Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi! Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu hôm nay!
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển, năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho quê hương Việt Nam cũng như toàn thế giới mau thoát khỏi cảnh đại dịch, và cho hàng đệ tử chúng con tinh tấn tu học, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, thân tâm thường an lạc. Chúng con cũng nguyện siêu cho chư vị hương linh luôn theo thiện nghiệp của mình mà tái sanh về cảnh giới thiện lành.
Xin chư Phật chứng minh!
Mời các bạn đặt bàn tay phải – bàn tay Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái – bàn tay Từ Bi!
Lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Mỗi một giây phút trôi qua trong Chánh Niệm hơi thở thắp sáng Trí Tuệ và gắn kết với mười phương chư Phật lĩnh hội năng lượng Từ Bi, chúng ta hãy cùng rải tới muôn người.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì Mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
(15:17) Mô Phật! Các bạn, chủ đề ngày hôm nay “Tu Hành Lại Hóa Ra Ma”, chúng ta tu không thành Phật mà hóa ra thành ma. Chữ “ma” mà trong chủ đề này nói tới nghĩa là sự chướng ngại trên con đường tu của mỗi người chúng ta. Ma là chướng ngại! Chúng ta đừng nghĩ rằng ma là quỷ, là hương linh, là hồn ma bóng quế không có siêu thoát, chập chờn, để rồi người tu chúng ta biến thành vong hồn. Đó cũng là một cách suy nghĩ nhưng sự suy nghĩ như vậy không đúng với chủ đề ngày hôm nay, chủ đề hôm nay nói rằng trên con đường tu của người xuất gia lẫn người tại gia chúng ta, luôn luôn gặp nhiều chướng ngại. Bởi con đường chuyển hóa, chướng ngại tới là chuyện rất bình thường, nhưng đâu ai nghĩ nó bình thường đâu, thấy nó bất thường, hoang mang và sợ hãi.
Bảo Thành thường chú trọng đến các bạn Phật tử tại gia, những người bận rộn nhưng vẫn còn có tâm tình muốn tu, vẫn luôn luôn nghĩ tới con đường đi giải thoát khỏi luân khổ, những hạnh tu của Phật tử tại gia vẫn bắt đầu từ những bước rất bình thường nhưng tôn quý. Bình thường ở chỗ là chỉ mong sao ít nhất cho đời sống của vợ chồng, của gia đình có được sự bình an trong tâm hồn, khỏe mạnh nơi thân xác và một đời sống bình thường ổn định. Đối với những bậc xuất gia hoặc có những bạn có ý hướng cao hơn, muốn thoát tục, lìa cõi trần thành bậc thánh, hóa thành Phật, chúng ta có những ý tưởng siêu mầu, nhưng đại đa số trong thời đại ngày hôm nay, Phật tử tại gia của chúng ta và tất cả các bạn trẻ luống cuống trong sự thay đổi quá nhanh của thời đại về muôn mặt vì sự phát triển của khoa học tăng tốc với một tầm cỡ chóng mặt và chúng ta – những người trẻ của thế hệ mới phải lao đầu vào cho kịp thời để bình ổn đời sống của mình.
Có nhân duyên vô cùng các bạn trẻ tại gia mới bắt đầu bước vào ngưỡng cửa tìm hiểu, thực tập và tham học cùng với các bậc tôn túc cũng như các bạn đồng tu. Đây là một điểm son cao quý trong thời đại này! Bởi tính ra, thời nay, các bạn trẻ, các bạn Phật tử tại gia biết đến Phật pháp nhiều hơn những thời xa xưa và có nhiều phương tiện hơn để tiếp cận với Phật pháp, nghe giảng, thực hành, đồng tu, tới chùa. Đây là phước báu của thời đại này! Nhìn thấy điều đó, chúng ta mới hãnh diện về thế hệ này, các bạn trẻ mới cảm thấy hạnh phúc bởi chúng ta có dư phước báu. Nhưng con đường đồng tu nó không phải là thẳng tắp, không có chông gai, thử thách. Chúng ta tu, chúng ta hóa ra ma, có nghĩa trên con đường tu hành nó hóa hiện nhiều thử thách và chướng ngại. Chúng ta không nói con đường tu của các bậc thiền giả gặp nhiều thập ma – mười chướng ngại từ những chướng ma của cuộc đời đến chướng ma của thiên ma; cái đó dành cho những người thiền xuất gia hay những người tu thiền cao. Còn Phật tử tại gia chúng ta thường thấy hai loại chướng ngại gọi là ma chướng trong cuộc đời do người tạo ra và do chính mình tạo ra cho người, và sự chướng ngại đó làm cho cả hai bên lúng túng, lấn cấn như đứa trẻ 14, 15, 16, ở tuổi bắt đầu vào vị thành niên, học hỏi để trở thành một vị thanh niên hoặc thanh nữ lớn tuổi biết được cuộc đời, bỡ ngỡ vô cùng.
Vì sao chướng ngại lại xảy ra trên con đường tu? Đầu tiên mọi người chúng ta cứ nhìn đi, nếu các bạn trẻ tu, chúng ta thấy ta có một nhóm bạn chơi thân với nhau, lúc chưa tu, bạn chỉ cần rủ chúng ta đi tu, tu hú, hú một cái là đi tu. Có nghĩa là chúng ta ăn chơi thoải mái, bạn chỉ hú một cái là chúng ta có thể họp mặt đây đó, tu từ sáng cho tới chiều, tu từ chiều cho tới khuya, rồi tu từ khuya cho tới sáng, tu tới nghiêng tới ngã, tới mê tới mệt, tới chất ngất té lăn quay ở ngoài đường cũng không sao, không gặp chướng ngại gì hết. Cái thời chưa tu mình xả láng, chưa tu đạo thì tu xả láng những chuyện ở đời. Chuyện gì ở đời họ làm được mình cũng làm, không một chút mảy may nghĩ đến sự sai lầm, bởi lúc đó chúng ta còn sống trong đời, chưa tu con đường soi chiếu tâm để nhìn rõ nhân quả thiện ác mà chỉ sống gọi là bình thường bởi ở đời đã ghép cho tất cả mọi sinh hoạt đó là sinh hoạt đời thường. Nó quá đời thường, nó quá bình thường nên chúng ta coi thường những tạo tác tạo thành những cái nhân xấu sau này cho chúng ta.
Rồi khi tu thì những nhóm bạn đó bắt đầu xì xầm, xì xào bởi chúng ta bỏ dần những lần hú nhau để đi tu, để đi hội họp, để đi ăn, để đi uống, để đi chơi, để đi xả giàn, để đi phá tường, phá xóm, để vượt tường, vượt ngõ, vượt thôn, tứ đổ tường, chỗ nào cũng đạt được, cũng tới được. Nay ta bớt dần thì bạn bắt đầu xì xầm: “Ôi, sao bạn lại như thế? Hồi xưa tụi mình thoải mái có cái gì đâu?”. Nhưng từ thuở chúng ta tu, chúng ta giảm dần, giảm dần, nó tạo ra ma chướng và bạn bè nhìn chúng ta hóa thành ma, tức là hóa thành sự chướng ngại cho họ. Bởi ở đâu có hội họp, ở đâu có tụ tập lại với nhau nhóm bạn năm xưa có mặt của ta, hình như đó là một sự chướng ngại, bởi ta cứ rụt rè, không còn xả láng như xưa, tận tình như xưa và thế, sự chướng ngại đó đã biến thành những giai thoại trong những mẩu chuyện của nhóm bạn. Điều này hẳn các bạn tại gia đi tu đều gặp trở ngại không những đối với bạn bè, đối với chồng hoặc vợ chúng ta cũng gặp trở ngại. Anh chồng thấy cô em vợ bắt đầu đi tu kiêng cữ những chuyện này chuyện kia thì thấy không thoải mái. Ngày xưa vợ chưa đi tu, chồng cần két bia mua két bia, chồng cần ăn uống nhậu nhẹt thì mua ăn uống nhậu nhẹt, cần ăn đồ tươi mua súc sanh và giết ngay tại nhà ăn, xả láng dữ lắm, mà cần đi chơi với bạn bè ăn uống, hỏi cái vợ cho đi liền. Nhưng từ thuở vợ đi tu, vợ không chịu mua những súc sanh còn sống, còn tươi về giết tại nhà cho ăn, chồng bắt đầu khó chịu, anh chồng bắt đầu càm ràm và chị vợ tu cảm thấy mình bị chướng ngại. Chướng ngại đầu tiên là thấy chồng hồi xưa sát sanh, nay mình tu sát sanh là tội, là lỗi nên mình kiêng, anh chồng cứ ham muốn thì đâm ra vợ cảm thấy khó chịu, thấy chướng ngại đối với chồng và ngược lại chồng cũng cảm thấy vợ là chướng ngại. Ngược lại cũng như vậy, chồng tu mà vợ không, thì là chướng ngại.
Chướng ngại với những người thân tộc trong gia đình, thậm chí đôi khi còn chướng ngại với cha mẹ, với ông bà, với thân bằng quyến thuộc, với chú bác, các anh em con cô, con cậu, con chú, con dì: “Ôi, hồi xưa không có tu thì ok, bây giờ tu sao mà cứ chảnh chọe, đóng vai thánh!” và họ cứ nói như thế, họ gây ra chướng ngại cho chúng ta. Đây gọi là tu hành hóa ra ma, từ thuở ta tu hóa ra nhiều chướng ngại. Chướng ngại tới từ bên ngoài, chướng ngại tới từ bên trong. Ta đi, ta thấy bạn bè ăn uống xả láng, làm những chuyện phạm giới, ta cảm thấy khó chịu. Bắt đầu chướng ngại này, ta tiếp tay vào cản họ, ngăn họ, mà ngăn cản họ không được nữa thì chúng ta bắt đầu gặp thấy chướng ngại thật sự. Đi tới đâu cũng gặp chướng ngại đó, riết rồi tâm ta bị rối, miệng ta bị loạn lên những ngôn ngữ chê bai, rồi đả phá, kích bác, hàm tiếu. Mang thước đo của ngũ giới, mang thước đo của đức hạnh con đường tu, bắt đầu chỉ trỏ, moi móc những người khác sai, những người khác phạm. Và từ đó hình như chúng ta biến thành sự chướng ngại cho mọi người, bởi đâu có mặt của ta như có mặt ông quan tòa của Phật pháp. Lúc nào cũng nói: “Bạn ơi, sai rồi, không nên như thế!”, lúc nào cũng chê bai người ta không đúng và chúng ta hình như quá bận rộn làm chức vị của quan tòa của nhà Phật, mang thước đo của ngũ giới, mang giới hạnh của Phật môn bắt đầu đi soi xét người khác.
Chuyện này là chuyện rất thường xảy ra trong đời sống Phật tử tại gia, nhất là các bạn trẻ ngày hôm nay. Hai chướng ngại này là chướng ngại lớn nhất cho người tu, làm cho người tu tại gia là các bạn trẻ lấn cấn thật nhiều. Và rồi cứ xì xầm, xì xầm như thế, chúng ta lại lạc vào cái cảnh mà người ta ghép cho rằng từ thuở bạn tu, bạn đã bị đổ nghiệp, bạn bị trổ nghiệp, tức là hoảng loạn, sợ hãi, lúng túng, lùi bước, tu không tiến mà còn lùi, dần dần bỏ tu.
Có thật nhiều bạn trẻ khi tu và khi bị xì xào, xì xầm, thị phi như thế mới nghĩ trở lại: “Ui cha, thật là sướng! Hồi xưa mình không tu, sao mà thoải mái, tung tăng như trẻ thơ, thôn trên xóm dưới, Đông phương, Tây phương, Bắc phương, Nam phương, bốn phương mười hướng chỗ nào cũng đi, lục thành lục tỉnh, phương Tây, phương ngoại, phương nội, chỗ nào cũng giẫm nát chẳng sợ gì. Từ hồi tu, cái gì cũng sợ và bạn bè nó cứ thị phi, nó cứ thì thầm, nó cứ nói mình trổ nghiệp, mình đổ nghiệp”. Thế là dần dần thực ra là bị đổ nghiệp ở chỗ bỏ tu trở về đời sống xưa hoặc trong tâm cứ buồn thôi: “Lỡ tu rồi, khổ quá! Hồi xưa không tu, sướng, muốn gì cũng được, chẳng sợ. Bây giờ tu khổ quá!”.
Thay vì tu là hạnh phúc, người ta nói riết rồi mình thấy tu là khổ. Ở đời, chuyện sai họ cứ lặp đi lặp lại không bao giờ đúng, nhưng chúng ta nếu cứ nghe một điều sai lập đi lập lại nhiều nó quen, tưởng là chân lý. Còn những điều là chân lý chẳng bao giờ nghe, cho nên khi nghe, ta tưởng rằng nó là những lời xàm xí ở đâu. Và trong cuộc sống này, mấy ai có thể tịnh khẩu, giữ được cho lời nói của mình chất chứa ở trong tâm, tu luyện nó bằng chánh kiến, chánh tư duy và chánh ngữ, để cho những lời xàm xí thường tuôn ra, biến thành châu ngọc tinh khiết đâu? Cho nên ở đời khi gặp nhau thì ngôn ngữ tuôn ra như nước ở những chỗ không còn mùi gì mà có thể chịu được nữa, làm cho bao nhiêu người ngửi thấy từ ngôn ngữ của chúng ta đặc mùi trần tục, đau khổ, ai oán, than phiền.
Không phải chỉ có các bạn tại gia đâu, ngay cả những đấng bậc xuất gia nhiều khi không kềm tâm được, trên con đường tu gặp nhiều thử thách thường hay than vãn, thường hay trách cứ, thường hay so với phẩm hạnh quá cao của mình và rồi thất thối. Thậm chí mà các bạn tại gia hoặc xuất gia đôi khi đã đi lạc vào ma tưởng tức là sự chướng ngại của tưởng thức. Một là tưởng rằng con đường tu sẽ đổ nghiệp cho nên thất thối, cái tưởng này thì chỉ bỏ tu thôi, nhưng có duyên vẫn tu trở lại được. Nhưng có cái tưởng mà ghê gớm, khó có thể chữa trị, là tu một thời gian tạo ra biết bao nhiêu chướng ngại nhập vào tưởng thức hóa thành ma thật chứ không phải là ma bình thường đâu, cái này gọi là ma nhập. Cái ma nhập này tức là chướng ngại đã nhập vào trong tâm thức, nhập vào trong suy nghĩ, nhập vào trong hành động, để rồi cứ tưởng mình là thành Phật phán như Phật, tưởng mình là thánh nói như thánh, tưởng mình là tiên bay bổng ở trong những cảnh giới, tưởng mình là những bậc siêu xuất chứng đắc thần thông.
Hiện tượng ma nhập này có thật là nhiều trong cuộc sống, cái tưởng thức đó nó nhập vào và rồi người ta lại cố nhập vào trong đó như một diễn viên nhập vai. Thay vì ở đời các phim ảnh cần diễn viên nhập vào vai diễn đó trong giai thoại đó, quay phim xong là hoàn trả lại đời sống bình thường, nhưng không phải. Thật nhiều diễn viên khi hóa hiện trong những vai diễn, vai phụ, vai kép rồi đến vai chính, riết rồi mình trở thành người sống phản diện với chính bản thân của mình, sống với những vai không đúng với tư cách, nhân phẩm của chúng ta, sống trong ảo tưởng của những lời văn vẽ viết lại, tạo chuyện, dựng phim, thành ra rối cuộc đời của chúng ta.
Người ta hay gọi trong đời gọi là ma nhập hay tà nhập, tức là để cho sự suy diễn của chúng ta đã nhập vai vào trong sự tưởng tượng quá đáng, rời xa cái chánh kiến, chánh tư duy và tâm không được làm chủ nên loạn thần, rối tâm, thường hay nhập vào những vai của Phật, của thần thánh, của tiên. Để rồi khi tới với các bậc tu hoặc tới với các bạn đồng tu, tới với mọi người, hay nhập vào vai đó để bắt đầu phán, phán như thánh, phán như thần, phán như Phật. Nhiều bậc xuất gia đã nhập vai Phật, vai thánh, vai thần quá cỡ. Quá cỡ thợ mộc, có nghĩa là cưa rồi, cưa rồi mà nó cứ dài mãi. Cưa mà không có ngắn! Rồi các bạn tại gia cũng vậy, tu, chúng ta nhập vào những vai trò đó là bởi vì chúng ta bị kềm hãm trong sự thất bại, trong sự đau khổ, trong những thử thách không vượt qua, đang cầu vọng vượt ra khỏi những điều đó, nên bám víu, nhập vai thần thánh, Bồ Tát, Phật, để thị hiện sự giải thoát của mình, nhưng thật ra lại nhảy từ cái hố thật là nông vào cái hố sâu hơn, đắm chìm trong cái chấp của vọng tưởng.
Thế giới ngày nay khi tuổi trẻ các bạn và các người đang sống ở một lứa tuổi nhỡ nhỡ 40, 50, 60, gặp biết bao nhiêu thử thách chướng ngại không vượt qua, ngày nay thường bị ma nhập; đây là ma tưởng tượng, ma trong sự siêu tưởng của tầm suy nghĩ chưa đủ chất trong chánh kiến, hòa trộn với những sự tham muốn, sân si, nhập vai thánh thần, Phật, Bồ Tát để thị hiện trong thiên hạ, làm rối loạn niềm tin của người khác. Mà chúng ta nếu như không có cái cơ bản của sự tu, không có được chánh định, chúng ta nghe riết, thì những sự ăn nói, năng lượng tiêu cực của người đó nói riết, nói riết, ta tưởng họ là Phật, là thần, là thánh, rồi quỳ lạy để cho họ phán họ xét, nhưng những lời phán xét nói năng của họ thật là đầy rẫy những hương vị của trần gian hòa trộn giữa tham – sân – si, hỷ – hộ – ái – ố, cống cao ngã mạn tràn đầy và tràn ngập những đau khổ.
Chuyện như vậy và hiện tượng như vậy xảy ra thật nhiều tại Việt Nam và các nước Á Đông, vì sao? Vì các nước Á Đông và Việt Nam chúng ta chiến tranh đã trải dài trong chiều dài của lịch sử mà ngày nay ý thức hệ cao đẹp của ngày xưa đã bị bào mòn, mất phương hướng, giáo dục coi nhẹ, đạo đức đã phai mờ, tuyệt vọng trong sự vươn lên mà không có nền tảng vững chắc, cuối cùng mập mờ trong giáo lý của nhà Phật được thổi phồng lên theo cái tư tưởng của chiều hướng đa thần. Do đó mà mỗi người chúng ta, các bạn trẻ tu tại gia thường lầm lẫn tu hành lại hóa ra bị ma tưởng thức, ma tưởng tượng nó nhập vào. Rồi khi ma nhập như thế, nhập vai luôn thành ma, sướng, được người đời ca tụng, được người đời cung phụng.
Và chúng ta cứ diễn như vậy thôi, chúng ta biết sai nhưng chúng ta cứ thích diễn, bởi nằm ở vai trò đó nó cao, nó được người ta lễ, cúng dường, bái, lạy. Đôi khi thấy sai, muốn tới để được chữa trị, được hướng dẫn, nhưng cái ngã của vai diễn khi bị nhập đó, khi cố tình nhập đó nó quá cao, năng lượng nó chiêu cảm quá mạnh, tới để được chuyển hóa, được giáo dưỡng, được dạy dỗ, thì tới lại vỗ ngực xưng tên, dạy dỗ luôn các bậc thầy. Và các bậc thầy nếu không có cái chánh định vững chắc, vững chãi, nghe riết, nghe riết lung lay, lại tưởng rằng những vị đó là hóa thân của Phật, của Bồ Tát, Thánh hiền nhập vào thân xác phàm phu, và rồi cũng lung lay tinh thần bởi không có chánh định, hóa ra tà kiến, bắt đầu mò mẫm đi xiên xẹo vào con đường đó, ảnh hưởng lẫn nhau, tạo ra cả một khối lung tung và làm cho muôn người kề cận bối rối, hoang mang, sợ hãi, tạo nghiệp.
“Tu hành lại hóa ra ma” có thật là nhiều dạng trong cuộc sống, biến đổi liên hồi. Những ngày cuối của năm này, Bảo Thành mong các bạn nghe lại bài hát khởi đầu của buổi đồng tu ngày hôm nay, để chúng ta thấy rằng sự đồng tu, sự tu tập của mỗi người đừng để nhập vào vai diễn của thần thánh, của chức vị, của công danh, của sự nghiệp, của tiền, của tài. Trong sự khao khát tột độ quyền lực đó, tâm tham sẽ làm cho chúng ta hóa rồ, hóa điên, tạo ra muôn trùng những thử thách ngang trái cho chính mình và cho muôn người. Sự tu ở đời đã gặp nhiều sự chướng ngại rồi, bởi ta phải chuyển hóa những thói quen tập tục lâu đời sai trái, một thói quen tập tục, một thói quen trong sinh hoạt, một thói quen suy nghĩ và hành xử trong cuộc đời từ một năm đến nhiều năm thật là khó bỏ qua, thật là khó chuyển hóa. Đây đã là một sự chướng ngại lớn rồi!
Chúng ta lấy năm giới của nhà Phật, chúng ta lấy sự thấu hiểu nhân quả thiện ác, chúng ta lấy niềm tin vững chãi nơi Phật – Pháp – Tăng để tạo một nền móng vững chắc để xây dựng con đường chuyển hóa những cái sai của quá khứ. Rất cần sự hỗ trợ nương vào các bậc thiện trí thức, quý thầy, quý sư cô, các bạn đồng tu để dìu dắt, nâng đỡ, vượt qua, để có sức mạnh chuyển hóa điều đó. Đây là một sự chướng ngại, nếu chúng ta không miên mật, chúng ta không kiên nhẫn, không kiên trì tu tập, nhất định rất là khó! Chỉ có một thói quen uống cà phê hoặc hút thuốc hoặc tụm 3, tụm 7 nói chuyện từ sớm đến tối hoặc lướt trên mạng trên phone thôi, chúng ta cũng thật khó bỏ rồi, huống hồ chi những thói quen tật xấu nghiện ngập thật là khó!
Đây là một sự chướng ngại mà hầu hết các bạn tại gia, các bạn trẻ bước vào con đường tu sau một thời gian đều bỏ cuộc! Vì sao? Vì trên con đường tu đó, bạn không chọn các bạn hiền, bạn không chọn các bậc thiện trí thức, bạn không nương vào hùng lực của Tam Bảo, bạn chỉ khởi tâm tu để muốn thay đổi cuộc sống có nhiều phước báu, sung túc hơn về mặt vật chất, tịnh tài mà thôi, chứ bạn không khởi tâm tu để chuyển hóa, thành tựu được công đức thực sự. Cho nên chỉ một thời gian sau, bạn bỏ cuộc hoặc bạn sẽ gặp trở ngại như những trường hợp Bảo Thành đã kể qua, là chúng ta đã trở thành ông tòa phán xét, gọi là tòa, ông tòa của Phật pháp phán xét chuyện sai trái, hoặc là nhập vào tưởng thức hóa thành ma – ma ở đây là chướng ngại bởi thích thành diễn viên và đạo diễn luôn, để thành Phật, thành thần, thành tiên, thành thánh.
Hiện tượng ma nhập, vong nhập, linh nhập chính là từ chỗ tưởng thức của con người quá đau khổ, thất bại, bị kềm hãm, bị xúc phạm, bị xâm phạm, muốn vượt qua mà không thể vượt được bằng con đường chánh pháp, chánh kiến để tu. Bởi vì họ muốn đốt cháy giai đoạn để vượt qua, nên họ đã nhập vai diễn của Phật, thần, thánh, tiên để chứng tỏ sự cao đẹp của tâm hồn vẫn còn tràn ngập trong tội lỗi và vô minh. Một tâm hồn tràn ngập trong tội lỗi và vô minh thì không thể cao đẹp, nhưng họ vội vội vàng vàng muốn thoát ra và muốn chứng tỏ điều đó, bởi quá tuyệt vọng và đau khổ cho nên thường diễn và trở thành đạo viên, gọi là diễn viên đạo diễn nhập luôn vào vai đó, riết tạo nghiệp vô số.
Nghe bài hát của khởi đầu trong sự đồng tu hôm nay, các bạn sẽ nhận ra vai trò gọi là hóa ra ma của các bạn thật đúng với ý nghĩa và chủ đề của bài hát này. Bảo Thành mong các bạn hãy nghe lại bài hát này nhiều lần, để thẩm nhập được tư tưởng của bài hát này, để nhớ rằng chúng ta tu là chúng ta dùng chánh kiến, dùng trí tuệ để soi chiếu tâm của mình, để nhìn rõ những chướng ngại, những sự sai phạm của chúng ta, rồi chúng ta dùng nước từ bi, năng lượng từ bi tình yêu thương rửa gội, tức là gội rửa tất cả những cái đó cho sạch sẽ, lau chùi cho sạch sẽ, thì cái ánh sáng trí tuệ càng được sáng hơn.
Các bạn nhớ hồi xưa chúng ta thắp đèn dầu một thời gian, nếu chúng ta không lau bóng đèn, thì bóng đèn nó bị khói ám vào nó đen, nó làm cho ánh sáng không tỏa ra được. Tâm thức của chúng ta bị tham – sân – si, bị sự hãm hại, bách hại, chê bai, gièm pha nó bám kín hết, đen. Cho nên tâm của chúng ta khi trí tuệ được thắp sáng, nó không tỏa ra khỏi cái vùng tối, ta không nhìn thấy được. Và nếu như bóng đèn bị khói ám như vậy, ông bà, cha mẹ dạy hồi xưa chúng ta tắt đi để nguội. Rồi chúng ta lấy cái vải lau ở trong bóng đèn cho nó sạch cái khói. Chúng ta bật đèn lên, úp trở lại, nó tỏa sáng, vừa tỏa sáng vừa tránh được gió.
Tâm của chúng ta nếu học đúng cái chánh hành động và chánh ngữ, chánh kiến, chánh tư duy, tám con đường thánh Bát Chánh Đạo, nói gọn hơn là suy nghĩ cho đúng, cho ngay, nói cho ngay cho thẳng, đi cho thẳng cho ngay, suy nghĩ, lời nói và hành động thẳng ngay, thì tâm của ta như bóng đèn đã được lau sạch cái khói ám của tham – sân – si, hỷ – nộ – ái – ố. Nên khi chúng ta đồng tu trí tuệ và từ bi quán, ta lại càng sáng ra. Chỉ cần tâm chúng ta sáng và chỉ cần tâm chúng ta được rửa sạch bằng tình yêu thương và từ bi, chỉ có vậy thì mọi sự chướng ngại trong cuộc đời dần dần sẽ tan biến, và như thế chúng ta tu hành sẽ không hóa ra ma nữa, mà chúng ta tu hành càng tu càng nhận ra tánh ma ở trong ta, để một lần nữa ta mang ánh sáng trí tuệ và nước từ bi Mu A Mu Sa rửa sạch những tì vết của tánh ma đó, làm cho tâm tánh thiện lương của chúng ta được hiển lộ sáng ra trong cuộc đời. Ánh sáng đó sẽ lan tỏa và đẩy lùi đi bóng tối của vô minh, giúp cho những người còn ẩn hình trong bóng tối vì sự yếu đuối, vì trở ngại chưa vượt qua sẽ có cơ hội tỏ lộ, nhìn rõ họ hơn và từ từ bước từ tối ra sáng.
Năm mới, một con đường mới cần phải củng cố trở lại đó là con đường tu hành để nhận ra tánh và tâm ma còn tồn đọng trong ta, lại một lần nữa ta lấy nước từ bi – trí tuệ Mu A Mu Sa rửa thật sạch những vết đen của tâm thức bám chặt trong bóng đèn của trí tuệ chúng ta, rồi thắp sáng ngọn lửa trí tuệ bởi gắn kết do mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Chư Phật sẽ truyền đăng, sẽ tiếp truyền cho chúng ta ánh sáng của tự tâm, để từ đó chúng ta nhận ra những tâm ma còn ngủ ngầm, còn ẩn náu, còn chui trốn ở trong ta. Để chúng ta tu hành không hóa ra chướng ngại, ma chướng trong cuộc đời, không nhập vai Bồ Tát, Thánh hiền, chư Phật, ma quỷ, thần linh, vị này vị kia để dạy đời; những điều như vậy sẽ nhận chìm chúng ta xuống hố sâu của nghiệp chướng.
Chúng ta tu, thấu rõ được tinh thần trí tuệ của NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là thấu rõ được tinh thần vô ngã. Do đó khi các bạn tự xưng là một vị nào đó rồi, là bạn đang tăng trưởng cái tự ngã của riêng mình, của cá nhân mình. Cái tự ngã đó đã nhập vào vai diễn tuồng và bạn đã tăng trưởng cái cống cao ngã mạn và trở thành ông tòa của Phật pháp phán xét muôn người, và làm sao? Ngồi đó để thưởng cho những người thuận ý lòng mình và phạt cho những người không như ý của ta! Hiện tượng này đầy rẫy ở các nước Á Đông và các bạn trẻ Việt Nam, nhất định các bạn đồng tu đã có cơ hội chứng kiến điều đó. Chúng ta phải sống một đời sống tỉnh thức và có giới hạn, nhìn thật rõ con đường tu hành của chúng ta không phải là tu hành lại hóa ra ma, ra chướng ngại, nhập vai này vai kia, mà tu là tìm ra được tánh ma bởi soi chiếu tự thân của mình, để sửa những tánh ma ngủ ngầm từ vô lượng kiếp qua như những con siêu vi khuẩn đang tàng hình trong thân tâm, phá vỡ những phước báu và công đức của chúng ta.
Trong năm mới, nguyện cho các bạn luôn luôn sống một đời sống tỉnh thức, biết đồng tu miên mật, biết soi sáng tự tâm bằng trí tuệ và rửa sạch chân tâm bằng từ bi, để bóng đèn Phật tánh đời người của chúng ta một lần nữa trong năm mới được lau chùi sạch sẽ và thắp sáng trở lại. Để chúng ta từ bỏ những vai vế, những cái tự ngã bao nhiêu ngày tháng qua ta đã là diễn viên diễn cái tuồng đó, ta đã là đạo diễn nhập vào cái vai đó. Chúng ta hãy nhảy và thoát ra khỏi cái vai, cái ngã đó ngay cho kịp cho nhanh, để có thể gội rửa, để có thể thắp sáng trí tuệ, sống bình thường trong chánh niệm, để thừa hưởng được phước báu và công đức, có một đời sống an lạc bình an.
Các bạn! Năm mới tới, rất quan trọng cho chúng ta nhìn lại cả một thời quá khứ của năm cũ, nhìn lại cả một thời quá khứ những gì ta đã làm, từ những suy nghĩ gợi lên trong tâm, từ những lời nói ta ứng xử hằng ngày, từ những hành vi ta tạo tác trong tương tác những mối giao hảo với muôn người, ta cần phải nhìn rõ, nhìn lại. Nhìn lại những vai trò ta đã diễn, nhìn lại những cái vai ta đã nhập, nhìn lại những cái bản ngã ta đã cố gượng ép, gán vào chính mình, để xưng danh xưng tướng! Chúng ta cần phải nhìn thật rõ để như chủ đề của bài hát một lần nữa trở về với thầy và nói thật với lòng mình: “Thầy ơi! Thầy Bổn Sư Thích Ca ơi! Con đã về! Con về để nghe tiếng tự tâm, con về để Thầy thắp sáng Tuệ đăng, con về để được Thầy gội rửa bằng nước Từ Bi. Thầy ơi, con đã về! Xin Thầy hãy dìu bước con để con bước trên con đường tu, soi sáng cõi tâm của mình, hiểu thấu được tinh thần vô ngã, nhận rõ được vạn pháp vô thường để chuyển hóa mọi sự khổ đau, không còn bị lầm lạc trong sự tu để biến sự tu hành lại hóa ra ma, ra chướng ngại cho mọi người và cho chính bản thân!”.
Tu hành là thắp sáng đuốc tuệ, là lan tỏa yêu thương. Nguyện cho tất cả các bạn đồng tu lấy trí tuệ trong chánh kiến, chánh tư duy, trong chánh ngữ, chánh mạng, chánh nghiệp, chánh tinh tấn, chánh kiến và chánh định, để chúng ta lấy 8 con đường đạo mà Đức Phật đã dạy đó, thực hiện trên cái công hạnh tu tập, làm cho tâm tự sáng bởi đã chuyển được cái ngã của mình, thấu được vô thường, khổ đau đoạn diệt. Nguyện cho tất cả chúng ta phải nhìn thấu, nhìn thấu, để năm mới này chúng ta nhìn thấu để buông nhẹ nhàng và đừng nhập vai thành những diễn viên tài ba, tạo ra vô trùng nghiệp chướng, tổn phước báu, mang lại tai họa, chẳng còn công đức. Cũng đừng hóa hiện thành những đạo diễn để làm cho tâm của chúng ta càng ngày càng rối và gây sự hoảng loạn cho những người yêu thương mà chúng ta đang sinh sống chung.
Hãy một lần chắp tay và thành kính khiêm tốn quỳ trước điện Phật và nói rằng: “Thầy ơi! Thầy ơi! Thầy Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni ơi! Con đã về! Con về để nương bóng Phật, nương bóng Thầy, nương vào Tuệ Giác của Bậc Giác Ngộ, nương vào Từ Bi của Đấng Yêu Thương, để con soi sáng tự tâm, để con rửa sạch những vết nhơ nghiệp chướng còn ngủ ngầm, còn tồn tại trong con. Để con tu hành mà hiểu và nhận và thấy được sự hóa hiện của tâm ma ở trong con để chuyển hóa, cho con nhất định từ đây trở đi sẽ không tu hành lại hóa ra ma, hóa ra chướng ngại trong cuộc đời!”.
Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái!
Thưa Phật! Chúng con nay đã hiểu, quyết một lòng tu hành để soi rõ những tâm ma hóa hiện ngủ ngầm trong con. Xin chư Phật thắp sáng đuốc Tuệ và ban rải mưa Từ Bi để chúng con được sáng và được rửa sạch mọi lầm chấp trong cuộc đời của quá khứ.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì Mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Hồi hướng:
Chúng ta hãy hồi hướng công đức!
Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con hôm nay nếu tạo được chút phước báu nào, nguyện hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.