Search

Bài 1313: Một Kiếp Thanh Bình – Thất Bảo#1 – Mu A Mu Sa

Bảo Minh biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, cùng các bạn đồng tu trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chùa Xá Lợi.

Đã tới giờ đồng tu, mời các bạn quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Mu A Mu Sa!

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho muôn loài chúng con.

Các bạn, chúng ta hãy trở nên như mặt đất, thầm lặng đón nhận mưa trời, đón nhận ánh nắng của trời. Nắng và mưa sẽ mang tới sự sống điều hòa cho chúng ta. Nắng mưa đây tức là năng lượng tình thương của mười phương Chư Phật tới với chúng ta qua chánh niệm hơi thở từ bi quán. Hãy thật khiêm tốn, hãy hạ mình xuống và chúng ta chí thành đón nhận năng lượng tình thương của Phật.

Mời các bạn đặt bàn tay trái tượng trưng cho trí tuệ và bàn tay phải tượng trưng cho từ bi vào với nhau, để chúng ta bắt đầu

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm trì mật chú Mu A Mu Sa (07 biến)

Mô Phật! Các bạn, cuộc sống này khi sinh ra, cha mẹ đã dạy cho chúng ta cách gọi hai cánh tay này, một là cánh tay phải, hai là cánh tay trái. Từ đó, mẹ dần dần dạy cho chúng ta biết bên trái là bên nào bên phải là bên nào, mặt bên phải mặt bên trái, tay phải tay trái, hướng phải và hướng trái. Không những mẹ của ta, cha của ta, những người yêu thương ta cũng đi từ căn bản trong cuộc đời dạy cho ta biết bên nào bên phải, bên nào bên trái, hướng nào là hướng phải hướng trái. Và rồi làm việc gì là điều đúng cần phải làm, làm việc gì là việc trái, không nên làm. Ngay từ nhỏ đã được hướng dẫn và chúng ta lớn dần trong điều hiểu thấu, đâu là phải đâu là trái. Đó là lẽ tự nhiên, ai ai trong chúng ta cũng được hấp thụ sự hướng dẫn căn bản nhưng kỳ diệu. Có điều, chúng ta cứ lớn dần rồi quên, bởi vì cứ gọi phải–trái mà không suy nghĩ tới một cái tầm sâu hơn. Để rồi bất cứ việc gì trên đời ta cứ lao đầu vào ta làm, cho tới khi hệ quả của nó là xấu ta mới nhận ra điều đó là điều sai trái. Hậu quả của nó là xấu thì biết vậy đó, còn hiệu quả là tốt thì ta mới mỉm cười thấy: “à, điều này đúng!”.

Hầu hết, trong chúng ta khởi sự một việc gì không suy nghĩ trước cái đúng và cái sai, phải trái, sự thanh bình và sự bất ổn. Ta cứ lao vào làm việc để khi hệ quả hoặc hiệu quả có được ta mới nhận thức ra ở giây phút chót của sự việc. Cho nên Bảo Thành và các bạn thường gặp sự bất ổn, gặp sự bất an, gặp những điều dữ dằng tới trong cuộc đời bởi ta không nhìn thấu từ thuở đầu làm việc, đó là thói quen của con người. Thói quen của con người, của ta, chứ còn thói quen của cha mẹ dạy cho chúng ta dạy ngay từ thuở mới bắt đầu học, đã dạy đâu là bên phải đâu là bên trái. Dạy cho ta phải trái ở đời, trái quấy ở đời, đúng sai – thiện ác. Điều này có, chẳng phải khi học về Phật pháp hoặc về giáo lý của các tôn giáo cao siêu đâu; mà mỗi giáo lý căn bản của làm người nơi cha mẹ, ông bà, đó là dạy cho chúng ta điều phải, lời hay lẽ phải.

Tất cả những ai làm cha làm mẹ đều thấy được chúng ta có được nhận định đó trong đời và ta luôn luôn truyền dạy cho con cái của chúng ta điều đúng, điều phải để phân biệt giữa cái sai và cái trái. Mong sao con mình lớn lên trên nền đạo đức căn bản của con người để tránh những tai họa, gặt hái được những điều may mắn an vui. Bởi vẫn nối truyền lời dạy của ông bà – “có đức mặc sức mà ăn” nên các đấng bậc sinh thành cha mẹ thường dạy con cái phải bồi tâm đức bằng làm việc phải tránh việc trái, việc sai. Đâu đợi ta đến ngày ta học Phật, đâu đợi đến ngày ta học và nghiên cứu các cấp triết học, triết lý thâm sâu của các tôn giáo đâu. Lời mẹ đã mớm và đã đưa vào trong những giấc ngủ và đã tẩm sâu vào trong những nụ cười, và đã cài lên trên ánh mắt tươi vui, và đưa dần vào hơi thở của ta thuở bé – thật tuyệt vời! Mẹ và cha đã chỉ đâu là phải đâu là trái, đâu là sai đâu là đúng, đâu thiện đâu là ác, và luôn luôn dạy cho chúng ta khởi đầu mọi sự phải suy nghĩ cho thật tường tận.

Phải chăng khi chúng ta học nói, ngay từ thuở đầu chưa biết, mới sinh ra thì cha mẹ thường nhìn vào ánh mắt tạo những âm thanh bằng ngôn ngữ; hoặc tạo những sự di động bằng tay, bằng cử động. Để cho thuở bé khi là em bé, chúng ta vận động não bộ tư duy, suy xét, suy nghĩ đánh thức não bộ để suy nghĩ và kích hoạt để nó hoạt động bình thường. Từ đó, mới đưa âm thanh bập bẹ trong những ngôn ngữ đầu tiên gọi mẹ gọi cha. Rồi mới đưa tới những âm thanh cao hơn, những ngôn ngữ cao hơn nhưng ít nhất nó tới từ sự kích hoạt tâm trí, não bộ hoạt động qua ánh mắt của ta nhìn, qua lỗ tai ta nghe, rồi mới phản ứng bằng ngôn ngữ, bằng chân tay. Như vậy, điều rất tự nhiên của con người là qua ánh mắt, qua cái nhìn ta học được thật nhiều, qua cái nghe ta cũng học được thật nhiều. Cái nhìn và nghe đó làm cho chúng ta tư duy và suy nghĩ rồi mới khởi ra ngôn ngữ và hành động, đó là cách học rất tự nhiên của kiếp người. Bạn có khi nào nghĩ như vậy không? Chúng ta hãy cùng ngồi xuống nhìn lại cuộc đời của chúng ta, có lẽ lúc đó ta còn rất nhỏ ta không hay nhưng nếu các bạn đã làm cha làm mẹ rồi, các bạn sẽ có một sự kinh nghiệm quý báu. Bởi nhìn thấy con cái của chúng ta đều học bằng ánh mắt nhìn, bằng lỗ tai nghe để rồi kích hoạt thần kinh não bộ hoạt động mới đưa tới ngôn ngữ. Và khi thấm nhuần tư tưởng đó, con ta bắt đầu tập nói, tập làm việc, hành động theo những gì nhìn, nghe bởi cha mẹ hướng dẫn.

Nhìn và nghe rất quan trọng trên con đường tu tập Phật pháp. Tánh biết được nhận thức qua nhìn và nghe, không ai có thể biết mà không nhìn và không nghe. Nếu không thể nhìn và không thể nghe, cái biết của chúng ta không chuẩn xác. Cho nên mẹ đại từ đại bi Quan Thế Âm mới là Ngài tầm thinh cứu khổ bằng ngàn mắt ngàn tay. Ngài lắng nghe nỗi khổ của chúng sanh, Ngài nhìn thấy chúng sanh trong biển lửa đau khổ, từ đó Ngài dấn thân đi vào cứu độ chúng sanh. Mẹ biết lắng nghe, mẹ biết nhìn để thấy thật rõ và mẹ của chúng ta trong cuộc đời cũng lắng nghe ta, cũng nhìn ta từ thuở đầu hình thành cái  nhân thật bé nhỏ trong bụng mẹ. Cho tới khi sinh ra làm người, mẹ cũng lại tiếp tục theo dõi và nhìn theo ta để thấy rõ ta, để hiểu ta. Và bằng ánh mắt yêu thương như biển trời, bằng hạnh lắng nghe giữa mênh mông vô tận để rồi ôm ấp, dạy dỗ, dìu dắt ta vào bờ thanh bình của cuộc đời. Không có một người mẹ, người cha nào mong muốn con cái của mình bị cuốn trôi, bị dạt vào bờ dữ, bờ bất ổn, bờ phiền não.

Các bạn, cuộc sống có tay phải và tay trái, cuộc sống có phải và có trái, có đúng và sai. Và trong cuộc sống này có hai bờ như dòng trôi giữa cuộc đời, có bờ thanh bình, nhẹ nhàng cũng có bờ bất an, bất ổn, đau khổ và phiền não. Giữa dòng trôi của cuộc đời, bạn muốn cập bến bờ thanh bình để ngả lưng nhìn hằng hà tinh tú trên trời, hóng gió mát đêm xuân, đêm rằm. Hay bạn muốn trôi dạt vào miền đất dữ, nơi có cá sấu, cọp, beo để có thể xé xác giết chết bạn, đó là sự lựa chọn của bạn. Trên dòng trôi của cuộc đời ta cứ than khổ, “kiếp người sao khổ quá!” đó là những lời đầu môi chót lưỡi của những con người thường hay than: “Ôi! kiếp này thật là khổ” và rồi tiếng khổ đó cứ than mãi mà thôi. Đi đến một thành ngữ rằng, kiếp con người thật khổ và nó lưu truyền mãi trên cửa miệng, dần dần làm cho chúng ta lầm và nhận rằng kiếp con người thật khổ. Không có một kiếp người nào chỉ có khổ mà không có sự thái bình, chỉ có phiền não mà không có sự thanh bình.

Trong lý nhân duyên Yên Khởi Phật nói: “có bên trái thì phải có bên phải, có đau khổ thì phải có hạnh phúc, có bất ổn bất an thì phải có sự thanh bình”. Đời người như một dòng trôi, như một dòng sông mà thôi. Có cả hai bờ phải–trái, bất an, bất ổn, thanh bình, nhẹ nhàng, ta chọn lựa bờ nào để cập vào bến đó; hay cứ để cuộc đời của mình lạc trôi vào những bến dữ, đau khổ rồi than. Trong chân lý của Đức Thế Tôn dạy, Ngài không tới như một vị có thuyền lớn để vớt chúng ta lên thuyền một cách miễn cưỡng, bởi nói rằng nếu không lên thuyền sẽ bị chết, để rồi đưa ta vào bến thanh bình. Nhưng Ngài đánh thức chúng ta như một người mẹ thuở sơ sinh dạy cho ta bên trái bên phải, dạy cho ta đúng sai, và dạy cho ta kích hoạt trí tuệ tầm cỡ cao nhất. Để có sự phân định thật rõ đúng  – sai, buồn – vui, khổ – hạnh phúc, bất ổn, bất an hay thanh bình hay nhẹ nhàng. Để từ đó ta có một sự quyết định cập vào bến bờ thanh bình của cuộc đời, để có một kiếp thanh bình thật sự. Chúng ta có khả năng cập vào bến thanh bình của cuộc đời. Nếu bạn thấy đời là bất ổn, bất an, đời là một kiếp đau khổ trầm luân, bạn nhớ rằng ngay chỗ đó nhìn rõ được sự bất ổn, bất an, đau khổ, các bạn sẽ thấy được đối diện với nó là bờ thanh bình. Có mà, có điều ta không bao giờ suy nghĩ và tư duy, ta cứ để cuộc đời của ta như một chiếc lá rơi xuống và mua thu vô tình nhỏ đầy xuống dòng sông, lạc trôi mãi không biết đi về đâu. Ta không vận dụng để ứng dụng sự lựa chọn cao cả hơn bằng trí tuệ, ta cũng chẳng đặt mình vào trong vòng tay của mẹ, của cha để cha mẹ mớm cho ta qua cái nhìn, cái thấy, cái biết và cái nghe. Để nhận thức đâu là trái đâu là phải, đâu là sai đâu là đúng, đâu là ác đâu là thiện, ta cứ lần mò trong đống hỗn loạn của thiện ác.

Hôm nay có nhân duyên tới với Phật pháp, ta nghe theo lời Phật dạy chẳng khác nào nghe theo người mẹ hiền, chẳng khác nào nghe theo người cha hết mực yêu thương chúng ta. Ngài sẽ dạy cho chúng ta có một cái nhìn thật rõ, có một tánh nghe để thấu, nhìn rõ, nghe thấu để nhận được đâu là thanh bình, đâu là khổ, đâu là đúng đâu là sai. Bên bờ kia của cuộc đời, bờ của đau khổ và  phiền não ngổn ngang những điều ác, bên bờ thanh bình của cuộc đời tràn đầy những pháp thiện.

Các bạn, khi các bạn làm điều ác là đang để cuộc đời lạc trôi vào bến dữ, đau khổ sẽ tới. Khi các bạn hành điều thiện là các bạn đang trôi cập vào bến phải, bến phải của lương tâm, bến phải của điều thiện, bến thanh bình của kiếp người hiện tại. Phật tới giúp cho chúng ta có quyền tự do để đứng dậy bằng trí tuệ suy nghĩ, để từ cái nghe thấy, nghe rõ, hiểu thấu đó ta có một sự lựa chọn hoàn hảo cho kiếp người thanh bình để sống hạnh phúc và bình an. Cả cuộc đời của con người, bao nhiêu năm rồi Bảo Thành và các bạn ít có khi nào ý thức được điều này. Hầu hết ta làm việc theo một sự sắp đặt, lập trình của xã hội, của con người, của sự việc xảy ra, như câu thường nói tới đâu hay tới đó. Có phải vậy không các bạn? Ta thường nói tới đâu hay tới đó, lo chi – lo bò trắng răng. Câu đó nghe hợp lý, thế rồi ta chẳng chịu suy nghĩ, quyết định nhìn thấu, nghe rõ. Để lập trình cho ta bằng trí tuệ mà ta cứ để cuộc đời xô đẩy, xếp ta vào khuôn mẫu, rồi trôi dạt vào dòng trôi của đau khổ, bến bờ của ác. Ta không thể cứ trôi đi mãi, ta không thể cứ lăn trôi như vậy mãi mà nhất định phải suy nghĩ giữa cuộc đời này có hai bến, lựa chọn bến nào đây?

Trí tuệ của Phật như lời ru của mẹ, trí tuệ của Phật như lời dạy của cha, làm theo lời của cha của mẹ ta sẽ có một cuộc sống thanh bình thật sự. Ta cứ hỏi các đấng bậc làm cha mẹ, các đấng bậc ấy luôn luôn muốn dạy dỗ con của mình làm sao đó để kiến lập một kiếp người thanh bình, chứ chẳng bao giờ muốn xô đẩy con cái của mình vào bến bờ của sự dữ, của đau khổ, của bất ổn, bất an. Đức Phật tới chẳng phải dạy một chân lý nằm ngoài sự hiểu biết, sự sinh hoạt của con người, mà Đức Phật tới khi giác ngộ, Ngài làm rõ những gì rất người trong chúng ta. Để thấy được giá trị rất người đó và mượn phương tiện giá trị của người đó, chúng ta bước lên một cung bậc đỉnh đỉnh, cao cao, hạnh phúc và thanh bình. Chẳng phải dìm mình xuống hố sâu của vực thẳm, đau khổ của phiền não, nơi đó toàn là cá sấu, hùm beo xé xác cuộc đời của các bạn ra. Chẳng qua là bạn không nhìn thấy, bạn và Bảo Thành không nhìn thấy dưới hố sâu đen tối đó có cá sấu đang rình rập, có những hùm beo đang đón chờ cho nên ta cứ nhảy dù rơi xuống dưới đó, để khi chạm chân rồi, rớt vào miệng cá sấu đau quá mới hoảng hốt thì trèo lên không kịp. Cho nên sống lây lắt một cuộc đời đau khổ, một kiếp nhân sinh không có được sự an bình. Còn nếu như ta có tầm mắt nhìn sâu xuống dưới hầm sâu của ngục tối với những điều bất thiện, thấy được những răng nanh của cá sấu, thấy được những răng nanh của cọp beo, thú dữ, ta sẽ nhất định ngu tới đâu cũng không thể nhảy xuống. Ta không nhìn thấy bởi ta chưa được nghe nên tầm nhìn chưa sâu, bởi vì khi lớn lên ta chẳng đặt mình vào trong lời giáo huấn của cha mẹ gần gũi, ta vươn ra bên ngoài để xã hội và cuộc đời lập trình cho ta những cách sống hầu hết không thuần chất đạo đức tại gia.

Dĩ nhiên chẳng phải luôn luôn như vậy, ở đời vẫn có điều cao đẹp nhưng hầu hết ở đời là một sự hỗn độn pha trộn, nhưng ở trong nhà cha mẹ vẫn thuần khiết trong sự thanh cao của tâm đức hạnh, được nối truyền từ nhiều đời cửu huyền thất tổ ông bà. Và dòng Phật pháp thấm nhuần trong gia đình được ứng dụng thật nhẹ bằng ngôn ngữ rất bình thường của loài người, chẳng kiêu sa, cầu kỳ trong Phật ngữ cao siêu. Chân lý của Đức Phật rất bình thường trong ngôn ngữ nhưng cao siêu và nhiệm màu, để chúng ta không đánh ngược đánh xuôi ngôn ngữ để tìm, để bới đúng sai. Mà đúng sai ở bên trái và bên phải, điều thiện và điều ác theo ngôn ngữ ta được mớm như miếng cơm, miếng sữa mẹ đã mớm cho ta. Như những tạo tác cha đã làm khi ta nằm ở trong nôi để qua ánh mắt, qua lỗ tai ta nghe, ta biết, rồi ta bắt chước những điều thanh cao của cha để dũng mãnh như thái sơn, để làm được những lời như mẹ, để thong dong như mây trời.

Các bạn, chân lý của Đức Phật thực ra đã có sẵn ở trong nhà, nơi môi miệng của cha mẹ mớm cho ta những ngôn ngữ đầu tiên, nơi ánh mắt, nơi tình thương, nơi vòng tay. Sau này cũng như những điều đó nhưng ngôn ngữ của Phật pháp có thể tô điểm thêm một chút, đó chỉ là thuật ngôn ngôn ngữ để giáo dục mà thôi. Chứ còn thẩm sâu trong tâm trí của con người, Phật giáo thuần chất đã đi vào trái tim, dòng máu của con người, nơi tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những bậc Thánh Đức. Chúng ta nhớ được điều đó để thấy rằng một kiếp thanh bình chẳng ở đâu xa, ngay nơi vòng tay của mẹ, ngay nơi ánh mắt của cha, ngay nơi dòng sông êm ả, nhẹ nhàng của tâm hiếu hạnh, hiếu đức. Nếu ta biết trở về tâm hiếu hạnh, hiếu đức thì ta đang trôi trên dòng sông tươi mát, để cập vào bến bên phải có đồng cỏ xanh tươi, nơi đó có muôn điều kỳ thú cho ta khám phá. Mẹ là dòng sông, dòng sông xanh lấp lánh sao trời đưa ta vào bờ thanh bình của cuộc đời. Các bạn, cha là thái sơn vững chãi cho ta leo lên tới đỉnh thành công của đạo đức.

Đức Phật – giáo lý của Ngài song hành với cuộc đời của chúng ta từ khi sinh ra, được truyền lưu tới cho chúng ta qua cha và mẹ. Bao nhiêu lâu mỗi người chúng ta còn nhận ra giá trị đó và còn quay trở về để thấy được cha được mẹ, thấy được chân lý của Phật nơi cha mẹ, nhất định một kiếp đời của chúng ta sẽ là một kiếp thanh bình, không đau khổ. Đi sâu vào một chút xíu nữa của Phật pháp, để chúng ta thấy rằng Đức Phật dạy một kiếp người thật thanh bình nếu chúng ta có trí tuệ, nếu chúng ta có sự lựa chọn đúng, đau khổ, phiền não, bất ổn, hạnh phúc, hay thanh bình chỉ là do chúng ta lựa chọn chẳng ai trừng phạt. Phật tới, Phật chỉ cho chúng ta như người cha hướng dẫn để ta biết lựa chọn một đời sống thanh bình thật sự.

Bạn có khi nào thấy mệt mỏi trong cuộc đời không? Có! Bảo Thành và các bạn đã từng trải qua những giai đoạn của cuộc đời thấy mệt mỏi quá, mệt đến mức mà muốn buông xuôi cả cuộc đời, đến đâu hay đến đó, câu này nghe có lý phải không các bạn? Câu mà “thôi tới đâu hay tới đó” nó đã thể hiện sự mệt mỏi không thể làm chủ được, nên buông theo dòng trôi lạc mãi vào miền đất dữ. Còn nếu làm chủ được ta sẽ không như vậy nhưng hầu hết chúng ta khi suy nghĩ chưa tới, khi nhìn chưa thấy, khi nghe chưa rõ thì ta nói thôi kệ tới đâu hay tới đó. Riết rồi thành một thuật ngữ có vẻ thích thú cho những người bị mất phương hướng, không định được con đường đi đúng; hoặc những con người đang rơi vào cạm bẫy đau khổ; hoặc rơi vào khoảng trống mà không thể trụ lại được thì ta bắt đầu thốt lên như người đời thường nói tới đâu hay tới đó. Nhưng các bạn biết không, khi tới được vực sâu rồi, nơi đó chẳng phải các bạn chọn nữa đâu, thoát ra khó lắm. Cho nên các bạn không thể để tới đâu hay tới đó, mà chúng ta không thể cứ để tới đâu hay tới đó, chúng ta phải hay ngay khi tới từng chút, từng chút đó là ý nghĩa của chánh niệm, của tánh biết và tánh thấy. Từng giây phút trong cuộc đời, chánh niệm hơi thở để diệu dụng tánh thấy biết trong từng giây phút, chứ không thể tới đâu hay tới đó. Đó là một thành ngữ mỹ miều được truyền dạy, được mớm, được nói để dẫn dụ ta, để cám dỗ ta, để xô đẩy ta vào vực thẳm của đau khổ. Phật không dạy tới đâu hay tới đó, mà Phật dạy chánh niệm để biết thật rõ từng lúc không buông xuôi, không buông trôi mà làm chủ để biết và thấy.

Trong Thiền Mật song tu, chúng ta thường tu luyện thật là rõ ràng bằng hơi thở vào ra phải thấy và biết. Thấy được hơi thở vào từ mũi và phải biết được bụng phình ra. Và đồng thời thấy biết được năng lượng luân lưu trong cơ thể ta, quán chiếu tâm từ bi để lòng bao dung rộng lớn, bao trùm tất cả mọi suy nghĩ, cảm xúc nó khởi lên trong hơi thở vào và trong hơi thở ra ta đón nhận mật ngôn Mu A Mu Sa tiếp được năng lượng tình thương. Như người làm ruộng cầu trời mưa xuống, nhưng người tu ta đón năng lượng mưa xuống từ Phật ban rải xuống ruộng nương, xuống mảnh đất cuộc đời, tưới tẩm vào những miền khô cằn, những miền sa mạc khô cằn của những pháp ác ta đã tạo Để từ đó thấy được năng lượng tình thương có sức mạnh phi thường, cảm hóa và hàn gắn, trị liệu những vết đau của chúng ta. Để từ những đau thương của cuộc đời, những bất ổn, bất an ta chuyển hóa thành bến bờ thanh bình của cuộc đời. Thật hạnh phúc khi các bạn biết hít vào thở ra, sống sâu trong chánh niệm để kích hoạt trí tuệ và để vận dụng thấy biết trong sự quán chiếu lòng yêu thương từ bi. Ta có Phật như ta có cha có mẹ, ta còn Phật như ta còn cha còn mẹ. Cuộc đời này ta còn có Phật tới với chúng ta qua hơi thở của Thiền Mật song tu, của Mu A Mu Sa, ta đã có mật mã để đi vào trí tuệ của Chư Phật, đó là Mu A Mu Sa. Ta đã được phủ sóng toàn bộ bởi Mu A Mu Sa, để trên toàn phần của cuộc đời này, của kiếp này, kiếp nhân sinh này ta luôn bắt sóng được với Phật, để giữa ta và Phật có sự liên hệ thật gắn kết. Để Ngài có thể lưu truyền những điều sai đúng tới với chúng ta, để chúng ta luôn luôn được Ngài nhắc nhở, được Ngài đánh thức và được Ngài hướng dẫn cho cách sử dụng tánh thấy và tánh biết, tánh nghe để khơi dậy trí tuệ và phát triển lòng từ bi.

Thiền Mật song tu rất thực tế, chẳng vẽ vời trong những khuôn mẫu lý thuyết dông dài, viết mãi ngàn đời không hết. Nó đơn thuần như dòng sữa mẹ mớm cho ta để lớn, nó thuần khiết như miếng cơm mẹ mớm cho thuở đầu. Nó như sức mạnh của ánh mắt của cha truyền vào có cảm hứng, để ta đứng dậy bập bẹ đi từng bước trong thuở nhỏ. Khi té sẽ có cha đỡ ta đứng dậy bởi có cha đứng gần nói một tiếng thật nhẹ, “đứng dậy đi con, tiếp tục đi đừng sợ”. Tiếng của cha đã nói hãy đứng dậy đi tiếp đừng sợ, vậy cho nên chúng ta đã đứng dậy sau bao nhiêu lần ngã xuống, té xuống. Để rồi ta biết đi, ta biết chạy, rồi ta vững chãi trong cuộc sống. Đó chính là lời sách tấn của cha để ta đầy đủ trí tuệ, tình thương và có cái nhìn viên mãn đó là sữa nguồn của mẹ, là cơm mớm của mẹ.

Phật như cha như mẹ, Phật mớm cho ta từng chút kiến thức trong cuộc đời. Phật không lấy cả cuộc đời con người để đặt ta vào một không gian vô tận của Phật để biến ta thành Phật. Phật muốn ta thành nhân, thành đạo nhân, thành con người, đạo làm người. Từ đạo làm người là bước đầu để ta đi lên. Còn nếu từ người biến thành Phật, thành Thánh – không thể, quá xa vời thực tế. Phật tới rất là người, Phật dạy cho chúng ta yêu thương, Phật dạy cho chúng ta lòng từ bi, Phật dạy cho chúng ta cái nhìn sâu sắc, cái nghe thẩm thấu để biết, để buông, để bỏ, bỏ gì, buông gì? Bỏ, buông bến dữ, bến khổ, bến bất an của cuộc đời và lựa chọn để cập vào bến thanh bình trong hơi thở chánh niệm từ bi quán.

Chúng ta đừng khi nào nghĩ rằng Phật như một đấng nào cao siêu lắm để chúng ta đặt lên trên bàn thờ, để chúng ta tạc bằng gỗ, bằng đá quý, bằng xi măng, bằng đồng, bằng sắt, bằng các vật liệu mà ta có trong đời nên hình hài của một đấng gọi là Phật. Để rồi đặt lên đó để quỳ lạy, tôn thờ mà Phật là cha là mẹ, Phật đã hóa thân đi vào hơi thở của cha mẹ, đi vào ánh mắt của cha mẹ, đi vào bàn tay của cha mẹ để dắt dìu, để nhìn ta, để dẫn bước cho ta đi vào cuộc đời trong sự thanh bình, để có được một kiếp thật sự thanh bình. Phật không hù dọa ta bằng một hình ảnh bay từ trên trời đi xuống mà Phật ứng hóa, hòa mình trong những nghĩa cử của những bậc đấng sinh thành. Bạn có thể nhận ra Phật trong ánh mắt của mẹ yêu, bạn có thể nhận ra Phật trong vòng tay vững chãi của cha và bạn có thể nhận ra được bến bờ thanh bình của kiếp người nơi cha nơi mẹ, chẳng xa đâu. Bạn tìm gì trong cuộc đời, sao bạn cứ để cuộc đời lạc trôi mãi vào bến dữ nơi hầm hố, cá sấu, hùm beo rình sẵn? Sao không về với bến bờ thanh bình của cha của mẹ? Phật đang ở trong cha, Phật đang ở trong mẹ, cha mẹ là hiện thân của Phật trong cuộc đời. Nơi các đấng sinh thành ấy sẽ giúp cho chúng ta cập bến thanh bình, để có một kiếp thật sự hạnh phúc. Không ai khi mất cha mất mẹ mà còn được hạnh phúc nữa, bến thanh bình chính là nơi cha nơi mẹ, kiếp người có thanh bình hay không chính là ta còn cha còn mẹ.

Cao quý và lành thay nếu chúng ta có cái nhìn như vậy, có cái hiểu thấu như vậy khi nghe. Và để rồi có sự lựa chọn đúng, trở về với bến bờ thanh bình là cha là mẹ để có được một kiếp người hạnh phúc thật sự. Đạo Phật không rời xa cách sống của con người, đạo Phật không rời xa tình của cha, tình của mẹ. Đạo Phật đã hóa hiện trong từng nghĩa cử, lời nói, ánh mắt, vòng tay của cha của mẹ, chân lý của Phật đã hóa hiện trong cuộc đời của đấng bậc sinh thành. Chúng ta phải nhớ, hóa thân của Ngài đã ẩn hiện trong cuộc đời của cha mẹ, nhìn vào cuộc đời của cha mẹ, biết sống hiếu đạo với cha mẹ là chúng ta đã nhận ra hóa thân của Phật nơi cha mẹ. Đó là đấng Bổn Tôn cao quý ta phải luôn luôn tôn thờ hướng tới, để cập bến thanh bình của kiếp đời ta đang hiện hữu nơi đây.

Thiền Mật song tu, từ bi quán chánh niệm hơi thở đưa chúng ta về sự tỉnh thức nhận rõ, đấng Bổn Tôn hóa hiện trong cuộc đời của cha mẹ. Để chúng ta luôn ngưỡng cầu tới vị Bổn Tôn cao quý, hóa thân của Phật nơi ánh mắt của mẹ, nơi vòng tay của cha. Ánh mắt của mẹ như mây trời thong dong và tự tại, vòng tay của cha vững chãi như núi xanh. Vậy khi chúng ta trở về với cha mẹ là trở về một kiếp thanh bình trong đời người, trở về để ngưỡng tới vị Bổn Tôn cao quý nhất. Ứng hóa thân của Ngài, của vị Bổn Tôn đó, nơi ánh mắt, nơi vòng tay, nơi tình thương của cha, nơi tình thương của mẹ, nơi dòng sữa mà mẹ đã gắn chúng ta vào cuộc đời. Nơi miếng cơm mà mẹ đã mớm, nơi bàn tay mà cha đã dìu dắt, nơi phải trái mà cả cha mẹ đều hướng dẫn chúng ta tới. Phật không ở trên cung trời thật xa để cho ta bơi mãi trong sự tưởng tượng để tìm tới. Phật cũng không nằm mãi ở trong những cuốn kinh được làm bằng văn tự của loài người chế ra, cao siêu hàm ý khó hiểu, đọc xong chỉ vỗ tay cười mà chẳng biết gì. Phật nằm trong tâm tưởng của cha mẹ, Ngài – các đấng đó yêu thương ta. Đức Bổn Tôn Thích Ca Mâu Ni – hóa thân của Ngài nằm trong trái tim và ánh mắt của mẹ của cha. Chỉ có về với cha mẹ trong lòng hiếu hạnh cao quý, chỉ có một trí tuệ nhìn thấu Bổn Tôn Thích Ca ứng hóa trong kiếp của cha mẹ, trong thân xác của cha mẹ, trong tình thương của cha mẹ. Và chúng ta trở về nguồn yêu thương đó, chúng ta sẽ thấy được Đức Phật và như vậy khi trở về, tức là ta sẽ có được một kiếp người thanh bình thật sự.

Sự lựa chọn này là của các bạn và của Bảo Thành, đừng để cho cuộc đời bị cài đặt bởi thành ngữ rằng tới đâu hay tới đó. Đó là cách nói của những người buông xuôi thường hay đi tới sự thất bại, người thành công phải biết chắc sự việc gì ta làm, điều gì ta nói. Tánh biết và tánh thấy, hầu hết mọi người thành công về mọi mặt trong xã hội từ kinh tế đến kiến thức, từ tâm linh đến con đường sống để làm người có hạnh phúc, đều là những người không bao giờ bỏ mặc cuộc đời theo câu nói tới đâu hay tới đó; mà họ luôn thẩm định được từng giây, từng phút, từng việc, từng suy nghĩ và biết thật rõ. Đó cũng là cách dạy của Phật. Một trong những cái biết thật rõ, một trong những cái thấy thật sâu chính là thấy biết được cha mẹ là hóa thân của Đức Bổn Tôn Thích Ca Mâu Ni. Để chúng ta hướng tới Đức Bổn Tôn hiện hữu trong cuộc đời của cha mẹ, làm tròn hiếu đạo. Để ta thật sự có được một kiếp người thanh bình mà cha mẹ đã tạo nhịp cầu, nối bước cho chúng ta học để làm người. Thật là cao quý nếu nhận diện được điều này! Một kiếp người sẽ luôn luôn thanh bình nơi bến bờ của cha và của mẹ.

Các bạn ơi, hãy đặt bàn tay phải trí tuệ vào lòng bàn tay trái từ bi, chúng ta đi vào 07 biến vi diệu âm Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho muôn loài chúng con và gia trì Phật lực để chúng con có một kiếp thanh bình. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu sa (07 biến)

Mô phật! Các bạn thân mến, có những điều xảy ra nhưng chúng ta ít khi nào nhận biết được giá trị, chỉ khi nói tới ta bắt đầu suy nghĩ và dần nhận ra giá trị đó. Ta chưa có người hướng dẫn nên không biết, còn khi đã khai thị tức là chỉ dẫn rõ ràng, ta nhận được ta sẽ thấy tầm cao, giá trị của cuộc sống.

Gần một năm rồi, Bảo Thành từ tháng 03 năm ngoái (tháng 03/2020), đi vào kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn, kênh Facebook Chùa Xá Lợi cùng đồng hành cùng các bạn có duyên trong pháp Thiền Mật song tu Thất Bảo Huyền Môn để đồng tu. Ngày nào cũng như ngày nào, sáng và tối luôn gửi những thông điệp yêu thương, truyền ngữ giáo lý của Phật tới với các bạn qua cách hiểu, cách nói rất giản dị. Để chúng ta đón nhận Phật vào cuộc đời nhẹ nhàng hơn, dễ hơn, hiểu thấu hơn. Đó là các bạn nghe đã được Bảo Thành nói bằng ngôn ngữ của tiếng việt, hiểu thấu, vậy mà chúng ta cũng cần vẫn phải tiếp tục.

Có một số bạn rất kiên nhẫn và cuối cùng vẫn ngồi với Bảo Thành hàng ngày, để rồi thẩm nhập được giáo lý cao siêu qua năng lượng tình thương và nghe hiểu, nhìn thấy, thực tập. Các bạn hãy nhìn vào màn ảnh ngay bây giờ, các bạn thấy ai? Các bạn có biết không, Sư Cô Bảo Cơ là người ngoại quốc, cô Aliens cũng là người ngoại quốc, nhưng tất cả những lần Bảo Thành ngồi ở Tổ đình Chùa Xá Lợi nơi hai cô đang sinh sống, hai cô đều ngồi cả một tiếng đồng hồ. Những gì Bảo Thành nói từ lúc đầu của ngày hôm nay cho tới bây giờ, cô Aliens không hiểu, không hiểu đâu, nhưng cô Aliens thấm nhuần được, bởi ngồi đó trong sự kiên nhẫn, ngồi đó như mặt đất đón nhận mưa trời, ngồi đó để đón nhận mưa ân điển của tha lực tình thương, năng lượng yêu thương của Phật ban rải xuống. Và năng lượng đó, cô thấm nhuần, cô hiểu bằng năng lượng, chẳng phải qua ngôn ngữ, nó vượt qua ngôn ngữ để hiểu biết. Năng lượng tình thương cao quý vô cùng! Nó mang tới cảm nhận của sự thanh bình của hạnh phúc, nên cả một năm trời ngày nào cũng như ngày nào, nếu Bảo Thành có mặt ở đây, cô vẫn ngồi đó đánh tiếng chuông khởi đầu cho buổi đồng tu và cũng đánh tiếng chuông khởi cho sự kết thúc. Bình tĩnh, nhẹ nhàng ngồi đó đón nhận năng lượng, khiêm tốn, hạ mình, khiêm cung như mặt đất.

Hôm nay, Bảo Thành nói cho các bạn để ý sao cô ấy lại có được sự kiên nhẫn như vậy? Bởi cô ấy đã nhận được năng lượng tình thương của Phật, chuyển ngữ qua ngôn ngữ mẹ đẻ của cô mà rồi cô ngồi đó kiên nhẫn tháng ngày, tọa thiền tịch tĩnh, đón nhận mưa tình thương của Phật ban rải xuống cuộc đời của cô. Chẳng qua ngôn ngữ của Bảo Thành mà qua sự cảm ứng đạo giao trong tâm thiện qua tánh thiện. Tại sao Bảo Thành lại nói như vậy, Bảo Thành nói như vậy để sách tấn các bạn, chúng ta chuẩn bị đã bắt đầu kết thúc một năm đồng tu rồi.

Ngày 19 tháng 03 năm 2020, là vừa tròn một năm chúng ta đã cùng đồng hành. Cái thuận là ta nghe được ngôn ngữ, cái nghịch đối với cô Aliens và Sư Cô Bảo Cơ không nghe được ngôn ngữ, nhưng hai cô ấy thuận với tâm thiện, hướng tới Chư Phật, thấy được Bổn Tôn Thích Ca trong từng âm thanh, ngôn ngữ xa lạ. Không hiểu nhưng thấm nhuần được năng lượng tình thương nên vẫn ngồi đó tọa thiền giữa cuộc đời này, lắng nghe một tiếng đồng hồ những âm thanh xáo trộn chẳng thể hiểu.

Các bạn có thể đi vào cuộc đời, nghe những âm thanh không hiểu mà đón nhận được Phật hay không? Các bạn có thể nhìn và nghe những âm thanh của cha mẹ dù trái chiều hay đồng chiều mà đón nhận được hình ảnh của Đức Bổn Tôn trong vòng tay, ánh mắt, ngôn từ của cha mẹ hay không? Đây là một câu hỏi các bạn cần phải hỏi bản thân.

Các bạn, buổi tu của chúng ta đã xong. Nhất định mỗi người chúng ta cũng sẽ có một kiếp thanh bình nếu biết trở về với cha với mẹ. Hãy trở về với cha mẹ nha các bạn.

Hãy đặt bàn tay trí tuệ và lòng bàn tay từ bi, đi vào trong 07 biến cuối cùng này, ta hãy quán chiếu vị Bổn Tôn Thích Ca Mâu Ni hóa thân của Ngài, hiện thân trong kiếp của cha mẹ nơi cuộc đời này của chúng ta. Mời các bạn.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và gia trì Phật lực để chúng con có một kiếp thanh bình. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu sa.

Phật đã tới qua những sự giáo dưỡng cha mẹ dạy cho chúng con biết cái nào là phải cái nào là trái, trí tuệ thuở ban sơ đó sẽ đưa chúng con tới một kiếp người thanh bình. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu sa.

Chúng con đã hiểu, không để cho ý tưởng tới đâu hay tới đó để cuộc đời này lạc trôi vào bến dữ, mà chúng con sẽ chủ động bằng trí tuệ cập bến thanh bình. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu sa.

Cuộc đời có phải và có trái, có đúng và có sai, có thanh bình và bất ổn, đau khổ và hạnh phúc. Chúng con nguyện theo lời Phật dạy để có được trí tuệ, chọn cho mình một hướng đi đúng, cập bến thanh bình. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu sa.

Mẹ là mây trời thong dong, cha là sự vững chãi như núi xanh, con nguyện trở về với cha mẹ để có được một kiếp thanh bình trong cuộc sống. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu sa.

Đức Bổn Tôn Thích Ca Mâu Ni hóa thân của Ngài ứng hóa trong đấng bậc sinh thành là cha mẹ, nguyện nương vào cha mẹ để thấy được Bổn Tôn Thích Ca, hầu kiến lập một kiếp người thanh bình. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu sa.

Chúng con nguyện trở về với chánh niệm hơi thở từ bi quán Mu A Mu Sa, để có được một kiếp người thanh bình, sống hiếu đạo, tôn kính cha mẹ, nhận ra Đức Bổn Tôn nơi ánh mắt của mẹ, nơi vòng tay của cha. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu sa.

Mô Phật! Chúng ta tu xong rồi, mời các bạn chắp tay hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Mu A Mu Sa!

Con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống mọi loài chúng sanh và gia trì Phật lực để chúng con không còn lạc trôi vào bến dữ mà chủ động trôi về bến thanh bình nơi vòng tay của cha, nơi ánh mắt của mẹ. Nguyện hồi hướng cho các nguyên thủ các quốc gia biết thành lập chính sách hòa bình cho thế giới, ngừng hẳn chiến tranh. Nguyện hồi hướng cho các nhà khoa học gia ngành y, ngành dược để họ chế tạo ra vắc-xin (vaccine), thuốc trị bệnh. Nguyện hồi hướng cho bác sĩ, y tá, y sỹ, nhân viên cứu trợ, cứu tế trên thế giới chữa lành các bệnh nhân. Nguyện cho tất cả những ai còn đau khổ, phiền não nhận biết ra chân lý nơi pháp Phật nhiệm màu để có được sự bình, an hạnh phúc và khiêm tốn. Nguyện hồi hướng cho các hương linh theo thiện nghiệp mà tái sanh.

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật từ bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn