người. Chánh Niệm hơi thở là người biết dừng lại để nhìn thấu nhân quả, để nhìn thấu được nghiệp lực, để làm chủ mọi tạo tác ngay trong Chánh Niệm hơi thở, để tận hưởng được kho báu là hạnh phúc và bình an nơi tâm tánh thiện lương của mỗi người.
Hôm nay các bạn nhớ, chỉ còn một chút xíu nữa thôi, hơn một tuần nữa thôi là Tết tới rồi, nhất định trong một năm qua, hai năm qua đại dịch bao trùm, người ta bị tù túng dữ lắm và sẽ có hàng vạn thứ mà chúng ta thích. Nhưng nhớ cái vị thầy kia nói với vị trai trẻ: tôi có một thời thích mà không cần lý do, nhưng khi đau khổ thất bại, thầy của tôi đã nhắc lại và tôi đã hiểu tất cả những cái điều gì xảy ra trong cuộc đời đều có lý do và Phật đã khai thị: nó đi tới từ nhân quả và nghiệp. Lý do là từ đó, đừng tưởng lầm không có lý do. Người ta đã che mờ lý trí, đã phủ lên cái sự hào nhoáng để kích động tuổi trẻ phá tan đi những cái tốt đẹp vốn có nơi ông bà truyền lại cho chúng ta khi nhập thế làm người, để rồi ta phá sản toàn bộ cái kho báu của ông bà, của cha mẹ, phung phí cạn kiệt hết. Cứ thế “Thích đâu cần lý do” nên khổ và thất bại.
Hơn một tuần nữa là Tết tới, Bảo Thành chia sẻ với các bạn rằng chúng ta hãy trở về nghiên cứu kinh sách nói về nhân quả và nghiệp. Bảo Thành thử thách các bạn trẻ hãy lên trên mạng, các trang web, lên Google, hãy bấm vào luật nhân quả và nghiệp, kinh của Phật dạy, các bậc tôn túc thường đã giảng về nhân quả và nghiệp rồi. Các bạn hãy dành riêng chỉ một tiếng đồng hồ nghiên cứu đọc lại để ta thấu rõ được rằng ở trên đời không có cái gì mà không có lý do, tất cả mọi lý do đưa đến sự việc này, sự kiện kia, xảy ra cho mình và cho người không nằm ngoài hai chữ nhân quả thiện ác và nghiệp. Hiểu được cái điều này chính là đưa chúng ta trở về cái kho tàng vô giá nơi cái tâm tánh thiện lành vốn có ở trong ta.
Đau khổ đã quá nhiều trong năm qua, bệnh dịch đã càn quét ở trên khắp thế giới và để lại nơi Việt Nam quê hương và nơi cõi lòng của mỗi người biết bao nhiêu sự đau thương. Chúng ta hãy nhìn lại thật kỹ, đừng thích đâu cần lý do để phung phí cuộc đời khi còn trẻ và khi còn khỏe. Nhân khi còn trẻ và còn khỏe thấu rõ được những cái lý do, những cái nhân quả và nghiệp để chúng ta đi đúng cái con đường, giữ được sự bình an và hạnh phúc. Và phải khẳng định thật rõ Phật dạy cho chúng ta, ai ai cũng thích hạnh phúc và bình an, chẳng ai thích đau khổ và phiền não. Do đó mọi điều ta thích luôn có lý do, đừng viện cớ, viện dẫn thích đâu cần lý do để lao đầu vào sự cám dỗ mà tự hủy hoại phước báu của chúng ta. Hãy trở về với lời của Phật dạy thật đơn giản, kinh sách ngày nay đầy hết ở trên các trang mạng, chúng ta sống trong cái thời đại có thật nhiều phước báu bởi vì ta có cơ hội tiếp cận với kinh sách, giáo lý của Đức Phật, tiếp xúc với những sự giảng dạy cặn kẽ chi li của các bậc trưởng thượng, tôn túc, những bậc thiện tri thức. Rất tiếc là chúng ta ít có khi nào nghe và thực tập mà đã bị đắm chìm trong cái câu “thích đâu cần lý do”. Gặp ai đó mình hỏi tại sao làm việc đó, người ta chỉ cười khúc khích và nói rằng thích đâu cần có lý do, thế là ta sướng, ta cười cũng tít mắt. Tại câu đó làm ta sướng, sướng vì ta muốn làm gì thì làm, chẳng sợ trời, chẳng sợ đất, nhưng khổ rồi thì kêu trời kêu đất, than gầm cả cái góc trời đen tối trong tâm thức của ta. Đừng nghĩ Phật là ông thần, đừng biến Phật thành ông thần để van xin và khiển trách. Đừng ngửa mặt lên trên trời để trách trời mà cúi mặt xuống khiêm tốn sám hối và nhìn rõ để nhận thức rằng Phật đã khuyên ta, Trời đã khuyên ta, các đấng giác ngộ đã khuyên ta, các bậc thầy đã khuyên ta và đã chỉ cho chúng ta thấy rằng ở trên đời này hiện tượng nào cũng có lý do.
Bảo Thành gửi đến một sự thách đố mới và cũng là cũ rồi, trong những ngày cuối của năm, hãy tìm hiểu về nhân quả và nghiệp để tăng trưởng cái niềm tin vào đó, để một lần nữa dù các bạn đã đi tới đoạn đường nào đó tạo ra nhiều đau khổ cho bạn thì bạn vẫn còn có cơ hội để chuyển hóa thay đổi. Và đây chính là món quà vô giá trong dịp cuối năm mà ta đang hình thành để đầu năm ta có một cuộc sống mới, tiếp cận được với niềm hạnh phúc an vui nơi tự thể và san sẻ tới mọi người ta đang có cơ hội đồng hành trong cuộc đời.
Các bạn hãy đặt bàn tay phải và bàn tay trái vào với nhau. Thưa Phật! Người ta đã tiêm nhiễm ý tưởng “thích không cần lý do” để làm cho chúng con lao đầu vào những thú vui tội lỗi tạo ra nghiệp. Nay đã hiểu nhân quả và nghiệp, muôn sự ở đời đều có nhân, có quả, đều có lý do, xin Phật gia trì cho chúng con biết Chánh Niệm hơi thở, biết quán chiếu sâu sắc, hiểu thấu mọi nguyên nhân đi theo lời Phật dạy, thực hành để chứng đắc được sự an vui và hạnh phúc trong cuộc sống.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang (7 Biến)
Chúng ta hãy hồi hướng công đức. Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con ngày hôm nay nếu tạo được chút phước báu nào nguyện hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.