Thiện Chí đánh máy, Bảo Phước biên tập
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi!
Mời các bạn quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta đầu buổi đồng tu!
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và gia trì cho chúng con biết Chánh Niệm hơi thở thiền Trí Tuệ – Từ Bi để quán chiếu thấy rõ các pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho quê hương Việt Nam của chúng con và toàn thế giới mau thoát khỏi đại dịch. Cho tất cả hàng đệ tử chúng con thân tâm thường an lạc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học. Nguyện siêu cho chư vị hương linh theo thiện nghiệp tái sanh cảnh thiện lành. Xin chư Phật chứng minh!
Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái!
Chúng ta hãy cùng nhau lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Hãy luôn nghĩ về các đấng bậc sinh thành, đến gia đình, bản thân, bạn bè, cộng đồng, xã hội, nhân loại, đồng mang năng lượng Từ Bi của Phật mà chúng ta lãnh nhận được, hồi hướng cho tất cả.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì Mật chú:
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
(16:27) Hôm nay chủ đề “Kinh Tâm Động Phách”, kinh tâm động phách không biết các bạn có bị bao giờ chưa? Chữ 16:42 “kinh tâm động phách” đơn giản có nghĩa là hú hồn hú vía, hoảng hồn hoảng vía, sợ hãi, người ta gọi là siêu hồn phách tán, sợ, một cái sợ bất chợt bất thình lình nó sắp tới, như chúng ta đang đi thì bất chợt có ai đó ở đằng sau hù dọa, ta sẽ bị kinh tâm động phách (là hú hồn hú vía, hoảng hồn, sợ) hoặc đang đi trong đêm tối bất chợt có một bóng người chớp qua rồi biến mất, ta rùng mình sợ hãi, kinh tâm động phách, hoảng hồn hoảng vía. Đơn giản gọi là bị hoảng hồn, bị sợ đó mà, sợ bất chợt cho những điều không ngờ xảy tới, mà những điều đó thường nó đi thẳng vào hệ thống thần kinh sợ của chúng ta, nên chúng ta bị hoảng, bị nhột, bị sởn da gà, hoang mang không biết làm gì ít nhất trong vài giây, có nhiều người gọi là đứng bóng luôn, cứng ngắc, không biết phải làm gì.
Mà chuyện gì kinh khủng vậy kìa? Thật ra những chuyện kinh tâm động phách, hoảng hồn hoảng vía không phải là chuyện đáng sợ, nhưng nó bất chợt tới trong một lúc ta không ngờ hoặc ta không có sự chuẩn bị. Cho nên chuyện kinh tâm động phách không có đáng quan trọng, chẳng đáng quan tâm, bởi hầu hết khi nó xảy ra cho chúng ta chỉ trong vài giây rồi chúng ta hít thở, hồi hộp chút xíu đó, rồi nó hết, nhưng sự sợ hãi là có. Kinh tâm động phách, hú hồn hú vía chỉ là những chuyện bất chợt, bất ngờ hù dọa nhau, gọi là hù dọa nhau hoặc tự hù dọa mình, tự hù dọa mình, rồi mình sợ.
Trên đời có thật nhiều cái sợ, cái sợ đó nó còn kinh khủng hơn. Thuở nhỏ ta lớn lên bao nhiêu là cái sợ, nhất là cái tuổi chập chững thiếu thời thành thanh niên thanh nữ ta sợ dữ lắm, bởi vì ta bước vào cuộc đời, đang hiểu về cuộc sống con người và đang phát triển đầy đủ nhưng còn thiếu kiến thức, cái gì cũng sợ, nhỏ thì sợ đi tới trường cha mẹ phải dắt dìu, lớn đủ cái sợ hết, đi học sợ thi không đạt điểm cao, vào đời sợ đi làm việc không thành tựu, chơi với bạn bè sợ đủ mọi thứ nỗi sợ trong cuộc đời, con người sao nhiều cái sợ quá trời. Khi lớn lên rồi, ta lập gia đình ta cũng sợ, không biết ông xã hoặc bà xã có phải là người đi suốt trăm năm với chúng ta hay không, hết cái sợ này đến cái sợ khác, cho đến khi có gia đình có con, ta lại sợ không thể nuôi con cái cho ăn học cho thành tài,… Có những lúc lại sợ vu vơ đủ mọi thứ: sợ kinh tế bất chợt bị sụp đổ, sợ công ăn việc làm không còn nữa, sợ mất nhà mất cửa, mất xe mất cộ, sợ bị bệnh, ôi cha sợ, sợ thật là nhiều, nhưng cái sợ căn bản mà một con người có gia đình thường là sợ con cái không học thành tài, thành nhân, ngoan ngoãn, hoặc là chúng ta sợ mọi công sức ta bỏ ra thành công dã tràng, hoặc sợ nữa là khi lớn tuổi rồi không có chỗ dựa tức là không có chỗ con cái chăm sóc hoặc là giúp đỡ, ta sẽ bị cô quạnh trong lúc tuổi già, bị neo đơn, buồn lắm.
Cái đó là cái sợ, cái sợ ở đời nhiều vô cùng, còn sống thì còn thật nhiều cái sợ, còn nhiều cái sợ! Còn cái gọi là hú hồn hú vía chỉ là hù dọa không có thật, bất chợt thôi, nếu chúng ta có một sự chuẩn bị rõ ràng, ta không sợ. Tất cả các võ sĩ lên thượng đài họ rất là sợ nếu đó là lần đầu, nhưng họ đấu đài một thời gian có sự trải nghiệm và họ tập luyện nhiều, cái sợ họ hết. Trong cuộc sống cũng vậy, ta không phải là võ sĩ lên thượng đài để đấu với một đối thủ khác, nhưng ta luôn luôn phải đối diện với thật nhiều những sự việc không ngờ xảy ra trong cuộc đời, do đó mà mỗi người chúng ta cần phải trau dồi thật nhiều kiến thức và phải sẵn sàng trong hoàn cảnh hiện tại hay hoàn cảnh sắp tới của tương lai, nếu có sự chuẩn bị kỹ, mọi sự sợ hãi sẽ không tới với chúng ta hoặc nó có tới thì ta cũng kịp thời dùng trí tuệ, kiến thức giải quyết vấn đề. Sự sợ hãi tới là ta chưa chuẩn bị cho mình có một nền tảng kiến thức vững chắc, nhưng ở trên đời có thật nhiều sự mà ta không có thể ngờ được để chuẩn bị đâu, như những cuộc chiến xảy ra, bất chợt mất nước hoặc là chiến tranh gây ra tang thương đau khổ, ta không có bao giờ ngờ, cho nên sự sợ hãi khi mất nước hoặc mất người thân trong chiến tranh là một nỗi đau khổ sợ hãi tột cùng, và có những chuyện không thể ngờ được như đại dịch nó tới và bây giờ ai cũng sợ, chuyện sợ mới là chuyện chúng ta cần phải suy nghĩ chứ còn chuyện kinh tâm động phách, hù dọa để làm cho sởn da gà là chuyện mà không quan tâm.
Trong cuộc đời của bạn, bạn có biết rằng có một sự sợ hãi tột cùng ta thường nghe, thường được nhắc nhưng ta không bao giờ sợ, chuyện đáng sợ ta không sợ nhưng chuyện không đáng sợ ta lại sợ. Có nhiều chuyện thật đáng sợ và cần phải sợ nhưng ta không sợ, các bạn biết đó là gì rồi, là những điều sai trái trong cuộc đời, là những điều bất thiện, là những điều tội lỗi, ta không có sợ, chỉ khi gặp chuyện thì ta vội vội vàng vàng tới năn nỉ xin. Chẳng qua là khi tạo nghiệp, tạo tội hoặc những chuyện đáng sợ đó ta không sợ mà ta cứ hành động tạo ra nghiệp chướng rồi không được may mắn, xui xẻo, sợ, bởi vì tội không ai thấy được nhưng cái xui có thể thấy, cái lỗi không ai thấy được bởi ai thấy lỗi của mình đâu, nhưng mất tiền mất của thấy, xui xẻo thấy, cho nên những chuyện đó khi nó xảy ra, ta tới Phật, ta tới với các tôn giáo cầu nguyện van xin. Thật ra cũng chẳng sợ, vì mất tiền thôi, mất của, cho nên muốn có thêm mà, muốn không có mất, muốn có thêm mà không có mất chứ thật ra mấy ai sợ?!
Có một điều mà Đức Phật nhắc nhở cho chúng ta cần phải sợ, điều đó mà muốn sợ thì phải hiểu. Cái gì? Luân hồi sanh tử cần phải sợ, nhân quả cần phải sợ, hiểu thấu mới sợ, người không hiểu không bao giờ sợ luân hồi, chẳng bao giờ sợ nhân quả, chẳng khác gì người điếc không sợ súng, người cùi không sợ lở! Người ta gọi là điếc không sợ súng, cùi không sợ lở, đúng như vậy, bởi không thấu được nhân quả và không thấy được luân hồi, ta chẳng sợ, để rồi ta sẽ bị kinh tâm động phách khi bất chợt nghe tin. Thí dụ như đi bác sĩ, bác sĩ nói: “Thôi bệnh rồi, không thoát được đâu, phải chết!”, lúc đó kinh tâm động phách. Bảo Thành có biết bao nhiêu những người quen bất chợt đi khám bác sĩ, khám phá ra bị ung thư thời kỳ cuối, họ sợ tái mặt, cái đó gọi là sợ kinh tâm động phách, mất hồn mất vía, hoảng hồn hoảng vía, cái sợ đó rất là nguy hiểm, bởi vì không có sự chuẩn bị nên bất chợt nghe những cái tin như sét đánh tới, ta sợ, ta hoảng, ta mất niềm tin và rồi ta không trụ vững ở trong cái trí tuệ, bởi có trí tuệ đâu mà trụ vững, xưa giờ đâu có tu tập, miệt mài chạy theo những cái tín ngưỡng dân gian, mê tín dị đoan và càng như vậy càng tạo thêm tội, tạo thêm nghiệp.
Cho nên trong cuộc sống của chúng ta, đã là người Phật tử tại gia có biết bao nhiêu sự sợ hãi phải lo lắng trong cuộc đời. Và ngay cả luân hồi sanh tử cũng là sự cần phải sợ hãi và lo lắng. Bởi vì nhan nhản người ta cứ nói chết sẽ bị đọa vào chỗ này, đọa vào chỗ kia, ôi cái đó là nghiệp chướng, ôi cái đó là nghiệp chướng, cứ nói như vậy nhưng không chỉ cho chúng ta một con đường làm sao thấy rõ được luân hồi, hiểu thấu được nhân quả, nhưng cứ mang nhân quả, luân hồi ra hù dọa làm cho ta sợ, và rồi ta theo Phật hình như chẳng qua là vì sự sợ hãi do hù dọa phải bị luân hồi, phải bị nhận lấy quả đắng, chứ chúng ta chưa theo Phật học là bởi vì nhận rõ sự lợi lạc của con đường Đức Phật dạy, hầu hết là bởi vì hù dọa sợ bị luân hồi, sợ nhân, sợ quả. Dĩ nhiên là ta phải sợ nhân, sợ quả, “Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả” đó là cách nói, người mà đã được hướng dẫn cặn kẽ, hiểu thấu, chẳng có gì để sợ, bởi tất cả những gì xảy ra, nó sẽ xảy ra như vậy, thấu được rồi, không có sợ nữa!
Chúng ta có thấy có thật nhiều người bất chợt nghe một tin gì, đặc biệt là vì bệnh hoạn mà nghe phải chết sợ lắm. Hồi ông cụ của thầy, nhớ lúc đó khoảng chừng tháng 08 năm 2017, thì trước đó một tháng là tháng 07, ông cụ đi khám bệnh, bác sĩ nói: “Ung thư rồi cụ ơi! Cụ ung thư bằng cái nắm tay nè, nằm ở ngay gan và phổi, thời kỳ cuối rồi, không chữa được đâu, trong vòng 06 tháng thôi!”, ông cụ thầy nghe thấy không có một chút sợ hãi và khi Bảo Thành hỏi thẳng với ông cụ: “Cha có sợ ung thư chết không?”, cha nói: “Không!”. Mà thực ra chắc có lẽ cha không sợ chết bởi vì cha lúc đó đã 95 tuổi và đã từng hai lần gọi là chết đi sống lại, nên đối với cụ, sự chết là thường, đã có sự trải nghiệm. Năm 70 tuổi ông cụ cũng bị một lần chết đi sống lại, rồi đến năm 75 tuổi cũng bị một lần và cuối cùng năm 95 tuổi, nhìn thấy ung thư không còn sợ bởi hai lần đã chết đi sống lại, đó cũng là một sự trải nghiệm thực tế của người thân, mà rồi người thân là ông cụ, là cha của mình đã không còn sợ hãi.
Người ta nói chắc có lẽ trải qua hai sự chết đó nhưng mà không, ông cụ của thầy rất miên mật tu tập, có thể không ai biết được đâu, nhưng ông cụ có một chỗ tu tập ở nhà, có một phòng tu tập ở nhà, không ồn ào, không làm cho ai biết, kín đáo lắm, chỉ một mình tu vậy thôi, ròng rã suốt 50 năm trời Bảo Thành biết, ngày nào cũng sáng sớm ông lên thiền định tu, ngày nào cũng như vậy. Mặc dù sau này các con của cụ là thầy và mọi người đã không còn sống ở quê hương, mình cụ sống thôi, chỉ sống có một mình thôi, sống có một mình, gần 40 năm trời sống có một mình, một mình mặc dù có con, mẹ của thầy thì đã chết sớm cho nên chỉ còn ông cụ mà không có sợ hãi một chút nào. Tập luyện, tu, tập luyện, tu, trải qua những sự chết, cuối cùng ung thư, chẳng một chút sợ hãi, có thể nói ông cụ đã sẵn sàng bởi vì có sự tu tập hiểu rõ!
Gần đây Bảo Thành có một người quen đi bác sĩ, bác sĩ cũng nói ung thư và có lẽ tên đã ghi vào sổ bộ chuẩn bị ra đi. Anh ta sợ vô cùng và không muốn bác sĩ nói thêm nữa, đây là cái sợ gọi là kinh tâm động phách, sợ đến hoảng hồn, sợ không dám làm một cái gì, sợ không dám nghe một cái gì nữa. Anh ta còn trẻ, độ 40 mấy tuổi. Bảo Thành nói sơ qua về những cái sợ thường tới trong cuộc đời của chúng ta, sợ nhiều lắm, đặc biệt là những người mẹ. Vì những người mẹ sinh ra con, là cả cuộc đời sẽ hy sinh cho con, rồi hy sinh cho cháu, hy sinh cho tất cả, và ở đời, tất cả những người mẹ luôn mong muốn cho con của mình ít nhất là có kiến thức, có giáo dục, ngoan ngoãn, khỏe mạnh và bình an. Đó là cái lo lắng rất bình thường của cuộc đời và chính vì sự lo lắng ấy mà các mẹ thường hay sợ hãi. Có những lúc con cái khi lớn tuổi 33:10, đi đâu về trễ mẹ lo lắng vô cùng, đi xuyên đêm mà không về mẹ sợ hãi nữa, và rồi trong cuộc sống khi các con thành tài, thành nhân, lấy vợ, lấy chồng ra riêng mà ở, mẹ vẫn lo, lo, lo quá trời là lo. Người mẹ luôn luôn lo lắng cho con cái đó là một bản năng tự nhiên nó xuất phát từ trái tim của người mẹ và chỉ có người mẹ mới hiểu thấu được mà thôi!
Đức Phật không khác gì người mẹ của chúng ta, từ thuở đầu Ngài đã không có hãi bởi Ngài hiểu thấu được nhân cách của từng người con như chúng ta và nhìn thấu được tất cả những nghiệp chướng mà chúng ta đã tạo ra những tội lỗi, Ngài chẳng sợ bởi Ngài là người mẹ tuyệt vời hiểu thấu và đã có sự sắp đặt cặn kẽ, luôn luôn giúp đỡ cho những người con như chúng ta đây trưởng thành trong những điều hiểu biết thấu đáo bằng kiến thức để không còn sợ hãi nữa, không bị kinh tâm động phách, đặc biệt là đương đầu với sự chết.
Bốn điều làm cho con người khổ và sợ hãi nhất đó là sinh ra mà thiếu kiến thức, bệnh hoạn, già nua và chết. Từ đó mà Đức Phật luôn dạy dỗ cho chúng ta để chuẩn bị cho chúng ta như một võ sĩ lên thượng đài chiến đấu với sanh tử mà có sự chuẩn bị kỹ càng kiến thức để trực diện với sanh tử mà không bao giờ sợ hãi. Ngài nói thật nhiều về luân hồi, về nhân quả, chẳng phải là hù dọa nhưng đó là kết quả của cuộc đời nếu như không có sự chuẩn bị. Chẳng nói để thấy được hậu quả mà không dạy dỗ, Ngài dạy cho chúng ta, Ngài huấn luyện cho chúng ta, chỉ cần chúng ta sẵn sàng nói với Phật rằng: “Phật ơi! Con muốn Ngài huấn luyện, dạy dỗ để con có một sự chuẩn bị đầy đủ đứng trước sự luân hồi sanh tử, nhân quả, con không còn sợ nữa, bởi bí pháp của Phật dạy cho chúng con, kèm cho chúng con, chúng con đã thực tập thật rõ mỗi ngày”.
Các bạn, phương pháp mà Đức Phật dạy cho chúng ta để nhìn thấu nhân quả và luân hồi để không còn sợ nữa, đó chính là trí tuệ. Người có trí tuệ không bao giờ biết sợ bởi có trí tuệ nhìn thấu thì chẳng sợ, người nhìn thấu sẽ hiểu được và buông được, người nhìn thấu sẽ hiểu được và ứng hóa với mọi hiện tượng khi nó xảy ra một cách hoan hỷ và người có lòng từ bi thì chẳng còn chút gì sợ hãi nữa, dù vào trong biển lửa, rớt xuống hầm sâu, đi vào hang cọp cũng chẳng có run sợ huống hồ chi là đương đầu với tử thần, sự chết. Hiểu thấu sanh và tử, sống và chết chỉ là một điểm lật qua lật lại, chẳng có gì phải sợ nữa, mà bước qua điểm sanh sẽ thấy điểm tử, chạm vào điểm tử sẽ thấy điểm sanh, sanh tử tử sanh luân hồi là chuyện thường đối với những con người nhìn thấu. Vì sao? Vì họ đã có kiến thức và trí tuệ, đầy đủ năng lượng từ bi, chuẩn bị sẵn sàng như người đi xa có đầy đủ hành trang, tư lương, chẳng có gì để sợ, thức ăn họ cũng đã chuẩn bị, nước uống họ cũng chuẩn bị, thuốc than, quần áo, mọi vật dụng trên cuộc lữ hành đó, họ đã chuẩn bị hết rồi.
Chúng ta cần phải học ở Phật điều đó để luôn luôn có một sự chuẩn bị kỹ trên con đường lữ hành ở đời, thì không có chuyện gì xảy ra mà ta sợ, dù là bất chợt xảy ra đi nữa, bởi ta đã hiểu nó như vậy rồi, nên dù nó có tới ngay bây giờ, bất chợt xảy ra hoặc là nó xảy ra ở bất cứ lúc nào, chỗ nào, hoàn cảnh nào, ta cũng không sợ. Trong nhà Phật chữ đó gọi là tâm Bồ Đề bất thối, ta có cái tâm vững chãi thì chẳng có cái gì gọi là kinh tâm động phách, hú hồn hú vía. Không! Và những cái sợ hãi trong đời thường cũng chẳng sợ, công ăn việc làm, muôn sự xảy ra chẳng sợ, bởi ta có trí tuệ ta luôn tinh tấn, ta có từ bi ta luôn yêu thương. Từ bi và trí tuệ là hai điều rất cần trên con đường học đạo, dù bạn tu pháp môn nào đi nữa mà các bạn không chuyên chú vào đề mục trí tuệ và từ bi vẫn còn khiếm khuyết thật là nhiều, chẳng khác gì xây nhà ở trên biển bằng cát, sóng nó quật vào nó tan mất, đó gọi là công dã tràng. Sự tu mà Đức Phật dạy cho chúng ta không có khó, khó là bởi vì chúng ta không có nhân duyên hoặc tạo cho mình nhân duyên tiếp cận với những người thường xuyên tu tập để noi gương họ bước lên trên con đường tu. Sự tu rất đơn giản!
Nếu chúng ta lấy cái hộp quẹt, bật lửa châm vào cái đèn nó sáng, thì sự tu cũng như vậy, Đức Phật là hộp quẹt rồi các bạn ơi, Ngài là bậc trí tuệ, lửa của trí tuệ, ánh sáng của trí tuệ nơi Phật vốn có sẵn, chúng ta chỉ cần thỉnh trí tuệ của Phật và thắp vào ngọn đèn của tâm nơi chúng ta, cái tâm đèn đó nó sẽ được sáng. Không cần phải lần mò như thuở chưa có Phật, nay đã có Phật tức là có thầy, không thầy đố mày làm nên, không có thầy mới lần mò, nay ta đã có thầy rồi, là Phật rồi. Phật lại mang trí tuệ, ánh sáng đó đưa cho chúng ta và dạy cho chúng ta mồi vào cái tâm của mình giữ cho nó sáng, và luôn luôn đổ dầu từ bi Mu A Mu Sa để nó có dư dả dầu và ánh sáng trí tuệ luôn thắp sáng nơi cái tâm của chúng ta. Người thực tập bát chánh đạo, chánh niệm hơi thở quán chiếu từ bi và trí tuệ là người võ sĩ được huấn luyện kỹ lưỡng mọi chiêu thức, mọi cái thế để khi lên thượng đài đấu với sanh tử, họ chẳng hề run sợ, họ có thể chuyển hóa, khống chế để làm cho sanh tử kia phải nhường bước để cho họ tiến về phía trước.
Chúng ta trong thời đại mà muôn sự ở đời thay đổi chóng mặt, sự thay đổi đó chẳng phải là nhân tâm của con người, nhưng sống trong thế giới mở rộng của nền kinh tế thị trường, người ta đặt nặng đồng tiền là trên hết, từ đó mà tất cả những cái gì gọi là phương tiện sản xuất ra đều nhằm vào mục đích là để kiếm tiền cho thật nhiều, và phương tiện sản xuất ra để kiếm tiền đó quá nhanh, quá chóng mặt, làm cho chúng ta kinh hãi, bởi vì con người ưa thích những phương tiện thuận lợi cho cuộc sống, mà phương tiện lỗi thời chỉ trong cái chớp mắt mà thôi. Mới ra đó một mốt xe, quần áo, phone, các phương tiện sử dụng hàng ngày mới ra lò, chỉ vài ngày nữa thôi là lỗi thời rồi, bởi cái khác nó đã ra. Ngày xưa có những món đồ thời hạn sử dụng có thể 20, 30 năm, thậm chí 50, 60 năm, nếu các bạn có những món đồ cổ ngày xưa đó, sử dụng hoài không hư, nhưng ngày nay để đồng tiền có thể kiếm được nhiều, người ta đã chế tạo ra tất cả mọi vật dụng cho cái thời hạn sử dụng thật là ngắn ngủi, mua về sử dụng chưa bao lâu đã hư, thời gian sử dụng hết hạn, vậy nên chúng ta lại phải mua, và cứ như vậy họ có lời, có nhiều tiền. Vòng xoay của đồng tiền không khác gì vòng xoay của luân hồi nghiệp thức, tất cả những bất thiện nghiệp của chúng ta khi nó đã trổ quả rồi, nó biến hiện thật là nhanh, ta theo không kịp, như nhà sản xuất đồ mục đích là để kiếm tiền, thì nghiệp của chúng ta nó trổ quả mục đích là làm cho chúng ta hoảng sợ, mục đích là làm cho chúng ta kinh hồn hoảng vía, không biết phải làm gì, và cứ thế như con thiêu thân bay vào cái bóng lửa của sân giận, si tham, tự thiêu, giết chết mình, sợ mà cứ bay vào, không phải là không biết, biết mà cứ nhảy vô.
Hiểu được những quy luật như vậy, hiểu được như vậy là nhờ chúng ta thiền trí tuệ thấu được những cái mồi tham – sân – si ở cuộc đời nó nằm ở mọi góc cạnh của cuộc sống, chỉ có trí tuệ thôi mới giúp cho chúng ta không còn sợ hãi, chỉ có trí tuệ thôi mới giúp cho chúng ta nhìn thấu được luân hồi sanh tử, và chỉ có trí tuệ thôi mới giúp cho chúng ta nhìn thấy được nhân quả. Và chỉ có trí tuệ mới giúp chúng ta thấy được vạn pháp là vô thường và nắm giữ những điều đó, cho nó là thường hằng của ta bất biến, thì sẽ tạo khổ. Và chỉ có trí tuệ mới nhìn thấu được khi chúng ta xây dựng một cái ngã, một cái tên tuổi, một cái tôi dựa trên nền tảng của vật chất, tiền tài, thì chúng ta chẳng khác gì đào mồ chôn thân, càng ngày càng khổ và sống trong những điều như thế, chúng ta sẽ dồn dập sự sợ hãi, và nhất định có nhiều chuyện xảy ra, ta chưa có kiến thức, trí tuệ để chuẩn bị, ta sẽ bị kinh tâm động phách, hoảng hồn hoảng vía. Mà ở đời nói là chết bất đắc kỳ tử ở chỗ bất chợt nó tới, hoảng hốt mà chết, cho nên hồn phách, hồn xiêu phách tán mà dân gian nói là chết trong những trường hợp như vậy thì không thể đầu thai, bởi hồn phách nó bay lơ lửng không biết đâu mà về. Cho nên trong dân gian mới có câu chuyện gọi là gọi hồn, gọi phách về, hoặc trong dân gian có chuyện là đi dẫn hương linh, dẫn hồn về.
Chúng ta thấy có những con người vì nghiệp mà chết đụng xe đây đó ở bờ đường, bờ ruộng chỗ này chỗ kia, thì phong tục dân gian vẫn có cái nghi thức là tiếp linh từ bờ ruộng ở đường đi về nhà, đó là phong tục của dân gian nhưng hình như nó vẫn ảnh hưởng thật nhiều, chẳng qua thiếu kiến thức, cho nên ta vẫn lặp đi lặp lại nhiều cái phong tục một cách lập dị mà không hay. Do đó chúng ta nhớ rằng trong những pháp tu của nhà Phật chú trọng đến trí tuệ và từ bi, chỉ có trí tuệ và từ bi sẽ giúp cho chúng ta 46:07 không còn sợ hãi, không một việc gì có thể làm cho chúng ta kinh tâm động phách, xiêu hồn phách tán, hoảng hồn hoảng vía. Bởi không có gì có thể bất chợt tới như một sự hù dọa, ta là một dũng sĩ, là một võ sĩ đã được chuẩn bị, ta là một cậu học trò đã được Phật đào tạo và hướng dẫn đầy đủ kiến thức, và nhìn rõ tất cả những sự việc, hiện tượng xảy ra trong vòng luân hồi sanh tử, trong quy luật của nhân quả thiện ác, cho nên ta không sợ dù biết trước những sự việc xảy ra như thế hoặc không biết thì ta cũng không bao giờ sợ. Ta có nghe thấy khi nào mà người thấy chết mà không sợ không? Có! Là bởi người đã có kiến thức chuẩn bị trên con đường tu, họ còn biết được ngày giờ họ chết, lúc nào họ chết và họ hoan hỷ sắp đặt để ra đi, bởi sự chết đối với họ chẳng phải là sự sợ hãi mà là sự vui mừng, bởi đã đến thời, đến vận họ bước qua cuộc đời vòng tròn của kiếp người để đi vào cõi thiện lành hơn.
Trong Phật giáo, biết bao nhiêu những câu chuyện nói về vãng sanh, biết bao nhiêu những câu chuyện nói về các bậc tổ hoặc các bậc Phật tử, thiện tri thức, hoặc những con người rất bình thường biết trước ngày chết, biết trước giờ chết, chuẩn bị sẵn sàng, hoan hỷ tột cùng để ra đi, chẳng một chút sợ hãi.
Phật giáo, đặc biệt đối với các Phật tử tại gia, chẳng cần phải xuất gia, pháp tu trí tuệ và từ bi tăng trưởng kiến thức và hiểu thấu được những chuyện rất đời thường trong cuộc sống, thứ nhất là giúp cho bạn có trí tuệ để giải quyết mọi vấn đề trong cuộc đời, để không còn có sự lo lắng như là sợ về con cái đường ăn đường học không thành tài, như sợ về sự việc ta làm không thành công, hoặc là sự sợ hãi của ngày sau khi về già chẳng ai nuôi nấng chăm sóc, những cái sợ vu vơ trong nền kinh tế, trong sự sống, trong giao tiếp chẳng làm cho bạn sợ nữa, bởi bạn đã có đầy đủ kiến thức khi bạn tu trí tuệ. Nói là tu chứ thực ra ta thừa hưởng trí tuệ đó của Phật, bởi Phật đã có dư trí tuệ rồi! Và mưa ân điển trí tuệ của Phật luôn luôn rải xuống cõi trần này, những ai hiểu thấu thì nhất định sẽ hứng được cũng như người hứng nước mưa để sử dụng trong nấu nướng, trong tưới, trong tắm, trong sử dụng cuộc đời, cuộc sống này. Phật luôn làm mưa ân điển xuống cuộc đời của con người, ai hiểu thấu được điều đó, sẽ có thể lãnh nhận được thật là nhiều, mang ứng dụng vào cuộc đời để chúng ta bớt khổ, hết sợ hãi!
Không có một người cha mẹ nào mà không làm để dành cho con cái, không có một vị Phật nào mà không dành cho chúng sanh những cái cao đẹp nhất, không có một vị cha mẹ nào mà không dành dụm để cho con cái những thứ cần thiết khi con cái trưởng thành đi vào đời, thì không có một vị Phật nào mà không để dành cho chúng sanh những điều cao quý nhất để chúng sanh có thể đi trở về với Niết Bàn an vui và tự tại! Cái mà Đức Phật chuẩn bị cho chúng ta, để dành cho chúng ta và trao tặng cho chúng ta trên cuộc trần lữ thứ này đó chính là trí tuệ và từ bi, chỉ cần thể nhập như ngọn lửa ta mồi từ cái đèn của Phật qua cái đèn của ta, chỉ cần mồi qua là nó sáng chứ không cần đi tìm lửa nữa! Ánh sáng trí tuệ của Phật vốn đã có và Ngài luôn luôn dành cho chúng ta, chỉ cần quán chiếu và nhận rõ ra ánh sáng trí tuệ đó, thể nhập để cho nó trở thành một thì ta có sự sáng của kiến thức thấu rõ được, hiểu được vô thường, khổ và vô ngã, tự tại y như Tâm Kinh Bát Nhã, ta sẽ có được sự gọi là tâm không còn sợ hãi, là tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố. Tâm của ta sẽ không bị sợ hãi, không bị run sợ trước mọi sự thử thách và không bao giờ bị bất cứ một điều gì trên thế gian này xảy ra làm cho ta khủng hoảng gọi là kinh tâm động phách, tâm ta luôn an lạc bởi ta đã từ bỏ, ta viễn ly điên đảo mộng tưởng tức là ta đã từ bỏ, ta đã rời xa được những điều không thực tế (ta nhìn thấu mà).
Trong những đêm tối mù mịt quờ quạng nếu bật đèn lên ta thấy. Bật đèn, bật công tắc! Mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là bật đèn trí tuệ, mật ngôn Mu A Mu Sa là đổ dầu từ bi để đèn không tắt. Chỉ cần đơn giản hiểu như vậy và chỉ cần thực tập thôi, là ngọn đèn trí tuệ của bạn, cái tâm của bạn, cái tâm đèn của bạn sẽ được thắp sáng và bạn sẽ nhìn thấu. Chỉ hít vào thở ra thật nhẹ nhàng mỗi một ngày, quán chiếu cứ từ từ ta sẽ thấu rõ được mọi hiện tượng đang xảy ra với chúng ta và sẽ nhìn thấu được mọi hiện tượng trong môi trường sống để chúng ta nhận diện được tất cả và đẩy lùi đi sự sợ hãi, không làm cho ta kinh tâm động phách, hoảng sợ, đặc biệt là trước cái ngưỡng cửa sanh tử, sống và chết, bởi ta thấu được nhân quả, ta hiểu được luân hồi. Làm sao thấu, làm sao hiểu? Bởi ta đã được chuẩn bị do thầy Bổn Sư Thích Ca đào tạo hướng dẫn, truyền đăng tức là truyền ánh sáng trí tuệ. Truyền đăng mà các bạn, sao ta cứ lần mò đi tìm ánh sáng trí tuệ làm chi? Phật đã có pháp truyền đăng tức là truyền ánh sáng cho chúng ta và chúng ta chỉ cần thành tâm đón nhận ánh sáng đó thôi, như người con được cha mẹ dành dụm và được thừa hưởng khối gia tài để đi vào đời, chỉ cần thành tâm tri ân công đức của mẹ, của cha đã cả cuộc đời làm việc dành cho ta và lãnh nhận phần gia tài trao truyền đó để làm lời ra, làm tăng trưởng ra theo chiều hướng tốt. Chúng ta cũng vậy, không cần phải lần mò trong tăm tối bởi ngày nay đã có Phật. Khi không có Phật ta phải lần mò đi tìm, không có thầy ta phải lần mò, nhưng đã có Phật, đã có thầy Bổn Sư rồi, ta chỉ cần lãnh nhận kiến thức của Ngài, trí tuệ của Ngài, ân điển từ bi của Ngài, thì chúng ta là người có dư và dồi dào tư lương trên con đường hành đạo.
Đặc biệt các bạn Phật tử tại gia, chúng ta quá bận rộn trong cuộc sống của gia đình cho vợ, cho chồng, cho con cái, cho công ăn sự nghiệp, các bạn còn thời gian nào để tu, mà các pháp tu hầu hết là chỉ hướng dẫn cho những người xuất gia mà thôi, thì những người tại gia như chúng ta tu làm sao? Đức Phật không chỉ quan tâm đến những vị xuất gia, xuất trần mà Ngài luôn quan tâm đến những Phật tử nam nữ tại gia. Pháp tu trí tuệ và từ bi là pháp tu thích ứng với mọi hoàn cảnh của Phật tử tại gia cũng như xuất gia. Bởi dù bạn tu theo pháp môn nào, là người xuất gia hay tại gia cũng phải khởi nguồn từ trí tuệ và từ bi. Nếu bạn có tâm thành muốn giải thoát, thoát khỏi mọi sự sợ hãi, kinh tâm động phách trong cuộc đời, thì bạn hãy cố gắng thể nhập vào trí tuệ và từ bi qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang và Mu A Mu Sa qua chánh niệm hơi thở, thì bạn sẽ thấy được sự sáng khởi lên trong tâm và bạn sẽ nhìn thấu được hiện tượng, mọi hiện tượng xảy ra trong cuộc đời và sự sợ hãi không còn làm cho bạn hồn tiêu phách tán, kinh tâm động phách nữa, mà bạn luôn luôn tự tại an nhiên, tâm Bồ Đề kiên cố, sống vững chãi, sống bình an, sống khỏe mạnh, sống tự tại. Có phải chăng cách sống như vậy là cách sống mọi người đều hướng tới? Mà nếu chúng ta muốn hướng tới đời sống tự tại, hạnh phúc và bình an, không sợ hãi, vững chãi trong cuộc đời trước muôn trùng những thử thách, thì chúng ta cần phải chuẩn bị cho đầy đủ trí tuệ và từ bi qua sự thực tập công hạnh của chánh niệm thiền quán trí tuệ và từ bi!
Mời các bạn đặt bàn tay phải và bàn tay trái vào với nhau!
Thưa Phật! Biết bao nhiêu sự sợ hãi ở đời luôn tới với chúng con, biết bao nhiêu những sự làm cho chúng con kinh tâm động phách, hồn xiêu phách tán, hú hồn hú vía, nhưng nhân quả thiện ác, luân hồi chưa đủ làm cho chúng con sợ hãi bởi chúng con vô minh. Nguyện chư Phật gia trì cho chúng con tu để thể nhập vào trí tuệ, nhìn thấu được luân hồi và nhân quả, biết sợ, để rồi từ đó từ bỏ các pháp ác, chuyên những pháp thiện, giữ tâm thanh tịnh để không còn sợ hãi. Nguyện xin chư Phật gia hộ.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì Mật chú:
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Hồi hướng:
Chúng ta hãy hồi hướng công đức!
Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con hôm nay nếu tạo ra chút phước báu nào, nguyện hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.