Search

Bài 2037: Y Giáo Phụng Hành | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Tịnh Hương bút ký

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi. Mời các bạn quy ngưỡng về với Phật – Pháp – Tăng để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi xuống muôn loài chúng con và gia trì cho chúng con quán chiếu thấy rõ được các Pháp Vô Thường sanh – diệt, Khổ, Vô Ngã, Niết Bàn.

Mời các bạn đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi. Chúng ta hãy trở về cội nguồn của lòng Từ Bi và Trí Tuệ, thể nhập thật sâu, an tịnh, buông thư trong hơi thở của Chánh Niệm. Lắng nghe tự thân và tâm, gạn lọc những ưu phiền, lo lắng, tịch tĩnh, an nhiên hòa nhập vào với chân lý của Chư Phật khai thị, khiêm tốn và chân thành đón nhận.

“Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và gia trì cho chúng con quán chiếu thấy rõ được các Pháp là Vô Thường sanh – diệt, là Khổ, Vô Ngã, Niết Bàn.”

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Mô Phật! Các bạn thân mến! Bất cứ ai nếu chúng ta là học trò, dù là học trò học Phật Pháp cao siêu hay học giáo lý của các tôn giáo chúng ta theo, hoặc là chúng ta học những kiến thức về xã hội, văn chương, những kiến thức cần thiết trong đời sống của con người thì ai trong chúng ta cũng cần phải ghi nhớ những điều đã học và phải thực hành, lúc đó mới đưa tới sự thành công.

Chủ đề các bạn gửi về ngày hôm nay: “Y Giáo Phụng Hành” là một vế mà người học trò, người con Phật phải luôn luôn ghi nhớ. Ghi nhớ lời của Phật, chân lý của Đức Phật khai thị và mang vào ứng dụng trong đời sống. Như mật ngôn Mu A Mu Sa, chúng ta ghi nhớ, hiểu thấu đó là sự kết nối với mười phương Chư Phật qua Chánh Niệm hơi thở Từ Bi quán. Nhớ thật thuần thục mỗi khi hít vào thở ra trong Chánh Niệm, buông bỏ tất cả mọi phiền ưu trong cuộc đời để tâm của ta thơi thới, gắn kết với Phật, đón nhận mưa Ân điển của Phật. Và thực hành miên mật như thế thì miền đất tâm của chúng ta, ruộng phước của chúng ta sẽ đón nhận được biết bao nhiêu Ân phước, hồng phúc của mười phương Chư Phật ban rải xuống. Sự thực hành miên mật, rốt ráo mỗi một ngày chúng ta tập, đồng tu là mỗi một lần chúng ta bước lên để vượt qua màn đêm u tối. Và với mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, chúng ta ghi nhớ thật rõ, đây là mật ngôn đuốc Tuệ Đại Thủ Ấn Trí Tuệ Viên Mãn. Với Đại Thủ Ấn Trí Tuệ Viên Mãn và với lòng chân thành, thành kính, khiêm tốn, ta đảnh lễ đón nhận từ mười phương Chư Phật như đuốc Tuệ được thắp sáng trong cõi Vô Minh. Và với lòng Từ Bi, năng lượng yêu thương của Phật tràn đầy, chúng ta thực hành mỗi ngày sẽ thoát khổ, sẽ chứng đắc “Sự phiền não không còn là cái tồn tại ở trong tâm, mà hiểu thấu đời sống là hạnh phúc, đời sống là cội phúc cho chúng ta nương vào Chánh Niệm hơi thở để tận hưởng. Để tận hưởng ngay ở cõi đời này, không hứa hẹn ở một kiếp nào xa xôi mà chẳng ai có thể biết, hiểu được”. Chỉ có thể hiểu và biết được ngay tại đây, lúc này và kiếp này mà thôi. Nếu kiếp này, đời sống này ta không hiểu, ta không biết thì đợi đến kiếp sống nào, đời sống nào để biết đây?

Cốt lõi của giáo lý mà Đức Phật truyền dạy cho chúng ta là để chúng ta ghi nhớ để chúng ta y giáo phụng hành để có lợi lạc thật sự. Chẳng phải là những lời tán tụng nghe cho sướng lỗ tai, nghe cho thích để rồi đàm luận, bàn luận, phiếm luận, tranh luận, và rồi cuối cùng cùng ai ai cũng phủ nhận tất cả những điều gì mình nói tới để quay trở về, chui đầu vào trong thói quen của những tập khí nhiều năm kết đúc để thỏa mãn những cảm xúc, cảm giác của chính ta mà không thể thoát ra dù đã nhiều đời nhiều kiếp hoặc đã nhiều năm, nhiều ngày tháng ta nghe lời Phật, nghe Kinh Phật, ta tu tập mà chỉ thoáng qua như gió thoảng hoặc như nước đổ trên lá môn, chẳng thể thẩm nhập vào trong tâm.

Các bạn phải nhớ rằng, chân lý Giải Thoát mà Đức Phật khai thị cho chúng ta từ nhiều đời trong Đức Phật quá khứ đã phải hy sinh cả xương máu, phải đánh đổi tất cả bằng xương, bằng máu mới có thể nhận ra chân lý Giác Ngộ đó mà khai thị cho chúng ta. Cho nên, là người học trò, người con Phật, Phật tử tại gia hay xuất gia, chúng ta phải nhận được giá trị cao cả, tận hiến của Đức Phật truyền trao lại cho chúng ta Pháp Bảo đưa đến sự Giải Thoát, thành tựu an vui viên mãn. Nếu không nhận ra được giá trị đó, ta sẽ coi thường.

Ngày xưa, các Bậc Đại Sĩ, Bồ Tát, các Chư Tổ, các vị Thiện Tri Thức, các Bậc Thánh Tăng chỉ nghe được một câu kệ, một câu Kinh, một lời khai thị của Phật, liền từ bỏ tất cả cõi dục lạc này, quay đầu trở về với tự thân, an nhiên tự tại, miên mật tu tập. Chính vì điều đó, các Ngài đã đi tới sự chứng đắc viên mãn. Chẳng có bới, có tìm, mò mẫm với chiều dày Kinh điển được ghi, được tạo, được viết, được diễn, được giải, được nói, được phân tích, được đàm luận, được hý luận. Các Ngài không! Các Ngài chẳng màng có những cuộc tham luận trong Kinh điển như vậy mà các Ngài luôn luôn chỉ nhớ một câu, một Kinh đơn thuần như vậy nhưng thể nhập vào với ý nghĩa của câu Kinh, câu kệ đó. Chỉ một hai câu Kinh, câu kệ đó, các Ngài trân quý, hiểu thấu và thực hành, ghi nhớ không bao giờ để cho quên, không bao giờ để lọt ra khỏi đầu và y giáo phụng hành miên mật ngày đêm. Như vậy, các Ngài mới chứng đắc, chứng quả.

Còn chúng ta? Câu hỏi là còn chúng ta như thế nào? Chúng ta không phải đánh đổi xương máu, chúng ta cũng chẳng tốn tiền, tốn vé máy bay, chúng ta cũng không tốn công sức, ngồi tại đó nhìn lên màn ảnh, nghe được Pháp, thấu được Pháp, hành được Pháp, nhưng nghe Pháp của chúng ta như nước đổ lá môn nhiều lắm, chẳng thấm. Hiểu được Pháp mà hiểu theo trí tuệ Luân Hồi nhiều đời trong kiếp nhân sinh, và hành được Pháp, Pháp gì? Pháp Luân Hồi nhiều kiếp như tập khí cuốn trôi và cứ vậy nên ta cứ khổ, không thoát.

Dù lời Kinh, tiếng kệ, dù Mật truyền, Biệt truyền hay Chân truyền đi nữa, ta đã nghe, đã thấu, đã hiểu mà chẳng thể vô. Thoáng thoáng vậy, nghe thấy vui! Và rồi chúng ta không bỏ công sức đào sâu vào để tu mà ta bỏ tiền mua vé máy bay, ta bỏ thời gian tham dự các khóa tu nơi này, nơi kia của những Bậc Đạo Sư tên tuổi, những Bậc Thiền Sư lỗi lạc, của những Bậc chứng đắc Thánh Tăng. Đi để cho có lớp, đi để cho có mặt, đi để cho có sự hiện diện, rồi bắt đầu tham luận, tranh luận và tư duy theo chiều sâu của tư tưởng, kiến thức Phàm phu luân hồi sanh – tử, lỉnh kỉnh như chuông mõ, lỉnh kỉnh như xoong, nồi, nghe vang đấy nhưng mà quấy nhiễu Tâm thức của người khác.

Chúng ta học Phật thật nhiều nhưng không thấu được giá trị để y giáo phụng hành, ghi nhớ không thể quên. Chúng ta nghe được lời của Phật, hiểu được lời của Phật, chúng ta cũng hành nhưng mà chỉ hành bằng miệng nói, bằng sự tán tụng chung quanh để mang tên tuổi ghi vào ta có tham dự, có học những khóa lễ tu học này, nọ, kia thôi. Bởi bao nhiêu lời Kinh, tiếng kệ của Phật dạy chúng ta rất sợ, chúng ta muốn quên nó đi, chúng ta không nhớ. Sợ làm sao? Sợ chất chứa vào, chất chứa vào não mà chúng ta đã có dư và đầy những dục lạc ở trong đầu, đang tồn đọng ở nơi đó. Chúng ta sợ lắm, sợ mang chân lý của Phật vào não bộ đó thì cái não đó sẽ đẩy lui tất cả các dục lạc, làm cho ta mất niềm vui của cuộc đời. Một bộ não tràn đầy dục lạc, không bao giờ muốn mang vào chân lý của Đức Phật. Điều đó có!

Bao nhiêu thuở chúng ta nghe, chúng ta tu, chúng ta không nhớ, chính là bởi vì trong não của chúng ta quá đầy dục lạc của cuộc đời nên lời chân lý của Chư Phật chẳng thể đi vào.

Các bạn! Chúng ta phải nhớ cho thật kỹ, “Y Giáo Phụng Hành” là phải y theo chân lý Đức Phật dạy với cái tâm kính cẩn ghi nhớ, không thể quên để thực hành miên mật để thành tựu chứ không phải để nghe, để tán tụng, để khen, để nói. Tập khí là thói quen xấu. Ta đã để cho thói quen xấu dẫn chúng ta đi.

Tập khí là thói quen xấu đó như cái cây của người chăn bò, mỗi ngày lùa bò ở đồng hoang vào trong chuồng, nhốt lại. Các bạn! Tập khí là những thói quen xấu, không tốt. Thói quen luân hồi đau khổ, nó chẳng khác gì như cây gậy của người chăn bò, mỗi ngày ở đồng hoang của cuộc đời lùa bò, lùa trâu vào trong chuồng khóa lại, nhốt lại đó.

Sanh – Lão – Bệnh – Tử là cây tập khí, thói quen xấu nhiều đời đã lùa chúng ta trong cuộc sống này đi vào cõi trầm luân sanh – tử khổ. Các bạn nghe không? Người học Phật của chúng ta không đi sâu vào để thực hành mà chỉ hời hợt để cho thói quen, cố tật, tập khí nhiều đời xấu xa, bất thiện, ác nghiệp lôi dẫn như chiếc gậy, như chiếc cây của người chăn bò, lùa bò vào trong chuồng, nhốt. Và Sanh – Lão – Bệnh – Tử như cái cây của kẻ chăn bò đó, đã lùa chúng ta vào trong chuồng sanh – tử trầm luân đau khổ nhiều đời, thế mà chúng ta cứ trơ trơ như thân bò, để cho người chăn bò đánh đập, thúc đẩy chui vô trong chuồng. Chúng ta đã để cho Sanh – Lão – Bệnh – Tử, chiếc gậy của trầm luân đau khổ quất lên trên người, đâm vào trong người, lùa chúng ta vào trầm luân Tam Đồ khổ: Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh, vậy mà vẫn sướng, vẫn cười. Vì sao?

Các bạn và Bảo Thành và mọi người mất một con chó, mất một chiếc kim, cọng chỉ, một cái quần, cái áo, một chiếc xe, một chút tiền, một cái gì đó thì cuống cuồng đi tìm phải không các bạn? Tìm ngược tìm xuôi, tìm cho đến khi nào thấy thì thôi. Thế vậy mà chúng ta đã đánh mất Chân Tâm Bổn Tánh Như Lai hiền lành, hạnh phúc, an lạc, Niết Bàn mà chúng ta không tìm. Chúng ta không hề đi tìm!

Các bạn thấy vô lý đến cỡ nào không?

Chắc chắn Bảo Thành và các bạn đã nhiều lần mất cái này, mất cái kia, mất con vật, mất đồ vật, cắm cúi, lủi thủi cả đời để đi tìm. Mất danh, mất tình, mất tiền, mất bạc, mất vật chất, của cải, mất những điều hay hư mất, những điều huyễn không, những điều không có, những điều chẳng thể mang theo được nhưng mà chúng ta cứ vùi đầu đi tìm như con lật đật, lật ngược lật xuôi trong cuộc đời để đi tìm những điều hảo huyền, hư mất đó. Nhưng chúng ta thấy rõ là mất Bổn Tâm, mất tâm thiện, mất Phật Tánh, ta đánh mất nhưng ta không tìm, ta không tìm. Vì sao đến nỗi như vậy?

Thật đáng buồn cho chúng ta, thật là đáng buồn cho chúng ta khi đã nhìn thấy rõ ràng chúng ta đã mất những điều cần phải mất, đã mất những điều không có, đã mất những điều thật huyễn không, thật giả, thật không thật, đã mất những điều mang lại đau khổ nhưng chúng ta cứ như trẻ thơ ôm lấy nó khóc lóc, van xin, tìm tòi cả đời nhưng cái chân thật nghĩa là Phật Tánh mất thì chẳng muốn tìm.

Biết bao nhiêu lần Bảo Thành và các bạn đã đi thực tập những khóa tu, đã nghe Kinh, nghe kệ, thuộc làu làu bái sám, tụng niệm nhưng sự tụng niệm đó chẳng phải là y giáo để thực hành, y như Giáo pháp Giải Thoát để thực hành chứng ngộ mà chỉ y như tham dục, cái ý của riêng mình, điều kiện của mình khi đi tới đó để đào bới, tìm tòi mà thôi. Ta tới Chùa có ý riêng, Sư Thầy, Sư Cô, các bạn đồng tu trong Chùa mà không như ý, thỏa mãn điều ta mong muốn, ta giận đó. Có! Bởi vậy khi vô nhà bếp của Chùa, vô Chánh Điện hoặc vô Lâm Viên cảnh Chùa thanh tịnh, tĩnh mịch, an yên, ta lại đặt vào ý riêng của mình, ai chạm vào một chút xíu là tự ái dồn dập cao ngất. Chưa ra khỏi Chùa là thị phi đã lan tỏa khắp thế giới, mọi người đều biết về ngôi Chùa đó qua sự phán xét cục bộ, nhỏ bé như cái não tràn đầy dục lạc của ta, để thỏa mãn những điều kiện ta đưa ra không được đáp ứng, do đó, bây giờ ta nói cho thích, cho người ta biết, cho người ta chán chê để cho người ta không tới Chùa nữa. Chuyện đó xảy ra như cơm bữa, nó đâu phải là “Y Giáo Phụng Hành” đâu các bạn!

Đó là khinh Giáo pháp của Như Lai, đó là coi thường sự hướng dẫn của Đức Phật. Ghi nhớ lời của Đức Phật là khai mở Trí Huệ, là “Y Giáo Phụng Hành”, là tăng trưởng Chánh Định, có Trí Huệ và Chánh Định ghi nhớ những điều đã học của Phật. Những điều đó, Đức Phật dạy để giải thoát chúng ta khỏi đau khổ, nhớ không thể quên rồi mang vào thực hành gọi là “Y Giáo Phụng Hành” đó sẽ tăng trưởng Chánh Định. Có Trí Huệ và có Định, một Pháp tu chỉ cần nhớ lời của Phật và thực hành. Và trong cái nhớ đó gọi là Văn, Kinh Văn mà. Rồi chúng ta thực hành đó, nó còn đồng hành với cái Tư gọi là Văn – Tư, đó gọi là tu, Văn – Tư – Tu. Trí Huệ và Định, tuyệt vời thế mà người ta coi thường bởi não của chúng ta tràn đầy dục lạc, chẳng mảy may một lời chân lý có thể lọt vào. Ta tới Chùa nghe Kinh, ta đồng tu là chỉ để tán tụng ý kiến riêng mình, là để ca ngợi phẩm chất ích kỷ, nhỏ bé như tự lấy cây gậy Sanh – Lão – Bệnh – Tử của người chăn bò lùa tự thân vào trong hang cùng, ngõ hẻm, vùng sình lầy của Luân Hồi trầm luân đau khổ. Sướng! Vậy mà sướng, cười hoài! Thích lắm.

Các bạn! Người học Phật chân chính là người có tâm chân thành, chí kính, hiểu thấu được Giáo pháp mình đang học cao quý như thế nào bởi Phật quá khứ đã hy sinh bằng xương, bằng máu để có thể mang Giáo pháp cao thượng Giải Thoát đó truyền lại cho chúng ta. Các Bậc Đại Sĩ Bồ Tát cũng hy sinh nhiều lắm! Tầm thinh cứu khổ, mang ánh Minh Quang của Phật đặt để vào trong cuộc đời Vô Minh đen tối của ta. Các Bậc Chư Tổ, Chư Thầy hy sinh nhiều đời nhiều kiếp, chết cũng chẳng sợ, bệnh tật cũng chẳng sợ, khó khăn gian truân cũng chẳng sợ, không lùi bước, vẫn một mực tiến tới vượt qua chông gai, thử thách, đạp trên mảnh sành gai góc, rớt xuống hầm sâu thú dữ, Ngài vẫn can đảm, can đảm đi tới, đi tới để cho ngày nay chúng ta, Bảo Thành và các bạn có được Pháp Bảo cao siêu nhiệm mầu. Không thể quên được các bạn! Không thể coi thường, phải y giáo phụng hành miên mật mới có cơ hội nếm được hương vị Giải Thoát. Còn không, vị đắng của sanh – tử được trét lên một chút mật ngọt của ái dục, của dục lạc sẽ đưa chúng ta chìm sâu vào trong Địa Ngục, trong đau khổ, trong Luân Hồi trầm luân.

“Y Giáo Phụng Hành” là người ghi nhớ lời của Phật, có tư tưởng dõng mãnh, sẵn sàng mất tất cả của cải thế gian, vật chất để ôm giữ lấy, lấy ánh Minh Tuệ của Chư Phật soi đường mà thoát ra khỏi cõi Vô Minh đen tối, bước qua cầu U Mê của Tâm thức mù lòa để tới được bờ Giác Ngộ an vui và hạnh phúc. Người dõng mãnh như vậy sẽ phá tan đi mọi tập khí, thói quen xấu của cuộc đời. Người có tâm chí thành như thế, sẵn sàng bỏ đi những điều mà chúng ta thích thỏa mãn tự thân để lãnh nhận những điều mới mẻ nơi chính Đức Bổn Tôn Thích Ca Như Lai truyền dạy cho chúng ta: “Chân lý Giải Thoát khỏi Luân Hồi”.

Chẳng sợ! Chúng ta có thói quen sợ hãi học những điều mới mẻ, nhất là điều mới mẻ của Đức Giác Ngộ dạy cho chúng ta bởi vì chúng ta nghĩ: “Nếu mà học Phật phải giữ Giới mệt quá trời. Ôi chu cha! Học Phật không được sát sanh, mà mỗi lần giết gà, giết vịt, giết thứ này ăn nó sướng. Bây giờ học Phật, Giới cấm không sát sanh, tù túng, khó chịu quá”, “Thôi! Sát sanh. Mệt!”. Thế lại lao đầu vào chiếc gậy của người chăn bò đánh đập, đuổi ta vào trong chuồng của sanh – tử trầm luân bằng nghiệp sát. “Thôi! Học Phật giữ Giới mệt”.

“Không được trộm cắp”, mà ở đời sướng biết bao khi của không phải của mình, lấy về xài sướng rên, chi mà mần mò đổ mồ hôi sôi nước mắt được một chút, thôi của người dư, ta lấy về xài. Ở đời, lấy đồ người xài thì sướng. Bởi vậy câu tục ngữ mà ông bà dạy: “Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục, ao nhà vẫn hơn”, nhưng người học Phật không muốn giữ Giới thì cải biến, châm chọc, sửa câu tục ngữ đó là: “Ta về ta tắm ao người ta, dù trong dù đục, ao nhà đỡ hao”. Thật là một điều vô lý trong cuộc đời!

Học Phật phiền quá! Không được tà dâm, không được nói dối, không được sử dụng các chất ghiền. Ở đời thiếu gì chất ghiền, nghiền sướng quá, giờ bỏ.

Chúng ta! Não của chúng ta đầy những tâm tánh dục lạc, là kho chứa dơ bẩn của dục lạc, không muốn chất chứa lời hay ý đẹp, chân lý của Phật nên chữ “Y Giáo Phụng Hành” nghe vậy, chẳng muốn. Chùa có tới, Kinh có đọc, kệ có nhìn đấy. Chùa nào cũng biết, Thiền viện nào cũng biết, Chư Thầy, Sư Cô Nào cũng hay, cũng quen, cũng là Sư Phụ của tôi, cũng là người ta quen biết, toàn những Bậc lớn lớn, kể ra đầy cả một danh sách. Và rồi các Bậc Thượng Tọa, Hòa Thượng, Đại Đức, Tăng Ni, các Bậc Trưởng Thượng, các Bậc Thánh Nhân, tên tuổi của các Bậc Tổ hóa ra chỉ là những màu sắc trang điểm như chiếc áo của người Phật tử cho nó hào nhoáng.

Người ta nói: “Người đẹp vì lụa” nhưng chúng ta học Phật đẹp là bởi vì thâu lượm những mảnh vụn từ Chùa này, Chùa kia đắp lên người, hoặc là thu lượm những mảnh vụn của khóa tu, của những lúc học tụng Kinh đắp lên trang điểm như phấn son đắp cho dầy da mặt mà chẳng thấy được thực tướng, sắc đẹp nguyên trinh của chúng ta nơi Tự Tánh của Phật. Ta không y giáo phụng hành, ta chỉ y theo ý của mình mà lộng hành.

Các bạn! Ta không y giáo phụng hành là theo chân lý Giải Thoát để miên mật thực tập. Ta chỉ theo ý riêng tư, điều kiện của mình để lộng hành, như thế, từ các Chùa, các Thiền viện, các nơi tu tập hay lộn xộn. Chỉ theo ý mình lộng hành thôi, ai chiều ý tôi thì “Ôi cha! Mọi chuyện tốt”, không chiều thì tôi lộng hành cho biết. Từ những điều đó, ta suy ra và thấy rằng chữ “Y Giáo Phụng Hành” là cần tâm chân thật, một lòng hướng Thượng, có tâm hướng tới điều Giải Thoát. “Y Giáo Phụng Hành” còn có lợi lạc nếu thực tập được điều đó, ta sẽ bẻ gãy được sự ràng buộc của cái gậy chăn bò, tập khí bất thiện nhiều đời lùa ta vào biển sanh – tử, dìm ta xuống dưới đó, và rồi “Y Giáo Phụng Hành” tăng trưởng Chánh Định, thắp sáng đuốc Tuệ, tràn đầy tình yêu, để cho ta đẹp và đúng bằng tình thương, để chúng ta không trách móc.

Có những con người trong cuộc sống, khi vợ nói một điều, nghe theo vợ chẳng nghe bằng tình thương vợ, bằng lòng kính trọng, yêu quý vợ mà nghe và làm theo những lời của vợ như là một sự áp chế, cưỡng bức để rồi mấy ông chồng bắt đầu mới lén lúc họp lại với nhau thành lập hội sợ vợ. Ngược lại cũng thế, có nhiều người vợ chẳng nghe theo chồng bằng tình thương. Chúng ta không nghe nhau bằng tình thương bởi chúng ta chỉ nuông chiều theo ý riêng tư của mình. Từ đó, mà muôn sự ở đười ở đời nó rối rắm, rắc rối bởi ta chỉ biết nghe theo tiếng gọi của tập khí, thói quen xấu nhiều đời như ngựa quen đường cũ, chẳng thể thoát. Cái đường cũ Luân Hồi sanh – tử mà gậy Sanh – Lão – Bệnh – Tử cứ quất, cứ đâm, cứ thọc, cứ đập vào người chúng ta nhiều đời, lùa vào trong biển sanh – tử, biết là ngộp, là chết, là chìm, vậy mà vẫn sướng. Chẳng khác gì gậy của người chăn bò!

Đời, người ta nói: “Ngu như bò”, chúng ta Bảo Thành và các bạn thật là ngu dốt. Thấy ánh Minh Tuệ ở trước mặt đó, dẫn đường cho thoát mà không muốn, ngoảnh mặt làm ngơ để tự lấy cây Sanh – Lão – Bệnh – Tử đập lên người, lùa tự thân vào trong trong khổ đau. Rồi chúng ta nuông chiều ý riêng tư của mình. Học Pháp, một thứ thôi thì mê thì đắm bởi vì nó phù hợp với điều kiện, rồi bắt đầu chê bai, gièm pha những Pháp khác, những chân lý của Phật dạy. Rồi bắt đầu nguyền rủa, bắt đầu tham luận, tranh luận, lý luận bằng tri kiến, hiểu biết của người đang trầm trong luân khổ. Lấy đầu óc, lấy kiến thức trầm luân đau khổ, đầu óc của kẻ đang luân hồi đó để đàm luận, phiếm luận những lời cao siêu của Bậc Giác Ngộ, chẳng khác gì con cóc ngồi đáy giếng, nó coi trời bằng vung, thế mà nó kêu thật to, nó chửi bới hàng xóm, nó chê bai Chùa này, Chùa kia, Thiền viện này, Thiền viện kia, Thầy này, Thầy kia, Pháp môn này, Pháp môn kia. Chuyện đó có đầy ở ngoài đời! Chẳng phải Phật tử đâu, các Bậc Tôn Túc cũng vậy, đôi khi cũng đeo kiếng, đeo kiếng che đường để mờ con mắt, lạng quạng lung tung, nói điều sai quấy, đau lòng Thế Tôn. Cứ chê, cứ chửi, cứ cho mình như là thấu, chẳng khác gì tiếng cóc kêu từ đáy giếng, oang oang cả một đời, chết trong vùng sâu, lại chìm xuống Luân Hồi.

Chúng ta khờ lắm! Cứ lấy cây Sanh – Lão – Bệnh – Tử như kẻ chăn bò đó mà đập, mà đánh để lùa mình vào trong biển sanh – tử: Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh, để không ghi nhớ chân lý của Phật: “Y Giáo Phụng Hành”. Chúng ta cứ lấy cây của tập khí, thói quen xấu nhiều đời của tự thân, ý kiến, điều kiện của mình để rồi miễn cưỡng nghe người khác như nghe vợ, nghe chồng, nghe bạn bè, nghe mọi người chẳng bằng tình thương, Từ Bi và Trí Tuệ mà chỉ bằng miễn cưỡng mà thôi. Cho nên, nói xiên nói xỏ, nói xéo nói ngược, nói đâm nói thọc, dù người đó là chồng, dù người đó là vợ, dù người đó là cha mẹ, con cái, bạn bè. Ở đời, thế mới có Giới thứ tư!

Thích nói vọng ngữ, những lời thô ác, đâm thọc lung tung. Đâm bị thóc, thọc bị gạo cho nó xì ra, cười khanh khách sướng thật. Sướng cái miệng mà khổ cái thân. Thân – Khẩu hại xác Phàm.

Có! Người xưa nói không sai.

Hãy suy nghĩ thật kỹ. Hãy suy nghĩ thật kỹ các bạn ơi! Thà rằng chỉ một người học mà thấu nghĩa, thực hành, giác ngộ còn hơn có nhiều người. Đừng nghĩ rằng quy y, học Phật nhiều, đông mà thích. Một người hiểu là đủ! Quy y, học Phật mà chẳng giữ Giới, chẳng mang lời Phật vào để thực hành, y giáo phụng hành.

Chúng ta có nhìn thấy gương của Ngài Đạt Ma Sư Tổ đi bộ từ Ấn Độ qua tới Trung Hoa cực khổ thế nào, người Trung Quốc không đón nhận, chửi ông tóc dài, râu ria rậm rạp, toàn mùi cà ri vì Bồ Đề Đạt Ma là người Ấn Độ, người Ấn Độ ăn cà ri.

Các vị Thầy Trung Quốc chê bai, chửi bới: “Ông này không biết nói Kinh”, mà Ngài Bồ Đề Đạt Ma vẫn vui, vẫn thoải mái, nhìn vào vách núi ở nơi Chùa Thiếu Lâm Tự, diện bích tức là nhìn vào vách núi 09 năm trời để cuối cùng chỉ cần một đệ tử là Ngài Huệ Khả, sẵn sàng chặt cánh tay, tức là từ bỏ những tập khí của mình để nói: “Thưa Thầy! Con thành kính đón nhận Pháp Ấn. Pháp Ấn Trí Tuệ Viên Mãn”. Thế rồi Ngài Bồ Đề Đạt Ma đã nhận Ngài Huệ Khả, truyền trao Y Bát, tức là Pháp Ấn Trí Tuệ Viên Mãn, rồi đủng đỉnh, đủng đỉnh chân đất, vác chiếc giày mà trở về miền đất xưa. Chẳng miệt mài nơi xứ Trung Hoa để tạo bè tạo phái, thành lập một Giáo phái, một Giáo tông mới có hằng hà sa số đệ tử. Ngài có khả năng đó không? Dư! Ngài giác ngộ mà. Lời nói của Ngài có thể làm cho bao nhiêu con người thay đổi để đi theo. Nhưng Bồ Đề Đạt Ma, vị Tổ đó chẳng bao giờ đi tìm số đông, số lượng mà đi tìm chất lượng của Pháp mầu được gieo vào miền đất tâm có thể trổ mầm, mang lại lợi lạc cho muôn kiếp sau.

Chúng ta đi Chùa phải đông người, đi học bạn phải đông mới vui. Rồi chúng ta đi tới đạo tràng này, đạo tràng kia hàng trăm, hàng ngàn người xếp hàng như quân đội đó! Thích lắm, thích lắm!

Đông vui hao! Đông vui hao! Hao tổn Chân khí, nói nhiều, ra sức nhiều! Các Bậc Tổ hồi xưa lìa bỏ cõi trần, một câu Kinh, một tiếng kệ miên mật tu thành Bậc Giác Ngộ. Ta lìa bỏ gia đình tới Chùa để thâu gom thị phi về nhà, phá đi hạnh phúc của gia đình, phá đi hạnh phúc của người khác bởi chúng ta chưa thấu được nghĩa cần phải ghi nhớ chân lý Giác Ngộ của Phật dạy và phải y giáo phụng hành bằng tâm thành kính, chân thật.

Đừng tự biến mình thành người chăn bò để cầm cái gậy chăn bò lùa mình vào trong chuồng bò, đừng tự biến mình thành người chăn bò cầm gậy Sanh – Lão – Bệnh – Tử lùa mình vào cõi trầm luân. Đừng để những điều kiện, những ích kỷ riêng tư, những não bộ đầy dục lạc chen lấn chân lý của Phật, xua đuổi đi xa để đắm chìm trong những điều mơ ước, tham thích nhỏ nhoi của chuồng trầm luân đau khổ. Hãy suy nghĩ kỹ để y giáo phụng hành chân lý Giác Ngộ mà Đức Phật đã truyền, các Bậc Đại Sĩ Bồ Tát, các Bậc Tổ, các Chư Thầy đã tới tận cuộc đời của chúng ta ngày hôm nay để trao truyền Pháp Bảo. Hãy nhận ra và y giáo phụng hành, chúng ta sẽ thoát khổ.

Xin hãy đặt bàn tay phải Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái Từ Bi để chúng ta bắt đầu.

“Thưa Phật! Chúng con thật là dại khờ, đã cầm cây gậy Sanh – Lão – Bệnh – Tử như kẻ chăn bò lùa mình vào cõi trầm luân đau khổ và để cho chiếc gậy của tập khí, thói quen xấu nhiều đời cứ đâm, cứ đập, ích kỷ riêng tư, coi thường Giáo pháp Giác Ngộ của Ngài. Nay thấu rõ, nguyện ghi nhớ đời đời kiếp kiếp và y giáo phụng hành để chắp đôi cánh thiện thần bay lên khỏi cõi u mê, đi vào bầu trời Giác Ngộ Tuệ Năng của Như Lai.”

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Các bạn ơi! Ta đã đồng tu xong rồi, mời chắp tay vào hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Con nguyện xin Chư Phật ban rải năng lượng tình thương và gia trì cho chúng con có Trí Tuệ quán chiếu thấy rõ, để không còn là kẻ chăn bò cầm gậy Sanh – Lão – Bệnh – Tử lùa mình vào cõi trầm luân: Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh mà ghi nhớ lời chân lý của Phật y giáo phụng hành vượt miền Vô Minh tới bờ Giác Ngộ hạnh phúc và bình an.

Chúng con nguyện hồi hướng cho tất cả các nguyên thủ các quốc gia biết thành lập chính sách hòa bình cho thế giới.

Hồi hướng cho các nhà khoa học gia ngành y, ngành dược chế tạo ra được vắc xin, thuốc trị bệnh và hồi hướng cho các bác sĩ, y tá, y sĩ chữa lành các bệnh nhân.

Đặc biệt, hồi hướng cho nước Ấn Độ cũng như quốc độ Việt Nam chúng con, các nước đang bị đại dịch hoành hành mau thoát khỏi cơn đại dịch này.

Hồi hướng cho những ai phiền não, đau khổ tìm được hạnh phúc và an vui nơi Pháp Phật.

Hồi hướng cho các Chư vị hương linh theo thiện nghiệp mà tái sanh cảnh lành.

Xin Chư Phật mười phương Từ Bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn