Search

Bài 2214. Thế Giới Song Song | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facbook Chua Xa Loi! Chúng ta với một lòng thành kính hãy quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu đồng tu!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương tha lực Phật điển đại Từ đại Bi xuống muôn loài chúng sanh và gia độ cho chúng con biết tinh tấn Chánh Niệm hơi thở thiền quán chiếu Từ Bi và Trí Tuệ để nhận rõ các pháp Vô Thường sanh diệt, Khổ, Vô Ngã. Nguyện xin chư Phật gia hộ cho Việt Nam và toàn thế giới mau thoát khỏi cảnh đại dịch, cho hàng đồ chúng của chúng con đây thân tâm thường an lạc, tinh tấn tu học, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt. Nguyện hồi siêu cho chư hương linh theo thiện nghiệp mà tái sanh. Xin chư Phật tác đại chứng minh!

Mời các bạn đặt bàn tay phải – bàn tay tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái – tượng trưng cho Từ Bi!

Chúng ta hãy cùng nhau lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương, từng hơi thở vào ra gắn kết mật thiết với chư Phật đón nhận năng lượng, ta nguyện rải tới muôn người.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì Mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

(16:20) Mô Phật! Các bạn, hồi xưa hai chữ “năng lượng” hình như nó xa, nó xa vời cuộc đời nhưng thực tế, mọi vật ở trên hành tinh này, mọi vật trong vũ trụ này đều nương vào năng lượng vốn có nơi tự thể tồn tại. Chúng ta thấy mọi hiện vật đều có năng lượng và câu thường hay nói ngày hôm nay là “Bạn có năng lượng tốt hay là xấu?”, “Hôm nay tôi dư giả năng lượng để làm việc”, và người ta đã đi theo chiều hướng tích lũy năng lượng tốt để làm việc, để sống. Năng lượng gần gũi với con người. Trong Mật Thiền, song song với chánh niệm hơi thở, chúng ta thể nhập vào tự tánh của bậc giác ngộ để đón nhận, để thừa hưởng tràn đầy năng lượng tình yêu và trí tuệ. Mỗi một khi chúng ta hít vào thật sâu trong chánh niệm và thở ra rất từ từ trì mật chú, Bảo Thành và các bạn đều đón nhận được năng lượng chuyển động trong thân tâm. Mỗi một ngày đồng tu với các bạn, Bảo Thành đón nhận được thật nhiều năng lượng, cảm thấy phấn chấn khỏe mạnh, trí tuệ tịch tĩnh và có nhiều cơ hội nhìn xuyên qua, nhìn thấu những sự việc mà ngày qua ta chưa nhìn rõ. Thiền Mật song tu là một pháp phương tiện phù hợp với thật nhiều người, nhất là hoàn cảnh Phật tử tại gia làm việc nhiều, nếu các bạn thường xuyên tu tập thì các bạn có thêm tha lực, nguồn năng lượng của Phật hỗ trợ cho nguồn tự lực đang tác động trong công việc đời sống hàng ngày, như người có đầy đủ cả hai tay, tự lực và tha lực, các bạn sẽ hạnh phúc hơn!

Chủ đề “Thế Giới Song Song” là một chủ đề đi sâu sẽ thấy tuyệt vời! Hầu hết nhiều pháp môn và có nhiều cách nói giáo dục trong Phật pháp cũng như thuộc các tôn giáo khác, nhận diện thế giới chúng ta đang sống trên mặt đất này là khổ, là bất ổn, là vô thường, là mong manh, đủ mọi thứ, rồi diễn bày, vẽ cho chúng ta một thế giới diệu vời, xa xôi nào đó tạm gọi là thế giới Cực Lạc hay là một thế giới ở cõi chư Thiên, Niết Bàn, Thiên Đàng hoặc cõi Tiên để chúng ta phải chấp nhận rằng thế giới đau khổ này cần phải từ bỏ, hướng hoàn toàn năng lượng và sức mạnh để đi tới một thế giới nào đó xa xa, người ta gọi là thế giới song song, thế giới mặt đất khổ thì đi tới một thế giới khác. Do đó trong kinh điển, sau thời Đức Phật viên tịch, khoảng vào đầu thế kỷ thứ nhất, Tây lịch có nghĩa là sau 500 năm Đức Phật viên tịch, người ta bắt đầu hình thành cách nói về văn tự trong kinh thường diễn thuyết về một thế giới nào đó mà chúng ta cần phải quy về, phát nguyện về để từ bỏ thế giới đau khổ này – thế giới Ta Bà đau khổ này, đi về thế giới đó. Cho nên có nhiều pháp tu mà người ta chỉ cứ luôn luôn nghĩ tới thế giới khác và từ bỏ thế giới này. Từ đó nó ảnh hưởng tới một hệ lụy trong cuộc sống, khi gặp khó khăn, người ta bỏ ngay, người ta tìm cái nhẹ nhàng sung sướng, dẫn tới là tình trạng trong gia đình, vợ chồng khi cãi cọ, đau khổ, gian truân, có thể là vợ hoặc là chồng thấy không tồn tại được trong gia đình, liền bỏ vợ hoặc bỏ chồng đi tìm một người khác và nghĩ rằng người khác sẽ mang lại hạnh phúc cho chúng ta. Và hình như nó bắt đầu lây lan vào mọi cách sinh hoạt trong cuộc sống, cứ thấy khổ, cứ thấy khó khăn là chúng ta bỏ cuộc, đi ngay chỗ khác để cho sung sướng. Đây là một cách suy nghĩ hoàn toàn tiêu cực! Nếu theo chủ đề này trở lại bài chuyển pháp luân đầu tiên Đức Phật dạy về Tứ Thánh Đế, Ngài nói đến sự song song trong thế giới hiện tại ta đang sống, mọi sự việc xảy ra đều song song với nhau ngay ở đây, chỗ này, cõi Ta Bà, chẳng phải cõi này xấu, uế trược để mơ tưởng một cõi khác mà thoát đi, nhưng ngay trong cõi này, song song với những sự đau khổ là có hạnh phúc, song song với điều xấu, ác là có điều đẹp và thiện.

Kinh Tứ Thánh Đế nói thật rõ có khổ, tức là Khổ, Tập, Diệt, Đạo, có khổ thì phải có hạnh phúc, có những nguyên nhân tạo ra khổ thì phải có những phương pháp hình thành ra sự hạnh phúc ngay trong cuộc đời này, nó song song với nhau. Cho nên khi chúng ta được học từ Đức Phật, nhận diện ra sự khổ đau trong cuộc đời chẳng phải là mong cầu đi tới một thế giới khác, mà Đức Phật dạy cho chúng ta nhận diện ra sự khổ đau trong cuộc đời để nhận ra sự hiện diện của hạnh phúc cũng ngay trong cuộc đời đang song song với nhau. Chỉ cần xoay lưng lại với đau khổ và chỉ cần vắng mặt sự đau khổ là hạnh phúc sẽ lộ mặt hiển diện và ta sẽ chạm được vào hạnh phúc. Chỉ cần nhìn thấu nguyên nhân tạo ra khổ, ta sẽ nhận diện ra phương pháp để xây dựng hạnh phúc cho cuộc đời. Cho nên chân lý của Đức Phật trong Tứ Thánh Đế hướng dẫn cho chúng ta thường trụ ngay trong cái phước duyên hiện hữu trong cuộc đời để thành tựu cuộc đời này, sống trong thế giới an lạc. Mọi thế giới, mọi hiện tượng đều song song với nhau, không cần phải từ bỏ, đi tìm ở chỗ nào xa mà chỉ cần nhận rõ để thấy được sự hiện diện của một vấn đề khác đang song hành trong cuộc đời. Nếu bạn thật đau khổ, thì Đức Phật chỉ cho bạn tìm để thấu được sự đau khổ đó, nguồn căn đau khổ đó, chẳng phải là để ám chỉ rằng cuộc đời của bạn, cơ duyên của bạn, nghiệp của bạn quá nhiều làm cho bạn khổ, mà đây chính là phương pháp mà Đức Phật vạch ra, để bạn có thể tìm và chạm được hạnh phúc ngay trong chỗ bạn đang khổ. Rất là hay! Nếu hiểu lầm, ta hay từ bỏ để đi tìm một sự ảo diệu nào đó, nếu hiểu thấu ta sẽ nhận diện ngay trong chỗ ta đang khổ đau đó, hạnh phúc ngay sát kề, ngay trong chỗ thất bại đó thì sự thành công nó đang hiện diện, chỉ cần nhận rõ ra sự thất bại, nguyên nhân gây ra sự thất bại, bạn sẽ tìm ra phương thức để đạt đến sự thành công viên mãn.

Thế giới song song thật là rõ như ta đang sống, thì sự chết cũng song song với sự sống! Mà đúng, khoa học đã chứng minh ta đang sống, nhưng song song với thể sống của ta, là sự chết của từng tế bào vi tế đang thay đổi, tế bào chết đi rồi một tế bào mới sống, được hiện diện, và rồi lại một tế bào sống, hiện diện đó sẽ chết đi để có một tế bào mới nữa sống, hiện diện. Đây là những nhà khoa học về y học chứng minh và đây là sự thực, chúng ta, ai ai trong kỷ nguyên mới đều được học và hiểu thấu. Song song với sự sống là sự chết, song song với cái khổ là hạnh phúc, song song với cái buồn là an vui, luôn luôn có hai bề mặt song song như vậy hiện diện! Người ta cứ nói đạo Phật là tiêu cực bởi luôn nói và hướng dẫn người ta quán chiếu sự đau khổ. Không! Hiểu sai, hiểu nhầm! Hiểu đúng thì Đức Phật là bậc thầy có con mắt tuệ nhìn xuyên suốt qua sự khổ đau, phiền não, thất bại của con người và nhận ra hạnh phúc, an lạc và thành công ngay ở trong đó, song song với nó. Từ cái ý nghĩa hiểu thấu được điều này, mỗi người chúng ta nhận diện rằng, giữa cuộc đời, đời sống của con người, vật chất, tinh thần thì có một đời sống tâm linh song song với nhau, hay nói đúng hơn, giữa đời và đạo là hai con đường song song, tìm cầu đạo pháp chẳng phải là hủy diệt, từ bỏ, khước từ cuộc đời ta đang sống để đi tìm về một con đường đạo ở thế giới nào đó xa xôi không ai diễn tả mà chỉ vẽ như những họa sĩ mù mà thôi. Phật chẳng tới thế gian khi giác ngộ để hứa hẹn một miền đất hứa, một thế giới xa xa cõi nào đó để nói rằng chúng ta phải từ bỏ cuộc đời này để đi về thế giới đó, mà Ngài tới thế gian này trong sự tu luyện với công hạnh miên mật thiền tu đi đến sự giác ngộ và hiểu thấu đạo – đời song song, giữa cuộc đời của con người, ta có đủ phước duyên hiện thân, thì con đường đạo cũng song song ngay chỗ đó, chẳng phải bỏ đời để tìm đạo mà nhìn thấu được cuộc đời sẽ thấy được đạo, nhìn thấu trong cái khổ của kiếp người, kiếp nhân sinh sẽ thấy được cái hạnh phúc trong đời sống tâm linh đang hiện hữu. Phật không dạy chúng ta từ bỏ, chạy trốn để mưu cầu một thế giới mới mà Phật dạy cho chúng ta nhìn thấu để sống thật sự!

Nhiều người cứ luôn luôn nói thế giới này là khổ đau, là vô thường, là bất tịnh, là xấu, phải từ bỏ để đợi chết mà về thế giới khác. Không! Đó là cách nói hoàn toàn tiêu cực! Đối với các Phật tử tại gia, khi chúng ta có một gia đình là vợ, là chồng và có con cái, ở trên có đấng bậc sinh thành, mọi hoạt động bình thường của xã hội loài người là hiếu đạo và phụng hiếu cha mẹ, yêu thương, đùm bọc, che chở tình nghĩa vợ chồng, nuôi cho con cái trưởng thành, nếu bỏ đời thì rồi ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái bỏ đâu, ngoại trừ những con người lìa cuộc sống bình thường, đi vào con đường đạo. Nhưng không bỏ đời nghe các bạn! Có một nghĩa vụ khác, không lập gia đình nhưng gắn kết với môi trường sinh hoạt của chùa chiền, của đạo pháp để hình thành một cách sống song song với thế ở đời, kề cận với thế ở đạo. Ở đời ta thể nhập vào cuộc sống trong cuộc đời hoàn thành trách nhiệm, ở đạo ta cảm ứng với chư Phật hiện hữu song song, không có xa. Vậy nên người tu đạo chẳng phải là phải chạy trốn những gian nan, những gian truân, những thử thách, những khổ cực, những phiền não, những đau đớn, phiền ưu, mà mượn tất cả những sự cố, hiện tượng đang xảy ra, dưới con mắt của trí tuệ và tâm từ bi lan tỏa, ta nhìn thấy ngay trong những sự việc đó, ta có thể cảm ứng được với Phật, và ngay trong cuộc đời này có đạo, đạo – đời song hành. Người nhận thức ra như vậy thì Phật tử tại gia hay những người xuất gia dưới mọi hành động, mọi sự việc trong tương tác của con người, đều là cơ hội tu đạo song song với đời để cảm ứng với chư Phật trong từng giây phút. Ngay từ những việc rất đơn giản của những người mẹ nội trợ: nấu cơm, giặt giũ; đó là việc rất đời và đôi khi bận rộn từ sớm đến tối mệt nhoài, còn sức đâu, thời gian đâu để gọi là dành riêng cho đạo pháp? Do đó ta cứ khất từ từ, từ từ: “Thôi để mai mốt rảnh rỗi, mai mốt có thời gian tôi sẽ tu!”. Không! Chính trong sự bận rộn của cuộc đời nấu nướng cho chồng, cho vợ, cho con cái, giặt giũ cho gia đình hoặc làm những việc ở nhà hoặc làm việc trên công sở, trong hãng xưởng, trong văn phòng, chúng ta vẫn có cơ hội cảm ứng đạo giao với Phật ngay ở đó, đạo – đời song song với nhau. Chỉ cần bạn chánh niệm và nhận thức rằng Đức Phật không lìa xa cuộc đời, đạo không bao giờ tách rời khỏi đời. Từ đó mà mọi lời nói, mọi suy nghĩ và hành động của bạn luôn chánh niệm tỉnh thức. Chánh niệm tỉnh thức và rải tâm từ tới tất cả mọi người, mọi sự việc bạn đang hành xử, đó chính là tu – tu thiền chánh niệm, tu thiền từ bi, tu thiền trí tuệ. Chẳng phải ngồi xuống đầu tròn như Bảo Thành, áo nhà sư, tọa trên tọa cụ trong chánh điện hoặc nơi gọi là thờ phượng chư Phật đó, mới gọi là tu. Không! Mọi tư thế trong cuộc đời đều có đạo, đều có thể ứng dụng để tu, chỉ cần bạn không chấp, không mê!

Chẳng phải không chấp, không mê là không làm, không nói, không hành động, chẳng phải không chấp, không mê là làm ít đi, buông bỏ tất cả, mà không chấp, không mê là dù bạn có làm nhiều cỡ nào đi nữa vẫn dư năng lượng, nhưng chẳng bám víu vào đó để thấy rằng việc làm này, mục đích là cho mưu cầu làm giàu, sống để tăng trưởng tâm tham. Chỉ cần thay đổi suy nghĩ rằng mọi việc ta làm, mọi điều ta suy nghĩ, mọi ngôn ngữ ta ứng dụng, đều được soi sáng, soi rọi, soi chiếu bằng trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang và đều được tẩy rửa chan chứa Mu A Mu Sa năng lượng của từ bi. Như vậy, thì bạn nấu bếp, bạn giặt giũ, bạn làm trong công xưởng, văn phòng, ở ngoài đồng án, công việc nội trợ, nói chuyện với mọi người, giao tiếp với người này người kia, tụng kinh, ngồi thiền, mọi sự hoạt động của bạn trong từng giây từng phút, đều có sự soi rọi của cái tâm nhìn vào và tràn đầy năng lượng từ bi yêu thương, không có dính mắc, đó gọi là tu. Cho nên ngay trong cái thế ở đời vẫn có cái thế đạo song song, chẳng cần từ bỏ đâu, ngoại trừ bạn phát nguyện làm một chuyện khác: một là sống tại gia, có vợ, có chồng, hoàn thành cuộc sống như bao nhiêu con người, vẫn tu đạo được, vẫn chứng đắc được, vẫn giải thoát được hoặc là bạn phát nguyện đi vào con đường xuất gia, để cống hiến cuộc đời của mình, phục vụ cho tha nhân, phục vụ cho nhân loại và mang mầm mống pháp thiện của Đức Phật trao truyền, gieo vào lòng của thế nhân. Cách lựa chọn nào, phương thức sống như thế nào, chỉ cần tỉnh thức từ bi và trí tuệ, chánh niệm trong từng hơi thở, bạn đang song song giữa đời và đạo. Và mọi sự đau khổ xảy ra trong cuộc đời, bạn liền có con mắt tuệ nhìn thấy hạnh phúc sát bên, để xoay lưng với đau khổ, để không càm ràm than phiền mà để chạm vào hương vị của hạnh phúc. Luôn luôn là như thế, thế giới song song hiện hữu ngay trong sát na này, chẳng phải là một thế giới Cực Lạc Tây Phương hoặc một thế giới của Niết Bàn, thế giới của chư Tiên, của Thiên Đàng mà chúng ta bắt buộc phải từ bỏ cuộc sống ngay nơi đây cho là khổ, để chết mà đi về thế giới, bay bay về thế giới đó. Không! Phật không dạy chúng ta phải chết, bởi dưới con mắt giác ngộ, chẳng có sống mà chẳng có chết, chỉ có sự hiện diện ngay chỗ này tỉnh thức, gọi là giác, tỉnh giác. Tánh biết, tánh biết không chết mà cũng không sống, luôn luôn hiện diện. Nếu bạn đang sống trong khổ đau mà bạn biết bạn đang đau khổ, thì tánh biết đó sẽ giúp cho bạn nhận ra cái hạnh phúc kề bên, song hành.

Nói như vậy để chúng ta ý thức rằng trên con đường tu nó không rời xa con đường sống ở đời, đời – đạo song hành với nhau. Tứ Thánh Đế nói thật rõ, có bốn cặp, nói đến khổ là Ngài nói đến cái gì hạnh phúc, là nói đến diệt – hạnh phúc, khổ thì có diệt tức là khổ thì phải có hạnh phúc; tập là nguyên nhân tạo ra khổ thì có đạo – đạo là Bát Chánh Đạo, có phương thức để thiết kế sự hạnh phúc cho chúng ta. Chứng minh ngay chỗ đó mà, Phật đâu có nói từ bỏ thế giới này về đâu đâu đó, đó là cách diễn bày sau này thôi, chứ còn bài kinh đầu tiên, bài kinh vô giá, vô thượng nói đến Khổ, Tập, Diệt, Đạo là bốn cặp song song ngay trong cuộc đời, đạo – đời song hành, vui – buồn song song. Mỗi khi bạn buồn, bạn biết quán chiếu trong chánh niệm, mang trí tuệ chiếu vào đó, rải thêm năng lượng từ bi, bạn sẽ nhận diện ra được hạnh phúc. Cho nên khi đau khổ, bạn đừng có sợ! Đừng sợ, không cần phải chạy trốn! Khi thất bại, bạn đừng sợ, đừng chạy trốn! Khi gặp môi trường khó khăn, bạn đừng sợ, đừng chạy trốn! Từ cái điều hiểu thấu, mang vào sự thực hành, ta sẽ chuyển hóa được mọi sự rắc rối, rối rắm, những sự gọi là rối loạn trong cuộc sống gia đình sẽ được giải quyết. Mỗi khi cô vợ hoặc anh chồng lộn xộn với nhau, đừng chạy trốn để sa đầu vào những cuộc ăn chơi trác táng rồi dần dần vợ chồng ly tán phân chia. Mà chính ngay cái giây phút vợ hoặc chồng gặp sự cố, thì nhớ lời Phật dạy rằng sự cố này là chìa khóa để ta mở ra, có sự trải nghiệm được hạnh phúc, thông cảm và an vui. Cho nên chẳng cần phải thay vợ, đổi chồng mà chỉ cần thay đổi cách nhìn, cách cư xử, cách đối đãi với nhau, thì muôn sự ở đời ta sẽ hạnh phúc. Bởi sự rắc rối đau khổ ở đời sẽ có sự hạnh phúc an vui ở đạo ngay chỗ đó. Thói đời không vui được thì bỏ, không chơi được thì xoay lưng, vậy nên người ta cứ chạy trốn để tìm. Tìm đâu ra một thế giới hoàn hảo khi mà ta chưa có thể nhìn cái thế giới khổ đau một cách hoàn hảo để nhận diện ra hạnh phúc? Tìm đâu và làm sao sanh về Tây Phương Cực Lạc khi ngay trong thế giới ở Ta Bà này, ở cõi ô trược đau khổ này, ta chưa có cơ hội nhìn thấu, sao có thể thấy đường về cõi Tây Phương? Ba đời chư Phật đều dạy cho chúng sanh phải nhìn thấu! Thấu được cái khổ để thấy hạnh phúc, thấu cái nguyên nhân tạo khổ để nhận diện ra phương pháp hình thành sự hạnh phúc. Rất là hay! Không chạy trốn, không từ bỏ, không khóc than, không mang những cái tiêu cực dồn nén vào cuộc đời, mà chỉ ra ngay trong cái xấu có cái đẹp, có cái tốt, ngay trong chỗ đau khổ có hạnh phúc, có bình an. Không cần chạy trốn các bạn! Ngay trong cuộc đời của Phật tử tại gia có con đường đạo, đạo lý của chư Phật ở trong mọi nghĩa cử, hành động tương tác trong nhà bếp, trong giặt giũ, nuôi nấng con cái, giáo dưỡng con cái, phụng hiếu với cha mẹ và tương tác giữa tình nghĩa vợ chồng, bạn bè và con người, đạo Phật ngay chỗ đó! Người tu đạo Phật là người hoàn thiện cuộc sống, cuộc đời đang cho chúng ta hiện diện ở nơi đây, dạy cho ta giá trị của đời sống hiện tại, sống đúng nghĩa với tinh thần của Phật để thành tựu được nguồn an vui, hạnh phúc, Niết Bàn, Tây Phương Cực Lạc ngay chỗ này!

Có một phương pháp, một tông phái, một tôn giáo luôn hứa, hứa ta sẽ đi về cõi này cõi kia. Hãy sống trọn vẹn trong cõi này! Hãy sống trọn vẹn trong kiếp này! Theo lời Phật dạy trong Tứ Thánh Đế để thấy rằng tâm Phật của chúng ta vẫn có cơ hội hiển lộ ngay trong cuộc đời luân hồi vạn kiếp qua tràn đầy những ác nghiệp và khổ đau, tánh Phật của chúng ta là bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm, tánh Phật là nguồn thanh tịnh tinh tuyền và trong suốt. Nhớ như vậy! Như viên kim cương, thể tánh của nó là trong suốt, tánh kim cương được gọi là tánh Phật, mượn chữ “kim cương” để ta dễ hình dung, là sự trong suốt, không bao giờ đục, dù bạn có quăng vô đống sình, hầm phân thì nó cũng chẳng có đục, chẳng có dơ, chẳng có hôi, chẳng có thối, thể tánh của nó vẫn trong suốt, khi bạn mang nó lên khỏi đống sình, khỏi hầm phân, bạn rửa nó đi một cái, là nó trong suốt ngay. Trong vạn sự đau khổ chẳng khác gì kim cương bị lún sâu xuống đống sình, trong vạn sự phiền não chẳng khác gì kim cương lọt vào hầm phân, chỉ cần mang nó lên, rửa nó đi, thì ta sẽ có sự trải nghiệm hạnh phúc và an vui. Thế giới song song, khổ đau và hạnh phúc, nguyên nhân tạo khổ và phương thức thiết kế hạnh phúc nó song hành với nhau, chẳng phải chạy trốn thế giới và cuộc đời này, cái thế cuộc đời của bạn đang là ở đâu, hãy trọn vẹn cái thế đó, để cứ song song như vậy mà thấy được Phật trong cái thế đời. Mà nếu bạn muốn chuyển thế từ cái thế bạn đang đứng, đang trụ, thành một cái thế khác để ứng dụng cuộc đời trong một cái thế khác phụng hiến cho tha nhân, bạn có thể xuất gia, hoặc tu tại gia hoặc tu tại đời, tu tại nhà, tu tại chợ.

Thứ nhất là tu tại gì, mình đã biết rồi! “Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tại chợ, thứ ba tại chùa”, đó là cách nói dân gian, ý rằng trong bất cứ một hoàn cảnh, cũng chẳng có nhất, có nhì, có ba, nhưng chúng ta đây khi nói đến tu, là ta đang hiện diện trong gia đình mà. Trước khi các bậc xuất gia đi vào chùa thì cũng khởi thân từ gia đình, nếu không tu từ chỗ gia đình đó, làm sao có thể tu ở trong chùa được? Đi từ gia đình đến chỗ chùa là chuyển thế tại gia thành thế trong thiền tự để phụng hiến mà thôi! Cho nên chúng ta thấy, người xưa ẩn ý trong tại gia hoặc là tại chợ, tại chùa là muốn nói cho chúng ta biết rằng mọi thế trong cuộc đời, chỗ nào có cuộc đời ở đó có đạo, chỗ nào có thế nhân thì có thánh nhân. Nhận diện được điều đó, chúng ta sẽ hoàn mỹ cuộc đời của mình nơi cái thế ta đang hiện diện, để thể nhập vào nguồn đạo sáng tâm linh của chư Phật, để khi nhìn và nhận ra khổ đau, nhìn thấu, ta chạm vào được hạnh phúc. Hay vô cùng!

Một sự rất bình thường, bài pháp đầu tiên Tứ Thánh Đế, Tứ Diệu Đế, gọi là chuyển pháp luân đầu tiên Đức Phật dạy cho năm anh em Kiều Trần Như, bài pháp vô thượng, nói đến sự song song ngay trong cuộc đời này. Hồi xưa, năm anh em Kiều Trần Như và Đức Phật tu khổ hạnh là họ muốn siết cái cuộc đời đang sống này, để tòi ra một cái linh hồn hoặc là một sự cực lạc nào đó, khổ hạnh đến mức mà Phật càng khổ càng hạnh như vậy thì sắp sửa chết, chẳng thành đạo. Sau này mới nhận ra con đường Trung Đạo tức là song song giữa đạo và đời, đi ở giữa đó nhận thức. Cho nên Ngài từ bỏ con đường khổ hạnh và Ngài ngồi dưới cội bồ đề, Ngài giác ngộ được bài pháp đầu tiên truyền cho, thứ nhất: các bạn đồng tu của mình hoặc các bậc thầy nay trở thành đệ tử là năm anh em Kiều Trần Như, bài pháp nhận diện ra đạo ngay trong cuộc đời, không trốn tránh, không khắc nghiệt với đời sống của chính mình, không hành hạ, khổ hạnh, mà mượn cuộc đời này nhận diện đạo, thấu mọi đau khổ để nhận ra hạnh phúc, tìm ra nguyên nhân tạo khổ để hình thành phương thức xây dựng hạnh phúc.

Đạo Phật là xây dựng hạnh phúc ngay cuộc đời ô trược, khổ đau và lầm than, không chạy trốn, không bỏ cuộc. Nếu bạn gặp sự cố trong gia đình, hãy nghe bài này nhiều lần một chút, tư duy cho rõ, hoặc đọc lại bài Tứ Diệu Đế của Phật, ta sẽ thấy rằng nơi đang hiện diện sự đau khổ trong gia đình, chính là điều kiện để gỡ mọi gút mắc, mở ngưỡng cửa hạnh phúc để cho hai người bạn đời có thể bước tới ánh hừng dương, đón nhận năng lượng mới để thay đổi cuộc sống. Đừng bỏ nhau vì khổ, vì buồn, vì giận mà hãy cùng với nhau xây dựng lại sự suy nghĩ cho thật kỹ, thấy được con đường đạo ngay ở trong cái thế ở đời, và nhận diện ra mọi sự rắc rối để rồi gỡ rối cho nhau! Không cần phải lên trên báo để gỡ rối tơ lòng của những người nói lảm nhảm mà chỉ cần thể nhập vào bên trong, mang lời Phật và ứng dụng, thì mỗi người chúng ta sẽ biết tự gỡ rối cõi lòng của mình, hạnh phúc có ngay trong gia đình. Gia đình của chúng ta, đời sống thế tục, có con đường đạo song song, đạo – đời song song, chẳng bỏ đời để vào đạo, chẳng bỏ thế giới cuộc đời này để mưu cầu một thế giới mai sau.

Hãy sống trọn vẹn trong thế giới hiện tại, hãy thấy được ánh đạo vàng trong cuộc đời hiện tại, thấy được Đức Phật trong mọi tương tác hàng ngày của cuộc sống, đó mới gọi là tu! Thế giới song song, đạo – đời không bao giờ rời xa, khổ đau và hạnh phúc luôn luôn hiện diện, tạo ra khổ thì có cách làm ra hạnh phúc, không có gì phải sợ, đừng chạy trốn, đừng đi theo những lời hứa huyễn hoặc của ai đó để mà trượt dài trên cái triền dốc đầy bùn lầy, ta sẽ khó đứng vững được. Nghe theo Phật, thấy đạo ở trong đời, thấy trong đời có đạo, mọi thế của cuộc đời trong kiếp nhân sinh giữa các Phật tử tại gia khác nhau lắm, tùy theo nghiệp duyên và phước duyên, nhưng dù khác, vẫn luôn luôn có đạo song hành trong cuộc đời. Đừng tìm đạo ngoài cuộc đời, mà hãy đi sâu vào cuộc đời, nhìn thấu cuộc đời, sống trọn vẹn với cuộc đời này bằng trí tuệ và từ bi, bằng chánh niệm và quán chiếu, thì bạn sẽ thấy đạo thể nhập ngay chỗ đó, và chúng ta có cơ hội cảm ứng đạo giao với chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền ngay trong cuộc đời của kiếp phàm phu chúng ta!

Các bạn hãy đặt bàn tay Trí Tuệ và Từ Bi vào với nhau!

Thưa Phật! Đạo – đời song song, xin cho chúng con biết kiên nhẫn quán chiếu theo tinh thần Tứ Thánh Đế, nhận rõ khổ đau và hạnh phúc, nhận rõ nguyên nhân tạo ra khổ để thấy rõ phương pháp hình thành hạnh phúc. Sống trọn vẹn với kiếp người ngay trong thế giới này, chẳng hão huyền khước từ thế giới hiện tại mong cầu thế giới tương lai. Ngay đây, chỗ này, chánh niệm Từ Bi – Trí Tuệ, sống trọn vẹn với tinh thần mà Đức Phật đã khai thị.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp cũng vào quán chiếu thân tâm, đồng trì Mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức!

Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con nếu tạo được chút phước báu nào, nguyện hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn