Search

Bài 2194. Loạn Thông Tin, Mù Kiến Thức | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô

Bảo Diệu Tâm đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư cô, các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi!

Mời các bạn quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chúng con đồng nguyện mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và gia trì cho chúng con tinh tấn tu học, Chánh Niệm hơi thở Trí Tuệ và Từ Bi để nhìn thấu được vạn pháp Vô Thường sanh diệt, Khổ và Vô Ngã. Chúng con cũng nguyện cho quê hương Việt Nam và toàn thế giới mau thoát khỏi cảnh đại dịch, cho tất cả hàng đệ tử chúng con tinh tấn tu học, phiền não đoạn diệt, bệnh tật tiêu trừ, thân tâm thường an lạc. Nguyện siêu cho chư hương linh theo thiện nghiệp tái sanh cảnh lành. Xin chư Phật chứng minh!

Mời các bạn đặt bàn tay phải – bàn tay Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái – bàn tay Từ Bi!

Lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Từng hơi thở chúng ta Chánh Niệm, khiêm tốn đón nhận năng lượng Tình Thương của chư Phật để thắp sáng Trí Tuệ của mình. Nguyện muôn người lãnh nhận được Hồng Ân Tam Bảo!

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì Mật chú:

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

(16:25) Mô Phật! Hiện thời Bảo Thành đón nhận được thật nhiều năng lượng tình thương và tinh thần trong sáng vô ngần, bởi mỗi một giây phút đồng tu cùng các bạn, chúng ta đều bình đẳng đón nhận được năng lượng từ bi tha lực Phật điển vào trong tâm thức và thân này, để cùng nhau hồi hướng cho nhau. Bảo Thành nguyện những sự thanh tịnh nhất, năng lượng viên mãn nhất mà Bảo Thành đón nhận được từ chư Phật cũng đồng đều san sẻ và các bạn đồng lãnh nhận được từ chư Phật.

Chủ đề hôm nay: “Loạn Thông Tin, Mù Kiến Thức”! Thế giới phát triển quá nhanh, ai ai trong chúng ta không cần phải là nhà báo, không cần phải là chuyên môn biết viết hay biết thâu lượm tin tức. Chỉ cần có một cái phone (điện thoại) và rồi có Facebook, có YouTube, có Zalo, có những bức tường mạng xã hội, mỗi người đều thỏa thích tuôn ra những thể loại thông tin mình mong muốn, ưa chuộng, thích thú để loan tin đó cho mọi người cùng biết. Chẳng cần thông tin đó có chuẩn mực theo thước đo của luân thường đạo lý hay không, chẳng cần chuẩn mực theo sự chân thật của thông tin hay không, chỉ cần ta thích, chỉ cần người ta thích, chỉ cần mọi người yêu mến, chỉ cần mọi người thỏa mãn là thông tin được đăng lên nhiều quá và chẳng còn thời gian để kiểm chứng. Khi nhận ra những thông tin đó, thấy được thông tin đó, chúng ta quá vội vàng nắm bắt, để dựa trên thông tin vừa biết, làm nguồn nhiên liệu thông tin cho chúng ta, để rồi tăng trưởng thông tin đó theo nhiều chiều hướng khác biệt, làm loạn hết thông tin như vậy.

Hiện thời chúng ta thấy trên các trang mạng xã hội loạn thông tin. Và rồi không còn ai trong chúng ta có thể thẩm định được thông tin đó đúng hay sai mà hầu như người ta mượn thông tin nhai đi nhai lại, kéo đi kéo lại, cái thật biến thành cái hư ảo, cái hư ảo biến thành cái thật, thật – hư, giả và thật chẳng còn ai biết nữa, loạn hết thông tin rồi, loạn rồi. Các bạn cứ nhìn ở trên các thông tin đó, các bạn thấy loạn hết rồi. Dù là thông tin loạn nhưng đầu ta có loạn hay không, đó là một vấn đề của vế thứ hai!

“Loạn Thông Tin, Mù Kiến Thức” – một chủ đề rất thực tế trong cuộc sống! Chúng ta có nhiều thể loại thông tin từ bên ngoài đưa tới và chúng ta cũng có thật nhiều thông tin từ những sự tưởng tượng từ ảo tưởng của tưởng thức phát sinh ra, hòa trộn với những thông tin loạn ở ngoài kia, nó tăng phần gọi là hấp dẫn đến một cường độ mà cái lực đó quá mạnh, ta mất đi sự thăng bằng để thẩm định cái đúng và cái sai, ta lao đầu vào hợp tác với chúng, không những thần trí ta loạn, tâm thần ta loạn, mà muôn người đều bị loạn hết. Thế giới ngày nay ngao ngán loạn thông tin! Loạn thông tin mà còn mù kiến thức nữa, đó là một điều rất nguy hại. Thông tin đã loạn mà kiến thức của ta bị mù thì xã hội này nhiều phần khổ đau!

Các bạn! Theo tâm lý học, Đức Phật là một nhà giác ngộ, một bậc giác ngộ, một đấng giác ngộ, một con người bình thường nhưng giác ngộ. Ngài đã nhìn ra chân lý của cuộc sống và nhìn thấu đáo mọi góc cạnh của tâm lý con người. Chân lý bao trùm mọi tâm lý của con người. Ngài nhìn hết mọi góc cạnh!

Có bốn góc mà chúng ta thường nhận thấy trong cuộc sống về tâm lý học. Góc thứ nhất người ta gọi là góc mở. Góc mở là bạn và mọi người đều biết về bạn! Chúng ta biết về khả năng, biết về kiến thức, biết về trí tuệ, sự trải nghiệm và cảm xúc của chính mình, đồng thời những người chung quanh, cộng đồng, xã hội đều biết về ta như vậy; đây là góc mở bởi vì nó được mở rộng ai cũng biết. Mình biết mình, người biết mình, mình biết họ, họ biết mình đều hết. Góc mở này là một phương tiện thuận lợi để cho Bảo Thành, các bạn có thể giao thoa với mọi tầng lớp trong xã hội, kết bạn thâm giao để giữ mối liên lạc mật thiết trong tình thương, thông cảm và chia sẻ, thăng tiến trên con đường sống, tạo dựng được sự bình an và hạnh phúc cho nhau. Và thường thường chúng ta phát triển góc mở này, phát triển dần ra cho mọi người cùng thẩm nhập, đi vào con đường đó. Cho nên chúng ta trau dồi kiến thức và truyền đạt kiến thức đó để mọi người cùng biết về chúng ta và ta cùng biết về mọi người. Đây là một góc trong cuộc đời của chúng ta, tâm lý học nhìn rõ và luôn khuyến khích chúng ta phải mở rộng góc nhìn về ta và để mọi người biết về ta!

Góc thứ hai gọi là góc khuất của cuộc đời. Góc khuất của cuộc đời tức là những trải nghiệm tang thương, cảm xúc vui buồn, những lầm lỗi, những tội lỗi, những thất bại: thất bại trong tình trường, trong thương trường, trong cuộc đời, trong mọi mặt. Góc khuất là những điều mà ta biết thật rõ về ta nhưng mọi người không biết và ta giấu giếm nó, không cho ai biết hết. Đây gọi là góc khuất bởi góc khuất của cuộc đời mỗi một con người, chúng ta sợ người ta biết! Sao có thể để cho người ta biết được sự thất bại trong tình cảm? Quê mùa lắm, xấu hổ lắm! Sao có thể để cho người ta thấy được góc khuất của sự tổn hại tình thương giữa vợ chồng, thất bại trong thương trường, trong học đường? Làm sao góc khuất của sự hổ thẹn, của sự tội lỗi, của những cái không có kiến thức, cái yếu kém, cái sai lầm? Và chúng ta không thể để cho ai biết đâu, giấu, giấu thôi, phải giấu! Và chúng ta càng dồn cái lực vào giấu tất cả những gì thuộc về ta mà ta sợ người ta biết, hầu hết đó là những sự thất bại, những cảm xúc hoặc những tội lỗi, hoặc về mặt yếu kém kiến thức, ta che giấu gọi là góc khuất. Mà hầu hết trong chúng ta – Bảo Thành và các bạn đều có góc khuất này! Bao nhiêu lâu chúng ta dồn cái lực để che chở, để bảo vệ, để giấu kín góc khuất này, thì chúng ta dễ bị rơi vào trạng thái trầm cảm, đau đớn và dễ bị bệnh, đôi khi khủng hoảng tinh thần nói nhảm. Càng giấu càng nói nhảm!

Có một góc nữa mà hôm nay chúng ta nói tới đó là góc mù. Có một góc mù đó các bạn, gọi là mù kiến thức! Góc mù là chỗ mọi người đều thấy về ta nhưng ta không thấy về mình. Các bạn thấy không? Có! Ai cũng thấy ta là như vầy, ai cũng thấy ta là như kia nhưng ta không thấy về mình, ta mù tịt à, ta không thấy. Bởi vậy khi người ta nói về mình, mình cãi, khi người ta nói về mình như thế, mình chống đối, mình giận, mình buồn, mình tự ái, mình dồn dập. Ui cha, cái này là một cái tệ hại trong cuộc sống của Bảo Thành và các bạn; góc mù kiến thức! Người thấy mình nhưng mình không thấy được mình!

Một ví dụ điển hình để thấy được góc mù kiến thức rất nguy hại cho cuộc sống. Cách đây khoảng chừng vài tuần, có một người quen ở tiểu bang Minnesota, Sư cô Quảng Nguyện cho biết rằng người đó đã bị một xe truck (xe tải), xe chở đồ/ hàng họ quẹo và họ lật, họ đè lên và bị chết. Chúng ta biết rằng xe truck lớn như vậy, người ta có thể nhìn hai cái kính ở bên hông để thấy, và nhìn cái kiếng hậu. Nhưng ở đằng sau, ngay chỗ cạnh đằng sau của cái xe là góc khuất, là góc mù, người ta gọi là điểm mù mà không thể nhìn thấy được. Người ngoài nhìn thấy, người chạy đằng sau nhìn thấy, mọi người nhìn thấy, nhưng người tài xế ngồi trên chiếc xe đó không thấy. Mà tất cả các xe chúng ta chạy đều có hai góc, hai góc mù mà không nhìn rõ, cho nên thường hay xảy ra tai nạn.

Câu chuyện chúng ta thường đi xe mà cứ chạy theo những xe cam-nhông hoặc xe container bự, xe truck bự đó, chúng ta một là phải vượt qua, hai là phải lùi thật xa. Chúng ta cứ chạy song song kè kè đằng sau rất nguy hại. Bởi vì nó to, nó chắn chúng ta và người tài xế của chiếc xe đó luôn luôn không nhìn thấy ở góc khuất gọi là góc mù kiến thức, gây tai hại. Đây là một ví dụ điển hình để chúng ta thấy rằng mù kiến thức rất nguy hiểm bởi ta không nhìn thấy được kiến thức của ta như thế nào, ta không nhìn thấy được sự trải nghiệm của ta đã qua như thế nào, ta không biết được cảm xúc của ta như thế nào! Cái mù kiến thức là cái không thấy rõ được kinh nghiệm thực tế, kiến thức trải nghiệm và cảm xúc của riêng mình. Cho nên ai mà đụng tới là ta trở thành sân giận ngay lập tức. Và góc mù kiến thức này, chúng ta cần phải trau dồi sự học để nhìn thấy, phá mù. Mà hầu hết chúng ta không bao giờ chấp nhận, càng bảo vệ thì càng mù. Tự ái! Họ chạm đến ta, tự ái lắm! Đây là góc mù kiến thức! Người mù kiến thức lại thích hay nói về những người khác dựa trên cái họ không thấy được bản thân của họ. Người mù kiến thức thường hay dạy người khác bởi vì dựa trên cái mà họ không hiểu. Người mù kiến thức thường hay xen vào chuyện của người khác và dựa trên cái họ không biết về chính họ. Cho nên thường tạo ra sự chia rẽ, tạo khổ, phiền não cho những người chung quanh!

Vậy thì chúng ta đã đi qua góc mở, góc khuất và góc mù kiến thức rồi. Còn có một góc nữa gọi là góc ẩn trong cuộc đời. Đó chính là chỗ mọi người đều không thấy về ta và ta cũng không thấy về chính ta. Đây chính là góc ẩn của cuộc đời mà mỗi người cần phải tu luyện, thực tập để tìm ra và khám phá sự tiềm ẩn trong góc khuất, góc mù và góc mở hoàn toàn không có tác động tới, đó chính là góc ẩn! Ta không biết, người không biết, nó là một tạng bí mật cần phải tu tập để mở toang góc ẩn của cuộc đời ra, để có một cái nhìn viên mãn vượt qua cái tầm thường đi tới cái phi thường!

Các bạn thân mến! Trong góc mù kiến thức, trở lại, khi chúng ta mù kiến thức là chúng ta đã tạo cho mình một thói quen dựa dẫm trên kiến thức lý giải riêng của mình, trên nhận thức riêng của mình, trên trải nghiệm riêng của mình, trên cảm xúc riêng của mình, dần dần nó trở thành một chủ kiến riêng tư, tăng dần thành định kiến và mang định kiến đó ra để áp dụng, so sánh, đối ứng với muôn người. Nó tạo thành một thói quen rồi và thói quen đó ta không kềm chế được. Các bạn có thấy kinh nghiệm trong cuộc đời, có nhiều sự thất bại trong cuộc đời hình như nó cứ lập đi lập lại y như kiểu như vậy thói quen đó. Có nhiều lầm lỗi ta cũng cứ lập đi lập lại như vậy, nó giống nhau. Lầm lỗi lần nhất, lầm lỗi lần nhiều, nhiều nhiều…nhìn ra nó cũng giống nhau hết! Thất bại, lầm lỗi và nhiều chuyện hình như ta bị thói quen của định kiến mà người ta gọi là góc mù kiến thức đó, nó dẫn chúng ta đi theo cái điều kiện một cách vô thức không có ý thức suy nghĩ!

Khoa học giải thích như vầy, tâm thức của con người có hai cái: một là ý thức, hai là vô thức. Ý thức của con người như tảng băng nổi ở trên nước, nó nhô lên một chút xíu thôi. Sự ý thức nhìn thấy đó là toàn diện, nhưng nó chỉ nhô lên một chút xíu thôi, còn cái khối vô thức là tảng băng ngầm ở dưới nước, mà hầu hết cái ngầm ở dưới nước thì nó nhiều hơn cái nổi ở trên mặt nước. Khoa học chứng minh rằng chỉ có 5% là chúng ta nhận biết về chính mình gọi là ý thức được mình 5%, não bộ chỉ hoạt động có 5% để nhận ra mình, biết về mình. Còn 95% là vô thức, chúng ta hoạt động một cách vô thức không biết gì hết, chỉ làm theo cái định kiến, theo thói quen, theo tập tục, theo sự gọi là thuần hóa bởi ưa chuộng chính mình. Từ đó mà người mù kiến thức này là người đi đâu cũng thích người ta nói về cái hay của mình, cái biết của mình, cảm xúc của mình. Và khi tương tác thường tìm tới chỗ mà kiến thức mình thấy phù hợp, chỗ mà kinh nghiệm mình đã trải qua, chỗ mà cảm xúc của mình phù hợp với nó, thì mình nhào vô ngay! Ta chỉ thích đó thôi, và ta ý thức được có nhiêu đó, còn những điều vô thức hoàn toàn chúng ta không biết! Và chính vì vô thức chiếm 95% mà trong cuộc sống, ta thường tạo ra những sự sai trái ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác mà ta không biết. Vô tình chúng ta đã quá tự cao, tự mãn, dựa dẫm trên cảm xúc riêng tư ta yêu chuộng, kiến thức đã học được ta cho là tuyệt đỉnh và sự trải nghiệm của ta gọi là vô giá để định mức đánh giá những con người khác. Nhưng cái đó chỉ có 5% thôi, còn 95% là chúng ta bị dẫn bởi định kiến riêng tư, nó che mờ nhận thức của chúng ta!

Mù kiến thức rất nguy hiểm, các bạn! Nhưng mấy ai trong chúng ta nhận ra rằng Bảo Thành và các bạn đều bị mù kiến thức? Bởi không ai dám vỗ ngực để nói rằng: “Thưa ông, tôi sai chỗ này!”, vạch áo: “Thưa ông, tôi có vết thẹo ở đây!”. Không có, chúng ta giấu! Thường thường người mù kiến thức hay có nhiều góc khuất trong cuộc đời giấu đi, và như vậy người đó bị loạn thần, con mắt của họ không còn nhìn rõ một cách bình thường 20/20 nữa. Nếu con mắt tức là nhận thức của họ, ý thức của họ và sự quán chiếu của họ không bình thường 20/20 thì là mất bình thường rồi, không nhìn rõ đâu. Mà tánh nhìn trong nhà Phật rất quan trọng! Điểm mù kiến thức nó làm cho con mắt tuệ của họ không còn sử dụng được mà chỉ có con mắt nhục nhãn tức là trần tục nhìn, mà nó nhìn cũng không đủ viên mãn 20/20 nữa, nó khiếm khuyết. Nếu con mắt đó khiếm khuyết, không nhìn trên tần số của 20/20, cái nhìn đó là cái nhìn dị thường, bất thường. Nếu nhìn bất thường, dị thường như vậy, làm sao có khả năng nhìn được những chuyện phi thường? Không bình thường, không có một cái nhìn bình thường thì không thể đạt tới cái nhìn phi thường!

Nhưng khi chúng ta không có cái nhìn bình thường để đạt tới phi thường thì chúng ta thường bị luẩn quẩn trong cái nhìn khinh thường đối với mọi người khác. Đó là cái yếu điểm nơi Bảo Thành và các bạn – chúng ta nói chung, thường có cái nhìn khinh thường đối với tất cả những người chúng ta tương tác hằng ngày! Ngay cả ông bà chúng ta, ta cũng khinh thường. Ngay cả cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè, các bậc trưởng thượng, các bậc xuất gia, những người giao tiếp ta cũng khinh thường. Bởi vì sao? Ta mù kiến thức, ta có định kiến dựa trên quan niệm, kiến thức, trải nghiệm và cảm xúc riêng của mình! Cho nên chúng ta thường nhìn đời một cách rất khinh thường, thiếu sự khiêm tốn và tạo điều kiện cho cái cống cao ngã mạn nó lớn ra. Cho nên những chuyện bình thường ta không nhìn thấy nói chi là chuyện phi thường của đạo lý giác ngộ của Phật. Ta nhìn với cái nhìn khinh thường mọi loài, mọi vật và mọi người!

Từ cái mù kiến thức đưa đến sự chúng ta luôn nhìn khinh thường mọi người, chúng ta lại tạo ra cái mù của niềm tin! Ta khinh thường mọi người, ta mù kiến thức nên từ đó ta không còn tin tưởng ai nữa. Ta mất sự tin tưởng với mọi người, mù kiến thức, khinh thường mọi người, với cái nhìn như thế tạo ra cái mù niềm tin! Và chúng ta mất niềm tin với mọi người. Bởi vì sao? Bởi ta ưa chuộng những kiến thức ta có, đi đâu cũng tìm thể loại kiến thức đó, ta ưa chuộng những trải nghiệm ta đã từng trải qua nên ta đi đâu ta cũng tìm bới những trải nghiệm đó, ta chiều chuộng những cảm xúc riêng của ta. Cho nên đi đâu ta cũng muốn người ta chiều chuộng cảm xúc đó và tìm làm sao đồng với cảm xúc ta chiều chuộng đó là ta thích. Cho nên ở trên đời này, ta mất niềm tin với mọi người chính vì ở đời không ai làm như thế đối với ta. Từ đó ta mù niềm tin, sự tin tưởng!

Mù kiến thức đưa đến mù niềm tin, sự tin tưởng lẫn nhau, nó tạo ra một cái mù nữa để mình luôn luôn nhìn mọi người bằng một sự khinh thường đó là mù cảm xúc! Khi bạn không tin tưởng, bạn không đồng cảm với mọi người, bạn không thông cảm với mọi người, bạn không có cái nhìn viên dung để nhận rõ ra hoàn cảnh của từng người. Cho nên ta mù sự thông cảm, mù sự đồng cảm, mù cảm xúc! Cái mù cảm xúc làm cho chúng ta lãnh cảm đối với mọi sự việc đang xảy ra đối với những người thân, người gần gũi, và chúng ta thường có cái nhìn khinh thường để trong góc tối, góc mù kiến thức của ta, tuôn ra những lời nói, hành động hầu hết chỉ thuộc về chính ta, nhưng làm đau lòng và làm khổ, làm phiền não cho những người chung quanh!

Chính vì chúng ta mù kiến thức dẫn đến cái nhìn khinh thường như vậy, mù niềm tin, mù cảm xúc cho nên trong gia đình và sự giao thoa với nhau trong cuộc sống không được thăng bằng, thường gây đổ vỡ, đấu đá và đưa đến sự chia rẽ. Và đi đâu ta cũng không thấy chỗ nào đúng hết, bởi dưới ánh mắt của sự khinh thường, kiến thức mù kia lấn chiếm hết mọi suy nghĩ của chúng ta. Và cuối cùng đưa chúng ta tới cái mù suy nghĩ là chúng ta không còn suy nghĩ, không còn có ý thức suy nghĩ nữa, mà đắm chìm trong sự vô thức, dẫn của cái vô thức đó, đưa chúng ta đi như con trâu bị xỏ mũi với những định kiến riêng tư của mình, kéo đi mà cày trên đống ruộng khô cằn không nước, toàn là sỏi đá, vất vả lắm mà ta cứ cắm đầu đi cày thôi. Cái mù suy nghĩ này là một sự tệ hại bởi chúng ta không bao giờ suy nghĩ. Mà cái suy nghĩ được nâng cấp trong nhà Phật thì gọi là tư duy đó – tư duy trong chánh kiến. Ta không còn suy nghĩ trong chánh kiến, ta đắm chìm trong tà kiến, trong chấp kiến, trong định kiến, để rồi chúng ta bị mù kiến thức thêm, thêm, thêm và con mắt của chúng ta mất đi chuẩn mực của sự nhìn, nó biến thành cái nhìn khinh thường với mọi người!

Đức Phật nhìn thấu điều tâm lý học của não bộ hoạt động cho nên đã tìm ra làm sao chuyển hóa cái tâm lý thường này của con người đó, để con người và chúng sanh hết khổ. Thì Ngài tìm ra cái chân lý để từ từ giảm bớt sự ảnh hưởng của cái mù kiến thức trong cuộc sống và cắt đứt được nó. Cho nên Ngài dạy cho chúng ta chánh niệm hơi thở, gom vào trong chánh niệm hơi thở, mang trí tuệ và lòng từ bi đổ tràn đầy vào góc mù của kiến thức để rồi làm cho cái nhìn của chúng ta thăng bằng, trở lại bình thường và tiếp tục chánh niệm trong trí tuệ – từ bi để có một cái nhìn phi thường vượt xa khỏi mọi giới hạn của tầm nhìn để không bị dính vào cái nhìn khinh thường nữa. Để từ đó không gây mù kiến thức, nó xóa tan cái mù kiến thức, nó xóa tan đi cái mù của niềm tin, nó xóa tan đi cái mù của cảm xúc, nó xóa tan đi cái mù của suy nghĩ, làm cho chúng ta càng ngày càng hết khổ, hết sầu, đoạn diệt được phiền não, tăng trưởng được yêu thương.

Chúng ta nhớ trong cuộc sống, ta thường bị chính bản thân mình đánh lừa, ta thường bị chính cái mù kiến thức của mình đánh lừa. Có câu chuyện kể có một ông đại phú luôn luôn thích mặc bộ quần áo mới, mà Tết rồi, sắp sửa rồi, các bạn cũng sẽ mặc áo mới đó. Ông này thích mặc quần áo mới thôi. Ông ta là đại phú giàu, gia nhân nhiều, người làm việc nhiều lắm. Một hôm có hai người thợ dệt tới mới nói như vầy, họ biết cách dệt một cái áo thật mới và thật đẹp, cái áo này khi mặc vào rồi, thì những người gian trá, những người mù kiến thức, những người có con mắt khinh thường, những người hay làm sai, những người thiếu trách nhiệm, những người gian dối, họ sẽ không nhìn thấy, chỉ có người chân thật mới nhìn thấy chiếc áo này mà thôi. Và hai người thợ đó mới đặt cái khung cửi rồi dệt, dệt nhưng không có chỉ, không có tơ, không có gì hết.

Ông đại phú này thấy cũng kỳ cục, không thấy cái gì mà sao họ cứ dệt. Nhưng họ nói là họ dệt cái áo như kia rồi, nếu mình không nhìn thấy mình nói mình không nhìn thấy thì mình chứng tỏ rằng là mình thiếu kiến thức, mình mù kiến thức, mình thường khinh thường, mình không có trách nhiệm, mình thường gian trá, mình ngu dốt, mình lừa lọc, mình đủ thứ tội lỗi hết. Nên sợ quá, cũng phải thể hiện rằng ta đã nhìn thấy. Thì người đại phú này kêu mọi gia nhân, mọi người giúp việc tới, thì ai cũng sợ nói không nhìn thấy gì thì sẽ bị khinh thường và sẽ bị bộc lộ tánh tham, sân, ngu dốt của mình, gian ác của mình, lầm chấp của mình, nên ai, từng người từng người cũng đều nói: “Ui cha, áo đẹp quá, vải đẹp quá!”.

Và đến thời hai người thợ dệt này may áo đó, cởi áo của ông chủ ra và mặc lên đàng hoàng lắm, y như thật vậy. Ông chủ hãnh diện, bởi vì cởi tất cả ra rồi mặc vào cái áo mới, mà cái áo mới này là cái áo những kẻ gian trá, những kẻ ngu dốt, những kẻ lừa lọc, những người không có trách nhiệm, tội lỗi, những cái xấu xấu, những người nào xấu đều không nhìn thấy, chỉ có người tốt mới nhìn thấy mà thôi. Và rồi ông ta hỏi, mọi người đều nhìn thấy, ở trong nhà ai cũng nhìn thấy, ông ta hãnh diện với cái áo mới này. Bởi khi lột hết quần áo ra, mặc áo mới này vô ông thích mà. Ông ta đi phố, ông ta là trưởng giả giàu có mà có quyền lực nữa, đi ra phố ai cũng trầm trồ khen, khen áo đó đẹp quá. Bởi ai cũng nói rằng họ thấy, còn không sẽ bị giận dữ, có thể bị quyền lực trù dập, nguy hại, cho nên đều khen hết. Ông ta hãnh diện, ông ta đi khắp thôn xóm để khoe.

Cuối cùng có một đứa nhỏ nhìn thấy nó cười, nó nói: “Ôi trời ơi! Sao ông lại cởi truồng đi ra đường thế kia?”. Ông ta hết hồn chạy về nhà che kín và nhận ra thực sự mình cởi truồng. Cái áo mà hai người thợ dệt kia không có, nhưng vì người ta đã nói khi cái vải này dệt ra may vào rồi, những người phản bội, những người ngu dốt, mù kiến thức, gian ác, tội lỗi, những người xấu sẽ không nhìn thấy nên không ai dám thể hiện tánh xấu đó, chỉ có đứa trẻ trong trắng, nó chẳng sợ người ta nói nó như thế nào, nó nói với điều nó có thể nhìn thấy bởi tâm nó thanh tịnh!

Chúng ta có hai người thợ dệt ở trong người. Các bạn! Đó là tâm tham và tâm si, nó mang cái ảo tưởng của hư không trong tưởng thức, nó thêu dệt mọi chuyện để nó khoác vào cuộc đời của chúng ta rồi chúng ta đi ra ngoài khoe mà chẳng thấy rằng chúng ta thật là trần trụi với kiến thức, với trải nghiệm, với cảm xúc. May mắn lắm mới gặp được một đứa trẻ thơ với đôi mắt thanh tịnh của thiện thần, với lời nói ngay thẳng và dễ thương, mới chỉ cho chúng ta thấy được sự trần truồng kiến thức, trải nghiệm và cảm xúc của chúng ta đã được thêu dệt bởi tâm tham và tâm si, đào bới trong ảo giác, ảo tưởng làm nên cuộc đời của chính mình. Và các bạn biết không, hai anh thợ dệt của tâm tham, tâm si này cũng chính là anh thợ nhà báo. Hai nhà báo làm loạn thông tin trong tâm của các bạn, chứ còn thể loại loạn thông tin ở những bức tường mạng xã hội kia, bạn không cần nhìn nữa là ok. Nhưng loạn thông tin chính trong tâm tham và tâm si, đào bới trong ảo tưởng thêu dệt, để dệt nên một cái áo, để may nên một cái áo trần trụi, chẳng có kiến thức, chẳng có trải nghiệm cao quý, chẳng có cảm xúc yêu thương. Vậy mà cứ khoác lên, đắm chìm ở trong đó, thích xỉa xói người khác. Mà nói ở đời người ta gọi là thích dạy đời, bởi luôn luôn nói rằng dựa trên kiến thức, cái giác ngộ, ý thức, trải nghiệm và cảm xúc của mình là đúng.

Ở trên đời, kiến thức, trải nghiệm và cảm xúc của chúng ta dần dần biến thành định kiến và định kiến đó luôn luôn đúng. Định kiến của ta luôn luôn đúng với chính ta! Sự tự hào quá đáng về định kiến của mình càng làm cho chúng ta mù kiến thức, tăng thêm góc mù lớn hơn, lớn hơn. Góc mở thì không phát triển được để sống giao thoa hài hòa với mọi người, góc khuất thì lại giấu, làm cho ức chế, lãnh cảm, tự kỷ, góc mù thì bành trướng lớn lên, còn góc ẩn tức là sự ẩn tàng, bí ẩn mà ta không thấy, người không thấy nơi ta, ta không khám phá, trinh thám để tìm được, mang nó ra ứng dụng trong đời người.

Chúng ta càng ngày đã làm cho mình mù kiến thức hơn, sai mà không biết, trần trụi mà không hay, chạy ra đường khoe ta có áo mới, nhưng thực ra hai anh thợ dệt của tâm tham, tâm si đã lừa gạt chúng ta, mang cái ảo giác, ảo tưởng trong tưởng thức đắp lên toàn bộ kiến thức, định kiến, trải nghiệm và cảm xúc của chúng ta. Nhưng ta không biết, ta đã mù kiến thức! Và hai nhà báo của tâm tham, tâm si này đã làm loạn thông tin trong tâm tưởng của chúng ta mà chúng ta không hề hay biết, để rồi càng ngày chúng ta càng đi sâu vào ngõ cụt.

Hãy trở về với sự tu chánh niệm hơi thở Thiền Mật song tu trí tuệ và từ bi để chúng ta khuếch tán rộng lớn hơn góc ẩn của cuộc đời. Góc ẩn của cuộc đời là tạng mật! Là tạng mật còn tàng ẩn trong ta, người không thấy, ta không thấy, chỉ có Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền mới thấy! Chỉ có người có đôi mắt như thiện thần, trẻ thơ, không vướng mắc, không chấp giữa cái đúng của ta và cái sai của người, kiến thức của ta, kiến thức của người, trải nghiệm của ta và trải nghiệm của người, cảm xúc của ta và cảm xúc của người. Không chấp!

Đúng sai không chấp chẳng dính mắc

Tâm kia tự tại tựa thái không.

 Ta vẫn mang cái có trải nghiệm, kiến thức, cảm xúc của ta để diễn bày, suy diễn cho là cái đúng nhất, chân lý nhất, đánh mất cơ hội tìm ra góc ẩn của cuộc đời, tạng mật của cuộc đời. Ta học về Mật điển là chẳng phải chỉ chấp nhận góc mở hoặc đắm chìm trong góc mù kiến thức hoặc giấu kín trong góc khuất của cuộc đời. Ta học về tạng mật Thiền Mật song tu trí tuệ và từ bi để chiếu soi góc mở cho nó sáng ra, góc khuất cho nó bừng tỉnh, góc mù cho nó không còn một chút tối tăm nào nữa và góc ẩn được khám phá. Chánh niệm hơi thở quán chiếu từ bi và trí tuệ là giúp cho chúng ta không phải phiêu lưu đi tìm một cái không tưởng, mà thực hành một con đường đi sâu vào góc ẩn của cuộc đời tạng mật, nương vào Mật điển tha lực của chư Phật qua thiền trí tuệ và từ bi, giảm tối thiểu cái mù kiến thức qua ngôn ngữ, qua cái nhìn khinh thường, qua ngôn ngữ miệt thị, chê bai, gièm pha, đúng sai, qua những tạo tác đắm chìm trong thủ chấp của định kiến, thì ta sẽ có cơ hội khám phá ra góc ẩn của cuộc đời để có một cái nhìn vượt qua cái nhìn bình thường, xóa tan cái nhìn khinh thường để đạt tới cái nhìn phi thường giải thoát đau khổ và phiền não.

Đây chính là hạnh của vị Bồ Tát Quan Thế Âm! Cần một cái thân gì, Ngài ứng hóa thân thành thân đó. Cần một người mẹ lam lũ, cực khổ trong nhà bếp, đầu tắt mặt tối bươn chải trên đường đời, máu con tim rỉ hết chẳng còn, sức kiệt hơi tàn vẫn mỉm cười thương con. Chỉ vì tình thương con thôi, mà người mẹ đó – hóa thân của Bồ Tát đã lặn lội như con cò ở đồng xa sớm hôm để nuôi con. Ta sẽ nhận ra vị Bồ Tát cao quý của cuộc đời nếu vào trong nhà bếp. Mà người con nào cũng phải trở về với nhà bếp của mình để nhận ra mẹ! Đó là hóa thân của Bồ Tát! Nếu cần một người cha, Bồ Tát hiện ra người cha tần tảo, bôn ba ở ngoài đời để nuôi sống con cái. Và nếu cần bất thứ một cái thân nào thì Bồ Tát Quan Âm đều hiện ra cái thân đó. Chỉ có điều chúng ta mù kiến thức, có con mắt khinh thường, thường nhìn vào mọi góc cạnh của cuộc đời để mất đi niềm tin, cảm xúc và suy nghĩ. Ta mù hết cả bốn thứ: mù kiến thức, mù niềm tin, mù cảm xúc, mù luôn suy nghĩ. Ta không nhận ra Bồ Tát trong đời thường. Chúng ta quá vội vàng khiển trách. Chúng ta khiển trách là bởi vì chúng ta luôn nói rằng có những cái thật vi tế, tâm tham của sự vi tế. Tâm tham vi tế ta không nhìn thấy, tâm si vi tế ta không nhìn thấy, tâm sân vi tế ta không nhìn thấy. Đúng! Chúng ta luôn mang chữ “vi tế” và ám chỉ rằng không ai nhìn thấy tâm tham – sân – si nơi họ. Cho nên họ làm việc quá nhiều, quá nhanh.

Cha mẹ ta làm việc nhiều lắm, cực khổ lắm và quá nhanh để có thời gian đối với con cái, bởi vì cha mẹ thương yêu chúng ta. Ta không có cái nhìn thấy vi tế. Ta thấy rằng cha mẹ không có nhìn thấy cái vi tế của tâm tham, tâm sân, tâm si đó, cứ lo làm lụng không thôi. Nhưng ngược lại, chúng ta thực ra không có cái nhìn tinh tế để nhận ra cái vi tế nhất cử nhất động nơi người có tâm Bồ Tát gọi là tâm hành Bồ Tát hiện thân trong đời thường đang tiếp xúc với chúng ta. Ta vội trách mọi người không nhìn thấy được tâm tham, tâm sân, tâm si vi tế thì chính là ta đã không có cái nhìn tinh tế bằng con mắt phi thường, mà ta đang nhìn bằng con mắt khinh thường nên không thể tận tường, tinh tế, thông cảm, yêu thương, vội vàng trách móc, trách cứ, khiển trách mọi người!

Các bạn! Nếu gọi là vi tế không nhìn thấy, họ không nhìn thấy, người không nhìn thấy, thì ta cần phải tinh tế nhìn thấy. Có phải chăng chính cái mà ta gọi là tham – sân – si vi tế họ không nhìn thấy, thì nơi họ có một cái nhìn tinh tế chẳng cần chúng ta phán xét, khen chê họ chẳng màng, tự tại và thong dong. Bởi họ có cái nhìn tinh tế hơn chính cái chỗ ta bị dính mắc vào cái tham – sân – si vi tế mà luôn nghĩ rằng họ không nhìn ra. Đó gọi là định kiến, đó gọi là mù kiến thức, loạn thông tin do tâm tưởng của ảo tưởng, của ảo giác do tham và si nó hòa trộn màu sắc, dệt thành cái áo. Nhưng thực ra đứa trẻ đã nhìn thấy chúng ta trần trụi trong cuộc đời!

Hãy khiêm tốn trở về trong chánh niệm hơi thở, hãy hít vào thở ra, định tâm trong trí tuệ và từ bi để điều chỉnh con mắt của chúng ta nhìn trở lại một cách bình thường, xóa tan cái nhìn khinh thường đi! Để từ cái bình thường đó, không còn khinh thường, ta nhìn thấy cái phi thường để không bị dính mắc trong những cái vi tế của tham – sân – si. Bởi ta có một cái nhìn tinh tế hơn, nhận diện ra Bồ Tát trong đời thường; Bồ Tát là cha, là mẹ; cha bươn chải ở đời, mẹ tần tảo ở trong bếp lặn ngụp sớm hôm nuôi con. Và ở đời này, trong các ngôi chùa, chúng ta thấy, đôi khi có các vị Sư cô, các vị Thầy như hóa thân của Bồ Tát, tần tảo vừa lo việc đạo, vừa lo xây dựng chùa chiền, vừa lo phát triển nên còng lưng tần tảo trong sự tinh tế nhận diện mọi hành vi bằng sự an nhiên và tự tại. Đời không thấy, nên chỉ nhìn thấy rằng ở nơi đó quá bận rộn rượt đuổi đi theo. Bởi họ chỉ nhìn thấy cái vi tế tâm tham – sân – si mà thiếu cái nhìn tinh tế của Bồ Tát hạnh.

Trong cuộc đời cũng như vậy, ta nhìn thấy biết bao nhiêu người bạn bằng hữu, những bạn đồng tu, thấy cha thấy mẹ, thấy ông thấy bà, người thân, có cái nhìn tinh tế vượt xa cái nhìn khinh thường, cái nhìn bình thường, cái nhìn tinh tế đó là cái nhìn phi thường của người tịch tĩnh tu hạnh Bồ Tát. Chẳng khoác trên người chiếc áo ảo tưởng của hai người thợ dệt tâm tham và tâm si mà khoác lên người cái tâm chân thật, sống chân thật, hạnh chân thật cao quý! Trở về hơi thở chánh niệm thiền từ bi – trí tuệ giúp cho chúng ta khám phá được góc ẩn trong cuộc đời để sống chân thật, phát huy được khả năng phi thường, vượt qua cái nhìn tầm thường của con người để không dính mắc vào cái nhìn khinh thường. Chữa trị mù kiến thức và làm giảm loạn thông tin là mỗi người chúng ta cần phải trở về với chánh niệm hơi thở của từ bi và trí tuệ!

Các bạn, chúng ta hãy cùng nhau đặt bàn tay phải vào tay trái để chữa mù kiến thức và làm giảm loạn thông tin nơi tự thân của chúng ta!

Thưa Phật! Chúng con đã dính mắc giữa cái đúng và cái sai, kẹt ở trong cái vi tế nhưng chẳng phát triển được trong sự tinh tế của Bồ Tát hạnh cái nhìn viên thông không chướng ngại. Chúng con chẳng để tâm tham và si thêu dệt lên những chiếc áo khoác lên người để có vẻ đẹp trần trụi, không kiến thức, trải nghiệm và cảm xúc. Chúng con nguyện làm giảm tối thiểu những thông tin loạn của tâm tham và tâm si đang thêu dệt trong tâm tưởng của chúng con. Chúng con nguyện nhìn ra phẩm hạnh Bồ Tát cao cả đồng hành trong cuộc đời nơi cha, nơi mẹ, nơi các bậc xuất gia, các bạn đồng tu, nơi mọi người mà chúng con đang tiếp cận. Chúng con nguyện có ánh mắt tinh tế vượt qua ánh mắt khinh thường và bình thường để thành tựu được ánh mắt phi thường. Phát triển được góc ẩn, tạng mật đang còn ở trong cuộc đời nơi kiếp người này.

Xin chư Phật gia trì Mật điển siêu việt để chúng con phát huy được góc ẩn này, xóa tan đi góc mù kiến thức của tự thân!

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì Mật chú:

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng!

Thưa Phật! Xin Ngài gia trì cho chúng con phá tan điểm mù của kiến thức mà khám phá được góc ẩn, tạng mật của cuộc đời. Sự đồng tu ngày hôm nay nếu tạo ra chút phước báu nào, chúng con nguyện đồng hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn