Bảo Tuệ Uyên đánh máy, Bảo Ngân biên tập
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi. Xin mọi người hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu hôm nay!
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho muôn loài chúng sanh. Và gia trì cho chúng con biết Chánh Niệm hơi thở, thiền quán Trí Tuệ và Từ Bi để nhận rõ các pháp Vô Thường sanh – diệt, Khổ, Vô Ngã. Nguyện xin chư Phật gia trì cho Việt Nam quê hương của chúng con và toàn thế giới mau thoát khỏi cảnh đại dịch. Nguyện cho hàng đệ tử chúng con tinh tấn, kiên nhẫn và bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, thân tâm thường an lạc. Nguyện siêu cho chư vị hương linh theo thiện nghiệp của mình mà tái sanh cảnh giới thiện lành. Xin chư Phật chứng minh.
Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái. Bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ. Bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi. Chúng ta hãy lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Từng giây phút hít thở trong Chánh Niệm, chúng ta gắn kết mật thiết với ba ngôi Tam Bảo đón nhận năng lượng tình thương tới với chúng ta. Một lòng thành kính và chân thật, xin mọi người cùng lĩnh hội.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Mô Phật! Các bạn, Bảo Thành đang nhìn trên màn hình chủ đề “Đừng Hẹn Kiếp Sau”, bây giờ Bảo Thành và các bạn cùng suy nghĩ tại sao chúng ta phải nói câu đoạn tình, đoạn nghĩa đến như vậy: “Đừng Hẹn Kiếp Sau”. Mà hẹn với ai? Ai làm gì chúng ta đâu để rồi chúng ta phải khư khư khẳng định rằng: “Thôi thôi! Tôi sẽ không bao giờ hẹn người ở kiếp sau nữa!”. Ai vậy ta? Có lẽ chỉ là tình yêu thôi, chứ còn chạy đâu nữa? “Đừng Hẹn Kiếp Sau” là nói đến tình yêu đôi lứa, chắc có lẽ không trọn rồi, tình yêu không hợp, buồn quá, không muốn gặp nhau nữa, nên đành nói đừng hẹn kiếp sau. Chủ đề tình yêu có liên quan gì đến Phật pháp không? Ta đi thử vào trong đó, trong cái tình yêu của nhân thế, của con người, của nam nữ, của người đối với người, của con cái đối với cha mẹ, tình nghĩa vợ chồng, nhân loại.. coi trong tình yêu đó có cái điều gì ngang trái để đừng hẹn kiếp sau và sự liên quan gì tới lời Đức Phật dạy.
Trong tình yêu giữa nam nữ, nếu em ơi/ anh ơi kiếp này ta yêu không trọn thì thôi đừng hẹn kiếp sau. Kiếp này đã không trọn rồi để cả đời không còn có nhau. Vạn nẻo đường trong kiếp nhân sinh mà chúng ta chẳng thể tìm được một con đường chung lối về. Lỡ yêu rồi kiếp này ta phụ lòng hay sao? Tình yêu có thể là hương vị ngọt ngào trong cuộc sống nhưng mỗi khi nếm tới cái mùi vị cay đắng, chẳng trọn vẹn như ước nguyện, ta thẳng thừng nói như sét đánh ngang tai với những người trong cuộc yêu đó: Kiếp này đã không trọn, thôi thôi đừng hẹn kiếp sau nữa. Kiếp này không trọn thì ta lỡ mất nhau, ta không thể chung lối về và sẽ sao? Sẽ vứt bỏ ngay! Tình yêu là như vậy bởi không thể phục vụ cái nhu cầu cá nhân của ta, ta không muốn hẹn kiếp sau. Nhưng vẫn có những cái mối tình đẹp, người ta cho là đẹp, đẹp trong cái giây phút đó để trong tình yêu nó đẹp và nó hợp. Người ta hẹn, hẹn kiếp sau: nếu là người thì em hoặc là anh vẫn là của nhau. Ôi tình yêu thật là đẹp, đẹp đến mức mà kiếp này đã trọn vẹn mà còn hẹn đến kiếp sau và hẹn mãi mãi yêu nhau. Hình như đây là những cái thuật ngữ tình yêu làm say đắm cái lòng người dù là người trần gian tại thế tại gia hay người xuất thế gian, ở cõi trời nào đi nữa thì những cái ngôn từ đẹp của tình yêu – hẹn đến kiếp sau, hoặc ngôn từ cay đắng – đừng hẹn kiếp sau cũng làm cho rung động trái tim của phàm phu. Nhưng chúng ta cứ suy nghĩ kĩ, có phải rằng không muốn hẹn người ở kiếp sau là đời đời không gặp hay không? Hay quyết tâm sẽ hẹn sẽ hứa kiếp sau ta gặp nữa và gặp nữa, kiếp sau nghe em, nghe anh, và rồi chúng ta có gặp nhau hay không? Chẳng ai chứng minh được điều đó nhưng cứ hẹn và không hẹn ở kiếp sau trở thành một cái thương hiệu để mà làm cho đau lòng nhau, để làm cho nhiễm ái nhung nhớ, làm cho xiêu xiêu cái cõi đời.
Cũng hay, con người nghĩ cũng hay! Hay ở cái chỗ có thể hẹn và có thể không hẹn nhưng tại sao chúng ta chỉ hẹn hay không hẹn gặp nhau ở kiếp sau mà không hẹn tới một cái điều gì cao cả đặc biệt hơn? Bởi dù có gặp người không trọn hoặc không gặp người không trọn thì mãi mãi trong lòng vẫn đau. Nhưng sao ta lại không hẹn gặp một người mà ở nơi đó ta không bao giờ đau ở trong cái cõi lòng? Đức Phật dạy dù bạn có hẹn hay không hẹn, chẳng thể vì không hẹn mà không gặp, hẹn mà gặp. Tất cả sự gặp gỡ nhau trong cuộc đời để nên cái duyên vợ chồng hoặc cha mẹ, con cái, bạn bè đều là trải qua vô lượng kiếp tu luyện mới có đầy đủ phước báu để gặp gỡ nhau trong cuộc đời, để rồi yêu mà không trọn, để rồi yêu mà tràn đầy hạnh phúc, để rồi làm vợ chồng, làm người yêu, làm con cái, làm cha mẹ, làm bạn đồng tu, làm nghĩa thầy trò, làm thân hữu cộng đồng, làm bạn bè, làm cộng đồng xã hội, quốc độ chung. Tất cả những nhân duyên đó đều phải trải qua hàng vô lượng kiếp. Kiếp này không sống trọn vẹn là cái thân người vi diệu này sử dụng chưa đúng thì đừng mong sao cái kiếp sau ta có thể làm người nữa, huống hồ chi là gặp?
Đức Phật dạy mang thân kiếp con người khó lắm! Làm người khó lắm! Thật khó và thật khó! Bởi cái sự trùng trùng duyên khởi lăn trôi trong luân hồi chứ đâu phải lời hẹn của chúng ta là không gặp và gặp để rồi không gặp và gặp nhau đâu. Vẫn biết rằng sự quyết định gặp hay không gặp đều là do tâm của chúng ta, nếu chúng ta hiểu được điều đó, phát tâm theo cái định hướng thật rõ, cái phương pháp như Đức Phật dạy thì nhất định ở cõi nào chúng ta cũng có thể gặp nhau được. Nhưng chúng ta chỉ khởi lên cái ý niệm trong cái tâm tham chấp, đắm đuối, sân giận của ái dục, của tham dục, nặng về phần cảm xúc của con người thì chẳng thể, không bao giờ xảy ra đâu.
Cuộc sống thật là ngắn! Nhất định các bạn đã từng trải qua những cái hương vị của tình đời mà hương vị đó chẳng ngọt ngào như bạn mong muốn. Không nói đến chữ “đừng hẹn kiếp sau” mà nói thẳng “tôi sẽ không bao giờ gặp anh nữa”, “tôi sẽ không bao giờ gặp cô nữa”, “vĩnh biệt”, dù vẫn còn sống mà vĩnh biệt nhau. Những vẫn có những cái giây phút ngọt ngào đến mức về rồi không nói một lời mà trong lòng vẫn quyến luyến yêu thương để rồi xảy ra biết bao nhiêu cuộc hẹn hò dang dở trong cuộc đời ở những cái đoạn trường cay đắng. Nếu chúng ta biết yêu thương chính mình, biết chân thật chính mình và biết sống với tình yêu thương chân thật đó đối với chính mình thì cả thế giới này không ai mà không yêu thương ta, không ai mà không chân thật với ta. Sống ở đời hãy chân thật với tình yêu thật là rõ. Chân thật với tình yêu không hẳn giữa nam nữ mà với muôn người, muôn chúng sanh. Một tình yêu thật là lớn không có hương vị của sự vị kỷ, ích kỷ mà nồng hương thơm của lòng Từ Bi chan chứa bao trùm tất cả.
Đừng hẹn kiếp sau! Dù hẹn để gặp hay hẹn không gặp thì đừng bao giờ hẹn kiếp sau, mà ngay bây giờ, tại chỗ này hãy yêu thương với lòng thành kính chân thật. Điều gì các bạn có thể làm được, hãy làm ngay! Đặc biệt là đối với những người yêu thương chúng ta như vợ chồng, con cái, người thân, người yêu, các đấng bậc sinh thành, ông bà. Nếu một điều gì các bạn có thể làm được, hãy làm ngay như tu tập, như phát triển cái sự tinh tấn tu học Phật để chúng ta chuyển hóa phiền não và đau khổ. Điều gì bạn có thể làm được cho tha nhân, phụng hiến cho nhân loại, cho bản thân, cho gia đình, cho cộng đồng cho đấng bậc sinh thành, cho ông bà hãy làm ngay, đừng hẹn đến kiếp sau. Hình như nghe thật là quen có những cái câu nói như vầy: “Nếu kiếp sau con có thể làm người, con xin lại hẹn làm con của mẹ để báo hiếu”, “Nếu kiếp sau, nếu sinh làm người, em xin là vợ, anh sẽ xin chồng, là con, là mẹ, là cha, là ông, là bà, là người thân, là huynh đệ… để sống trọn tình trọn nghĩa”. Những cái câu nói như vậy là những câu nói cải lương khách sáo, đóng tuồng đóng kịch khi người yêu thương đã ra đi. Ta màu mè sắc tướng đóng tuồng vậy cho cái người không còn sống, hiện diện nơi mồ xanh chôn sâu dưới lòng đất kia, cái người yêu thương phải ra đi vĩnh biệt ấy chẳng thể nghe, chẳng thể cảm. Nhưng để người đứng hai bên bờ mộ xanh kia nhận ra rằng hình như ta là người sống có ý nghĩa tốt đẹp là muốn hẹn đến kiếp sau. Nhưng đó chỉ là tuồng tích thôi, nó không có chân thật. Nếu có yêu nhau xin hãy yêu ngay bây giờ. Nếu có thể làm được gì thì hãy làm bây giờ, đừng hẹn kiếp sau.
Đừng hẹn kiếp sau, đừng làm gì cho kiếp sau, đừng nghĩ gì cho kiếp sau. Để rồi nếu nó không có trọn đời trọn kiếp thì ta đau đớn, ta làm đau lòng nhau và trên muôn vạn nẻo đường của cuộc đời này ta không thể chung một lối để đi về thì huống hồ chi là những lối đi trong vạn kiếp lưu đày luân hồi kia sao có thể gặp nhau được nữa? Sao có thể gặp nhau nữa mà hẹn? Đức Phật là đấng giác ngộ, ngài hiểu thật thấu cái lòng ham muốn ích kỷ và màu mè hoa lá, cái kiểu nhân gian thường hứa thường hẹn. Như cái câu gì đó “Anh cứ hẹn nhưng anh đừng đến nhé, để lòng em đau đớn cả đêm trường.” Nhân gian cứ thích như vậy, gọi là thú vui đau thương. Đau mà vui mà là thú, trời ơi, khổ đau mà là vui, là thú vị sao? Không. Nhưng người ta vẫn tôn vinh những cái mùi vị đau khổ, chẳng biết sống trọn tình trọn nghĩa hoặc là sống đúng ý nghĩa trọn lòng hiếu đạo, hoặc là đạo nghĩa vợ chồng huynh đệ bạn bè nhưng cứ khách sáo trong ngôn ngữ. Chúng ta cởi bỏ tất cả những sự mặc định ngôn ngữ thương hiệu đáng yêu mà nghe nó phê phê đó đi. Hãy tỉnh lại một chút trong năm mới các bạn ơi. Đừng hẹn kiếp sau dù là tình người, tình vợ chồng, huynh đệ, bạn bè, đặc biệt là ân nghĩa của đấng bậc sinh thành. Đừng bao giờ có một ý tưởng hẹn kiếp sau mà ngay trong kiếp này, ngay trong hiện tại này, chúng ta phải theo lời của Đức Phật dạy: Chánh Niệm hơi thở, sống trọn vẹn với cái nguồn năng lượng của Từ Bi, thắp sáng Trí Tuệ để nhìn rõ nếu có điều gì phải làm, hãy làm ngay. Hãy yêu thương cha mẹ khi ta còn có thể! Đừng đợi xuống mồ sâu giá lạnh rồi chúng ta rống lên chúng ta khóc, để làm gì? Chúng ta hứa, chúng ta hẹn có ý nghĩa gì nữa đâu? Mỗi một đầu năm là chúng ta nhìn lại cả một năm qua chúng ta đã làm gì để cho chúng ta có một cái suy nghĩ sâu hơn, sửa để tăng cấp cái tình yêu con người phù hợp hơn, tốt đẹp hơn với cái đạo thiện lương mà Đức Phật dạy cho chúng ta.
Người ta cứ tưởng trong tình yêu của trai gái không trọn rồi mới giận dữ nói: đừng hẹn kiếp sau. Không, trong tình người đối nhân xử thế, gia đình, cha mẹ, vợ chồng, con cái, có những cái khúc quanh co vòng vòng đi hoài không có thoát được. Chẳng hẹn kiếp sau, người ta bỏ đi ngay, người ta giã từ, người ta chối từ nhau, người ta từ mặt nhau, gặp nhau mà mặt lạnh như băng, xoay qua một cái vỡ toang cả cuộc đời. Lạnh quá, băng giá mà, chỉ nhích một cái là vỡ toang ra rồi. Cuộc đời từ đó là thôi rồi. Vì sao chúng ta trở nên như vậy? Vì mỗi người chúng ta vẫn có cái tự ái, vẫn có cái sự ích kỷ pha trộn với cái tự ái quá cao. Cho nên khi va chạm vào, thay vì chúng ta lắng nghe cái âm thanh của sự va chạm đó để chúng ta tìm ra một cái chỗ để cùng ngồi nhìn về một hướng, nhưng chúng ta không. Dù là sự va chạm đó có đau đến cỡ nào thì cũng có cái giá trị của nó. Mỗi một sự đổ vỡ đau đớn va chạm đến cay đắng lòng người trong tình yêu đều là một dấu tích thị hiện sự trưởng thành của mỗi người chúng ta. Ta sẽ trưởng thành hơn trong tình yêu khi đau đớn, ta sẽ trưởng thành hơn trong tình yêu khi trái ngang, ta sẽ trưởng thành hơn trong tình yêu đậm cái nét cay đắng ngọt bùi của trần gian. Ta trưởng thành hơn. Tình yêu đối với cha mẹ, ông bà, tình yêu vợ chồng, con cái, tình yêu giữa người với người khi va chạm với nhau chúng ta sẽ trưởng thành hơn chứ có đâu phải nói cái câu vĩnh biệt ngàn thu. Chúng ta đã quá coi trọng cái sự trông đợi và tự ái dồn dập để khi va chạm ta liền đập vỡ tất cả những cái mối giao hảo trong cuộc đời. Xóa sổ không muốn gặp, hôm nay, ngày mai, mãi mãi và kiếp sau không muốn gặp nữa.
Gặp nhau trong cuộc đời đều do duyên nghiệp. Dù là oan gia trái chủ, gặp nhau mà không có hợp nhau, cắn đắng nhau từng ngày cũng là phải có duyên vô cùng mới có thể gặp nhau đấy. Gặp nhau làm cha mẹ, làm con cái vợ chồng, thân bằng quyến thuộc, làm bạn đồng tu, đồng chí hướng, cùng hãng xưởng, cùng một dân tộc, nói cùng một ngôn ngữ, cùng một tâm nguyện, cùng cảm xúc đều có vô cùng thiện duyên mới có thể gặp. Trải qua vô lượng kiếp tu mới có thể gặp, Phật dạy như vậy. Chẳng phải cứ đùng đùng nổi giận như thần sấm thần sét đánh ngang tai một cái “Thôi đừng gặp nhau kiếp sau”. Nếu nói đừng gặp nhau kiếp sau, có nghĩa kiếp này ta vẫn phải gặp nhau nhưng không chạy trốn nhau được, không thoát khỏi nhau, không lìa khỏi nhau nhưng chẳng làm vừa lòng nhau, chỉ làm cho nhau đau thôi. Để rồi hai người cùng đi chung một lối nhưng chẳng về cùng một ngõ, cho nên bực quá mới nói kiếp sau đừng gặp nhau nữa. Kiếp sau không gặp mà kiếp này phải gặp thì ta theo lời Phật, nếu kiếp này ta đã gặp quán chiếu thật rõ nhân duyên phước báu vô cùng thì theo lời Phật ta chuyển hóa thì kiếp này sẽ tuyệt vời vô cùng.
Chúng ta thường đi theo những lời hẹn mông lung, không chân thật, huyễn hoặc. Bởi càng huyễn hoặc càng mù tịt, càng ẩn tàng trong hai chữ bí mật huyền bí cao siêu khó hiểu, đời đời không biết thì càng lôi cuốn chúng ta. Và trong tình yêu giữa con người, trong tình người với tình người, những cái mối tình mà càng bí hiểm, càng không thấy, càng lôi cuốn như phim chuyện tình nhiều tập coi hoài không chán, như một đoạn kết cuối cùng là nhân vật chính vẫn tang thương, vẫn rách nát, vẫn khổ. Cái vai chính đó chẳng phải là ai khác mà chính là chúng ta. Tại sao? Bởi vì bị sự trông đợi cho một cái vai chính cuối cùng kết thúc chẳng phải như ta mong muốn thế là ta đau ta buồn. Bởi đã yêu rồi mà không trọn, ta sẽ làm đau lòng nhau. Và yêu rồi không trọn thì đừng hẹn kiếp sau nữa, đau lòng quá, không chung lối về thì hẹn gì nữa? Đó là cách nói của dân gian nhưng Phật đã dạy cho chúng ta rằng dù không chung lối về, dù không hẹn hò nhau thì nơi bản nguyên của mỗi người chúng ta vẫn có chung một lối đi về đó chính là Phật tánh – con đường trở về sự tự tại và hạnh phúc. Đây chẳng phải là một lời hẹn lời hứa mà đây là một chân lý Đức Phật đã tỏ ngộ trong cả một cái công hạnh tu tập khám phá ra chân lý này. Ngài đều thấy dù ta hẹn hay không hẹn, muốn hay không muốn thì nơi cuộc sống của kiếp người này chúng ta vẫn còn có cái tâm Phật. Tâm Phật là một cái lối về chung cho toàn bộ chúng sanh, lối về sự an lạc, lối về với tình thương, lối về với cái ánh sáng Trí Tuệ, lối về để thoát khổ đó chính là tâm Phật.
Chúng ta có nghe qua ngày cuối của mẹ, ngày cuối của cha? Bảo Thành còn nhớ ông cụ Bảo Thành thật là rõ. Vào những đầu năm 2017 trở về trước, lúc đó ông cụ của Bảo Thành đã chín mươi lăm tuổi, Bảo Thành đã có cơ hội về thăm cha của mình. Ông cụ không bao giờ than phiền. Bốn giờ sáng ông cụ đã tới gõ cửa và cùng ông cụ ngồi tu thiền. Năm giờ là đã có tách cà phê nóng và một tiếng tràn đầy yêu thương “Con ơi xuống uống cà phê với cha”. Mười giờ sáng là gọi con ơi ăn trưa, bốn giờ chiều là gọi con ơi ăn tối. Một cách điều độ tiết chế thời gian với những cung bậc tình yêu gọn gàng trong những ngôn ngữ và sự chăm sóc thật là rõ. Bình dị chân phương, vóc dáng của một người nông dân đã lớn tuổi thật yêu, thật đáng yêu. Làm cho Bảo Thành cảm động vô cùng! Thay vì ta là con về phải pha cà phê cho cha, phải nấu ăn cho cha, phải mời cha ăn. Ngược lại, cha làm tất cả. Không có một sự ngăn ngại, không có một sự chướng ngại, không có một chút phiền não, tràn đầy sự hoan hỉ và yêu thương thật ấm lòng. Mùa hè 2017 ông cụ đã bãi biệt ra đi mãi mãi. Gần năm năm trời ông cụ đi nhưng trong lòng Bảo Thành vẫn cảm giác được cái hơi ấm tình yêu của cha, trong tâm vẫn vang vọng cái tiếng “con ơi dậy uống cà phê” thật đáng yêu. Dù không hẹn nhưng âm thanh của tình yêu nơi cha vẫn vượt qua không gian và thời gian để hiện hữu trong tâm thức. Hương vị tình yêu của cha vẫn còn nồng, vẫn còn thơm, vẫn còn đậm nét trong cuộc đời. Đức Phật đưa chúng ta tới một cung bậc tình yêu cao thật là cao. Cái cung bậc tình yêu này cao tới mức mà không có một ca sỹ tài giỏi trên thế gian này có thể hát được cái nốt cao như vậy, cái cung bậc cao như vậy. Không ai hòa âm được ngoài Đức Phật. Ngài đã hoà âm phối khí giữa cái kiếp nhân sinh thật là yếu đuối, thật là mỏng manh, dư bất thiện nghiệp, ít phước, thành cái cung bậc tột cùng cao mà chúng ta có thể đi từ cái nốt thật thấp của một cuộc đời trải qua vô lượng kiếp bất thiện đến cái nốt cao nhất là giải thoát vĩnh viễn khỏi luân hồi sinh tử, qua sự phối khí nhẹ nhàng hít vào thở ra một Chánh Niệm hơi thở Từ Bi và Trí Tuệ.
Trong âm nhạc người ta phối khí thật là giỏi nhưng cái phối khí đó chỉ làm say đắm với những cái âm thanh mờ ảo huyễn hoặc của cuộc đời mà thôi. Còn sự phối khí của chư Phật là sự phối khí nhẹ nhàng trong Chánh Niệm hơi thở để hơi thở đó, hơi thở của phàm phu nhưng được Chánh Niệm Từ Bi và Trí Tuệ đã biến thành hơi thở của bậc thánh, hơi thở của thoát luân hồi khổ đau, hơi thở của xóa tan đi vạn kiếp lưu đày chẳng hẹn mà mãi mãi luôn gặp nhau ở trong Chánh Niệm Từ Bi và Trí Tuệ. Nơi Chánh Niệm Từ Bi Trí Tuệ mỗi người chúng ta sẽ biết được việc gì chúng ta phải làm, đáng làm, chúng ta làm ngay trong Chánh Niệm đó. Và cái điều đáng và phải làm đó chính là Trí Tuệ và Từ Bi. Người có Trí Tuệ và Từ Bi trong Chánh Niệm hơi thở là người biết nhìn rõ mọi khúc quanh của cuộc đời để làm cho nó thẳng tắp trở lại, không vòng vèo quanh co, rối rắm. Người có Trí Tuệ Từ Bi trong Chánh Niệm hơi thở là người nhìn thấu mọi vết tích, đau thương, gục ngã trong tình yêu là một điểm dựa cho sự trưởng thành tiến về phía trước để thoát khỏi nhọc nhằn đau khổ. Người mà có Trí Tuệ Từ Bi trong Chánh Niệm là người biết sống yêu thương, thành thật và chăm sóc chính mình để rồi cả thế giới này, cả vũ trụ này, cả muôn vô lượng kiếp đều yêu thương, đều chân thành, đều quý mến mình.
Năm mới chúng ta cần cái gì? Nhớ, cần Chánh Niệm hơi thở Từ Bi và Trí Tuệ. Đừng bao giờ nói những cái lời đau lòng là: tôi không muốn gặp anh, gặp cô, gặp vợ, gặp cha, gặp mẹ, gặp con. Và đừng bao giờ khởi lên cái niệm rằng: thôi không muốn gặp ở kiếp sau nữa. Hoặc là đừng bao giờ hẹn gặp hoặc hẹn không gặp ở kiếp sau, hoặc làm một việc gì đó cho kiếp sau, đều chỉ là ảo tưởng. Hãy sống trọn vẹn ngay cái kiếp này, trong giây phút này, trong cái giây phút Chánh Niệm Từ Bi Trí Tuệ ta nhìn rõ để thấy rằng việc gì đáng làm hãy làm ngay. Hãy yêu thương tôi khi còn có thể, đừng đợi chết rồi khóc lóc để làm chi? Đừng ích kỷ, đừng tôn vinh cái tự ái, đừng đắm đuối trong cảm xúc riêng để không vừa lòng mình thì thốt ra một câu thật là đắng. Nếu tình yêu không trọn, đừng hẹn kiếp sau. Tình yêu đã không trọn, đừng nói đến kiếp sau mà ngay kiếp này đang làm khổ lòng nhau, ngay kiếp này nhiều đường đó mà chẳng thể chung lối về. Kiếp này đã sinh ra làm người, là vợ, là chồng, là ông bà cha mẹ, là bạn đồng tu, là người thân, là con người gặp gỡ con người, hãy trân quý cái giây phút hiện tại ngay trong kiếp này, hãy sống trọn vẹn bằng tâm chân thật, bằng lòng thành kính, bằng tình yêu thật rõ. Và hãy nhớ mọi sự té ngã, mọi vết thương, mọi đau đớn trong tình yêu đều là chỗ dựa để cho chúng ta trưởng thành.
Ngày cuối của năm đã qua. Năm nay là năm mới rồi, năm mới tây lịch rồi, chuẩn bị năm mới của âm lịch chúng ta. Năm mới vừa xong lại chuẩn bị đón năm mới nữa, là người Việt chúng ta có phước nhiều lắm bởi có hai lần để nhìn lại bản thân trong cùng một năm mà hiện thân trong hai năm tây và ta. Chúng ta hãy nhìn lại những ngày cuối của năm âm lịch. Tây lịch xong rồi, đến ngày cuối của năm âm lịch. Những ngày cuối của năm âm lịch này, chúng ta làm gì? Chúng ta nghĩ đến Cửu Huyền Thất Tổ, chúng ta nghĩ đến cha mẹ, đến ông bà, đến người thân vợ chồng, đến mọi người ta đang quan hệ trong cuộc sống. Nếu như có vết thương, có niềm đau, có nỗi khổ, nhớ, trong mối quan hệ của tình người, những dấu tích đó là nền tảng để ta đứng dậy và trưởng thành hơn. Đừng thốt ra những lời cay đắng “không hẹn kiếp sau”, từ luôn mặt nhau sẽ làm cho nhau đau đớn, chẳng thể chung lối về thì xuân này sẽ buồn lắm.
Hãy sám hối, sám hối là nhìn rõ lầm lỗi của mình để chúng ta biết sống chân thành hơn, sống chân thật hơn, sống thành kính hơn, sống yêu thương hơn để thay đổi chính mình rồi từ đó lan toả. Và phương pháp sống ý nghĩa đó Đức Phật đã dạy trong Thiền Mật Song Tu, thiền Chánh Niệm và Từ Bi. Chỉ cần thể nhập vào cái hơi thở thật nhẹ khi vào khi ra, quán chiếu Trí Tuệ của chư Phật, thẩm nhập vào năng lượng Từ Bi của mười phương chư Phật thì chúng ta con người sinh ra trong vô lượng kiếp luân hồi đau khổ nghiệp chướng kia vẫn có cơ hội thoát khổ. Vì đâu? Vì trong Chánh Niệm hơi thở, mọi vết thương trong tình yêu sẽ là chỗ dựa để ta trưởng thành. Vì sao? Vì trong Chánh Niệm hơi thở Trí Tuệ và Từ Bi, ta biết sống chân thành, biết sống yêu thương, biết sống chân thật hơn trong từng sát na, trong từng giây phút để phụng hiến, để yêu thương trọn vẹn và ta biết nói một câu ta sẽ yêu thương mà không cần hẹn kiếp sau. Kiếp này hãy trọn vẹn tình yêu với tất cả. Sám hối đi ta sẽ thay đổi được cuộc sống của mình. Nhìn sâu qua Chánh Niệm hơi thở thì tây lịch đã qua, âm lịch đang tới chúng ta sẽ trọn vẹn hơn ngay trong hai ngày cuối của hai cái Tết tây và ta thì ta có hai lần sám hối, có hai lần nhìn lại thì phước báu vô cùng. Chuyện chi nhìn một lần đã có phước, chuyện chi mà nhìn đến hai lần, ngẫm đến hai lần, tư duy đến hai lần thì phước báu vô cùng.
“Đừng hẹn kiếp sau” là một câu nói giận lẫy, bực bội khó chịu và cũng là một ý nghĩa nhắc nhở cho chúng ta trong Phật học chúng ta đừng hẹn đến ngày mai, đến ngày mốt, đến kiếp sau. Nhiều người khi còn sức khỏe, còn minh mẫn cứ hẹn: thôi, để mai mốt tôi rảnh hoặc mai mốt tôi về hưu, hoặc mai mốt tôi yên bề gia thất có nhà có cửa, con cháu nó thành công tôi sẽ tu. Chẳng tu được. Nhiều người còn hẹn: nếu kiếp sau mà có thật tôi sẽ tu, kiếp này bận rộn quá. Chúng ta cứ hẹn vậy thôi. Không những hẹn hay không hẹn, khước từ nhau kiếp sau không muốn gặp mà có những cái thật là tuyệt vời thay vì chúng ta có thể làm cho nhau được ngày hôm nay, ta cứ hẹn, hẹn mãi đến kiếp sau. Đức Phật dạy cho chúng ta Chánh Niệm hơi thở mục đích là cắt lìa khỏi những cái sự hứa hẹn sáo rỗng của những cái ngôn từ mỹ miều “hẹn kiếp sau” hoặc “không hẹn kiếp sau”. Kiếp này không trọn, đừng hẹn kiếp sau, kiếp này không trọn, làm khổ lòng nhau, một lối đi về mà chẳng chung ngõ. Gặp nhau rồi vẫn làm khổ nhau. Đó là những câu gọi là khách sáo, sáo rỗng.
Chân thật đi các bạn, năm mới Bảo Thành và các bạn hãy trở về với Chánh Niệm hơi thở sống chân thật. Bất cứ một chuyện gì đáng làm hãy làm ngay! Hãy sách tấn! Hãy tinh tấn! Hãy gần gũi các bậc thiện tri thức. Hãy nương vào cái sức mạnh đại hùng đại lực của ba ngôi Tam Bảo để chúng ta có thể đứng trên cái nền tảng của đau thương, của thất bại, của tủi nhục, của những sự đau lòng nhau đó để trưởng thành hơn trong năm mới, trưởng thành trong tình yêu của lòng hiếu đạo đối với đấng bậc sinh thành, trưởng thành trong tình nghĩa với đạo vợ chồng, với huynh đệ anh chị em, với bạn bè, với người thân, với bạn đồng tu. Chúng ta sẽ trưởng thành nhiều hơn dù đã từng làm cho nhau đau lòng nhưng hôm nay chúng ta nhận thấy mỗi một vết tích của sự đau lòng kia là một nền tảng vững chắc cho ta trưởng thành. Vậy hãy trưởng thành trong Chánh Niệm để chuẩn bị đón mừng năm mới Tết ta của chúng ta trong sự hoan hỉ, biết sống trọn vẹn với ân nghĩa và biết thắp sáng Từ Bi nơi cái ánh sáng Trí Tuệ để khởi nguồn yêu thương bất tận đối với mọi người. Các bạn, “Đừng Hẹn Kiếp Sau”. Xin hãy đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái.
Thưa Phật! Chúng con sống trong Chánh Niệm chẳng ảo tưởng kiếp sau hay quá khứ, chẳng hẹn kiếp sau mà cũng đừng hẹn kiếp sau. Ngay bây giờ tại đây Chánh Niệm Từ Bi và Trí Tuệ, nguyện một lòng sám hối để nếu có yêu thương, con sẽ luôn luôn yêu thương ngay bây giờ. Mỗi một sự khổ đau, một vết thương ở trong lòng đều là dấu tích của sự trưởng thành. Xin chư Phật gia trì cho chúng con biết Chánh Niệm, biết tu, tại chỗ này, ngay bây giờ, ở đây.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Hồi hướng:
Chúng ta hãy hồi hướng công đức!
Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con hôm nay nếu tạo được chút phước báu nào, chúng con nguyện hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.