Bảo Minh biên tập
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Sư Cô, cùng các bạn đồng tu ở trên kênh youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh facebook Chùa Xá Lợi.
Giờ đồng tu đã đến, mời các bạn cùng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo, xả bỏ tất cả mọi bận rộn khác biệt trong cuộc đời, trở về với hơi thở chánh niệm, chúng ta bắt đầu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Mu A Mu Sa!
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống muôn loài chúng sanh. Để chúng con biết nhận ra những điều sai trái, sám hối tu sửa và nhận diện được hạnh phúc ngay trong chánh niệm hơi thở, bình an nơi đây chỗ này, kiếp này.
Các bạn, chúng ta hãy đi thẳng vào 07 biến vi diệu âm Mu A Mu Sa. Đưa thân tâm của mình an trú trong từ bi quán chánh niệm hơi thở, để gắn kết với mười phương Chư Phật, tiếp nhận năng lượng tình thương của các bậc giác ngộ, chuyển hóa tất cả những năng lượng bất tịnh đang giày xéo, xé nát cuộc đời của chúng ta trong sân hận.
Mời các bạn đặt bàn tay phải tượng trưng cho trí tuệ vào lòng bàn tay trái tượng trưng cho từ bi.
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống muôn loài chúng sanh. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa (07 lần)
Mô Phật! Các bạn thân mến, Bảo Thành đang ngồi ở nơi chánh điện chùa Xá Lợi tại tiểu bang Pennsylvania – Mỹ quốc. Với phương tiện hiện tại của kỷ nguyên mới, dù cho chúng ta ở phương trời nào đi nữa thì sự gắn kết trong tâm thiện, sự kết nối trong lòng từ bi và yêu thương, sự dung thông cùng năng lượng của lòng từ ái biết gạt bỏ mọi sự khác biệt nếu có nhân duyên tới với nhau trong phương tiện Phật pháp tu tập với các Pháp môn khác biệt. Hoặc với những ngôn ngữ, phương tiện được truyền tải ý nghĩa làm sao mang chân lý của Đức Phật ứng dụng vào cuộc đời của con người chúng ta. Mỗi một người có nhân duyên sinh ra ở một quốc độ khác nhau, một thành phố, một thôn làng và sự khác biệt từ quốc độ, thành phố, thôn làng đó có những phong tục, tập quán, tín ngưỡng, niềm tin đã dần thấm sâu vào sinh hoạt của cuộc đời. Chúng ta mượn tất cả những phước báu có được trong kiếp trước này mang lời Phật chuyển tải, hoà nhập vào ngôn ngữ địa phương, vùng miền. Để với thói quen, phong tục đó phần nào trong đời sống thật bận rộn của kiếp người, chúng ta cảm nhận được chân lý của Phật thật đơn giản nhưng hữu dụng, bởi nó mang lại sự bình an cho chúng ta tại nơi đây.
Chúng ta tu tập đồng tu với nhau bởi vì có phước báu nhân duyên, có sự cảm ứng với Phật và có sự tương giao trong cảm nhận gắn bó bởi những nghiệp thức tương ứng trong tánh thiện. Ta vui vẻ, ta hạnh phúc, ta đón tiếp nhau bởi ta có duyên. Người có duyên nói sơ qua, nhìn sơ qua đều an lành. Bởi vậy người xưa mới nói, khi có duyên thì biết yêu thương, biết từ bi, biết đối xử, yêu nhau thì yêu cả đường đi lối về. Và nếu như chúng ta không có nhân duyên, nghe không hợp, nghe buồn, nghe chán hoặc ghét bỏ nhau, cho nên mới có câu: “ghét nhau thì ghét cả tông chi họ hàng”. Điều gì ta thấy nó cũng sai trái, đó là tánh ghét. Cho nên chính Đức Phật dạy cho chúng ta hãy vun trồng tánh yêu thương, năng lượng từ bi để biết thương mọi loài, mọi vật. Để đường đi nước bước, tất cả mọi hành xử của người đó ta đều có thể yêu được, thương được dù rằng nó hoàn toàn trái ngược với chúng ta. Chớ bồi đắp tánh ghen ghét để rồi cả tông chi họ hàng của người ta, ta đào, ta bới, ta ghét, đó là tánh xấu. Trong con người của Bảo Thành và các bạn đều cưu mang cả hai cái tánh là tánh xấu và tánh tốt. Cần phải tu để phát triển tâm tốt, cần phải nhìn thấu để gạt bỏ tâm không tốt, đó gọi là tu sửa. Tu là sửa chính mình chẳng phải sửa người, tu là sửa tâm thân của chúng ta, sửa những thói hư tật xấu, sự đố kỵ nơi hành vi nghĩa cử, nơi ngôn ngữ ta sử dụng, nơi tư tưởng ta khởi nguồn. Sửa từ trong ra bên ngoài, tu đơn giản vậy. Chẳng cần phải gọi là Phật tử, Phật giáo; hoặc tôn giáo nào chỉ cần một con người có kiến thức, đạo đức, căn bản từ ông bà cha mẹ, từ những bậc trưởng thượng, chúng ta đã tự biết sống đạo đức rồi. Không cần phải khoác lên hình tướng của một tôn giáo mà chỉ cần khoác lên mình hình hài của một con người đạo đức, vậy đã đủ.
Với chủ đề các bạn gửi về hôm nay để chúng ta cùng quán chiếu trong Phật ngôn Mu A Mu Sa. Các bạn thân mến, Phật ngôn Mu A Mu Sa không nằm ở một ý nghĩa cao siêu, để có được một thần thông diệu lực người ta bay lên cõi trời, thoát khỏi cõi phàm đau khổ. Nhưng Phật ngôn Mu A Mu Sa chan chứa một ý nghĩa tuyệt diệu ở chỗ ý nghĩa đó là chúng ta thỉnh mưa năng lượng từ bi của Chư Phật mười phương rải xuống cuộc đời lầm than của mọi chúng sanh. Ta cầu mưa ân điển, ta cầu mưa năng lượng yêu thương của Phật rải xuống cuộc đời của muôn loài. Để trong thế giới chật hẹp, nhỏ bé, ghen tuông, chấp trược, bon chen, giết hại nhau, chúng ta đón nhận được năng lượng tình thương, cảm hóa thay đổi cuộc đời của mình và cảm hóa lan rộng thay đổi cuộc đời của những người khác bằng tánh thiện, bằng tình thương chân thật.
Chủ đề “Bình An Nơi Đây”, chúng ta tu là để đạt được sự bình an ngay đây, nơi đây, kiếp này, chỗ này và ngay bây giờ, đó gọi là chánh niệm hơi thở từ bi. Ta không tu để kiếp sau được bình an, ta không tu để kiếp sau được cái này cái kia, ta cũng chẳng tu để chờ đến giây phút sắp chết – cận tử nghiệp (hay gọi là lúc sắp chết) để thành tựu cái này, thành tựu cái kia. Mà chúng ta tu là để sống chứ không phải tu để chờ chết. Bởi nếu như tu để chờ ngày chết thì chẳng biết sống là gì. Tu để có được bình an sau khi chết thì chẳng có bình an ngay hiện tại. Cho nên Đức Phật dạy chánh niệm hơi thở là tu ngay hiện tại và tu để sống ngay trong giây phút hiện tại, và sống bình an ngay trong hiện tại nơi đây, chỗ này, kiếp này. Đây là mấu chốt rất quan trọng trong đời người. Chúng ta học Phật chẳng phải vẽ vời trên những nghi thức, trên những pháp quán đảnh, trên những pháp gọi là cầu siêu – tế; hay những câu kinh, câu thần chú, câu diễn giải của những bậc đại học sĩ, pháp sư kinh điển đầy mình. Tu chẳng phải vậy, Phật cũng chẳng phải thế. Tu là để sửa lầm lỗi, Phật là giác. Do đó, tu là giác để hiểu ta có lầm lỗi ta sửa, bởi lầm lỗi tạo ra khổ đau, phiền não. “Giác” là nhận thức được nguyên nhân tạo ra khổ đau và phiền não đó. Sửa để có được bình an tại kiếp này, nơi đây, đó gọi là tu theo chân lý của Đức Phật. Đơn giản có thế thôi. Cầu kỳ văn tự chẳng khác gì như các họa sĩ, mà họa sĩ sáng mắt còn chưa vẽ được bởi tâm như họa sĩ vẽ muôn màu muôn sắc, cảnh ngũ ấm thế gian không có cái sắc nào, cảnh giới nào mà không hiện ra. Tâm như năm người mù sờ những con voi, chẳng biết gì vẽ vời đủ thứ. Trong cuộc sống ta không cần phải vẽ nên những hình sắc, sắc tướng, ta cũng chẳng cần phải tôn sùng, thần tượng; hoặc thần tượng hóa những con người ta tín ngưỡng, Phật không dạy ta như thế. Phật chỉ tới âm thầm như một người thầy khai thị, hướng dẫn ta thoát, ta chẳng cần phải cúi đầu tôn sùng Ngài. Ta thành kính với Ngài bởi Ngài là thầy nhưng ta không cần phải thờ Ngài đâu. Thờ trong ý nghĩa nhà Phật tức là tôn kính bậc thầy đã tới, chứ không phải thờ để cầu Ngài tới cứu rỗi chúng ta. Chẳng có một nghi thức tế lễ nào, chẳng có một phương pháp hành trì nào để giúp cho chúng ta đời sau được an. Mà chỉ có một đời sống chánh niệm hiện hữu để không an đời sau mà an ngay đời này, kiếp này, tại đây. Ngay tại đây ta an, ngay tại kiếp này ta an, ngay tại giây phút này ta bình an thì kiếp sau hai đời an. Chúng ta thấy rõ mà, còn kiếp này sống đau khổ, phiền não, mong cầu chi cho ngày sau chết đi được bình an trong cuộc đời. Tất cả những lời hứa để cho kiếp sau thành tựu chỉ là những phương thức tiếp thị của những người buôn bán. Còn thực tế, Đức Phật không tiếp thị về một kiếp mai sau mà Phật tới ngay chỗ này, hiện tại nơi đây sách tấn, khích lệ mỗi người chúng ta hãy trỗi dậy để sống ngay bây giờ tại đây, để bình an và hạnh phúc tại nơi đây, chỗ này. Bình an ngay nơi đây, bình an ngay kiếp này, bình an ngay hơi thở vào ra trong chánh niệm từ bi quán. Rất cao siêu và nhiệm màu ở chỗ ta thấu hiểu để thực hiện, người không có tâm bình an chạy ngược chạy xuôi như con rối ở trong cuộc đời. Người có tâm bình an từng bước chân đi là những bước chân an lạc, bởi vậy khi xưa Đức Phật chẳng chạy ngược chạy xuôi, đi đâu cũng rất từ từ trong sự kinh hàng, từng bước chân chạm xuống mặt đất đưa cảm xúc của sự bình an lan truyền năng lượng tới cho muôn chúng sanh. Cho nên ta gọi bước chân của Phật là bước chân an lạc, là bước chân của bậc đã điều ngự được những điều xấu, không để nó quấy phá, lấn chiếm. Ngài có bước chân an lạc cho nên ta hãnh diện theo dõi những bước chân an lạc của bậc điều ngự.
Trong cuộc đời của chúng ta, chúng ta cũng cần phải thực tập để có được những bước chân an lạc trong sự điều ngự của hơi thở chánh niệm từ bi, để cuộc đời của ta có được sự bình an ngay đây. Chẳng mong cầu đến lúc chết để xin một vị đại đạo sư cao cả, một nhóm người tới tế tụng, chuyển di thần thức, chuyển di cái này chuyển cái di kia – không! Đó chỉ là những nghi thức mà thôi, Phật chưa bao giờ nói đến những pháp đó. Phật chỉ dạy cho những con người bần nông như Bảo Thành và các bạn hãy thực tập chánh niệm hơi thở từ bi quán, để có được bước chân an lạc trên cuộc đời, ngược xuôi trong dòng đời. Điều ngự được tất cả những tư tưởng, cảm xúc của mình mọi nơi mọi lúc trong tâm từ bi và tỉnh thức.
Các bạn thân mến, “Bình An Nơi Đây” nói thật rõ là chúng ta phải cố gắng đưa cuộc sống của mình, suy nghĩ của mình, lời nói của mình, hành vi của mình trở về với hơi thở chánh niệm. Lấy chánh niệm hơi thở từ bi quán như mặt trời trí tuệ để rọi thật rõ những sinh hoạt trong đời thường, để gạn lọc thiện ác của ta, không phải của người. Lời của ta ta phải sàng lọc, sàng lọc cho sạch, cho thanh tịnh, cho tinh khiết. Chỉ có trở về với hơi thở chánh niệm từ bi quán là trở về với sự sống hiện tại. Nếu ta không thể sống ngay trong hiện tại mà cứ lo về tương lai của ngày cuối ta chết ta sẽ thành ai, kiếp sau như thế nào, có được bình an hạnh phúc thì không khác gì một thây ma đang làm việc cho tương lai. Thây ma là một xác chết sao có thể làm được việc phải không các bạn? Do đó tu là phải sống, sống bình an ngay trong lúc này không đợi kiếp sau, không đợi ngày mai, không đợi tới lúc chết và không đợi sự cứu rỗi, trợ lực của bất cứ một nhóm người nào, một con người nào dù là bậc đạo sư. Phật ngay lúc đó tới cũng chẳng cứu được ta bởi nghiệp ai người đó chịu. Cho nên Đức Phật tới là để đánh thức sự tỉnh giác của ta để ta sống chân thật trong pháp Phật nhiệm mầu bởi sự quán chiếu từ bi trong chánh niệm hơi thở nhìn rõ, nhìn thấu, hiểu được để buông. Buông để làm gì? Buông sự chết đời đời trong tật cố xấu, ác nghiệp để làm chi? Để sống ngay trong hiện tại, giây phút này đây – sống bình an.
Các bạn, hôm nay ngày rằm tháng giêng, người Việt truyền thống, văn hóa của tổ tiên vẫn còn gọi là Tết Nguyên Tiêu. Các bạn thấy, “nguyên” tức là thứ nhất – ngày thứ nhất, “tiêu” tức là đêm, đêm thứ nhất của năm có mặt trăng tròn. Ý nghĩa ngày rằm Tết Nguyên Tiêu theo truyền thống của người Á Đông chúng ta là ngày nhắc nhở rằng, sau bao nhiêu ngày trăng khuyết đã tới điểm ngày trăng tròn sáng đẹp. Ngày đầu của năm mặt trăng tròn chỉnh sau khi đã trải qua những khuyết điểm của cuộc đời, chói sáng trên nền trời nhắc nhở cho chúng ta trở về với bổn nguyên tự tánh thanh tịnh của mình, nương vào từ bi của Phật để làm mới cuộc sống. Và trong ngày tết nguyên tiêu – rằm tháng giêng, tất cả mọi người chúng ta nếu là Phật tử; hoặc là tín ngưỡng theo Phật giáo ta thường tới chùa để cúng, để cầu sự bình an, cầu giải hạn, để cầu nguyện. Và phong tục tập quán có thật nhiều thứ nhưng đó chỉ là phong tục nếu người chúng ta hiểu được cũng có phần thông cảm bởi chỉ là sinh hoạt văn hóa. Người học Phật chẳng có chê mà mang và lan tỏa ý nghĩa cao hơn, vượt lên trên những phong tục tập quán của con người, vượt lên trên những văn hóa đời thường để đưa chân lý của nhà Phật đến. Cho nên ngày rằm tháng giêng, ngày tết nguyên tiêu, phong tục đó ai làm thì cứ làm, đó là duyên của họ. Còn chúng ta đã học được của Phật, quán chiếu vầng trăng nay đã tròn khi tết nguyên tiêu, rằm tháng giêng, hiểu thấu trước khi tròn nó đã trải qua biết bao nhiêu ngày khuyết. Để thấy rằng trong tâm thức của chúng ta đã khuyết thật nhiều trong vùng tối của bất thiện nghiệp, của bon chen, sân si, hỉ-nộ-ái-ố, của sự giận dữ, của sự ác. Nay mới có dịp ngắm vầng trăng tròn rằm tháng giêng để thấy rằng có lúc chúng ta – Bảo Thành và các bạn, đã trải qua sự khuyết điểm của đời người để thấy được vùng tối tâm thức bất thiện của ta. Và rồi đến ngày rằm tháng giêng, ngày đầu năm, ngày đầu của năm mới, ngày khởi nguồn của một năm trăng lại tròn trở lại. Ta lại nhìn thấy rằng ta vẫn còn có tự tánh vuông tròn, đầy đủ, chẳng khuyết chút nào để ta có một lối để trở về với tự thân, sửa cuộc đời của chính mình.
Người Việt Nam cổ xưa, hầu hết sống về nghề nông, rằmg tháng giêng, là ngày đầu tiên mà người nông dân bước xuống ruộng để cày cấy, gieo mầm. Và thường trước nhất là cúng Chư Phật, thứ hai là cũng đến cửu quyền thất tổ, lễ Phật để Phật chứng minh, cúng tổ tiên ông bà để tri ân cửu huyền thất tổ đã cho ta có cơ hội làm người trong kiếp nhân sinh. Và ngày đầu tiên của năm trăng rằm, tết nguyên tiêu, rằm tháng giêng đặt mầm móng đầu tiên xuống lòng đất để nương vào đất này một mầm sống mới nuôi cuộc đời. Ý nghĩa cao đẹp vô cùng trong ngày rằm tháng giêng. Chúng ta không nhất thiết phải loại trừ những văn hóa dân gian nhưng chúng ta mang vào đó ý nghĩa cao hơn lời của Phật, là rằm tháng giêng ta không đi cúng để giải hạn, cúng để giải sao, cầu an, cầu này cầu kia bằng những nghi thức dân gian nhiệm màu ý nghĩa đó; mà ta đi trở về chùa thành kính với Phật, quán chiếu thân tâm của ta như mặt trăng có khuyết có tròn, có tỏ, có lưu mờ. Để nhận định trong ngày đầu tiên tết nguyên tiêu của trăng rằm tháng giêng, ta phải nhìn về với bản tánh tự nhiên “trong và thiện” để từ đó soi tỏ cuộc đời, dẫn lối cho tự thân như ngọn đuốc tự mình thắp mà đi. Đức Phật tới trong cuộc đời để dạy cho chúng ta phải biết làm chủ cuộc sống, thắp đuốc mà đi chứ không mang cào, mang cuốc bởi rác nhà người.
Các bạn có biết không, trong cuộc đời này có một loài chim, loài chim đó là chim gõ kiến. Loài chim gõ kiến này nhìn thật là đẹp, mỏ thật là dài và cứng, cứng như cái đục của người thợ mộc. Và con chim gõ kiến này có khả năng khoét vào những thân cây lớn, khoét rỗng ở bên trong tạo thành cái bọng để làm ổ, để sanh, phát triển và tồn tại. Vì sự mưu cầu tồn tại có loài giống chim gõ kiến, chúng đã tạo ra ý chí đó, tạo ra một cái mỏ thật dài, thật sắc. Để có thể đào khoét vào bên trong cái cây để tạo thành cái bọng sinh sống và phát triển ở đó. Nhưng chúng đâu có biết rằng, chính sự tồn tại của chúng đó đã giết chết cái cây, cây bị khoét vào bên trong bởi cái mỏ dài đó, tạo thành bọng cây, dần dần bị mối đi vào ăn và bị mục, bị chết.
Bảo Thành và các bạn nhiều đời, ngay trong kiếp này cũng chỉ là loài chim gõ kiến mà thôi. Bởi mưu sinh trong cuộc sống, bởi phụng dưỡng cho tâm tham của mình, bởi phục tùng nô lệ cho những tà kiến, biên kiến, định kiến, suy nghĩ riêng mà tạo ra cái mỏ thật dài, dài lắm các bạn. Gõ kiến của Bảo Thành và gõ kiến của các bạn đã đào bới ở trong thân của mình những hố sâu của tội lỗi để dung dưỡng, để phát triển và tồn tại trong những điều bất thiện. Để rồi tự thân của chúng ta rỗng tuếch, để cho loài sâu bọ chui vào phá hoại cả cuộc đời. Gõ kiến của Bảo Thành và gõ kiến của các bạn nhất định phải biến thân một lần để trở thành vầng trăng tròn trong đêm tết nguyên tiêu, rằm tháng giêng. Nhìn rõ đúng và sai đừng tạo ra cái mỏ quá dài để đào, để bới, để khoét vào sự sống của chính mình; hoặc là khoét vào sự sống của những người khác làm tổn hại mình và tổn hại người. Không thể mang thân người mà có cái mỏ gõ kiến, đục, khoét, xấu lắm, không hay.
“Bình An Nơi Đây” là trở về với chánh niệm hơi thở. Thiền Mật song tu, chánh niệm hơi thở từ bi quán Mu A Mu Sa chỉ là một pháp phương tiện và chỉ phù hợp với ai có phước báu và nhân duyên. Và trong sự thực hành Thiền Mật song tu, hơi thở chánh niệm từ bi quán giúp cho chúng ta – loài chim gõ kiến, có thể cắt trụi cái mỏ dài khoét vào sâu trong lòng của những người khác để bới rác rưởi, giết chết họ; hoặc khoét sâu vào trong lòng của ta để tự giết chết bản thân của mình. Để trở thành một con người sáng như trăng đêm rằm tịch tĩnh sau khi trải qua vô lượng kiếp ngày tháng của những khuyết điểm u tối, lầm than, ác độc của chính mình. Đức Phật dạy tu là sửa mình, ta phải sửa mình, Bảo Thành sai đã quá nhiều, các bạn sai cũng chồng chất thành núi. Chúng ta phải hợp tác với nhau trong sự đồng tu nhận rõ, khích lệ, sách tấn, nương vào bóng từ bi và đón nhận năng lượng tình thương của Phật để trỗi dậy, đứng dậy. Ngày đầu xuân, tết nguyên tiêu, ngày đầu mùa người nông dân bước xuống ruộng để gieo trồng mầm sống mới. Ngày hôm nay, chúng ta cũng phải cắt cái mỏ của chim gõ kiến đi, đừng cứ đào bới vào thân và sự sống của người khác hoặc của mình để giết chết họ. Mà chúng ta hãy xắn tay áo lên một lần dưới ánh trăng rằm của đêm tết nguyên tiêu, rằm tháng giêng, bước xuống thửa ruộng chân tâm của cuộc đời, miền đất tâm của chúng ta gieo vào đó mầm sống, mầm bình an ngay chỗ này, tại nơi đây, kiếp này.
Các bạn, ý nghĩa này chúng ta cần phải thấy rõ để thấy rằng bình an chẳng phải là một sự hứa hẹn của nhiều người thường nói về kiếp sau. Ngay kiếp này đây, sống không an thì kiếp sau chẳng an. Ngay kiếp này sống không bình an thì kiếp sau bình cái gì? Ngay kiếp này, lúc này, giờ này, nơi đây ta không sống thiện thì cầu thiện ở đâu? Ngay lúc này, chỗ này ta sống ác thì sự an lành và hạnh phúc tới chỗ nào? Thật là vô ích, trái chiều, không đúng. An lúc này, an đời này, đời sau an – hai đời đều an. Thiện đời này đời sau thiện – hai đời điều thiện. Làm phước lúc này, phước báu tới trong kiếp này, kiếp sau cũng được phước – hai đời đều phước. Phật dạy thật rõ, bỏ ác đi và hành điều thiện để tâm thanh tịnh. Người hành điều thiện tâm luôn thanh tịnh, người nói ác, người hành ác tâm luôn bất tịnh. Người có tâm bất tịnh là mặt trăng khuyết, tỏ lộ vùng tối của cuộc đời. Người đã bỏ ác hành thiện là vầng trăng tròn đêm rằm, là người biết tái tạo lại cuộc đời, biết dừng lại. Chuyện gì, việc gì cũng có tầm cỡ đừng vượt ngoài nó, vượt xa ranh giới, giới hạn tôn trọng nhân phẩm. Người theo Phật, Đức Phật dạy phải đối xử với chúng sanh bình đẳng tánh trí bởi chúng sanh cũng là Phật sẽ thành. Điều đó không sai và nếu như chúng ta không biết tôn trọng một vị thành Phật sẽ thành trong vô lượng kiếp sau, lấy gì để tôn trọng một vị gọi là Phật? Đó là sự phân biệt, ông Phật ta tôn trọng chỉ là ảo tưởng, còn ông Phật sẽ thành trong hằng hà sa số vô lượng kiếp sau, dù là xa lắm xa lắc xa lơ, xa khỏi bờ cõi tầm với của ta nhưng ít nhiều sự bình đẳng trong sự tôn trọng đó giúp chúng ta thành tựu được tánh thiện. Cho nên Đức Bồ Tát Phổ Hiền đã dạy: “nhất giả lễ kính Chư Phật”, là kính Đức Phật đã thành. “Nhị giả tán thán Như Lai” là tán thán những vị Như Lai, những vị Phật tương lai và công hạnh tu của từng người, phương tiện của từng người. Đức Phật giác ngộ, Ngài quán chiếu nhân duyên và thấy chúng sanh khác biệt nhân duyên, nên phương tiện để dạy chúng sanh chẳng gom về một mối như mãi võ sơn đông, đánh trống đánh chuông, la hét đầu đường xó chợ với mục đích là chỉ bán thuốc cầu lợi, cầu danh.
Chúng ta sống ở trên đời, ngày rằm tháng giêng nhớ về ngày tết nguyên tiêu, ông bà, cha mẹ của chúng ta đã từng làm những chuyện đó. Nay hiểu về Phật pháp, chúng ta nâng cấp để mang ý nghĩa Đức Phật dạy là ngày đầu mùa, ngày đầu tiên trong cuộc đời trở về với mảnh ruộng của miền đất tâm, ta minh xác thật rõ dưới ánh trăng rằm của bổn tánh Như Lai, của tánh Phật vốn có trong ta. Sau khi đã trải qua biết bao nhiêu ngày tháng năm dài của vô lượng kiếp đã khuyết trong vùng tội lỗi, nay trở về mạnh dạn nhận lấy vầng trăng rằm đó và gieo một mầm sống mới, mầm thiện trong miền đất tâm, trong ruộng phước tâm của chúng ta. Đừng như con gõ kiến biết lợi cho mình mà hại cả cây, đừng biến thành gõ kiến đào bới ruộng người tìm sâu, bắt bọ để nuôi thân mà hại cả cây. Chúng ta đừng vì lợi ích riêng của mình để thỏa mãn cảm xúc trong sân giận, sự đố kỵ, ghen tuông, sự chấp trược, tranh chấp, sự bất bình đẳng để thỏa mãn cảm xúc của mình. Để biến mình là người có cái mỏ gõ kiến đào bới lung tung, giết hại muôn người. Dù đó là kẻ cướp tội đồ vô song đi nữa, thì ít nhiều gì trong vô lượng kiếp sau thì kẻ ác kia cũng có cơ hội chuyển biến để thành Phật. Nếu giết chết họ thì người đó làm sao có cơ hội để thay đổi, thăng hoa thành Phật? Và ai là người có quyền giết chết người khác? Chẳng ai có quyền.
Khi chưa làm chủ được cuộc đời, chưa có chủ quyền với chính bản thân của mình, chưa có chủ quyền với hành vi nghĩa cử của mình, chưa có chủ quyền với ngôn ngữ của mình, chưa có chủ quyền với tư tưởng của mình, chủ quyền với đời sống của mình làm sao lại muốn lấn chiếm chủ quyền của người khác? Phải chăng ta đã tự phong mình là chân truyền đích thực của một chủ nghĩa tư tưởng nào đó, để được quyền phán xét ai đúng ai sai, ai sống ai chết. Đó là độc tài tư tưởng vốn có trong Bảo Thành và các bạn. Ta phải nhìn về chính mình để thấy được mình như thế để sửa, còn không thấy được mình sao thấy được người? Như năm người mù không thấy được bản thân của họ nên sờ voi chộp choẹt, phán xét lung tung. Năm người mù sờ voi các bạn đã nghe câu chuyện đó rồi. Chớ biến mình thành mù lòa đụng đâu nói đó, thấy đâu nói đó. Cái thấy của người mù là cái thấy trong tưởng tượng, trong ảo giác mà thôi. Cho nên đừng như người mù sờ voi, đừng như chim gõ kiến đào bới lung tung mà hãy đón nhận mình chính là vầng trăng có khuyết có tròn. Mà trải qua vô lượng kiếp khuyết trong vùng tối của tội lỗi bất thiện nghiệp, kiếp này có duyên được gặp Phật, giáo lý của Ngài truyền lại cho chúng ta qua các bậc thầy tôn kính. Hãy thành tâm đón nhận sửa chính mình, biến vầng trăng khuyết trong vô lượng kiếp thành vầng trăng rằm ngày tết nguyên tiêu, rằm tháng giêng. Để trở về ruộng tâm dọn đá để rồi nhổ gai, nhổ gốc, bón phân, tưới nước, gieo vào mầm sống mới cho mặt trăng rằm tỏ lộ. Để giữa đêm nguyên tiêu này, người người nhảy vui như ánh sáng trí tuệ của Chư Phật đã rãi năng lượng tình thương đánh thức ta trở lại một lần được sống thực sự, đừng để mình chết, và trượt dài trên xác chết, xác cô hồn, xác của thây ma. Mỏ dài như gõ kiến đào bới lung tung, khoét rỗng mọi thứ để phô trương. Chim gõ kiến thích phô trương các bạn, bởi nó nghĩ rằng cái mỏ nó khoẻ, nó có thể cày từ ngày này qua ngày kia, nó có thể mổ vào những cái cây gỗ cứng để mà đục khoét cho cây chết đi, với mục đích duy nhất là mượn cây để làm tổ nuôi thân. Chúng ta đừng biến mình thành gõ kiến, mượn đời sống sinh hoạt của người khác đào bới trong đó để nuôi dưỡng những tâm ý bất thiện của mình, được tô điểm và khoác vào những màu sắc chân tu, thánh thiện. Đời sống của con người, hành vi, tư tưởng, lời nói, mình có thể không nhận ra chính mình nhưng người đời không mù. Họ không thiếu kiến thức, họ có trí tuệ và khả năng nhận thật rõ.
Ở đời có câu: “thức đêm mới biết đêm dài, ở lâu mới biết lòng người thế gian”. Đường dài biết sức ngựa, chập choạng trong đêm tối, mới tới có một ngày, lù bù trong mộng du tưởng chừng đã biết, la cho thật to, nói cho thật lớn, phô trương cho thật bự để thiên hạ thấy được ta đúng người sai. Đó là tính ích kỷ, bon chen của những người đang lao mình trong cõi mộng du, mơ màng trong cặp mắt mù, tê liệt cảm xúc tình người. Trong con người với con người, cảm xúc yêu thương giữa nhân đạo xử thế ở đời chẳng có thì nhân nghĩa đạo đức căn bản đó, người quân tử, người đạo đức, con người bình thường chẳng thể sống được thì chỉ là kẻ tiểu nhân. Đã như vậy sao có thể trở thành người xứng đáng mang pháp Phật chứa đựng vào trong lòng trống rỗng, mà chẳng thể thực hành được.
Đạo lý của Phật là thân giáo, Bảo Thành và các bạn chúng ta phải thân giáo. Tức là đời sống của mình chứng tỏ Phật pháp, chứng tỏ như trăng rằm của đêm nguyên tiêu. Đừng mượn đời, cũng đừng mượn đạo mà mượn ngay thân kiếp của cuộc đời cha mẹ cho chúng ta ở nơi đây, sống thiện một chút để trăng bớt khuyết, sống giác ngộ một chút để trăng bớt khuyết, sống đầy đủ với thánh thiện để trăng được tròn trĩnh, vuông đủ.
Các bạn, bình an nơi đây tới từ ý nghĩa là ta phải ý thức để tu ngay bây giờ, ngay lúc này, tại nơi này, chỗ này, cuộc đời này. Tu sửa chính ta, ai sai ai đúng mặc kệ, mỗi người một nhân duyên, mỗi người một biệt nghiệp. Mỗi người có một nghiệp thức, mỗi người có những sự dẫn đưa đi đến vùng tối hoặc vùng sáng. Phật dạy hãy tự là ngọn đuốc thắp sáng mà đi, tự là ốc đảo của nguyên mình, chính mình. Ta chưa thể là ốc đảo của ta, ta chưa thể thắp sáng đuốc tuệ của ta để tự đi, ta cứ mò mẫm trong đêm tối tăm, mịt mù của vùng tối bất thiện, của bon chen, ghen tuông, độc ác của mình, quờ quạng như kẻ trộm. Làm như vậy có lợi lạc gì đâu? Không lợi lạc gì hết. Đời ta ta không sửa, an chỗ này chẳng có đời sau sao có an? Chỉ là thân ma quờ quạng trong đêm tối và phỉ báng phước báu của cha mẹ cho ta thân xác làm người mà chẳng ứng dụng thắp đuốc mà đi. Cứ mang dao mang búa, mang mỏ chim gõ kiến đục khoét vào đời người để làm gì?
Các bạn thân mến! Hãy cắt mỏ chim gõ kiến đi, hãy thúc luyện thân tâm trở về tự tánh thanh tịnh, nghe theo lời Phật thắp đuốc mà đi. Nay chẳng cần thắp đuốc bởi là đêm rằm tháng giêng, tết nguyên tiêu, mặt trăng trí tuệ của Đức Phật đã hiện lộ rõ trong cõi đời u tối của chúng ta. Hãy trở về miền đất tâm như người nông dân khiêm tốn, nhẹ nhàng, chất phát, chơn phương. Với tánh chơn phương như thế ta mới có thể phủ sạch được bụi trần, bon chen đánh phá nhau, gieo vào mầm sống mới và treo lên trên đầu ánh sáng trí tuệ, để thấy rõ từng mầm sống mới ta gieo vào miền đất tâm có phúc lộc cho cuộc đời của chính chúng ta. Để ngay bây giờ, chỗ này, kiếp này, và ngay trong hơi thở hiện tại chánh niệm ta sống bình an, chẳng chờ đến lúc chết, chẳng chờ đến kiếp sau – bình an tại nơi đây. Như câu trong cuộc đời thường nói: “bình an nơi người có lòng thiện tâm”, nếu chúng ta có lòng thiện tâm, chúng ta có sự bình an.
Rằm tháng giêng trở về chùa hay trở về cội tâm của mình kính lễ Chư Phật, nhớ ơn tổ tiên là để chúng ta tăng trưởng đời sống hạnh phúc, đời sống bình an, đời sống có ý nghĩa hơn, biết bao dung và tha thứ. Biết sống rộng hơn, mênh mông như ruộng đồng thẳng cánh cò bay. Biết sống trong miền đất tâm tịch tĩnh, sáng, trong như ánh trăng rằm tháng giêng, tết nguyên tiêu. Các bạn hãy sống trọn vẹn và ý nghĩa này để chúng ta được bình an ngay bây giờ và nhất định hãy trở về với từ bi quán chánh niệm hơi thở.
Hãy đặt bàn tay phải tượng trưng cho trí tuệ và lòng bàn tay trái tượng trưng cho từ bi vào với nhau, để chúng ta đi vào 07 biến từ bi quán chánh niệm hơi thở Phật ngôn Mu A Mu Sa.
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống muôn loài chúng sanh và gia trì Phật lực để chúng con có sự bình an tại nơi đây. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa (07 biến)
Mô Phật! Các bạn, chúng ta hãy nhớ rằng sống là sửa, sống là tu. Và sống là bình an ngay lúc này không đợi đến lúc sau. Chúng ta không phải tu để cho kiếp sau; hoặc tu để chờ giây phút gần chết gọi là giây phút quyết định – không có. Nhân quả thật rõ, tích lũy được ngay trong giờ phút này ta sống bình an thì giờ sau sẽ an, đời sau sẽ an. Hiện tại không an chết sao an, kiếp sau sao an?
Các bạn thấy không, trí tuệ nhận diện ra điều đó, từng giây phút theo lời Phật chánh niệm từ bi quán hơi thở, để từng giây giây phút trong cuộc đời ta sống an, an trong chính mình để lan tỏa sự bình an đó tới với cha mẹ, ông bà và người thân. Nếu không thể giữ cho ta được, ít nhất cũng đừng làm khuấy động đau khổ, phiền não, hoang mang cho người khác. Bình an cho ta là lan tỏa yêu thương đến cho mọi người, bất an nơi ta là ô nhiễm những chất nguy hại cực độc tới cho những người khác, chưa thể cứu mình không thể cứu người. Hãy tự cứu mình, hãy tự mang đến sự bình an cho chính chúng ta.
Ngày rằm tháng giêng, ngày thay vì chúng ta cúng sao giải hạn, ta đi cúng kiếng cầu an thì Pháp Phật dạy thật rõ, để có được sự bình an và giải hạn, chẳng phải cúng ông sao trên trời như những thiên thạch vô tri vô giác, và rồi những cái hạn đó tới do bất thiện nghiệp của chúng ta tạo ra là đi cúng ông sao, Phật dạy không. Cúng sao giải hạn hoặc cúng cầu an phải bằng hành động thật rõ theo lời Phật dạy qua mười điều thiện. Thay vì ta đi bỏ tiền dâng sớ cầu an, cúng sao giải hạn, nếu có ta hãy mang tịnh tài đó bố thí cho những người nghèo, người bệnh, người mồ côi, người già neo đơn, người phong cùi, những người thiếu may mắn trong cuộc đời, làm phước, là việc thiện. Đó chính là giải nghiệp ác nhiều đời của chúng ta hữu hiệu nhất. Bởi ngôi sao trên trời chẳng làm được điều đó mà ngôi sao sáng ở cõi lòng nhân ái có những hành vi, nghĩa cử thực tế, san sẻ yêu thương chính là chuyển hóa những nghiệp thức bất thiện ta đang tạo ra bởi đó ta gọi là bố thí. Chẳng phải mang đến chùa cho chùa; hoặc cúng dường cho quý thầy quý cô mà hãy mang đi làm việc thiện giúp đời trực tiếp hoặc gián tiếp. Giải hạn, cầu an, cúng sao chi bằng ta đi phóng sanh nếu có cơ hội. Cho nên từ thiện và phóng sanh là hai pháp thực tế mà mỗi người có thể làm tùy theo phương tiện và khả năng của chính mình. Để mang lại sự bình an cho chúng ta đó là cầu an, để chuyển hóa những ác nghiệp của chính ta, đó chính là giải sao hạn trong rằm tháng giêng.
Hãy làm những việc này với ý nghĩa cao cả. Nhìn chính mình, hiểu được mình, rõ chính mình, thấu được mình, hiểu những điều ác ta đã làm, rõ những điều ác ta đã làm, biết những điều ác ta đã làm – buông, sám hối. Và thấy rằng trong ta, sau những kiếp qua khuyết trong vùng tối như ánh trăng rằm nay đã tròn như rằm tháng giêng. Bổn tánh thiện vốn có Phật đã khai thị hòa mình dung thông với sự sáng của trăng rằm, tự thắp đuốc đứng dậy soi sáng mà đi. Đoạn tuyệt với cái mỏ chim gõ kiến quá dài đục khoét hại người. Sống chân thật chính là mang lại sự bình an cho chính chúng ta. Nếu ta tâm an thì thân an, thân an thì miệng luôn nói những lời an cho mọi người. Ta luôn biết tỏ lộ những ngôn ngữ an lạc cho mọi người, tư tưởng luôn luôn phát ra những tư tưởng an lạc. Miệng của ta nói những ngôn ngữ thô ác, tay ta viết những ngôn từ ác độc, tư tưởng khởi lên những sự bất thiện chính là thể hiện sự bất an. Ai bất an rằm tháng giêng sám hối cầu an, cầu an bằng cách làm thiện, phóng sanh. Thiện cho chính mình và phóng sanh là giải phóng mình khỏi những điều sai trái, đừng đắm mình trong vùng khuyết của bóng tối mà hãy đưa mình dưới ánh trăng rằm tháng giêng để tỏ lộ dưới ánh minh tuệ của Đức Phật. Đức Phật là bậc giác ngộ, Ngài dạy tình yêu thương, tha thứ, bao dung. Không thể để cho người ác làm cho ta ác, nếu ai đối xử ác với các bạn, nếu ai đối xử ác với Bảo Thành, hãy cố gắng học sự bao dung và tha thứ. Theo Phật là học bao dung, tha thứ và theo Phật không thể để cho người ác đối xử với mình biến mình thành kẻ ác. Người xấu đối xử với mình biến thành người xấu, để rồi môi miệng của ta trở thành chim gõ kiến đào bới lung tung, khoét rỗng lòng người.
Các bạn, tu là sửa mình chẳng sửa người như ánh trăng rằm trải qua bao nhiêu thời khuyết. Hãy sống chân thật với ý nghĩa cao cả, nếu thật sự ta là con người.
Hãy đặt bàn tay trái trí tuệ và bàn tay phải từ bi với nhau, mời các bạn.
Thưa phật! Qua bao nhiêu ngày tháng đắm mình trong vùng khuyết u tối của tội lỗi, nay rằm tháng giêng, mặt trời trí tuệ, ánh trăng giác ngộ đã soi rọi. Nguyện trở về với chánh niệm từ bi quán chánh niệm hơi thở để sống bình an tại nơi đây. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.
Chúng con nguyện một lòng hơi thở chánh niệm từ bi quán để ngay đây, đời này, kiếp này có được sự bình an trong đời sống. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.
Thưa phật! Không thể có trăng rằm mà không trải qua những ngày trăng khuyết, cuộc đời không thể hoàn thành tốt đẹp nếu không trải qua những tháng năm sai trái, tội lỗi, chẳng ai hoàn hảo. Chúng con nguyện hoàn hảo cuộc đời của mình trong chánh niệm hơi thở từ bi quán. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.
Thưa phật! Bao nhiêu kiếp qua cha mẹ đã cho con thân xác này, con không sống như một thân người con của cha mẹ mà biến mình thành chim gõ kiến làm cho mỏ thật dài đục khoét vào cuộc sống của người khác. Nguyện trở về với chánh niệm hơi thở từ bi quán, sống thật làm người, bình an tại nơi đây. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.
Hôm nay trăng rằm tháng giêng, con trở về miền đất tâm của mình để khởi đầu cho một mùa vụ mới, gieo trồng mầm sống thiện. Nguyện một lòng chánh niệm hơi thở từ bi quán để mầm thiện được gieo trồng trong đất tâm. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.
Chánh niệm hơi thở từ bi quán để thở ngay trong chánh niệm tại nơi đây, lúc này, kiếp này con sửa mọi lỗi lầm để có được sự bình an, chẳng chờ đến lúc chết hoặc kiếp sau. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.
Thưa phật! Chúng con không biết nhiều nhưng chỉ biết sống bình an ngày nơi đây, chỗ này trong chánh niệm từ bi, xin cho chúng con biết sống bình an, chân thật. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.
Các bạn ơi tu xong rồi, mời các bạn chắc tay vào hồi hướng công đức.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Mu A Mu Sa!
Chúng con sau nhiều ngày tháng bị khuyết trong vùng tối của tội lỗi, chấp kiến, tham-sân-si, nay đã sáng như đêm rằm, nguyện một lần trở về miền đất tâm gieo trồng mầm sống mới, có được bình an nơi tại nơi đây, xin Chư Phật chứng minh. Nguyện hồi hướng tới các nhà nguyên thủ quốc gia thành lập chính sách hòa bình cho thế giới. Nguyện cho tất cả các bác sĩ, y tá, y sỹ, nhân viên cứu trợ cứu tế chữa lành những bệnh nhận. Nguyện cho những nhà khoa học gia, ngành y, ngành dược chế tạo ra được vắc-xin (vaccine), thuốc trị bệnh. Nguyện cho những ai còn đắm chìm trong những miền đố kỵ, ghen tuông, chấp trược trở về với ánh trăng rằm đêm nguyên tiêu để sống bình an, thật sự tu sửa chính mình. Hồi hướng cho các hương linh theo thiện nghiệp mà tái sinh.
Xin Chư Phật mười phương từ bi chứng minh.