Bảo Diệu Tâm đánh máy, Bảo Phước biên tập
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi!
Giờ đồng tu tới rồi, mời tất cả mọi người chúng ta hãy cùng nhau nhất tâm quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu!
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Thưa Phật! Xin Phật hãy ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con Chánh Niệm hơi thở thiền quán Trí Tuệ và Từ Bi nhận rõ các pháp là Vô thường, Khổ, Vô Ngã. Chúng con cũng nguyện xin Chư Phật gia trì đặc biệt cho quê hương Việt Nam và toàn thế giới thoát khỏi cảnh đại dịch. Gia trì cho những ai, các bạn đồng tu hoặc tất cả mọi người đang bị mắc dịch được gặp thầy gặp thuốc, đầy đủ phước báu, mau lành bệnh. Chúng con cũng nguyện cầu cho tất cả chư hương linh theo thiện nghiệp của mình nương bóng từ ân Đức Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật mà tái sanh cảnh thiện lành.
Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái; tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ, tay trái tượng trưng cho Từ Bi!
Luôn luôn ghi nhớ lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Thiền Mật song tu là phương tiện giúp cho chúng ta gắn kết mật thiết với Chư Phật và đón nhận được tràn đầy năng lượng. Trong từng giây phút Chánh Niệm hơi thở, mọi người chúng ta hãy luôn nghĩ tới các đấng bậc sinh thành, đến gia đình, cộng đồng, xã hội, nhân loại. Hồi hướng năng lượng mà chúng ta đón nhận được từ mười phương Chư Phật tới với mọi người và nguyện cho muôn người có đời sống an lạc và hạnh phúc.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
(16:49) Mô Phật! Các bạn ơi! Mỗi một giây phút trong cuộc đời của chúng ta có giá trị rất kỳ diệu, nếu nhận định rõ, ta sẽ trân quý từng giây phút ta đang sống ở trong cuộc đời. Và từng giây phút diệu kỳ sống trong cuộc đời này gắn kết mật thiết với Chư Phật qua Thiền Mật song tu chánh niệm của hơi thở, Bảo Thành và các bạn sẽ được Chư Phật ban rải thật nhiều năng lượng, hồng ân của ba ngôi Tam Bảo: Phật – Pháp – Tăng luôn luôn hiện diện trong đời sống của chúng ta. Sự tu thật đơn giản, chỉ ngồi xuống tĩnh tọa trong những tư thế phù hợp và ngay cả những thao tác đi, đứng, nằm, ngồi, sinh hoạt trong cuộc sống, chúng ta biết chánh niệm hơi thở thiền trí tuệ và thiền từ bi. Trí tuệ – từ bi quán qua hai mật ngôn số một và số hai – Mu A Mu Sa và NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang trì tụng thành âm thanh để vang vọng trong tâm thức, làm rung động toàn thân để rụng rơi những phiền não đau khổ, chuyển hóa những năng lượng tiêu cực. Hoặc trì tụng âm thầm ở trong tâm, thành tiếng hay không thành tiếng, có âm thanh hoặc không có âm thanh, thì sự rung động của Phật ngôn này sẽ giúp cho chúng ta tiếp cận được gần gũi với Phật, với Bồ Tát trong cuộc đời của mình. Hữu duyên chúng ta tu tập pháp môn này, ai trong chúng ta cũng sẽ có một sự trải nghiệm thần kỳ. Tại sao gọi là thần kỳ? Là bởi vì ta có sự trải nghiệm yêu thương. Tại sao gọi là thần kỳ? Thần kỳ là bởi vì ta có sự trải nghiệm của trí tuệ bừng sáng, nhận diện rõ cuộc đời của mình hơn mỗi một ngày. Các bạn nhớ, sự thực tập đồng tu của chúng ta được kiểm chứng bởi sự cảm ứng năng lượng với Chư Phật qua tâm từ bi và trí tuệ trong sáng, không vẩn đục. Cho nên năng lượng của Phật vào thân tâm của chúng ta, làm cho chúng ta giầu có về phước báu, công đức, sự thanh tịnh, tăng trưởng sức khỏe về tinh thần, thể chất lẫn tâm linh. Vậy nên Bảo Thành luôn luôn khuyến khích và sách tấn các bạn chúng ta hãy cố gắng đồng tu.
Trở về với chủ đề ngày hôm nay: “Chuyến Đò Không Bến”, đời là một dòng sông trôi mãi tới vô tận và trên dòng sông của cuộc đời, ta như một chuyến đò, có bến hay không tùy vào mỗi người. Nhiều lúc trong cuộc đời của chúng ta chỉ muốn trèo lên con đò ấy, đi một chuyến, đi mãi đi mãi bồng bềnh trên dòng trôi nổi của cuộc đời và chẳng bao giờ có ý tưởng muốn cập bến. Những lúc như vậy ta muốn phiêu lưu, không cập bến nữa. Bởi trong lòng nặng trĩu những ưu sầu phiền não, muốn trốn chạy, muốn bỏ lại tất cả và lặng lẽ một mình bước lên trên một chuyến đò. Chuyến đò đó ước sao chỉ có một mình ta lênh đênh mãi không cập bến, chẳng gặp ai. Để làm sao trên dòng trôi của dòng chảy cuộc đời, chuyến đò của chúng ta cứ lặng lẽ đi mãi chẳng dừng bến nào, xuôi đi ngược lại chẳng cần biết về đâu. Tư tưởng không cần biết chuyện gì xảy ra, nằm chình ình giữa dòng trôi của tâm thức thường vẫn xảy ra đối với nhiều người trong chúng ta khi đương đầu với nhiều sự cố mà không sao có thể giải quyết được. Buông bỏ rồi đi đến buông tha, khó có cơ hội hồi đầu.
Nhưng không phải trên chuyến đò đó, chỉ một mình ta với con đò để đi trên dòng trôi của cuộc đời đâu các bạn! Bởi trong ta vốn vẫn biết trốn tránh cuộc đời thế sự cho nhẹ lòng, nhưng tâm tham vẫn còn đó. Nên trên chuyến đò ấy, không có bến để cập, chẳng muốn cập bến, nhưng vẫn vơ vét bao nhiêu thứ, chất chồng lên trên con đò nhỏ bé. Để rồi lênh đênh trên dòng chảy sóng cồn kia, con đò của ta đã nhỏ mà chồng chất thì quá nhiều những sự nặng của tâm sân, của tâm si, của tâm tham. Vần quay trong sáu vòng luân hồi và rồi nặng trĩu những tâm tham dục của cuộc đời. Vậy nên con đò của chúng ta đã nhỏ, đã bé, sóng cồn, giông bão, dòng xoáy của dòng trôi cuộc đời luôn luôn tiếp hiện, và rồi con đò đó như cứ dần dần chìm xuống chìm xuống. Nước của dòng trôi hình như sát mép con đò, chỉ chờ một chút xíu sóng sánh nữa, là có thể tràn vào, làm cho con đò cuộc đời chìm xuống.
Ở vào những lứa tuổi mà khi chúng ta bị thất bại hoặc những trường hợp bị thất tình, hoặc những trường hợp mà chúng ta bị suy sụp tinh thần trong cuộc sống bởi thử thách quá gắt. Ta thường có tư tưởng buông trôi để cho dòng đời muốn đi về đâu, muốn kéo về đâu. Ít nhất trong cuộc đời của chúng ta là một lần hoặc nhiều lần có sự trải nghiệm như vậy! Bảo Thành đã từng trải nghiệm, có những thời gian khủng hoảng không biết phải làm gì, chán nản, bỏ mặc cuộc đời muốn tới đâu thì tới, không có hồi kết như một chuyến đò không có bến. Bởi biết bao nhiêu thử thách dồn dập, biết bao nhiêu những thất bại, biết bao nhiêu những chông gai, biết bao nhiêu những chê bai gièm pha, biết bao nhiêu những sự sỉ nhục của người khác, làm cho tinh thần tổn thương, làm cho tâm của chúng ta bị co nhúm lại, không còn có sức mạnh, làm cho tinh thần, thể chất, sức khỏe ta tiều tụy đi theo năm tháng. Bảo Thành từng trải nghiệm như vậy ít nhất là ba lần! Buông xuôi, muốn bỏ mặc cuộc đời, chỉ muốn nhắm mắt cho tới khi hơi thở không còn nữa, để chết. Đó là thực sự! Nhưng cuộc đời đâu phải như vậy, đâu phải muốn là được đâu?! Bởi trong sâu thẳm của ta vẫn còn có ý chí tự cường, tự lực, mỗi khi như vậy thường trở về những dòng tư tưởng để thôi thúc chúng ta vươn lên. Mà đặc biệt nhất là những ai thường làm việc thiện, thì tiếng nói của lương tâm rất mạnh để nhắc nhở chúng ta vượt qua thử thách.
“Chuyến đò không bến” chắc sẽ khổ lắm bạn ơi! Bởi trên chuyến đò đó không có bến để cập vào, và cứ lang thang vô tận như thế, ta sẽ bị cô đơn trên dòng trôi. Buồn lắm! Nhưng tâm trạng đó sẽ xảy ra trong mỗi người chúng ta! Là bởi vì kiếp con người, không phải là buồn tình, buồn đời để nhảy lên trên một chuyến đò không muốn cập bến. Mà có ba cái thế lực của cuộc đời, thế lực núp đằng sau mọi hiện tượng, gọi là thế lực của ma quái kéo chúng ta đi mãi, không muốn cập bến, đó là thế lực của tam độc: tham – sân – si. Bởi chúng ta đã thỏa thuận với chúng từ nhiều đời nhiều kiếp rồi, kết bạn thân rồi đến mức mà chúng ta trao luôn cuộc đời cho chúng. Để chúng có thể quăng ta vào dòng trôi mà cứ lang thang mãi trên những chuyến đò mong manh thăng trầm của cuộc sống. Nói đúng hơn, thoát khỏi cái văn chương của “chuyến đò không bến” kia đi tức là cuộc sống của chúng ta không có mục đích đó các bạn!
Nếu cuộc sống của chúng ta không có mục đích, không có mục tiêu rõ ràng trong cuộc sống, thì chẳng khác gì như một chuyến đò không có bến mà xăng đã cạn, dầu đã khô, sức đã kiệt, chẳng thể làm chủ được con đò đó. Và rồi cứ lặn ngụp, bồng bềnh trên những ngọn sóng đau khổ dồn dập kéo tới, nhận chìm chúng ta xuống tận đáy của sự phiền não. Đời sống của con người ai không có mục tiêu sống, không có mục đích sống sẽ khổ, khổ y như chuyến đò không có bến vậy. Và cuộc sống của chúng ta thật nhiều lúc mất phương hướng đi của cuộc đời, quay đi quay lại không có một ai để chúng ta có thể nương vào họ, dựa vào họ để phục hồi sức mạnh của tinh thần, sức khỏe của thể xác để tiếp tục đi. Nhiều lắm và nhiều lắm chúng ta đã bị mất phương hướng trong cuộc sống!
Hiện tại bây giờ bạn có mục tiêu và phương hướng sống hay không? Chắc chắn ai cũng nói: “Có!”. Nhưng hầu hết mục tiêu và mục đích sống của chúng ta nằm trong sự mơ ước. Mơ sao đó không làm mà có tiền. Mơ sao đó nhắm mắt mở ra có ngôi nhà to. Mơ sao đó khép khép cái mi mắt, nhìn nhìn thấy muôn điều chúng ta muốn nó hiện ra. Mơ sao đó có viên ngọc ước để ước gì được đó. Và toàn những sự ước mong đó chỉ là nhồi nhét vào thân xác làm người này, để thỏa mãn cảm xúc của thân xác này mà thôi. Nhưng mà nhìn kỹ đi! Ta nhồi, ta nhét mãi vào thân xác này, để nuông chiều cảm xúc mà ta muốn. Rồi sẽ đi về đâu? Cái kết là bị dòng trôi của cuộc đời nhận chìm xuống hố sâu, nằm trong cái hòm chết mãi mà thôi. Mục đích ấy chẳng phải mục đích cao cả, mục đích ấy là mục đích chôn thân vào lòng sâu quên lãng của cuộc đời! Vậy nên cuộc đời của chúng ta thực sự như một chuyến đò không bến, như một con đò không có người hoa tiêu, chẳng có tài công dẫn dắt, chẳng có minh định được hướng đi, chẳng có xác minh được cái bến để cập vào. Người học Phật của chúng ta trên con đường học Phật, nếu bạn không có một mục tiêu, mục đích, không phải là học để trở thành một vị hoa tiêu, một vị tài công dẫn dắt con thuyền cập vào đúng cái bến định, thì chúng ta tu theo Phật chỉ làm thỏa mãn cảm xúc, bồi bổ cho sự cung phụng về đời sống vật chất và những cái tâm tham dục của kiếp người mà thôi.
Bấy lâu nay và nhiều kiếp qua cũng như nhiều thế kỷ qua, ít có người thành tựu được pháp an lạc khi học về Phật. Bởi vì họ theo học Phật học, chân lý của Phật chỉ để thu nhập nguồn lợi nhuận phục vụ cho cảm xúc về vật chất, về tinh thần của cuộc sống này thôi. Không có mục đích gì hơn ngoài tiền, tình, tài, danh vọng địa vị! Nào là của cải vật chất, nhà cao cửa rộng, xe hơi, nào là sự ăn uống thỏa thuê, ngủ nghỉ, đùa giỡn. Mục tiêu của họ chỉ có vậy! Gọi là rõ mục tiêu lắm, ai mà trên đời không mơ ước như thế? Nhưng đó chẳng phải là mục tiêu bạn ơi! Đó không phải là mục tiêu!
Mục tiêu thực sự bạn phải trở thành người hoa tiêu, nhìn rõ mục đích chuyến đò của cuộc đời trên dòng trôi của kiếp này, phải cập được bến giác ngộ, bến an vui. Không thể lênh đênh mãi để vơ vét, để con thuyền kia nó sẽ mục và cuộc đời sẽ cạn kiệt sức đó. Hoa tiêu là người làm chủ được hướng đi. Trên một chuyến đò không có hoa tiêu, không có tài công, trong một chuyến của cuộc đời, nếu không minh định được hướng đi đi tới sự giải thoát, ta đang tự nhận chìm mình xuống dòng trôi của cuộc đời, khổ vô cùng. Đức Phật dạy cho chúng ta phải tự mình đứng dậy tức là tự mình phải trở thành một vị hoa tiêu, một vị tài công, nhìn rõ và minh định được ngọn hải đăng, để theo hướng đó mà cập vào bến giác ngộ. Một trong những dữ kiện đầu tiên và rất cần để chúng ta trở thành một vị hoa tiêu, làm chủ và minh định được hướng đi, và xác minh được bến đỗ giác ngộ của chúng ta, để chúng ta đưa chuyến đò cuộc đời này cập bến an toàn, đó chính là quy y.
Các bạn! Nhiều bạn đã quy y rồi, nhưng sự quy y đó với những cái nghi thức chỉ dựa dẫm trên sự tô điểm trong cái nghi lễ đời thường về hình thức hóa chứ không có thật. Các bạn đã đi quy y rồi. Có một vị thầy, một vị sư cô hoặc ai đó chứng minh quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, rồi truyền trao năm giới. Ta làm hết, rồi cấp cho ta một cái điệp tức là giấy chứng nhận đã quy y, nghi thức đã xong. Nếu ai có pháp danh đều đã quy y nhưng quy y đó là quy y hình thức, chưa thật! Bởi vì biết bao nhiêu những người quy y như thế, tu cũng chưa có sự an lạc. Biết bao nhiêu những người quy y trên mặt giấy tờ, chứng cớ rõ ràng là đã được thọ giới quy y cũng chẳng có sự an lạc. Bởi thực sự, họ nghiêng về hình thức, chưa thấu rõ được sự quy y! Vậy thì làm sao có thể ứng được vào sự quy y là quy y sẽ không bị đọa vào tam đồ khổ? Quy y Phật không đọa vào địa ngục, quy y Pháp không đoạ vào ngạ quỷ, quy y Tăng không đọa vào làm thú? Biết bao nhiêu những người quy y rồi, nhiều đời nhiều kiếp vẫn đọa vào tam đồ khổ. Bởi vì chỉ quy y về hình tướng!
Dĩ nhiên sự hình tướng này rất cần, nhưng đó chỉ là bề mặt hình thức mà thôi! Còn chiều sâu nữa, mỗi người chúng ta phải hiểu thấu được “quy y là gì?”. Và quy y là cái mấu chốt để cho mỗi người chúng ta trở thành một vị hoa tiêu có đầy đủ kiến thức, biết hướng dẫn con đò của mình trên dòng trôi của cuộc đời, vượt sóng gió hãi hùng để cập bến giác ngộ.
Quy y đúng, là chúng ta có chánh định vững chãi như kiềng ba chân:
Dù ai nói ngả nói nghiêng
Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân
Quy y Tam Bảo như cái thế chân vạc thật vững! Như cái lư hương có ba chân; có hai chân lư hương sẽ đổ. Các bạn đến chùa, các bạn không bao giờ thấy cái lư hương có bốn chân. Có thể có đó, đó là sự tác chế không đúng nguyên tắc! Cái lư hương để chúng ta cắm nhang cúng dường cho Tam Bảo thường là chỉ có ba chân tượng trưng cho ba ngôi Tam Bảo: Phật – Pháp – Tăng. Sự dâng hiến trọn đời như Giới hương, Định hương và Huệ hương, như ba cái chân của lư hương vững chắc; thiếu một chân nó sẽ chẳng còn đứng vững. Quy y Tam Bảo như cái lư hương, để rồi Giới hương, Định hương, Huệ hương của chúng ta là loại trầm hương xông lên mười phương trời pháp giới tận hư không, Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền đều hay. Đó mới gọi là quy y! Còn chúng ta mới quy y theo hình thức mà thôi!
Bạn sẽ hỏi Bảo Thành: “Quy y là gì?”. Định nghĩa thì muôn thuở, bạn vào Google bạn bấm “quy y là gì?” được giải nghĩa nhiều thứ lắm. Nhưng đối với Bảo Thành, quy y ngoài những sự giải nghĩa của các bậc tôn túc và hình thức, nghi thức trong cái lễ giáo của tôn giáo mình theo; đó là về mặt hình thức. Nhưng sâu ở trong tâm, mỗi người chúng ta phải xác định được “quy y là gì?” thì mới trở thành vị hoa tiêu, vị tài công biết lái con đò của mình ngược xuôi trên bến của cuộc đời này, trên dòng trôi của cuộc đời này, để cập được bến tự tại an nhiên. Bến nào ta cập vào cũng là bến giác ngộ. Bởi ta đã định hướng được cái hướng của trí tuệ và từ bi!
Quay trở về “quy y là gì?”, nhiều người định nghĩa chữ “quy” là nương vào Tam Bảo: Phật – Pháp – Tăng, đối với Bảo Thành, chữ “quy” ở đây tức là sám hối, hồi đầu chứ không phải chỉ nương vào Phật – Pháp – Tăng. Nương vào Phật – Pháp – Tăng để làm gì? Tự đạo Phật là phải có sự tự lực cải hóa, thay đổi cuộc đời. Chữ “quy” ở đây đối với Bảo Thành là hồi đầu thị ngạn và sám hối. Sám hối để quay đầu trở lại. Trở lại với cái gì? Thì chữ “y” nói thật rõ, y như lời Phật dạy, mà ta sám hối để quay trở về thực hành lời Phật dạy, sẽ trở thành vị hoa tiêu tài ba, lỗi lạc. Trên dòng trôi của cuộc đời sẽ biết cập bến giác ngộ ngay thôi!
Các bạn có nghe kịp Bảo Thành nói không? Đây là sự hiểu biết riêng tư của Bảo Thành. Cách suy nghĩ và diễn giải này, mong các bạn nghe và lắng nghe bằng cái tâm chân thật để tư duy. Đừng vội vàng phán xét, so sánh với định nghĩa quy y của ai đó, của vị nào đó, từng chữ từng câu theo văn tự để thấy sai lệch mà đâm ra không biết phải làm gì, hoang mang. Đừng! Hãy nghe cho kỹ, sẽ thấy được sự quy y nhiệm mầu đến đâu! Để rồi khi chúng ta thực sự quy y bằng sự suy nghĩ như vậy, ta sẽ trở thành một vị hoa tiêu ngồi trên chuyến đò của cuộc đời, lênh đênh trên dòng trôi của cuộc sống, của kiếp người, vẫn luôn luôn cập được bến an nhiên và tự tại, bến giác ngộ. Và quy y đúng như vậy, sẽ có được chánh định vững chãi như kiềng ba chân, như ba cái chân của lư hương, như ba ngôi Tam Bảo luôn luôn hiển ngự trong cuộc đời của chúng ta!
“Quy”, nghe một lần nữa để tư duy nghe các bạn! “Quy” tức là hồi đầu, sám hối, là nhìn rõ bản thân mình để quay trở lại và biết sám hối. “Y” là y giáo phụng hành, “y” là y như lời của Phật dạy. Mà lời Phật dạy của chúng ta, là phải dùng tâm từ bi và trí tuệ trong Thiền Mật song tu để quán chiếu nhất cử nhất động trong cuộc đời. Để có thể làm lành lánh dữ, làm thiện pháp bỏ ác pháp. Đó chính là Quy y! “Quy y” là hồi đầu, sám hối, y như lời Phật thực hiện. Phật dạy là hãy làm việc thiện bỏ việc ác để tâm được thanh tịnh, lòng được hoan hỷ và an lạc. Nếu bạn thực sự hiểu được chữ “quy y” như cách gợi ý của Bảo Thành và thực hiện được, bạn sẽ buông bỏ được các pháp ác, dừng hẳn những việc ác và tạo tác những pháp lành, việc lành, pháp thiện, bạn sẽ cập bến an vui. Chuyến đò của cuộc đời không còn là vấn đề sợ hãi bởi bạn có chánh định. Đó gọi là quy y, và quy y chính xác như vậy!
Dĩ nhiên cái hình thức tới chùa gặp các bậc tôn túc, các bậc đại đức, tăng ni, thượng tọa, hòa thượng, ni sư thì đó là nghi thức lễ ở bên ngoài. Nhưng ta, ta phải tự lực hiểu thấu được chữ “quy y” và hành được. Để tự giáo dục mình bằng nền giáo dục của Chư Phật: “Là hồi đầu lại đi, quay đầu sám hối cho những lỗi lầm. Nay con phát nguyện theo lời Phật dạy, làm việc thiện bỏ việc ác để trở thành vị hoa tiêu của chính cuộc đời, làm chủ sự sống và làm chủ con đò đang lênh đênh trong sáu dòng chảy của cõi luân hồi này, để chúng con cập được bến an nhiên và tự tại”. Thì chuyến đò của các bạn không thể gọi là chuyến đò không bến nữa, mà chuyến đò của các bạn là chuyến đò có vị hoa tiêu, có vị tài công, có một người tài giỏi, minh định được hướng đi và đang làm chủ con đò đó đi về, xuôi về bến an nhiên tự tại của cuộc sống. Gia đình bạn sẽ hạnh phúc, cuộc sống của bạn sẽ tự tại lắm. Và dĩ nhiên, bạn sẽ là người luôn luôn vui vẻ, luôn luôn tràn đầy năng lượng tích cực, để cống hiến, để phục vụ, để san sẻ với tất cả mọi người trong mọi cảnh giới của cuộc đời. Không thể cứ như chuyến đò không bến!
Và người tu, đặc biệt đồng tu trong Thiền Mật song tu, các bạn phải quy y! Quy y như cái hình thức là điều ta tự nguyện tới để đón nhận một pháp danh như một ngọn đèn hải đăng để quy về cái ý nghĩa pháp danh bậc thầy truyền trao. Để rồi từ đó, ta hồi đầu, ta sám hối với lầm lỗi ta đã tạo, ta đang tạo, để ngừng hẳn chuyện đó. Rồi y theo lời giáo dưỡng của Phật, làm việc thiện bỏ việc ác, cuộc đời sẽ an vui. Chuyến đò sẽ có bến, không lênh đênh, không lận đận, không khổ, không phiền não, không bị thăng trầm trong những dòng trôi của những cảm xúc đầy đọa cuộc sống mình nữa. Mà trên chuyến đò của bạn không còn tham – sân – si chất chồng nữa, mà đầy đủ hương hoa của giới đức, của hạnh đức, của trí tuệ, thơm lừng à. Và con đò của bạn đi tới đâu, mọi người hai bên bờ họ sẽ tung hô, bởi người ta ngửi được hương giới hạnh của bạn. Dù con đò tức là cuộc đời của bạn rất tầm thường, nhưng hương giới hạnh của bạn sẽ lan tỏa muôn nơi!
Đừng để cuộc đời của bạn trở thành một chuyến đò không bến! Đừng để chúng ta học Phật thiếu cái mục đích! Mục đích của chúng ta là vị hoa tiêu cập bến giác ngộ. Vậy thì mục đích cao cả mà Bảo Thành thường nhắc trước khi đồng tu, là hãy lấy trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát tức là phát nguyện chí nguyện của chúng ta là giải thoát, mục tiêu của chúng ta là giải thoát, là cập bến giác ngộ, là giải thoát. Và lấy từ bi để nuôi dưỡng, thắp sáng trí tuệ và lan tỏa tình yêu thương. Do đó, Thiền Mật song tu trong giai đoạn này, chúng ta thiền quán trí tuệ và từ bi để ta trở thành vị hoa tiêu thật rõ, minh sát được cái bến đò ta cần cập vào. Đó chính là bờ giác ngộ, đó chính là sự giải thoát, chí nguyện giải thoát!
Nếu bạn phát nguyện như vậy bằng một cái tâm chân chính, đúng tinh thần chánh pháp, hiểu thấu được sự quy y. “Quy” là hồi đầu, sám hối, “y” là y lời Phật dạy, là làm việc thiện bỏ việc ác. Đơn giản vậy thôi nghe các bạn! Đừng cầu kỳ đặt vào quá nhiều những dữ liệu phải như vậy, phải như kia, rối đầu, làm không được. Chỉ đơn thuần: “Hãy làm việc thiện bỏ việc ác!”. Lời Phật dạy trong kinh Pháp Cú, hồi đầu, sám hối với lỗi lầm, tội lỗi, nghiệp chướng ta tạo, và y như lời Phật làm việc thiện buông bỏ ác pháp. Vậy thôi! Đó chính là quy y đúng nghĩa! Bạn sẽ không bị rớt xuống hầm sâu của địa ngục, bạn sẽ không bị dìm xuống cõi ngạ quỷ, bạn sẽ không mọc lông mọc sừng như loài thú. Tam đồ khổ: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh không phải là nơi bạn sẽ rơi xuống. Nếu thực hiện đúng sự quy y, thì bạn sẽ là vị hoa tiêu cập bến giác ngộ ngay trong cuộc đời này thôi. An lạc và hạnh phúc vô cùng!
“Chuyến đò không bến” kia chỉ là văn chương nói tới. Mà thực sự chúng ta sẽ như vậy nếu như đồng tu với Bảo Thành hoặc tu tất cả pháp môn nào phù hợp căn duyên với các bạn mà không thấu rõ quy y như thế nào và nhất tâm quy y như vậy, thì bạn chính là chuyến đò không bến! Còn khi bạn thực sự quy y theo đúng nghĩa, là nương vào ba ngôi Tam Bảo: Phật – Pháp – Tăng như kiềng ba chân để biết sám hối, nhìn rõ mọi tội lỗi, bất thiện nghiệp tạo ra, để hồi đầu, quay trở lại. Và y như lời Phật dạy mà thực hành, làm thiện bỏ điều ác. Chỉ đơn giản đối với hàng Phật tử tại gia của chúng ta, nhưng đó chính là nền tảng vững chắc, vững chãi! Nếu bất cứ ai gọi là chứng đắc cao siêu mà bỏ qua cái này, cái nền tảng này, đều là rơi vào cái cõi tưởng tượng mà thôi, hoang tưởng! Muốn chứng đắc tới đâu đi nữa, không thể bỏ qua cái nền tảng vững chãi này, cái nền tảng rất quan trọng này, là sự quy y!
Bảo Thành mời gọi các bạn hãy quy y với Phật – Pháp – Tăng đúng nghĩa với tinh thần này, dùng cái tự lực hiểu thấu, để “quy” là quay đầu trở lại và sám hối thực sự, và “y” là y giáo phụng hành, y lời Phật dạy. Mà lời Phật dạy là gì? Là làm thiện bỏ việc ác đi! Những việc ác các bạn đã tạo ra bỏ đi, làm việc thiện ngay! Bạn làm được như vậy, thì bạn trở thành hoa tiêu, bạn trở thành tài công, trở thành người lái đò biết cập bến để không bị rơi vào sự khủng hoảng!
Có con đò mà nằm đó để đợi anh lái đò, đợi cô lái đò. Không có một anh lái đò nào, một cô lái đò nào có thể đưa bạn cập bến an nhiên tự tại. Bạn phải trở thành người lái đò thực sự trong chuyến đò của cuộc đời kiếp này! Còn “Anh lái đò ơi! Cô lái đò ơi!”, đó chỉ là những tiếng ca, tiếng hát của những người bên bến cuộc đời của những dòng sông mà thôi. Dòng sông ấy là dòng sông chuyên chở người qua bờ này bờ kia. Còn dòng sông của cuộc đời thăng trầm trong sáu nẻo luân hồi, cái bến đò đó, cái con đò ấy, ta không thể đợi anh lái đò, cô lái đò, mà ta phải chính là người lái đò của chính ta! Quy y, ta sẽ trở thành người lái đò chuyên nghiệp vượt qua sóng gió để cập bến an vui!
Các bạn! Hãy đặt bàn tay Trí Tuệ vào lòng bàn tay Từ Bi để chúng ta trở về với sự quy y thực thụ, rõ nghĩa. Để trở thành anh lái đò, người hoa tiêu, người tài công có đầy đủ kiến thức, cập bến an nhiên tự tại giác ngộ trong ngay kiếp này!
Thưa Phật! Chúng con sẽ suy nghĩ để hiểu thấu được hai chữ “quy y”: “quy” là hồi đầu sám hối, “y” là y lời Phật dạy làm việc thiện, bỏ việc ác. Để chúng con trở thành anh lái đò thực sự, vị hoa tiêu tài ba, vị tài công minh sát rõ hướng để cập bến an vui tự tại trong cuộc đời. Xin Chư Phật gia trì để chúng con không trở thành một chuyến đò không bến bồng bềnh trong đau khổ!
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Hồi hướng:
Chúng ta hãy hồi hướng công đức!
Thưa Phật! Sự đồng tu hôm nay của chúng con có tạo được chút phước đức nào, nguyện xin hồi hướng tất cả cho mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.