Bảo Tuệ Uyên đánh máy, Bảo Phước biên tập
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư cô, các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi! Kính mời các bạn cùng quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay!
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương, tha lực Phật điển đại Từ đại Bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì cho chúng con tinh tấn thiền định Chánh Niệm hơi thở, quán chiếu Trí Tuệ và Từ Bi để thấu rõ vạn pháp Vô Thường sanh diệt, Khổ, Vô Ngã. Nguyện cầu cho quê hương Việt Nam và thế giới mau thoát khỏi cảnh đại dịch, cho hàng đệ tử chúng con tinh tấn tu học, phiền não đoạn diệt, bệnh tật tiêu trừ, thân tâm thường an lạc. Nguyện hồi siêu cho chư hương linh theo thiện nghiệp mà tái sinh cảnh lành. Xin chư Phật chứng minh!
Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái!
Luôn luôn khắc ghi ở trong tâm, chúng ta lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Trong từng hơi thở của Chánh Niệm, mỗi một người chúng ta sẽ liên kết mật thiết với ba ngôi Tam Bảo: Phật – Pháp – Tăng, đón nhận ân điển Từ Bi – Trí Tuệ từ mười phương chư Phật. Chúng ta giây phút này, những ngày của cuối năm, hãy nghĩ về ông bà, đấng bậc sinh thành và gia đình, người thân, cộng đồng, xã hội. Nguyện hồi hướng ân điển Từ Bi, tình thương của chư Phật đến với muôn người.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì Mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
(14:43) Mô Phật! Các bạn! Chỉ còn ít ngày nữa thôi Tết tới rồi, ai trong chúng ta cũng sẽ bận rộn. Dù bận rộn thế nào thì Bảo Thành và các bạn cũng nhắc nhở mình đừng quên làm những việc thiện. Đây là ý tưởng trong chủ đề “Tùy Thiện Mà Làm”. Tuỳ thiện có nghĩa là tùy vào hoàn cảnh và môi trường, vào cái nhân duyên phù hợp với mỗi người chúng ta mà chúng ta làm những việc thiện, chẳng so sánh cái công đức, phước đức lớn hoặc là nhỏ, hoặc sự việc gọi là làm thiện đó lớn lao hay nhỏ bé, tất cả các việc thiện chúng ta khởi lên từ tâm từ bi dù nhỏ, dù lớn, dù ít, dù nhiều,… công đức và phước báu đều bằng nhau. Đức Phật luôn luôn nhắc nhở chúng ta làm thiện, những pháp thiện như bố thí, phóng sanh –đây là những cái pháp mà chúng ta cần phải thường xuyên thực tập để gọi là hành pháp thiện. Mà trong cái hành pháp thiện này, chủ đề nói tuỳ duyên mà làm, đừng miễn cưỡng, chúng ta sẽ tạo được phước báu.
Trong cuộc đời của chúng ta, dù ở thế kỷ này, vẫn còn đủ phước để nghe lời Đức Thế Tôn nhắc lại cho chúng ta qua kinh, qua lời dạy hoặc qua sự tu tập cùng nhau như ngày hôm nay. Một trong những câu nơi kinh Pháp Cú Đức Phật nói: “Hãy làm các việc thiện, từ bỏ các việc ác, để tâm được thanh tịnh!”. Đó là lời Phật dạy các bạn ơi! Tại sao Đức Phật khuyên bảo chúng ta phải làm thiện? Bởi Ngài là bậc giác ngộ, thấy rõ được thiện ác. Chúng sanh từ muôn đời vì cái mê, vì cái chấp, vì sự vô minh bao trùm và tâm tham, sân nó thường thúc đẩy mỗi người chúng ta, nó kéo, nó dẫn và nó làm cho chúng ta không tự chủ được suy nghĩ, lời nói và hành động. Do đó, mỗi một ngày, nếu nhìn cho thấu, Bảo Thành và các bạn nếu không tu, không thiền quán, thì chúng ta thường mắc phải những ác nghiệp tạo ra từ những lời nói. Lời nói có thể nghe và người ngoài khi tương tác có thể nhận ra pháp ác ta hành, hành động cũng có thể nhìn thấy, nhưng tư tưởng ác thì chỉ có ta biết mà thôi. Các bạn thấy, vì chấp trược, vì so đo, vì hơn thua mà mỗi một giây phút chúng ta nhìn những con người tương tác, nhìn xã hội, nhìn cái gì cũng có thể tạo nghiệp liên hồi, bởi hay chê bai, ganh đua, ghen tị, cho nên khi nhìn, con mắt nhìn, lỗ tai nghe – đây là hai giác quan mà chúng ta luôn luôn phải tiếp cận với ngoại cảnh bên ngoài thường xuyên nhất, nhanh nhất, tạo được phước nhiều nhất mà cũng tổn phước báu vô cùng. Do đó trong sự tu, chúng ta phải thường xuyên tu cái nhãn quan của mình và nhĩ căn. Nhãn căn là tượng trưng cho tánh thấy, tượng trưng cho tánh thấy nha các bạn, là tượng trưng cho trí tuệ. Nhĩ căn của chúng ta là tượng trưng cho lòng từ bi biết lắng nghe như mẹ hiền Quan Thế Âm. Từ hai cái căn này thôi mà chúng ta để ý một chút xíu trong đời sống hằng ngày, thì chúng ta có nhiều cơ hội tuỳ theo những nhân duyên tương hợp đó mà làm được biết bao nhiêu việc thiện để tạo ra phước báu. Việc thiện là cội nguồn tuôn ra phước báu và công đức, việc ác là hầm sâu chôn vùi tất cả những công đức và phước báu của chúng ta tạo ra. Do đó, việc thiện mà chúng ta làm đó, cần phải được sách tấn, cần phải được khuyên bảo, cần phải được suy nghĩ và luôn luôn bắt tay vào trong mọi hoàn cảnh để làm thiện.
Các bạn nhớ, khi chúng ta làm việc thiện, đừng so sánh với ai rằng họ làm việc lớn hơn, như ví dụ: họ làm từ thiện, họ cúng dường nhiều hơn, họ cúng gạo nhiều hơn; chuyện đó công đức cũng chẳng nhiều. Bởi vì chính Ngài Bồ Tát Phổ Hiền đã dạy cho chúng ta những việc thiện đơn giản thôi, tức là tuỳ hỷ cúng dường việc thiện đó, đã tạo được phước đức ngang bằng với người làm việc thiện, đôi khi còn hơn nữa. Tuỳ hỷ là như thế nào? Là khi chúng ta thấy ai đó làm việc thiện, trong tâm khởi lên sự hoan hỷ và vui, để rồi chúc phúc cho họ, hồi hướng cho họ, nghĩ tốt về họ và luôn luôn tinh tấn, sách tấn, tặng họ những lời khen phù hợp để cho họ tiếp tục làm việc. Như vậy đã là làm việc thiện, công đức dù không mang tiền của và trí tuệ dưới mọi hình thức làm thiện, nhưng vì thấy người ta làm thiện, ta vui, ta hoan hỷ, ta khởi tâm ý thiện lành, ta hồi hướng nghĩ về điều đó, đã là làm việc thiện công đức vô cùng.
Ngày xưa khi Đức Thế Tôn còn tại thế, Ngài luôn sách tấn mọi người làm việc thiện, nhất là hàng đệ tử tại gia của chúng ta. Và mỗi khi những ai đó làm được những việc thiện, Ngài thường chúc phúc cho họ bằng câu, từ ngữ Pali gọi là “Sadhu!”, “Sadhu! Sadhu!” có nghĩa là “Lành thay! Lành thay!” trong tiếng Việt. Đây là lời chúc phúc của Thế Tôn mà Ngài luôn luôn ứng dụng câu đó, các bậc đại đệ tử, các bậc tôn túc luôn sử dụng câu “Sadhu!” tức là chúc phúc, chúc lành, tức là “Lành thay! Lành thay!”. Mà cái âm Hán của chúng ta thường dịch ra gọi là “Thiện tai! Thiện tai!”, dịch ra ngôn ngữ tiếng Việt là “Lành thay! Lành thay!”. Đây là lời chúc phúc lẫn nhau mà Phật luôn luôn nói hàng đệ tử tại gia hãy chúc phúc cho nhau khi nhìn thấy ai đó làm việc thiện, thì chúng ta hưởng được cái công đức ngay, tạo được phước. Y như Ngài Phổ Hiền dạy “Tuỳ hỷ cúng dường”, đây là một pháp cúng dường vô thượng thật cao, tạo được phước khi nhìn thấy ai đó làm việc thiện. Nhưng nếu chúng ta nhìn thấy ai đó, biết được ai đó làm việc thiện, không chúc phúc cho họ: “Đó là một sự lành thay!”, không tuỳ hỷ cúng dường làm việc thiện đó đối với họ, mà còn mang những lời phân biệt, chê bai, gièm pha, xỉa xói: “Ôi, cái thứ đó mà làm từ thiện gì? Cả cuộc đời toàn là làm ác, hôm nay bày đặt làm thiện?!”, nghĩ thôi, chưa nói, thì bạn đã tự huỷ hoại công đức và phước báu của bạn rồi.
Các bạn thấy chưa? Rất quan trọng! Cái tu không phải là phải tu pháp môn gì cao siêu đâu, tu là chúng ta phải nhìn vào sự suy nghĩ, lời nói và hành động, từ ba chỗ này, trong kinh Phật nói, là nơi tạo ra nghiệp hoặc là phước. Mà đặc biệt nơi cái cửa khẩu là nơi mà người ta hay tuôn vào đó những thể loại hàng hóa không có chứng từ. Các bạn cứ thấy đi, các cửa khẩu biên giới, người ta tuôn vào những thể loại hàng giả, hàng tẩm độc, hàng nguy hại, hàng không biết xuất xứ từ đâu, sản xuất như thế nào, rồi chúng ta đi mua, toàn là mua những thứ hàng đó, nguy hại lắm. Thì cái cửa khẩu này đây, muôn sự ở đời vừa nhập vào vừa tuôn ra, đặc biệt là cửa khẩu của chúng ta tuôn ra toàn là những ngôn từ xuất xứ từ cội nguồn của pháp ác. Nếu các bạn không canh giữ cửa khẩu này cho cẩn mật, sàng lọc và kiểm tra những ngôn từ tuôn ra tốt hay xấu, thì nhất định từ nơi cửa khẩu của chúng ta, sẽ là tạo tội hằng hà sa, không thể đếm hết được trong từng ngày từng giây. Mà nếu như các bạn có thể tịnh khẩu, tịnh khẩu có nghĩa là thanh tịnh cái ý, nhìn vào thể loại ngôn ngữ mà chúng ta tiếp ứng hằng ngày, tiếp xúc hằng ngày, sử dụng hằng ngày, thì chúng ta sẽ, đã là người luôn luôn tạo ra phước. Hay vô cùng! Chỉ tu như vậy thôi đã là tạo phước báu rồi! Nhưng chúng ta ít để ý, để rồi từ cái miệng của ta, từ cái khẩu này đây, ta tuôn ra toàn những lời vô ý thức, những lời không được kiểm soát, những lời không được làm chủ, để rồi ai đó như ông bà, cha mẹ của chúng ta, nghe những bậc con cháu nói những lời không đúng, các ngài đau khổ vô cùng. Vẫn tha thứ đó, nhưng mà ta đã xúc phạm đến đấng bậc sanh thành rồi! Chưa kể đến trong mối quan hệ của gia đình như vợ chồng, ta không suy nghĩ kỹ những lời ta sử dụng qua cái miệng của ta, ta đã tạo ra biết bao nhiêu ác nghiệp, để gia đình cứ lộn xộn và rồi đôi khi phải đổ vỡ.
Hãy làm những việc thiện, mà việc thiện đầu tiên ta có thể làm dễ nhất là nói năng bằng những ngôn từ thiện lành. Luôn luôn phải biết chúc phúc cho nhau như câu Phật đã thường sử dụng đó là “Sadhu!”, có nghĩa là “Lành thay! Lành thay!” hay âm Hán dịch ra là “Thiện tai! Thiện tai!”. Từ ngữ nào bạn thấy dễ, mà đối với Bảo Thành, cái ngôn ngữ mà tuổi trẻ ngày nay sử dụng không phải là chữ “Lành thay!” mà cũng là chúc phúc, nó đơn giản, nó dễ dàng, là chỉ cần mỉm cười và nói một câu “Tuyệt vời!” là đủ rồi. Thấy bạn bè, ai đó làm việc tốt, ta chỉ nói “Tuyệt vời!” và cười với cái tâm yêu thương. Đó là ngôn ngữ thời đại của tuổi trẻ! Đôi khi ta dùng ngôn ngữ “Lành thay! Lành thay!”, ta bị bạn bè trẻ tuổi nó nhìn thì ta ngượng, mà tuổi trẻ thường hay ngượng. Người Phật tử tại gia nói những ngôn từ Phật học hay bị ngượng, ngượng miệng đó, rồi ít có ứng dụng. Không nhất thiết là ngôn ngữ như thế nào, chỉ cần tâm ý ta vui, ta thấy người ta làm thiện, ta vui và ta khen tặng họ một câu “Tuyệt vời!”. Mà ngày nay ngôn ngữ ở trên mạng đó, trên Facebook tức là thả tim, tâm hoan hỷ thả tim, đó là “Sadhu!”, đó là “Lành thay!”, đó là “Thiện tai!”. Đừng chấp ngôn ngữ, đừng đắm chìm trong cái thể loại ngôn ngữ cao siêu, quan trọng nhất là tâm ý vui vẻ, thả tim cho nhau. Tim là yêu thương, là biểu tượng của tình yêu. Cho nên khi Bảo Thành đang nói pháp mà các bạn thả tim, đó cũng là nói đến cái tâm ý hoan hỷ, việc thiện ngay đó đã được tác thành, phước báu đã tới bởi ta đã biết nói lời yêu thương với nhau khi nhìn thấy nhau làm những việc thiện.
Có những việc thiện rất cụ thể trong cuộc đời mà Đức Phật đã tóm lại và các hàng tôn túc luôn sách tấn chúng ta thực hành đó là thập thiện, mười điều thiện. Làm mà không làm bởi vì việc đó là làm cho chính ta. Đây là những việc thiện mà ta không phải hao tốn vốn, sức lực, thời gian, tiền tài, vật chất, phải đi ngược đi xuôi mệt mỏi. Ngồi một chỗ, đứng một chỗ, nằm ở đó hoặc là ở trong bếp, hoặc là chúng ta đi làm việc ở hãng xưởng, hoặc đang nghe pháp đây, cũng có thể làm được mười việc thiện để tăng trưởng phước báu cho chính mình và mang cái phước báu đó, trong những ngày cuối này, ta gói vào trong tâm ý, trong cái tâm ý kính trọng lẫn nhau, hồi hướng lên cho Phật, rồi hiến tặng cho tha nhân. Cao quý lắm!
Mười việc thiện trong thập thiện nó đơn giản thôi! Ba cái đầu tiên là tới từ cái tâm, có nghĩa là tham, sân, si. Ta chỉ cần cố gắng để ý, khi cái tâm khởi lên một chút gì tham đó. Tham như thế nào? Ngày cuối năm nè, thấy người ta sắp sửa bận rộn, người ta đi ra sắm một cây mai to, tiếng dân gian gọi là to tổ bố, đẹp quá trời, mấy chục triệu á,… Tâm thấy khởi lên tham: “Nhà mình năm nay mà cây mai nhỏ hơn là không được!”, rồi bắt đầu thủ thỉ thủ thỉ thì thầm, thủ thỉ thủ thỉ thì thầm suy nghĩ thôi, là làm sao phải có cây mai to hơn, đẹp hơn, thì đó đã gọi là tâm tham. Tổn phước! Chưa đi mua một cây mai thật to nhưng chỉ nghĩ rằng ta phải sắm cây mai to hơn là tạo ra nghiệp. Nhưng nếu ngay chỗ đó ta để ý, thấy hàng xóm rục rịch mua cây mai đẹp, to tổ bố, đẹp quá trời, ta hoan hỷ, ta thả tim tức là nói lời yêu thương: “Ôi cha, bạn đã sắm được cây mai đẹp quá! Tuyệt vời lắm! Chúc cho bạn có mùa xuân an vui!”. Vậy thôi, nương vào sự việc người ta mua một cây mai thôi, ta có thể tạo ra vô lượng phước báu, mà cũng dính mắc vào sự cố người ta mua cây mai để bon chen, để so kè, khởi tâm tham, thì ta đã tổn phước. Việc thiện các bạn thấy dễ không? Dễ ngay chỗ đó! Là tạo phước rồi, tạo phước rồi các bạn!
Câu trong dân gian gọi là “Bất chiến tự nhiên thành”. Bất chiến tự nhiên thành, không làm gì mà ra phước! Tại sao Bảo Thành và các bạn không để ý? Tại sao hàng Phật tử tại gia chúng ta không để ý để có được phước báu mà cứ để hao tổn phước hoài, để rồi tai họa, xui xẻo nó tới, rồi lần mò tới chùa gặp thầy này thầy kia, thỉnh những cái pháp cao siêu? Cao siêu chẳng làm được gì nếu không tu từ mười hạnh thiện, từ mười việc thiện để luôn luôn nhìn vào thân, ngữ, ý, coi cái tâm tham của mình nó khởi lên như thế nào! Nếu bạn để ý ngay chỗ đó, thì từ chuyện mua một cây mai, ta liên hệ tới hằng hà sa những sự việc nhỏ bé ở trong ngày. Thấy hôm đó cô ấy vui quá, mà trong đầu ta: “Vui cái gì mà vui? Cái thứ này mà cũng bày đặt vui?!”, nghĩ như vậy thôi, đó là cái nghĩ dân gian thường tình, thì ta đã tạo nghiệp, tổn phước. Nhưng nếu thấy họ vui, thả tim ngay: “Trời ơi, hôm nay anh/chị vui như vậy chắc là có điều tốt lành rồi! Thôi chúc cho anh/chị vui mãi!”, dù chỉ nghĩ, không nói ra lời, dù chỉ nhìn và nghĩ chứ chưa cần gặp họ để nói, hôm đó bạn đã coi như là trúng số độc đắc rồi, nhiều phước tới với bạn rồi. Người ta vui, mà mình vui với người ta, mình thả tim, mình trúng số! Số ở đây chẳng phải là lãnh số tiền mà lãnh được phước báu!
Các bạn thấy không? Nhiều lắm, nhiều lắm, biết bao nhiêu những thứ lặt vặt xảy ra trong nhà! Ông xã hôm nay ổng hứng, ổng pha cho mình ly cà phê. Trời ơi, sống mấy chục năm chưa bao giờ ổng làm chuyện đó, không biết vì cái hứng gì, ổng pha ly cà phê. Cái bĩu môi chê: “Trời đất! Thứ này mà uống cái gì? Xưa giờ ông có làm đâu?”, một lời như vậy thôi, mặt ông ấy xụ xuống rồi, buồn một cách thê thảm như đêm 30 không được đốt pháo. Buồn lắm! Nhưng nếu ta tinh ý, mượn ngay việc đó tạo thiện, bởi đó là hưởng phước mà: “Ôi chu cha, anh pha ly cà phê sao tuyệt vời thật! Thật là ngon! Chưa uống mà ngửi đã thấy ngon rồi!”, thả tim một cái như vậy, hôm đó ông xã sẽ vui cả đời chứ không phải cả ngày. Một lời khen của vợ mà vui cả cuộc đời bởi ta đã thả tim!
Thả tim dễ mà, các bạn đang coi giảng đây, đang coi thuyết pháp, chia sẻ pháp thoại đây, ấn vô một cái là tim bay ngút trời, đó cũng là tạo được phước, bởi vì làm sao? Bởi vì ta tuỳ hỷ, ta vui, ta hạnh phúc. Chứ đừng thả cái mặt đỏ hừng hực giận dữ, tức là tâm sân. Cho nên chỉ cần nhìn vào tâm tham, thả tim thôi, tức là vui với người như Ngài Phổ Hiền dạy đó là tuỳ hỷ công đức, tạo phước vô số, còn nếu thả cái mặt đỏ bừng bừng sân, là thể hiện cho tâm sân. Bạn cứ nghĩ đi, trong những bức tường gắn lên những thông tin của bạn mà ai đó thả mặt giận dữ đó, bạn nhìn bạn buồn lắm, mặc dù chỉ là một cái ký hiệu thôi, nhưng bạn buồn. Còn người ta đưa ngón tay hoặc thả tim, mình sung sướng dù chẳng biết người đó là ai nhưng ít nhất trên bức tường của mạng xã hội, họ đã thả tim, họ đã biết tuỳ hỷ.
Bảo Thành nói như vậy là để thấy chúng ta dễ liên kết hơn giữa việc thiện của cái tâm tuỳ hỷ, thay vì nói chữ “tuỳ hỷ”, Bảo Thành nói “thả tim”, bởi vì ai cũng biết làm (ký hiệu tay) thả tim này mà phải không? Hoan hỷ! Hoan hỷ! Thả tim! Có một trái tim phải thả hết ra, ấn một cái là thả tim tuỳ hỷ tạo phước báu rồi. Nhưng mà không chịu, sân! Người ta nói đúng nói sai không cần biết, ấn cái nút sân vô để cho họ thảm bại cả một ngày, rầu rĩ cả một đêm, nhiều khi còn rầu rĩ xuyên màn đêm luôn, đau khổ. Không biết họ là ai, cứ thả mặt giận dữ đi, tổn phước. Bởi vì tâm ta đã nghĩ đến sự sân, sân giận, tâm sân!
Lúc nãy nói về tâm tham, thì hằng hà sa những việc ta có thể so sánh, so kè, so đo, nhưng nếu tuỳ hỷ thả tim đối với họ, ta tạo phước. Nay nói đến tâm sân cũng dựa trên nền tảng của sự va chạm trong cuộc đời dễ nổi sân. Ra đường, hôm nay không biết ông đó ổng làm cái gì ổng nói to tiếng quá, mình sân giận, nghĩ trong lòng chứ chưa xổ ra nha bạn, chứ còn bạn xổ ra nữa thì thôi, nghiệp nó tạo nghiệp, nghiệp nó mọc nghiệp, nghiệp nó chồng nghiệp cũng như nợ cha đẻ ra nợ mẹ, đẻ ra nợ con chồng chất rồi bán nhà, phá sản luôn, nó là phá sản phước báu.
Cho nên, khi người ta nói như vậy, mình tuỳ hỷ, mình thay đổi cách nhìn, cách suy nghĩ thôi là tạo được phước. Nếu mà nói: “Chắc hôm nay ông này ổng giận. Đồ khùng, mới gặp ở đường thôi mà đã la to như vậy!”, nghĩ thôi nha các bạn, chưa nói thành lời là đã tổn phước. Nhưng mình nghĩ khác, thay đổi quan niệm: “Chà, hôm nay anh này có cái phổi thật là khoẻ. Âm giọng lớn như sấm vang. Chúc mừng! Chúc mừng!”, nghĩ như vậy là tạo ra phước.
Tại sao chúng ta không suy nghĩ thiện mà cứ nghĩ rằng việc thiện là phải mang tiền làm cầu, đắp đường, xây nhà tình thương, mang gạo hiến tặng, mang tiền ra cho, mà không nghĩ rằng cái thiện nó từ tâm tưởng của ta nghĩ như thế nào, rồi ngôn ngữ ta sử dụng, hành vi mà ta làm? Phật đã nói mười điều thiện mà ta có thể làm được là từ tâm tham, sân, đừng suy nghĩ so sánh, đừng sân giận như những ví dụ Bảo Thành vừa nói, đã tạo được phước. Còn nếu như các bạn tránh được tâm si tức là người ta gọi là “Tham thì thâm” và “Giận quá thì hoá ngu”, đó là câu của dân gian thường nói. Cho nên khi bạn giận mà bạn thả cái mặt đỏ bừng bừng ở trên các bức tường của người ta rồi, là bạn giận đó, nó là dấu hiệu của căn bệnh truyền nhiễm của tâm si, là ngu. Nhà Phật gọi là si, trong đời gọi là ngu, mà ở trong thói đời người ta muốn cho nó nặng cân hơn, người ta gọi là ngu dốt. Mà đúng thật, ngu dốt thật, ngu dốt với chính mình! Chuyện đó nhìn thay vì tạo được phước, ta lại quá ngu dốt, không tạo ra chút phước mà còn tổn phước báu của mình, thì ngu rồi, ngu, hại mình!
Các bạn thấy đó, mười việc thiện Phật dạy thì đó là ba điều nếu chúng ta để ý từ tâm thôi, chưa nói cái gì hết, chỉ tâm suy nghĩ thôi, ta tạo phước. Và nhất định nếu các bạn tạo được phước từ sự để ý, quán chiếu, theo dõi tâm ý của mình, đừng để nó tham, sân và si, luôn luôn biết thả tim cho mọi người, chúc phúc cho mọi người, luôn luôn biết sách tấn, khen người ta bằng chân tình khởi nguồn từ tâm từ. Ngôn ngữ cũ Pali gọi là “Sadhu!”, ngôn ngữ Hán dịch ra là “Thiện tai!”, ngôn ngữ Việt gọi là “Lành thay! Lành thay!”, ngôn ngữ thời đại của Facebook gọi là “Thả tim!”. Thả tim, các bạn thấy không? Được! Tạo phước, đừng thả mặt sân đỏ bừng bừng mà tạo nghiệp!
Đó là ba điều thiện rất dễ để ý và làm, còn nói đến ngôn ngữ thì đừng sử dụng những ngôn ngữ gian dối, thêm bớt, đâm thọt và thô ác. Để ý giùm! Còn mấy ngày cuối của năm, đừng nói những lời quá nặng, xỉa xói, xàm xí làm lùm xùm xóm ngõ, càm ràm trong gia đình, tổn phước. Để ý chút xíu thôi, thì ta đã tăng trưởng phước báu trong sự tu đơn giản của mười việc thiện Phật dạy. Rất dễ để tu! Còn những hành động đừng sát sanh, đừng trộm cắp, tà dâm, ta cố gắng thúc liễm thân của mình. Nhất định cái Tết của dân tộc không thể thiếu những món ăn đậm nét phong hóa của người Việt nhưng chúng ta nhớ, nếu có thể giảm tối thiểu, nếu, không nghiêm cấm, nếu có thể giảm tối thiểu hoặc là đừng sát sanh, thì mùa Tết năm nay, bạn tạo phước vô số.
Người ta có đồ ăn mặn mà không sát sanh sao ăn? Suy nghĩ thật kỹ! Các sư thầy bên Nam Tông vẫn ăn mặn nhưng không sát sanh bởi người ta cúng mặn để ăn. Ngày nay đã có cái phương tiện, có thể mua những thứ đó ở chợ mà không qua công đoạn sát sanh. Đừng thèm các thứ tươi! Các bạn ơi, tươi như thế nào là tươi? Cho nên ngày Tết này các bạn cố gắng suy nghĩ, tư duy, đây là một vấn đề tế nhị, phức tạp, khó nhưng mà dễ, chỉ cần tư duy thay đổi. Chúng ta đừng có đấu tranh là nếu không làm, để cho người ta làm, để người ta chịu tội sao? Đừng nghĩ đến vấn đề đó! Từng bước từng bước nha các bạn! Đầu tiên là các bạn có thể có những bữa ăn theo phong tục nhưng đừng sát sanh, đó cũng là bước đầu tiên thành tựu được phước báu. Đừng có nói rằng: “Ôi, ông này ổng nói tào lao quá! Bây giờ mình không sát sanh, họ sát sanh cũng vậy thôi!”. Tu phải từng bước từng bước, buông thì phải nhẹ nhàng từ từ, gấp quá thì không được, nói các bạn ăn chay thì thật là khó, nhưng nếu nói các bạn đừng sát sanh có thể làm được bằng cách đừng ham các thứ tươi, mua chúng sanh về giết tại nhà để ăn, điều đó sẽ tạo ra nghiệp vô cùng trong ngày Tết!
Các bạn suy nghĩ đi, đừng thắc mắc, đừng phản kháng, đừng tranh luận! Suy nghĩ! Ta chưa bỏ được, nhưng nếu có thể, ta đừng sát sanh được không? Được! Cho nên những điều thiện mà Bảo Thành gợi ý ngày hôm nay nằm trong thập thiện, ai cũng làm được. Mà điều dễ nhất chúng ta có thể làm được đó, như Ngài Phổ Hiền dạy, đó là tùy hỷ cúng dường, có nghĩa tùy hỷ theo những việc tốt mà ai làm, nói được, những suy nghĩ tốt lành mà ai đang suy nghĩ, ta thả tim cho họ.
Các bạn coi trên những bức tường chia sẻ với nhau, đừng thả mặt giận dữ, nó tạo cho chúng ta một thói quen phẫn nộ. Nếu có ai đó nói sai, ta thả tim, đôi khi họ chột dạ, họ nghĩ: “Ta làm sai mà sao thả tim?”, họ suy nghĩ, họ sẽ làm tốt hơn. Nhưng họ đã làm sai mà mình thả cái mặt sân giận, họ làm sai hơn, giận càng giận hơn. Hãy mang ái ngữ, thả tim là ái ngữ, là hành động từ bi xuất ra từ cái tâm có thể nhìn thấy được nơi chính mình để chuyển hóa nội tâm của ta và gây ảnh hưởng tốt đẹp đến người khác. Đừng để cho người ta tham mà làm cho mình tăng thêm lòng tham, đừng để cho họ sân giận mà ta giận sân hơn, đừng để cho họ vô minh mà ta ngu dốt hại đến chính mình. Nhưng những điều họ làm tốt đẹp, mình biết tán thán công đức đó: “Lành thay! Lành thay!”, thả tim một cái, có phước!
Những ngày cuối này chúng ta thường không để ý, bởi cứ lung tung xà bù tìm đủ mọi thứ làm, bắt kịp cho kế hoạch hoặc những dự định cho cuối năm, ta dễ phạm tội tạo ra nghiệp. Nhưng nếu để ý, thì Tết năm nay Bảo Thành và các bạn sẽ có phước thật nhiều từ những pháp tu rất đơn giản nhưng tạo được phước báu. Người tu hành mà không có phước chẳng thể tu, bởi không có phước báu và công đức, không tạo được những cái duyên lớn để tiếp cận với các bậc thiện tri thức để nghe pháp mà thẩm thấu, thể nhập được vào, để gặp được trí tuệ viên mãn, để mà tới với Phật, hiểu được những điều Phật nói. Cho nên phước báu là nền tảng căn bản. Mà để có phước báu, tu những pháp thiện! Hãy làm việc thiện, đừng so sánh, đừng bon chen, đừng hơn thua và tránh xa những việc ác! Kinh Pháp Cú Phật dạy làm việc thiện, tránh việc ác mà chủ đề hôm nay gọi là “Tuỳ Thiện Mà Làm”, tuỳ những việc thiện đó, bạn có thể làm được, có thể là một cú điện thoại gọi hỏi thăm bạn bè, kính viếng cha mẹ hoặc là đích thân đi tới thăm hỏi người thân trong gia đình, thăm hỏi những trại dưỡng lão, các cụ ông, cụ bà đang đau khổ, thăm hỏi những người bệnh tật, thăm hỏi những người tật nguyền,… đó cũng là những việc thiện. Thăm viếng thôi, an ủi thôi đã tạo phước rồi! Người ta có một triệu, bạn có một đồng à, bạn cũng làm được việc thiện, phước báu vô cùng!
Ngày xưa trong kinh nói, có một ông kia ổng nghèo dữ lắm, mà ổng muốn cúng dường cho Phật. Ôi, nghèo đến mức mà không có cái gì, ổng vét trong mấy cái bình đựng bột đó, mới được chút bột làm bánh, biết Phật ở đó, mang bánh tới để cúng dường cho Phật. Cái tâm thiện mà nghèo! Nhưng trên đường đi thấy con chó nó gầy, nó sắp chết, nó nằm thở hổn hển sắp chết rồi, thấy thương quá, thôi lấy cái bánh đó cho nó ăn. Nó ăn hết bánh của ông ta, nó khoẻ cái nó đi. Tâm thiện ổng làm thôi, nhưng mà ý tưởng ban đầu nghèo quá, vét ở trong cái bình được chút bột làm bánh cúng dường Phật, trên đường đi gặp chó đói, sắp chết, cho nó ăn. Tới hỏi Phật: “Phật ơi, con không còn bánh, con cho con chó ăn rồi!”, Phật nói: “Ngươi đã có tâm thiện cúng dường rồi!”. Bạn thấy không, cái ý tưởng thiện là quan trọng! Bạn vơ vét trong cuộc đời của bạn, cái điều gì dù rất ít, rất bé, rất nhỏ mà khởi từ tâm thiện để hành ra một hành động cụ thể, bạn đã làm được việc thiện phước báu vô lượng!
Có một bà lão thời xưa, cúng dường cho Phật chỉ có một chút dầu thôi, trong đêm hoa đăng, nhiều người người ta mang biết bao nhiêu dầu to, dầu lớn đốt cả đêm, đêm hoa đăng mà. Nhưng lúc đó gió lớn mạnh, những người có nhiều dầu, đèn tốn tắt hết, chỉ có bà cụ có chút dầu, cái đèn dầu nhỏ bé vậy mà sấm chớp rồi bão tối tới mà ngọn đèn dầu vẫn sáng. Bởi vì bà đó có cái tâm thiện lành, chẳng phải là cái chất của số lượng mà cái chất của tâm lượng!
Các bạn! Trong truyện của kinh nói hồi xưa có một cậu bé nhỏ không có cái gì để cúng dường Phật hết. Nhỏ bé mà có gì đâu, lấy cát ở bên đường đắp thành cái thành nhỏ nhỏ để cúng dường cho Phật. Vậy mà sau này tái sanh thành ông vua quyền lực vô cùng xiển dương Phật pháp đó chính là ông vua A Dục. Những việc thiện rất nhỏ nhưng công đức vô cùng!
Ta có thể như một người Phật tử vét ở trong cái bình ra chút bột không, để làm thiện không? Ta có thể như bà lão cúng dường một chút dầu cho Phật không? Ta có thể như cậu bé đắp cát thành thành cúng dường cho Phật không? Ta có thể tùy hỷ cúng dường, thả tim cho những ai làm việc thiện, thả tim cho những ai làm pháp hiện, thả tim cho những ai làm những chuyện tốt lành hay không? Câu trả lời: “Được!”, chưa nói đến những chuyện khác!
Tu ở đời ta nghĩ cứ vớ vẩn ở trên cảnh giới tưng tửng để rồi không thể hạ chân xuống mặt đất sống là người thường, mà sống cứ vất vưởng ở cõi giới của cái tâm tưởng khùng điên chứ không chạm chân xuống đất là người bình thường, làm những chuyện rất thường mà phước báu vô cùng. Ngày nay tẩu hỏa nhập ma nhiều là bởi vì ta nghĩ đến cái pháp cao siêu, người ta nghĩ nhiều nhất là đến ngọc hoàng thượng đế, đến những chư vị thần tiên này thần tiên kia để ban phước cho họ, và họ tu riết rồi chẳng chứng đắc mà họ trở thành chứng ma, gọi là tẩu hỏa nhập ma, biến chứng thành khùng điên, cứ tưởng mình là ngọc hoàng thượng đế rồi ban phép cho mọi người. Phật không dạy ta để biến thành ngọc hoàng thượng đế, thần tiên, mà Phật dạy cho chúng ta 52:00 đạo tứ ân. Mà ngày xưa ông bà, các tôn giáo xưa gọi là đạo hiếu nghĩa, tức là tứ ân. Ta phải có tấm lòng tri ân với mọi người, mà Ngài Phổ Hiền dạy thật là đơn giản là tùy hỷ cúng dường, là pháp thiện đơn giản mà tạo phước vô số.
Chỉ đơn giản là thả tim! Bạn biết thả tim đối với mọi người làm những việc lành là bạn đã tạo phước, bạn biết thả tim đối với mọi sự tương tác trong cuộc đời là bạn đang tạo phước, đó tức là bạn chúc lành cho người ta: “Sadhu!”, “Lành thay!”, “Thiện tai!”. Đừng thả cái khuôn mặt giận dữ phừng phừng lửa đốt thể hiện tâm sân! Mỗi khi như vậy, bạn thả tim là tránh được tâm tham, sân để đừng ngu dốt, vô minh. Bạn thả cái mặt phực phực như vậy là sân, sân thì là bởi tham, tham là bởi vì tranh luận giữa đúng giữa sai cũng là tham. Ba cái đó nó là một, nó đi với nhau à! Vừa nói tham là sân, si ngay thôi, không có gì ngăn cách được đâu, nó nhanh dữ lắm! Cho nên các bạn nhớ, hãy thả tim, tức là “Lành thay! Lành thay!”; đây là việc thiện mà tùy duyên, duyên nào cũng có thể làm được, tuỳ thiện mà làm, đơn giản và dễ dàng, phước báu thì vô tận!
Những ngày cuối năm, hãy luôn luôn theo dõi cái tâm đừng để tham, sân, si nó chiếm cứ, theo dõi cái cửa khẩu đừng để tuôn ra những lời gian dối, thêm bớt. Các bạn, thêm bớt, nguy hiểm dữ lắm! Đâm thọc và thô ác, để ý chút, dùng ái ngữ! Để ý cái thân, Tết này nhất định nhà nào cũng ăn, sát sanh vô số thôi, cố gắng kềm đừng sát sanh, đừng trộm cắp! Vui quá, hứng quá hay làm bậy, đừng tà dâm! Đây là việc thiện, ta thúc thủ thân tâm, thân, ngữ, ý, thúc liễm nó, tu đàng hoàng, dùng pháp đơn giản, thả tim cho nhau, chúc phúc cho nhau và luôn luôn biết tuỳ hỷ cúng dường làm thiện để có thể thực hành được kinh Pháp Cú Phật dạy: “Hãy làm việc thiện, buông bỏ việc ác, để tâm thanh tịnh!”. Ta sẽ có một năm thanh tịnh tràn đầy phước báu, hồi hướng cho ông bà, đấng bậc sinh thành và cho gia đình mọi người một năm mới tràn đầy yêu thương, muôn sự viên mãn sẽ tới với chúng ta!
Nếu chúng ta để ý tuỳ thiện mà làm trong từng ngày như Bảo Thành vừa gợi ý, các bạn sẽ dư giả phước báu. Nhớ thả tim cho nhau!
Xin hãy đặt bàn tay phải vào bàn tay trái!
Thưa Phật! Chúng con sẽ theo dấu chân an lạc của Phật để biết chúc lành cho nhau: “Lành thay! Lành thay!”. Và trong cuộc sống hiện đại của tuổi trẻ xã hội hiện thời, chúng con học cách thả tim chúc phúc cho nhau. Xin chư Phật gia hộ để chúng con tùy thiện mà làm trong những ngày cuối để tránh tổn phước mà tạo dựng chút phước báu mỏng hồi hướng cho ông bà, những đấng bậc sinh thành để các đấng ấy tăng long phước thọ, sống với con cái và cũng hồi hướng cho muôn người thành tựu được Phật pháp.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì Mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Hồi hướng:
Chúng ta hãy hồi hướng công đức!
Thưa Phật! Sự đồng tu hôm nay nếu tạo được chút phước nào, chúng con nguyện hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.