Search

Bài 2177. Ai Cũng Xem Mình Hay | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Thu Hằng đánh máy, Bảo Minh biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi!

Mời các bạn cùng quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu buổi đồng tu hôm nay!

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và gia trì cho chúng con biết Chánh Niệm hơi thở thiền Trí Tuệ và Từ Bi, quán chiếu thấy rõ các pháp Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. Nguyện xin chư Phật gia trì cho quê hương Việt Nam của chúng con và toàn thế giới mau thoát khỏi cảnh đại dịch. Nguyện cầu cho tất cả các bạn đồng tu và mọi chúng sanh thân tâm thường an lạc, tinh tấn tu học, phiền não đoạn diệt, bệnh tật tiêu trừ. Nguyện siêu các hương linh theo thiện nghiệp mà tái sanh cảnh lành.

Xin chư Phật chứng minh!

Mời các bạn đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi!

Chúng ta luôn lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Từng giây phút hít thở trong Chánh Niệm, trì Phật ngôn Mu A Mu Sa và NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, chúng ta – mỗi người sẽ gắn kết với chư Phật qua năng lượng của Tình Thương Và Trí Tuệ để nhìn rõ bản thể thân tâm của mình.

Chúng ta hãy bắt đầu!

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Mô Phật!

Các bạn! Các bạn có biết không, sự đồng tu của chúng ta khác thường, khác ở chỗ chúng ta cùng hứa hẹn với lòng mình liên kết cùng với các bạn đồng tu, chọn một khung thời gian phù hợp, để trực tiếp hay gián tiếp ngồi xuống lắng đọng tâm tư, dùng cái tự lực của mình phát nguyện đi đến sự giải thoát qua công hạnh thực tập để đạt được sự thực chứng an lạc, hạnh phúc trong ngay cuộc đời này.

Trong thời buổi hiện tại, một hình ảnh mà chúng ta có thể gợi ý để hiểu được sự đồng tu quan trọng như thế nào. Ai trong cuộc sống hiện tại từ những nước phát triển hay văn minh hoặc đang phát triển, đều thấy được giá trị tầm cao của cái phone (điện thoại). Ở Việt Nam chúng ta có phone, chúng ta sử dụng mạng Mobi, mạng Viettel, mạng Vina hoặc những nhà mạng khác. Tuy nhiên không phải nhà mạng nào thì phone của chúng ta cũng được phủ sóng mạng toàn cầu. Có những nhà mạng cung cấp mạng thật yếu ớt, có những nhà mạng trả giá cao hơn để được cái mạng chúng ta bắt được qua internet rõ nét hơn, tốt đẹp hơn. Tuy nhiên khi ở trong nước gọi ra nước ngoài mà sử dụng cái mạng ta đang sử dụng đó, giá cả thật là cao. Phone nào sử dụng mạng nào thì được phủ sóng bởi cái mạng đó, yếu mạnh tùy theo cái hãng và công ty.

Sự đồng tu của chúng ta không khác gì cái phone, chúng ta đều có một cái tâm cầu đạo giải thoát, chúng ta đều có một cái tâm cầu đạo giải thoát gắn kết và liên thông với nhà mạng của Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Nhà mạng của Đức Phật thật là đặc biệt. Bởi chúng ta không phải trả tiền, không phải bao tháng, không phải bao năm, mà bao trọn đời đời kiếp kiếp được phủ sóng nơi bậc Chí Tôn. Chỉ cần công hạnh thực tập và luôn luôn gắn kết với nhà mạng của Đức Phật, dù các bạn ở nẻo luân hồi nào đều được phủ sóng và sóng của Đức Phật thật là mạnh qua năng lượng của từ bi và trí tuệ. Từ đó, mọi thông tin trên hoàn cầu, mọi thông tin về bản thân, mọi thông tin về những điều giáo lý Đức Phật học, Đức Phật dạy, đều có thể chuyển tải qua sự thanh tịnh đồng tu. Nhất quán là như vậy! Hiểu như vậy để chúng ta thấy sự đồng tu rất quan trọng, bởi chúng ta cùng nhau được phủ sóng bởi nhà mạng của Đức Phật, thông tin được cập nhật qua năng lượng từ bi – trí tuệ thật là siêu việt và viên mãn.

Do đó sự đồng tu của chúng ta khác biệt! Bảo Thành phát nguyện tu Thất Bảo Huyền Môn, Thiền Mật song tu, trong Thiền Mật song tu có bảy mật chú luyện về tâm. Và mỗi một mật chú như vậy không phải chỉ diễn giải sơ qua, nói và giới thiệu, mà là một sự công hạnh trực tiếp của Bảo Thành trên mạng cùng với các bạn ở xa cũng như ở gần. Mỗi một mật chú sẽ tu một năm, như vậy bảy mật chú sẽ được miên mật đồng tu với nhau trong bảy năm. Hợp đồng không có chữ ký, nhưng là lời nguyện của Bảo Thành cùng với các bạn đã hứa khả cùng với nhau dưới sự chứng minh của chư Phật, để các bạn đồng đạo, các bạn đồng tu, chúng ta tạo nhân duyên, sách tấn và tinh tấn trên con đường tu. Năm nay mới gọi là năm thứ hai bởi ta đang tu tập câu mật chú số hai – mật chú thiền trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Các bạn ơi, trở về chủ đề ngày hôm nay – chủ đề làm cho Bảo Thành hơi nhột, bởi thấy rõ được bản thân của mình bị dính mắc trong chủ đề này! Các bạn biết không, ai trong chúng ta cũng đều bị một căn bệnh truyền kiếp, từ kiếp này qua kiếp kia, nó cứ di truyền và lây lan căn bệnh này hoài, đó, là mỗi người chúng ta đều vỗ ngực xưng tên và đều, đều như thế nào các bạn biết không? Chúng ta, ai cũng xem mình, mình hay hết, mình giỏi hết, mình cao tay ấn, mình đắc đạo, mình thành tựu!

Chủ đề “Ai Cũng Xem Mình Hay” nghe thấy mà nhột! Các bạn chắc chắn có tánh cao ngạo rằng luôn luôn xem mình hay, Bảo Thành không thể chạy trốn bởi trong lòng luôn luôn chất chứa tánh cao ngạo rằng lúc nào cũng xem mình hay. Bạn để ý đi, ở đời ai ai trong chúng ta cũng luôn luôn xem rằng mình thật là hay. Nhìn lại một chút xíu, phải thành tâm sám hối, rằng mỗi người chúng ta không biết từ thuở nào, mà lúc nào cũng xem mình hay. Các bạn có thấy các bạn xem các bạn hay không? Có đấy!

Có một câu chuyện kể như vầy; đây là chuyện trong kinh Pháp Cú thời Đức Phật. Có một anh chàng trai trẻ độ 20 tuổi, là dòng Bà La Môn, phát nguyện tu để về cõi chư thiên, cõi phạm thiên, tức là về cõi trời. Anh ta sinh ra vốn đã được những cái thiên tư bẩm sinh, phước báu tràn đầy, có trí nhớ, có kiến thức, thông minh, nhìn gì là biết đó, nghe qua là nhớ và làm theo được.

Anh chàng này bắt đầu cảm thấy rằng mình hay quá, nên phát nguyện đi học tất cả mọi môn. Thiên văn, địa lý, khoa học, xã hội học, học hết, bởi vì anh ta có cái thiên tư sinh ra giỏi, dễ nhớ mà, thông minh mà, cho nên anh ta học một thời gian thì anh ta thành tựu được, học giỏi lắm rồi và cảm thấy rằng mình đã hay, không ai hay bằng mình nữa. Đây chính là niềm tự hào, bởi anh ta phát hiện ra có cái tư chất thông minh và lại phát nguyện đi cầu học; đây là một tư chất tốt nha các bạn, tốt nhưng vẫn pha trộn một chút tự cao tự mãn, thấy mình hay. Nhưng mà tốt, theo như Bảo Thành là tốt đó, là bởi vì phát hiện ra mình có cái khả năng học rồi phát tâm tu học. Anh chàng này phát tâm tu học, học hết rồi mới thấy mình hay, học hết rồi mới thấy mình hay. Do đó anh ta nghĩ rằng chúng ta cần phải đi xa qua các nước khác để coi có ai cần thì giúp đỡ và để chứng tỏ cái hay của mình ghi vào sử sách đó.

Anh ta đi qua nước ngoài và bất chợt anh ta thấy một người làm cung tên, vuốt những cái cung thẳng tắp, hay, thật khéo, thật nhanh. Anh ta mới thấy bản thân mình không thể làm chuyện làm cung, vuốt tên như người này thanh thoát, nhanh, gọn, đẹp, chuẩn mực. Anh ta liền dốc tâm học hỏi người làm cung tên này. Nhất tâm học một thời gian, anh ta học và làm được, thành tựu được như người làm cung kia, nhanh nhẹn như vậy, anh ta thích thú lắm. Rồi anh ta trả ơn người thầy ấy rồi giã từ ra đi để tìm coi trên thế gian này còn cái gì ta chưa học và cũng để chứng tỏ tài năng của mình nữa, bởi anh ta thấy rằng anh ta quá hay rồi.

Trên bến đò qua sông, anh ta thấy một người lái thuyền nhanh như tên bay lướt ở trên sông, anh ta mới thấy mình học quá nhiều mà chẳng thể lái thuyền như người thuyền sư kia. Thấy cần phải học, lại dốc lòng cầu học với vị thuyền sư. Trải qua một thời gian dài anh học được nghề lái thuyền, học cũng nhanh như tên bay lướt ở trên sông. Anh ta đội ơn vị thầy đó, trả ơn vị thầy đó và tiếp tục ra đi để thử tài coi mình có giỏi chưa.

Đến một nước kia, anh ta thấy một tòa nhà cung điện của vua quá đẹp, thấy những người thợ mộc làm hay quá, anh ta thấy ta chưa khéo, không biết làm nghề này, nên tiếp cận với người thợ mộc chính, học nghề thợ mộc xây nhà. Một thời gian sau, anh ta học được và học giỏi, làm thật là hay, tinh nhuệ. Anh ta đội ơn bậc thầy đó, tri ân rồi ra đi.

Cuối cùng, anh ta thấy hình như anh ta học được tất cả rồi; đây chính là lúc anh ta cảm thấy mình hay hơn hết và muốn khoe khoang, để rồi cuộc sống của anh ta phải lưu danh sử sách.

Đức Phật ở trong chùa Kỳ Viên, dùng tâm quán chiếu thấy chàng thanh niên này có thể độ được nên hóa thân thành một vị sa môn tức là một vị thầy tu, đi khất thực trước mặt anh thanh niên kia. Anh thanh niên thấy ngỡ ngàng ở trên đời này lại có một người tu cái đạo gì mà tướng mạo trang nghiêm, oai nghi, đẹp mà pháp khí thì lạ lùng, anh ta chưa bao giờ thấy. Anh ta tiếp cận và hỏi vị sa môn đó rằng: “Này vị sa môn, tôi chưa bao giờ thấy người nào như sa môn. Vậy, sa môn ơi, ông là ai?”.

Vị sa môn đó nói với anh chàng thanh niên rằng: “Thợ làm cung lo chuốt tên, thuyền sư lo lái thuyền, thợ mộc lo cưa đục, người trí điều phục mình, ta là người điều phục ta”. Sa môn trả lời cho anh ta biết rằng sa môn chính là người điều phục mình. Bởi vậy bài kệ Đức Phật nói người làm cung thì lo chuốt tên cho thẳng, người thuyền sư thì lo lái thuyền cho tới bến, còn người thợ mộc thì lo cưa đục, ngài – sa môn, ngài là người trí nên điều phục mình.

Rồi vị sa môn lại nói tiếp:

Như tảng đá to lớn

Gió thổi không động lay

Người trí tâm an định

Khen chê chẳng đổi thay

Tiếp thêm một câu nữa cho anh thanh niên nghe cho thấu:

Như hồ nước rất sâu

Trong lặng sáng một màu

Người trí thích nghe đạo

Tâm an định hết sầu

Người thanh niên kia nói với vị sa môn: “Nếu ông là người điều phục mình, thì ông có cái tôn chỉ điều phục như thế nào?”.

Vị sa môn liền nói: “Ta điều phục bằng năm giới, bằng thập thiện, bằng lục độ, bằng bốn sự bình đẳng, bằng những pháp thiền”. Và khi anh thanh niên kia nghe qua, thì tâm phục khẩu phục, liền quỳ xuống xin Đức Phật nhận làm đệ tử.

Các bạn! Mới đầu nghe qua câu chuyện trong kinh Pháp Cú này thì anh chàng thanh niên này nghĩ rằng mình hay; âu đó cũng là căn bệnh truyền nhiễm của mỗi người trong chúng sanh; chúng ta cũng như vậy mà thôi. Nhưng sự khác biệt của anh thanh niên dù biết mình hay, vẫn cầu để học. Chính vì vậy nhân duyên đã đưa anh ta gặp được Phật. Còn trong chúng ta, chúng ta vỗ ngực xưng tên là hay, nhưng không bao giờ cầu đạo, không bao giờ có tâm cầu học, tham vấn. Vơ vét được một chút thông tin, kiến thức đâu đó ở trên mạng, trên kinh hoặc từ một vị thiện tri thức, vị thầy nào đó thì tự phình bụng lên như con ễnh ương cho to, che kín cả mặt trời, vỗ ngực xưng tên: “Ta là người thật là hay!”. Từ đó cống cao ngã mạn, chẳng bao giờ kham nhẫn, khiêm tốn để cầu học như anh chàng thanh niên kia đâu.

Có thật nhiều người trong chúng ta có thể có phước báu học được một chút gì đó, đâm ra nghĩ mình hay quá, rồi thấy tội nghiệp cho những người khác không có cơ duyên học hỏi. Từ đó lại say mê trong cái niềm hay của mình mà coi thường những người khác, khinh rẻ, miệt thị giống dân An Nam, con người này, con người kia, giống tộc này, giống tộc kia thật là khổ, từ muôn đời ngàn kiếp đã bị đô hộ bởi những nền giáo lý sai lệch, tôn giáo không đúng hoặc tín ngưỡng mê muội. Rồi đâm ra than vãn, thở dài, chê trách mọi người quá dở. Đó là cái bệnh của Bảo Thành, đó là cái bệnh của các bạn thường hay có. Chúng ta chỉ vịn vào một chút xíu thôi, như đang ở trên bể khổ, sóng vỗ liên hồi, sắp sửa chết rồi, vịn vào chỉ có một cọng rơm, lênh đênh trên biển thôi, mà tưởng chừng như cả cái vũ trụ kiến thức, coi thường hết mọi người đang lặn ngụp trong bể khổ, sầu đau. Căn bệnh này Bảo Thành và các bạn cần phải chú ý để học hỏi từ anh thanh niên này.

Các bạn có biết không, Đức Phật nói như thợ làm cung lo chuốt tên, người học Phật như chúng ta là người thợ làm cái cung, phải chuốt cái tên để bắn đúng mục đích. Ta làm cung gì? Cung trí tuệ! Ta chuốt cái tên gì? Các bạn, cung trí tuệ cần phải chuốt cái tên ý thanh tịnh! Chúng ta phải mài, phải trau chuốt cái ý thanh tịnh như cái mũi tên, để cái ý thanh tịnh đó chứng ngộ và đạt được sự trí tuệ, thì mới trở thành người thợ cung của nhà Phật, giương cung trí tuệ, bắn đúng với cái mũi tên của ý thanh tịnh vào nơi mục đích ta mong muốn. Như người thuyền sư lo lái thuyền, ta là thuyền sư lái thuyền ngũ uẩn vượt qua sóng gió của bể khổ của cuộc đời để cập bến cập bờ giác ngộ. Phải có cái cung trí tuệ và phải có mũi tên ý thanh tịnh lái trên thuyền của ngũ uẩn vượt sóng khổ mà cập bờ giác ngộ.

Những điều này cần phải học, như chàng thanh niên kia, dù thấy mình có cái tư chất hay, học giỏi rồi đó, nhưng khi nhận ra người làm cung biết vuốt tên thẳng và hay, anh ta lại khiêm tốn cầu học. Học xong, biết tri ân, đền đáp vị thầy đó rồi mới ra đi. Ngược lại chúng ta, khi tò mò học được một chút gì thì vơ vét vào tưởng rằng hay lắm, chẳng biết tri ân các bậc thầy, chẳng biết tạ ơn các bậc thầy. Vội vàng xoay mặt làm ngơ và ra đi không một lời giã từ. Rồi mang kiến thức học đó, chưa trọn vẹn, chưa thành tựu, đã tưởng mình hay.

Chàng thanh niên kia chính vì cái tâm cầu đạo, nhận ra cái hay của mình, cầu học thêm nữa và thấy cái hay của người, rồi lại học, cho nên có nhân duyên gặp Phật. Và từ đó chúng ta phải ý thức rằng, ta phải học được của người làm cung, cung trí tuệ, tên ý thanh tịnh, là phải trở thành thuyền sư lái thuyền ngũ uẩn vượt sóng đau khổ của cuộc đời tới bờ giác ngộ, và phải trở thành người thợ mộc xây nhà pháp bảo cho Như Lai. Và muốn vậy, ta phải biết cưa biết đục. Cưa đục cái gì, các bạn? Cưa đục ba bức tường thành cố hữu trấn giữ nhiều đời, đó là bức tường của vô minh xây dựng trên nền tảng của tham – sân – si!

Các bạn! Cưa và đục nó đi! Đục được ba bức tường tham – sân – si, vuốt được cái tên ý thanh tịnh, làm được cung trí tuệ, dùng thuyền ngũ uẩn vượt sóng đau khổ cập bờ giác ngộ. Các bạn thấy chưa? Thì chúng ta mới chính thức là người Phật tử. Và có như vậy thì chúng ta đã là người trí điều phục được chính mình. Điều phục, điều phục cái gì? Điều phục được cái trí của chúng ta không lầm lẫn trong các pháp ác, để nó lộ sáng hiển minh, để nó thẳng ngay thanh tịnh. Điều phục được con thuyền ngũ uẩn, không tạo và đắm chìm trong ngũ dục để lướt sóng bể khổ cuộc đời cập bến an vui. Điều ngự cái gì? Điều ngự được tham – sân – si, chấp trược. Các bạn thấy chưa? Đây chính là người trí!

Anh thanh niên học được nghề làm cung chuốt tên, học được thành thuyền sư, học được thành thợ mộc nên gặp Phật nhắc nhở, anh ta không trở thành những con người bình thường, làm nghề bình thường mà trở thành người điều phục chính mình để trở thành bậc trí. Từ ấy mà anh ta đã được Phật khai thông: “Người có trí tuệ như tảng đá to lớn, gió dù có phong ba bão tố tràn ngập trong cuộc đời, thì tảng đá to lớn kia không hề động lay. Đó chính là người trí, cái tâm sẽ an định. Giữa dòng đời khen chê, miệt thị, đâm thọc, gian ác, không bao giờ họ đổi thay, vững như kiềng ba chân. Người trí tuệ như thế!”. Còn chúng ta học đạo, xưng xưng tự tự là người trí mà lời khen chê, gièm pha ở đời chỉ tháp ra một chút xíu thôi, là lung lay té ngửa. Từ miệng đã tuôn ra những lời khen chê, gièm pha, dối trá, hung ác.

Chúng ta phải nhớ rằng Đức Phật đã dạy anh chàng thanh niên kia người trí như hồ nước rất sâu, tĩnh lặng, sáng một màu, một màu trong suốt các bạn ơi! Để làm gì? Để người trí trong suốt cái tâm của mình như hồ nước tĩnh lặng đó, chỉ thích nghe đạo giải thoát mà tâm an định, hết mọi sầu não. Do vậy trong cuộc đời này, chúng ta ngày nay phát triển quá cao về kỹ thuật số, mạng lưới toàn cầu được thông suốt, ai cũng bỏ lên những bức tường mạng những thông tin họ muốn diễn đạt. Và hầu hết mọi thông tin thường vỗ ngực xưng tên: “Ta là người hay!”, ai cũng xem mình hay. Nhưng ai cũng xem mình hay lại tự cao, nên chẳng cầu học, chẳng tu sửa để trau dồi cho hay hơn nữa như chàng thanh niên kia. Nên suốt cuộc đời chúng ta khó có cơ hội được diện kiến ứng hóa thân của Phật, tiếp cận để dạy dỗ. Bởi tự cao, cái tính tự cao và xem mình hay đó, thường đi kèm theo là miệt thị, chê bai những người khác.

Hãy nhớ, Đức Phật đã hóa hiện dạy anh thanh niên này qua những bài kệ thật nhẹ nhàng: “Người làm cung thì lo chuốt tên, người thuyền sư lo lái thuyền, thợ mộc lo cưa đục, người trí điều phục tâm”. Điều phục mình, điều phục tâm, đó là người có trí tuệ. Và người điều phục được mình là người như hồ nước lắng đọng, biết bao dung, biết dung nhiếp, biết học hỏi, biết tiến lên để chuyển hóa tự thân của mình.

Hôm nay chúng ta học về bài học này để nhắc nhở cho mỗi người chúng ta, nếu sinh ra ở đời có phước báu, có kiến thức dưới bất cứ một dạng nào đi nữa, nhớ, hãy noi gương người thanh niên kia, phát hiện ra mình có cái tư chất đặc biệt, phải tinh tấn học. Vẫn kèm theo một chút ngạo nghễ đấy, là khoe khoang khen mình hay, nhưng vẫn luôn luôn đặt mình dưới sự tầm cầu cái mới lạ và nhiếp tâm học hỏi cho bằng được. Chính cái tâm cầu học như vậy đã đưa anh ta tới nhân duyên được Phật ứng hóa, diện kiến, truyền dạy.

Nhìn lại cuộc đời của Bảo Thành và các bạn, nhất định chúng ta không có nhiều, nhưng có một chút phần phước báu như anh thanh niên kia. Chúng ta đã khởi cái tâm cầu đạo giác ngộ từ muôn đời. Kiếp này nhân duyên đặc biệt, các bạn và Bảo Thành đồng tu với nhau. Qua Thiền Mật song tu, ta tiếp cận được ứng hóa thân của chư Phật, Bồ Tát qua mật điển từ bi và trí tuệ. Nếu như mỗi người chúng ta tiếp tục, tiếp tục học hỏi với cái tâm khiêm tốn và nguyện cầu đạo giải thoát, thì ứng hóa thân của tình yêu và trí tuệ của chư Phật ứng hóa trong thân tâm của chúng ta, sẽ là cơ hội cho chúng ta trở thành người làm cung, cung trí tuệ để vuốt cái tên ý thanh tịnh, nhằm đúng cái đích giải thoát, bắn thẳng vào đó không lệch lạc.

Chúng ta có phước báu tiếp cận với Thiền Mật song tu, đã có cung trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, đã có tên từ bi Mu A Mu Sa là ý thanh tịnh ấy. Các bạn ơi! Các bạn hãy cùng với Bảo Thành giương cung trí tuệ, bắn mũi tên từ bi thẳng vào cái đích giải thoát, thì chúng ta sẽ trở thành người thuyền sư biết lái thuyền ngũ uẩn. Biết lái thuyền ngũ uẩn vượt qua sóng gió nghìn trùng thử thách của cuộc đời để cập bến giác ngộ và chúng ta sẽ trở thành người thợ mộc có cái tuyệt kĩ biết cưa đục. Biết cưa đục những tảng đá, những tảng gỗ của tham – sân – si để không còn cản bước, chắn lối ta đi. Và đúng, chúng ta sẽ trở thành người có trí tuệ bởi điều phục được mình đó các bạn ơi!

Lúc đó, mỗi người chúng ta sẽ như một tảng đá lớn, tám ngọn gió chướng có thổi vào, nó cũng không bao giờ động lay. Bởi ta có trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, ta có tên từ bi Mu A Mu Sa, an định. Giữa dòng đời khen chê, ta chẳng bao giờ đổi thay. Ta, chúng ta sẽ như là hồ nước rất sâu, lắng đọng, trong suốt một màu giải thoát. Và chúng ta luôn đồng tu, thích nghe đạo giải thoát từng ngày từng ngày để tâm an định, hết sầu, hết não, hết khổ.

Nhận biết được phước báu sinh ra ở đời, cái tư chất đặc biệt của mỗi người, dù xuất thân, xuất thế không cần biết từ đâu, miệt mài tu học, có tâm cầu đạo giải thoát, tự lực phấn lên để rồi tương tác với tha lực của Phật. Nhất định mỗi người chúng ta xứng đáng là một phần thể nhập vào trí tuệ của Phật để xứng đáng đón nhận ứng hóa thân của Phật như anh chàng thanh niên kia trong kinh Pháp Cú nói qua.

Có xem mình hay đấy, nhưng vẫn khiêm tốn cầu đạo, cho nên đi tới đâu anh ta cũng cầu học, mà đã học là học cho tới chốn tới nơi. Còn chúng ta, không có tâm cầu đạo giải thoát, học thì học cho qua loa vậy thôi, biết một chữ, biết một câu là vỗ ình ịch ình ịch, phình bụng lên như con ễnh ương, che kín cả mặt trời.

Ôi, đó là căn bệnh mà mỗi người chúng ta – Bảo Thành và các bạn đã bị quá lâu rồi! Nay phải thành tâm sám hối, nhìn nhận tội lỗi ấy, để biết mình hay nhưng vẫn cầu đạo. Biết mình hay chẳng phải là tội, chẳng phải lỗi, xem mình hay chẳng phải là sai, nhưng nếu xem mình hay mà rồi không có tâm cầu học thêm khi nhận ra những điều đặc biệt khác, cái hay đó là cái dở. Nếu xem mình hay mà thấy người hay hơn mình như anh chàng kia thấy người vuốt tên, thấy người lái thuyền, thấy người thợ mộc đều cầu đạo và thấy Đức Phật điều phục được mình, liền quỳ xuống lạy Phật, chúng ta đã thấy được pháp môn Thiền Mật tu trí tuệ và từ bi mang lại sự lợi lạc như thế nào chưa?

Chúng ta đã trở thành người làm cung, mà cung đó không phải dày công đục đẽo, đã được Phật trao cung trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. Chúng ta không cần phải vuốt tên nữa, mà tên đã được Phật trao, tên đó là tên Mu A Mu Sa, tên từ bi. Có cung trí tuệ và tên từ bi, nhằm thẳng cái đích giải thoát, bắn một cái là vô ngay trung tâm điểm. Để từ đó chúng ta – mỗi người sẽ trở thành thuyền sư đệ nhất, lái thuyền ngũ uẩn vượt sóng khổ của cuộc đời cập bến an vui. Để từ đó chúng ta sẽ trở thành thợ mộc siêu xuất, có thể cưa đục được những tảng đá, những khúc gỗ tham – sân – si thành đúng cái hình thù lắp ghép thành tòa pháp bảo.

Chúng ta là người trí đó, biết điều phục chính mình! Nếu nhất tâm chánh niệm hơi thở thiền trí tuệ và từ bi, thì nhất định mỗi người sẽ tiếp cận được ứng hóa thân của Phật qua mật điển, qua tha lực.

Các bạn, đây là điều chắc chắn! Anh thanh niên kia đã đi để cầu học, vẫn mang cái ý khoe mình hay, vẫn có cái tâm cầu học. Bảo Thành và các bạn chắc có lẽ vẫn thích luôn luôn khoe rằng chúng ta hay lắm, bởi vì ai cũng xem mình hay mà. Nhưng cần phải có cái tâm nhìn nhận sự hay của người khác và luôn luôn nuôi dưỡng cái tâm cầu đạo, cầu học!

Do đó, nay chúng ta đã đi vào con đường Thiền Mật song tu, Thất Bảo Huyền Môn, tu trí tuệ và từ bi chánh niệm hơi thở, phải thật khiêm tốn các bạn ơi, phải có tâm cầu đạo và nhất định chúng ta sẽ như hồ nước thật sâu, trong suốt và tĩnh lặng một màu!

Đừng vỗ ngực xưng tên tự khen mình là hay mà quên đi rằng trời đất bao la, muôn sự hay ta chưa chạm vào đâu. Ứng hóa thân của Phật đã tới qua mật điển, qua tha lực, qua trí tuệ, qua từ bi, qua Thiền Mật song tu, hãy khiêm tốn đón nhận! Hay là điều tốt, cầu đạo trong cái hay của ta chính là điều tuyệt mỹ hơn!

Mời các bạn đặt bàn tay Trí Tuệ và Từ Bi vào với nhau!

Thưa Phật! Chúng con sinh ra trong kiếp người vốn đã có cái hay từ phước báu nơi tiền kiếp. Nay trở về với nguồn tâm, tu Trí Tuệ và Từ Bi để trở thành người làm cung biết chuốt tên Trí Tuệ – Từ Bi, để trở thành người thuyền sư biết lái thuyền ngũ uẩn cập bến giác, để trở thành người thợ mộc biết cưa đục tham – sân – si, để trở thành người trí điều phục được chính mình.

Xin chư Phật gia trì cho chúng con tinh tấn tu học để có thể cúi mình đảnh lễ, diện kiến hóa thân chư Phật qua mật điển Trí Tuệ – Từ Bi Thiền Mật song tu!

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức!

Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con hôm nay nếu tạo ra được chút phước báu nào, nguyện một lòng hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn