Search

Bài 2050: Lầy Lội Quá Đi | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Hồng Nghĩa bút ký

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chùa Xá Lợi!

Xin mời mọi người chúng ta hãy quy ngưỡng về với Phật để chúng ta bắt đầu buổi đồng tu hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng con và gia trì cho chúng con có đầy đủ trí tuệ để quán chiếu vạn pháp Vô Thường sanh – diệt trong từng sát na, vạn pháp là Khổ, Vô Ngã và Niết Bàn.

Mời các bạn hãy đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi.

Tất cả các Pháp Chư Phật truyền dạy tùy theo nhân duyên và căn cơ của mỗi chúng sanh, các Pháp đó là phương tiện để đánh thức chúng ta. Pháp môn nào cũng phải bắt nguồn từ năng lượng từ bi và trí tuệ, Thiền Mật song tu trong Chánh Niệm hơi thở, mỗi người chúng ta thể nhập vào năng lượng từ bi của Phật qua chân ngôn Mu A Mu Sa và thắp sáng đuốc tuệ tự tâm bằng Phật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, trí tuệ bừng sáng, năng lượng tràn đầy, Chánh Niệm trong hơi thở, ta quán chiếu thân tâm của chúng ta trong từng giây phút, từng sát na, ta nhớ đến tất cả những người trong gia đình, đặc biệt là hai đấng sinh thành, vợ chồng, người thân, nhớ đến tất cả những chúng sanh đang hiện hữu trong cuộc đời. Hãy chân thành rải năng lượng từ bi mà Chư Phật ban rải xuống cho chúng ta tới với mọi người.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ, hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Mô Phật! Các bạn thân mến! Nếu như mỗi một sớm mai khi chúng ta thức dậy, chúng ta được người yêu thương như cha mẹ, ông bà hoặc người vợ thương yêu hoặc người chồng kính mến chúc phúc cho chúng ta và sửa soạn cho chúng ta một ngày mới tràn đầy năng lượng và ánh sáng qua tình yêu, thắp sáng niềm tin đi vào đời thì nhất định chúng ta rất hạnh phúc. Bởi cuộc đời chông gai nhiều, thử thách nhiều, bước ra khỏi gia đình của chúng ta là biết bao nhiêu thứ tới, xảy ra không thể ngờ được mà nơi đó chỉ có một mình ta chơ vơ, không có người thân. Vậy nên nếu được chúc phúc và nếu được trao cho niềm tin, ánh sáng của tình yêu thì còn gì bằng đâu. Ai ai đã là người thường mong muốn và ước nguyện trong đời sẽ được chúc phúc, bởi vậy mà mỗi người chúng ta khi còn ông bà, những đấng trưởng thượng trong gia đình vào những dịp Tết, dịp Lễ lớn hay trong những ngày ta tới thăm, thông lệ theo những lễ giáo người xưa, ta quỳ xuống trước đấng bậc đó và xin các Ngài đặt tay lên chúc phúc cho chúng ta. Phận làm con cháu nương vào tình yêu, đức hạnh của gia tổ để chúng ta vững bước trên đường đời. Và nếu như chúng ta thành tâm hơn, khi có nhân duyên tới Chùa gặp các đấng hòa thượng tôn kính, các bậc thượng tọa, đại đức Tăng, Ni, ta vẫn mong các Ngài chúc phúc cho chúng ta, chúc lành cho chúng ta. Các đấng tôn quý, các bậc tỉnh giác, các chư vị giác ngộ mà chúng ta tôn kính, nếu được các Ngài chúc phúc thì nhất định cuộc đời sẽ thay đổi và hạnh phúc.

Mu A Mu Sa là lời chúc lành, là lời chúc bình an, là lời chúc phúc, là lời chúc của năng lượng từ bi nơi bậc đại giác Đức Bổn Sư Thích Ca. Không hẳn chỉ có sớm mai hay khi đi ngủ mà từng giây từng phút Chánh Niệm hơi thở, Phật đã thở hơi từ bi vào, truyền cảm hứng sự sống và chúc phúc cho mỗi người chúng ta. Đấng tôn quý, bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, đấng toàn thiện giác ngộ trong từng hơi, trong từng giây, trong từng phút, Ngài luôn nhìn xuống chúng ta. Với lòng thành kính nơi chúng ta, Ngài thật gần trong hơi thở, thật sát trong những cảm xúc đời thường để Ngài truyền năng lượng vi diệu từ bi và cài đặt lời chúc phúc viên mãn, siêu lý tới cho người như chúng ta đây. Còn có ai chúc phúc cho chúng ta mà lời chúc phúc đó cao quý bằng tới từ chính bậc đại giác là Đức Phật?

Phật ngôn Mu A Mu Sa là lời chúc bình an, là lời chúc phúc, là lời chúc lành, lời chúc từ bi cao trọng tột cùng, không thể so sánh được. Chỉ có những ai thể nhập vào trong sự tu luyện Chánh Niệm hơi thở, khi ngộ ra mới thấy mình thật là đặc biệt bởi phận hèn mọn, bởi kẻ tội lỗi, nghiệp chướng như chúng ta, bởi chúng ta trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi, biết bao nhiêu bất thiện nghiệp đã tạo dựng mà Phật không từ bỏ, Phật không gạt bỏ, Phật vẫn tới với chúng ta và chúc phúc cho chúng ta. Các bạn hiểu được như vậy, các bạn sẽ hạnh phúc bởi trong đời của chúng ta, trong từng giây phút hít vào thở ra, làm sao đó mà chúng ta nhìn thấy được, nhận ra được lời chúc phúc của Phật. Hít vào thở ra, thở ra hít vào, nói ngược nói xuôi thì trong từng hơi thở vào ra đó, ta có sự chúc phúc của Phật. Mọi năng lượng bất tịnh nếu đã thấm vào do những mầm mống bất thiện của ta đã tạo ra, nhất định sẽ bị rửa sạch, tróc rễ mà trôi ra, chẳng còn bám vào trong tâm của chúng ta bởi lời chúc phúc, chúc lành của đấng từ bi có sức mạnh vô biên, không thể bàn cãi được. Nếu bạn nhất tâm bất loạn và an trú trong thềm hơi thở Chánh Niệm vi diệu này thì mật ngôn Mu A Mu Sa là chìa khóa để gội rửa mọi phiền ưu, đau khổ.

Chưa, còn nữa! Chư Phật chẳng hẳn là chỉ chúc phúc cho chúng ta qua Phật ngôn Mu A Mu Sa. Trong Kinh Pháp Cú Phật đã dạy: “ Hãy đứng dậy thắp đuốc mà đi”. Cái đuốc trong thế gian là mồi lửa tự nhiên, tới rồi sẽ tắt lịm nhưng đuốc tuệ của Như Lai với mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, ta được thắp đuốc bằng lửa trí tuệ của Đức Phật, có sức mạnh thiêu cháy rụi tất cả những đau khổ của chúng ta. Đây là lửa trí tuệ chứ không phải lửa sân. Lửa trí tuệ của bậc đại giác NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, ta được thắp sáng từ trong chân tâm Phật tánh của mình, hiển lộ một con đường bước nhẹ để đi qua những chướng ngại của bất thiện nghiệp, tội lỗi, nghiệp chướng mà ta đã tạo. Oan gia trái chủ nhiều đời, nghiệp dù có trùng trùng duyên khởi kéo tới thì đuốc tuệ của bậc đại giác khi thắp sáng nơi miền chân tâm và được chúc phúc của Ngài thì ta sẽ thành dũng sĩ không cần một pháp khí nào, không cần một binh khí nào, tay không chân không, đầu đội trời chân đạp đất, thiên địa chứng minh ở giữa cho ta đi nhẹ vào rừng gươm, rừng giáo, biển lửa mà toàn thân vẫn thong dong tự tại, hạnh phúc vẫn tràn đầy, nụ cười vẫn tươi, ánh mắt vẫn sáng như sao trời. Đây là sự thật!

Hiểu thấu được điều này, chúng ta nhất định sẽ luôn kề cận với Phật để được Ngài chúc phúc. Hiểu thấu được điều này, chúng ta luôn luôn kề cận với Phật để được Ngài thắp sáng lửa tình yêu, lửa trí tuệ, ánh sáng của bậc tỉnh giác cho chúng ta. Trên tay ta cầm đuốc tuệ của Như Lai đi vào màn vô minh tăm tối nhiều đời ta đã phạm tội, bị chìm trong đó thì còn có gì cản được bước chân an lạc khi trong lòng đã được chúc phúc với lửa trí tuệ của Phật đã truyền trao? Ma vương gặp thấy cũng phải tránh xa, oan gia trái chủ tìm tới cũng phải nhường bước. Nhân quả bất thiện nhiều đời cứ như sóng cồn dập tới cũng chỉ là lót đường cho chúng ta vượt qua để tới bờ an lạc mà thôi. Vậy mới gọi là Pháp vi diệu, vi diệu ở chỗ là ta có thể hiểu thấu được để thể nhập vào với thể tánh Phật trong ta. Chỉ có thể tánh Phật mới là nơi ta nương vào để gặp Phật mà thôi. Có ai mà bám vào tánh ma mà tìm thấy Phật đâu. Cho nên thể tánh của Phật vốn có trong ta, thể nhập vào trong đó, ta sẽ thấy Phật và ta sẽ diện kiến Phật và được truyền trao lửa trí tuệ để đi mà không bao giờ sợ hãi, y như trong Phẩm Phổ Môn Mẹ hiền Quan Thế Âm nói chỉ niệm hồng danh của Ngài thôi thì bao nhiêu sự việc xảy ra trong đời dù chướng ngại tới đâu, Mẹ cũng cứu chúng ta. Được chúc lành, chúc phúc bởi Phật và thắp sáng lửa trí tuệ từ Phật thì nhất định đó là một sự thọ ký viên mãn bởi có bước chân của Mẹ hiền Quan Thế Âm kề cận hỗ trợ, nâng đỡ, gia trì và bảo hộ chúng ta. Không có một vị Thần nào có thể hộ mạng cho chúng ta mà có quyền năng lớn như Mẹ hiền Quan Thế Âm bởi Mẹ không phải là thần hộ mạng, Mẹ là mẹ, Mẹ yêu thương và che chở, bao bọc và gìn giữ, bảo hộ, hộ mạng cho những đứa con mồ côi lạc bước trong cuộc trần tràn đầy tội lỗi như chúng ta.

Hãy tin vào Mẹ và hãy thực hành thể nhập vào Chánh Niệm hơi thở, bước vào trong chân tâm của mình để tìm thấy Phật, để diện kiến Phật, để được Phật thắp đuốc trí tuệ và để được Phật chúc lành cho chúng ta. Đó là sự tu tập cần phải chú ý, còn không, chúng ta không miên mật hiểu thấu để thực hành thì chúng ta, Bảo Thành và các bạn như chủ đề ngày hôm nay, còn quá lầy lội. “Lầy Lội Quá Đi!”

Không phải ta lầy lội với Phật đâu, nói chuyện ở trong đời, nếu có một người bạn mà cứ càm ràm từ sáng đến tối, trong lòng ta nghĩ: “Lầy lội quá đi”. Nếu bạn mượn tiền mà mượn dai mượn dẳng, mượn ngắn mượn dài, mượn thêm mượn bớt, mượn chồng mượn chất, mượn không chịu trả, mượn ta thì nhẹ nhàng ta trao, còn ta đòi lại thì ta như kẻ tôi kẻ ở, như vậy là bạn lầy lội quá đi. Chưa phải mượn tiền không đâu, còn mượn tình mượn cảm, mượn danh mượn địa vị, mượn quyền thế, mượn tất cả, đôi khi mượn cả thân mạng, cuộc sống của chúng ta để mưu lợi cho bản thân của họ để rồi cuộc đời của chúng ta thấy người đó sao quá lầy lội, lầy lội quá đi. Hoặc ai đó trong chúng ta có con cái nói không chịu nghe, nói nó học mà nó cứ nhây ra. Nó nhây hết cỡ, nó chỉ chơi thôi và nói hoài cái từ mới mà tuổi trẻ hay nói kiểu như vậy là: “Lầy lội quá đi”, nói hoài không nghe. Có nhiều thứ cứ nhây, nhây đến mức như con đỉa, như con sam quấn vào người, đẩy hoài không thoát, cái nhây mà làm cho phiền não, đau khổ, lầy lội tới mức mà ta mắc vào sình lầy không thể bước ra, càng cựa quậy càng vùng vẫy thì càng bị chìm xuống và chết ngộp.

Có những cú lầy lội như vậy, lầy lội quá đi trong cuộc đời, không phải của người khác đối xử với ta mà là của chính ta đối xử với chính ta bởi họ như thế. Sao ta không cảm thấy một chút khó chịu nào khi mình lầy lội, nhây với chính mình? Nói đến Kinh Sám Hối thì nhiều lắm, nhưng khi sám hối nhiều lần thì chính là lầy lội quá, nhây quá. Một người phạm đến ta một điều gì đó mà rồi phạm tiếp, phạm tiếp, phạm đến kéo dài còn hơn kẹo kéo nữa. Từ dày kéo thành mỏng, từ mỏng quấn thành tròn, từ tròn kéo thành dây, từ dây rồi giàn khắp cả thân xác của chúng ta, đó gọi là nhây, gọi là lầy lội. Ta sám hối hoài chính là lầy lội bởi cũng nghiệp đó, cũng hành động xấu đó, cũng bất thiện đó, cũng những trái ngang đó, cũng những sai trái đó, ta tạo đi tạo lại rồi mượn cớ Kinh Sám Hối để sạch tội thì chúng ta chính là những người quá lầy lội với chính mình, quá nhây với bản thân, sám hối cũng như không bởi vì sám hối là nhìn lại những lầm lỗi để sửa và chấm dứt, không tạo lại nữa nhưng sám hối ngày nay là một nghi thức được đánh bóng trở thành một nghi lễ linh thiêng để bất cứ tội lỗi nào lặp đi lặp lại nhiều đời tạo ra nhiều ngang trái trong cuộc sống thì chỉ cần sám hối là tội nghiệp sạch trong. Đó gọi là nhây, nhây trong vô minh, lầy lội trong mù lòa, đang tự giết chết mình mà không hay, ở đó mà tán mà tụng, mà Kinh mà sám, hối không kịp. Các bạn nghĩ lại xem có đúng không? Nếu thật sự Đức Phật là một đấng hiện diện trước mặt, dù Ngài không trừng phạt chúng ta như cha mẹ chẳng bao giờ trừng phạt con cái nhưng nếu phận làm con mà cù nhầy, lầy lội, phạm đi tái lại rồi cứ tới xin lỗi mẹ, xin lỗi cha, sám hối với Phật thì quả thật xấu hổ vô cùng. Nếu cứ như vậy thì con đường đạo đi tới sự bình an, sự an lạc sao có? Một mặt ta xiển dương giáo lý của Phật, một mặt ta đi tu để tìm được sự chúc phúc phúc, sự an lạc, thắp sáng đuốc tuệ nhưng đuốc tuệ vừa truyền trao thì ta đã vùi vào đống sình lầy, sự bình an vừa được chúc phúc thì ta đã đổ xuống để rồi nhây vào trong những nghiệp bất thiện cứ lặp đi lặp lại như một cái xưởng tạo nghiệp y khuôn như vậy, rập khuôn như thế mà ấn những ấn phẩm nghiệp chướng trào ra cho ta không mất tiền, miễn phí cho chính mình. Lầy lội quá phải không các bạn?

Sám hối kiểu như vậy là sám hối máy móc, sám hối sai, sám hối như thế là lầy lội quá với bản thân để nghiệp chồng nghiệp chất, nghiệp xếp hàng ngang, nghiệp theo hàng dọc, nghiệp chắn lối đi, nghiệp cản bước tới, nghiệp vùi thân xác của chúng ta xuống địa ngục, nghiệp nhốt chúng ta vào ngạ quỷ, nghiệp trù dập chúng ta vào thân súc sanh. Sống trên đời mang kiếp làm người mà như quỷ dữ, như địa ngục hung hãn, như súc sanh mê muội, thật uổng một kiếp người cho những ai cứ lần mò trong sám hối và lại tiếp tục tạo nghiệp, phạm lỗi. Quá nhây! Lầy lội.

Phải tỉnh thôi các bạn! Phải tỉnh. Nhất định không thể cứ đi tìm tới những nghi thức sám hối để tội nghiệp sạch trong nữa mà hãy nương vào hồng phúc của Đức Bổn Sư, hãy nương vào sự chúc lành của Ngài và nương vào ánh sáng minh tuệ Ngài thắp sáng trong ta để ta thắp đuốc tuệ của Như Lai, thấy rõ bằng mắt thương nhìn phía trước để san bằng tất cả mọi hầm hố chông gai tội lỗi, bất thiện nghiệp ta đã tạo ra. Đó mới gọi là sám hối. Và dứt khoát với tâm bất thối, với tâm nhất như không hề thay đổi mà người xưa, người bình dân gọi là trước sau như một. “Thưa Phật! Con nhìn thấy sai lầm rồi, con sẽ sửa”. Trước sau như một, lời nói như đinh đóng vào cọc, không nhổ ra được vì những cái cọc hồi xưa làm bằng gỗ cẩm gỗ tốt, không phải như đinh đóng vào bùn như thế hệ ngày nay lừa bản thân, lừa Thần, lừa Thánh, lừa sám hối, lừa luôn tất cả những nghi thức linh thiêng của cuộc đời để tạo danh, tạo tiền, tạo tài để chiếm đoạt sắc, mê muội trong ngũ dục.

Người xưa không dùng gỗ tạp, toàn là gỗ quý. Vô một khu rừng, người ta chọn lựa toàn là danh mộc hảo hạng để dựng cột kèo trong nhà bởi vậy cả hàng trăm, hàng ngàn năm cột kèo đó vẫn vững. Còn ta xây dựng ngôi nhà chân tâm, nhảy vào khu rừng của cuộc đời chặt toàn là những cây bị mối mọt ăn, không phải danh mộc, chọn toàn những cột kèo trèo ngang trèo dọc, cá độ nghiêng nghiêng, cá độ tiền bạc chồng chéo lẫn nhau để xây sự bình an. Ngôi nhà tâm linh đó bị sụp đổ ngay tại chỗ. Vậy mà khi không thành công thì lại sám hối. Sám hối là để xin ơn, sám hối là để xin ân sủng, xin sự gia hộ, xin sự trao ban những điều ta mất, những điều ta ham muốn thì sám hối đó đã biến chúng ta thành tội đồ và biến chúng ta thành một con người quá lầy lội với chính bản thân của mình. Sám hối chẳng phải là lời Kinh tiếng kệ được xếp đặt gọn gàng trong những nền văn chương của người xưa có thơ văn, đọc cho vần mà sám hối là lời chân thật nhìn thẳng vào cái sai của ta, thấy rõ được nó và “Thưa Phật! Con thấy rồi. Trước sau như một nha Phật, con nói, con hứa là con sẽ làm, con sẽ ngưng làm chuyện đó”. Đó gọi là sám hối, đó gọi là được chúc lành bởi ta tới với một bậc minh tuệ để tỏ lộ với Ngài rằng con đã sai. Phật không tha cho chúng ta nhưng mình nhờ Phật chứng minh: “Con sai rồi Phật ơi! Xin hãy chúc lành cho con” tức là ban phước cho con ở chỗ là mang sự bình an của Ngài rải xuống một chút lửa trí tuệ, mồi vào cuộc đời tăm tối để đuốc tâm Phật tánh được thắp sáng bởi lửa minh tuệ của Phật, đi vào cuộc đời không vấp ngã nữa, không phạm tội nữa, không tạo nghiệp nữa. Đó mới chính là người không có lầy lội quá đi với chính cuộc đời của mình.

Các bạn! Từ tháng trước đến tháng này, nếu mà nói theo Phật giáo thuần hành thì ít nhất ta đã sám hối một ngày trong tháng, hoặc là 2 ngày, hoặc nhiều khi có những người sám hối liên miên, nghiệp nhiều quá phải sám hối cho hết nhưng sám hối chưa hết ngày hôm nay thì nghiệp đã chồng chất tới tương lai rồi. Như nhà bao nhiêu năm chẳng bao giờ quét dọn, cứ ngồi đó mà mong cho nó sạch. Bước vào là bụi bay tối mù, hắt hơi một cái bụi nhảy lung tung. Nghiệp như thế thì sám cái gì? Đó không phải là sám hối mà gọi là xám xịt cuộc đời bởi vì ta cứ tạo nghiệp, ta lầy với chính mình, ta chẳng sửa, ta chẳng ngưng, ta chẳng trước sau như một, chẳng có tâm bất thối, không có tâm bất động mà tâm loạn động, nhảy múa lung tung như con khỉ, trèo cành này, nhảy cành kia, ăn một trái là đủ rồi nhưng hái cả chục trái, gom cho kỹ, nhét vào để dành, ngày mai ngoảnh lại thì nó hư rồi, đó chính là tâm tham.

Ta lầy lội thật sự! Ta quá lầy lội với cuộc đời của chính mình. Ta cù nhây với chính mình, ta nhây để rồi trở thành người càm ràm với bản thân để mượn lời văn tế, sám hối, tán tụng linh đình mọi nơi mọi chỗ, chẳng được lợi ích gì. Phật không tha tội như các tôn giáo khác ta tới các bậc ở trên, ta xưng tội để được tha. Đức Phật đã nói thật rõ: “Nghiệp ai người đó chịu”. Phật chỉ chỉ đường, dẫn lối cho chúng ta đứng dậy sửa nghiệp của mình, tội của mình, lỗi của mình. Đó gọi là sám hối. Ngừng! Nhìn thấy, sửa. Sửa tức là ngưng, không tạo nghiệp đó nữa mà làm việc tốt đẹp hơn. Đó là sám hối. Nhưng chúng ta đã biến nghi thức sám hối thành nghi thức xưng tội, tưởng như đọc bài kệ sám đó, sám Di Đà, sám hồng danh, sám lục căn là sạch tội rồi. Vừa sám xong, bước ra khỏi cửa Thiền môn hoặc bước ra khỏi chỗ ta ngồi sám đó là đã nhào ngay xuống đống sình lầy của nghiệp chướng. Lầy lội thật sự! Vậy mà không thấy mắc cỡ, mặt vẫn tươi, hớn hở vô cùng, ra nói với bạn rằng: “Tôi mới sám hối một thời”.

Quá nhây, quá lầy, lầy quá mức, lầy đúng chất lội, lội hoài không ra được vũng sình của nghiệp chướng.

Sai rồi, sai rồi các bạn! Sám hối không như thế, như vậy là lầy lội, như vậy là nhây.

Chúng ta là những người đã trưởng thành dưới bàn tay của Chư Phật nâng đỡ, dìu dắt qua từng chặng đường của cuộc đời, chúng ta có đầy đủ phước báu được Phật chúc phúc qua mật ngôn Mu A Mu Sa, được Phật truyền đăng lửa trí tuệ thắp sáng trong tâm qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang thì còn có gì bằng nữa? Hãy nhận thức thật rõ điều này để Bảo Thành và các bạn sẽ không còn lầy lội quá với chính mình, không còn nhây với chính mình, không còn sám hối mà là nhìn rõ sai của mình, sửa và nói Phật: “Thưa Phật! Nhờ đuốc tuệ của Phật mà con nhìn rõ rồi, con sai rồi và con sửa nha Phật”. Vậy là đã đủ, và rồi ta ngưng hẳn chuyện đó thì phước báu sẽ tràn đầy, chứ còn sám hối theo kiểu chuông mõ rình rang, hết sám này tới sám kia, Thủy Sám,…,ôi chu cha làm sám, sám đến sập nhà luôn mà coi chừng đọc ngược lại là xập xám, tiêu nhà thật sự phải không các bạn? Tiêu nhà, tiêu cực, mất hết tất cả, sám đó không nên. Sám ở chỗ là chúng ta phải nhìn rõ nghiệp của mình. Ngưng, chấm hết. Sửa, chấm hết. Phật sẽ chúc phúc cho chúng ta. Phật sẽ thắp sáng đuốc tuệ, lửa tình yêu, lửa trí tuệ, lửa minh giác để ta trở thành như minh sát tức là nhìn rõ tất cả mọi tạo tác của ta đang tạo ra từng giây phút, ngăn chặn, ngăn ngừa, ngừa bệnh hơn chữa bệnh. Đó mới gọi là sám hối. Sám hối là nhìn rõ rồi ngừa hơn là chữa.

Cũng như ngày nay tại Việt Nam ta, nước Mỹ đã trải qua cả năm rồi, khi thấy dịch tràn lan, chính phủ, các nhà khoa học và các bác sĩ đã cùng hợp tác với nhau tìm ra những phương án để ngăn ngừa bệnh dịch khi nó tràn lan, nào là đeo khẩu trang, giãn cách, bớt tập trung, nói chuyện nhỏ nhỏ vừa đủ nghe, nói đừng văng nước bọt, chính sự giãn cách như thế và có khẩu trang đã giữ cho những con vi trùng dịch không có cơ hội lây lan nhiều. Đó gọi là ngừa bệnh hơn chữa bệnh. Bác sĩ nói, khoa học nói, nhà nước nói mà chúng ta không hợp tác ngăn chặn, gặp đâu cũng sáp sáp vô để khi bệnh rồi kêu trời, kêu đất: “Sao đất nước ta không có thuốc, sự chăm sóc y tế sao không bằng nước ngoài?” đó là bởi vì chính ta không hợp tác. Y chang như vậy, Đức Phật là nhà khoa học gia nhìn thấu nghiệp chướng của chúng ta tạo ra, những nghiệp chướng đó như những con vi trùng đại dịch, không lây lan một đời này đâu. Đại dịch nó dính vào người này, người này chết rồi hỏa thiêu một cái là dịch cũng phải tiêu luôn. Bảo Thành đã từng đi đưa đám những người bị dịch, thiêu rồi không còn sống nữa. Cơn đại dịch, những con vi trùng dịch do bất thiện nghiệp của chúng ta mà Phật chỉ cho thấy rồi mà ta không ngăn ngừa, chặn đứng, chích vắc xin của trí tuệ vào trong người và gội rửa toàn thân bằng nước Cam Lồ Tịnh Thủy từ bi thì con vi trùng bất thiện nghiệp đó khi chính chúng ta chết đi rồi, nó không chết. Nó theo bám riết, nó truyền từ kiếp này qua kiếp sau, vô lượng kiếp mà vi trùng bất thiện nghiệp không bao giờ bị hủy diệt dù ta chết đi, chết lại nhiều đời trong cõi luân khổ, trầm luân. Chỉ có trí tuệ và từ bi mới có thể loại bỏ thể loại vi trùng, siêu vi khuẩn nghiệp chướng này mà thôi. Còn không là hết thuốc chữa, bó tay. Hiểu được sự nguy hại như vậy ta mới không còn cù nhầy, ta mới không còn lầy lội quá với chính mình mà ta phải thẳng thắn, ta phải dũng cảm, ta phải giãn cách với con vi trùng bất thiện nghiệp, ta phải đeo khẩu trang tức là tịnh khẩu, không phải nói liên miên bất tận tạo ra nghiệp liên tục rồi lại Sám. Sám gì? Hối không kịp lấy gì mà sám?

Các bạn! Lời chúc phúc Mu A Mu Sa là lời chúc lành viên mãn nhất trong các lời chúc. Mu A Mu Sa là lời chúc phúc, lời chúc lành, là lời chúc bằng năng lượng từ bi tỉnh giác và đuốc tuệ được thắp sáng bởi NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là lửa tình yêu, từ bi, trí tuệ viên mãn thắp vào miền chân tâm thì những góc u tối trong cuộc đời sẽ được rọi sáng, những con vi trùng, những con vi khuẩn bất thiện nghiệp sẽ được chính chúng ta nhìn thấy, ngăn ngừa kịp thời và chích vào đó một mũi thuốc của trí tuệ và từ bi. Loại vắc xin này cực mạnh, mọi bất thiện nghiệp, loại vi trùng kia sẽ phải lìa xa ta ra khỏi mọi kiếp sống hiện hữu và tương lai.

Các bạn! Đừng quá lầy lội với chính mình để cứ sám hối hoài, sám hối tốt nhất và siêu việt nhất là hãy đón nhận năng lượng từ bi và hãy thỉnh lửa trí tuệ của Ngài thắp sáng trong tâm để từng giây phút Chánh Niệm ta nhìn rõ mọi điều sai trái, ngừng, sửa và hoan hỉ bước tới, giãn cách với bất thiện nghiệp, đeo khẩu trang để khẩu nghiệp không tạo, thắp sáng trí tuệ, mắt thương nhìn đời thì mọi tư tưởng của chúng ta sẽ được thanh tịnh và trong sáng. Và lúc đó, ta không còn nhào xuống đống sình để tự chôn thân, không còn lầy lội, quá nhây, càm ràm với chính ta để tạo nghiệp nữa mà ta đã trở thành người được Phật chúc phúc và thắp sáng. Đó chính là điều cần phải nhớ, phải hiểu để thực hành. Đó chính là Pháp Sám Hối viên mãn trí tuệ và từ bi nhìn thấu, nhìn rõ, hiểu để buông, để bỏ, đó chính là sám hối, chính là không còn lầy lội với chính mình, không còn lầy lội quá, không còn cù nhây, không còn tự hành hạ mình và làm được điều đó, chúng ta đã trở thành người được Phật chúc phúc và thắp sáng đuốc tuệ.

Hãy đặt bàn tay Trí Tuệ và Từ Bi vào với nhau.

“Thưa Phật! Chúng con quá lầy lội trong vô lượng kiếp qua, tội đã phạm lại phạm tội, sám hối đã nhiều rồi lại sám thêm, nghiệp chướng chất chồng, chẳng có lối thoát qua, nay hiểu thấu, chúng con tới ngay bờ giác thỉnh Chư Phật ban rải năng lượng từ bi và chúc phúc cho chúng con, thắp sáng đuốc tuệ để chúng con nhìn rõ, nhìn thấu, hiểu, buông, xả để nhẹ bước trong cuộc đời lữ thứ này, để luôn luôn Chánh Niệm hơi thở, tràn đầy bình an và xứng đáng là người được chúc phúc và thắp sáng.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng và phình ra, thở từ từ, hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Mô Phật! Chúng ta đồng tu xong rồi. Mời các bạn chắp tay vào hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện xin hồi hướng năng lượng đồng tu hôm nay cho Sa di Ni Thích Bảo Hoa, nguyện xin mười phương Chư Phật, Thánh chúng Di Đà phóng quang tiếp dẫn Giác linh về cõi thiện lành.

Chúng con cũng hồi hướng tới đất nước Ấn Độ, quốc tổ yêu dấu, quê hương Việt Nam và tất cả những đất nước đang bị đại dịch hoành hành biết ngăn ngừa, biết chặn đứng và chuyển hóa để mọi người được tự tại, hết bệnh.

Xin Chư Phật mười phương từ bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn