Search

Bài 2036: Phiền Não Của Ta | Thất Bảo#2 – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Bảo Tịnh Diệu bút ký

Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu ở trên YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facbook Chua Xa Loi. Chúng ta trao cho nhau năng lượng yêu thương qua những lời chào thân ái khi bắt đầu vào buổi đồng tu. Giờ đây, đúng thời để tu, mời các bạn hãy quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì cho chúng con quán chiếu thấy thật rõ các Pháp Vô Thường sanh – diệt, Khổ, Vô Ngã và Niết Bàn.

Mời các bạn đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi. Mỗi một ngày và trong từng giây phút, những người con như chúng ta luôn nhớ về mẹ. Mẹ hiền mẫu vẫn còn trong mỗi ngày, chẳng phải chỉ là ngày hôm qua, ngày đã xa, mà từng giây phút mẹ hiền luôn ngự ở trong trái tim của những người con. Hãy nguyện cho mẹ luôn bình an, hạnh phúc, thân tâm thường an lạc.

Giờ đây, hãy buông bỏ tất cả mọi sự lo âu trong đời thường và ngồi xuống. Các bạn hãy ngồi xuống trong tư thế buông thư, nhẹ, an thái. Các bạn hãy ngồi xuống và ngồi xuống để trở về với hơi thở của Chánh Niệm, đón nhận năng lượng tình thương của mười phương Chư Phật vào thân tâm, gửi tới cho mẹ. Ngồi xuống trở về với Chánh Niệm hơi thở, đón nhận đuốc Tuệ của Bậc Đại Giác Ngộ để thắp sáng niềm tin đối với mẹ.

“Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi tới tất cả những Đấng sinh thành là mẹ trên thế gian và gia trì cho chúng con biết quán chiếu vạn pháp Vô Thường sanh – diệt, Khổ, Vô Ngã và Niết Bàn để thường an trú trong Chánh Niệm hơi thở.”

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Mô Phật! Các bạn thân mến! Với chủ đề: “Phiền Não Của Ta”, chắc có lẽ đây không phải là điều ta muốn nói tới. Thói quen trong cuộc sống, ít khi nào chúng ta nhìn nhận những điều phiền não của chính mình bởi ta nhìn ra bên ngoài mỗi ngày, ít nhìn lại bên trong. Đức Phật lại luôn dạy chúng ta phải có cái nhìn vào bên trong để thấy được phiền não của chính mình, và trong cuộc sống, khi Đức Phật dạy một điều gì đều có lý do và những điều Đức Phật dạy có lợi ích cho chúng ta. Nhưng bởi vì thói quen ở đời, ai có đủ can đảm để nhận ra lỗi của chính mình và sự phiền não kia là của chúng ta đâu?

Hồi còn rất nhỏ, Bảo Thành nhìn thấy, chứng kiến tận mắt: “Có một đứa nhỏ chạy về nhà khóc lóc, người mẹ vội vàng chạy ra hỏi tại sao con khóc? Và đứa con chỉ qua hàng xóm nói rằng đứa nhỏ ở bên kia đánh con. Người mẹ la lên, bực bội và nói rằng bực mình quá đi, thế là cầm tay đứa nhỏ, kéo xồng xộc ở trên đường, đi qua nhà hàng xóm chửi bù lu bù loa làm cho thế giới đảo lộn, gây ra biết bao nhiêu những chuyện phiền não ở trong đời.

Và các bạn biết, người mẹ bên kia cũng đâu có vừa bởi vì hai nhà ở gần nhau, quen rồi. Người nào cũng không phải dạng vừa đâu các bạn! Mẹ của đứa nhỏ này chửi thì mẹ của đứa nhỏ kia cũng vung tay múa chân, và chẳng bao lâu đâu, đây là sự chứng kiến thật rõ, hai người phụ nữ có con nhảy vào nhau, tay chân vung vẩy. Hàng xóm phải chạy ra can, kéo hai người phụ nữ ra và rồi ai cũng chửi: “Con của cô đánh con của tôi”. Người kia cũng nói như vậy.

Hai đứa nhỏ chơi với nhau, chẳng biết chuyện gì xảy ra. Có lẽ hai đứa nhỏ đánh nhau thật nhưng đó là chuyện của trẻ con mà, xô xát là chuyện thường, nhưng hai người mẹ không bao giờ nhận ra và không muốn nhìn xem nguyên nhân, chỉ thấy nhìn con khóc và nói người ta đánh con rồi, phiền quá đi là phải bay qua đánh người ta.

Chuyện như vậy vẫn còn ở ngày nay, hai người đi đụng vào nhau, chẳng biết ai đúng ai sai, nhất là ở Việt Nam, Á Đông, quay qua chửi liền, chửi trước để thể hiện. Hình như có một nền phong tục nơi tự ngã, nơi cái tôi, chẳng phải là truyền thống của ông bà mình, ông bà mình không dạy như vậy, nền giáo dục thật sự ở trong nước không dạy như vậy, ông bà xưa không bao giờ dạy như vậy nhưng cái tôi của mình đã dạy cho chúng ta phải thể hiện sức mạnh. Chỉ chạm vào một chút là nhìn trừng con mắt lên, sừng nó mọc lên rồi, lạng quạng là ẩu đả, chẳng biết nói một lời xin lỗi. Và trên những con đường giao thông, ta thấy hằng ngày, quẹt nhau một chút, phải trái không cần, nhảy xuống đánh liền, tơi bời cái đã. Giữa giao lộ xe ngược xe xuôi chẳng sợ chết, đâm bổ vào nhau vì một lý do bất cẩn của ai đó, chẳng biết tha thứ, xin lỗi mà nhảy xuống đánh liền. Mà hầu hết là lỗi của chính mình gây ra, nhưng nếu không đánh họ thì họ cho rằng là lỗi của mình, thôi, phủ đầu đánh trước, biết đâu họ sợ họ chạy rồi ta có lỗi mà mọi người thấy, tưởng rằng ta không có lỗi. Chuyện đó thấy hoài, thấy riết như phim chiếu ở trên rạp hoặc là như những chương trình sống động thật sự của cuộc đời, xảy ra mỗi một ngày.

Tại sao như vậy ha? Có những nước ở phương Tây, người ta đã dạy cho nhau một truyền thống văn hóa mới, chẳng biết sai hay đúng, khi xảy ra sự việc, người ta nói một lời đơn giản: “Xin lỗi”. Lời xin lỗi bằng chân tình làm ấm lòng và rồi hai người đó, chẳng cần gì nhìn thấy lỗi của ai, chỉ biết xin lỗi và nếu như có tổn hại gì như đụng xe hoặc một chuyện gì đó, họ sẽ tìm cách, họ sẽ tìm cách để giải quyết trong ôn hòa. Đây là một nét văn hóa đẹp! Dù bạn không có lỗi, sự việc xảy ra, môi miệng hiền từ của con người cũng biết xin lỗi, rồi cùng nhau giải quyết. Nhưng thật nhiều ở những nước Á Đông hoặc ở trong nước, khi xảy ra sự cố, đã gọi là sự cố mà xảy ra thì ai muốn đâu, nhưng cứ la toáng lên: “Phiền quá đi, phiền quá đi” và rồi ẩu đả. Chuyện này ta cảm nghiệm được và ta từng trải nghiệm, không phải vì nhìn từ bên ngoài mà chính mỗi người chúng ta đã từng làm như vậy. Khi có điều gì sai, có điều gì xảy ra, ta thích cương lên cho dõng mãnh, cho mạnh, thể hiện kẻ hùng, anh hùng dân tộc, cái tôi tự hào về bản thân quá nhiều, chẳng bao giờ nghĩ ra ta đã sai hoặc ta biết nói một lời xin lỗi bởi hình như văn hóa ở trong nước, ở Việt Nam nói chung, những nước Á Đông, lời xin lỗi như một sự nhục mạ, đê hèn, thấp bé cho nên người ta không muốn. Xin lỗi là thua, là lép vế, xin lỗi là không được đâu, phải đấm phải chửi.

Thế giới thật ồn ào và những chuyện phiền não đâu đâu nó xảy ra trong cuộc đời, không bao giờ mỗi người chúng ta nhìn thấy đó mà nhận ra chính là do nguyên nhân ta tạo ra. Luôn luôn nhìn thấy những người xung quanh là nguyên cớ, là nguyên nhân, là người tạo cho ta phiền não và ta phiền não quá nên ta phải chửi…, thì làm sao mỗi người chúng ta dám có lòng dũng cảm nhận ra và vỗ vào ngực: “Ờ! Phiền não của ta”. Không ai nói!

Các bạn trở về với chính cảm xúc của mình trong sự phiền não nhiều năm qua, khi tâm sự với một người bạn, ta liền nói: “Bạn biết không? Mình phiền não dữ lắm”, người bạn hỏi: “Tại sao bạn lại phiền não?” thì bắt đầu lại kể: “Ôi trời ơi! Ông xã ổng không biết nghe lời hoặc bà vợ không làm đúng ý, hoặc hàng xóm hoặc người này, người kia”. Thường là tiếng than trước: “Tôi cảm thấy bực quá, tôi cảm thấy phiền não quá bạn ơi”. Bạn mới khơi màu “Làm sao phiền não?” là kể cả một xâu chuỗi dài hơn 108 biến tụng Kinh nữa. Dài lắm! Dài vô tận.

Các bạn có không? – Có mà. Bảo Thành cũng có! Đó là thói thường ở đời nhưng thói thường đó, nó lập dị đến mức nó cứ lặp đi lặp lại thành một thói quen mà chính ta và mọi người chấp nhận, cho đó như là một chân lý ai cũng cần để làm. Nhưng nó sai các bạn ơi! Nó sai. Bởi ta chỉ biết đánh bóng tên tuổi của mình, làm hào nhoáng cái đẹp của ta mà lại không dám nhìn nhận cái sai, phiền não của chính ta, thì làm sao đánh bóng được? Thì làm sao làm hào nhoáng tên tuổi? Phải không?

Ta phải sửa cho nó sạch sẽ, gọn gàng những vết nhơ ở trong tâm. Lúc đó thì tự thân không cần phải quảng bá, quảng cáo, tên tuổi cũng là “Hữu xạ tự nhiên hương”. Tự nhiên mà hương thơm nó bay, nó tỏa.

Bây giờ, nói đến Đức Phật dạy vào ý của sự việc con người từng đối đãi với nhau, Phật dạy hãy nhìn rõ phiền não của chính ta, nhưng con người nói: “Ngu sao mà nhận lỗi của mình, đụng chuyện, lỗi ai không cần biết, cứ phủ đầu đánh trước, khờ sao mà cứ nhận là ta gây ra phiền não của ta? Phiền não của ta là mọi người không à. Ông Phật ổng nói vậy chứ chuyện đó không đúng ở trên đời”. Mà có thật! Nhiều người không hẳn là Phật tử tại gia, ngay cả những Bậc xuất gia, đi tới chỗ này, chỗ kia gặp chuyện không ưa, lòng không hợp, phiền não dâng lên, thế là kể chuyện lung tung, viết lách lung tung trên Facebook, trên mạng hoặc truyền miệng, nói xấu người này, người kia, luôn luôn tạo ra phiền não cho mình. Đó là cái sai! Phật nói: “Tất cả đều do nghiệp duyên của chính ta, trong lòng có phiền não, khi chạm vào thì vẩn đục của phiền não nó mới dâng lên, còn trong lòng tự tại thì dù muôn chuyện xảy ra, lòng vẫn an yên”.

Chuyện này có ở đời thường lắm! Bởi vậy, khi các bạn nghe ai tâm sự phiền não của họ, bạn chỉ hỏi thôi là họ sẽ kể người này, người kia ngay, chỉ vì ta bảo vệ cái tôi của mình, tự hào về cái của mình quá nhiều để rồi bất chợt biến mình thành con ma phiền não và rồi thành con ma nói lung tung, không đúng.

Phật dạy hãy nhìn nhận phiền não của ta có nguyên nhân. Người biết nhận ra phiền não và biết nhìn ra phiền não của chính mình là người luôn tự tại. Bạn không nhận ra phiền não và nhìn thấy phiền não của chính bạn thì bạn luôn phiền não! Như có người bất chợt lửa cháy ở trong nhà, nhà cháy không lo dập tắt mà tức người hàng xóm, mang lửa nhà mình châm qua nhà hàng xóm, tưởng rằng nhà ta cháy đốt luôn nhà người khác, như vậy cả hai cùng cháy. Cho nên, khi ta giận, phiền não của ta, ta lại nghĩ người khác để châm phiền não của ta tới người kia. Nhà ta đang cháy, châm lửa hàng xóm nữa thì nhà ta cháy nhanh hơn, mà cả làng sẽ bị cháy để rồi ai ai cũng sẽ bị thiêu đốt. Phiền não đang có, ta lại không dập tắt phiền não của mình mà để châm ngòi phiền não cho người khác thì người ta và mình tăng trưởng và cộng nghiệp phiền não, tổn hại phước báu và rồi làm cho tình cảm bị tan vỡ. Mà hình như ở đời, đây là một thói quen, một tội mà chúng ta không nhận ra, ai ai cũng tự hào, cứ làm hoài, lập dị vô cùng. Đi tới không phải là dị nhân đâu, mà đi tới để trở thành quá kì dị, dị tướng, không phải bẩm sinh mà dị tướng tự sinh cho chính mình mong muốn.

Đức Phật dạy cho chúng ta phải biết nhìn ra phiền não của mình. Rất là hay!

Trên những chuyến đi đây, đi đó, đặc biệt là lên máy bay du lịch. Trên đó, người ta luôn nhắc nhở rằng nếu có chuyện gì mà thấy cái chụp Oxy thòng xuống, nhiệm vụ đầu tiên là chính chúng ta phải đưa vô miệng, cột chặt lại để thở Oxy. Không được giúp những người ngồi bên cạnh, ngay cả người đó là con của chúng ta, là cha mẹ của chúng ta cũng phải bỏ. Tự cột vô miệng để thở Oxy. Khi ta đã làm cho chính chúng ta rồi thì lúc đó mới giúp đỡ người bên cạnh. Cha mẹ, con cái hay những ai đó họ không biết. Đây là một việc làm rất cụ thể trên máy bay, nếu các bạn từng đi máy bay các bạn hiểu, và cũng chính là lời dạy của Phật, để cứu người ta phải tự cứu mình, để dập tắt ngọn lửa phiền não thì ta phải dập tắt phiền não của chính ta bởi ta đang tắt thở, tức quá, giận quá, nó dồn hơi lên, nó bị ứ ở trong ngực, thở không được thì ngay lúc này phải thở Oxy, thông cho ta trước, còn không ta mắng mỏ người bên cạnh, cứu người bên cạnh không được. Như người mẹ thấy con bị đánh, đầu tiên là tức giận, phải giải nguôi cơn giận, phải chuyển hóa phiền não, chứ đùng đùng đang phiền não, đang bực, nghe ai đánh con mình rồi nhảy bổ qua hàng xóm. Hư hết, hư hết! Đức Phật dạy nhìn ra và nhận thấy phiền não khi cảm xúc đó tới, phải có tâm, Tánh Nhìn và nói rằng: “Đây là phiền não của ta, để ta tự cứu mình, đừng vội vàng nhìn quanh rồi đổ thừa.”

Có một ông quan đi trên đường phố, thường là đi với người làm, gia nhân, những người làm việc. Những lần ông ta vấp té, ông ta thường quay qua lấy cây đập lên đầu người làm, tôi, tớ của mình và chửi dù là lỗi của ông ta, và hình như người làm việc kia được trả tiền để nhận tất cả mọi lỗi lầm của ông chủ. Ngày xưa mà, phú ông dữ lắm, phú ông ngày xưa và hình như trong thời đại mới cũng có phú ông thời đại. Và cứ vậy, ông ta cứ đập người ở như vậy riết, rồi người ăn, người ở sợ không dám đi. Mỗi lần ông phú ông đi kinh lý, lần đó, ông đi qua hàng xóm chơi, phú ông thì thích đi khoe của. Áo thì áo dài, quần thì quần dài, đi guốc thời xưa như vậy, đỏng đảnh, đỏng đảnh giữa đường vấp té, tính cầm cây lên đập người ở, người ăn, người gia nhân làm cho mình nhưng không thấy người gia nhân đâu, không thấy ai hết. Cuối cùng, thấy cục đá bên đường, giận quá trách cục đá này làm cho ta té rồi cầm cây quý đập mạnh vào làm cái cây bị gãy. Không thấy người thì đổ thừa cho đá, cho cây, hả giận. Phiền não của ta, lỗi của ta không biết nhận. Người biết nhận ra phiền não của ta, nhìn ra phiền não của ta là người luôn tự tại, an bình, thong dong, hạnh phúc. Từ cái nói luẩn quẩn suốt nãy giờ để cho chúng ta thấy Đức Phật dạy cho chúng ta nhìn và nhận ra phiền não của mình là có nguyên nhân, bởi lời của Phật là lời của Bậc Mô Phạm. Ngài là Bậc Thầy, Ngài là nhà giáo dục. Lời hay ý đẹp của Phật đều tàng ẩn những chân lý hữu ích cho chúng ta. Không phải đang nhiên mà trên máy bay nói phải chụp chụp Oxy vô miệng. Đúng mà! Nếu bạn không lo chụp vô mà bạn lo cứu người, bạn có thể bí Oxy, bạn sẽ chết trước rồi làm sao cứu? Mà trên đời, chúng ta chỉ muốn cứu người nhưng chưa cứu được mình, muốn độ người mà chưa thể độ mình, muốn làm cho người khác hết phiền não mà phiền não trong ta chưa chịu hóa giải. Còn Phật nói thật là rõ: “Không thể cứu ai được và không thể giải hóa phiền não của ai được bởi phiền não của ai, người đó phải chịu, ai gieo nhân nào phải trả quả đó”. Và chúng ta, những phiền não tới với mình trong tất cả những điều gì đi qua giác quan của mình hoặc là ngoại cảnh, nội cảnh tác động đều là do nghiệp của ta, đây là một chân lý khẳng định để giúp cho chúng ta an nhiên và tự tại, biết sửa. Do đó, nếu các bạn nghe được lời Phật dạy, nhà mô phạm, nhà giáo dục, Bậc Thầy nói với chúng ta hãy nhìn vào tất cả mọi phiền não và phải biết nhận ra rằng: “Nó, phiền não đó là của ta”. Người biết nhận ra phiền não của ta là người biết tìm lại được sự thực tại và an nhiên.

Như vậy sự tại chẳng cần phải tu, chẳng cần phải tìm bới ở trong Kinh điển. Đức Quan Thế Âm có danh hiệu là Quán Tự Tại Bồ Tát. Chữ “Quán Tự Tại”, Tự Tại ở đâu để quán? Quán là nhìn sâu, nhìn xuyên vào trong sự tự tại. Người có tự tại, chứng đắc được, đạt được như Mẹ hiền Quan Thế Âm gọi là Quán Tự Tại là người biết nhìn thẳng và nhận ra phiền não. Khi các bạn học được Hạnh đó, các bạn sẽ được tự tại như Mẹ hiền Quan Thế Âm.

Có khi nào các bạn phiền não không? – Có. Bảo Thành có.

Chối quanh chối quẩn, nhìn quanh nhìn quẩn đổ thừa không à, không bao giờ nhận. Học Phật như vậy sai rồi!

Đơn giản! Chân lý của Đức Phật đơn giản bởi Ngài là nhà giáo dục, nhà mô phạm dạy cho chúng ta để thành tựu điều này phải làm điều này. Nhận ra phiền não của ta, nhìn ra phiền não của ta sẽ giúp cho tâm tự tại, an bình. Nếu người mẹ biết lắng nghe, nhận ra người con chơi với bọn trẻ hàng xóm gây lỗi, tử tế một chút, nhận ra, bình tĩnh, an nhiên, tự tại, dắt con qua hàng xóm, xin lỗi một cái vậy mà tối lửa tắt đèn nếu có chuyện gì, hàng xóm vẫn tới giúp đỡ nhau. Nhưng không! Chửi cho đã, đánh cho đã, cho hả giận thế rồi lỡ có chuyện gì hàng xóm chẳng bao giờ dám tới.

Người hàng xóm của chúng ta ở trong tâm đó là sự tự tại, hở một chút là phiền não tới, ta không nhận, ta đánh ta chửi, không có ai thì chửi đổng, không có ai thì đập bàn, đập ghế, đập đá, đập cây. Người bạn thân của chúng ta, người chòm xóm thân lắm đó là Tánh tự tại, tâm tự tại nó chạy mất tiêu, và để rồi ta cứ phiền não mãi. Hạnh phúc không có mà người phiền não nhiều, mau già, chết sớm, bệnh nhiều. Người đó sống ảm đạm, mặt mày đen tối, bực bội, khó chịu, quanh quanh quẩn quẩn như con ma xó ở trong nhà, lục đục hoài, không thoát ra khỏi phiền não.

Chúng ta hãy noi gương Đức Phật dạy để thực tập Hạnh Quán Tự Tại của Ngài Bồ Tát, Quán Tự Tại là người biết nhìn thấy mọi nguyên nhân phiền não của ta và dám nhìn vào phiền não của ta, là người biết hạ thấp tôi của mình và đập tan cái tôi đi, tức là người không còn bản ngã. Chỉ Quán Tự Tại thôi, tức là nhìn vào phiền não và nhận ra nó, ta đã chứng đắc được quán Vô Ngã rồi, mà khi đã đạt được Vô Ngã thì nhận rõ Vô Thường, muôn sự gọi là Khổ trong thế gian, phiền não trong thế gian không tồn tại. Nó như một xâu chuỗi của từng sợi dây xích liên kết với nhau. Nó đơn giản vậy thôi, không cầu kỳ bạn ơi! Nó không có cầu kỳ để mà bơi, tìm trong văn tự đâu! Đơn giản lắm! Quán Vô Ngã, hiểu được Vô Thường, hết Khổ, ngay ở chỗ đơn giản thôi mà! Tức là nhìn vào phiền não và nhận ra đó là phiền não của ta thì ta sẽ được tự tại như danh xưng của Mẹ hiền Quan Thế Âm Quán Tự Tại. Mà người đã quán được Tự Tại nghĩa là người biết nhận ra lỗi của mình, nhận ra phiền não của mình là người đã không tâng bốc bản thân để cho cái tôi, cái ngã lớn, là người hiểu ra tinh thần Vô Ngã và thấu được Vô Thường để đoạn diệt được Khổ.

Đấy! Đơn giản quá à! Thật là đơn giản, không cầu kỳ văn tự, không triết lý cao siêu, không Thiền luận, không lý luận minh triết, siêu mầu của Phật giáo.

Ngày nay, chúng ta bị chứng bệnh tán thán quá nhiều. Lời của Phật bây giờ trở thành minh triết, huyền bí, một nền minh triết đến mức mà người bình thường như Bảo Thành và các bạn không bao giờ có cơ hội hiểu và thực hành được. Nếu mà bình thường như Bảo Thành và các bạn không thể hiểu và thực hành được thì lời minh triết của Phật cũng bỏ xó như con ma xó. Chẳng cần! Bởi một nền minh triết của một Đạo giáo, của một Bậc Đại Giác Đại Ngộ mà không thể ứng dụng vào đời thường. Sáo rỗng! Không đúng! Sai! Không hợp!

Chúng ta không những tôn sùng thần tượng cá nhân của chính mình mà còn tôn sùng văn chương, chữ nghĩa để đắm đuối ở trong ngôn từ. Quán Tự Tại là biết nhìn ra phiền não, nhìn ra phiền não như Đức Phật là Bậc Thầy dạy cho chúng ta để thấy lỗi của mình, là người phá vỡ chủ ngã, hiểu thấu Vô Ngã, trải nghiệm Vô Thường, không còn khổ đau, thế giới hòa bình. Nói đơn giản hình như người phương Tây họ đạt được tinh thần Vô Ngã rồi bởi vì họ đụng chạm trong cuộc sống, họ biết xin lỗi rồi tìm cách giải quyết. Đấy là Vô Ngã, đó là Vô Thường để chuyện sự cố xảy ra mà, xin lỗi trước để giữ sự trầm tĩnh, xin lỗi trước để bớt giận, xin lỗi trước để lửa sân không cháy, xin lỗi trước để có sự giao hảo tìm cách giải quyết.

Các bạn ở Việt Nam các bạn thấy đi xe đánh nhau hoài, không biết chuyện gì, đánh trước. Nó quẹt vào xe làm sơn nó trầy, xe mới mà, xe cả tỷ, đánh nhau, trên YouTube, Facebook thấy hoài. Xe nó hư có thể sửa, lỗi ai thì nhìn từ từ, nhưng không, đụng một cái là vội vội vàng vàng đánh luôn. Mà ngày nay nhà nước Việt Nam cấm không được mang vũ khí như dao, búa, các thứ trên người bởi khi đụng chạm, đánh nhau như giang hồ nguy hại, nhưng người đi giao thông trên trục lộ giao thông Việt Nam có một thứ vũ khí nguy hiểm vô cùng, họ gọi là để bảo vệ họ nhưng là vũ khí nguy hiểm. Các bạn nhìn đi! Khi đụng xe, khi va chạm, không cần biết người kia là phụ nữ hay đàn ông. Đàn ông mà ai đụng vô, dù là người phụ nữ nữa, xe lăn quay đó, bật dậy đánh trước, phụ nữ cũng đánh, cũng đập luôn, chẳng sợ. Dã man vô cùng! Chuyện đó thấy!

Rồi họ còn mang thứ vũ khí nguy hiểm vô cùng để hành hạ người kia dù là phụ nữ, phái yếu, vũ khí đó là gì? Là mũ bảo hiểm.

Bạn có thấy mũ bảo hiểm tức là bảo vệ xương sọ của các bạn. Nếu đụng xe, té xuống, cái mũ nó có độ cứng để xương sọ của bạn không bị bể, không bị hư, nó bảo vệ được. Nghĩa là mũ bảo hiểm nó cứng đến cỡ nào? Vậy mà trong những cuộc ẩu đả, không cần biết lỗi ai, đụng xe đụng xuống, đàn ông nhiều khi thấy đàn bà đổ lỗi cho họ ngay, gỡ mũ bảo hiểm. Trời đất ơi! Như bom đạn giáng xuống, chịu sao thấu? Vậy mà họ vẫn hành, vẫn làm, vẫn đập, vẫn phá. Chẳng nhận ra lỗi, phiền não của ta. Gặp chuyện thì tới Chùa tụng Kinh cả ngày, nói Pháp ầm ầm, giảng giải, nói điều hay, lẽ phải, đủ thứ mà những chuyện thật nhỏ, sai đó mà không sửa được để rồi truyền nhiễm tới những thế hệ trẻ. Ngày nay, không những đi xe honda, đi xe đạp, đi bộ, người ta cũng đội mũ bảo hiểm, như vậy, ai ai cũng có một binh khí nguy hiểm ở trên đầu. Đội ở trên đầu, cộng thêm cái đầu dễ sân, dễ giận, dễ phiền não, đụng chuyện là gỡ ra quýnh liền, quýnh cái rụp, ai muốn gì cũng được, lỗi ai không quan trọng đánh trước cho đã, cho phê, đó là một cách suy nghĩ hoàn toàn sai, không đúng chân lý của Phật. Cho nên, chủ đề ngày hôm nay nhìn “Phiền Não Của Ta” là một chủ để chúng ta thực hành Hạnh Quán Tự Tại của Mẹ Quan Thế Âm. Trong Pháp Quán Tự Tại đó, nghĩa là chúng ta nhìn vào phiền não của chính ta tạo ra, hiểu thấu được cội nguồn của những nhân ta tạo, để từ đó có một cái nhìn thẳng, nhìn rõ để chuyển hóa cái tôi, chứng được tinh thần Vô Ngã, có một cái nhìn xuyên suốt để thấy mọi Pháp Vô Thường để chứng được Vô Thường như Phật dạy, để mọi khổ đau không tới với chúng ta. Và để có một cái nhìn viên thông như vậy thì mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang có diệu lực siêu thế trợ lực cho chúng ta có lòng dũng cảm nhìn nhận mọi phiền não và thấy được gốc phiền não của chính ta, để cho cái tôi không trỗi dậy, cái ngã không bùng phát như ung thư và thấu luôn Vô Thường, diệt luôn Khổ.

Các bạn cứ hỏi NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là gì? Có khi nào bạn đau bụng sắp chết rồi, nguy hại, uống viên thuốc bác sĩ đưa, nói thuốc này là thuốc đau bụng mà cứ hỏi thuốc đau bụng này chế sao vậy? Nó ở đâu? Hỏi một hồi chết ngắt luôn. Uống trước, hết đau bụng. Muốn nghiên cứu, học hỏi thì hỏi bác sĩ. Phật dạy một người bị mũi tên độc bắn vào, cứ ngồi mà hỏi độc gì? Ai bắn thì làm sao không chết? Phải rút mũi tên độc, chữa trước. Chúng ta cũng vậy. Mũi tên độc của sự phiền não đang làm cho chúng ta khổ và đang làm cho bản ngã của mình lớn, bự, che lấp cả mặt trời, cho nên mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là một viên thuốc. Đừng cần hỏi. Uống vào đi! Chữa trị chứng mất ngủ, chữa trị sự phiền não ở trong tâm.

Mỗi khi các bạn hít vào thở ra, trì mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, mỗi khi bạn phiền não, bực bội, khó chịu, bạn cũng trì mật ngôn đó, bạn sẽ có được một khả năng nhìn thấu được phiền não đó khi tới với các bạn và bạn sẽ trở thành người thực hiện được Hạnh Quán Tự Tại. Quan Thế Âm là Bồ Tát, Hạnh Bồ Tát hoặc là Bồ Tát Hạnh là một hạnh biết nhìn vào phiền não để có sự tự tại, là một hạnh nhận ra phiền não để cái tôi bị phá vỡ và thấu được Vô Thường, chuyển được đau khổ, Niết Bàn an vui nghĩa là sự sung sướng ở đời.

Hãy cố gắng suy nghĩ thật kỹ, đơn thuần như vậy, đừng viển vông Quán Tự Tại cao siêu quá. Quán Tự Tại tức là nhìn thẳng vào phiền não của ta. Nhìn thẳng nghĩa là Quán Tự Tại, nhìn thẳng vào phiền não, cái nhìn qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là cái nhìn có tia sáng của Trí Tuệ, mạnh còn hơn tia laze nữa. Nó sẽ đốt cháy, phá vỡ tất cả mọi sự cản trở của cái tôi, mọi lực cản để chúng ta đi tới về phía trước, đặt chân vô thềm hoa của miền đất tâm, hưởng được an lạc. Quán Tự Tại ngay chỗ đó. Phiền não của ta, mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang giúp cho chúng ta thành tựu được điều đó và giúp cho chúng ta khởi lên sự hoan hỷ để biết xin lỗi, thực tập một nền văn hóa mới mà chẳng phải của phương Tây. Phật xưa đã dạy: “Người biết nhìn và nhận ra phiền não của chính ta, lỗi của chính ta, thường biết xin lỗi người để giữ mối giao hảo thân cận, để giúp cho Tánh sân của ta và của người không có cơ hội thiêu cháy lẫn nhau.”

Các bạn! Chúng ta hãy đặt bàn tay Trí Tuệ và Từ Bi vào với nhau, trở về 07 biến vi diệu âm của mật ngôn Mu A Mu Sa và NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

“Thưa Phật! Quán Tự Tại Bồ Tát là Hạnh của Bồ Tát để có được sự tại bằng cách dùng Trí Tuệ nhìn thẳng vào phiền não của chính mình. Chúng con nguyện nhìn thẳng vào phiền não để hiểu được Vô Thường, biết khiêm tốn để cái tôi không trỗi dậy. Chúng con biết nhận ra phiền não của chúng con để biết xin lỗi giữ mối giao hảo với mọi người, sống bình yên, sống mở rộng lòng yêu thương, sống chan hòa, sống bác ái, sống với tình người. Xin Chư Phật gia hộ cho chúng con.”

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:

Mu A Mu Sa. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang. (07 biến)

Hồi hướng:

Mô Phật! Chúng ta đã đồng tu xong, mời các bạn chắp tay hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì cho chúng con nhận biết rõ phiền não của chúng con như Mẹ hiền Quan Âm với danh Quán Tự Tại để cái tôi không còn, thấu được Vô Ngã, hiểu được Vô Thường, tìm về nguồn hạnh phúc, an vui.

Nếu có chút phước đức nào, xin hồi hướng tới các nguyên thủ các quốc gia để họ biết ngồi xuống thành lập các chính sách hòa bình cho thế giới. Hồi hướng tới các nguyên thủ đó để các nguyên thủ đó có Trí Tuệ nhìn thẳng vào phiền não, dõng mãnh tiến lên để thành lập những điều tốt đẹp.

Hồi hướng cho những nhà khoa học gia ngành y, ngành dược chế tạo ra vắc xin, thuốc trị bệnh.

Hồi hướng cho các nước Á Đông, đặc biệt nước Ấn Độ đang bị đại dịch tràn lan cũng như tại quốc độ Việt Nam quê hương của chúng con.

Hồi hướng cho các bác sĩ, y tá, y sĩ, nhân viên cứu trợ, cứu tế trên thế giới chữa lành bệnh nhân.

Hồi hướng cho những ai phiền não, đau khổ, tìm được niềm an vui nơi Pháp Phật.

Hồi hướng cho Chư hương linh theo thiện nghiệp mà tái sanh.

Xin Chư Phật mười phương chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn