Search

Bài 1309: Tăng Trưởng Công Đức – Thất Bảo#1 – Mu A Mu Sa

Bảo Minh biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Sư Cô, cùng các bạn đồng tu ở trên Phật kênh youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh facebook Chùa Xá Lợi.

Giờ đồng tu đã đến, xin mời các bạn cùng hướng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Mu A Mu Sa!

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống muôn loài chúng sanh.

Mô Phật! Các bạn thân mến, mỗi một ngày chúng ta còn đang sống hiện tại trong giây phút này. Theo lời Đức Phật dạy, ta sẽ khởi nguồn tâm trong sáng để có thể vận dụng thân và phương tiện của thân làm những chuyện tốt, tránh những điều xấu. Làm những chuyện thiện tránh những điều ác, cốt là để cho chúng ta giữ được tâm trong sáng. Đơn giản trong một kiếp người nếu làm được thì điều này đã rất đặc biệt rồi. Và trong hơi thở chánh niệm từ bi quán Thiền Mật song tu, đây là pháp phương tiện chỉ phù hợp với những người có duyên với phương tiện này. Chúng ta khi thực tập là để tăng trưởng tánh thiện và từ bỏ tánh ác. Nếu các bạn có nhân duyên mời các bạn đồng hành.

Và giờ đây mời các bạn đặt bàn tay phải tượng trưng cho trí tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho từ bi, vận hành 07 biến vi diệu âm Mu A Mu Sa. Định tâm trong tâm từ bi, rời khỏi tâm ác với hơi thở vào ra, an trú trong chánh niệm, nương vào năng lượng tình thương của Phật để chúng ta an lạc trong từng giây phút của cuộc sống.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống muôn loài chúng sanh. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa (07 biến)

Mô Phật! Các bạn thân mến, sống ở trên đời mọi chúng sanh đều khác biệt, chúng ta không thể đổ đồng để mọi người hoàn toàn phải giống y như nhau. Trong thời đại mà con người có thật nhiều cơ hội để chúng ta tiếp cận với nhiều nền văn học, tôn giáo, ngôn ngữ và tất cả các bộ môn trên toàn thế giới mà con người đã nghiên cứu, thành tựu. Chúng ta lại có cơ hội nhìn thấu bởi những thông tin, phương tiện, sự tiếp cận rất gần gũi chỉ cần ở trên lòng bàn tay có cái điện thoại. Mỗi một người có một phước duyên để học một thể loại ngôn ngữ khác nhau nếu họ thích, mỗi người có một phước duyên để học một môn học trong đời, trong xã hội về khoa học, xã hội, y học, tôn giáo. Nói chung, về tất cả các bộ môn mà ta có thể nghe và thấy được trong thời đại này. Và trong mỗi một môn học đều do sở thích của chúng ta. Ta không nên đánh đồng sở thích của ta với mọi người, sở thích của ta là một khuôn mẫu chính xác để cho ai đó phải theo. Thói đời khi ta đã chọn một điều gì ta ưa thích, hầu hết những chuyện nằm ngoài sở thích của ta đều cho rằng dư thừa, sai. Điều đó có ở trong Bảo Thành và trong các bạn, bởi ai trong chúng ta cũng có cái tôi của mình, sở kiến của mình, ý thức của mình, nhận thức của mình, mình là trên hết. Và để thay đổi cách sống như thế, chúng ta cần phải trải qua nhiều kinh nghiệm của tự thân đúc kết, nhìn cho rõ để xâu chuỗi lại nhìn thấu. Từ đó nhận định ra cái gì nên buông cái gì nên bỏ, tự thân của mỗi chúng ta phải cố gắng công phu, tu tập. Còn nếu không, chúng ta dễ bị những cơn sóng hời hợt trên mặt nước đưa đẩy mất phương hướng, rồi té nhào vào cái ngã của riêng mình thành lập một hố sâu chôn sống cuộc đời trong những suy nghĩ như thế.

Các bạn, Thiền Mật song tu chỉ là một pháp phương tiện, Bảo Thành thường nhắc chỉ là một phương tiện. Đó gọi là phương tiện để an trú tâm, đã gọi là phương tiện để chúng ta hướng tới tâm từ bi, kích hoạt, phát triển để hành được, để quán chiếu, để thẩm nhập, mang ứng dụng vào đời sống. Đã gọi là một phương tiện để tiếp cận với những lời của Đấng Giác Ngộ và rời xa những lý luận, biện luận, những cách nói của phàm phu tràn đầy lòng sân hận. Chúng ta dựa trên nền tảng của từ bi, quán chiếu để đi vào Bát Chánh Đạo, Chánh Kiến, Chánh Tư Duy. Những điều này mỗi người phải công phu tu tập để có, chẳng thể nhồi sọ, rập khuôn; hoặc là đưa vào một phương thức hành động theo một sự lập trình vốn có của phần mềm do ai đó tạo ra biến ta thành máy móc. Đạo Phật rất cần sự tự giác, cho nên hầu hết các bậc Tôn Túc, các bậc tu học không phân biệt tôn giáo, chẳng phân biệt dân tộc, ngôn ngữ và con người. Bởi gọi là sự bình đẳng, các Ngài; hoặc các bậc đó; hoặc các vị đó; hoặc các con người đó vẫn luôn luôn nhắc nhở chúng ta phải tự giác.

Trong một câu dân gian, người Việt Nam xưa hoặc ngày mai cũng thế, đi trị bệnh, có nhiều người đi trị bệnh bằng Tây y, thuốc đủ thứ: thuốc ngoại, thuốc tốt, bác sĩ thật cao tay, ngành y thật giỏi nhưng không hết bệnh. Về nhà đôi khi gặp một bà cụ hay gặp một ông thầy lang khua khua đằng sau, lấy vài cọng cỏ trộn lẫn với nhau gọi là thuốc Nam, uống vào là hết. Lại có những người uống thuốc Nam, uống từ bao tải này đến bao tải kia bao nhiêu tháng chẳng hết, nhưng khi gặp Tây y uống viên thuốc hết liền. Những điều đó nằm ở trong câu mà chúng ta thường hay nói, gọi là phước chủ may thầy. Đặt trên nền tảng phước đức của chính chúng ta làm chính, để rồi mang lại sự thiện lành có nhân duyên gặp thể loại thuốc phù hợp để trị bệnh, đó là bệnh về thân.

Phương tiện tu học Thiền Mật song tu cũng là một phương pháp trị bệnh về tâm và cũng phải đặt trên nền tảng phước chủ may thầy. Có nghĩa phải đặt lên nền tảng tạo phước của các bạn để tạo thành duyên lành tiếp xúc với pháp môn này tu. Hội đủ điều kiện đó, căn bệnh về tâm của bạn sẽ dần được nhận định rõ và chuyển hóa một cách từ từ.

Các bạn, đề mục gửi về “Tăng Trưởng Công Đức”, có hai thứ đức mà chúng ta thường nhắc. Đôi khi chúng ta – Phật tử tại gia không để ý cũng không sao, bởi điều gì cũng rất là tự nhiên, hồn nhiên đi tới sự học, nhận định theo định nghĩa thôi. Chứ nó tuần tự cũng phải đi từ chỗ phước đức dần dần thẩm nhập vào công đức, và trong mọi hành động đều có phước đức và công đức song hành. Chúng ta nhận rõ được điều đó và phân biệt như vậy là để chiều cho chúng ta dễ dàng kiểm soát tâm của mình khi mình hành động, để tăng trưởng công đức hơn là chỉ thu hoạch phước báu nhân thiên hưởng được những điều tốt trong đời này. Chúng ta có thể gọi phước đức như gặt lúa còn sớm chưa tới vụ mùa, cho nên khi cất vào kho dễ bị hư, còn công đức là lúa đã đúng thời đúng vụ chúng ta gặt vào thì lúa đó sẽ tích trữ một cách bền vững. Và nói cho dễ hiểu hơn, phước đức là những hành vi, hành động mà chúng ta qua tâm thiện của mình, lòng thương xót của chúng ta và thấy công việc đó có ý nghĩa cao cả nên chúng ta đi làm việc. Thấy một người nghèo đói thấy thương quá, ta cho họ miếng ăn. Thấy một người nghèo khổ ta thương quá, tặng họ chút tịnh tài. Thấy một con đường xập xệ, thấy tội nghiệp cho người sống chung quá, ta đóng góp để xây dựng con đường; hoặc xây dựng cầu, trường học; hoặc trợ lực cho những người bệnh không có tiền, đó là lòng thương. Mà câu tục ngữ của ông bà thường để lại: “lá lành đùm lá rách”, thương xót đó là phước đức. Ta làm phước, gọi là đi làm phước tự nguyện một mình; hoặc làm phước rủ thêm bạn bè, kêu gọi để cùng đủ sức làm việc phước đó. Việc làm phước như vậy tăng trưởng được phước đức, bởi khi Bảo Thành và các bạn làm việc phước đó, chưa hẳn các bạn và Bảo Thành đã ngừng tạo ra điều ác. Cho nên sự làm phước chỉ dựa trên lòng thương xót, đùm bọc lẫn nhau thì ta chưa chuyển hóa được sự nhận thức thật rõ trong tâm về điều ác phải ngưng, phải chuyển hóa, phải chấm dứt. Cho nên song hành với việc cứu người thì ta cũng có thể làm việc hại người. Song hành với việc trao tặng phẩm vật như đồ ăn, nước uống, quần áo, thuốc men cho một người, ta cũng có thể làm chuyện như lấy đi quần áo, tước đi đồ ăn, thức uống, thuốc thang của người khác. Hoặc cứu một người bệnh hoạn, ta vẫn có thể tương đồng ở chỗ khác là làm cho người ta bệnh. Vậy ở trên đời vẫn có nhiều người làm thuốc giả nhưng vẫn đi làm phước, họ vẫn có phước đức nhưng phước đức đó được định mức trên nền tảng vẫn tạo ra nghiệp, bởi song hành vẫn tạo ra nghiệp. Nếu phước họ nhỏ, nghiệp ác họ nhiều thì dù họ có làm phước tới đâu thì họ cũng chẳng hưởng được bởi nghiệp ác vẫn lấn chiếm.

Cho nên, vua Lương Vũ Đế làm thật nhiều việc tốt mà tâm của ông chỉ làm với lòng thương xót dân chúng, chứ chưa hẳn đi từ chỗ công phu tu tập để gội rửa tận gốc những hành động ác độc, để phát triển tâm từ bi và làm mọi việc bằng tâm từ bi. Ông ta mới làm bằng lòng thương xót, cảm mến với tình người bác ái mà thôi, chưa đi từ tâm đại từ đại bi để hành động bằng điều đó, để gột rửa những chướng nghiệp, những điều ác nhiều đời. Nếu chúng ta cứ phân tích như vậy, thật là nhiều sách vở và ngôn ngữ cần phải viết ra, không nhất thiết. Hôm nay, cách tăng trưởng công đức theo cách nghĩ đơn giản để cho những người bận rộn trong cuộc đời có thể làm được, chỉ cần chú tâm vào những việc làm đó được dựa trên nền tảng đức hạnh nhìn rõ rằng, ta làm việc này ta phải ngưng việc kia.

Ví dụ, như ta đi làm phóng sanh đó là một việc phước đức, tạo được phước cho ta. Phước đức về thọ mạng dài lâu, để rồi phước đức đó ta có thể hồi hướng cho cha mẹ có thọ mạng nhưng song song ta không chịu quán chiếu rằng ta phóng sanh thì ta phải giữ được giới thứ nhất là không sát sanh. Ta phải chấm dứt sát sanh ngay từ bây giờ. Nếu các bạn không chấm dứt sát sanh, phóng sanh một lần về lại sát sanh, lại ăn lại uống, thì các bạn mới tạo thành phước đức. Nhưng phước đức đó so với việc sát sanh của bạn, cái nào lớn hơn thì cái phần trội đó dư ra, nếu phước đức thật là ít bằng cách phóng sanh một chút mà sát sanh nhiều thì không ăn nhằm gì. Kết quả cộng đi trừ lại thì hậu quả của sát sanh quá nhiều, bạn không hưởng được chút nào. Cho nên đó gọi là phước, còn công đức là gì? Trong sự phóng sanh, bạn bắt đầu dùng Chánh Kiến, tư duy ta vì tâm từ bi ta làm phóng sanh, thả những loài thú, loài vật này giải thoát để khỏi chết. Và ta nhận rõ với tâm từ bi phóng sanh này, ta sẽ chấm dứt hoàn toàn nghiệp sát. Chính tư tưởng đó đưa đến sự hành động phóng sanh, chính sự thấm nhuần lòng từ bi đó, bạn chấm dứt toàn diện cuộc đời của bạn không còn sát sanh nữa, bạn sẽ tạo công đức vô lượng.

Từ xưa tới giờ chúng ta phóng sanh nhưng vẫn sát sanh hằng ngày; hoặc cộng tác cho người khác sát sanh thì điều đó gọi là phước đức hủ lậu, tức là tạo ra phước mà nó vẫn còn rỉ ra phiền não và đau khổ. Và nếu ta tạo dựng được công đức rằng phóng sanh mà chấm dứt sát sanh, ta sẽ tạo ra được công đức, tức là đức mà không có phiền não. Ngay chỗ đó chúng ta suy ra rằng những người bình thường như các bạn và Bảo Thành, chúng ta vẫn có thật nhiều cơ hội để tạo và tăng trưởng công đức của mình trong những hành động rất bình thường. Chỉ cần những hành động đó, ta làm theo tinh thần của Thập Thiện, đồng hành với sự suy nghĩ sâu sắc để chấm dứt những nghiệp ác của tự thân. Thì ta tăng trưởng từ phước đức thành công đức. Từ những việc làm còn tạo ra phiền não thành những hành động tư duy và việc làm không còn rỉ ra phiền não đối với chúng ta.

Ví dụ thêm một cụ thể nữa, các bạn vẫn tụng kinh, các bạn vẫn trì chú, các bạn vẫn thường tu luyện các Pháp môn phương tiện phù hợp với căn cơ của các bạn. Dù là bậc xuất gia hay tại gia, những điều như vậy đều là tốt, vẫn chỉ gọi là phước đức mà thôi. Nếu trong tâm không quán chiếu để chấm dứt những việc ác, điều ác, chấm dứt tất cả mà chỉ làm việc đó với tâm thiện lúc đó mà sau đó thì không có làm được. Nhiều bậc thầy thường giảng, nhiều quý vị thường giảng và chúng ta cũng biết, đôi khi ngồi niệm Phật với tâm ý hướng đến Phật nhưng người trong nhà làm chuyện ồn ào quá, tâm mình sân lên. Mình nổi quạu thì mình chưa chuyển hóa được tâm sân, việc tụng kinh như vậy chỉ có phước đức và khi sân như vậy phước đức đó nó bị giao thoa và bị chuyển hóa, không có tạo ra chút xíu nào. Cho nên khi chúng ta tụng kinh là để chú tâm trên hơi thở vào ra với ngôn từ của kinh sách, đồng thời kiểm tra trạng thái cảm xúc vui buồn, hạnh phúc, sân hận của chúng ta. Khi đang tụng kinh, ví dụ Nam Mô A Di Đà Phật! Nam Mô A Di Đà Phật! mà nghe tiếng ồn ào thấy giận trong lòng nổi lên, bực mình quá, giờ này giờ tụng kinh mà sao ồn ào thế. Bắt đầu mình mới quán chiếu – à, không! Đừng giận, đừng sân, ta đang tụng kinh, thôi phải làm nguôi đi, giảm cái sân này đi, tập trung vào tụng kinh và hồi hướng cho người đó bằng tâm từ bi, thì chính lúc đó cũng hành động tụng kinh đó, ta biến thành công đức vô lượng. Còn nếu mà tụng kinh niệm Phật mà khi người ta làm ồn ào ở ngoài kia mình giận, mình sân, mình quay lại la mắng người ta thì đó chỉ tạo thành một phần phước đức. Đôi khi sự la mắng, sân giận lâu dài như vậy thì không có phước đức, không có chút phước đức nào. Cho nên chúng ta vẫn thường nói, tại sao chúng ta tu nhiều mà không có phước. Chính là bởi vì ta không để ý tâm thái, trạng thái tâm của ta khi đang làm những việc thiện, tụng kinh, tu tập. Gọi là chánh niệm hơi thở nhưng các bạn chưa chánh niệm được, bởi đang hít thở như vậy mà thấy một dòng cảm xúc của ai đó gắn lên, làm cho bực bội thì bạn không còn chánh niệm nữa. Như vậy ta không tạo được công đức.

Từ việc thiện cũng vậy, từ việc xây dựng cầu, bố thí, cúng dường, trợ lực, hợp sức với những việc thiện mà ta không đồng thời quán chiếu để chấm dứt những việc ác trong tâm khởi lên để tạo thành hành động và lời nói, thì ta chỉ tạo thành một phần phước báu mà thôi, đó chỉ là phước đức không có công đức. Do vậy, nhìn rõ chúng ta sẽ thấy rằng thật nhiều người tu mà chưa đủ công đức chuyển hóa những bất thiện nghiệp, những chướng nghiệp nhiều đời. Đây là nói đến những chướng nghiệp nhỏ, còn dĩ nhiên những chướng nghiệp lớn ta phải tập trung nhiều hơn để chuyển hóa chúng. Bây giờ trở đi các bạn và Bảo Thành phải chú ý hơn, ta làm bất cứ một việc thiện gì phải chú ý, nhìn vào tâm quán chiếu thật rõ. Để làm sao chúng ta phải chuyển hóa từ trong tâm của mình những cái tâm bất thiện, tâm ác, không lặp lại nữa thì những việc ta làm mới có ý nghĩa tạo thành công đức. Chúng ta nhớ, bất cứ một người nào, chúng ta – miễn là người đều có tâm ác lẫn tâm thiện. Nếu bạn chỉ ứng dụng tâm thiện mà vẫn để cho tâm ác lan tràn, sân, giận, tham, si thì vẫn còn ở trong trạng thái của phước đức, phước đức có phiền não. Bởi vậy biết bao nhiêu lần chúng ta đi làm phước mà lòng không được vui, phiền là bởi chưa chuyển hóa được tận gốc rễ, nguồn căn ý thức từ tâm từ phải nhận ra, phải chấm dứt những hành động xấu kia đi. Cho nên khi làm việc thiện, làm việc phước mà gặp điều trái ý là sân giận. Có thật nhiều chuyến từ thiện hoặc làm đường, làm cầu, cúng dường, lưng chừng một số người bực tức bỏ về, sân giận bởi không hài lòng. Chính là bởi vì khi đi làm phước chúng ta chưa chuyển hoá được tâm sân của mình. Điều đó, phước đức thật nhỏ đôi khi không có.

Chúng ta nhớ được điều này để tăng trưởng công đức, khi làm bất cứ một việc gì theo tâm thiện đều phải quán chiếu tận sâu bằng hơi thở chánh niệm, giữ tâm tịch tĩnh, để tăng trưởng công đức, hòa mình vào với nhân từ bi của Chư Phật. Để tâm sân, tâm giận, tâm hung dữ, tâm ác của chúng ta không có cơ hội biến thành ngôn ngữ, biến thành những dòng chữ, biến thành những tạo tác hành vi, biến thành những suy nghĩ bất thiện tuôn trào ra. Nếu chúng ta ý thức được điều như vậy, mỗi người chúng ta thật sự đã làm được thật nhiều công đức tốt đẹp. Và công đức đó vô lượng như lúa đúng vụ mùa được gặt hái đặt vào trong kho, không bao giờ bị hư. Đây là ý thức rất cao mà mỗi người chúng ta cần phải phát triển. Có nhiều người một tay cứu người, tay kia giết người, có nhiều người một tay thì cho tiền, tay kia thì lấy tiền kẻ khác. Có nhiều người chúng ta một tay cho thuốc, một tay cho thuốc độc hại người, điều đó trên thế gian này có. Có nhiều người miệng nói ái ngữ với người này, thật là tốt với người này nhưng tuôn ra toàn những lời hung ác với người khác. Có người đang làm việc rất tốt, viết nên những lời sách tấn thơ văn, hoặc là dịch kinh viết chữ rất là hay cho một nhóm người này nghe đọc, nhưng đồng thời lại viết lên những ngôn ngữ sắc bén, độc hại, giết hại những người khác. Bởi vì nó cùng ở trong một cá tâm, tâm hướng thiện thì ít mà tâm sân, tâm ác lại bộc phát như ung thư thì nhiều, gây ô nhiễm, ảnh hưởng. Điều đó có trong Bảo Thành, điều đó có trong các bạn, đồng hành song song với nhau một việc thiện ta vẫn làm việc ác, một lời nói thật là hay, như Bảo Thành bây giờ đang nói thật hay nhưng nhiều lần trong đời cũng không tránh được những lời nói hung ác, các bạn cũng như thế. Có nhiều người trong chúng ta miệng nói rất tốt với một số người này nhưng đối với một số người khác ta lại rất ác. Tay viết những từ ngữ, tán tụng với số người này nhưng đồng thời đối với người khác, ta lại viết những lời thô ác, sắc như dao, gai góc và hầm hố có thuốc độc giết hại người. Bởi vì trong chúng ta chưa chuyển hóa được tận gốc bằng thiền định thâm sâu, nhìn rõ được công đức và phước đức – ta bị lẫn lộn. Và đôi khi ta để anh chàng sân, nó xen kẻ làm chủ cuộc sống và công đức tu của chúng ta. Rồi trong sự tu học của chúng ta, vẫn ở bên trên là có Phật, dưới có Tổ, có Thầy, nhưng trong ta có hung thần, ác quỷ làm chủ. Những người khác nhìn vào ta, nhìn lên vẫn thấy Phật, thấy Tổ, thấy Thầy nhưng nhìn thẳng trong tim thấy hung thần, ác quỷ. Ta mà không thấy được trong hành vi, nghĩa cử của ta có hung thần, ác quỷ xâm chiếm, điều khiển để tâm thiện chỉ phát rỉ ra chút xíu thôi, còn tâm ác lan tràn thì không hay. Phiên bản cuộc đời viết lên những dòng chữ tốt nhưng mà đọc thì tìm thì thật hiếm, còn trong phiên bản cuộc đời toàn những điều xấu không.

Các bạn, hãy trở về Facebook của các bạn, các bạn nhìn những dòng cảm xúc đăng tải trên Facebook từ hồi các bạn có Facebook tới giờ, có bao nhiêu dòng cảm xúc đăng tải hướng thiện, làm tốt, sách tấn mọi người hướng tới đời sống cao thượng? Trên đó có, nhưng vẫn đầy rẫy những cảm xúc, dòng chữ, những sự đăng tải đầy sân hận, tức giận, ghen tuông, tội lỗi, hung ác. Cũng trên Facebook đó ta có mặt ác và mặt thiện, và chính trong mặt thiện chuyển tải điều tốt như kinh sách, như lời hay, ý đẹp song hành với những lời sân giận, hung hăng tột độ, dèm pha, ghen tuông, chê bai mà những ngôn từ này hại người, hại vật, ô nhiễm môi trường tồn tại song hành thì ta chẳng có chút phúc đức nào. Nhìn trên Facebook của các bạn, và trên Facebook của cá nhân mỗi người ta thấy và nhận ra điều đó. Nhìn trên các thông tin đại chúng, nhìn trên môi miệng, hành động, hành vi, đời sống của chúng ta lẫn lộn vàng thau đầy đủ. Ta phải là người thợ vàng tinh luyện biết đun và sàng lọc để lấy vàng chất. Ta phải là người học Phật biết tinh luyện để đi qua sự thử thách của cuộc đời, ta luyện thành mật, ta luyện thành vàng rồng của tâm thanh tịnh. Điều đó rất cần sự ý thức thật sâu của mỗi người chúng ta, còn nếu không chúng ta vàng thau lẫn lộn. Một đầu là rồng đầu sau là rắn, rồng rắn lẫn lộn nguy hiểm vô cùng. Tâm thiện và ác chà lộn với nhau, có làm việc thiện, việc phước nhưng vẫn làm những việc ác. Do đó, chúng ta thấy rằng nhiều khi ngồi than phiền tôi đã tu lâu, tụng kinh lâu, làm việc phước mà không được gì, bởi vì song hành với việc đọc kinh, tu Phật, thiền định, dịch kinh, nói pháp ta vẫn ta vẫn còn làm đầy rẫy những chuyện ác. Cho nên không có phước mà còn gặp tai họa. Rồi ra ngoài đời nghe người ta nói: “Ồ! Tu mà vậy đó”, rồi gặp vậy bỏ tu luôn.

Các bạn thấy không, các bạn đọc trên những trang Facebook của các bạn, trang Facebook của các Phật tử, trang Facebook; hoặc những bài báo; hoặc zalo, thông tin đại chúng ở trên mạng toàn cầu, các bạn sẽ nhìn và nhận ra. Có những lời hay ý đẹp chuyển dịch thật hay nhưng đầy rẫy những sân hận, ngôn ngữ không hay, tức tối, bực mình. Bảo Thành từng làm như vậy trong quá khứ, thấy điều đó không hay. Tại sao mang một bông hoa lại đặt vào trong đống rác rưởi? Cho nên phải dọn rác cho sạch từ từ và từ đó Facebook của Bảo Thành, Facebook của những trang mạng Bảo Thành hệ liên hệ thường không bao giờ có những lời bất thiện ở trên đó. Bởi thấy nếu không thể nói được lời thiện thì phải ngưng lời bất thiện. Do đó thì ta cũng chỉ cần ý niệm như vậy cũng đã tạo được công đức, bởi tu từ trong tâm ý thức rằng không thể để cho ta làm những việc ác bằng ngôn ngữ, hành vi, tư tưởng. Dù việc thiện ta làm thật bé vẫn có công đức vô lượng, nếu chúng ta điều ngự được những việc ác đừng để chúng ẩn mình vào việc thiện để tung tác loạn xạ trong cuộc đời. Chỉ một hành vi đơn giản, gặp một người đau khổ trên lề đường, nếu các bạn không có tiền, không có tịnh tài, đồ ăn, chỉ nhìn họ bằng ánh mắt yêu thương, chúc phúc cho họ và tuyệt đối điều ngự được những tâm ác, hành vi ác của các bạn, ánh mắt bình thường chúc phúc đó tạo thành công đức vô lượng. Còn nếu như bạn thấy một người đói ở trên lề đường, cho họ một bữa ăn, đồng thời cho tiền nuôi được cả năm, cả tháng, cả cuộc đời mà các bạn vẫn tạo ra những điều ác thì đó gọi là phước đức, phước đức đó cũng không hề hấn gì, xui xẻo, tai hoạ vẫn tới. Cho nên song hành với việc phước đức, từ thiện mà có thể chuyển hóa tận gốc tâm của mình ngừng hẳn việc ác, lời nói ác, những ngôn ngữ, tư tưởng ác thì các bạn đang tăng trưởng công đức. Do đó, từ đây các bạn và Bảo Thành ý thức được chúng ta sẽ thay đổi. Chúng ta sẽ thay đổi tư duy suy nghĩ của mình để trở về với Thiền Mật song tu, từ bi quán chánh niệm hơi thở. Quán chiếu đón nhận năng lượng tình thương, tình thương này không còn là tình thương xót đồng loại lá lành đùm lá rách nữa, mà tình thương xuất phát từ lòng từ bi nhìn thấu rằng những hành động tạo tác tội lỗi, ác độc chúng ta phải ngừng hẳn không làm nữa. Và để cho năng lượng tình thương đó chuyển hóa đưa đến những ngôn từ, lời nói theo Chánh Kiến, Chánh Tư Duy. Với tâm bình đẳng tánh trí, không phân biệt ngôn ngữ, tôn giáo, tông phái, chủng tộc, màu da, sắc tướng. Cốt lõi của mỗi người chúng ta khi giảm được điều đó đã gọi là công đức rồi, không phải khư khư ôm vào tên của một tông phái, dòng phái, tôn giáo, dân tộc, con người để nâng cao tự hào dân tộc, tự hào tông phái, ngôn ngữ, kiến thức, đó gọi là tôn sùng, thần tượng bản ngã của chính mình. Để rồi chúng ta phỉ báng, chê bai, để rồi chúng ta chà đạp lên nhân phẩm của tất cả mọi người. Nhớ, chúng sanh còn phải bình đẳng, chó mèo, súc vật còn phải bình đẳng bởi có tánh Phật. Huống hồ gì con người trên thế gian này chủng tộc khác biệt, màu da khác biệt, ngôn ngữ, văn hóa, kiến thức, cách lập luận, tôn thờ, tôn giáo, cách hành trình trên con đường lập đức lập đạo đều khác biệt. Nhưng đều chung vào một ý tưởng là đều hoàn thiện cuộc đời theo những phước báu có được nơi mỗi con người. Nhớ, ở đời khi đi tu, hành theo lời của Đức Phật không phải như một xưởng chế tạo ra đồ, để rồi cho vào nó rập khuôn ra y như nhau. Biệt nghiệp, nghiệp chướng, duyên phận, phước báu khác biệt, chúng ta nương vào sự khác biệt, đón nhận lời của Phật, năng lượng tình thương, chuyển hóa tự thân của mình. Để tăng trưởng công đức và trở về với ý nghĩa cao cả hơn là mỗi người chúng ta phải nhất định từ bỏ, từ bỏ đi tâm ác, tâm bất thiện. Nó xen kẽ với những hành động gọi là thiện, người ta gọi là ở bên ngoài choàng chiếc áo thật là hay, trên miệng nói ngôn ngữ thật là hay nhưng mà đằng sau toàn là những tư tưởng xấu. Thì điều đó có phước đức, tức là có được một chút phước nhưng biết bao nhiêu những phiền não, đau khổ nó đang rỉ đằng sau như khối ung thư giai đoạn cuối cùng. Cho nên đừng để tâm sân hận của mình, đừng để những gì ta bị người khác hành hạ, giày xéo, chê bai, bức bách để rồi chúng ta tuông ra những lời đau khổ. Có những vị đạo sư đã từng dạy cho chúng ta, như dòng sông chảy rác rưởi có thả xuống, sóng vỗ về và rồi rác cũng cập vào bờ, để giữa dòng chính đó nó vẫn trong suốt.

Cuộc đời của chúng ta rác rưởi luôn luôn đổ xuống cuộc đời của chúng ta, dòng chảy của tâm thức hướng thiện trong năng lượng từ bi đón được của Phật qua từ bi quán chánh niệm hơi thở, để triệt tiêu rác rưởi đó bằng cách đánh nó dạt vào trong bờ. Để trong dòng chảy của cuộc đời, dòng sông đó vẫn tươi mát, vẫn trong suốt thì nhất định ta sẽ tạo được công đức. Còn không ta đang tạo ra những tai họa cho chính mình, tai họa đó là tâm của chúng ta nhận lầm sự khó chịu, bực bội, ăn không ngon, ngủ không yên, lúc nào trong đầu cũng canh cánh những sự sân giận và những mưu toan, tính toán, những mưu chước, những cái kế làm sao để dèm pha, triệt tiêu, hạ người ta xuống, đó là phạm vào giới thứ nhất – sát sanh. Mang tiếng cứu người nhưng chỉ là đội lốt mà thôi, mang hào nhoáng để cứu người – ta phải giết người. Ta chưa đủ đức hạnh, ta chưa đủ thẩm định để làm một ông tòa để cứu người này và ra tay giết người kia. Quyền lương tâm, đạo đức của mỗi người chúng ta lấy gì để chúng ta nghĩ rằng để cứu người này mà phải triệt tiêu, giết hại người kia? Chẳng qua là ta đang đồng lõa với tánh ác của mình, với suy nghĩ giản đơn, hung dữ rằng giết người này nên mượn tiếng thơm bằng ngôn ngữ, ngữ điệu của hung thần ác quỷ trong lòng, ta cứu người nên đành phải giết người, đó là tâm ác, tâm rác rưởi, không tạo ra công đức.

Do vậy, Bảo Thành và các bạn, chúng ta có duyên với nhau nói về sự tăng trưởng công đức. Nay thuận theo lời của Đức Phật, ta phải giảm tối thiểu những hành động, tâm ý bất thiện ngay lập tức khi đang làm việc thiện, thì việc thiện nhỏ đang gọi là phước đức đó sẽ trở thành công đức, tăng trưởng được. Nếu như vua Lương Vũ Đế xây chùa, làm từ thiện, cứu người con dân của mình, mà không bao giờ tạo việc ác, xâm chiếm nước khác, đàn áp hại nước khác, giết chết những người này người kia thì sẽ tăng trưởng thành công đức. Cho nên, Tổ Bồ Đề Đạt Ma đã nhắc khéo ông vua rằng những việc ông làm chỉ là phước đức, nếu ông có thể ngưng được những việc ác thì nhất định từ việc phước đức tưởng chừng nhỏ bé hôm nay sẽ biến thành công đức.

Bảo Thành và các bạn nếu chỉ làm được một việc thật là nhỏ, như cứu người, cho họ thuốc, cho họ ăn, cho họ nước uống; hoặc là chúng ta làm người quét rác giữa đường, ta quét rác với tâm thiện, không xả rác trong mình nữa thì đó mới gọi là công đức. Hoặc người – chúng ta làm thầy, dạy dỗ trong trường học như các cô giáo, các thầy, chúng ta dạy trong tâm thiện và không bao giờ gieo rắc những tâm rác rưởi vào thì đó gọi là công đức. Bởi vì ta dạy bằng tâm thiện, ý thức được lời Phật dạy. Nếu ta là giám đốc ta yêu thương mọi người, trợ giúp cho mọi người bằng tâm thiện và không bao giờ gây ra tội ác thì đó là công đức. Hoặc chúng ta làm y tá, y sĩ, bác sĩ, có người này có người kia, ta cứu người bằng tâm thiện và không bao giờ để cho khởi lên những tâm ác thì ta đang có công đức vô lượng. Đời sống sẽ ổn định, ta sẽ tràn đầy năng lượng tình thương. Nói đến mọi góc cạnh sinh hoạt nghề nghiệp trong cuộc đời, dù là người làm ruộng, làm công nhân, bác học, khoa học, dù là thầy giáo trong trường hay chỉ là người vu vơ như Bảo Thành thôi. Nếu chúng ta làm việc gì đó với ý nghĩa cao cả rằng mang thông điệp an vui, sự sống gửi đến cho mọi người mà biết điều ngự cuộc sống của mình, đừng tạo ra điều ác thì ta sẽ được công đức tăng trưởng. Vẫn biết phận người nhỏ bé khó đều ngự được, nên ta phải tập trung, tập trung vào từ từ để chuyển hóa, đừng quá vội vàng. Ai trên đời cũng có nhiều lúc làm sai, không ai mà hoàn hảo, ai cũng có tội, ai cũng có lỗi, ai cũng tạo nghiệp, khác nhau ở chỗ ta có biết dừng hay không. Biết dừng để điều ngự được cái tâm đó chính là các bạn đang tăng trưởng công đức vô lượng cho một đời sống bình thường bằng những nghĩa cử thật khiêm tốn.

Chẳng cần phải cầu kỳ đâu các bạn, chẳng cần phải ôm kinh vào tụng nhiều, chẳng phải quỳ lạy, chẳng phải nói; hoặc là khoác lên mình những hình tướng gì đâu. Mà hãy khoác lên mình ý thức của chánh niệm, tư duy thật rõ để ngưng hẳn những điều ác, tinh tấn làm việc thiện. Cho nên công đức theo đúng theo lời Phật dạy: “hãy làm việc thiện bỏ việc ác”. Tâm thanh tịnh công đức nhiều, nhưng các bạn và Bảo Thành – chúng ta làm việc thiện chưa bỏ được việc ác. Để tăng trưởng công đức chỉ dựa trên lời của kinh Pháp Cú, Phật dạy: “hãy làm việc thiện buông bỏ việc ác thì tâm thanh tịnh, công đức vô lượng”. Bảo Thành nói riêng và các bạn nói chung, chúng ta đã làm được rồi, làm việc thiện nhưng chưa buông bỏ được việc ác nên chưa có công đức nhiều, chỉ có chút phước đức. Nay ý thức được trong câu kinh này, hãy thực hành theo lời Phật, hãy siêng làm việc thiện và phải bỏ, chấm dứt ngay việc khác thì công đức sẽ vô lượng. Đơn giản có thế thôi, bởi đó là lời Phật dạy.

Hãy đặt bàn tay phải trí tuệ vào lòng bàn tay trái từ bi, ta vận hành 07 biến vi diệu âm Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống muôn loài chúng sanh và gia trì Phật lực để cho chúng con biết cách tăng trưởng công đức trong đời sống tu luyện. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa (07 biến)

Các bạn, có nhiều lúc chúng ta tưởng rằng ta làm việc thiện nhưng thực ra tao đang làm việc ác. Có nhiều lúc ta tưởng ta đang cứu người nhưng ta lại đang giết người. Có nhiều lúc chúng ta lấy Phật pháp như một nền triết lý, giáo lý cao siêu để cứu người nhưng thực ra ta đang giết người.

Câu chuyện thật là rõ vào thời đức Phật, có một cô con gái của nhóm người Lục Đạo (tức là 06 tôn giáo lớn). Khi tới vùng đó giảng đạo thì những người đệ tử của những bậc thầy kia nghe Đức Phật giảng là bậc giác ngộ nên đi theo. Những vị thầy kia ghen tuông, ức chế bởi đệ tử và một số người đồ chúng, Phật tử theo Đức Phật nhiều quá – bậc giác ngộ. Lòng ghen tuông chịu không được. Nói với một cô đệ tử nữ rằng, ông Cồ Đàm tới đây đã cướp hết, đã lừa gạt người ta và cướp hết đệ tử của thầy rồi. Lừa gạt mọi người để đưa vào con đường ma đạo, con đường tà. Cô gái vì cảm tính của con người, thương các bậc sư phụ của mình cho nên đâm ra ghét Phật vô cùng. Nghĩ thầm trong bụng ông này đang giảng tà đạo, ma đạo, hấp dẫn những người đệ tử từng theo thầy của mình, từng theo tín ngưỡng, niềm tin của mình. Cho nên đã hợp tác với các vị thầy kia làm việc âm thầm nhằm mục đích vu khống Đức Phật. Khống mọi chuyện lên bằng cách cô ta cứ sáng sớm là đi vào chỗ đạo tràng của Đức Phật đang giảng, lúc đó chưa ai tới đi sâu vào nhà bếp. Rồi khi đại chúng tới nghe và đang đông đủ, cô ta lại từ nhà bếp đi ra chào Phật đi về, chào đại chúng đi về. Cô ta lập trình như vậy một thời gian thật dài. Ngày nay chữ mà chúng ta dùng rõ hơn, tức là “biệt kích”, trốn vào bên trong, nội gián, làm việc che mắt. Bảy tháng sau, cô ta đã có lập trình trong suốt bảy tháng, có chương trình, kế hoạch để bôi xấu Phật, hạ nhục Phật. Để chà đạp lên nhân phẩm của Phật và để tiêu diệt Phật, với tâm ý rằng để cứu người nhưng cô ta không hiểu hành động đó là như vậy, chỉ nghĩ rằng cứu người, cứu đệ tử hồi xưa theo các bậc thầy của mình thôi, vô minh. Cho nên cô ta đã nghiên cứu một chương trình để hại Phật nhưng lòng rất hoan hỷ, nghĩ rằng ta cứu người để người không vào ma đạo, tà đạo. Do đó, tháng thứ bảy cô ta độn bụng lên, cột dây da vào đằng sau và trước đại chúng đông lắm chào đại chúng, và quay lại nói với Phật: “ông làm cho tôi mang thai, tháng thứ bảy bụng bự rồi mà ông còn ngồi ở đó giảng lời nhân nghĩa hay sao?”

Trách móc, chửi mắng, vu khống Phật đã làm cho cô ta mang thai. Trong kinh nói rõ, Chư Thiên không hài lòng bởi con người vu khống Thế Tôn nên đã biến thành con chuột cắn đứt sợi dây, những đồ độn trong bụng rớt xuống ai cũng thấy rõ bụng của cô ta là đống rác rưởi, độn lên để vu khống. Cô ta xấu hổ phải bỏ chạy về, đi một đoạn đường thật xa, cô ta lọt xuống lỗ và bị hại chết đi. Đó là nói đến tinh thần gọi là diệt ma, trừ ác, cứu người

Chúng ta dựa trên quan niệm, quan điểm, tín ngưỡng, niềm tin của ta, luôn nghĩ những người khác là sai, ma đạo, tà giáo, là ác độc. Để rồi chúng ta mưu mô, quỷ kế nhằm mục đích là tiêu diệt bọn ác ma này đi để cứu người, cứu đời. Với tâm thái tự hào ta đang làm việc nghĩa giúp đời nhưng bởi không hiểu và vô minh. Chứ nếu hiểu thật rõ đó là do tánh ghen tuông, chấp chược, chấp thủ, vô minh, thiếu sáng suốt nhìn rõ. Họ sẵn sàng khống việc lên cho thật to, moi móc cho thật nhiều, nói những lời thật ác, thật độc, thật thâm với danh nghĩa trừ ma cứu người. Ma ở đâu? Ở trong tâm ta. Phật ở đâu? Phật ở trong tâm ta. Ma và Phật ở trong tâm mình. Nhìn rõ ma để thấy Phật. Kính Phật để chuyển ma. Tăng trưởng công đức chính là mỗi người nhìn thấy ma tánh trong lòng của mình còn đang trỗi dậy để phát triển tâm thiện, nương vào năng lượng từ bi để sống và giúp đỡ đời. Còn không vô tình tâm ma phủ kín lên những mỹ từ của chính mình và thỏa hiệp với những hành động ngang trái, ác độc của chúng ta. Không có công đức, chẳng có phước đức, một việc tưởng rất thiện, rất tốt hóa ra không hay. Biết dừng rất quan trọng! Ai cũng sai, Bảo Thành đã sai, các bạn cũng sai, hiểu rõ để chúng ta dừng và phát triển tâm thiện. Các bạn, tăng trưởng công đức là tu để điều ngự tận gốc những tâm ác của chúng ta, tăng trưởng điều thiện thì đó gọi là công đức vô lượng. Còn nếu chỉ tăng trưởng điều thiện mà vẫn để tâm ác phát triển thì đó chỉ gọi là một phần phước đức mà thôi.

Hãy đặt bàn tay phải tượng trưng cho trí tuệ và lòng bàn tay trái tượng trưng cho từ bi vào với nhau, vận hành 07 biến vi diệu âm Mu A Mu Sa.

Thưa phật! Ma ở trong tâm, Phật cũng do tâm. Nguyện một lòng từ bi quán chánh niệm hơi thở, nhận rõ tà ma và nhận rõ Phật để tăng trưởng công đức. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Thưa Phật! Chúng con đã hiểu làm việc thiện là tăng trưởng phước báu nhưng không ngừng việc ác phước báu chẳng còn. Nguyện từ bỏ việc ác, thanh luyện tâm ý thanh tịnh, từ bi quán chánh niệm hơi thở. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Thưa Phật! Chúng con làm việc thiện một chút, tu được một chút nhưng vẫn chễm chệ trên vương tòa của thẩm phán, phán xét, bắt hại nhiều người. Nguyện từ bỏ chức thẩm phán để sống đời đơn giản, chánh tri theo Phật từ bi quán chánh niệm hơi thở để tăng trưởng công đức. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Thưa phật! Chúng con nguyện tụng niệm kinh, trì chú, tu tập, thiền định và buông bỏ những điều ác, gội rửa cho sạch tâm, ngõ hầu tăng trưởng công đức trong đời sống. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Mỗi bước đi vào cuộc đời trong hiện kiếp là từng hơi thở chánh niệm từ bi, gạn lọc thật rõ, điều ngự những chuyện ác xảy ra nương vào tâm ma lộng hành. Chúng con nguyện một lòng tin tấn tu để tăng trưởng công đức. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Chúng con đã hiểu rõ không thể một tay cứu người, một tai hại người. Nguyện chắp cả hai tay như búp sen dâng lên cho mười phương chúng sanh tâm thiện mỹ của chúng con. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Chúng con đã biết miệng vừa nói lời tốt đẹp nhưng chúng con vẫn phạm vào nói những lời gian ác, nay hiểu thấu từ bỏ ngôn ngữ hung ác, thô hại để thấm nhuần những ngôn ngữ dễ thương, ái ngữ, tăng trưởng công đức trong dịu dụng ngôn ngữ, ứng dụng ở trong đời. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Chúng con đã để cho tâm sân giận biến thành năng lượng chiếm cứ toàn thân, gây ra những tạo tác bằng những ngôn ngữ, những áng văn, hành động, tư tưởng xâm hại đến mọi người và phạm giới sát sanh bằng ngôn từ, chữ viết, hành động, ánh mắt, tư tưởng. Nguyện một lòng từ bi quán chánh niệm hơi thở, để xin từ nay Chư Phật chứng minh, chúng con sẽ từ bỏ để tăng trưởng công đức thật sự trong đời sống này. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Mô Phật! Chúng ta đã tu xong rồi. Hôm nay mạng có trục trặc một xíu nhưng chúng ta không bỏ cuộc, bởi trên con đường tu chướng ngại luôn tới, chỉ cần lòng hoan hỉ và môi miệng biết mỉm cười với tâm ý thanh tịnh, ta vẫn đồng hành với sự đồng tu.

Cảm ơn các bạn, hãy chắp tay vào để hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Mu A Mu Sa!

Chúng con nương vào phước báu, nhân duyên, nói pháp, nghe kinh, đồng tu với các bạn hiền đồng duyên. Nguyện xin những người chướng duyên với chúng con hoan hỉ nghe bằng tâm từ để được tịch tĩnh. Xin Chư Phật luôn ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con. Chúng con nguyện hồi hướng tới tất cả các vị lãnh đạo trên thế giới, ngồi xuống thành lập chính sách hòa bình, không còn chiến tranh. Hồi hướng cho những nhà khoa học gia, ngành y, ngành dược chế tạo ra thật nhiều vắc-xin (vaccine), thuốc trị bệnh. Hồi hướng cho các bác sĩ, y sĩ, y tá, nhà cứu trợ, dấn thân cứu giúp mọi người. Hồi hướng cho tất cả những ai còn phiền não, đau khổ, sân giận tìm được bình an và hạnh phúc trong Pháp Phật thật sự. Hồi hướng cho chư hương linh được tái sanh cảnh thiện lành bằng thiện nghiệp của mình.

Con xin Chư Phật mười phương từ bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn