Bảo Minh biên tập
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Sư Cô, cùng các bạn đồng tu ở trên kênh youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh facebook Chùa Xá Lợi.
Đã tới giờ chúng ta đồng tu, mời các bạn quy hướng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Mu A Mu Sa!
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển xuống muôn loài chúng con.
Các bạn thân mến, chúng ta hãy cùng nhau gạt bỏ mọi ưu phiền khác biệt, đặt cái tôi của mình qua một bên. Để trở về với tâm tánh an nhiên, với tâm Phật tịch tĩnh, với lòng khiêm tốn trụ vào trong chánh niệm hơi thở quán chiếu từ bi, nương bóng Thế Tôn để chúng ta cảm nhận những hơi thở vào ra trong 07 biến vi diệu âm Phật ngôn Mu A Mu Sa.
Chúng ta hãy đặt bàn tay phải tượng trưng cho trí tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho từ bi, để chúng ta bắt đầu.
Các bạn hãy ngồi xuống với tư thế mà thân xác cảm thấy nhẹ nhàng, có thể ngồi trên tọa cụ, tư thế kiết già, bán già, có thể ngồi trên ghế với bất cứ tư thế nào mà cơ thể có thể ngồi bền vững, buông lỏng toàn thân, nhẹ nhàng hít thở, chú ý theo lời của Bảo Thành nói chúng ta làm theo.
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa (07 biến).
Mô Phật! Các bạn thân mến, ở trên đời này bất cứ một sự việc gì mỗi người chúng ta cần thực tập, tu luyện một cách bền vững không ngừng nghỉ và liên tục. Không có chuyện gì mà chỉ tạo, chỉ tu, chỉ làm một lần mà có kết quả mãi mãi. Ta đã rút được kinh nghiệm này thực tế trong cuộc sống của chính mình, cuộc sống của cha mẹ, cuộc sống của những thế hệ trước đã đi qua. Và từ đó những bài học kinh nghiệm của tổ tiên, ông bà, của những thế hệ xưa để lại nhắc nhở chúng ta phải kiên nhẫn thực hành. Và phải suy nghĩ cho thật rõ, minh định được những việc ta đang làm. Nhìn rõ, nhìn thấu để khi chúng ta đầu tư thời gian, sức lực và kiến thức vào công việc đó, ta hạnh phúc, bình an bởi ta thấy rõ được mục đích ta đang làm, thấy được sự thành tựu sẽ tới. Nói như vậy, những ai trong chúng ta cũng có nhiều thời trong cuộc đời quá vội vàng. Sự quyết định của chúng ta về một sự việc, về một công việc, ngay cả trong sự suy nghĩ, ăn nói và hành động cũng vội vàng, thiếu cẩn thận và không xác định được hướng đi, hay suy nghĩ cho thật rõ. Cho nên nhất định các bạn và Bảo Thành đã thật nhiều lần trong cuộc đời đã bị vấp té xuống. Và những sự vấp té như vậy vẫn còn để lại những dấu ấn kỷ niệm của một thời đã qua, còn khắc ghi nỗi buồn, sợ hãi, đôi khi ám ảnh cả cuộc đời đau thương mãi mà không hết. Có những người trong chúng ta khi bị té xuống rồi không còn cơ hội đứng dậy bởi mất hết tuệ khí và sức lực, chán nản, phiền não đâm ra bị trầm cảm một cách trầm trọng nguy hại. Có người khi bị vấp ngã, khi bị té xuống thì bị hoảng hốt lo sợ, mất trí luôn. Có nhiều người trong cuộc đời luôn luôn hiện hữu những cảnh như vậy. Nếu chúng ta nhìn vào và có lẽ ai cũng thấy, xung quanh cuộc sống của mỗi người ai cũng có những cảnh như thế. Nhưng điều đó có nhắc nhở cho chúng ta một bài học để tự nhắc nhở mình, tự mình khơi dậy một sức mạnh để định được tâm đi vào cuộc đời hay không?
Trên cuộc đời này, con đường nào chúng ta đi cũng không mấy ai lót thảm, trải bông, che dù để cho chúng ta đi đâu. Có chăng là gai góc hầm hố họ đào, bom đạn họ thả xuống, đá sạn bên bờ họ ném vào ta, phỉ báng, chê bai, dèm pha, trù dập. Bởi con người sinh ra ở trên đời vẫn mang dòng nghiệp thức tái sanh trở lại ở trong tánh mà luôn luôn muốn đè bẹp người khác bởi tâm tham. Và mê mờ trong những suy nghĩ của chính mình về cái tôi mà thôi, nên chẳng thấy ai ở trong đời. Thoáng thấy ai đó trên con đường, họ đã vội vàng ném đá tiêu diệt ngay. Một trong những người đó thường làm việc như vậy nhiều kiếp qua đó là Bảo Thành, và các bạn cũng có tên trong cuốn sổ được ghi từng làm những việc sai trái như thế. Chúng ta không khác nhau các bạn, chúng ta là con người và bây giờ vẫn là người, được đặt tên, được gọi, được xưng hô với địa vị trong xã hội, với sự đặt để với những địa vị khác biệt nhau đó. Nhưng lột trần đi tất cả những gì người ta đặt để; hoặc tự mình tôn vinh ta vẫn chỉ là một con người bình thường, mang thân nghiệp thức tái sanh làm người. Kẻ yếu đuối rồi cũng sẽ chết, kẻ mạnh mẽ rồi cũng sẽ chết, chẳng ai yếu mà sống mãi, chẳng ai mạnh mà trường tồn. Nhưng kẻ yếu chết trong sự ô nhục, chết trong sự đau khổ và nuối tiếc, kẻ mạnh chết trong niềm vinh quang, trong sự tự hào rằng ta nằm xuống trọn vẹn một cuộc đời đã sống. Mạnh ở đây không phải mạnh về cơ bắp, mạnh về kiến thức, mạnh về quyền lực, mạnh về sự giàu có, mạnh về sự chà đạp lên nhân phẩm người khác, mạnh về sự tâng bốc, nịnh bợ, mạnh về những thói đời con người trầm luân. Mạnh ở đây nói tới sự mạnh mẽ nơi sự tỉnh thức của chính mình để đứng dậy, đây là sự mạnh mẽ đáng tôn quý.
Các bạn nhớ, cuộc đời của chúng ta dù người ta có chà đạp lên mình, người ta có thể phỉ báng mình nhưng mình đừng bao giờ tự phỉ báng mình. Người ta có thể đè bẹp mình xuống để sát hại mình nhưng ta đừng bao giờ tự đè mình xuống và sát hại bản thân của chúng ta. Người ta có thể chê bai, chửi bới, nhục mạ, gièm pha, giết ta nhưng ta đừng bao giờ chửi bới, chê bai, dèm pha, nhục mạ và tự giết bản thân mình. Người ta có thể lôi đầu mình ra trước công chúng để đấu tố, để vạch trần, để bêu xấu, nói những lời hàm oan, ô nhục nhưng ta không thể lôi ta ra để đấu tố bản thân của mình để hàm oan, vu khống, để nhục mạ, chê bai bản thân của ta. Người ta có thể đào lỗ để chôn mình xuống, giết chết cả cuộc đời này nhưng ta không thể tự đào lỗ chôn thây. Người ta có thể tâng bốc mình lên đỉnh cao trên cõi trời nhưng ta đừng bao giờ tự cao, bay bổng mãi mà không nhận biết được phận mình là sao. Người ta có thể chỉ trỏ, vạch áo, vạch lưng để phơi bày con người của ta ra cho thiên hạ, bàn dân phán xét nhưng ta đừng bao giờ tự phơi bày những điều không có của ta ra. Có nói có – không nói không, tâm chân thật vẫn là niềm kiêu hãnh để cho ta đứng dậy làm lại từ đầu. Nếu con đường cứ êm xuôi mãi, sự sống sẽ cao mãi ngất trời, nếu không một lần vấp té và ngã xuống sao ta có thể hiểu được cuộc đời và có cơ hội nhiều hơn sau khi vấp té để đứng dậy dũng mãnh hơn? Nếu người ta không chê bai, gièm pha, đánh đập mình, sao mình có cơ hội nhìn lại chính ta? Cuộc sống, chúng ta cứ vươn ra bên ngoài mãi, chúng ta cứ nhìn ra bên ngoài, chúng ta cứ phóng đầu ra bên ngoài miệt mài, từ sáng đến tối về được nhà ngã lưng mệt nhoài ngủ ngay. Cuộc đời của ta đã bao nhiêu kiếp phóng ra nhìn thế giới bên ngoài qua sáu giác quan, có khi nào nhìn và sử dụng sáu giác quan đó để nhìn lại căn nhà chân tâm của chúng ta đâu, đó là một thói quen trong kiếp người.
Chúng ta hôm nay không bàn về sự mạnh mẽ đứng dậy sau những lần đổ ngã về kinh tế, về sự đối xử thậm tệ của bạn bè, về tình yêu tình cảm, về sự sống thành bại trong cuộc đời, về tiền bạc, về danh lợi, về quyền lực. Những điều đó ta có thể tản mạn từ sáng tới tối bởi cảnh đời nếu mà viết lại sự thất bại trong từng sự chi tiết của cuộc đời thì nhiều vô kể. Bởi ai ai cũng có sự đời riêng của mình và sự đời riêng của chúng ta lúc nào cũng là sự lầm chấp, té ngã. Có những người khôn tột bậc, nổi tiếng ngất cả trời vậy mà vẫn bị người khác đưa vào cạm bẫy để cuối cùng than thấu trời. Lúc đó, mọi người mới hiểu ra kẻ khôn đó cũng bị người đời lừa gạt, kẻ giàu có đó cũng một lần ngu ngơ để mất tiền mất bạc, mất của, mất tình, mất nhà, mất tất cả. Người ta có thể làm tất cả vì ta đó nhưng quan trọng ta như thế nào? Khi nói về đời sống tâm linh, một trong những hàng đệ tử của Chư Phật thời đó là ông Phú Lâu La. Khi được sự tỉnh giác và muốn tới một làng kia để giảng pháp cho dân chúng nghe, làng đó dữ lắm, trước khi đi ông ta bạch Phật và Phật hỏi ông rằng:
- Con ơi, nếu con đi tới đó, người ta chửi bới con con sẽ phản ứng như thế nào?
Ông ta thưa:
- Thưa Phật! Nếu con tới đó để hoằng pháp mà người ta chửi bới con, con thấy rất vui vì người ta mới chửi thôi chưa có đánh đập con.
Phật lại hỏi thêm:
- Nếu con tới rồi giảng đạo ở đó, khai thị chân lý, người ta đánh đập con thì con phải phản ứng ra sao?
Ông ta lại thưa:
- Thưa thầy! Con tới đó khai mở chân lý cho người ta sống hạnh phúc, bình an, người ta đánh đập con con rất vui bởi người ta chưa giết con.
Phật lại hỏi:
- Nếu người ta giết ông thì như thế nào?
Thưa thầy:
- Nếu người ta giết con, con vẫn hạnh phúc bởi người ta có thể giết chết thân xác nghiệp chướng này của con nhưng không thể giết được trí tuệ con đã học được nơi thầy.
Mạnh mẽ đứng dậy trong đời sống tâm linh rất quan trọng các bạn. Chúng ta ngày nay vẫn còn đau khổ và phiền não, còn biết bao nhiêu thứ xảy tới xảy lui, va chạm vào cuộc đời làm ta khó chịu, làm ta bực mình, làm ta sân, làm ta giận, làm ta si mê, mù mờ chẳng biết gì. Và không tỏ lộ chân lý để thoát ra được chính là bởi vì chúng ta đã bị té vùi đầu vào trong những dòng giáo lý của con người của phàm phu, những chân lý vụn vặt của thế nhân. Những con đường dẫn chúng ta đi được hoa mỹ bởi những ngôn ngữ, được vẽ vời bởi những lý thuyết, tâm lý, triết lý, triết học, luận lý để làm siêu và làm ngã lòng người nghe như chúng ta. Thế nên, từ bao nhiêu kiếp qua cho tới ngày hôm nay chúng ta chưa giác ngộ, chúng ta chưa được những giây phút thong dong, tự tại và hạnh phúc. Ta vẫn trầm luân trong biển khổ của cuộc đời, ta vẫn đầy rẫy sự sân giận, nóng nảy, bực bội, khó chịu để rồi ta đã phá tan đi tất cả những mối bạn bè thân thương, gia đình. Và rồi ta đã làm chết đi tình cảm cao quý giữa người với người. Ta đã lao đầu với tâm tham bởi nhận thức sai trên con đường sống tâm linh nhiều kiếp qua. Thế nên ta cứ vơ vét thật nhiều những lý tưởng hão huyền, bay bỗng, chập chờn trên cảnh giới của mặt đất như bóng ma trơi dưới những màn đêm không có ánh trăng, không có tinh tú hiển lộ trên trời. Rồi ta cứ quờ quạng đến mức mà ta cứ moi cứ móc, cứ đào cứ bới mồ mả của những quá khứ người xưa; hay những người ta đang trực diện mà ta chẳng định vị được đó có phải là của họ hay không. Hay chẳng qua đó là nấm mồ ngàn năm, vô lượng kiếp từ những thây xác của chính ta chôn vùi trong tâm thức, nay hôi thối, nổi sình, bốc mùi trong ta rồi thoát ra thành ngôn ngữ tưởng chừng là của người. Đây thật sự luôn luôn phải nói rằng, là những điều các bạn và Bảo Thành thường mắc sai lầm. Cứ tưởng là của người hóa ra là chuyện của ta, nó ngủ ngầm, nó trốn ở trong đầu, nó trốn ở trong tâm, nó trốn trong tư tưởng, lời nói và hành động. Những bất thiện nghiệp nó ngủ ngầm như những mầm ác, mầm gai, nó ngầm ở trong đó, một cơn gió nhẹ nhàng của những thị phi ở đời bay tới thổi bay chúng lên, một cơn mưa, một cơn lũ của những sự đời ngổn ngang ta đi qua là mầm mống, gai gốc trỗi dậy. Đâm chỗ này, đâm chỗ kia, đằng trước đằng sau, đi đâu cũng thọc đi đâu cũng đâm. Đó là sự gục ngã, gục ngã trong cách sống chưa được khai mở chân lý. Mạnh mẽ đứng dậy để thay đổi rất quan trọng. Ta phải nói về đời sống tâm linh, trên con đường tu học Phật, ta phải mạnh mẽ thay đổi những nhận định sai về giáo lý của Phật.
Đức Phật là một tấm gương hiện hữu trong cuộc đời vẫn còn đó, khi Ngài chưa giác ngộ cũng như chúng ta, với tâm cầu đạo giải thoát bởi nhìn thấy khổ ở trong dương trần và nhìn thấy biết bao chúng sanh đau khổ nên Ngài sẵn sàng hy sinh tất cả ngôi báu, quyền lực – tất cả. Để ra đi tìm một con đường tự giải thoát cho chính mình và giới thiệu, khai thị, giải thoát cho những chúng sanh khác. Trong sự lần mò của những chặng đường đi tầm cầu sự giải thoát qua sự thực tập, học hỏi những giáo lý tâm linh của bậc thầy. Chư Phật rất mạnh mẽ đứng dậy sau những lần gục ngã. Vị thầy thứ nhất Ngài tới, Ngài học tới tuyệt đỉnh của những giáo lý tâm linh của vị thầy đó, nhưng chưa thấy đó là con đường tối ưu đi đến sự giải thoát chung cho nhân loại. Ngài đã mạnh mẽ đứng dậy mà tiếp tục đi, chẳng dừng ở đó mãi. Còn chúng ta, nếu đã bám vào một thành kiến, triết lý, tôn giáo, một tư tưởng, luận lý phù hợp với mình, một phong tục tập quán, một đường lối mà khi chúng ta đi theo để gọi là tôn giáo gì đó. Khi hiểu rõ rằng đó chẳng phải là những điều Đức Phật dạy, nó đã được pha trộn quá nhiều rồi nhưng ta không đủ mạnh mẽ đứng dậy, để lột xác như ve sầu để thoát ra kiếp sầu ưu của cuộc đời, mà chôn vùi mãi trong đó thôi.
Thái tử Tất Đạt Đa lại tiếp tục đi gặp vị thầy thứ hai cũng như vậy, Ngài không thấy thành công. Ngài cũng mạnh mẽ đứng dậy, tri ân bậc thầy đó và ra đi. Cho tới khi gặp năm anh em tu khổ hạnh Kiều Trần Như, Ngài cũng hợp tác với những người bạn đó như những người bạn đồng tu trong rừng với khổ hạnh. Và trong bao nhiêu năm trời tư duy, tiều tụy thân xác, Ngài vẫn thấy con đường đó như một con đường cố chấp, bám víu vào thân xác, tư duy của chính mình để ép, để moi, để cho nó lòi ra một sự giác ngộ nhưng chẳng được. Thực sự thân xác của Ngài đã gục ngã xuống bởi tiều tụy, hết sức sắp chết. Trong sự gục ngã trên con đường tầm cầu đạo giải thoát, Ngài với cái thân gầy, khổ ải, không còn sức đó, vẫn mạnh mẽ đứng dậy để bước ra khỏi khu rừng đó, chia tay với năm anh em Kiều Trần Như.
Một chén cháo sữa của một cô gái chăn dê trong khu rừng khi Ngài bước ra, thấy sự tiêu điều của Ngài yếu đuối sắp chết đó đã dâng cho Ngài một chén cháo sữa. Qua đó Ngài đã tỉnh ngay và hiểu được con đường Trung Đạo. Ta không nói sâu về ý nghĩa này, mượn hình ảnh từng chặng đường đi tìm đạo giác ngộ đó, Đức Phật là tấm gương bởi Ngài là thầy, Ngài đã trải qua sự trải nghiệm bằng sự mạnh mẽ đứng dậy và từ bỏ những điều sai.
Chúng ta cần phải học, ta là đệ tử của Phật, ta đã quy y Phật-Pháp-Tăng, thọ Giới. Ngay cả các bạn chưa thật sự làm một cái lễ quy y đi nữa, bởi vì đó chỉ là nghi lễ, nghi thức mà thôi. Bởi trong những câu quy y Phật-Pháp-Tăng chúng ta thường đọc tự quy y. Nếu không có một vị thầy xuất gia chứng minh cho điều đó cũng chẳng sao, đây là ý kiến, suy nghĩ riêng của Bảo Thành. Mà chúng ta cùng hướng về Tam Bảo, tự tâm quy y Phật-Pháp-Tăng và tự thọ năm giới, Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền, Long Thần, Hộ Pháp chứng minh. Mỗi người một cảnh, chỉ cần quy về với Đức Thế Tôn, nhận Ngài làm thầy từ trong tâm tưởng; hoặc bằng nghi thức và thực hành làm theo. Ở mỗi một cấp độ khác nhau cũng không có gì đáng nói tới, quan trọng là mỗi người chúng ta phải ý thức được chúng ta cần phải làm gì từ khi nhận Phật làm thầy, theo những nghi thức hoặc không theo nghi thức. Tu là để sửa, Phật là thầy, ta nhận Phật để dạy ta sửa, ta nhận Pháp là con đường Đức Phật đã dạy để chúng ta thực hành để sửa, chúng ta nhận Tăng là một tăng đoàn hòa hợp có sức mạnh của giới luật để chúng ta sửa chữa bản thân. Các bạn có mạnh mẽ đứng dậy sau những lần sai hay không? Thói đời không như thế bởi khi sai mấy ai nhận mình sai, chối quanh chối quẩn, đỗ thừa, đẩy lui đẩy tới chẳng ai nhận. Đạo Phật – ta không tu cho người mà ta tu cho ta, sự chối quanh chối quẩn, đẩy đưa, sự nóng giận của ta lại đổ thừa người ta nóng giận. Sự sai trái của ta lại đổ thừa người ta sai trái, sự sân hận của ta lại đỗ thừa người ta sân hận, sự ác độc của ta lại đổ thừa người ta ác độc với ta. Ngưu tầm ngưu mã tầm mã, nghiệp lực của ta chiêu cảm, ta là Phàm phu chưa phải là Thánh. Một kẻ đối xử ác với ta chính là trong ta có mầm mống ác, chiêu cảm họ ác với ta. Một người thị phi với ta là chính trong ta có mầm mống thị phi, nên chiêu cảm người khác thị phi với ta. Khi ta bắt hại ta, người ta làm bất cứ một điều gì gọi là tổn hại đến ta dưới mọi hình thức đều chính vì trong ta có điều đó nên chiêu cảm họ.
Các bạn, ta là Phàm phu, nên chiêu cảm những năng lượng bất tịnh, những hành động, lời nói, và sự đối xử của kẻ này người kia với ta theo những chiều hướng nghịch thuận bởi chính nghiệp ta đã tạo. Cho nên, người tu là người học hạnh kham nhẫn và tu hạnh hoan hỷ để khi chướng nghiệp, nghịch duyên tới ta hoan hỉ đón nhận, sửa chữa. Chứ không nhảy tung lên như con rối, bởi ta mà nên nỗi chẳng phải ai. Đó là ý nghĩa mà Phật dạy, xét lại chính mình đó gọi là sám hối. Sám hối là ta sám hối cho ta, không sám hối cho người. Ta sám hối để nhìn rõ tội lỗi, sai lầm, vấp ngã, lần mò trong u mê, quờ quạng trong tăm tối, cái mà chúng ta sát hại người khác bằng sân, bằng giận, bằng sự bực tức, khó chịu, đó chính là ở nơi ta. Nay đã đủ mưa đủ gió, nó thuận mùa ngang trái, có tràn đầy năng lượng bất tịnh từ thân-ngữ-ý của ta những sự bất tịnh trỗi dậy, ta phải xét lại chính mình.
Đức Phật dạy cho chúng ta phải mạnh mẽ đứng dậy để nhìn rõ đến mình. Ta phải đứng dậy thực sự một cách mạnh mẽ hơn trong đời sống tâm linh để nhìn thấu những niềm tin, những giáo lý, những cách suy luận về chân lý của Phật đã bị pha trộn vào những cảm xúc vui buồn của chính ta nên bị lệch lạc. Ta phải mạnh mẽ nhìn thẳng vào những suy diễn của ta về Phật được hòa trộn vào những sự mù mờ, vô minh, tham chấp, ích kỷ, tham dục, tham ái của chúng ta. Tu là sửa, sửa là sửa mình không sửa ai hết. Mỗi người chúng ta thực sự nếu học Phật, mà biết mạnh mẽ đứng dậy tự sửa mình thế giới tự nhiên hòa bình. Mỗi người trong chúng ta mà mạnh mẽ đứng dậy tự sửa bản thân của mình thì ta sẽ được bình an và hạnh phúc. Dù bước ra đường người ta có xô đẩy, người ta có lừa gạt, ác với ta, người ta có đánh đập, phỉ báng, người ta có chửi tôi như trong kinh Pháp Cú có nói rằng: “người ta đánh tôi, người ta chửi tôi, người ta giết tôi, người ta bắt hại tôi, người ta phỉ báng tôi nhưng tôi không mang lòng hiềm hận”. Bởi vì sao, bởi đó là nghiệp tôi tạo ra nên hôm nay nó trổ quả tới với tôi, tôi học được lời của Thế Tôn, tôi đón cái nghiệp của tôi và tôi chuyển hóa bằng bằng tâm từ bi.
Các bạn, cho nên trong Thiền Mật song tu, chúng ta chú trọng vào từ bi quán chánh niệm hơi thở. Có biết bao nhiêu cách thiền: thiền quán, thiền định, thiền chỉ, biết bao nhiêu cách thiền cao siêu đủ hết, cách tu khác biệt. Nhưng không thể vượt qua được sự an trú trong chánh niệm hơi thở và tăng trưởng bằng sự kích hoạt nơi năng lượng từ bi, tình thương của Chư Phật ban rải xuống cho chúng ta. Đó là mưa thuận gió hòa, phong điều vũ thuận, bởi mưa Phật điển mưa năng lượng tình thương của Chư Phật đã tới với cuộc đời của chúng ta. Để rồi những chủng tử thiện bị vùi sâu xuống ở dưới những tầng lớp bất thiện nhiều đời ta tạo, có cơ hội thấm nhuần vào năng lượng tình thương đó mà ngoi lên trổ mầm sự sống cho cuộc đời.
Thiền Mật song tu, từ bi quán trong hơi thở chánh niệm với Phật ngôn Mu A Mu Sa, ai có nhân duyên sẽ khơi mầm để cho mầm thiện, để cho mầm mống chủng tử Bồ Đề của chúng ta ngoi dậy từ ngục tối tăm, từ bao nhiêu lớp đất khô và lớp đá đã tạo, phủ lên. Dù có dày đặc vô lượng kiếp đi nữa thì mưa tình thương của Chư Phật cũng đủ thấm xuống để tạo cho mầm Bồ Đề, mầm tình thương, từ bi của chúng ta dù rất nhỏ, rất yếu cũng nương theo năng lượng tình thương đó ngoi lên trùng trùng điệp điệp giữa bất thiện nghiệp nhiều kiếp ta đã tạo. Hãy mạnh mẽ đứng dậy trên con đường thực hành đời sống tâm linh theo chân lý Đức Phật dạy bằng Chánh Kiến và Chánh Tư Duy. Ta đừng như những phần mềm để cho nhà sáng tạo phần mềm đó cài đặt những chương trình rập khuôn để bấm nút hành theo, đó không phải là con đường chân lý Đức Phật dạy. Nhưng ta cũng đừng bao giờ tự cài đặt sự cuồng ngạo, cuồng ngạo trong ngôn ngữ, trong lời nói, cuồng ngạo trong tư tưởng và hành động ngông cuồng quá đáng trong vòm trời vô minh đen tối, trong biển trập trùng sóng gió của lòng sân hận. Và trên con đường đầy gai góc của sự tham, nếu ta lăn xả vào những con đường như vậy chẳng khác gì ta là những con người sống trong cuộc đời, người ta không lập trình mà ta tự lập trình bởi chính cái tôi của mình. Trong lòng của chúng ta, trong cuộc đời của chúng ta không có những phần mềm tạo ra bởi bên ngoài nhồi nhét hay bởi tâm tự cao đó. Đức Phật khi Ngài giác ngộ, Ngài đã nhìn thấy trong chúng sanh có một con chip thật nhỏ được cài đặt từ đời này qua đời kia, trong đó có dữ liệu thông tin của năng lượng tình thương, của từ bi. Chính vì đó, biết bao nhiêu sự kích hoạt của những phần mềm trong thế gian cài đặt, hay tự mình nhồi nhét vô, ta tạo ra đau khổ. Phật tới khai thị để nhắc nhở chúng ta rằng đừng để người khác; hoặc tự cao, tự mãn lập trình cuộc đời. Mà hãy chạm vào trong con chip của năng lượng từ bi yêu thương, kích hoạt trở lại để dung thông với trời đất, để an lạc và tự tại. Để nhìn lại chính bản thân của mình, để thấy sự cuồng ngạo si mê, để thấy sự sân giận, tham si, tham ái, tham dục, để thấy được sự điên rồ của chính mình, để sửa – tu là sửa. Chúng ta tu sửa những bất thiện nghiệp, những sai trái, những hiểu lầm, những cái không rõ, để ngay trong hiện tại này đây, ta không tu bởi sợ ông Diêm Vương trừng phạt, ta không tu bởi sự hù dọa của ông trời ban thưởng hoặc trừng phạt, ta không tu vì một đối tượng nào đó ở địa ngục Diêm La; hoặc một vị nào đó sẽ trừng phạt ta. Bởi ta tu là ta sửa những lầm lỗi của ta bởi ta biết nó sai, bởi ta thấy nó không đúng, bởi ta hiểu thấu Phật đã dạy trong luật nhân quả chẳng ai trừng phạt và khen thưởng. Cho nên Diêm Vương có lộ diện ta cũng chẳng sợ, ông trời có trừng phạt ta cũng không sợ. Sợ là sợ chính bản thân ta không thấy tạo ra nghiệp nhân quả, đưa ta vào cảnh giới tăm tối, đau khổ mà thôi. Cho nên ai sợ Diêm Vương đọa vào địa ngục, ai sợ chết sẽ bị tái sanh vào cảnh ác để rồi tu thì người đó nhìn về tương lai mịt mù chưa tới.
Đức Phật, khi Ngài đi tìm con đường giải thoát, Ngài không nhìn đối tượng là địa ngục, Diêm Vương; hoặc ông trời trừng phạt để Ngài đi tìm chân lý. Mà Ngài nhìn vào đối tượng là chúng sanh đang đau khổ để Ngài đi tìm một con đường giải quyết chuyển hóa đau khổ nơi chúng sanh. Chứ Ngài không giải quyết đau khổ mà ma quỷ, Diêm Vương đày đọa sau khi ta chết, Ngài chuyển hóa đau khổ khi ta đang sống. Do đó mạnh mẽ đứng dậy thực hành theo chân lý của Đức Phật, và rời xa những lý luận, lý lẽ, chân lý không phù hợp để chúng ta chuyển được đau khổ, phiền não, chuyển được tham sân si, tham dục ái dục, bất thiện trở thành thiện lành đừng hung ác, hung dữ nữa. Chuyển những hành vi của chúng ta từ thân này thành bác ái yêu thương. Đừng trao sát khí đùng đùng hại người, đừng để nó quá thấp hèn là bởi vì ta đang đau khổ, ta tu ta nhìn vào điều đó, ta sửa để ngay bây giờ ta được hạnh phúc và bình an. Ta theo Phật chẳng phải sợ Diêm Vương khi chết, sợ ma quỷ, sợ địa ngục, sợ ông trời, sợ ai phạt, mà ta theo Phật, ta tu để ta sửa những lầm lỗi. Bởi ta đã nhìn nhận ra bởi Phật chỉ cho ta thấy cái nào có lợi cái nào có hại, cái nào gây ra đau khổ, cái nào tạo ra hạnh phúc và bình an theo đúng như luật nhân quả ai làm người đó chịu. Nhưng ở đời ta thường hù dọa Diêm Vương này Diêm Vương kia trừng phạt chết sống lại, đó chỉ là những cách lo quá xa mà quên ngay hiện tại.
Người ta có thể chuyển di thần thức thoát khỏi cửa tử ,nhưng chẳng thể chuyển di được những tật cố xấu xa, những tâm tham sân si, hỷ nộ ái ố thì thần thức sao thấy mà chuyển di? Chuyển dời những tánh xấu, những tâm tham sân si, những điều ta đang tạo khổ cho chính mình và cho người, ta chưa chuyển dời nó đi được thì ta chuyển di cái gì? Phật không tới để chuyển di thần thức của ta, để thay đổi thần thức của ta, để thay đổi nghiệp chướng của ta bởi Phật nói Phật không xen vào nghiệp của chúng sanh và Phật không thể thay đổi được nghiệp của chúng sanh, chỉ có ta. Và để thay đổi được nghiệp của ta, ta phải chuyển dời những điều sai trái, chuyển di những lỗi lầm của mình đi, để trở về đón nhận năng lượng vi diệu tình thương, từ bi vốn có trong ta mà ta đã bỏ quên. Hãy mạnh mẽ đứng dậy nhìn nhận tội lỗi, sai trái, ghen tuông, hỉ nộ ái ố, tham ái, tham dục, sân giận của chúng ta, đừng nhìn người nhìn ta mà thôi. Ta hãy sửa, ta hãy nhìn thấu tâm can của mình để thấy được sự cuồng nộ của ta, để thấy được sự ngu si của ta, để thấy được sự tham sân của ta, để thấy được tâm của chúng ta cố chấp đã phạm toàn bộ vào điều ác, quên đi điều thiện.
Bảo Thành đã chôn vùi cuộc đời vô lượng kiếp qua bởi những cái tâm như vậy, hành động như thế, các bạn cũng cùng nhóm với Bảo Thành mà thôi. Nay ta nhận biết ra được chẳng có gì xấu hổ cho những điều ta đã làm sai, nhưng thực sự sẽ xấu hổ nếu thấy sai mà không sửa. Càng xấu hổ hơn khi Phật đã tới trong cuộc đời, Ngài đã tới để thắp sáng ánh quang minh cho ta nhận ra được chân lý và thấu được những lầm lỗi của ta, mà ta không cãi hối thì đó là một điều đáng xấu hổ. Không những thế, chẳng chờ đến Diêm Vương mà tòa án của lương tâm, tòa án của nhân quả, không có vị thẩm phán nào ngồi đó để phán xét nhưng nhân quả thiện ác sẽ xoay vần để đưa đẩy bạn vào những dòng nghiệp thức bạn đã tạo ra ở trong đời.
Hãy mạnh mẽ đứng dậy thay đổi khi ta đã nhận ra điều sai. Đừng chối quanh, đừng đẩy đưa, đừng nóng vội, đừng nói rằng người này người kia tạo ra như thế, mà phải nhìn lại và nhận ra rằng chính ta, lỗi tại ta. Ta đã tạo ra lỗi đó nhiều đời nhiều kiếp nay nó trổ quả. Một khi người ta nói ác với mình chính là vì mình đã đối xử ác với người ta nhiều đời nhiều kiếp nay nó trở về. Và khi người ta ác với ta từ ngôn ngữ, từ hành động thì ta phải nhận ra rằng một trong những kiếp nào của chính ta đã từng đối xử với người đó như vậy. Nhưng kiếp này, hôm nay ta không có khéo tưới tẩm vào cuộc đời của ta và muôn người sống chung quanh ta và muôn người ta tiếp xúc bằng năng lượng tình thương mà ta chỉ đổ vào năng lượng bất thiện của tham sân si, của sự chấp trượt, của sự sống cao ngã mạn. Cho nên nhân của tiền kiếp có cơ hội trỗi dậy, nó đâm vào cổ, nó tròng vào trong tim, nó móc vào trong não bộ, nó làm cho chúng ta phiền. Nhưng người tu Phật, dù là Phật tử tại gia hay các đấng bậc xuất gia cũng phải nhìn thấy rằng đây chính là nghiệp của ta.
Chính vì điều đó, trong Thiền Mật song tu quán chiếu năng lượng tình thương, quán chiếu từ bi quán bằng chánh niệm hơi thở để chúng ta luôn luôn tiếp cận với tình yêu thương, lòng từ bi của ta được gắn kết với năng lượng từ bi của Phật. Để khi những cái nhân tiền kiếp xấu xa trở về do ta không khéo, thì liền kích hoạt năng lượng tình thương đó. Để chuyển hóa, để ta bớt giận, chưa chắc hết giận đâu các bạn. Để ta bớt buồn, chưa chắc hết buồn, để làm gì? Ta dần dần làm nó nguội đi, như người mẹ ôm con vào lòng nói: “Thôi con à thôi con à” và ru ta vào giấc ngủ để ta quên đi sự ấm ức của tuổi trẻ đi chơi bạn bè hà hiếp. Ta vẫn là những đứa trẻ con trong cuộc đời, chơi trong cảnh đời này bị những đứa bạn khác mà ta đã chơi khăm chơi xấu, nay nó trở lại nó chơi ta nó hại ta, thì ta hãy trở về với mẹ hiền Quan Thế Âm, với vòng tay của cha nhân ái Đức Bổn Sư. Để cho Đức Phật và các Ngài Bồ Tát ru ta vào giấc ngủ của tình thương, năng lượng của từ bi chánh niệm hơi thở. Để xoa dịu đi sự ấm ức khó chịu, khi người bạn ta đã từng chơi khăm họ nay lại diện kiến trong cuộc đời này.
Mời các bạn đặt bàn tay trí tuệ vào lòng bàn tay từ bi, ta vận hành 07 biến vi diệu âm Mu A Mu Sa.
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng từ bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì Phật lực để chúng con mạnh mẽ đứng dậy sau những vấp ngã, hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa (07 biến)
Mô Phật! Các bạn không hẳn chỉ con đường tâm linh ta phải mạnh mẽ đứng dậy, nhưng trên con đường tu tập Phật pháp nếu ta mạnh mẽ đứng dậy thay đổi cuộc đời, chuyển hóa, sám hối và đứng dậy. Tất cả những hệ lụy trong cuộc sống bởi sự tương tác giữa người bên ngoài và trong gia đình đều có thể thay đổi được. Chính là dựa trên nền tảng ý thức được chân lý nhân quả do ta tạo. Cha mẹ chửi, vợ chửi chồng chửi, con chửi, người ngoài chửi, chuyện này chuyện kia xảy ra cho chúng ta đều do nghiệp của chúng ta. Kinh Pháp Cú Đức Phật cũng dạy: “lấy oán trả oán hà thấy oán, lấy ân trả oán oán liền ta”. Ân ở đây là ân nghĩa, ân ở đây là từ bi, là tình thương. Chứ không phải vừa nghe nói một câu không vừa ý liền quay lại trợn mắt, phùng mang, mặt đỏ gay, cầm búa, cầm súng, cầm dao đập vào đầu họ ngay. Nhưng ngày nay nếu làm như vậy thì nhà nước, luật pháp sẽ bắt chúng ta bởi chúng ta xâm hại đến người khác bằng bạo lực. Chúng ta trốn tránh bị nhốt vô trong tù của luật thế gian, chui vào nhà, vào ở trong phòng, ta không dùng tay, cơ bắp, búa, súng ống để đánh người ta sợ nhốt dô tù, nhưng ta dùng cái lưỡi lắt léo vẽ trên màn hình của những trang mạnh hại người. Trốn được luật của thế gian không bị nhốt nhưng không trốn được luật nhân quả. Thay vì có một con đường khác đó là dùng ân, dùng lòng thương dùng lòng từ bi để đáp lại, ta lại gây oán hận thêm bao giờ hết đây? Để rồi từ tư tưởng, suy nghĩ, những ngôn ngữ thô ác, những lời văn, chữ viết thật là độc hại sao hết được? Phật đã dạy trong Kinh Pháp Cú, oán với oán làm sao hết, chỉ có ân để trả oán nó mới tan. Người tu mà, theo Phật mà, ta hiểu, hiểu sao không đồng hành, không làm được, không thực hành được? Chính là bởi vì ta tự cao mà thôi. Còn nếu Bảo Thảnh và các bạn, một lần hạ mình xuống cho thật thấp, thấp đến mức không ai thấp bằng nữa thì ta sẽ có cơ hội đáp xuống để bay lên trong chánh pháp của nhà Phật. Bởi cánh của ta được nâng lên bằng năng lượng tình thương sẽ chuyển hóa được năng lượng của sự chấp trượt, cống cao, ngã mạn.
Các bạn, hãy nhìn vào đời sống của nhau, hãy nhìn vào đời sống của những con người ta tương tác. Nếu những điều trái nghịch, bất thiện nơi những con người đó đối xử với ta, ta phải dùng con mắt từ bi quán để nhận ra đó là nghiệp của ta, hoan hỉ đón nhận. Và dùng năng lượng tình thương của Phật và tự lực yêu thương từ bi của ta để nhận diện, chuyển hóa, tác động theo đúng Chánh Pháp của Phật, để ta được an, được bình, được hạnh phúc. Và rồi năng lượng bình an đó lan tỏa thay đổi lòng thế nhân đang đối xử thật ác với ta, đó là thực hành theo lời Phật, đó là chứng tỏ sự mạnh mẽ đứng dậy của chúng ta – đứng dậy bằng lòng từ bi chứ không phải đứng dậy để quật đổ. Các bạn, đứng dậy bằng lòng từ bi chứ không phải đứng dậy để chống lại. Đứng dậy bằng lòng từ bi để thay đổi lầm lỗi của ta chứ không đứng dậy để chống lại những gì nghịch ý, không hài lòng ta.
Hãy đặt bàn tay trí tuệ và từ bi vào với nhau, để chúng ta đi vào 07 biến vi diệu âm Mu A Mu Sa.
Thưa Phật, vô lượng kiếp qua chúng con đã bị té xuống và gục ngã trên những chân lý của phàm phu đen tối. Nay có nhân duyên, Phật đã tới, chúng con mạnh mẽ đứng dậy thay đổi để làm sạch tâm linh của mình. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới phình bụng, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.
Nghiệp của chính chúng con đã tạo ra sự trái nghịch không có thuận duyên để gặp những người có những ngôn ngữ và hành động thật ác với chúng con. Chúng con nguyện hoan hỷ mang tình thương để đối xử, hầu cho sự chống kình do con tạo ra được tiêu tan. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới phình bụng, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.
Vì con lầm lỗi mà người ta chà đạp lên nhân phẩm, hung ác với con, nhưng chúng con nhất định sẽ không chà đạp và hung ác với bản thân của mình. Bởi Phật đã tới khai thị con đường chuyển hóa và giải thoát. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới phình bụng, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.
Các sư tổ và các bậc thầy, các bậc ân sư, các vị Bổn Tôn đã tới trong cuộc đời thay mặt Phật mang giáo lý để chúng con nhận ra lỗi lầm của chính mình để sửa. Nguyện một lòng nhìn sâu, nhìn rõ, sửa và buông để tăng trưởng từ bi, hạnh phúc ngay trong cuộc đời này. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới phình bụng, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.
Phật đã tới trong cuộc đời, chân lý đã thấm nhuần, nguyện một lòng trở về lau sạch miền đất tâm. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới phình bụng, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.
Nguyện cho mọi người biết nuôi dưỡng mầm mống, sự sống của từ bi trong cuộc đời, để ngay bây giờ, tại nơi đây, ngay kiếp này có được hạnh phúc bình an. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới phình bụng, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.
Chúng con đã hiểu và đã biết, chẳng tu vì sợ Diêm Vương trừng phạt nhưng tu bởi nhận ra Đức Phật dạy nhân quả thật rõ, nên chúng con sửa những lầm lỗi đã tạo ra ngay bây giờ để hạnh phúc, ngay bây giờ để bình an, tu là thấy sai để sửa đúng theo lời dạy của Phật. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới phình bụng, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.
Mô Phật! Các bạn, ta tu xong rồi chắp tay vào hồi hướng công đức.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Mu A Mu Sa!
Phật ơi, Ngài đã tới với cuộc đời chúng con, dạy dỗ chúng con để chúng con không tu vì sợ ông trời trừng phạt, vì sợ Diêm Vương thiêu đốt dưới địa ngục. Chúng con tu là bởi sự khai thị của Ngài để sửa những lầm lỗi, để ngay bây giờ trong kiếp hiện tại này được hạnh phúc và bình an. Chúng con nguyện hồi hướng công đức tới các bậc nguyên thủ, các quốc gia biết thành lập chính sách hòa bình, ngăn chặn chiến tranh. Hồi hướng cho các khoa học gia ngành y, ngành dược chế tạo được vắc-xin (vaccine) và thuốc trị bệnh. Hồi hướng cho các bác sĩ, y tá, y sĩ, nhân viên cứu trợ cứu tế tuyến đầu luôn chữa lành bệnh nhân. Hồi hướng cho những ai còn đau khổ, phiền não, sân hận tìm được pháp Phật nhiệm mầu mà an vui. Hồi hướng cho các hương linh thiện nghiệp mà tái sanh.
Con xin Chư Phật mười phương từ bi chứng minh.