Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Phước biên tập
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi!
Hôm nay thứ hai đầu tuần, đúng vào giờ đồng tu như mọi ngày, Bảo Thành bận rộn phải đi công chuyện cho Phật sự, nên đồng tu hôm nay sớm trước 02 tiếng. Chút nữa sẽ phát lại cho các bạn cùng đồng tu với nhau.
Giờ đây mời các bạn đồng quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu!
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.
Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho muôn loài chúng sanh và gia trì cho chúng con Chánh Niệm hơi thở, quán chiếu để thấy rõ các pháp là Vô Thường sanh diệt, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng đồng hồi hướng cho quê hương Việt Nam của chúng con và toàn thế giới mau thoát cảnh đại dịch. Thành tâm hồi hướng cho chư vị hương linh luôn theo thiện nghiệp của mình mà tái sanh cảnh thiện lành. Nguyện hồi hướng cho tất cả những Phật tử, những người thân đang lâm trọng bệnh thấy rõ thân tướng vô thường này để tâm được an lạc. Xin Chư Phật chứng minh!
Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái; bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ, tay trái tượng trưng cho Từ Bi! Luôn lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình thương yêu thương. Khi hít vào thở ra quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú, mỗi người chúng ta thanh tịnh tâm ý của mình. Với lòng thành kính và chân thật, nhất định sẽ đón nhận được thật nhiều năng lượng của Chư Phật gắn kết với chúng ta. Ta luôn nghĩ đến các bậc sinh thành, đến gia đình, xã hội, cộng đồng, bạn bè, nhân loại. Nguyện mang năng lượng vi diệu của Chư Phật mà ta đón nhận được rải tới muôn người.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
(13:19) Các bạn thân mến! Chủ đề hôm nay “Không Nhất Thiết Phải Cầu Kỳ”. Trong Phật giáo và tất cả mọi tôn giáo thời nay đã dần dần đi vào sự sinh hoạt thường nhật của con người. Văn hóa tôn giáo, văn hóa truyền thống, văn hóa mà mỗi người chúng ta nhìn thấy trong sinh hoạt Phật giáo hoặc tôn giáo cần phải có, ta đưa dần vào, tạo thêm những sắc thái gọi là trang nghiêm, đẹp, phù hợp với nhãn quan của con người.
Truyền thống đó cứ đi từ đời này qua đời kia theo chiều hướng tăng dần. Tăng nhiều lắm! Và mỗi một ngôi chùa trung tâm thờ phượng của các tôn giáo ta tới, dần dần có thêm những sắc thái của cái nhìn trong từng thời đại khác nhau. Nếu các bạn để ý, từng ngôi chùa, thiền thất, tịnh thất ta đi qua, dấu ấn đặc sắc là cách trang hoàng của các ngôi chùa. Và đó là truyền thống mà các bạn, cái nhìn của con người hài lòng với sự trang điểm hoặc trang trí bên trong, bên ngoài của ngôi chùa nơi thiền viện, tịnh xá.
Nhưng điều đó hoàn toàn không sai, bởi những nơi ta tôn thờ Phật, ta mang cái đẹp nhất của sự cảm nhận nơi người dân địa phương, nơi các bậc Thầy hoặc các Sư Cô trụ trì đặt để vào đó để làm cho các Phật tử khi tới chùa, mọi người tới chùa nương vào pháp khí, pháp tượng đó, cảnh quan của ngôi chùa đó để làm cho tâm của chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng hoặc dễ tiếp cận hơn với lời của Đức Phật.
Hôm nay Bảo Thành không nói đến nhiều sự khác biệt trong sinh hoạt Phật giáo mà nói đến sự sinh hoạt của tầng lớp Phật tử bận rộn có thể gọi là công nhân hay nông dân hoặc có thể gọi là những người rất bình thường, bận rộn nhiều khi 07 ngày một tuần, sáng đến tối mới có chút sự nghỉ ngơi. Nếu như nói cuối tuần là để nghỉ ngơi từ thứ bảy và chủ nhật thì ít lắm, những ngày gọi là cuối tuần ta cũng cứ loay hoay, xoay mãi.
Người công nhân ở Việt Nam ngày nay, tất cả các hãng xưởng đều nhận các bạn đi làm ít nhất là 06 ngày 01 tuần, ngoại trừ những người làm văn phòng thì có thể là 05 ngày. Với cái thời lượng của cuộc sống, sự sinh hoạt tăng dần, nhưng thời gian đi làm cũng tăng dần theo nhịp độ đó để cuộc đời của chúng ta giảm dần sự quan tâm đến với chính mình, ngoài vấn đề lo lắng cho cuộc đời cần có tiền bạc; đây là điều rất cần cho đời sống để bảo vệ được những sinh hoạt tối thiểu trong các nhà trọ hoặc nơi những người sống rất bình dân.
Nếu như vậy thì hỏi rằng: “Còn thời gian nào cho chúng ta học Phật pháp, tu Phật pháp?”. Có, nhưng rất mệt mỏi và khó sắp xếp! Bởi bánh xe của cuộc đời vần xoay trong những nẻo đường cần phải làm, cần phải can qua cho sự sống hiện tại quá rắc rối, khó có thể nhìn thấy. Bởi ta không thể làm chủ được cuộc sống nhiều như thuở xưa, ta lệ thuộc vào công ăn việc làm, xã hội, con cái, vợ chồng, sinh hoạt đủ thứ.
Nay nói như vậy để chúng ta thấy rằng dù rất bận rộn nhưng chúng ta lại mang cái khuôn mẫu của những sắc thái cầu kỳ sinh hoạt Phật giáo vào trong đời sống của chúng ta, để rồi thấy rằng những sinh hoạt cầu kỳ đó mới là con đường đi tới sự giải thoát, thì chúng ta đã lầm. Bởi những sinh hoạt đó sẽ đưa chúng ta tới sự rắc rối hơn.
Đơn giản thôi các bạn! Ngày lễ theo dân tộc của ta hoặc theo phong tục của người Việt ta, ảnh hưởng lâu đời từ người Trung Hoa, nói đến vấn đề cúng ông Táo thôi, thì ta đã được đọc, được ghi, sách vở chép rằng ta phải cúng như thế nào, hình thức như thế nào mới gọi là linh thiêng. Để từ đó người ta chế tác ra nhiều cái văn bản cúng kiếng ông Táo, chú trọng quá nhiều về vấn đề đồ cúng và cách trang trí. Rồi các nghi lễ đưa ra, lễ này phải cúng như vầy, có đủ đồ ăn như vầy, thậm chí mà có những cái lễ được ghi trong Kinh rằng đồ ăn cúng là phải trăm món, cả hàng trăm món. Rồi ngôi chùa mà nếu được gọi là ngôi chùa là phải như vầy, phải có mái cong như người Việt, phải có rồng, có rắn, có phụng, có tứ linh hiện tiền đầy đủ. Trang trí bên ngoài phải giống với chùa theo hình ảnh của dân tộc Việt, nhưng phải khác bởi giống các dân tộc khác thì người ta gọi là copy (sao chép). Chùa Việt phải có cái đẹp của nét văn hóa Việt.
Từ đó mà sự tu tập của chúng ta bị đồng hóa với những sự cầu kỳ thêm, phóng tác của mỗi một địa phương xứ sở, của mỗi một sự cảm nhận khác biệt của con người, nó đa dạng quá và rồi ta dần quên đi rằng cái đó chỉ là sự trang trí. Nhưng trong đầu lại cứ tưởng rằng đó mới là sự cốt lõi của Phật giáo. Vậy nên các bạn công nhân, nông dân, tầng lớp bình thường như Bảo Thành và các bạn đồng tu đây, khó thấy rằng mình có thể thích hợp với khung thời gian và khung cảnh để tu, bởi bận rộn quá.
Bảo Thành hôm nay không đả phá sự cầu kỳ trong các sự trang điểm, tôn trí của những hình thức văn hóa tôn giáo, đặc biệt là của Phật giáo. Những điều đó đều tốt đẹp bởi sự tôn trí đó đều nhằm mục đích đưa chúng ta tới sự tự tại an nhiên theo khái niệm nhìn về tướng học, về số học, về nhân quan học của mỗi một dân tộc. Cho nên, thôi, điều đó đẹp. Nhưng nói để chúng ta thấy rằng nếu các bạn là công nhân, nông dân, là những người bình thường như Bảo Thành thì đừng bao giờ nghĩ rằng những khuôn mẫu Phật giáo như vậy mới là điều cốt lõi. Đó chỉ là hình tướng bên ngoài mà nhà Phật gọi là tượng pháp. Còn tâm pháp rất quan trọng!
Đừng nghĩ rằng thời Đức Phật không có chùa. Đức Phật đã lập ra chùa, một cái chùa lớn mà có lẽ ngày nay không có cái chùa nào mà có đất lớn, đẹp như vậy, một địa thế đẹp tuyệt vời mà không ai bây giờ ta có thể nhận thấy cái địa thế đẹp như thời xưa Đức Phật có ở ngôi chùa Kỳ Viên. Vì sao đẹp? Bởi vì đất đó là đất của thái tử Kỳ Đà, của một vị thái tử trong cung đình, trong khu rừng yên, đẹp, rộng mênh mông, hợp tác với ông Cấp Cô Độc, đồng hồi hướng cúng dường cho Phật để thành lập ngôi chùa Kỳ Viên.
Khi nói đến ngôi chùa Kỳ Viên hay tịnh xá Kỳ Viên, hai chữ khác nhau nhưng nói tới cái nơi mà Đức Phật cư trú để giảng pháp, dạy giỗ Tăng chúng cũng như Phật tử thời đó. Nói như vậy ta liên tưởng: “Ôi, nếu đất đẹp như vậy mà Thái Tử cúng dường thì ngôi chùa có lẽ là hoành tráng, đẹp lắm!” thì ta đã quên hình hài của Thế Tôn ngày xưa, cho nên mới nghĩ như vậy. Thật ra Thế Tôn rất đơn giản, nếu chúng ta mà đi theo Kinh diễn tả để mường tượng lên hình hài của Thế Tôn thuở đó là một con người đơn giản, đắp lên cái y rất bình thường với màu sắc tối ít ai muốn, gọi là hoại sắc. Rồi với đôi chân trần với cái bình bát nhẹ nhàng đi. Nếu ngồi cũng chẳng có cái pháp tòa như Bảo Thành đây ngồi trong chánh điện Tổ Đình Chùa Xá Lợi còn có tọa cụ ngồi xuống trên thảm. Các bạn nhìn trên màn ảnh, Bảo Thành đang ngồi trên cái tọa cụ ngay trong chánh điện Chùa Xá Lợi nhưng mà có thảm, Đức Phật hồi xưa Ngài ngồi trên cái pháp tòa gọi cho nó sang trọng nhưng nếu đúng nghĩa là ngồi trên một chỗ tương đối cao do các đệ tử sắp xếp và đặt ở đó những lớp rơm bện lại.
Người Việt ta hồi xưa vẫn dùng những gối rơm, mái tranh hoặc mái rơm cho nhà, tường rơm, tường tranh. Đức Phật hồi xưa đơn giản như vậy đó, và gọi là ngôi chùa chứ thật ra chỉ là nơi có thể tập trung cho chư Tăng ở đó ổn định. Như là Tăng xá thì chắc có lẽ chỉ là những cái lều nhỏ mà thôi, chỗ Đức Phật ở cũng chỉ là một cái chòi để tập trung nghe Phật giảng dạy trong những lúc cần thiết, còn không thì Ngài cũng đi chỗ này chỗ kia để độ chúng.
Hình ảnh đó, ta thấy rằng ngay từ thuở ban đầu rất chân thật, rất chân chất, không cầu kỳ màu sắc. Mà các bạn nhớ, thời đó Bà La Môn và người Ấn Độ, người ta đã phát hiện ra muôn hình vạn trạng của những màu sắc khác biệt trong tôn giáo. Họ thích mặc áo màu mè rồi trét đủ mọi màu sắc ở trên mặt. Đó là phong hóa dân tộc của họ. Đức Phật hiện thân trong cuộc đời lúc đó với phong thái nhẹ nhàng, bình dân, Ngài chẳng mang những sắc tướng đó của tôn giáo Bà La Môn để đặt làm nền tảng chú trọng trên con đường tu, mà Ngài lấy cái tâm. Cho nên suốt cuộc đời Ngài giảng, rất giản dị chỗ ăn, chỗ ở, chỗ sống, chỗ tu, giản dị đến mức mà ta không thể tưởng tượng được là bởi vì cứ 03 ngày, Ngài lại dời đi một chỗ khác, chỗ Ngài ở chỉ là một gốc cây để trú mưa, trú nắng, rồi tiếp tục kinh hành giảng pháp cho chúng sanh.
Ta nói như vậy để thấy rằng Đức Phật không đả phá những cái hình thức cầu kỳ văn hóa của con người trong từng thời đại. Nhưng đối với đời sống thân giáo của Đức Phật thì những sự cầu kỳ về văn hóa như cúng kiếng màu sắc, như là đốt vàng mã – đó cũng là thể loại văn hóa, nó nằm ở trong niềm tin của từng con người, từng nhóm người theo truyền thống, hay như đốt hương, xông hương, xông khói thơm, xông trầm hương các thứ đó, Ngài không đả phá nhưng Ngài thấy những cái như vậy không nhất thiết phải đi vào con đường đó, bởi đó chỉ là tượng pháp, tướng pháp theo văn hóa dân tộc từng thời gian của lịch sử kiến tạo lên để tô điểm cho những gì họ chưa hiểu thấu, còn đối với Đức Phật thì bình dị, bình thường, đi thẳng vào cái tâm.
Cho nên đối với các bạn công nhân hoặc nông dân hoặc những người bình thường như Bảo Thành và các bạn đồng tu, ta nhớ rằng Đức Phật không phá, không đả, nhưng nói với chúng ta bằng cả đời sống của Ngài. Mọi sự cầu kỳ trang hoàng về tướng pháp, về văn hóa dân tộc của tôn giáo trong các ngôi chùa sinh hoạt Phật giáo hoặc những ngôi tịnh thất, những nơi thờ Phật đều không nhất thiết. Có cũng được, không có cũng được, nhưng có một điều cần phải có trên con đường tu tập Phật giáo thoát khỏi đau khổ luân hồi mà sự cần thiết đó luôn luôn hiện hữu ngay trong cuộc đời của ta, không nằm ở bên ngoài. Vậy nên đi chỗ nào, hoàn cảnh nào, bạn cũng tu được và bạn đều chứng đắc được bởi mọi hiện tượng đang xảy ra chung quanh bạn đều là nhân duyên và điều kiện để bạn tu.
Có mười điều mà Đức Phật dạy là mười điều lành hay nhà Phật, cái ngôn ngữ gọi là thập thiện, tức là mười việc thiện ta cần phải làm. Nhưng thật ra mười việc thiện đó là những việc ta không nên làm. Không nên làm nhưng mà là làm. Hay lắm! Điều đó nó được khẳng định thật rõ trong Phật giáo của chúng ta là tất cả mọi bất thiện nghiệp hoặc là thiện nghiệp, những cái gọi là phước đức, công đức hay là tai họa, xui xẻo theo nhân quả đều tác khởi từ thân, ngôn ngữ và tư tưởng. Không nằm ở bên ngoài, chẳng nằm ở đâu xa!
Nhân quả thiện ác tới từ thân – ngữ – ý! Nhân quả thiện ác tới từ thân – ngữ – ý! Nhân quả thiện ác không tới từ chùa, không tới từ những cách trang điểm cầu kỳ theo văn hóa, phong hóa của từng dân tộc mỗi một thời đại, nhưng tới từ thân – ngữ – ý chạy dài theo suốt vô lượng kiếp của con người và chúng sanh. Thời nào cũng tới từ chỗ đó, phước báu, tai họa, thiện nghiệp, ác nghiệp đều tới từ thân – ngữ – ý. Vậy chúng ta – những người công nhân hay những người nông dân, những người lao động bình thường trong cuộc sống này, ta tu là không bị ràng buộc, lôi kéo vào sự cầu kỳ trong văn hóa trang điểm của tôn giáo dưới các hình thức, các nghi thức, dưới các pháp khí, tôn tượng hay dưới các hình thức văn hóa dâng hương, lễ bái, quỳ lạy, chuông mõ. Tất cả những điều đó là để giúp cho chúng ta nhất tâm lại, không tán loạn tâm mà thôi. Nhưng nếu chúng ta không hiểu thấu thì chúng ta sẽ bị loạn tâm.
Nếu các bạn vô những nơi mà ngày nay Bảo Thành sống bên Mỹ, ngôi chùa này, thường thường ở bên này có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông nên chùa ở bên này tường đều thật là kín để giữ hơi lạnh và hơi ấm trong từng mùa. Nếu đốt nhang nhiều ở trong chùa, khói mịt mù, dễ gây bệnh và Bảo Thành bị dị ứng cho nên đốt nhang trong chùa sẽ bị dị ứng, đau phổi, ho, chảy nước mắt, chảy nước mũi. Và hiện thời bây giờ tại nơi Bảo Thành trú xứ này sinh hoạt, Bảo Thành không đốt nhang nữa. Có để một bình hương lớn ở bên ngoài, ai muốn đốt nhang theo truyền thống thì ra ngoài đốt, còn ở trong chánh điện thì giảm tối thiểu tới mức tối thiểu để không gây ra bệnh. Như vậy đối với nhang đèn cũng là điều không cần thiết nữa. Bởi đèn đốt ở đây nếu mà sơ ý, muỗi mòng hoặc cái gì rớt xuống, bất cẩn không tắt đi, nó có thể cháy nhà, cháy chùa. Cho nên đối với những cái gọi là cần phải có trong một ngôi chùa hình như đã thuyên giảm dần tùy theo nơi trú xứ mình ở, ta thấy đó không cần thiết.
Nay trở về với vấn đề của những người bận rộn, sự cần thiết trên con đường tu là tu từ thân – ngữ – ý. Mười điều thiện tức là mười điều các bạn không nên làm đã tạo được thiện phước vô cùng rồi. Mười điều đó cũng tới từ thân – ngữ – ý. Chẳng cầu kỳ gì đâu các bạn ơi! Các bạn mang cái thước đo có 10 số, từ số 01 đến số 10. Trong dân gian thường hay có một cái thước mà người làm ăn hay người sống theo văn hóa truyền thống lâu đời của Trung Hoa ta bị ảnh hưởng, đó gọi là thước mà hình như bạn nào cũng từng nghe qua, có bạn nghe qua mà chưa biết, ngày nay đọc thì thấy thích thú dữ lắm bởi vì cái văn chương triết lý của họ hình như nó khích thích sự ham muốn tài lộc của chúng ta. Cho nên con người mà nói đến cung tài lộc thì sướng và mê. Cho nên cái thước đó thường dùng trong xây dựng nhà cửa và định hình phương hướng gọi là thước Lỗ Ban.
Thước Lỗ Ban hình như quen thuộc lắm! Không những thế chỉ trong dân gian đâu, mà ngay trong chùa chiền, quý Thầy vẫn dùng thước Lỗ Ban làm cửa, định phương, định hướng, chứ không dùng cái thước 10 số gọi là gọi là thước thiện nghiệp, Thập Thiện. Không dùng cái thước Mười Điều Lành để đo mười điều lành, mười điều thiện, nhưng dùng thước Lỗ Ban để cửa cắt cho đúng, hướng cho đúng để cung tài lộc nó tràn vào như nước lũ, vậy nó mới sướng. Cách tin này không hẳn chỉ có Phật giáo Đại Thừa mà mỗi một nền Phật giáo trong từng đất nước hiện có Phật giáo đều ảnh hưởng của cái ý nghĩa rằng thờ Phật hoặc thờ các tôn tượng, các hình thức thường dùng ở các mức độ cung tài lộc.
Điểm sơ qua để cho chúng ta thấy trong Phật giáo Nguyên Thủy, ta cứ tưởng rằng (mình nói đây là nói đến hàng Phật tử tới chùa) là thờ Phật, thích tiếp cận với những bậc đại trí thức như Ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, A Nan, Phú Lâu Na; người ta thích tới chùa và thờ lạy một vị gọi là Ngài Sivali tại vì Ngài Sivali là Ngài tượng trưng cho cung lộc, cung phước. Cho nên mọi người tới chùa trong các truyền thống Nguyên Thủy thường tới thờ lạy, gần gũi với Ngài Sivali, để làm gì? Để hưởng phước! Và cung lộc đó tới từ Ngài Sivali.
Phật giáo Đại Thừa, các nền Phật giáo khác, nhất là Phật giáo Tây Tạng cũng có những nền văn hóa là làm sao cho vàng bạc, cung phúc lộc đầy đủ nên bắt đầu có những hình tướng hoặc có những sự tu tập chú trọng để có tiền, có lộc, có tài, có phước – phước về nhân thiên, giàu có, danh vọng địa vị, nhà cửa ăn uống. Những điều đó là niềm tin và sự thực hành của những người căn cơ phù hợp, nhưng đối với người bình dân của chúng ta, đối với tất cả mọi người trong mọi giới của xã hội ngày xưa cũng như ngày nay, Đức Phật thấy rằng phù hợp với tất cả mọi người nếu như khi xây ngôi nhà tâm linh, ngôi chùa tâm linh, xây con đường thành tựu trong cuộc sống này biết dùng bằng thước Thập Thiện, tức là Mười Điều Lành.
Cái thước này có 10 số và mỗi một số đều chỉ thật rõ ràng cho chúng ta là không nên làm. Bởi khi chúng ta hành những điều đó, nó tổn phước báu, nó tạo ra tai họa, xui xẻo và luân hồi đau khổ, chẳng thành tựu được điều gì, cho nên không nên làm như là làm việc thiện. Mười pháp thiện tức là mười điều không nên làm từ ngay thân – ngữ – ý này mà thôi. Nếu bạn chỉ cần ứng dụng được điều đó trong cuộc sống mọi nơi mọi lúc ở mọi hoàn cảnh, bạn đã là người chứng đắc sự an tịnh lành thay và phước báu đầy đủ trong cuộc đời rồi. Không cần thiết phải cầu kỳ trong các nghi thức tế tụng, cúng kiếng, xông hương, xông khói hoặc là những lễ đàn lớn, trang trí như thế này như thế kia, quỳ xuống để lạy để được phước đâu. Bởi mọi nghiệp đều tới, nghiệp thiện, nghiệp ác đều tới từ thân – ngữ – ý thì ta tu ngay chỗ đó!
Vậy thì cái thước Mười Điều Lành đó là gì? Cái số 01 tức là không sát sanh. Nếu bạn không sát sanh tức là bạn đã làm được phước báu vô lượng rồi! Nó đơn giản đến mức mà đôi khi chúng ta không để ý, rồi quy nạp Phật giáo là phải như vầy phải như kia, chứ con đường của Đức Phật chỉ trong mười điều thiện này, mang cái thước đo 10 số: số 01 là không sát sanh, số 02 là không trộm cắp, số 03 là không tà dâm. Ba số đầu này tới từ cái gì? Từ cái thân nghiệp!
Các bạn thấy không, mọi nghiệp ác, nghiệp thiện đều sinh ra từ thân – ngữ – ý thì cái thân này có ba nghiệp thường tạo mà Phật dạy nếu chúng ta không làm những điều đó thì đã là hành được điều thiện, có phước báu vô lượng. Thứ nhất không sát sanh, thứ hai không trộm cắp, thứ ba không tà dâm. Ba số đầu này nó ngay ở trong cái thân này. Bạn ở nhà cao, nhà lầu hay ở trong gác trọ hay lều tranh hoặc nằm vất vưởng trên lề đường thì ba con số này vẫn tới ngay chỗ bạn ở cái thân này; sát sanh, trộm cắp và tà dâm. Bạn là vua, là quan, là tướng, là bần nông, là công nhân, nông dân, là người không có chức vị gì trong xã hội, là người hoàn toàn không có một thứ gì nữa, thì bạn cũng luôn luôn có ở cái thân này ba điều không nên làm, ngăn chặn, đó là không sát sanh, trộm cắp và tà dâm. Tu ngay chỗ đó thôi. Bạn không sát sanh, bạn không trộm cắp, bạn không tà dâm thì cái thân này hưởng được phước báu, phước báu đó giúp cho bạn có thọ mạng dài lâu, thân không bệnh tật và luôn luôn mạnh khỏe, thân an. Tu chỉ có ba điều như vậy thôi đã đủ, đơn giản lắm!
Vậy thì Phật tử tại gia, công nhân và nông dân, người bình thường, chúng ta tu như vậy thôi là đã phước báu rồi! Đừng sát sanh, đừng trộm cắp, đừng tà dâm thì thọ mạng dài lâu, không có bệnh hoạn nhiều, không có bị xui xẻo như bị thương, bị những chuyện này chuyện kia tạo ra những bệnh dài lâu, lo lắng, sợ hãi, mất của. Người hay mất của hay bị người khác lừa gạt, nếu như không trộm cắp thì sẽ không bao giờ mất của, mình không bị người khác lừa gạt. Người hay bị bệnh, thọ mạng ngắn ngủi, nếu như không sát sanh sẽ giảm được điều đó. Người không tà dâm thì thân tướng đoan trang, đi tới đâu ai cũng thương, cũng mến. Ba điều này thôi, nếu chúng ta không làm, hành được tức là không làm, không tác động, không để nó chi phối thì đã là tu cái thân rồi.
Có bốn điều từ cái miệng này. Thước đo Mười Điều Thiện có đến mười cái mà Bảo Thành vừa nói đến ba cái rồi – là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, điều thứ tư là không nói dối nó đến từ miệng. Lúc nãy nói về thân có 03 phần, miệng có 04 phần: không nói dối, không nói thêu dệt, không nói đâm thọc, không nói thô ác. Miệng này có bốn nghiệp: nói dối, nói thêu dệt, nói thêm nói bớt, nói đâm thọc là đâm bị thóc thọc bị gạo, nói thô ác là nói những lời ác đay nghiến, chì chiết.
Nói dối không hẳn rằng bạn tạo chuyện đâu, mà nói dối ngay cả ở chỗ bạn không thấy rõ, không hiểu rõ, không biết mà bạn cứ nói như thật, nói như Thánh nói, nói như Thánh phán thì đó là nói dối. Nói thêu dệt là không biết có chút xíu thôi mà, thêu lên cho nó hay như một câu chuyện cổ tích. Nói thêm nói bớt, nói thêu nói dệt, những chuyện này xảy ra hàng ngày từng giây từng phút trong cuộc sống. Nói đâm thọc, nói để cho người ta thương thêm, nói để cho người ta ghét thêm. Nói thô ác, nói để cho người ta giận tím mặt lăn đùng ra chết luôn. Cái đó có!
Bốn cách nói này là 04 số đo để giúp cho cái khẩu, ý của chúng ta thanh tịnh. Cái khẩu thanh tịnh thì lời Kinh tiếng kệ của Phật ta đọc mới có hiệu nghiệm. Còn nếu cái khẩu này vẫn còn nói dối, nói thêm nói bớt, nói đâm nói thọc, nói thô ác thì những lời Kinh của Phật bạn đọc, bạn tụng không có, không có, không có được như điều bạn mong muốn, không có tác dụng.
Đó là 07 số rồi! Nói đến 03 số cuối cùng thuộc về tâm, tức là tâm tham, tâm sân và tâm si mê. Nay nói đến cái thước Thập Thiện này, Mười Điều Lành này còn cao quý và đặc biệt hơn thước Lỗ Ban. Các Thầy, các Cô, các bạn ở trong dân gian vẫn thường dùng thước Lỗ Ban để xây dựng chùa chiền, nhà cửa, phương hướng, cửa, để tăng trưởng cung tài lộc, cái đó đều gọi là Tà kiến. Tà kiến là nghĩ sai, nếu càng ứng dụng thì càng tạo ra chướng ngại trên con đường tu và chướng ngại trên con đường phước báu nhân thiên của chính mình. Chỉ có cái thước Thập Thiện, thước Mười Điều Lành mới là thước đo chuẩn mực nhất mà chính Đức Phật đã trao thuyền cái pháp ấn Thập Thiện, Mười Điều Lành đó để cho mỗi người chúng ta trong mọi tình huống, có được ngôi Tam Bảo đơn sơ thuần chất Phật thanh tịnh ở trong cuộc đời, có thể thành tựu được tất cả.
Cho nên sự tu ở đời không cần phải nhất thiết cầu kỳ, trang hoàng hình tướng ở bên ngoài. Chúng ta tu, vậy mà cứ tham cái thước Lỗ Ban. Ta tu mà cứ quỳ lạy Ngài Sivali cung lộc, tài lộc chứ ta không tới với những bậc đại trí như Văn Thù Sư Lợi, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, A Nan Đà, Phú Lâu Na, những bậc có trí tuệ hoặc những người mà chúng ta thấy rằng thiện tri thức trong cuộc đời ta gặp được, hoặc những bậc có đạo hạnh như Ngài Phổ Hiền, Quan Thế Âm, Ngài Đại Thế Chí, Ngài Địa Tạng. Chúng ta cứ lần mò sáu nẻo luân hồi với cái cung làm sao cho có tiền để rồi giương cái cung lên, bắn chết đối tượng để thâu nạp tiền tài về cho mình. Đối tượng mà ta giết chết đó, chính là chính ta. Ba điều đó thể hiện sự tham, sân và si trong ý!
Nếu bạn không tham, chứ đừng nói tới chuyện mà có thể bố thí nha các bạn, không tham thôi, không sân và không si thôi. Nhắc lại cái thước đo Thập Thiện là gì? Là không sát sanh, không nha các bạn ơi, chứ chưa nói đến phóng sanh. Nếu bạn không sát sanh mà bạn phóng sanh nữa thì thôi phước báu vô lượng, nhưng nay chỉ nói chữ “không” thôi. Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không nói thêu dệt, không nói đâm thọc, không nói thô ác, không tham, không sân và không si. Mười điều không! Chúng ta đi đường, người ta nói không được quẹo phải thì ta đừng quẹo phải. Người ta nói đèn đỏ phải dừng, không được chạy qua, ta phải dừng. Cái thước đo Thập Thiện là không được vượt qua, thì phước báu vô lượng. Như trên trục giao lộ cuộc đời, giao thông của cuộc đời tuân thủ theo những cái quy luật giao thông thì ta được an toàn cho ta và cho mọi người đang di chuyển trên trục lộ đó, mười cái thước đo của mười điều lành này nói đến không, tức là ta không nên vượt qua, dừng lại ở đó thôi, thì tạo được phước báu vô lượng, an toàn cho cuộc sống của chúng ta và cuộc sống của muôn người. Tu chính là ở chỗ đó. Không nhất thiết phải, không nhất thiết phải trang trí cho mình một bàn thờ Phật!
Nhiều khi ở trong phòng trọ, các bạn làm sao có chỗ trang nghiêm đâu, có một phòng có nhà bếp, nhà vệ sinh, phòng đó đôi khi vừa là phòng khách vừa là phòng ngủ, tìm đâu ra chỗ trang điểm, trang thờ Phật. Nói thật ra nếu có đặt được bàn Phật, bàn hương thì nó cũng lộn xộn trong phòng đó. Nhưng chúng ta tốn quá nhiều thời gian cầu kỳ cho vấn đề đó, thậm chí còn tốn tiền và còn phải theo những người này mặc định chỗ thờ Phật phải như vầy phải như kia và rồi ta cứ tạo nên những cái pháp tướng không cần thiết, quá cầu kỳ. Trở về ngôi chùa tự thân như vườn Kỳ Viên mà ông Cấp Cô Độc và thái tử Kỳ Đà tặng cho Phật, mà ngày nay Phật trao lại cho chúng ta là sự hồn nhiên của tự tánh, là sự thiên nhiên của Phật tánh. Không cần một cái tướng nào hết. Chỉ cần không mười điều: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không nói thêu dệt, không nói đâm thọc, không nói thô ác, không tham, không sân, không si – cái thước Thập Thiện này, cái thước Mười Điều Lành này mà các bạn đo được ngay trong cuộc đời từ thân – ngữ – ý từng giây từng phút, từng sinh hoạt của bạn thì bạn là người đã trưởng thành trên con đường tu tập tâm linh, bạn có phước báu vô lượng!
Hôm nay nói đến chủ đề “Không Nhất Thiết Phải Cầu Kỳ”, ta không đả phá, nhưng ít nhất trong cuộc sống của chúng ta, đối với hoàn cảnh của chúng ta – những con người bình thường, đừng chạy và đeo đuổi theo sự cầu kỳ quá đáng để đánh mất thời gian. Bởi vì thời gian là vô thường, vạn pháp là vô thường sanh diệt tới rồi đi. Ngay trong Chánh Niệm hơi thở, ta tập trung giữ đúng Mười Điều Thiện này, thước đo Mười Điều Thiện này, làm tiêu chuẩn gương mẫu cho đời sống, thì bạn đang thành tựu được pháp an lạc ở trong mọi hoàn cảnh, mọi thời gian, mọi ngữ cảnh, mọi không gian. An vui vô cùng!
Hãy đặt bàn tay Trí Tuệ và bàn tay Từ Bi với nhau!
Thưa Phật! Chúng con phát nguyện từ đây không dùng thước Lỗ Ban để đo cửa, đo nhà, định vị phương hướng bởi đó là Tà kiến tạo ra nghiệp vô số, tổn hại phước báu. Chúng con sẽ dùng thước đo Thập Thiện, Mười Điều Lành để đo Thân – Ngữ – Ý của mình trong từng giây phút ở mọi nơi đang sống. Chúng con nguyện không sát sanh, chúng con nguyện không trộm cắp, không tà dâm. Chúng con nguyện không nói dối, nói thêu dệt, nói đâm thọc, nói thô ác. Chúng con nguyện không tham, không sân và không si. Nguyện xin Chư Phật gia trì để từng giây phút Chánh Niệm hơi thở, tu Thiền Mật song tu, thiền Trí Tuệ và Từ Bi, chúng con hành được thước đo của Mười Điều Thiện này.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Hồi hướng:
Chúng ta hãy hồi hướng công đức!
Chúng con nguyện hồi hướng công đức ngày hôm nay trong đồng tu nếu có, tới mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.