Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa.
Nam Mô Tà Mô Tà Mô Đa Ra Hoang.
Con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng Từ Bi tới muôn loài chúng con để chúng con quán chiếu thấy rõ được thực tướng các Pháp Vô Thường, Khổ, Vô Ngã và Niết Bàn.
Xin mời các bạn đặt bàn tay phải tượng trưng cho Trí Tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho Từ Bi. Ta hãy lấy Từ Bi và Trí Tuệ thẩm nhập vào trong từng hơi thở của Chánh Niệm, đón nhận năng lượng Phật điển ban rải xuống cho chúng ta để ta quán chiếu, hiểu thấu được Vô Thường, Khổ, Vô Ngã và Niết Bàn ngay trong lúc này.
Mỗi khi các bạn hít vào đưa sâu xuống dưới bụng ở Đan Điền Khí Hải, ta trì Phật ngôn câu số 2, Nam Mô là từ dưới tới rốn, Tà Mô là từ rốn tới ức thủy, Tà Mô thứ hai là từ ức thủy lên tới cổ, Đa Ra Hoang là chúng ta đưa hơi thở lên Bách Hội theo dõi trên toàn thân với trục lộ của 7 Luân Xa liên tục với hơi thở Chánh Niệm, hưởng được năng lượng tình thương tới với thân tâm của chúng ta. Và vi diệu âm Nam Mô Tà Mô Tà Mô Đa Ra Hoang sẽ gia trì cho chúng ta có một nguồn năng lượng để chúng ta quán chiếu thấy rõ hơn như người mù được sáng, như người đau khổ được thêm vui, hạnh phúc.
“Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi xuống muôn loài chúng con để chúng con quán chiếu thấy rõ thực tướng của Vô Thường, Khổ, Vô Ngã, Niết Bàn.”
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng, phình ra, thở từ từ, hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:
Mu A Mu Sa.
Hít vào, thở.
Nam Mô Tà Mô Tà Mô Đa Ra Hoang. (07 biến)
Các bạn thân mến! Hôm nay ngày thứ hai, ngày đầu xuân đã tới, ở trong Chùa đây đó ta đã thấy những cánh hoa mai của Mỹ nở vàng rộ trong sân Chùa rồi, biết bao nhiêu loài hoa đang vươn mình, cây cối đã đâm chồi, hình như tất cả sự sống đang vươn mình trỗi dậy để mỗi người chúng ta sống ở xứ sở có bốn mùa thấy rằng sau mùa thu dài dăng dẳng và mùa đông lạnh lẽo, mùa xuân đã mang sức sống thầm lặng của mùa đông vươn mình trong từng giây phút. Mùa đông dù có lạnh lùng tới đâu vẫn đón nhận và chứa đựng ở trong lòng đất, vẫn vươn mình trong tầm nhìn của nhân loại để khi xuân về mới bộc lộ thật sự cho muôn người đều thấy.
Nay chúng ta đi vào một đề mục rất quan trọng trong đời người, bởi thiếu đi bài giảng ngày hôm nay và chúng ta không chuyên tu để thành tựu nó thì cuộc đời sẽ uổng phí vô cùng bởi biết bao nhiêu đau khổ sẽ dồn dập kéo tới và muôn người chúng ta sẽ bị chôn vùi, chẳng có thể ngóc đầu dậy như mùa đông dài vô tận để băng đá phủ kín tới với chúng ta. Đề mục: “ Kiên Nhẫn Với Khổ Đau”.
Trong Kinh và ở đời thường hay nói: “Đời là bể khổ,” ám chỉ khổ đau luôn tới với chúng ta. Khổ đau là một hiện thực, là một thực thể, một điều chân thật không phải bịa ra để nói mà hù dọa. Trong câu mật chú thứ 2 Nam Mô Tà Mô Tà Mô Đa Ra Hoang, chúng ta nâng tầm của Tâm cao hơn, vượt khỏi Phàm Tánh, Siêu Phàm là siêu thoát khỏi cõi Phàm, khỏi những suy nghĩ của ăn uống, ngủ nghỉ,…cũng như phi thuyền thoát ra khỏi không gian ràng buộc, lực hút của trái đất mà nhìn rõ được các hành tinh trong hệ mặt trời. Chúng ta, với mật ngôn số 2 được gửi tới một năng lượng siêu thế từ tình yêu thương, đại Từ đại Bi của Chư Phật, vượt ra suy nghĩ tầm thường của Phàm phu, Siêu Phàm Nhập Thánh. Chẳng có gì gọi siêu phàm mà vượt quá xa khỏi suy nghĩ bình thường của đời người. Nhập Thánh là nhập vào một dòng tư tưởng của một Bậc Thánh. Nói cho đơn giản, Siêu Phàm Nhập Thánh là thoát ra khỏi những suy nghĩ bình thường gây nên khổ, để đi vào dòng Thánh mà không còn khổ đau giữa bể khổ cuộc đời luôn luôn kéo tới.
Kiên nhẫn! Chữ “Kiên nhẫn” có lẽ dễ hiểu và nghe nhẹ nhàng, từ đồng nghĩa nhưng âm khác mà ta thường hay nhắc và gây ra hiểu lầm đó là: “Nhẫn nhục”. Chữ “Nhẫn nhục” của con người đời thường hiểu này, nhẫn nhục có nghĩa là chịu mà nhục, cho nên ta thường trách: “Tại sao không đứng dậy mà đánh cho nó gãy răng đi? Anh cứ như vậy chịu đựng hoài không được đâu, vươn lên!”, và cách phiên dịch chữ “Nhẫn nhục” đó nghe rất tiêu cực, bởi vì sao? Bởi vì nhẫn nhục không lẽ là chịu đựng để nhục hay sao? Hiểu đơn giản quá!
Cho nên, bất cứ chuyện nào làm đau lòng, nghịch ý, không phù hợp, ta đứng dậy, ta lại muốn thể hiện sức mạnh cơ bắp, tranh luận, đấu đá để chiến thắng nhưng mà nào ngờ chiến thắng gây hận thù. Thắng rồi thì người bị thua đó sẽ hận thù ta suốt đời mà các bạn nhớ: “Khi thua thì gây ra khổ đau”. Cứ như vậy cứ muốn thắng hoài để tạo ra thù địch mà thắng không được nên thua, thua đau quá trời. Sao chúng ta không thực tập theo lời Phật: “đứng ở ngoài vòng thắng – thua để không gây thù mà cũng chẳng khổ đau”. Nhẫn nhục hiểu như thế, và mang vào sự thực tập, do đó chúng ta không thành tựu được. Dịch như vậy là hoàn toàn sai.
“Nhẫn Nhục” nếu để cho nó nhẹ hơn thì nên gọi là “Kiên nhẫn” để chúng ta đỡ hiểu lầm. Nếu trở về hạnh Nhẫn Nhục, Kiên Nhẫn trong sáu Pháp trong Lục Độ Ba La Mật. Phải hiểu cho thật rõ đó chính là hạnh thứ ba trong Lục Độ chứng đắc quả Thánh. Lục Độ Ba La Mật gồm: thứ nhất là Bố Thí, thứ hai Trì Giới, thứ ba là Kiên Nhẫn hay Nhẫn Nhục, thứ tư Tinh Tấn, thứ năm Thiền Định, thứ sáu Trí Tuệ. Đó là sáu bước liên tục mỗi người chúng ta muốn trở thành một vị Bồ Tát phải thực hiện miên mật gọi là Lục Độ Ba La Mật, sáu con đường Mật hạnh mà khi thực tập thực sự, ta sẽ trở thành Bồ Tát, và như vậy người hành được Kiên Nhẫn là Bồ Tát. Và hiện thân của Đấng đó chính là Mẹ Quan Âm Bồ Tát. Chúng ta đã nghe nói về Phẩm hạnh của Mẹ Quan Thế Âm là Mẹ có lòng Kiên Nhẫn, mà Ngài có thể nghe được những sự khổ đau nơi chúng sanh, tới để giúp đỡ. Vậy kiên nhẫn ý nghĩa như thế nào để chúng ta hiểu thấu hơn? Kiên nhẫn không phải là chịu đựng để đau khổ. Khi người ta chửi lên mình, chửi lên mặt mình, lên cha, lên mẹ, người ta sỉ nhục, bách hại, cướp bóc, xâm hại đến thân xác chúng ta. Có phải nhẫn nhục và kiên nhẫn là đè nén, chịu đựng sự áp bức để khổ hay không?
Có lẽ hình như chúng ta vẫn nghĩ theo chiều hướng suy nghĩ, định nghĩa như vậy và dần dần có ác cảm với chữ “Nhẫn nhục” này. Không những thế, nó hình thành một hệ thống tư tưởng suy nghĩ để tưởng thức của chúng ta vang vọng lên những tiếng thúc đẩy, vọng tưởng tới từ âm thanh, tất cả các bóng đều tới từ hình. Vọng âm tới từ tiếng, bóng tới từ hình. Cứ như vậy làm đảo điên cuộc đời.
Các bạn! Kiên nhẫn không phải là chịu chấp nhận. Nếu nói kiên nhẫn thì ta lấy gương là một vị Bồ Tát ta thấy gần gũi nhất là Mẹ Quan Thế Âm, thì chẳng khác nào nói Mẹ Quan Thế Âm phải đè nén sự đau khổ hay sao? Không!
Kiên nhẫn tiếng Việt mình là chịu đựng, chịu đựng không phải chịu đựng áp bức, sự xâm hại, chịu đựng sự hành hạ như vừa nói mà phải hiểu theo rằng “chịu” là đón nhận để mang vào. Kiên nhẫn nghĩa là đón nhận mang vào, mà mang vào như Mẹ Quan Âm. Như vậy, Mẹ Quan Âm đại Từ đại Bi thì chữ “kiên nhẫn” là sự chịu đựng theo nghĩa của Bồ Tát, nghĩa là chúng ta mang vào bằng lòng Từ và đựng vào bằng tâm Bi. Mang vào bằng tình thương ban vui và đựng vào sự chia sẻ cho hết khổ. Ý rằng, chúng ta là những người con Phật, phải thực tập để có một sự chịu đựng nghĩa là mang vào và chứa đựng bằng Tâm Từ Bi để không còn đau khổ, để ta được vui, được hạnh phúc và người cũng được hạnh phúc như Quan Thế Âm Bồ Tát. Cao cả vô cùng!
Một Phẩm hạnh cần phải được tu luyện, mang một trong những bí mật uyên thâm của nhà Phật tu tập thành Bồ Tát, không phải chỉ nghĩ sơ sài để rồi ta xài sai nghĩa, thậm chí có thể phỉ báng Đức hạnh của một người luôn luôn lắng nghe và nâng đỡ ta, đó là Đấng đại Từ đại Bi Mẹ Hiền Quan Thế Âm.
Kiên nhẫn là sự chịu đựng, chịu đựng ở đây mang ý nghĩa rằng: “Ta đón nhận bằng Tâm Từ Bi, tâm yêu thương, sự trái ý, trái chiều, sự đau khổ, xâm hại, bách hại, sự vu khống, hàm oan giá trị của ta, ta đón nhận bằng tình yêu thương và ta chữa trị cho ta và cho người. Như vậy, nếu ta tu cho đúng là ta phải phát triển Mu A Mu Sa, và để phát triển được Tâm Từ Bi Mu A Mu Sa ta phải có một cái nhìn của Vô Thường sanh – diệt, Khổ, Vô Ngã và Niết Bàn của Nam Mô Tà Mô Tà Mô Đa Ra Hoang. Cho nên, hai mật ngôn này là hai Chánh Niệm hơi thở tu luyện để thành tựu được Nhẫn Nhục Ba La Mật. Không phải là một con người cứ bị người ta đày đọa đâu! Vì thế, khi người có Đức hạnh Kiên Nhẫn, người đó có Bồ Tát hạnh. Thực hiện được một phần, ta có một phần Bồ Tát hạnh ở trong ta, tính cách của một vị Bồ Tát ở trong ta tuy rất nhỏ, thực hiện được hai phần ta có hai phần, thực hiện được nhiều phần ta có nhân cách của một vị Bồ Tát giáng trần có nhiều phần.
Hiểu thấu như vậy nghĩa là tích tiểu thành đại, tích trữ phước báu, Phẩm hạnh của Bồ Tát để trở thành một vị Bồ Tát, một vị đại Bồ Tát. Do đó, nhẫn nhục hay kiên nhẫn sẽ nhìn khổ đau bằng một phương diện bằng lòng Từ Bi, tâm yêu thương để chuyển hóa khổ đau đó thì khổ đau không còn là rác thải nữa. Y như ngày nay, người ta đã biết tái sử dụng để chuyển rác thải, nhựa, sắt các thứ để chúng ta mang vào sử dụng trở lại. Khổ đau là sản phẩm không mong muốn nhưng không hẳn nó không có giá trị. Rác rưởi được tái chế để sử dụng lại thì nó hữu dụng lắm. Khổ đau là rác thải của cảm xúc, nếu chúng ta mang nhà máy thu dọn rác rưởi đó là nhà máy Từ Bi để gom những khổ đau, rác rưởi của cảm xúc mang vào tâm Từ Bi và tái chế thì nó trở thành những hữu dụng vô cùng! Rác trở thành phân, những thứ khác tái sử dụng mang vào cuộc đời. Những rác rưởi của cảm xúc là khổ đau được tái sử dụng và làm tinh tuyền, thanh tịnh hơn bởi Tâm Từ Bi, bởi Phẩm hạnh của Bồ Tát, bởi Kiên Nhẫn, bởi Nhẫn Nhục, bởi Lục Độ Ba La Mật. Cao quý tột cùng!
Không hiểu hoặc hiểu sai để rồi chúng ta luôn luôn bị đau khổ. Hiểu đúng, đánh giá đúng, thực tập đúng, chúng ta sẽ luôn hạnh phúc và đối với muôn khổ đau có tới, ta sẽ luôn biết cách chuyển hóa bằng Tâm hạnh Bồ Tát, bằng Mu A Mu Sa, bằng một nhà khoa học Bồ Tát thấy được sự hữu dụng của rác thải cảm xúc nơi khổ đau để tạo tái, biến trở lại, mang lại sự ứng dụng hay hơn, phục vụ cho ta và nhân loại và bảo vệ được môi trường không bị ô nhiễm bởi rác thải khổ đau, cảm xúc của mỗi người.
Các bạn nhớ lại một chút! Cứ tưởng tượng một mớ rác sinh hoạt trong gia đình và rồi không có hãng rác tới thâu đi, đường phố của bạn ở sẽ bị chất đống và dần dần sẽ biến thành đống rác hôi thối phải không? Và chúng ta không bao giờ để rác trong nhà mà đem ra quẳng ra ngoài đường, rồi đường nhà ai cũng đầy rác, thành phố ngập rác hôi thối. Có ai thâu gom đâu? Ta sẽ làm ô nhiễm môi trường sống, và khi rác thải của cảm xúc là đau khổ nó chất chồng, chúng ta đâu có chứa đâu, chúng ta gọi phone, lên facebook rồi ta bấm để thải rác rưởi của cảm xúc khổ đau tới tai của người khác. Ô nhiễm môi trường Chân Tâm của ta và tiêm nhiễm sự ô nhiễm đó tới vùng đất Tâm của người khác. Người khác cũng bị khổ lây, nó thành một cơn bệnh truyền nhiễm. Nguy hiểm!
Do đó, tu là mỗi người chúng ta sẽ trở thành một công ty rác thật là lớn. Không những qua mật ngôn Nam Mô Tà Mô Tà Mô Đa Ra Hoang thấy rõ được khổ đau mà có năng lượng Từ Bi Mu A Mu Sa như Mẹ Hiền Quan Âm để chúng ta mang rác rưởi của cảm xúc khổ đau trong con người tái tạo trở lại thành những sản phẩm sống. Ta là một vị Bồ Tát trong đời thường. Làm được không? Được.
Kiên nhẫn là chịu đựng, chịu đựng có nghĩa là đón nhận bằng tâm yêu thương thật lớn, tầm thinh cứu khổ Quan Âm Bồ Tát. Ngài có tình thương lớn như biển trời, có trái tim Từ Bi mênh mông, sức quán chiếu và dung nhiếp của Ngài vô tận hư không, với mọi thể loại chúng sanh, Ngài không sợ dơ bẩn, Ngài hoan hỷ tới với mọi người và giúp đỡ muôn chúng sanh vượt qua bể khổ.
Các bạn thân mến! Kiên nhẫn với khổ đau trong hiện đại là người khôn ngoan. Ngày nay, nhiều hãng thầu rác rưởi đã trở thành triệu phú, tỷ phú, giàu có vô cùng. Nếu chúng ta tu được Hạnh Kiên Nhẫn, biến mình trở thành công ty rác thật lớn để chuyển hóa khổ đau của ta và của người thì ta sẽ trở thành triệu phú, tỷ phú, nghĩa là ta sẽ trở thành người giàu lòng bác ái, giàu có tâm đại Từ, tâm đại Bi, Nhĩ căn Viên Thông để có thể lắng nghe được sự đau đớn, phiền ưu của ta và của mọi chúng sanh để mang vào tu. Cao siêu, diệu kỳ của Nam Mô Tà Mô Tà Mô Đa Ra Hoang, Mu A Mu Sa để chuyển hóa, tái sử dụng lại hương thơm cho cuộc đời.
Trong Kiên Nhẫn có từng bước, kiên nhẫn nghĩa là đón nhận một cách nhẹ nhàng. Làm sao có thể đón nhận một cách nhẹ nhàng khi người ta chỉ chỏ, chửi lên mặt mình, khi người ta đang hại mình? Chỉ có một con đường duy nhất mà Mẹ Quan Thế Âm có thể làm được điều đó là thường xuyên an trú trong Chánh Niệm hơi thở Từ Bi quán để có một cái nhìn của Lăng Nghiêm, Bát Nhã, Nam Mô Tà Mô Tà Mô Đa Ra Hoang, thì đối tượng đang sỉ nhục, bách hại chúng ta sẽ biến thành nhiên liệu để chúng ta tái sử dụng lại thành một thành phẩm mới mang lại yêu thương cho cuộc đời. Để sử dụng cho những sản phẩm mới tốt đẹp hơn, họ rất là ưa thích. Tu với hơi thở các bạn! Cho nên, trong Chánh Niệm hơi thở Từ Bi quán Mu A Mu Sa, Tánh Thấy trong Kinh Lăng Nghiêm Nam Mô Tà Mô Tà Mô Đa Ra Hoang, mỗi người chúng ta sẽ tăng trưởng được sức chịu đựng bằng tình thương và chuyển hóa bằng Tâm Bi để những đau khổ được năng lượng yêu thương Mu A Mu Sa từ mười phương Chư Phật hỗ trợ chuyển hóa, và tái tạo rác rưởi, cảm xúc khổ đau thành những sản phẩm hương hoa.
Các bạn! Phải thực tập mới có được còn nói thì không thể thành tựu, như người đang đói để tô cơm cho người đó nhìn, không thể no, phải ăn. Pháp của Phật chẳng phải là trang sức cho đời sống tâm linh. Biết mà phải thực hành mới có thể nếm được Pháp vị và Công hạnh Kiên Nhẫn là một Công hạnh Bồ Tát để tu, là một đề mục để quán chiếu. Mỗi khi gặp ai bách hại, xâm phạm đến ta, hại ta, ta phải mang cái hãnh diện rằng ta là nhà thầu rác rưởi, ta là một công ty lớn, họ xả rác, rác của cảm xúc, ta có máy chuyển hóa Mu A Mu Sa và ta có cái nhìn thấy được thực tướng, diệu dụng của rác rưởi cảm xúc nơi họ bằng cái nhìn của Nam Mô Tà Mô Tà Mô Đa Ra Hoang.
Các bạn có nghe không? Cho nên, chúng ta sẽ nhẹ nhàng đón nhận và trong sự nhẹ nhàng đón nhận bằng Tâm Từ Bi đó, tâm chuyển hóa đó, ta sẽ đón nhận được mọi gian khó. Chúng ta sẽ kiên nhẫn được với khổ đau bởi nhà máy lớn của chúng ta, đại Từ đại Bi của chúng ta có sức chứa thâu nhiếp toàn bộ rác rưởi của đời mình và của những ai xúc phạm ta, thành những loại sản phẩm tốt đẹp hơn. Vì vậy, ta không sợ, nói đơn giản là: “Không có ngán!”, chúng ta xoay vần một hồi nó thành hạnh phúc và an vui. Vì Tâm Mu A Mu Sa, Nam Mô Tà Mô Tà Mô Đa Ra Hoang của Chánh Niệm hơi thở, bằng tâm yêu thương ta có sự chuyển hóa từ chuyện lớn thành nhỏ, từ chuyện nhỏ thành không, và từ đó ta nhận ra giá trị thực của khổ đau nếu biết tái chế từ năng lượng Mu A Mu Sa Từ Bi. Như vậy, có nhiên liệu để sản xuất, công ty đó có hạnh phúc, chúng ta có dư nhiên liệu để sản xuất lên Phẩm hạnh của một vị Bồ Tát trong cuộc đời. Vậy nên Bảo Thành và các bạn là những công ty thâu gom khổ đau của người khác mà những thứ đó quá dư, quá nhiều để chúng ta tái tạo biến thành sản phẩm mới, sao không hạnh phúc? Khổ đau ta không chạy trốn nữa, ta đón mời bởi đó là một thực trạng của cuộc sống, chạy không được, trốn không xong, nó sẽ tìm ta, ta phải biến mình thành một nhà máy thâu gom rác rưởi cảm xúc đó, máy đó phải là máy Mu A Mu Sa và phải có cái nhìn tinh tế của người làm chủ máy đó, là cái nhìn của Nam Mô Tà Mô Tà Mô Đa Ra Hoang với Chánh Niệm hơi thở, hai Phật ngôn này, Chánh Niệm Từ Bi quán, cảm xúc khổ đau của các bạn, của muôn người tới từ muôn phương, muôn hướng đều có thể chuyển biến, chuyển hóa, đều có thể tái sử dụng bởi khổ đau, để cung cấp cho chúng ta thành tựu được Tâm Từ Bi, đại Từ đại Bi viên mãn, Lục Độ Ba La Mật chứng đắc quả Thánh viên mãn vô cùng.
Các bạn! Sợ nó cũng tới, trốn nó cũng vồ lấy mình. Trốn đâu có được! Chạy cũng không xong. Nó tới không trốn lên trên trời, không chui vào hang động, không lặn xuống biển sâu mà trốn được nó. Công ty rác rưởi chẳng sợ rác, họ thấy rác là họ thấy tiền, họ thấy rác là thấy được họ đang tăng mức trở thành triệu phú, ta thấy rác rưởi của cảm xúc khổ đau thì ta thấy hạnh phúc vì ta đã trở thành người giàu có nhất trong cuộc đời, có nhiên liệu để trở thành người giàu có để tạo ra hạnh phúc bởi vì nhà máy của ta có sức mạnh của Từ Bi.
Các bạn thân mến! Khổ đau không còn là điều đáng sợ. Kiên Nhẫn hay Nhẫn Nhục chẳng phải là nhục nhã. Không lẽ trên đời này, những người đi hốt rác kia là những người nhục nhã nhất? Các bạn cứ thử tưởng tượng đi, nếu không có người hốt rác, rác rưởi của bạn để ở đâu? Họ đã làm công việc cao quý mà mùi hôi thối của rác rưởi đó đã được khử trừ, mang đi khỏi từ ngôi nhà, sự sinh hoạt của các bạn, và rồi công ty rác rưởi đó làm cho thành phố và môi trường được sạch sẽ.
Năng lượng đại Từ đại Bi có sức mạnh vi diệu, có công năng, công lực vi diệu thật lớn. Cả mọi miền rác rưởi cảm xúc khổ đau tới từ mọi nghịch cảnh trái chiều không như ý của những ác nghiệp và ta biến chúng thành những sản phẩm vô giá, đó là Tâm Từ Bi. Để làm được điều đó, Bảo Thành xin nhắc lại để chúng ta chú tâm và hiểu rõ: “Nhẫn Nhục và Kiên Nhẫn chẳng phải là chịu nhục cho người đầy đọa mà là chuyển hóa”. Chuyển hóa bằng gì? Bằng Tâm đại Từ đại Bi. Chuyển hóa gì? Chuyển hóa rác rưởi cảm xúc là khổ đau. Chuyển hóa gì ta đã tạo và biến nó thành gì, tái sử dụng thành những sản phẩm gì? Thành sản phẩm của năng lượng yêu thương, từ ái. Thấy đau khổ là có cơ hội biến thành hạnh phúc và bình an. Thấy rõ được, đó là cái Thấy của Lăng Nghiêm, của Nam Mô Tà Mô Tà Mô Đa Ra Hoang. Cái Thấy của Chân – Thiện – Mỹ, của nguồn hạnh phúc bất diệt tuôn tràn, không bao giờ ngừng.
Kiên nhẫn với khổ đau không phải là chấp nhận khổ đau để tự đày đọa mà là tái tạo khổ đau, rác rưởi của cảm xúc thành sản phẩm vô giá. Một tòa sen để cho Phật ngự, để Tâm Phật chúng ta hiển lộ trên đó và để cho cuộc đời của ta có hạnh phúc và bình an.
Người hạnh phúc và luôn bình an là người có Tâm Nhẫn Nhục, là người có hạnh Bồ Tát, Bồ Tát hạnh, là người đã trở thành ứng hóa thân của Mẹ Hiền Quan Âm, là người tràn đầy năng lượng yêu thương, Tâm Từ Tâm Bi, là người không sợ khổ đau, gớm ghê rác rưởi của cảm xúc khi nó tới mà sẵn sàng đón nhận và chuyển hóa nó lại thành sản phẩm của hạnh phúc và an lạc, nếu mỗi người chúng ta là một công ty tái chế. Để được điều đó phải thực hành Pháp thở Chánh Niệm Từ Bi quán và Nam Mô Tà Mô Tà Mô Đa Ra Hoang. Do đó mà mỗi khi các bạn hít vào thở ra Mu A Mu Sa, hít vào thở ra trì mật chú Nam Mô Tà Mô Tà Mô Đa Ra Hoang, tiếp nhận Phật lực hỗ trợ, cùng nhau đón nhận năng lượng Từ Bi của Phật để có cái nhìn của Bậc Giác Ngộ, nhìn xuyên suốt tất cả các Pháp Vô Thường sanh – diệt, thấu rõ được khổ đau và biến khổ đau thành sản phẩm của hạnh phúc và bình an. Mỗi lần như thế, khi cảm ứng được với năng lượng vi diệu, tâm của các bạn sẽ được thắp sáng Trí Tuệ để có một cái nhìn Viên Thông hiển lộ những sự việc đang xảy ra trong từng giây phút của cuộc đời các bạn.
Muốn tái tạo rác rưởi của cảm xúc là khổ đau thành sản phẩm của hạnh phúc và bình an, ta hãy làm bạn với khổ đau để tạo thành những sản phẩm hạnh phúc, bình an cho ta và cho người qua 7 biến vi diệu âm Mu A Mu Sa và Nam Mô Tà Mô Tà Mô Đa Ra Hoang.
Mời các bạn đặt bàn tay Trí Tuệ và bàn tay Từ Bi vào với nhau.
“Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển năng lượng đại Từ đại Bi xuống mọi loài chúng con và gia trì cho chúng con quán chiếu thấy rõ thực tướng của Vạn Pháp Vô Thường, Khổ, Vô Ngã, Niết Bàn để kiên nhẫn với mọi khổ đau tới trong cuộc đời.”
Hít vào đưa xuống dưới bụng, phình ra, thở từ từ, hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:
Mu A Mu Sa.
Nam Mô Tà Mô Tà Mô Đa Ra Hoang. (07 biến)
Các bạn! Mỗi một ngày, Bảo Thành và các bạn kiên nhẫn với sự khổ đau của thân, khó chịu phải ngồi hít thở thay vì có thể đi ra quán chơi sau một ngày mệt mỏi của cuộc sống nếu đó là buổi tối, vào ban sáng, biết bao chuyện ta phải làm rồi, nhưng không, ta đã để hạnh Kiên Nhẫn được tôn vinh lên cao, cùng với Bảo Thành, các bạn đã, đang và sẽ chuyển hóa miền rác rưởi khổ đau của những cảm xúc đời thường thành những sản phẩm vô giá, đó chính là tòa sen đại Từ đại Bi cao quý. Một trong sáu con đường Lục Độ Ba La Mật để trở thành một vị Bồ Tát. Để trở thành một vị Bồ Tát trong đời thường với sứ mệnh hiện hữu bây giờ, có thể là một người vợ hoặc chồng, hoặc cha mẹ, ông bà, dù là địa vị gì đi nữa, tuổi tác như thế nào không quan trọng, có được kiên nhẫn với khổ đau là Phẩm hạnh cao quý, “Nhẫn Nhục” là chìa khóa để không làm cho môi trường bị ô nhiễm nơi tâm, mà giúp chúng ta rất hạnh phúc, sẵn sàng đi vào đó để lượm lặt rác rưởi khổ đau của cảm xúc để tái sử dụng biến thành hạnh phúc và bình an trao cho vợ chồng, con cái, những người thân trong xã hội.
Là con đường của Bồ Tát, ai có lòng Kiên Nhẫn, có tâm Nhẫn Nhục, người đó có Phẩm hạnh cao quý, có Bồ Tát hạnh, có tâm Kiên Nhẫn với khổ đau, có lòng Nhẫn Nhục với khổ đau, người đó là ứng hóa thân của Mẹ Hiền Quan Thế Âm, người đó sẽ xoa dịu vết thương lòng của muôn người để làm cho trái tim không còn rỉ máu, làm cho đôi mắt, làm cho muôn người tìm lại được hạnh phúc của cuộc đời.
Chúng ta nhìn quanh đằng trước đằng sau đều thấy tràn ngập khổ đau, đừng sợ, hãy kiên nhẫn với khổ đau, bởi khổ đau là rác rưởi của cảm xúc, mà rác rưởi thì đáng giá vô cùng bởi người ta có cơ hội, có nhiên liệu để tái chế và làm giảm khổ đau. Kiên nhẫn nhìn khổ đau bằng Tâm hạnh Bồ Tát, bằng Mu A Mu Sa, bằng cái nhìn của Lăng Nghiêm, Bát Nhã thì rác rưởi cảm xúc khổ đau kia sẽ là nguồn hạnh phúc và bình an bất diệt cho ta và cho người. Hãy hạnh phúc và hân hoan lên bởi ngày hôm nay chúng ta đã có khả năng trở thành ứng hóa thân của Bồ Tát. Chúng ta đã sẳn sàng bởi ta có mười phương Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền luôn quang giáng vào thân tâm, chúng ta luôn đón nhận được năng lượng Từ Bi, tha lực Phật điển đại Từ đại Bi, chúng ta luôn luôn được gia trì bởi những Bậc Giác Ngộ để cái Thấy của Lăng Nghiêm, Bát Nhã soi rọi vào trong miền u tối của cuộc đời, thấy rõ mọi rác rưởi của khổ đau vẫn kiên nhẫn tần tảo tháng ngày để tái chế trở lại.
Các bạn đang đồng tu với Bảo Thành, dĩ nhiên chỉ có ai có nhân duyên với Pháp môn này mới nhận ra giá trị của nó nhưng nếu các bạn có nhân duyên, hãy cố gắng, hãy cố gắng thực tập để đi đến sự thành tựu. Đừng ngồi đó nhìn như đói mà nhìn tô cơm, hãy ăn vào, đừng nhìn như rằng nhìn cơm sẽ hết đói, no, đừng ngồi đó mà diễn, mà viết, mà vẽ. Để nếm được vị, vị sống của cơm trao tặng cho ta, hãy thực hành Nhẫn Nhục, Kiên Nhẫn với khổ đau bằng Mu A Mu Sa, Nam Mô Tà Mô Tà Mô Đa Ra Hoang, các bạn và Bảo Thành sẽ nếm được Pháp vị Giải Thoát ngay trong kiếp người này qua từng hơi thở Chánh Niệm của cuộc đời.
Hãy đặt bàn tay Trí Tuệ vào bàn tay Từ Bi.
“Thưa Phật! Chúng con hiểu năng lượng Phật điển đại Từ đại Bi Mu A Mu Sa và Bát Nhã, Lăng Nghiêm Nam Mô Tà Mô Tà Mô Đa Ra Hoang và thấu hiểu được Vạn Pháp Vô Thường, Khổ, Vô Ngã, Niết Bàn.”
Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng, phình ra, thở từ từ, hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:
Mu A Mu Sa.
Nam Mô Tà Mô Tà Mô Đa Ra Hoang.
“Nhẫn nhục hoặc kiên nhẫn chính là chịu đựng đón nhận, mang vào bằng Tâm đại Từ đại Bi để chuyển hóa tất cả những rác rưởi của cảm xúc là khổ đau thành sản phẩm trân quý là hạnh phúc và bình an.”
Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng, phình ra, thở từ từ, hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:
Mu A Mu Sa.
Nam Mô Tà Mô Tà Mô Đa Ra Hoang.
“Thưa Phật! Chúng con đã nhìn vào cuộc đời của mỗi người, của những cảm xúc vây quanh, chúng con không sợ, chúng con kiên nhẫn nương vào Hùng Lực đại Từ đại Bi của Phật Mu A Mu Sa và cái nhìn Viên Thông, Dung Tuệ của Nam Mô Tà Mô Tà Mô Đa Ra Hoang, để đón nhận bằng Tâm đại Từ đại Bi Phẩm hạnh cao quý của Mẹ Hiền Quan Âm, sẵn sàng chuyển hóa mọi khổ đau kia, rác rưởi biến thành hạnh phúc và bình an. Chúng con nguyện xin Chư Phật gia trì.”
Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng, phình ra, thở từ từ, hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Trì mật chú:
Mu A Mu Sa.
Nam Mô Tà Mô Tà Mô Đa Ra Hoang. (05 biến)
Mô Phật!! Chúng ta đã tu xong rồi.
Hồi hướng:
Mời các bạn chắp tay vào hồi hướng công đức.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!!
Mu A Mu Sa.
Nam Mô Tà Mô Tà Mô Đa Ra Hoang.
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng đại Từ đại Bi xuống muôn loài chúng con để chúng con quán chiếu và thấy rõ thực tướng các Pháp Khổ, Vô Thường, Vô Ngã và Niết Bàn và kiên nhẫn với tất cả mọi khổ đau.
Chúng con nguyện hồi hướng công đức này tới các nhà nguyên thủ các quốc gia biết kiên nhẫn và thành lập chính sách hòa bình cho thế giới.
Hồi hướng cho các nhà khoa học gia chế tạo ra được vắc xin, thuốc trị bệnh, hồi hướng cho các bác sĩ, y tá, y sĩ trên thế giới giúp đỡ được nhiều bệnh nhân.
Hồi hướng cho những ai còn đau khổ và phiền não thật kiên nhẫn để tìm được hạnh phúc và bình an.
Và đặc biệt hồi hướng cho hương linh Bảo Phúc theo thiện nghiệp tái sanh về cảnh lành.
Xin mười phương Chư Phật từ thùy chứng minh.