Bảo Ngân đánh máy
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư cô, các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi! Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu!
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và gia trì cho chúng con biết Chánh Niệm hơi thở, thiền quán Trí Tuệ và Từ Bi để nhìn thấu vạn pháp Vô Thường sanh diệt, Khổ, Vô Ngã. Chúng con nguyện chư Phật gia trì cho quê hương Việt Nam của chúng con và toàn thế giới mau thoát khỏi cảnh đại dịch. Nguyện cho muôn chúng đệ tử tinh tấn tu học, thân tâm thường an lạc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt. Nguyện siêu cho chư hương linh theo thiện nghiệp tái sanh cảnh lành. Xin chư Phật chứng minh!
Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái; bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ, bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi!
Luôn luôn lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Trong từng giây phút của Chánh Niệm hơi thở, quán chiếu tự thân tâm nhìn rõ, một lòng thành kính chân thật đón nhận năng lượng và hồi hướng cho muôn người.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì Mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
(16:28) Mô Phật! Các bạn, Bảo Thành nhìn thấy chủ đề mà trong lòng ngậm ngùi cho phận số của mình. Buồn quá! Chủ đề “Mua Lại Thanh Xuân”, mà nhìn lại chính mình chắc có lẽ chưa đến độ tuổi gọi là già nua nhưng cảm thán về tuổi già nó cũng đang tới trong cuộc đời mà người xuất gia như Bảo Thành tiền đâu có để mà mua lại thanh xuân của một thời. Cho nên buồn nhưng vẫn phải cười là bởi vì cái buồn của tuổi xuân thời ra đi cũng chẳng gây chướng ngại đâu, cho những ai nhìn thấu được lời Đức Phật đã khuyên. Cười là bởi vì mình nhìn tuổi thanh xuân như cơn gió thoảng giữa trưa hè làm tươi mát cuộc đời nhưng rồi vẫn biết nó chẳng dừng lại mãi mãi, nên cười. Các bạn có cười không? Có thể các bạn là những tuổi còn rất trẻ, đang ở trong thời thanh xuân, cũng có các bạn gọi là lỡ tuổi thanh xuân rồi, nhưng biết làm sao đây?
Chủ đề “Mua Lại Thanh Xuân”, mình bắt đầu từ chỗ mà mỗi một con người của chúng ta, ai cũng chỉ có một thời thanh xuân mà thôi. Thời thanh xuân có lẽ là thuở học trò còn đẹp, đẹp đến bỡ ngỡ trời mây, đẹp ở trong những con đường thôn làng hoặc nơi cổng trường mỗi khi tan học, chúng ta đi về dưới những tà áo trắng hoặc những cậu con trai xuân thời phơi phới dưới trời mưa ngâu mà chẳng nặng lòng sầu, ngoảnh mặt nhìn lại, bạn bè dần xa đi. Cái tuổi mà mơ mộng, tuổi mà chúng ta cầu mong chan chứa biết bao nhiêu những kỳ vọng tuổi đúng gọi là thanh xuân, sức mạnh vươn lên, khí trời ngùn ngụt trong tâm, vô tư, chơi thoải mái, chẳng phải lo gì, bởi ở nhà đã có cha mẹ lo, tới trường đã có thầy cô dạy, còn mình tuổi thanh xuân, chơi thôi là đủ rồi. Để làm gì? Để rồi chúng ta tủm tỉm mỉm cười, ngòi bút vần xanh, tuổi thơ dệt mộng, tặng người đâu đây. Tuổi thanh xuân thật là tuyệt vời! Ai cũng như thế!
Chúng ta lấy một vài giây để lắng đọng tâm tư cùng với Bảo Thành trở về với tuổi thanh xuân của chính mình để chiêm nghiệm coi có điều gì nơi tuổi thanh xuân đó mà chúng ta còn nuối tiếc, chúng ta còn thấy nó tuyệt vời, nó đẹp, nó thơ, nó mộng, để ngày nay, khi tuổi đã lỡ qua gọi là tới đỉnh điểm đang đi xuống chiều dốc của tuổi đời đang cao, ta lại muốn mua lại thanh xuân của một thời áo trắng học trò trinh nguyên. Tìm thử coi trong những vần của quá khứ có điều gì ta xao xuyến tâm hồn hay không? Có lẽ trong tuổi thanh xuân đó ngày hôm nay ngồi nghĩ lại, ta đôi khi bật cười một mình, bởi vì thấy thuở đó thanh xuân thật đẹp, lòng dại khờ nhìn mãi mà không dám nói một lời, điều gì đó đối với ai. Mới lớn mà, tuổi thanh xuân mà, chuyện mà nhìn nhau rồi thấy e ngại, thấy ngập ngừng là chuyện thường. Tuổi thanh xuân mà, nhìn về tương lai thấy rằng mình sẽ thành, sẽ được và sẽ có, thích lắm. Nhiều người còn ví von thanh xuân như một tách trà, không biết như thế nào, thôi tùy mỗi một người mà ta nhâm nhi tách trà của thanh xuân để thấy được hương vị như thế nào thì tùy vào cảm xúc riêng tư.
Mà thực sự cuộc đời, tuổi thanh xuân, tuổi trẻ đã qua đi, đó là một cách nói thanh xuân, mà đến khi cơ nhỡ như Bảo Thành đây, thì ta không gọi là thanh xuân nữa, người ta gọi là xuân tàn. Tuy nhiên những người ở lứa tuổi xuân tàn như Bảo Thành hoặc một số các bạn bằng tuổi Bảo Thành hoặc lớn hơn, chúng ta bắt đầu nuối tiếc thanh xuân, mua lại thanh xuân. Mua lại thanh xuân ngày xưa khó lắm, bởi y học chưa phát triển, còn ngày nay thì quá dễ, mua lại thanh xuân là có thật, bởi nền khoa học phát triển nhanh, y học cũng đi tới đỉnh điểm, và về ngành y học thẩm mỹ, nói đến đây ai cũng biết mà, ta mua lại thanh xuân được đấy. Đầu tư một chút tiền vào cơ thể của chúng ta, từng phần trên cơ thể đều có thể đầu tư bằng tiền để mua lại thanh xuân của một thời với vóc dáng, hình dáng gọi là sửa sắc đẹp. Điều này không có gì sai đối với những người sửa sắc đẹp hết, bởi bất cứ một việc gì chúng ta làm đều phải do nhân quả, phước báu của thiện – ác, nếu ta đầu tư vào sửa sắc đẹp theo những ý thiện thì không có gì phải đáng nói, bởi cuộc đời là tu sửa mà, có phải chăng cũng vượn, cũng hươu, mượn vào chỗ đó để chúng ta sửa luôn thân này cho luôn luôn ở tuổi thanh xuân? Có những người tiền không có, thì thôi mua lại thanh xuân bằng cách gọi là hồi xuân, chơi xả láng như tuổi trẻ, chẳng e ngại, chẳng e thẹn trong trắng dù là tuổi đã già, để rồi con cháu nhìn vào thấy ngẩn thấy ngơ, ông bà tuổi đã cao rồi mà sao lí lắc như thời thanh xuân? Chuyện đó là có, người ta gọi là hồi xuân!
Hầu hết chúng ta đều nuối tiếc những gì qua đi, đặc biệt là ở tuổi thanh xuân. Chúng ta được tự do, chúng ta không lo nghĩ bởi có cha mẹ, bởi có thầy cô, bởi xã hội ưu đãi cho tuổi trẻ là bước vào trường học để học. Xã hội ưu đãi cho tuổi thanh niên, thanh xuân của chúng ta, thanh nữ của chúng ta là bước vào một khung trời thật mộng thật mơ, bao nhiêu ưu đãi đó nó đẹp, mà sức khỏe của cơ thể cũng ưu đãi, nó ngùn ngụt chí khí, sức mạnh ngất trời. Đúng, tuổi thanh xuân thật đẹp! Nhưng mấy ai trong chúng ta ở lứa tuổi thanh xuân đó, có được một sự chững chạc trong suy nghĩ, để vận dụng, để ứng dụng làm cho tuổi thanh xuân biến thành khí cụ tuyệt vời để thành tựu những điều cao đẹp? Hầu hết là ta nhớ là bởi vì ta muốn rong chơi, ta muốn thỏa thích, chứ trong cái nhớ đó vẫn hối tiếc. Bởi ai ai khi kể lại chuyện của đời mình đều có chữ “giá như hồi còn trẻ…”, “giá như thuở ấy…”, “giá như thuở thanh xuân…”. Người ta cứ “giá như…, giá như…” tức là hối tiếc tuổi thanh xuân đã không làm nên việc. Mà đúng, tuổi thanh xuân mấy ai để ý, mặc dù có ước mơ nhưng chúng ta vẫn phung phí thời gian cho cái chuyện tưng tửng của cuộc đời, bởi tuổi trẻ mà!
Trên con đường tu có điều gì dính dáng đến mua lại thanh xuân? Có! Có biết bao nhiêu cô chú bác, những vị lớn tuổi, bạn đồng tu ngồi tu mà than mà phiền: “Giá như hồi xưa còn trẻ biết được pháp của nhà Phật, tới chùa tu, gặp các bậc thiện tri thức thì tuyệt vời quá. Bây giờ Bảo Thành biết không, ngồi một chút đau lưng rồi, tụng kinh thì mắt mờ, đọc câu trước lộn tới câu sau, hít thở thì cũng khó, trì chú thì câu được câu không,…”, biết bao nhiêu thứ và rồi cứ tiếc rằng tuổi thanh xuân mình không có tu, nhưng thực ra lúc đó khó tu, họa hiếm có những người phước báu, tuổi còn trẻ biết được pháp, biết được Phật – Pháp – Tăng, biết được con đường chuyển hóa thì đó là những người đại phước. Cho nên Bảo Thành khi gặp các bạn trẻ tu, trong lòng thật là vui bởi vì các bạn có quá nhiều phước báu, nhất là các đấng bậc sinh thành dắt dìu con cái của mình khi còn rất trẻ, bước vào cửa của Phật môn để nghe, để học, để tu tập, đó là một diễm phúc của gia đình, diễm phúc của tất cả những người sinh ra trong cuộc đời này là cha mẹ, là con cái, là quyến thuộc. Rất tuyệt vời! Bao nhiêu chuyện chúng ta làm không bằng một chuyện có thể khuyến tu cho người thân, nhất là cha mẹ nếu có thể khuyến tu cho con cái, đó là điều tuyệt vời, phước báu vô cùng! Bởi những gì bạn có thể làm được cho con cái cũng có thể phai mờ, nhưng chuyện bạn có thể dìu dắt con cái vào con đường tu, thì gọi là bất tận thiên thu, không bao giờ phai mờ.
Mua lại thanh xuân, trong đạo Phật có gì nói về thanh xuân không? Và nếu có, thì mua như thế nào? Ở đời, mua lại thanh xuân thì tới bác sĩ thẩm mỹ hoặc là tự hồi xuân chơi xả láng như tuổi trẻ, còn trong đạo Phật có gì thanh xuân không? Phật nói sinh – lão – bệnh – tử, sinh rồi già, bệnh rồi chết, như vậy có chữ “già” mà, không nói tới chữ “thanh xuân”, “trẻ”. Trong cái khổ mà Phật dạy Tứ Khổ Đế nói về sinh – lão – bệnh – tử, sinh rồi già rồi bệnh rồi chết, có chữ “già”, có chữ “bệnh”, không có chữ “thanh xuân”. Có không, Bảo Thành và các bạn tìm thử coi Phật có dạy về thanh xuân hay không? Đúng! Trong chữ “già” và “chết đi”, Phật nói đến đó là cái khổ của loài người. Nhưng nếu để cứu con người hết cái khổ của già thì phải là thanh xuân, phải là trẻ. Cái nghịch với già là trẻ, là thanh xuân mà. Mà để cứu không khổ vì già, thì dĩ nhiên phải có phương pháp trẻ mãi không già của Phật chứ, đúng không các bạn? Có già thì phải có không già, mà già khổ, bây giờ muốn hết khổ thì phải không già.
Chúng ta chỉ nói về góc cạnh già và thanh xuân. Có nhiều người lớn tuổi rồi mà nghe chữ gọi bằng chị trong lòng vẫn vui. Bảo Thành chưa lớn lắm đâu, nhưng đừng gọi bằng ông, cũng hơi buồn. Hình như đây là tâm lý chung, chẳng có gì sai hết, con người có cảm giác, cảm xúc dâng trào, từ ngữ đôi khi cũng làm cho chúng ta vui và buồn dù vẫn biết đó là ngôn ngữ nhưng nó diễn tả tư tưởng và thâm ý ở trong lòng, ta nên lựa chọn những thể loại ngôn ngữ truyền tải những ý tưởng cao đẹp để người nghe và người nói đều tạo được phước cho nhau mà giữ được thanh xuân mãi mãi. Có đấy! Đức Phật có tuổi thanh xuân mãi mãi trong cuộc đời, có pháp môn để trẻ mãi không già. Không biết các bạn có nghe không, nhưng Bảo Thành nhớ thật rõ Đức Phật có dạy cho chúng ta trẻ mãi không già. Bởi vì già là khổ, và để giúp cho chúng ta hết khổ thì Phật phải dạy cho chúng ta không bao giờ già.
Phương thức mà trẻ mãi không già Phật đã dạy, người xưa người ta không có tìm ra, người xưa người ta tốn công tốn sức, những người mà có quyền thế như vua chúa thì ép các nhà y học phải đi tìm thuốc và luyện đan để trường sinh bất lão. Họ không tìm ra được lời Phật dạy là sẽ không bao giờ già, trường sinh, họ không tìm ra, họ phải nhờ vào y học. Ngày nay người ta cũng không tìm ra nữa, nhiều người không tìm ra Phật thực sự có dạy phương pháp trường sinh ở mãi tuổi thanh xuân thật là đẹp, không phải lo nghĩ gì hết. Nhưng người ta không nhận ra thôi, tý nữa Bảo Thành sẽ tiết lộ nha các bạn! Vì người ta không nhận ra, cho nên người ta đã tốn tiền trả cho bác sĩ nâng cao những bậc thềm bị dòng thời gian xói mòn nhăn nheo cuốn trôi đi, để vẫn giữ được hương khói của học trò gọi là hương khói thôi chứ làm gì còn nữa. Nhưng dù là hương khói của một thuở đã qua, nó vẫn thơm vẫn ngọt bao la đất trời. Các bạn, chuyện này có!
Nảy giờ Bảo Thành nói ngược nói xuôi, nói xuôi nói ngược cho vui mà, học pháp nhà Phật phải vui, các bạn chớ vịn vào chỗ nào để tự tủi thân cho mình – đó là lỗi của các bạn. Còn đối với Bảo Thành, chúng ta đã sống theo lời Phật thì chẳng chấp, chẳng bám để chúng ta tự tại thong dong, và đó chính là ý tưởng thanh xuân đó. Phương thức mà giữ cho chúng ta thanh xuân mãi mãi mà không phải dùng tiền, dùng sức để mua lại, mua là tội nghiệp cho mình, thanh xuân là của mình mà, có chi đâu phải mua, mà ai có thể mang lại thanh xuân cho ta, chỉ có ta mà thôi!
Trong Tâm Kinh Bát Nhã, mẹ hiền Quán Thế Âm nói thật rõ về phương pháp mà chúng ta luôn luôn giữ lại được tuổi thanh xuân đẹp. Bởi trong Tâm Kinh nói không già mà không chết, hai chữ “không già”, “không chết” này chính là “không già” là thanh xuân, “không chết” là trường sinh, Tâm Kinh nói thật rõ. Sáu cặp chữ trong Tâm Kinh là “không già không chết”, “không dơ không bẩn”, “không sanh không diệt”, “không tăng không giảm”, không già và không chết là thanh xuân và trường sinh ngay chỗ đó. Vậy mà cớ gì từ xưa cho tới bây giờ, chúng ta cứ phải tốn tiền mua lại thanh xuân, nhưng mà rồi nó có thanh xuân đâu? Cũng già cũng chết! Rồi luyện đan để trường sinh bất lão nhưng rồi chết ngắc à! Người ta chế ra đủ mọi thứ gọi là trường sinh, nào là thuốc luyện đan, nào là phương pháp tu tập. Nhưng mà các bạn cứ nhìn thực tế vào lịch sử của con người và nhân loại, tất cả những quốc gia tự hào về thuốc trường sinh bất tử, thì dân tộc đó chẳng sống trường thọ mấy, đều chết sớm hết. Những dân tộc nào tự hào hoặc những quốc gia nào mà chúng ta gán cho họ có những phương thức tu tập như yoga, như thực tập các môn khí công để trường sinh bất lão, hầu hết các nước đó, người dân ở đó, các bậc thượng thủ ở đó, tuổi thọ chẳng là bao nhiêu.
Bảo Thành không nói khống, các bạn nghiên cứu trên mạng ngày nay, dân tộc nào sống thọ nhất và phương pháp nào làm cho họ thọ nhất. Những chuyện mà luyện yoga cho thọ hoặc là tu tập phương thức này, phương thức kia cao cho tuổi thọ đều là hư ảo, giả dối. Người ta cứ mượn vào: “Ừ, nó xuất phát từ Tây Tạng huyền bí của những vị Lạt Ma tu tập!”. Nhưng chúng ta nghĩ đi, tìm đi, không có một vị Lạt Ma nào mà sống thọ 100 mấy chục tuổi, hiếm vô cùng, chẳng có. Mà các vị đó nhìn thực ra già nua à! Mà đúng mà, Đức Phật dạy sinh – lão – bệnh – tử, Phật cũng già, cũng bệnh và cũng chết, thì làm sao ai có thể vượt ngoài tầm với đó? Nhưng trong Tâm Kinh Bát Nhã nói không già và không chết tức là thanh xuân trẻ mãi và trường sinh, nhưng chẳng phải thanh xuân trẻ mãi, trường sinh nơi thân vật lý phải theo quy luật của thành – trụ – hoại – diệt. Nếu chúng ta chỉ bám víu theo thân vật lý này, sắc tướng vật lý này, để tìm về thanh xuân, để mua lại thanh xuân, để tu luyện cho thanh xuân, thì chúng ta chẳng phải là Phật tử. Bởi đã là Phật tử, đầu tiên, ta phải thông được bốn chữ là “thành – trụ – hoại – không”. Và trong thân vật lý này, Đức Phật dạy trong bài pháp đầu tiên, chuyển pháp luân cho năm anh em Kiều Trần Như đó là khổ từ sinh – lão – bệnh – tử, tức là sanh ra, già, bệnh tật rồi chết. Đây là chân lý không ai thoát được của thân vật lý này. Vậy thì chúng ta đừng khi nào tốn tiền, tốn sức, tốn của, tốn công mà giữ thanh xuân cho thân vật lý.
Chúng ta có thể theo những phương pháp ăn uống dưỡng sinh, tu tập dưỡng sinh, yoga, thể dục, khí công, võ thuật, các môn để dưỡng. Để dưỡng nhưng không phải giữ mãi tuổi thanh xuân! Để dưỡng cho thân được cường tráng, dẻo dai, mạnh khỏe theo thời gian, nhưng không phải là giữ mãi! Phải hiểu thấu được những phương pháp như vậy, dưỡng, nuôi dưỡng! Cho nên chúng ta thấy tại sao có các cụ lớn tuổi mà tinh thần, khí khái vẫn thanh xuân dù rằng đầu đã bạc, mắt đã nhăn, da đã chùng xuống, lưng đã còng nhưng mà nụ cười tươi còn hơn hoa, hoa ngày Tết đó các bạn. Là bởi tâm! Tâm Kinh là dạy về tâm, nếu chúng ta đi vào Tâm Kinh Bát Nhã, pháp môn vô thượng của mẹ hiền Quán Thế Âm – Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã, thì chúng ta sẽ thanh xuân mãi và trường sinh bất tử bởi không già và không chết!
Làm sao chúng ta không già không chết? Trong kinh nói thật rõ, ba đời chư Phật đều như thế, thực hành một cách là viễn ly điên đảo mộng tưởng. Tức là chúng ta phải rời xa mọi sự điên đảo mộng tưởng trong cuộc đời thì chúng ta sẽ bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm, sẽ trường sinh, sẽ thanh xuân mãi mãi nơi tâm, chẳng phải nơi thân nha các bạn. Không cần phải mua nữa nha các bạn! Hãy sống tránh xa mọi phiền não trong cuộc đời, mọi điên đảo mộng tưởng trong cuộc đời, thì nhất định các bạn và Bảo Thành, tâm của chúng ta, sẽ thanh xuân, sẽ trường sinh vĩnh cửu, không già không chết, cũng chẳng dơ chẳng sạch, cũng chẳng tăng chẳng giảm, y nguyên như vậy mãi mãi mà thôi. Tâm ấy là tâm trí tuệ siêu việt, tâm trí tuệ siêu việt là trí tuệ của NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, siêu việt ở chỗ Mu A Mu Sa. Tại sao gọi là trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang? Trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là trí tuệ nhìn thấu được vô thường sanh diệt, bám víu vào điều vô thường sanh diệt đó, cho nó là thường, ta sẽ khổ. Trí tuệ đó là trí tuệ nhìn thấu được vô ngã, bám víu vào cái ngã sẽ khổ. Nên chúng ta hiểu được vô ngã, vô thường, ta hết khổ, đó là trí tuệ viên thông siêu việt. Và nó siêu việt Mu A Mu Sa là bởi vì chúng ta đã nhìn thấu và từ đó, chúng ta sống bằng tình thương, lòng từ bi chan chứa, bao dung, che chở và san sẻ tới với tất cả mọi người. Nếu có trí tuệ nhìn như vậy và có năng lượng tình thương Mu A Mu Sa như thế, thì chúng ta sẽ trường sinh bất lão, sống mãi với tuổi thanh xuân và chúng ta sẽ rời xa được mọi điên đảo và mộng tưởng.
Chúng ta không phân tích toàn bộ Tâm Kinh Bát Nhã, chỉ một ý tưởng thôi là không già không chết, thanh xuân mãi mãi, trường sinh bất tử là phải rời xa những điên đảo mộng tưởng. Mà để rời xa những điên đảo mộng tưởng thì ta phải thắp sáng trí tuệ và dùng năng lượng từ bi để gội rửa sạch sẽ hết, sạch sẽ, sạch sẽ một cách vi diệu. Và dùng trí tuệ tức là ánh sáng, ánh minh tuệ của bậc giác ngộ nhìn rõ, để thấy rằng trong tâm của chúng ta, sạch sẽ vi diệu không một vẩn dơ, sạch lắm. Sạch là bởi vì tâm chúng ta đã rời xa được những chuyện mộng tưởng điên đảo, những chướng ngại trong cuộc đời. Chướng ngại làm cho chúng ta già, những sự khủng hoảng làm cho chúng ta già, những sự làm cho chúng ta bực mình khó chịu sẽ làm chúng ta già. Mỗi khi chúng ta bực mình, ta cau có, nhăn trán, trợn mắt mau già. Rõ ràng!
Cho nên khi chúng ta không còn chướng ngại, không bị khủng bố, không bị khủng hoảng, là bởi vì ta đã chuyển hóa được tâm sân. Khi tâm sân được chuyển hóa, thì bạn sẽ trẻ, sẽ thanh xuân, không những nơi tâm hồn mà nơi thân này nữa. Cho nên không cần mua lại thanh xuân mà hãy sống trong sự thanh xuân, hãy sống trong sự không già không chết! Mà sống trong sự không già không chết là sống thể nhập vào với trí tuệ và từ bi. Với trí tuệ – từ bi ấy, ta sẽ rời xa được mọi điên đảo mộng tưởng, mọi chướng ngại, khủng hoảng, mọi sân giận và tham si. Vốn trong chúng ta sinh lại do nghiệp chướng đầy hết những tham – sân – si, nay phải sàng lọc bằng trí tuệ và gội rửa bằng từ bi, thì ta – Bảo Thành và các bạn không còn tốn công tốn sức, tốn tiền tốn của để mua lại thanh xuân, nhưng sống trong sự thanh xuân của Phật tánh!
Phật không bao giờ nói lời hư dối, Tâm Kinh Bát Nhã là trí tuệ siêu việt chỉ gọn trong một câu “không già không chết” đã nói đủ ý tưởng không cần mua lại thanh xuân của chủ đề. Trường sinh bất lão là có thật, bởi không già không chết là trường sinh bất lão, là thanh xuân vĩnh cửu. Nói như vậy để chúng ta thấy rằng lời Phật là chân lý, là đúng, nhưng phải thực hành để thể nhập, để thành tựu. Thực hành như thế nào? Muốn thực hành nó thành công thì ta phải đi vào con đường trí tuệ và từ bi và rời xa mọi phiền não, mọi điên đảo trong cuộc đời. Hai chữ “điên đảo” trong cuộc đời, các bạn liệt kê đi, với tuổi đời bây giờ, nếu mà ngồi xuống để viết, viết lên trang giấy trắng nó sẽ đen thui à, bởi vì các bạn đã trải qua biết bao nhiêu những sự điên đảo mộng tưởng của cuộc đời dù tuổi trẻ vẫn còn rất trẻ huống hồ chi là những người lớn tuổi như Bảo Thành và một số các bạn nữa, thì trời ơi không phải một trang sách, cả một cuốn sách cũng sẽ đen ngòm những sự điên đảo mộng tưởng của cuộc đời mà mình đã trải nghiệm qua.
May thay và lành thay, chúng ta đã có trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang để chiếu và nhìn và soi rọi vào từng trang, từng chữ, từng dòng đen thui của những điên đảo mộng tưởng ta đã in vào tâm của chúng ta. Và lành thay lành thay là ta có nước, nước thanh tẩy, nước gọi là tẩy tủy tịnh tâm ly trần mà rời xa mọi dục lạc của cuộc đời, đó chính là từ bi Mu A Mu Sa. Công năng vi diệu của hai mật ngôn này làm cho chúng ta gắn kết mật thiết với mười phương chư Phật, tràn đầy năng lượng yêu thương và trí tuệ bừng sáng. Ai trì niệm với công hạnh của chánh niệm hơi thở vào ra, quán chiếu thân tâm của mình, người đó sẽ có, sẽ có được năng lượng siêu thế của trí tuệ viên giác và từ bi vô tận để chuyển hóa cuộc đời của mình, và đủ sức mạnh rời xa mọi điên đảo mộng tưởng. Bởi đây là trí tuệ siêu việt của Bát Nhã Tâm Kinh, sẽ đưa chúng ta thể nhập vào cảnh giới của không già không chết, trường sinh bất tử, thanh xuân vĩnh cửu, không cần phải mua, không cần phải sửa và không cần phải tốn sức tốn công.
Mẹ hiền Quán Thế Âm, mỗi người chúng ta khi chiêm bái Ngài, thấy được cái đẹp thanh tịnh xuất thế của Ngài như thế nào, cái đẹp đó chính là nhờ Ngài tu, quán chiếu ngũ uẩn đều là không, thấy rõ được vạn pháp vô thường sanh diệt, để từ đó Ngài không già và không chết, thanh xuân vĩnh cửu, trường sinh bất lão. Chúng ta làm được điều đó, bởi chúng ta có cơ may biết được mẹ Hiền Quan Âm, pháp tối thượng! Trí tuệ – từ bi quán là pháp môn vô thượng phù hợp với mọi nhân duyên của từng người, không phân biệt giai cấp, trình độ, quốc độ, con người, màu da, sắc tướng. Ai ai cũng có thể tu được, xuất gia hay tại gia, nhất là các bạn tại gia bận rộn trong thời nay, chúng ta đều có thể tu được ở mọi nơi mọi chốn mọi chỗ. Rất đơn thuần, chánh niệm hơi thở trong từng bước đi, trong từng công việc, tạo tác hằng ngày, thắp sáng đuốc tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, lan tỏa tình yêu thương Mu A Mu Sa từ bi vô thượng. Chỉ có vậy thôi, là chúng ta sẽ trường sinh bất tử bởi thể nhập vào Phật tánh. Không già không chết, thanh xuân vĩnh cửu, đẹp lắm, không còn hối tiếc nữa! Hối tiếc thuở học trò trong một chiều mưa ngâu, ngoảnh đầu nhìn lại, thấy lòng bâng khuâng. Người đi kẻ ở chần chờ, sao ta không nói lời mình yêu thương?
Đó là tuổi học trò, ai không có, Bảo Thành cũng vậy, các bạn cũng như thế! Nhưng nay đã vào con đường tu tập của nhà Phật, ta hiểu thấu thân này phải theo quy luật của thành – trụ – hoại – không và chúng ta vận hành theo quy luật của Phật tánh là không già không chết, để thanh xuân, để trường sinh, để bất tử, để đẹp. Và để có được những điều đó, chúng ta từ ngày hôm nay cho tới ngày Tết Nguyên Đán của mình, hãy cùng với Bảo Thành thực tập tu rời xa mọi điên đảo mộng tưởng của cuộc sống trong sự tương tác giữa gia đình và người ngoài qua ngôn ngữ tiếp xúc. Tránh mọi thể loại ngôn ngữ làm cho đau lòng nhau, tránh mọi thể loại ngôn ngữ xỉa xói, đâm thọt. Hãy dùng ái ngữ một cách thiện xảo để mang lại sự êm ấm và có thể tương thông trong sự thông cảm. Chúng ta cũng thực tập tác ý như pháp thiện để muôn ý khởi lên trong tâm đều là thiện pháp. Chúng ta cũng thực tập những hành động tương tác hằng ngày bằng hành động bác ái, bằng sự san sẻ, bằng sự thông cảm bởi nâng đỡ. Từ những sự thực tập thật rõ như vậy, ta sẽ rời xa được những chuyện làm cho đau lòng, làm cho điên đầu, gọi là điên đảo mộng tưởng đó mà. Làm được điều đó, nó ở trong khả năng của chúng ta! Và đây chính là món quà vô giá ta bắt đầu chuẩn bị từ ngày hôm nay để tặng cho nhau trong ngày Tết. Chẳng phải là tiền, bánh chưng, bánh tét, dừa, mứt các thứ đâu. Mà là sự dọn dẹp thân tâm cho sạch, rời xa những sự làm cho điên đảo lòng nhau ngay bây giờ qua ngôn ngữ, qua tư tưởng và hành động tương tác hằng ngày với các đấng bậc sinh thành, với vợ chồng, con cái, với gia đình, thân bằng quyến thuộc, bạn bè, các bậc thầy, bạn đồng tu. Tu ngay, tu ngay, để được trường sinh bất lão, để rời xa điên đảo mộng tưởng, để chúng ta luôn đẹp và thoải mái! Món quà vô giá của ngày xuân cần phải chuẩn bị thật chu đáo và kỹ lưỡng ngay từ bây giờ!
Các bạn, mua lại thanh xuân, Bảo Thành nghĩ không cần! Hãy thể nhập vào chánh niệm hơi thở, quán chiếu trí tuệ và từ bi – pháp môn vi diệu của mẹ hiền Quan Âm. Hãy dọn sạch tâm tư của mình, hãy gội rửa mọi uế trược bằng lòng từ bi. Và chúng ta hãy ứng dụng vào đời sống ngay bây giờ, rời xa mọi sự điên đảo mộng tưởng gây phiền não, đau đớn cho nhau trong sự tương tác ngay từ trong gia đình của mình. Thì nhất định chúng ta đang sống trong tuổi thanh xuân gọi là trường sinh bất lão, bất sanh bất diệt Tâm Kinh vi diệu siêu thế đã truyền dạy cho chúng ta! Đừng miên man tìm những thú vui ở đời để mà níu kéo một thời áo trắng tuổi thanh xuân học trò nữa, mà hãy trở về thực tế trong cuộc đời, chỉ cần rời xa những sự làm phiền nhau, đau đớn cho nhau trong ngay cuộc sống của gia đình chính là đang nuôi dưỡng mầm thanh xuân vĩnh cửu mãi mãi!
Hãy đặt bàn tay Trí Tuệ và Từ Bi vào với nhau!
Thưa Phật! Tết năm nay, chúng con chẳng ưa chuyện đầu tư để mua lại thanh xuân, nhưng chúng con phát nguyện rời xa những điên đảo mộng tưởng gây đau lòng nhau nơi cuộc sống của gia đình, để có một sự ứng xử minh triết với các đấng sinh thành, vợ chồng, con cái và gia đình, để chúng con sống trường sinh bất tử theo Tâm Kinh siêu việt mà mẹ hiền Quan Âm đã hướng dẫn cho chúng con!
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì Mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Hồi hướng:
Chúng ta hãy hồi hướng công đức!
Thưa Phật, sự đồng tu của chúng con hôm nay nếu tạo ra được chút phước báu nào, chúng con hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo!