Nguyễn Sơn bút ký
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi.
Tới giờ chúng ta đồng tu, mời các bạn quy ngưỡng về với Chư Phật, Pháp và Tăng để chúng ta bắt đầu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi xuống muôn loài chúng con và gia trì cho chúng con có đủ Trí Tuệ quán chiếu thấy rõ được vạn pháp Vô Thường sanh – diệt, Khổ, Vô Ngã, Niết Bàn.
Mời các bạn đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi. Hãy lắng đọng tâm của mình, hãy buông thả tất cả, hãy quay về với tự tâm, hãy thể nhập vào với hơi thở, hãy giữ sự Chánh Niệm, hãy quán chiếu cho thật rõ mọi hiện tượng xung quanh ta, bên trong cũng như bên ngoài, đừng ôm ấp, đừng gạt bỏ, hãy nhìn với tâm bình đẳng, vạn sự tới lui không hề dính mắc. Hãy đón nhận năng lượng Từ Bi của Phật, chúng ta hãy cùng rải tới tất cả những người yêu thương và nguyện xin muôn người đón nhận được năng lượng tình thương của Phật khơi dậy mầm sống an yên.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Mô Phật! Thật đơn giản nếu như chúng ta nghĩ muôn sự trên đời đơn giản một chút, càng cầu kỳ càng đưa tới nhiều sự phức tạp trong suy nghĩ, trong cách sống. Nếu chúng ta quán chiếu thật rõ thiên nhiên xung quanh chúng ta, ta thấy thật đơn giản từ cây cỏ, từ những cụm hoa hay từ những cây mọc lên dưới lòng đất, vươn lên rồi tồn tại, đời sống của chúng đơn giản vô cùng. Thế vậy mà càng nhìn, chúng ta càng thấy cái đẹp thiên nhiên tự tại, như cỏ xanh mướt, như một thảm cỏ xanh tận chân trời để ta có thể dệt mơ ước, như những cụm hoa có bông, khi nở ra, biết bao nhiêu những sắc hương tuyệt đẹp, như cây cối sừng sững đứng ở một góc trời thể hiện oai lực tồn tại giữa trời đất, rồi thì muôn thú trên trời, dưới đất và dưới nước đều thể hiện biết bao nhiêu điều kỳ diệu, huyền nhiệm tàng ẩn. Chỉ có những ai có một cái nhìn tương tác trong sự bình đẳng sẽ nhận thức ra sự sống thật tuyệt vời. Khi còn hiện diện trên cõi đời này, sự sống thật tuyệt vời và để nhận ra giá trị sự sống tuyệt vời đó, mật ngôn Mu A Mu Sa là chìa khóa giúp chúng ta mở ra để bước ra khỏi vùng tăm tối trong suy nghĩ riêng tư của những chủ kiến riêng để vươn mình bay tới, chạm vào tà áo của Như Lai, đón nhận năng lượng tình thương, và từ đó chúng ta nhận ra có biết bao nhiêu những sự huyền nhiệm xung quanh ta. Mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang thắp sáng Trí Tuệ cho chúng ta để chúng ta nhìn xuyên qua màn Vô Minh dày đặc của bất thiện nghiệp, để chúng ta thấu được cảnh trần này không có gì lưu dấu mãi ngàn sau.
Chủ đề: “Sao Lại Ra Đi” hình như vẫn là những câu nói mà chúng ta đôi khi thốt lên trong sự nức nở bởi ngày hôm nay hoặc ngày đó, ta nhận được tin có một người thân, một người quen đã vội vàng ra đi trong im lặng. Và khi tin đó tới với chúng ta, ngỡ ngàng vô cùng bởi ai trong chúng ta có thể nghĩ rằng ngày đó người ấy sẽ ra đi? Trong ngỡ ngàng ta thốt lên: “Sao lại ra đi?”
Bảo Thành còn nhớ thật là rõ thuở xưa, vào ngày 02 tháng 09 năm 1992, gần 30 năm rồi, lúc đó Bảo Thành đang làm trong một trung tâm dưỡng lão, làm việc rửa chén thời mới qua Mỹ mấy năm đầu, một cú điện thoại từ người anh gọi qua, âm thanh ở đầu dây như nức nở nói rằng: “Mẹ đã ra đi”. Vòi nước mình đang xịt để rửa chén hình như cũng không chảy nhiều bằng những dòng lệ tuôn xuống, nghẹn ngào trong trái tim, ta thốt lên: “Sao mẹ lại ra đi?, con đi xa chưa một lần có thể trở về thăm mẹ, mẹ ơi sao mẹ lại vội vàng ra đi, để cho tới ngày hôm nay gần 30 năm trời trong âm thầm nức nở nhớ về mẹ, vẫn âm thanh nhẹ nhẹ vang lên: “Sao mẹ lại ra đi?””
Cuộc sống của mỗi người chúng ta luôn luôn phải trực diện với biết bao nhiêu cảnh chia ly vĩnh biệt, chia tay, chẳng bao giờ có cơ hội để gặp nhau nữa, có thể là chia tay rồi ra đi vĩnh viễn về với lòng đất mẹ, theo thiện nghiệp tái sanh hoặc có thể chỉ là một cuộc chia tay ra đi vì biết bao nhiêu những lý do khác biệt trong cuộc đời. Sự chia tay nào cũng để lại những giọt lệ đẫm ướt trên bờ mi và làm cho môi mặn trong sự nhung nhớ, và để lại tận cùng trong tâm khảm của trái tim mỗi người nỗi niềm đau đớn vô cùng. Không có một sự ra đi nào để lại sự êm ái và hạnh phúc. Cha mẹ ở với nhau chừng đó năm, bỗng một hôm, những người con chứng kiến cha xoay lưng đi một hướng, mẹ xoay lưng đi về một hướng, mẹ mẹ cha cha cũng sẵn lòng chia tay. Sẵn lòng chia tay cho một ước mơ mới hay đành lòng ra đi để cho phận làm con bơ vơ chẳng biết phải nhìn theo cha hay hướng theo mẹ. Trong tình yêu của vợ chồng đột nhiên chẳng thể hàn gắn và rồi ai đó là vợ, là chồng đã phải ra đi để người còn lại phải thốt lên: “Sao lại ra đi?” trong thầm lặng, ray rứt trong đau khổ. Với tình bạn, biết bao nhiêu người bạn đã lẳng lặng ra đi không nói một lời, chẳng chẳng hiểu vì sao và người còn lại cũng lại thốt lên: “Sao lại ra đi?” Mới hôm qua rồi hôm trước, Phật Đản thật đẹp, trời nắng ấm 900F, hoa nở rộ trước Phật đài Quan Thế Âm xung quanh cảnh Chùa, tối chủ nhật cơn mưa vội vàng tới, ngày thứ hai mưa rơi rỉ rả, tầm tã, những cánh hoa đẹp, đẹp tuyệt vời như những tinh tú trên cung trời xa, bỗng chốc bị những giọt mưa vô tình từ trời rơi xuống làm cho từng cánh, từng cánh rơi rụng và những đóa hoa tuyệt mỹ, những tác phẩm tuyệt vời của thiên nhiên đã dần dần rơi rụng, để lại cho Bảo Thành sự bỡ ngỡ: “Sao những cái đẹp tuyệt vời của những đóa hoa nơi Phật đài lại âm thầm ra đi theo những giọt mưa vô tình rơi xuống?”. Ở cuộc đời chúng ta, sự giao lưu, sự giao hảo, sự tương tác, sự gần gũi là bởi biết bao nhiêu nhân duyên, phước báu từ nhiều đời kết lại nhưng vẫn có những giọt đắng vô tình, những hành động vô ý thức, những suy nghĩ từ đâu đó bất chợt, vô định rơi vào khoảng trống của tình cảm để rồi ở giữa đôi ta, ở giữa con người chúng ta, sừng sững mọc lên một bức tường thành ngăn cản đôi bên bước tới, để tháng ngày dần trôi, ai đó lại phải thốt lên: “Sao lại ra đi?”. Trong cuộc đời thế sự của con người, bao nhiêu sự ra đi nước mắt chẳng thể cầm đâu, trái tim chẳng thể ngủ yên và khóe mắt chẳng thể khép, hờ hờ trên đôi mắt khép vẫn là những giọt nước âm thầm rơi xuống, và trong vòng tay tưởng như vẫn còn hơi ấm lạnh dần theo tháng ngày và trái tim của mỗi người cứ co quắp, sầu muộn. Con người sao quá rắc rối bởi những cảm xúc của sự chia tay hay là bởi vì chúng ta chưa thấm nhuần được chân lý của cảnh giới Vô Thường sanh – diệt nơi tất cả vạn pháp hiện hữu ta đang nhìn thấy?
Các bạn thân mến! Đã bao nhiêu lần bạn phải hướng theo bóng hình của một người yêu thương nào đó của bạn ra đi hoặc chính bản thân của các bạn và Bảo Thành đã xoay lưng ra đi mãi, chẳng bao giờ hứa hẹn một ngày trở về với một ai đó? Vẫn luôn luôn có những điều như vậy xảy ra bởi trong chúng ta ít có khi nào ngồi xuống lắng đọng tâm tư để dung thông với mọi cảm xúc của nhau mà cứ để cho những cảm xúc riêng tư xoay vần lẫn lộn, ngược xuôi, điên đảo và làm cho cuộc sống của chúng ta phải thốt lên: “Sao lại ra đi?”. Đức Thế Tôn thấy sự ra đi của con người từ thuở nhỏ trong kinh thành, sự ra đi vĩnh biệt, sự ra đi bởi phải chết, thọ mạng viên chung, bởi bệnh, bởi già yếu, bởi biết bao nhiêu thứ đã tới với cuộc đời của con người. Ngài nhận thấy kiếp người mong manh, mong manh còn hơn hạt sương đọng ở trên lá khi hoàng hôn chưa vội tới, kiếp người mong manh, mong manh như hơi thở vào ra chẳng vững chắc, mong manh như bọt nước bồng bềnh sau cơn mưa, mong manh như tia chớp vội lóe lên rồi biến mất, mong manh như sao xẹt một cái chẳng còn tồn tại, in dấu trên cõi trần, vậy mà trong mỗi người chúng ta, có biết bao nhiêu những tâm sự buồn – vui, biết bao nhiêu những cảm xúc dồn dập, biết bao nhiêu những lo âu, phiền muộn, biết bao nhiêu những ghen tuông, giận hờn, sân giận, biết bao nhiêu những bon chen, tranh chấp và hận thù. Với một kiếp người mong manh, ngắn như thế, vậy mà chẳng thể tận hưởng được nỗi niềm sung sướng, cứ vùi đầu trong biết bao nhiêu những cảm xúc.
Trong những ngày này tại nước Mỹ nơi Bảo Thành ở và tất cả các tiểu bang trong vùng lân cận miền Đông Bắc Hoa Kỳ, sau 17 năm trời nằm sâu dưới lòng đất đen tối, loài côn trùng dần dần chui lên, đang chui lên, bò lên cây, mọc cánh ra và từ loài sâu âm thầm 17 năm trời trong lòng đất đã mọc cánh biến thành loài ve, loài ve mắt đỏ, bên đây gọi là ve sầu mắt đỏ. 17 năm là trứng rồi thành ấu trùng, thành sâu nằm dưới lòng đất, 17 năm thật là dài mới có cơ hội ngoi lên khỏi lòng đất, chớp nhoáng trong một vài tuần mọc cánh, cất những khúc hát ở những cung bậc mà con người nghe thấy sao nó sầu muộn, tê tái của sự chia tay. Vậy nên Việt Nam ta mới gọi là ve sầu. Đúng! Nghe sầu ai, bi oán.
Chúng ta hãy nhớ, cuộc đời của con người ngắn lắm, đã bao nhiêu năm rồi chúng ta đã chôn vùi hay chui vào trong vùng sâu của tăm tối như loài sâu hóa hiện thành ve sầu kia, để rồi được một lần đó đi vào ánh sáng của tự tâm, chẳng lo đi tìm chân lý để giải thoát khỏi cái chết, cái sầu của Luân Hồi mà vỗ cánh gáy, kêu cho to những cung bậc oan thán trong cuộc đời bởi những nỗi niềm: “Sao lại ra đi?”. Đức Phật cũng ra đi nhưng sự ra đi của Ngài chẳng phải là buồn – vui, sự ra đi của Ngài là bởi vì Ngài thấy được cảnh giới trong cuộc đời này Vô Thường sanh – diệt. Vậy mới hiểu được Bậc Giác Ngộ cũng ra đi nhưng không ra đi bởi vì sự bất đồng ý kiến, sự tranh luận hoặc sự sai biệt về tư tưởng, chân lý sống hay va chạm trong cuộc đời nhưng sự ra đi của Ngài là sự ra đi bởi liễu ngộ vạn pháp Vô Thường. Điều đó được chứng minh bởi cả cuộc đời của Đức Phật trong Kinh nói thật rõ, Ngài chẳng bao giờ ở đâu lâu hơn 03 ngày, luôn luôn ở một gốc cây chỉ vỏn vẹn 03 ngày, ngày thứ tư là Ngài lại ra đi. Có nhiều đệ tử hỏi: “Sao Thầy lại ra đi?” Đức Phật ra đi, rời bỏ gốc cây này tới một gốc cây khác để ở trong 03 ngày là để nói lên vạn vật xung quanh ta, cuộc sống xung quanh ta, muôn sự ở đời là Vô Thường sanh – diệt, phải thực tập sự ra đi thật nhẹ nhàng để không lưu luyến, không chấp thủ những gì gọi là của ta. Gốc cây đó chẳng phải là của ta, nơi đó chẳng thuộc về ta và ngay cả thân xác này cũng không thuộc về ta. Một sự ra đi tuyệt hảo, một sự ra đi kỳ diệu của Bậc Giác Ngộ bởi Ngài thấu rõ muôn sự ở đời Vô Thường sanh – diệt tới lui đều do duyên, thế nên sự ra đi của Ngài là sự tự tại, thong dong, chẳng níu kéo. Duyên tới Ngài nhận diện, duyên đi Ngài chúc phúc. Từng bước chân rời đi khỏi gốc cây trong 03 ngày là từng bước chân an lạc in dấu vào lòng đời để cho hậu thế mai sau như chúng ta còn đón nhận được biết bao nhiêu chân lý lưu truyền từ Bậc Giác Ngộ, để chúng ta nghiên cứu, tu học mà tìm ra được sự giải thoát cho chính mình dựa vào những điều giác ngộ của Phật.
Các bạn để ý, Đức Phật luôn luôn ra đi, chẳng bao giờ dừng lại bởi dòng thời gian luôn trôi, chẳng bao giờ dừng, chẳng bao giờ trở lại. Dòng trôi của thời gian cứ như vậy âm thầm biền biệt, chia tay, vĩnh biệt con người, mà Đức Phật nhìn thấy trong từng giây, từng phút, từng sát na, có nghĩa là từng giây trôi qua, không còn giây đó nữa, nó sẽ đi vĩnh viễn. Vậy nên, khi ở tại gốc cây đó trong 03 ngày, Ngài trọn vẹn với trời, với đất, với thiên nhiên tự tại, với muôn trùng chúng sanh xa gần trong thế giới Ta Bà này. Ngài rải tâm Từ bao dung, Ngài ban mưa hồng phúc của Bậc Giác Ngộ xuống cho muôn người để được tắm gội, để được sạch, để tràn đầy sự sống, để những ai đó trong kiếp người như chúng ta còn vùi đầu trong tăm tối như loài sâu của ve sầu dưới lòng đất, chẳng một lần ngoi lên để gáy rồi chết, để kêu uất, oán than làm cho lòng người âu sầu mà để cho chúng ta chui lên khỏi Địa Ngục tăm tối của những bất thiện nghiệp, của những điều sai trái, của những Pháp Ác để thắp sáng đuốc Tuệ, bay cao lên bầu trời Giác Ngộ, ánh Minh Quang tỏ lộ của Bậc Giác Ngộ đã khai thị cho chúng ta, để ít nhất cũng là một chuyến tới trong cuộc đời rồi lại một lần phải ra đi nữa mãi mãi ngàn thu nhưng ta không để lại cung oán cho đời mà ta để lại những âm thanh vi diệu của tình người trong từng giây phút ta kề cận với cha mẹ, ông bà, với vợ chồng, con cái, với người thân, ta đã sống trọn vẹn bằng nghĩa, bằng ân, bằng tình, bằng lòng Từ Bi, bằng sự bao dung, rộng lượng, bằng tâm chân chất, thiện lành để chúng ta không còn phải hỏi: “Sao lại ra đi?” nữa, mà chúng ta vẫy tay chào để đi. Chuyến đi của chúng ta là chuyến đi tiến về, tiến về đâu? Tiến về ngôi nhà Như Lai bất diệt bất sanh mà Chư Phật đang ở đó đợi chờ chúng ta.
Hiểu thấu được điều này, Bảo Thành đã dần nguôi đi những sự đau buồn bởi nhớ về mẹ sao lại ra đi trong một sự quá bất ngờ, nhưng thấu được chân lý Vô Thường, thương mẹ, nhớ mẹ, những giọt lệ vẫn âm thầm rỉ ở trong tim làm cho trái tim vẫn đau đớn vô cùng bởi không có một người con nào mà không đau đớn khi cha mẹ đã ra đi mãi mãi. Thế nhưng người học đạo như chúng ta, cuối cùng cũng sẽ thấu được sự ra đi của Chư Phật là hiểu được Vô Thường và sự ra đi của cha, của mẹ, của người thân chúng ta là để giúp cho chúng ta có những tư liệu quán chiếu chân thật bằng sự trải nghiệm của chính mình để thấu rằng: “Đời sống của chúng ta, của con người rất Vô Thường”, để nếu như chúng ta còn có phước báu trong cuộc đời này, để nếu như những ai còn phước báu trong cuộc sống này, còn cha còn mẹ, còn những người thân xung quanh, hãy sống cho đúng những lời Đức Phật dạy, để một mai ai đó lại ra đi theo dấu chân và sự hướng dẫn của Vô Thường sanh – diệt, ta nở cười hân hoan bởi vì sao? Bởi vì khi chúng ta còn ở với những đấng bậc ấy, ta sẽ sống trọn vẹn, trọn vẹn bằng tình thương. Đừng để những chuyến ra đi trong tủi hận để suốt cuộc đời hối hận, đau khổ.
Chỉ có một lần khi Đức Phật trở về bởi các đệ tử của Ngài tranh luận, cãi nhau, Ngài trở về để mang lời bình an, để mang sự giáo huấn giải hòa cho chúng đệ tử đừng tranh luận, hý luận, cãi nhau nữa nhưng họ đã không đón mời Đức Phật, Đức Phật lại ra đi. Đây là sự ra đi không phải hiểu về Vô Thường bởi Ngài đã hiểu thấu điều đó, nhưng lần này là sự ra đi bởi các đệ tử đã không đón nhận Ngài. Sau một thời gian vào trong rừng sâu ẩn tu, chúng đệ tử thấy mình đã sai và đã đồng lòng đi vào khu rừng đó, quỳ xuống sám hối và thành kính thỉnh Phật trở về để hướng dẫn cho đệ tử.
Các bạn có thấy không? Có khi nào các bạn đã vô tình bởi Thế Tôn đã đi vào cuộc đời của các bạn, đã đi trở về trong cuộc đời này để tiếp cận với các bạn trong những mối lo toan, tranh chấp, sân hận, buồn sầu, ganh ghét, giận hờn, Ngài tới để Ngài giúp chúng ta thoát ra khỏi những cảnh cùng cực, đấu tranh, tranh chấp, hận thù đó nhưng chúng ta đã không mở cửa trái tim để đón Ngài vào mà chúng ta đã xua đuổi để Thế Tôn lại ra đi. Ngài ra đi là bởi vì chúng ta ít có khi nào mở rộng trái tim và con mắt Trí Tuệ để đón nhận Phật tới khai thị, hướng dẫn cho chúng ta mà chúng ta chỉ ghé ngang qua Phật thôi, Phật ở đâu? Phật ở trong Chùa. Ghé ngang qua Phật thôi, Phật ở đâu? Trong Tịnh Thất, trong Am, trong Thiền Viện, trên bàn thờ, nơi thờ tự, để làm gì? Để moi móc qua sự năn nỉ, cầu cạnh để có được một chút phước, hưởng được những điều tham muốn của cuộc đời. Đúng là những người con bất hiếu! Tới với Phật là chỉ moi móc mà thôi, chẳng tới với Phật để học hỏi, chuyển hóa đau khổ và phiền não. Thế nên ngày nay, Phật giáo của chúng ta, hầu hết mọi người tới với Phật chẳng phải là để được học và thực tập chân lý Phật dạy để tu mà tới với Phật như những đứa con thấy được người cha của mình giàu có, moi móc, tìm đủ mọi cách để kêu, để mời, để thỉnh Phật ký giấy, giấy gì các bạn biết không? Ký giấy di chúc để lại gia tài cho chúng ta.
Đã có lần Đức Phật phải suy nghĩ Phật để lại gia tài cho con của Ngài là La Hầu La gia tài gì? Đức Phật có đến hai gia tài, một là cung điện ngọc vàng, vàng bạc châu báu, danh phận của thái tử, cung vua sau này, đó là gia tài mà ai cũng thấy. Gia tài thứ hai là gia tài của Trí Tuệ của Bậc Minh Giác, Ngài đãtrao truyền, lưu truyền lại cho đứa con La Hầu La, đứa con duy nhất của Ngài. Chúng ta nếu tới với Phật, dù dùng mọi phương kế để Ngài ký di chúc gia tài của vật chất, của tham muốn, của sự cầu cạnh, của phước báu, của những điều ta đang trông chờ thì nhất định Phật sẽ không ký di chúc đó đâu bởi Ngài đã huyền ký trong tâm Phật chúng ta một lời thọ ký rằng: “Tất cả chúng sanh sẽ thành Phật”. Đây chính là gia tài vô giá của Trí Tuệ mà Đức Phật đã huyền ký trong lời thọ ký rằng: “Chúng sanh bình đẳng Tánh – Trí, ta là Phật còn các con sẽ thành Phật”. Đây mới là gia tài, mới là di chúc Phật đã ký từ ngàn năm xưa mà chúng ta hờ hững, chẳng đón nhận, cứ moi móc tìm bới trong đống Vô Minh đen tối của cuộc đời những tham chấp, những của cải vật chất hư mất, chẳng thể mang theo khi ngày sau tới, để “Sao lại ra đi?” lưu dấu khổ đau cho muôn người.
Các bạn! Các bạn và Bảo Thành sẽ phải luôn luôn đương đầu với sự ra đi. Cách đây vài ngày, đọc thông tin của một người thân có đôi lời vĩnh biệt với một người đã ra đi, chẳng một mà thật nhiều những thông tin đó thường lui tới và Bảo Thành cảm nhận rằng đâu đó, người thân của người thân đã ra đi, và rồi những lời nhớ nhung, những kỷ niệm lại dâng trào trong lòng của họ. Hãy nhớ, có tới phải có đi! Nếu các bạn và Bảo Thành tự trong tâm hỏi: “Sao lại ra đi?” thì phải quán chiếu tại sao đi? Điều đó được ứng nghiệm trong lời truyền của Đức Phật là bởi vì các Pháp Vô Thường, có tới có đi, sanh – diệt liên hồi trong từng giây phút. Liễu ngộ được điều này, chúng ta sẽ không còn ai oán, sầu bi, nhung nhớ, đau khổ mà chúng ta sẽ hạnh phúc vô cùng bởi trong từng giây từng phút, ta luôn lắng đọng, ta luôn chuẩn bị thật nhiều những tư lương phù hợp trên cuộc hành trình ở cõi đời này để sự ra đi không còn ngỡ ngàng cho người ở lại mà là sự chúc phúc cho những người còn lại khi ta ra đi. Để sự ra đi của ai đó không còn để lại sự đau khổ nữa mà để lại di chúc của Trí Tuệ bởi khi người đó còn đây trong cuộc đời luôn luôn sống với Đức hạnh, với tâm thiện lành, với Trí Tuệ, với lòng bao dung và yêu thương.
Sao lại ra đi các bạn? Cách đây hai ngày, một trong những bạn đồng tu của chúng ta, Pháp danh là Bảo Linh, sau bao nhiêu năm bệnh ung thư đã ra đi và dĩ nhiên những người thân trong gia đình của hương linh cũng ngỡ ngàng bởi vì hương linh còn rất trẻ đã ra đi, sao lại ra đi? Nhưng Bảo Thành vẫn hãnh diện bởi đã gặp được bạn đồng tu này và Pháp danh đã được truyền và bạn đó đã miên mật tin tưởng vào Chư Phật, Pháp và Tăng. Có một lòng sám hối, có tâm cầu Giải Thoát và luôn đón nhận tình thương của Phật thắp sáng Trí Tuệ, giữ tâm an tịnh bất thối đương đầu trực diện với căn bệnh ung thư, để sự ra đi của Bảo Linh không phải là một sự đau khổ, buồn mà là một sự đã chuẩn bị sẵn sàng. Đó là ung thư về thân xác, chúng ta có khối ung thư từ tâm linh đang dần dần giết chết chúng ta trong những tư tưởng vẩn đục của tham sân. Hãy thức tỉnh, hãy thức tỉnh bởi vì không biết ngày nào, lúc nào Vô Thường sẽ tới với chúng ta, sự chết sẽ hiện diện và ta phải ra đi. Không hù dọa để sợ chết nhưng đây là chân lý ai cũng phải đương đầu!
Hãy chuẩn bị! Hãy thức tỉnh! Hãy thức tỉnh và chuẩn bị cho mình có đầy đủ tư lương, hãnh diện ra đi khi ngày ấy tới với chúng ta, bởi sự ra đi đó là sự ra đi để trở về cung tòa vô thượng Niết Bàn hạnh phúc viên mãn.
Quán chiếu Vô Thường để không sợ chết. Quán chiếu Vô Thường để không sợ tạm biệt. Quán chiếu Vô Thường để không sợ trong sự phải ra đi của ta hay của ai đó bởi Phật nói lời chân lý: “Muôn sự Vô Thường sanh – diệt”. Thấu được chỗ này, tâm luôn an và hạnh phúc, không cần biết bạn ở lứa tuổi nào, bạn sẽ luôn an yên tự tại bởi thấu được cảnh giới Vô Thường và hiểu thấu được Vô Ngã, từ đó Khổ không còn chỗ trụ lại trong tâm, trái tim của bạn chỉ trào dâng tình yêu thương, đôi mắt của bạn sáng trưng Trí Tuệ của người hiểu thấu Pháp Vô Thường sanh – diệt tới lui và chúng ta sẽ thấu được Phật sao lại ra đi, rời bỏ một gốc cây sau 03 ngày là bởi vì Ngài không nuối tiếc, Ngài không bám víu, Ngài không muốn cho mọi người đắm chìm trong cái tôi, cái của tôi bởi Ngài hiểu thấu, Ngài đã giác ngộ được Vô Thường, Vô Ngã nên chẳng bao giờ. Tất cả là phương tiện tới lui diệu dụng để mang lại phúc lạc cho muôn người nhưng không giữ, không chấp là của tôi, là của ta. Cả cuộc đời của Ngài dừng chân 03 ngày ở một chỗ rồi tiếp tục ra đi.
Nếu như Bảo Thành và các bạn còn có cơ hội dừng chân trong cuộc đời này 03 ngày, 03 năm, 30 năm, 300 năm thì hãy nhớ rằng: “Chúng ta chỉ dừng chân trong cuộc đời này đủ để gặp những người yêu thương, đồng duyên, đồng phước hội ngộ cõi Ta Bà, hãy sống xứng đáng để tăng trưởng phước lộc cho chúng ta bằng tình thương và Trí Tuệ, thẩm nhập được chân lý để ngày ta ra đi không bỡ ngỡ cho mọi người và để ai đó ra đi, ta không thầm kêu trong tiếng đau đớn: “Sao lại ra đi?” mà giữa ta và người là khúc khải hoàn ca chúc phúc cho người đã ra đi, người sắp ra đi và người ra đi.
Các bạn hãy đặt bàn tay phải Trí Tuệ vào bàn tay Từ Bi, chúng ta trở về với hơi thở Chánh Niệm.
“Thưa Phật! Vạn pháp Vô Thường sanh – diệt chúng con đã thấu tỏ, nguyện sống một đời chân thật với lòng thành kính siêng tu Pháp Thiện của Ngài để luôn luôn với sự hiện hữu trong cuộc đời là sự san sẻ tình yêu thương, là thắp sáng đuốc Tuệ để trọn vẹn một kiếp người có nhân duyên gặp được Giáo pháp của Phật truyền lại cho chúng con.”
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:
Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)
Hồi hướng:
Chúng ta hãy cùng nhau hồi hướng.
Chúng con nguyện hồi hướng công đức đồng tu hôm nay tới với mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo, hiểu thấu lẽ Vô Thường, sống chan hòa tình yêu thương bằng đuốc Tuệ. Hồi hướng cho tất cả mỗi dân tộc, quốc gia đang lâm vào cảnh đại dịch sợ hãi có sự gia trì đặc biệt để vượt qua. Chúng con nguyện xin Chư Phật mười phương Từ Bi chứng minh.