Search

Bài 2182. Bội Thực Kinh Điển | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Thu Hằng đánh máy, Bảo Phước biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi!

Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và gia trì cho chúng con biết Chánh Niệm hơi thở thiền quán chiếu Từ Bi và Trí Tuệ để thấu rõ các pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Một lòng thành kính nguyện cầu cho quê hương Việt Nam và thế giới mau thoát khỏi cảnh đại dịch. Nguyện cho tất cả mọi Phật tử, các bạn đồng tu tinh tấn tu học, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đọan diệt và thân tâm thường an lạc. Hồi siêu cho chư vị hương linh hướng theo thiện nghiệp nương bóng Từ Ân Đức Tiếp Dẫn Đạo Sư tái sanh cảnh thiện lành.

Mô Phật! Các bạn hãy đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi!

Chúng ta, giây phút này hãy trở về với hơi thở Chánh Niệm, hãy nhìn cho thấu năng lượng Từ Bi ta đón nhận được từ mười phương Chư Phật để thắp sáng Trí Tuệ. Lấy Trí Tuệ ấy làm sự nghiệp giải thoát, lấy năng lượng Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Mật ngôn Mu A Mu Sa giúp chúng ta đón nhận năng lượng Từ Bi thật nhiều, mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang thắp sáng Trí Tuệ để chúng ta nhìn thấu.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

(16:23) Mô Phật! Các bạn! Tuy rất đơn giản, từng hơi thở vào ra trong chánh niệm, trì tụng mật ngôn từ bi để quán chiếu năng lượng từ bi nơi Chư Phật rải xuống cho chúng ta, trì tụng NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang với hơi thở đi ra trong chánh niệm, quán chiếu trí tuệ, sự tỉnh giác của mười phương Chư Phật thể nhập vào cuộc sống của chúng ta. Rất bình thường, chỉ có thế, đơn giản nhưng công hiệu vô cùng bởi Bảo Thành và các bạn, khi chúng ta hội đủ nhân duyên thực tập với một lòng thành kính, ai trong chúng ta cũng đón nhận được thật nhiều năng lượng vào thân tâm. Năng lượng siêu thế, năng lượng tinh khiết từ các bậc giác ngộ, các chư vị Bồ Tát, Thánh Hiền luôn gắn kết với chúng ta qua từng hơi thở của Thiền Mật song tu. Ai ai nếu đã thực tập một thời gian qua hoặc mới chỉ bắt đầu bây giờ với cái tâm trong sáng và thanh tịnh, thành kính, nhất định chúng ta đều lãnh nhận được năng lượng đó một cách bình đẳng, đồng đều, không hơn không kém. Chúng ta tu là hòa mình vào với nguồn thể tánh thanh tịnh, năng lượng vi diệu của Chư Phật như nguồn tha lực để hỗ trợ cho sự tự lực tinh tấn hàng ngày đồng tu tăng trưởng một cách bền vững và vững chắc, vững chãi trong mọi chiều hướng thử thách nghịch thuận tới với chúng ta trong cuộc đời.

Bảo Thành luôn sách tấn bản thân và khuyến khích mọi người chúng ta hãy cố gắng đồng tu, đặc biệt trong thời kỳ của kỷ nguyên mở rộng, không phải là 4. (bốn chấm) mà thật là nhiều chấm, nhiều chấm phá trong cuộc đời mới về khoa học, dẫn đưa con người lao đầu vào như cung tên mà chẳng thấy mục đích cần phải bắn trúng. Vậy cứ trượt hoài và trượt dài trên những kiến thức người ta sáng tạo ra và người ta mượn kiến thức sáng tạo ra đó để kích thích lòng ham muốn của mọi người. Từ đó, như những nhà thương gia phát triển để kiếm tiền, còn chúng ta lao theo, tổn sức, hao trí, mất thời gian, bởi biết bao nhiêu kiến thức khoa học phát triển đó, ta như phong trào, rượt đuổi để tìm kiếm mà chẳng thể có thời gian cho mình nghiên cứu, ứng dụng vào cuộc đời. Có chăng, cũng chỉ là một chút xíu, nhưng nhất định là phải có, phải có cái sản phẩm mới của khoa học!

Một ví dụ thật là rõ, vào mỗi một năm các hãng phone (điện thoại) đều sản xuất phone mới. Ai trong chúng ta cũng thích những cái phone mới. Chúng ta chơi theo kiểu, theo mốt xa hoa, tốn tiền, mua những cái phone hiện đại mỗi một năm. Nhưng thực tế trong cuộc sống, những cái phone đó, sự ứng dụng của những phần mềm, phần cứng của cái phone, chúng ta nào có ứng dụng được là bao. Có chăng cũng chỉ là gọi phone, nhắn tin hoặc là lướt, phượt trên những trang mạng. Còn những ứng dụng trong cái phone được chế tạo ra, mấy ai trong chúng ta có thể sử dụng một cách tinh tường, phù hợp? Không! Vậy mà vẫn uổng phí thời gian, tiền bạc, công sức, hóng và ngóng cho tới lúc phone ra là tốn tiền, bỏ mua cho bằng được.

Điều này có thể gắn kết với chủ đề của ngày hôm nay như một cái phong trào: “Bội Thực Kinh Điển”. Khi nói đến kinh điển của nhà Phật và kinh điển của các tôn giáo được lưu lại cho hậu thế ngày hôm nay, chúng ta phải một lòng thành kính đê đầu đón nhận kinh điển ấy. Bởi là những giáo lý của sự giác ngộ nơi các đấng đã thực hành trong cuộc đời, liễu thông và hiểu được cái quy luật sống làm sao cho hết khổ, làm sao cho thoát khổ và thành tựu được hạnh phúc bình an. Thật là đáng quý nếu như chúng ta có được trong tay những cuốn kinh điển của Phật, của các tôn giáo mình theo!

Các bạn nhớ, thuở xưa, chưa có chữ viết thật là khổ! Người ta phải tụng đi tức là lập đi lập lại thật nhiều để nhớ kinh điển Phật, vậy mà cứ thiếu chữ này lộn qua chữ kia, tam sao thất bổn. Cho đến thời kỳ in ấn được sách, trong thời xưa dù có kinh có sách mà thật khó bởi phương tiện in ấn rất thô sơ, vậy nên các chư tổ mới khuyến khích chúng ta là chép kinh. Có mấy ai biết được con chữ để chép lời kinh khi thuộc xuống đâu?! Sau này những người có học, biết được chữ, thì các chư tổ khuyến khích họ chép kinh để tạo phước. Ý mong rằng kinh họ chép có thể tới với ai đó, họ đọc qua, họ hiểu và họ thực hành mang lại lợi lạc trong cuộc sống. Thế nhưng người biết chữ chép đó, khi tới tay, thì có mấy ai biết đọc chữ thời đó đâu?! Chữ viết và người đọc rất khó thời xưa; tìm được một người thông thạo viết chữ và tìm được người đọc chữ để hiểu lại càng khó hơn.

Vậy nên thời xưa, lời kinh tiếng kệ của Phật mà được tới với ai, đó là một phước báu nhân duyên vô lượng và người ta đón nhận với một lòng thành kính nghiên cứu, hiểu và ứng dụng vào đời sống y như Phật nói dù có thuộc, dù có thông thạo, dù có cả một tàng kinh các nhưng không hiểu, không ứng dụng, thì chi bằng chỉ một chữ của Phật nói ra, một lời của Phật nói ra, nghe, thấu hiểu được, ứng dụng thì đã thành Phật rồi. Và cứ như vậy chúng ta thấy, người xưa trân quý kinh và các thầy tổ xưa đôi khi ở trong chùa không có nhiều tủ sách chứa đựng kinh, bởi có kinh sách đâu. Rồi sự lưu truyền của thầy tổ xuống đệ tử cứ như vậy chân truyền một vài đoạn kinh. Nhưng người xưa thực tập! Thực tập để chuyển hóa nghiệp thức, dừng hành những bất thiện nghiệp, tăng trưởng thiện nghiệp, thanh tịnh hóa thân tâm. Tu một chữ, một câu mà cầu đạo giải thoát, đi đến sự giải thoát. Tu một chữ, một câu mà luôn luôn đốn ngộ được mọi sự trong cuộc đời. Nhẹ nhàng phong thái lắm!

Những gian phòng của bậc tổ thời xưa hay những nơi trú ẩn, thường trú chẳng gọi là chùa cao mái cong, mà những nơi rất thô sơ. Nơi ấy chẳng trang bày những kinh sách thật nhiều để nói rằng đã đọc được nhiều kinh. Đôi khi bước vào phòng nơi trú xứ của các vị, ta thấy nó trống rỗng. Nhưng cái đầu của các ngài không bao giờ rỗng, đầy hết mọi kiến thức nhưng vẫn nhẹ nhàng thanh cao bởi chẳng dính mắc trong cái vốn kiến thức kinh điển các ngài đã thọ được, học được.

Cho tới ngày hôm nay tại sao gọi bội thực kinh điển? Vì máy móc in ấn, rồi chúng ta đọc kinh thậm chí đến mức mà lười không cần phải mua sách, mua kinh; hồi xưa còn phải thỉnh kinh thỉnh sách, ngày nay không cần nữa, bởi các vị hoằng pháp ở trong Tăng đoàn đã đưa lên các bức tường mạng, thậm chí còn đọc cho chúng ta nghe, giảng cho chúng ta nghe tận tai. Kinh sách bây giờ chỉ cần một cái phone là có đủ hết. Chúng ta bội thực kinh điển là bởi vì chúng ta coi kinh điển như một cái nhu cầu. Bởi vớ được cái công thức tuyệt diệu của Phật, gom vào, tích vào cho thật nhiều để có thể thành được những điều này, có được những điều này hoặc đạt được những mơ ước phục vụ cho đời sống của con người.

Ngày nay chúng ta tới chơi nhà bạn bè, đối với các bạn học Phật, đôi khi chúng ta thấy, họ có những kệ sách đầy kinh hết. Hoặc chúng ta tới các chùa chiền ngày nay, tới những thư viện kinh tràn đầy kinh hết. Ở trên phone chúng ta đi tìm kiếm một kinh gì cũng đầy hết. Đây là một điều đáng quý, trân trọng trong cái thời mà kinh được ấn tống thật rõ do cả một đoàn các bậc luật sư, hòa thượng, tiến sĩ Phật học thông thái, ngồi lại với nhau, đúc kết và ứng dụng một thể loại ngôn ngữ hiện đại dễ hiểu, để truyền tải cái ý bậc giác ngộ xuống cho ngày hôm nay. Chúng ta có phước vô cùng khi nhìn thấy kinh điển và kinh sách ở mọi nơi, mọi lúc và mọi chỗ!

Ngày xưa không có điều này! Chúng ta, dù là thời này ít ai đi sâu vào lời hướng dẫn của Phật để ứng dụng thành tựu. Nhưng về mặt bên ngoài thì kinh điển lúc nào cũng sẵn sàng ở đó trên cái vũ trụ mênh mông, chỉ cần đưa xuống cái phone là có thể đọc để nghe. Chúng ta không cần phải đi tìm ở chỗ nào nữa, mà các bậc thiện tri thức, các bậc hòa thượng, các chư vị tiến sĩ Phật học, những bậc cao học, những bậc đạo học đã phiên dịch thật rõ ràng, chi tiết, tỉ mỉ, kết tập bằng cả một tập thể Tăng thống, thậm chí đôi khi cả 500 người, 500 vị, đông lắm. Thời Đức Phật kết tập kinh đến 500 vị. Thời nay hiện đại, kết tập và suy diễn bằng ngôn ngữ của từng quốc gia một cách rất cẩn trọng và rõ ràng, để mang lời Phật trong sáng hơn, dễ ứng dụng hơn. Chúng ta đọc được, học được là một phước báu! Tuy nhiên chúng ta đối xử với kinh điển của Phật ngày nay không còn với cái tâm ý đào sâu để thực hành, ứng dụng để thành tựu, mà chúng ta đối xử với kinh điển của Phật như một vật trang trí ở trong nhà đến hỗn độn, đến cồng kềnh, đến quá dư, quá đầy, cảm thấy chật chội.

Trong ăn uống ăn nhiều quá bị bội thực, không ăn được nửa, sinh bệnh. Trong kinh điển ngày nay có một số bạn trẻ hỏi Bảo Thành kinh bây giờ quá nhiều, bắt đầu học Phật, không biết từ kinh nào? Lên trên mạng bấm kinh gì cũng đầy hết, lý giải kinh thì nhiều lắm, các nhà sách bán đầy đủ các kinh, dày có, mỏng có, diễn giải sâu có, nhẹ nhàng có. Và những người bắt đầu học Phật và đặc biệt là những người đầu tiên học Phật là Phật tử tại gia, thấy lúng túng. Bởi Đức Phật sống ở trần gian này đến 80 tuổi, mà giảng kinh trong 45 năm trời liên tục không ngừng nghỉ. Lời Ngài giảng thật là nhiều và sự hướng dẫn, dạy dỗ của Ngài cũng thật là nhiều. Trong từng giai đoạn, từng giai đoạn phát triển của Phật giáo, Đức Phật giảng quá nhiều!

Các bạn trẻ đặc biệt đọc những ngôn ngữ thời xưa, mặc dù đã được phiên dịch đơn giản hóa theo ngôn ngữ hiện tại, nhưng đọc cũng thật là khó thẩm nhập. Và cứ như vậy, kinh sách của nhà Phật quá nhiều cho những người mới bắt đầu học Phật, đặc biệt là Phật tử tại gia. Bảo Thành rất quan tâm đến những người mới bước vào ngưỡng cửa của Phật học và các Phật tử tại gia hay các Phật tử lao động cực khổ trong cuộc sống hiện tại. Một mặt phải lao động đến 06, 07 ngày một tuần, một mặt phải lo cho chồng, cho vợ, con cái. Cuộc sống hiện tại là như thế, và nếu có chút thời gian nghiên cứu về Phật học thì quá nhiều! Nhìn vô thấy chóng mặt!

Các bậc tôn túc giảng thật nhiều ý nghĩa và lý thú cao sâu. Nhưng nghe rồi khó có thể mang vào hòa trộn vào cái thực tại của cuộc sống để ứng dụng được. Bởi tất cả những lời đó đều khuyên con người phải bỏ hết, bỏ hết, bỏ hết, buông hết, buông hết, buông hết. Cho nên các bạn nói: “Với cái hoàn cảnh như vậy, thì mọi kinh Phật và lời giảng quá dư, quá nhiều, khó ứng dụng vào đời sống thực sự!”.

Các bạn có thấy không, nếu bạn đọc kinh, kinh nhà Phật, nhiều kinh lắm và kinh nào cũng có câu kết: “Đây là đệ nhất kinh”, “Kinh hay nhất”, “Kinh đưa đến sự giải thoát”, “Kinh đặc biệt nhất”. Cuốn nào cũng có những lời kết như vậy như một sự tiếp thị quá khéo, để rồi chúng ta lúng túng bởi giữa kinh với kinh, kinh nào cũng nhất, không biết phải chọn cái kinh nhất nào để mà tu tập. Giữa các pháp môn với pháp môn cũng như thế! Mà Phật tử tại gia thì đơn giản thôi, học Phật là để làm sao chuyển hóa đời sống của gia đình cho hạnh phúc, cho vợ chồng có thể thương yêu nhau, gắn kết cho con cái có thể nghe, học hành đàng hoàng, cho cái xã hội nhỏ trong gia đình được hạnh phúc và bình an. Ít nhất là cái ý tưởng làm người được rất bình thường: cơm no áo ấm, tinh thần thì lành mạnh, trí tuệ thì sáng, kiến thức có đủ; đó là ước muốn rất bình thường của con người, đặc biệt là Phật tử tại gia. Nhưng kinh quá nhiều, rồi làm sao các bạn có thể ứng dụng và rồi đi tới đâu cũng thấy bạn này bạn kia nói về pháp môn này pháp môn kia, kinh này kinh kia, nói riết bị bội thực kinh điển. Rồi chúng ta chạy đuổi, rượt đuổi, tìm kiếm kinh của Phật như thứ trang sức ở bên ngoài, để che lấp hoặc để có được một lá chắn về một tôn giáo làm cho bạn một phần gợi được sự hứng thú trong cuộc sống. Như tượng đất mà dát vàng, như xi măng mà dát vàng!

Ngày nay các bạn có thấy không, nhiều tòa nhà của những người nổi tiếng giàu có, họ không chấp nhận những kiến trúc bình thường nữa. Mà họ phải dát vàng cho đầy hết. Dù họ có dát vàng 24 đầy, thì cũng chỉ là những lá vàng mỏng dát ở bên ngoài. Nhìn vô cái nhà toàn là vàng không, nhưng thực tế không là bao! Ông bà mình ngày xưa vô nhà không thấy có vàng bởi đâu có dát vàng. Cái nóc nhà thì toàn là bằng lá cây tức là lá tre, lá dừa hoặc là bằng lá tranh, cọ, rơm, tường tre vách đất, nền đất nhẹ nhàng, không thấy vàng. Nhưng khi các ngài mất đi rồi, vẫn để lại một khối tài sản vàng cây, vàng ròng, vàng ký cho con cháu như cái vốn để bước vào cuộc đời. Bởi ông bà mình cất sâu ở bên trong và ứng dụng vào đời sống. Ngày nay dát ở bên ngoài khoe khoang nhưng chẳng chẳng có là bao. Kinh ngày xưa dù một chữ, các bậc cao nhân, thiện đức ngày xưa học, chẳng ai biết các vị đó học cái gì. Nhưng nhìn vào đời sống của các vị ấy, chúng ta thấy có cả một cái gia tài mà ngày sau con cháu, thế hệ sau có thể thừa hưởng cái gia tài nơi công đức, nơi công hạnh, nơi đức độ thân giáo của vị đấy!

“Có đức mặc sức mà ăn!”, dòng biển đức người xưa vẫn tuôn chảy mãi, dòng biển đức của người xưa, thánh hiền, của cha mẹ, ông bà vẫn tuôn chảy mãi, để cho chúng ta tận hưởng được cuộc sống bình an ngày hôm nay. Dù trong cuộc sống của ông bà, cha mẹ, cửu huyền thất tổ, các bậc trưởng thượng, tôn túc xưa, thật là đơn giản, không có khệ nệ kinh sách quá nhiều. Bởi các ngài đặt ở bên trong cuộc đời thân giáo. Nên khi các ngài đã ra đi, không còn nơi kiếp người này, thì biến thành biển đức – một cái biển rộng lớn mênh mông vô tận chứa đầy đức độ gọi là biển đức của người xưa. Còn ngày nay chúng ta nông cạn, cạn cợt, hời hợt, trang điểm dát vàng, thêu hoa thêu gấm nhưng chỉ là hình thức bên ngoài!

Kinh điển của nhà Phật ngày nay đã trở thành một điều gì đó như là để trang sức cho người ta thấy rằng ta là Phật tử, ta là người học Phật, thậm chí có thật nhiều người có đủ phước báu đọc, nhớ, hiểu nhưng chẳng bao giờ mang ra ứng dụng! Hở miệng là kinh Phật tuôn ra như nước, nói thao thao bất tuyệt nhưng không bao giờ ứng dụng vào đời sống!

Có câu chuyện kể rằng có một người luôn luôn mua những hạt giống tích trữ vào, bởi ông ta là trưởng làng, thâu gom hạt giống của dân làng tích trữ, rồi cứ đầu mùa phát cho dân làng đi trồng. Ông ta có một nhà kho đặc biệt lắm, bên cạnh có một anh chàng bủn xỉn, thấy trưởng làng thâu gom các hạt giống vào cuối mùa, thì anh ta cũng bắt chước; bủn xỉn nhưng mà giàu có, có tiền các bạn, mà thích khoe. Anh ta hớt tay trên, mua thật nhiều giống, hạt giống thâu gom vào những vụ cuối mùa trước khi trưởng làng bắt đầu thâu gom. Nhưng anh ta lại không phát ra cho dân vào đầu mùa để trồng. Anh ta giữ như vậy, tích lũy như vậy từ năm này qua năm kia. Và cuối cùng mọt, mối, kiến nó vào ăn hết những hạt giống đó. Và dân làng bị làm sao? Bị thiếu hạt giống trong những vụ mùa đầu, dần dần thiếu lương thực, gây ra nạn đói.

Chúng ta cũng như vậy đấy, như anh chàng bủn xỉn nhưng lại có khả năng tích trữ, tích lũy, thâu gom kinh điển của nhà Phật vào cái kho của phước báu có được trí nhớ, sự hiểu biết. Nhưng chẳng phát ra cho dân chúng vào vụ đầu mùa. Chẳng mang ra ứng dụng cho bản thân để có sự chứng ngộ, chứng đạo, có sự thực chứng mà mang ra trao tặng cho dân chúng, cho những người xung quanh để vào những vụ đầu mùa khi khởi điểm của mưa thuận gió hòa, xuân về đấy, hợp khí hậu, tứ thời bát tiết, gieo trồng, mang lại những kết quả tốt. Mà chúng ta thâu gom để đó như là một con mọt sách và chúng ta đã đánh mất cái ý nghĩa của kinh Phật. Chúng ta trở thành người thâu gom, thâu tóm và tích trữ kinh điển của Phật vào đời sống để trang điểm. Nhưng không mang ra để hành, để ứng dụng.

Vậy nên ngày nay kinh sách nhiều, học kinh nhiều, thuộc kinh nhiều, biết kinh nhiều, nhưng mấy ai trong chúng ta lại có thể chứng được sự an lạc, sự bình an, sự tự tại? Mấy ai trong chúng ta có thể chuyển hóa cái tâm và vận hành cái tâm để thoát khỏi tham – sân – si, không tạo ra khổ nữa đâu? Càng nhiều kinh điển, càng đọc nhiều càng nghe nhiều, càng bực bội càng khó chịu và có một cái càng thật là to hơn con cua đi kẹp người ta nữa trong những sự tranh luận. Bởi ta biết được kinh, ta lý luận, ta bắt bẻ, đi đến phù phiếm, tranh cãi hơn thua giữa tông phái với tông phái, giữa kinh này với kinh kia. Ngày nay chuyện đó có thật nhiều, và các bạn Phật tử tại gia của chúng ta thật khó lựa chọn một con đường tu!

Thiền Mật song tu không đi diễn giải thật sâu cái ý nghĩa của nhiều kinh kệ bởi quá nhiều. Ngoại trừ các bạn xuất gia sau này cần phải học hỏi thực sự về từng giai đoạn phát triển của Phật giáo trong cuộc đời 45 năm trời Đức Phật giảng kinh để chúng ta hiểu, chúng ta biết và thực hành miên mật từ từ để thông được những lời thực chứng của Đức Phật diễn giải, truyền lại cho chúng ta. Còn Phật tử tại gia ngày nay bận rộn vô cùng, chúng ta chỉ cần trải nghiệm được hạnh phúc và bình an nơi gia đình; đó là nền tảng cần phải có, rất cần phải có để xây dựng một gia đình hạnh phúc, một thế giới hòa bình. Đơn giản như vậy!

Và để cho các Phật tử tại gia có thể thành tựu được sự hạnh phúc, kính trọng, thương mến nhau, yêu nhau một cách chân thành bằng tinh thần hỷ xả của nhà Phật giữa đời sống của vợ chồng, con cái, đối nhân xử thế với ông bà, cha mẹ, đấng bậc sinh thành và những người chung quanh, chúng ta lấy cái gốc làm đầu. Khi cái gốc đã được găm xuống, hạt giống đã được trồng xuống phát triển thành cây, rồi nó có cành, có lá, nó trở thành cây cổ thụ, nó có những cái tàng che nắng. Nó đâm bông kết trái, đó là sự dĩ nhiên, nhưng thiếu cái gốc thì chẳng khác nào xây lầu 03 mà không có nền móng.

Các bạn đã nghe về câu chuyện xây nhà rồi. Người ta chỉ bắt chước sự hào nhoáng nhưng không đủ thời gian và sự học để xây dựng cái nền tảng vững chắc. Cho nên họ bỏ qua giai đoạn của cái nền móng trong Phật học, họ mang kinh chất đống lên thành lầu 03, lầu 04, một cơn gió thật nhỏ thổi qua, nó sập, nó đổ xuống. Xây nhà mà không xây nền móng, không xây tầng 01, tầng 02, tầng 03, chỉ xây tầng ở trên chót vót thôi, nó xiêu xiêu vẹo vẹo nó đổ, không ai dám ở. Và làm sao chúng ta dám thực tập kinh điển khi người ta cứ diễn những cái kinh quá cao quá siêu, cái kinh mà vào Niết Bàn, cái kinh mà thần thông tự tại, cái kinh mà trời ơi chúng ta đọc đó thấy thật là dữ dằn, mấy ai thực tập được?

Thôi, hãy ngồi xuống, hãy ngồi xuống và khiêm tốn, hãy thực tế với chính mình, như Đức Phật đi qua từng cái cửa, từng ô cửa của những túp lều nhỏ nơi chúng sanh xưa cư ngụ từ những làng mạc thô sơ, chơn chất, tự nhiên. Và rải tới nơi đó những mầm mống yêu thương năng lượng từ bi đặt để những câu chữ ngắn gọn để những người sống trong những túp lều xưa ấy, 2500 mấy chục năm trước đấy, được truyền trao một chữ, một câu họ thực hành mà thoát khổ, an vui! Và hôm nay trong Thiền Mật song tu, chúng ta cũng học chỉ có hai vế của hai câu kinh, một là từ bi, hai là trí tuệ.

Các bạn! Từ bi là khởi nguồn để cho dòng biển đức vô thượng từ Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền có thể tuôn tràn vào đời sống của chúng ta. Từ bi là một phương tiện thiện xảo để khơi nguồn biển đức. Chúng ta đứng ngay cái cửa biển đức đó đón nhận ân tứ tha lực năng lượng tình yêu trí tuệ của Chư Phật tràn đầy vào cuộc đời, vào ruộng phước của cuộc đời chúng ta, khi chúng ta biết tu từ bi bằng tâm thiện. Không miên man vào kinh! Từ bi là biết thương yêu mọi người và san sẻ mọi nỗi khổ. Đơn giản! Và lấy cái tâm thiện lành của chúng ta; thiện, đi ngay về thẳng, làm việc cho ngay, nói cho ngay, nghĩ cho ngay, hành động cho ngay, ngay thẳng đó là thiện.

Và nếu trong đời sống của vợ chồng, chúng ta nói ngay nói thẳng, nói bằng tâm thiện và đối xử với nhau y như vậy thì tình nghĩa vợ chồng không bao giờ có sự xích mích. Nếu trong sự đối xử với con cái, với bạn bè, với các đấng sinh thành nên ta, chúng ta đều kính trọng và nói những lời ngay thẳng, chân thật, từ bi, yêu thương và san sẻ thì nơi đó hòa bình, thái bình. Và sự đối xử đó chính là cái mồi của trí tuệ được thắp xuống bởi Chư Phật NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Để chúng ta thắp ngọn đuốc trí tuệ vào cái bình từ bi yêu thương này, cầm sẵn trước mặt, đi vào cuộc đời, soi sáng cho ta và soi sáng cho muôn người biết đối xử với nhau bằng tâm thiện.

Thiện từ suy nghĩ, thiện từ ngôn ngữ đối ứng với nhau, thiện từ hành động thân – ngữ – ý. Từ ba cái thân – ngữ – ý đó, chỉ một chữ “thiện”, ứng dụng cho rõ để khơi nguồn từ bi, nguồn biển đức của Như Lai, của Bồ Tát, Thánh Hiền. Để thắp sáng tuệ giác của bậc giác ngộ vào chính cuộc đời thân giáo của chúng ta, nghĩa là chính cuộc sống của chúng ta là kinh, là biển đức, là trí tuệ, là từ bi chứ không cần đóng kệ, mua kinh, in kinh hoặc bật máy kinh điển rần rần cả ngày. Mà kinh điển đó phải như nước, để hạt giống có thể thấm nước, thể nhập vào với nhau. Để mầm mống của sự sống chân thật qua lời dạy của Phật, chúng ta nhận diện và sống phù hợp với những quy luật của vũ trụ, của thiên nhiên, của hiện thực đời sống trong muôn hình vạn trạng của thế giới này. Không phải học để biết như thợ hồ, để trộn xi măng với cát, rồi xây những bức tường kín, che chắn mọi thứ, nhốt mình bên trong hoặc như họa sĩ pha trộn nhiều màu sắc, vẽ màu lung tung, chẳng biết là sao. Chúng ta phải đơn giản hóa, tìm về cái gốc của đạo Phật đó là thiện. Trong nhân quả thiện ác, bỏ ác hành thiện.

Thiền Mật song tu rất cần cho đời sống của các Phật tử! Khi đi, khi đứng, khi nằm, khi ngồi, khi lao động, chúng ta thể nhập vào chánh niệm hơi thở, nhắc nhở bản thân nghĩ cho thiện, nói cho thiện, hành động cho thiện, nghĩ cho ngay, nói cho ngay, hành động cho ngay. Thiện và ngay thẳng trong mọi sự đối ứng, suy nghĩ và ngôn ngữ tương tác với đấng bậc sinh thành, với vợ chồng, gia đình, với xã hội, thì chính là chúng ta đã mang kinh điển, giáo lý của nhà Phật ươm mầm trong cái vườn cuộc sống này gọi là phước điền, ruộng phước điền là cuộc đời của chúng ta đó và tưới tẩm vào đó năng lượng từ bi Mu A Mu Sa và chiếu sáng trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Thì chủng tử thiện lành và ngay thẳng của chúng ta từ tư tưởng, lời nói và ngôn ngữ sẽ mọc lên và trổ hoa nơi đời sống của mỗi người chúng ta tương tác với. Gia đình ta sẽ hạnh phúc thôi!

Làm được điều đó mới là bước khởi đầu nền tảng vững chãi cho kinh điển của Phật được đọc, được học và ứng dụng rộng rãi hơn, có chiều sâu hơn. Nhưng nếu thiếu cái nền tảng đó, thì toàn bộ Tam Tạng Đại Kinh, Liễu Nghĩa Đại Thừa, dù là kinh Nguyên Thủy Nikaya, những tạng kinh đó hay là tạng kinh Đại Thừa đi nữa, có in, có ấn, có thâu, có làm băng, làm dĩa, thì cũng chỉ là những vật trang trí mà thôi. Kinh sách của Phật mà không được học, không được hiểu thấu để ứng dụng vào, thì như hạt giống treo giữa hư không chẳng bao giờ, như hạt giống treo giữa hư không chẳng bao giờ có cơ hội nảy mầm và để lâu nó thối, nó hư. Kinh sách trang trí riết mọt nó ăn, nó hư hết, đâm ra phỉ báng những lời của Phật. Chúng ta chỉ tích góp, tích trữ, ôm ấp, thâu gom để rồi phô trương, khoe, nhưng thực tế không ứng dụng.

Nếu bạn thực sự đã ứng dụng thì bạn phải có sự trải nghiệm hạnh phúc và bình an ngay từ gia đình. Nếu bạn thực sự ứng dụng thì tình nghĩa giữa vợ chồng, con cái, gia đình và những người thân phải luôn luôn bình an và hạnh phúc! Bạn không ứng dụng! Bạn thâu gom, tích trữ kinh điển quá nhiều, đi đến bội thực kinh điển. Rồi đi đâu cũng ói mửa ra những kinh điển của nhà Phật, làm cho những người khác hoặc những bạn khác tôn giáo cảm thấy khó chịu. Ngồi đâu cũng nói kinh được. Nói riết, nói kinh riết đi đến làm kinh thiên động địa tâm thức của người khác, làm cho người ta kinh sợ.

Ông bà cha mẹ mình, các bậc tổ xưa đi tới đâu giữ sự tĩnh lặng, chẳng bao giờ nói một lời kinh của Phật. Nhưng từng bước chân, từng tạo tác, từng lời nói, nó tỏa hương đức hạnh từ kinh Chư Phật đã được ứng dụng thực tế, đi đến sự chứng ngộ, chứng giác. Cho nên các ngài là hương hoa biển đức của lời kinh tiếng kệ đã thẩm nhập vào trong đời sống của các ngài. Gần gũi các ngài, ta có được sự bình an. Và ngày nay chúng ta gần gũi với những người học kinh học kệ, chúng ta nhức đầu, bởi họ phân tích, họ nói, họ tranh luận, họ đấu đá, họ phân pháp môn này pháp môn kia cao thấp, hơn thua. Rồi làm cho chúng ta lúng túng, kinh hoàng và làm cho thần kinh của chúng ta rối loạn. Bội thực kinh điển thực sự là có!

Bảo Thành đang nói tới các Phật tử tại gia, đang nói tới các nhóm bạn bận rộn, lao động 05, 06 ngày một tuần cực khổ từ sáng đến tối, chỉ mong sao gia đình hạnh phúc, vợ chồng kính trọng, tương ân tương ái, giúp đỡ vượt qua khó khăn, để có được một gia đình hạnh phúc và lo cho con cái. Nếu như chúng ta muốn tiếp cận với Phật giáo để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, thì chớ có tích góp, tích trữ, thâu tóm kinh Phật theo phong trào kinh nào cũng đọc, sách nào cũng đọc, kinh nào cũng gom, sách nào cũng gom, pháp hội nào cũng tới, thầy giảng nào cũng nghe, nhưng không ứng dụng được.

Các bậc tôn túc đều luôn nhấn mạnh nhắc nhở cho chúng ta, là lấy chữ “thiện” làm đầu trong cuộc sống, đặc biệt các Phật tử tại gia. Thiện trong tư tưởng, lời nói và hành động, ngay trong tư tưởng, lời nói và hành động, thiện ngay, thiện lành. Và luôn luôn phát triển tâm từ bi và phải có trí tuệ. Và để có trí tuệ và từ bi thực hành pháp thiện, chúng ta phải gắn kết với nguồn biển đức của Như Lai, của Bồ Tát, Thánh Hiền, của các bậc thiện tri thức. Biển đức, đức độ, công đức, công hạnh của người xưa tạo thành cả một cái biển mênh mông vô tận. Đắm mình trong biển đức ấy, ta đã thấm, thấm nhuần tư tưởng các ngài, để các chủng tử thiện trong đời sống của chúng ta có thể khởi lên một cái mầm thật xanh từ thân – ngữ – ý.

Các bạn! Bội thực kinh điển là một thể loại tích trữ kiến thức ngày nay, mang ra tranh luận, đấu đá hơn thua. Nếu gặp trường hợp đó, thì chúng ta hãy rút lui ngay! Hãy trở về với đời sống của ông cha ngày xưa, các bậc tổ ngày xưa, đơn giản hóa kinh Phật bằng sự hành động thực tế, bằng các pháp hành thực tế từ thân – ngữ – ý, thiện lành trí tuệ và từ bi chánh niệm. Thì nhất định hạt giống của Phật tánh sẽ có cơ hội thấm nhuần vào đời sống của chúng ta, mọc rễ, khơi mầm tỏa hương.

Các bạn! Đừng học Phật theo kiểu thâu gom kiến thức để rồi đi đến bội thực kinh điển, mà học Phật theo sự thực hành rõ ràng. Và Bảo Thành đồng tu với các bạn là để thực hành. Ngoài vấn đề giải thích một chút xíu nhưng chúng ta vẫn phải đi vào sự thực hành chánh niệm hơi thở, quán chiếu trí tuệ và từ bi. Để cho chủng tử bồ đề của chúng ta thấm được nước từ bi và đón nhận được ánh sáng trí tuệ qua nguồn ân tha lực Phật điển tác động vào tự lực do chính chúng ta phát nguyện. Khế hợp, khế cơ, khế lý, thuận hảo rõ ràng để mầm mống bồ đề có cơ hội phát triển trong đời thường của chúng ta.

Các bạn! Hãy đặt bàn tay Từ Bi và Trí Tuệ vào với nhau!

Thưa Phật! Chúng con nguyện một lòng nghe cho thấu, hiểu cho rõ và mang vào thực hành lời Phật dạy qua thực hành Pháp Thiện, buông bỏ Pháp Ác, qua Chánh Niệm hơi thở Từ Bi và Trí Tuệ. Ngõ hầu cho đời sống Phật tử tại gia của chúng con ứng dụng được điều đó từ Thân – Ngữ – Ý mà mang lại sự hạnh phúc, sự thông cảm, san sẻ, đùm bọc. Để cho cuộc sống gia đình luôn bình an, hạnh phúc. Xin Chư Phật gia trì cho chúng con!

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hồi hướng công đức!

Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con hôm nay nếu có tạo được chút phước báu nào, nguyện hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.  

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn