Bảo Minh biên tập
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Sư Cô, cùng các bạn đồng tu ở trên kênh youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chùa Xá Lợi.
Đã tới giờ chúng ta đồng tu, mời các bạn quy hướng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Mu A Mu Sa!
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điện đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.
Các bạn, xin hãy đặt bàn tay phải và bàn tay trái vào với nhau, lấy từ bi và trí tuệ chúng ta cùng đi vào 07 biến từ bi quán – chánh niệm hơi thở Mu A Mu Sa. Khi hít vào các bạn hít thật chậm vừa với sức của mình, hơi thở đi xuống bụng từ mũi phình bụng ra. Khi thở ra hóp bụng vào và đồng thời trì Phật ngôn Mu A Mu Sa. Dùng tánh thấy và biết để chúng ta quán chiếu mọi hiện tượng xảy ra với thân và tâm của ta. Cứ trụ vào trong hơi thở chánh niệm từ từ nhẹ nhàng, mỗi người chúng ta sẽ cảm ứng được năng lượng tình thương của Phật tác động vào thân – tâm. Với lòng thành kính chúng ta hãy đón nhận.
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa (07 biến)
Mô Phật! Các bạn thân mến, cuộc sống này đây đầy rẫy biết bao nhiêu chuyện ngang trái, rồi những chuyện thuận nghịch, vui buồn, sướng khổ luôn tới với mỗi người chúng ta. Dù các bạn muốn hay các bạn không muốn, những chuyện đó vẫn luôn luôn xảy ra, cuộc đời là như vậy. Nếu các bạn để ý thì những sự việc trái chiều xảy ra trong cuộc đời hình như có một điều gì đó nó thúc đẩy chúng ta cứ sấn tới phía trước. Và rồi chúng ta hành động một cách vô thức không tự chủ, cái kết là sự việc thêm tồi, thêm xấu, không như ý, gây tai hại. Chữ mà người ta thường dùng ở trong cuộc đời đó gọi là “hăng”, dân thường gọi là “hăng máu”. Khi xảy ra sự việc chúng ta quá hăng, có một lực, có một sự thúc đẩy thì thầm trong tâm đẩy ta tới phía trước và rồi ta cứ làm những chuyện như thế, sau khi xảy ra ngồi suy nghĩ lại hối hận. Mỗi một người chúng ta phải suy nghĩ bằng những sự trải nghiệm thực tế của cuộc sống, để rút tỉa cho mình những bài học kinh nghiệm xương máu. Nếu chúng ta có đầy đủ phước báu được hướng dẫn, biết được việc đó để ứng dụng ngay ta sẽ không phải trầy vi tróc vẩy, trần ai khoai củ, lăn lộn vào để có sự trải nghiệm. Mà sau cuộc trải nghiệm đó ta bị tang thương, có nhiều người có thể không đứng vững sau sự trải nghiệm để học được một bài học. Vậy nên, cổ nhân nói học được của những người đi trước là một phước báu, nhìn thấy những tấm gương tốt đẹp trong cuộc đời cũng là một loại phước báu cao quý. Nhận ra giá trị kinh nghiệm của người xưa lại là một sự phước báu tột cùng. Nhưng ở đời khi tuổi còn trẻ, ta hăng máu ít khi nào muốn tiếp nhận kinh nghiệm người xưa, cứ muốn mày mò để đúc kết kinh nghiệm của bản thân làm cho hao tổn thời gian, sức khỏe và tuổi trẻ. Thay vì ứng dụng kinh nghiệm người xưa ta sẽ thành công nhiều hơn, nay ta cứ mần mò để khi có được bài học đó nhìn lại một thoáng mấy mươi năm trời đã trôi qua.
Với chủ đề “Tiếng Nói Lương Tâm”, ở trong tinh thần của Phật pháp tất cả mọi ngôn ngữ được sử dụng như một phương tiện dẫn ý. Để đưa chúng ta tới sự hiểu biết được một đề mục, một điều gì đó để khai thông kiến thức, để thấu được lý lẽ đó mà thực hành sống cho an vui. Ngôn ngữ không thuộc một hệ phái, tông phái, tôn giáo, con người, vùng miền, nó chỉ là ngôn ngữ chế tạo, ứng dụng để chúng ta trao đổi với nhau. Tiếng nói lương tâm, hai chữ “lương tâm” hình như có ai đó đã tóm gọn như chủ quyền của ngôn ngữ thuộc về một tôn giáo hay của một nhóm người nào. Hôm nay, Bảo Thành và các bạn tạm mượn dùng hai chữ “lương tâm” và cùng nhau chia sẻ về tiếng nói lương tâm theo chiều sâu suy nghĩ của lời Phật dạy vào cuộc đời. Có người gọi là có lương tâm, hay cũng có người chúng ta thường hay nói là người vô lương tâm. Lương tâm tức là người có tâm thiện, người vô lương tâm là người có tâm ác. Thiện – Ác được chuyển ngữ theo những văn tự khác biệt để chúng ta diễn giải rộng hơn, để không còn bị dính mắc trong ý nghĩa của ngôn ngữ, không mắc kẹt. Cho nên nhiều chủ đề các bạn gửi về mang những ngôn ngữ mặc định chúng ta diễn giải để hiểu thấu. Người có lương tâm là người đó có tiếng nói thì thầm ở trong tâm để trợ lực, giúp đỡ nhận ra sự việc. Người có tà tâm, người vô lương tâm cũng có tiếng nói thì thầm ở trong tâm nhưng thúc dục, xô đẩy để làm việc sai trái. Các bạn nói nếu như vậy nghe được tiếng nói ở bên trong thì giống bị khùng sao thầy? Ta dùng ngôn ngữ đó, bây giờ suy diễn một chút để có sự hiểu thấu, để ứng dụng vào tiếng nói lương tâm của mình ta thấy rất là hay.
Trong thần thức của ta, tức là trong tâm của chúng ta có hai phần “Thiện” và “Ác” thật rõ, nó lưu trữ và nó truyền lưu từ quá khứ đến ngày hôm nay. Nếu chúng ta nhìn thật kỹ, quán chiếu thật sâu nhất định mọi người sẽ nhận ra trong cuộc đời hiện tại của ta, tâm của ta lẫn lộn giữa thiện và ác. Tâm thức của ta truyền lưu từ muôn đời đến nay theo dòng Thiện nghiệp và Ác nghiệp, gọi chung là Nghiệp Lực. Thần thức của ta nó chứa cả ác lẫn thiện, thông tin của ác và thông tin của thiện. Mà người xưa dùng hai chữ đơn giản hơn là ở trên vai bên phải ta có Thiện thần, vai bên trái ta có Quỷ ma. Để khi ta làm sai, quỷ ở trên vai trái nó hay xúi dại ta, cám dỗ, xúi giục đẩy ta tiếp tục. Nhưng khi ta biết lắng đọng tâm hồn thì vị Thiện thần bên vai phải thường hay nhắc nhở ta. Đó là cách nói của người xưa nhưng rồi ta cứ nghĩ hình như trên vai có hai vị thầy Thiện – Ác, Thiện thần và Ác quỷ. Đó chỉ là cách nói, chúng ta phải đi sâu vào cách nói của người xưa, không bị dính mắc, mặc định theo chiều hướng tư duy như có một cái ngã nào đó tồn tại nhắc nhở. Ta nên hiểu rằng lương tâm của ta là những thông tin, dữ liệu của dòng nghiệp thức chí thiện, thiện lành ta đã tạo ra. Nó được lưu giữ trong tâm của chúng ta và tái sanh cùng với ta trong kiếp này. Tà tâm của ta tức là vô lương tâm, tâm tà, tâm xấu cũng được lưu truyền tới kiếp này đang tàng trữ trong tâm của chúng ta. Tạm gọi ta có hai cái mầm: mầm Thiện và mầm Ác, mầm có lương tâm và mầm vô lương tâm. Chỉ cần có cơ hội, thời tiết, môi trường, điều kiện phù hợp chúng sẽ nảy mầm. Nếu chúng ta đặt để mầm ác tức là mầm vô lương tâm vào điều kiện môi trường sống, điều kiện giao tế, sinh hoạt hằng ngày phù hợp chúng sẽ mọc lên và làm chủ cuộc đời. Còn nếu chúng ta đặt để mầm thiện, mầm lương tâm vào đúng môi trường của cuộc sống thì chúng cũng nảy mầm. Chữ “lương tâm” ở đây là có Tà tâm và có Chánh tâm, có lương tâm tốt và có vô lương tâm, câu đó ta thường sử dụng trong cuộc đời, “ôi, người này thật là vô lương tâm, làm chuyện sai như vậy mà cứ làm”; hoặc là “người này thật có lương tâm, buôn bán ngay thẳng”. Câu đó hay sử dụng, cho nên người có lương tâm là người có tâm thiện, người vô lương tâm là người có tà tâm, là người có tâm ác.
Tất cả những Thiện nghiệp và Ác nghiệp được tạo từ kiếp trước, lưu truyền tới kiếp này trong tâm thức của ta bằng nguồn năng lượng. Và đúng, các bạn trải nghiệm trong cuộc sống khi có những chuyện trắc trở, phiền não, đau khổ thì tự nhiên trong đầu của mình hình như có những tư tưởng thúc đẩy chúng ta. Nó thì thầm nói và nó thúc giục chúng ta không kiềm chế được và vô thức không chủ động để lao đầu vào những việc sai. Nhưng rồi khi tối về chúng ta ngủ, chúng ta tịch tĩnh một chút, nằm xuống thì nghe được tiếng nói của lương tâm. Tức là những tư tưởng thiện lành trong tâm thức bắt đầu nó nhả ra, xoa dịu những sự ức chế, buồn phiền, đau khổ. Và nó nhả ra những thông tin theo những thể loại như tư tưởng, suy nghĩ qua tiềm thức để nhắc nhở ta. Vậy nên trong cuộc đời ta hay thường tự vấn lương tâm, tức là tham quán, quán chiếu lương tâm – tánh thiện, để nương vào lực thiện vốn có của ta làm nền tảng vững chắc, để đương đầu với thử thách, chuyển hóa khổ đau. Cho nên ngôn ngữ lương tâm chính là ngôn ngữ, nếu dịch cho rõ ra thì đó là năng lượng thiện đã tích trữ được từ nhiều kiếp. Và năng lượng ác, vô lương tâm cũng có trong đó. Nếu ta biết ứng dụng, kích hoạt năng lượng thiện tức là thúc đẩy lương tâm của ta hoạt động đúng, ta có lợi vô cùng, đây là một cách thiền. Quán thiện tức là quán lương tâm, niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm thiện (“thiện” là thiện tâm, tánh thiện). Quán tánh thiện tức là quán lương tâm, chúng ta để cho mình có thời gian để cho lương tâm, tánh thiện có cơ hội môi trường phù hợp, hoạt động để nó kích hoạt trỗi dậy. Đây là phép quán, gọi là quán thiện; hoặc là niệm thiện mà bây giờ ta dùng từ gọi là “Quán lương tâm”.
Khi chúng ta biết quán lương tâm thiện của mình thì lương tâm của chúng ta như người bạn thân, sẽ có một năng lượng dồi dào hơn chuyển ngữ thành tư tưởng, chuyển ngữ thành những lời nhắc nhở để chúng ta biết dừng lại trước vực thẳm của tội lỗi, của sự cám dỗ, của sự tha hóa. Và cách sống người xưa, ông bà thường nhắc hãy luôn giữ cho lương tâm của mình được thanh tịnh. Và làm việc phải có lương tâm, tức là giữ tâm thanh tịnh thì có tánh thiện hài hòa trong cuộc sống. Tiếng nói lương tâm thực sự có, nếu các bạn giữ được hơi thở vào ra, chánh niệm quán chiếu lương tâm của mình, các bạn sẽ có sẽ có được sự đồng hành gần gũi với tánh thiện vốn có nhiều đời các bạn đã tích lũy được. Kích hoạt được chúng và mang chúng ứng dụng vào đời sống sẽ tốt đẹp vô cùng bởi đó là những thứ ta đã có. Từ những sự thiện ta có được kích hoạt, phối hợp trong những hành động trong cuộc sống, suy nghĩ trong cuộc sống, ngôn ngữ ứng dụng trong cuộc sống, ta lấy tánh thiện vốn có đó như nguồn vốn để tiếp tục tăng trưởng phước báu. Còn nếu chúng ta không khéo thiền quán lương tâm, mà để cho vô lương tâm chiếm ngự nó sẽ thúc đẩy và rồi lấn át cả lương tâm thiện lành của chúng ta. Vô lương tâm vốn có trong ta và có lương tâm cũng vốn có trong ta. Người khôn thì biết dùng lương tâm chân chánh để ứng dụng vào đời, người không được hướng dẫn, hiểu không thấu dễ bị năng lượng vô lương tâm chiếm đoạt, xúi giục, đẩy đưa để lao đầu vào chuyện sai, không có được Chánh Kiến để tư duy. Cho nên, tiếng nói lương tâm tức là năng lượng thiện của ta bắt đầu tiếp cận, và được kích hoạt trong tưởng thức hướng thiện để chuyển ngữ thành những điều nhắc nhở ta trong khi gặp những chướng ngại. Để ta có thời gian lắng xuống một chút, lùi xuống một chút để phối hợp, kết hợp nhịp nhàng với năng lượng thiện để làm việc. Chứ không xông pha ở đằng trước với năng lượng bất thiện, làm việc một cách mù lòa tăm tối.
Ngày xưa, khi Đức Phật đi giảng đạo cùng với Ngài A-Nan, đi tới một thành phố kia, Đức Phật bị một nhóm người chuyên môn chửi, phá phách (ngày nay gọi là nhóm giang hồ thuê mướn), được một người phụ nữ kia mướn. Bởi vì người phụ nữ đó không thích Phật, mướn một nhóm giang hồ trong thành phố đó đi tới cứ chỉ trỏ tay, chửi Đức Phật. Rồi nói những chuyện xàm số không có hay với Phật (người ta được thuê trả tiền làm chuyện đó). Đức Phật mới quay lại hỏi người đệ tử gần gũi rằng:
- Này A-Nan, ông có biết tại sao những người này chống đối, phỉ báng, chửi bới chúng ta không?
Ngài A-nan thưa với Phật rằng:
- Thôi, chúng ta hãy đi qua thành phố khác, thôn làng khác.
Chư Phật nói:
- Khoan, khoan! Chưa vội phải đi, hãy cho ta biết tại sao họ lại làm như thế?
Ngài A-Nan nói với Phật:
- Thưa Phật! Họ là những người không biết Phật pháp, chẳng thấu nhân quả, dễ bị người khác xui khiến làm những chuyện điên rồ sai trái, không tự chủ.
Và Phật nghe xong mới nói với Anan rằng:
- Vậy thì thầy trò chúng ta phải ở lại thành phố này để giáo dục cho họ.
Và rồi dưới sự giáo dục của Phật họ đã thấu hiểu, không làm nghề để được thuê đi chửi mướn, đánh mướn như giang hồ ngày nay trả tiền để đi hành hung người khác bằng vũ lực, bằng ngôn ngữ, bằng đủ mọi phương pháp.
Qua câu chuyện của Đức Phật đó, Đức Phật thấy nhóm người kia chưa làm chủ tinh thần nên dễ bị người khác lôi cuốn, lao đầu vào những sự việc gọi là vô lương tâm, tạo nghiệp. Thì vì lương tâm của bậc giác ngộ, với tâm thiện, Ngài không từ bỏ họ, Ngài vẫn ở đó để giáo dưỡng. Câu chuyện này sơ sơ nói tới sự vô lương tâm của những người xúi giục, những người không làm chủ được tâm, và người có lương tâm là bậc giác ngộ chẳng từ khước những người vô lương tâm mà vẫn ở đó để giáo dục họ. Chúng ta không nói tới rằng chúng ta có khả năng giáo dục người khác, nhưng ta phải nhớ chúng ta có khả năng để tự giáo dục mình. Khi Tà tâm – suy nghĩ một cách vô lương tâm trỗi dậy, chúng ta phải nhìn rõ để thấy được nguyên nhân tại sao tánh vô lương tâm của ta lại trỗi dậy như thế. Để vì điều ta chưa làm chủ được đó ta phải đứng lại bảo vệ chính ta, giáo dục chính ta bằng điều có lương tâm, có tánh thiện. Không thể bỏ đi làng khác, đi thôn khác, có nghĩa là không thể trốn chạy những sự việc đã xảy ra do ta tạo ra lầm lỗi. Hãy trực diện nó như Đức Phật trực diện nhóm người kia, thấu hiểu được căn nguyên đó và rồi mang lương tâm thiện lành của bậc giác ngộ giáo dục họ.
Chúng ta cũng thế, ở cuộc đời này ta có một phe của những tư tưởng vô lương tâm ở trong cuộc đời do chính ta. Những phe nhóm vô lương tâm, những tâm thức như vậy, tư tưởng như vậy, năng lượng như vậy thường bị kích động. Bởi ta chưa học làm chủ chúng, kích động bởi những người ở bên ngoài để rồi nó nhào ra nó phỉ báng chính ta, nó hại chính cuộc đời chúng ta. Chính lúc đó ta phải có can đảm dừng bước, nhìn thật rõ, nhận ra rằng những tư tưởng vô lương tâm của ta đó đã bị tác động bởi môi trường mà nó ngủ ngầm nay nó trỗi dậy, xông pha để phá phách. Thì ta phải nhận ra rằng ta có một năng lượng thanh tịnh khác gọi là có lương tâm, lương tâm nghề nghiệp, lương tâm của con người. Lương tâm của Phật tử là chúng ta phải lấy lương tâm thiện lành để chuyển hóa sự vô lương tâm của chính ta khi đang xảy ra. Đừng trốn tránh, đừng chạy lui, đừng bỏ đi. Người học Phật, Đức Thế Tôn dạy phải có lòng dũng cảm, trực diện với những cảm xúc, những năng lượng thiện hoặc bất thiện của ta, lấy năng lượng thiện, có lương tâm để chuyển hóa vô lương tâm. Người tu quán, quán thiện tâm, quán lương tâm là người luôn tiếp xúc, kích hoạt năng lượng thiện vốn có của ta để ứng dụng vào đời sống. Cho nên người có lương tâm như Đức Phật không phải chạy trốn, không bỏ làng khi gặp những chuyện bất như ý.
Ở cuộc đời này, khi các bạn gặp những chuyện bất như ý, những chuyện vô lương tâm mà chính các bạn đã tạo ra, các bạn hay chạy trốn, các bạn hay vùi đầu vào những chuyện sai thêm để mà phủ lấp nó. Không dám ngồi xuống trực diện, nhìn rõ một cách tỉ mỉ để tìm ra nguyên nhân rồi từ đó dùng lương tâm thiện lành chuyển hóa, xoay chuyển và thay đổi. Quán lương tâm – thiền quán lương tâm chánh niệm hơi thở giúp cho chúng ta phục hồi lại chức năng thiện lành vốn có, để chuyển hóa những điều bất thiện chúng ta đã tạo ra. Trên con đường học Phật, Đức Phật luôn sách tấn chúng ta, luôn khuyến khích chúng ta phải cố gắng làm chủ, thay đổi cuộc đời của mình đừng ỷ lại. Và phải dũng cảm nhìn thấu, nhìn rõ để hiểu được ta, nếu ta không hiểu ta, ai có thể hiểu ta? Nếu ta không làm chủ được ta, ai có thể làm chủ được? Nếu ta không cứu được chính ta, ai có thể cứu được? Đức Phật thật là hay, bởi Ngài có thể mang lại cho chúng ta một nguồn sống mới từ chỗ biết tự chủ, làm chủ để đứng dậy trưởng thành và thành công. Người biết xây dựng và nuôi dưỡng lương tâm thiện lành là người luôn luôn có thiện thần nhắc nhở mình trên mọi nẻo đường của cuộc sống. Người đó trước khi làm việc gì đều có sự cân nhắc, có những tư tưởng thiện lành luôn luôn hiện ra để tham vấn, để lắng nghe, để gạn lọc trước khi họ đi tới sự hành động; hoặc họ có những suy nghĩ và ngôn ngữ được ứng dụng. Cho nên người đó thường mang lại sự hòa hợp, an vui và hạnh phúc cho họ và cho mọi người.
Các bạn, tiếng nói lương tâm thật sự có. Các bạn cứ thử đi, các bạn thật bình tĩnh ngồi trên ghế hoặc ngồi ở một tư thế nào cũng được, nằm cũng được, thật nhẹ nhàng hít thở từ từ. Trong chánh niệm hơi thở, quán chiếu lương tâm của mình, cho phép lương tâm của mình có cơ hội được kết hợp, đồng hành cùng với suy nghĩ của ta, thì chúng ta sẽ nhận ra rằng những Thiện nghiệp, năng lượng thiện đời xưa ta tích lũy được hiện có trong kiếp này, như một vị cố vấn đạo đức – rất hay! Lương tâm của chúng ta là nhà cố vấn đạo đức xuyên thế kỷ, từ thế kỷ này qua thế kỷ kia, kiếp này qua kiếp kia. Vị cố vấn đạo đức lương tâm của ta luôn cận kề và tận tụy, sẵn sàng nhắc đỡ để giúp đỡ chúng ta vượt qua chướng ngại, thành tựu được pháp an lạc. Người biết làm việc với vị cố vấn lương tâm đạo đức kia là người khôn ngoan. Cho nên trước khi đưa đến một quyết định nào, bạn hãy trở về tịch tĩnh với hơi thở chánh niệm, diện kiến vị cố vấn đạo đức lương tâm của chính mình để sàng lọc trước khi đưa ra quyết định. Đừng vội vội vàng vàng như tuổi trẻ hăng máu đụng đâu làm đó, chẳng suy nghĩ để rồi tiếp ứng cho người cố vấn vô lương tâm hoạt động quá mạnh, xui khiến ta vào những con đường sai trái, không hay.
Hôm nay không phải là một chủ đề để nói chúng ta sống mà là chủ để để chúng ta đi vào sự thực tập. Thực tập như thế nào? Các bạn khi hít vào, thở ra trong Thiền Mật song tu Thất Bảo Huyền Môn, với hơi thở chánh niệm, Phật ngôn Mu A Mu Sa thật nhẹ nhàng, trầm đi xuống dưới đan điền khí hải, phình bụng và hóp bụng. Chính lúc tự tại, ngồi như thế, một phần ta tiếp nhận được năng lượng từ bi của Chư Phật, làm chất liệu dẫn đường cho vị cố vấn đạo đức lương tâm. Để hiển hình trong cuộc sống, trong hơi thở, để ta có thể trực diện tham vấn những sự việc ta đang muốn làm trong cuộc đời. Trong cách thiền để đi tới Phật ta phải rời bỏ tất cả, nhưng trong cách thiền của Phật tử tại gia ta rất cần sự tham vấn của vị cố vấn đạo đức lương tâm để hành xử trong công việc, trong giao tế, trong đối ứng, trong cuộc sống. Ta là Phật tử, ta chưa thể bỏ tất cả để thành Phật nhưng ta có thể sàng lọc để thành người con Phật sống an vui. Cho nên, hãy học cách thiền Thiền Mật song tu để có nhiều cơ hội tiếp cận với vị cố vấn đạo đức lương tâm. Để chúng ta có một đời sống chuẩn mực cân bằng, lấy lại sự thăng bằng cho sức khỏe, cho tinh thần và cho đời sống. Đừng để người vô lương tâm kia xâm nhập, hoành hành rồi làm chủ cuộc đời của chúng ta. Cho nên, những bất thiện nghiệp đã tạo ra một người vô lương tâm muốn tìm đủ mọi cách săm soi vào cuộc đời. Và những thiện nghiệp của kiếp trước cũng như kiếp này, đã tạo ra một vị thầy đạo đức có lương tâm sẵn sàng đồng lòng cùng với ta để nhắc nhở, để khuyên bảo, để dạy dỗ. Cho nên quán thiện tâm, quán tâm thiện lành, hay là niệm thiện, tức là quán lương tâm. Thiền quán lương tâm là chúng ta hít thở nhịp nhàng với Phật ngôn Mu A Mu Sa, với tánh thấy biết tiếp cận với lương tâm – năng lượng thiện, tánh thiện của chúng ta. Kích hoạt chúng để chúng có cơ hội hoạt động thực sự trong cuộc sống. Không chôn vùi để chúng ngủ ngầm nữa mà cần kích hoạt để trổ mầm sống chung với ta.
Ai biết kích hoạt vị cố vấn đạo đức lương tâm để đồng hành với cuộc sống, người đó luôn luôn có sự quyết định và làm việc trong đời sống này một cách khôn ngoan và mang lại hạnh phúc bình an cho mọi người. Người đó không vội vàng, người đó không nóng nảy, không bứt rứt chân tay, không thể quản thúc thân tâm mình để làm chuyện sai. Mà người đó luôn tịch tĩnh, an nhiên, biết đồng bộ, đồng tâm, đồng với mọi sự việc để lan tỏa tình yêu thương. Các bạn, tiếng nói lương tâm là có thật. Nếu các bạn biết thiền cho đúng, thực hành và thử, thí nghiệm, các bạn sẽ nghe sự thổn thức lương tâm mình, tiếng nói của lương tâm mình và sẽ tiếp cận được với vị cố vấn đạo đức lương tâm. Cho nên làm việc gì cũng cần phải có đạo đức, lương tâm đừng để người đời nói ta là kẻ vô đạo đức lương tâm, tức là người vô lương tâm. Điều đó vẫn thường xảy ra.
Hôm nay, chúng ta quán chiếu gọi là niệm thiện, tức là quán chiếu tâm thiện, niệm lương tâm, quán chiếu lương tâm của chúng ta. Hơi thở chánh niệm vào ra để cho lương tâm của mình được kích hoạt, hiển hiện trong cuộc đời tác động vào đời sống. Để chúng ta ứng dụng lương tâm thiện lành của mình đi vào cuộc đời làm Phật tử. Ta chẳng cần phải bỏ tất cả thứ gì, ở đời mà đều là phương tiện, chỉ cần tránh xa hình bóng, tư tưởng của năng lượng vô lương tâm tác động đến chúng ta. Và tiếp cận với vị cố vấn đạo đức lương tâm thiện lành là chúng ta đã ổn rồi, đã hạnh phúc rồi, đã thành công rồi. Phải từng bước các bạn, cuộc sống người Phật tử tại gia chúng ta cứ nhìn thật rõ bừa bộn lắm, nhiều thứ linh tinh, lỉnh kỉnh. Đụng đâu cũng kêu, đụng đâu cũng nhiều phiền não và đôi khi làm cho chúng ta mệt mỏi chán nản, không vững niềm tin, quên mất tự lực vốn có của mình. Cách tu Thiền Mật song tu với hơi thở chánh niệm – từ bi quán nuôi dưỡng được lương tâm thiện lành. Và kích hoạt được lương tâm của chúng ta hoạt động một cách tích cực hơn để hộ mệnh, hộ pháp, để bảo vệ và nhắc nhở ta trên con đường huân tu đạo đức của chính mình, rất có lợi cho cuộc sống Phật tử của chúng ta ngày nay.
Các bạn đừng cứ đeo đuổi, bắt lấy điều cao siêu quá. Hãy trở về thực tế, một đời sống đạo đức có lương tâm là một đời sống hạnh phúc. Nếu chưa đạt được đời sống đạo đức, có lương tâm thì chẳng có điều gì các bạn có thể thành tựu được. Và không đạt được đời sống đạo đức, có lương tâm thì các bạn đã sa vào đời sống vô đạo đức, vô lương tâm, tạo nghiệp. Vô đạo đức, vô lương tâm đó nó ở trong ta, nó là một phần đời sống của ta. Có đạo đức, có lương tâm cũng là của ta, của phần đời sống của ta. Ta có một sự lựa chọn khôn khéo để sống với nền đạo đức lương tâm vốn có nơi mình, để xây dựng tăng trưởng; hay ta sa đà, té vào trong chỗ vô lương tâm, vô đạo đức của chính ta. Trong ta có thiện có ác, có lương tâm vô lương tâm, có đạo đức và vô đạo đức, nó là của ta, là nghiệp của kiếp trước ta mang tới kiếp này hình thành nhân cách và đời sống của chúng ta. Ta được Phật khai thị, không bị lệ thuộc vào những gì mang tới bởi những gì mang tới chúng ta bởi trong kiếp này ta có khả năng chuyển hóa và ứng dụng một cách khôn ngoan hơn để những chuyện có đạo đức, có lương tâm được kích hoạt và tăng trưởng. Và để chuyển hóa những cái vô đạo đức, vô lương tâm để dần dần biến to thành nhỏ, biến nhỏ thành mất. Ta làm chủ được nó chỉ bằng hơi thở Thiền Mật song tu, Phật ngôn Mu A Mu Sa hít thở nhẹ nhàng, tịnh tâm một chút xíu nhường chỗ cho đạo đức, cho lương tâm của chúng ta, cho năng lượng thiện lành được thấy biết trong hơi thở chánh niệm đó hiện hình và chuyển hóa cuộc sống. Tương tác thực sự trong một hành vi, nghĩa cử, lời nói, suy nghĩ của ta, nhất định ta sẽ hạnh phúc.
Các bạn đi cầu hạnh phúc chi bằng trở về sống với nền đạo đức và lương tâm của chính mình. Nuôi dưỡng đạo đức của ta, nuôi dưỡng lương tâm của ta để tăng trưởng, có thêm phước báu và ứng dụng vào đời sống mang lại hạnh phúc cho ta và cho người. Đừng sống một cách vô đạo đức, vô lương tâm. Vô đạo đức, vô lương tâm và có đạo đức, có lương tâm nó đều ở trong ta, khôn ở chỗ ta biết lựa chọn cái gì để ta sống với. Đây chính là sự quyết định cho đời sống hạnh phúc hay khổ đau của chúng ta, bình an hay phiền não. Cho nên các bạn nhớ, hãy cố gắng tỉnh giác một chút, hãy cố gắng bình tĩnh một chút. Và hãy cố gắng cho mình cơ hội nhỉnh một chút thời gian trong cuộc sống biết ngồi xuống cho mình 5-10 phút trong ngày đồng tu với Bảo Thành. Để hít thở nhẹ nhàng chánh niệm từ bi quán Phật ngôn Mu A Mu Sa, để thúc và đẩy kích hoạt lương tâm, đạo đức của ta trỗi dậy. Khi ta có đạo đức, có lương tâm thì tiếng nói lương tâm sẽ bắt đầu vang vọng trong tâm thức, trong tưởng thức để nhắc nhở ta. Tưởng thức là một bộ phận rất cần nếu đi vào chỗ sa đà vô lương tâm, vô đạo đức thì tưởng thức đó sẽ gây nguy hại. Nhưng tưởng thức được kích hoạt bằng đạo đức, có lương tâm thì tưởng thức đó là cái máy để ứng dụng, chuyển tải, để sử dụng mang lại lợi lạc cho chúng ta. Với cái tâm mà không dính mắc, không bị sa đà vào điều vô đạo đức, vô lương tâm, chúng ta kích hoạt lương tâm, đạo đức của mình thì tưởng thức đó sẽ trở thành phương tiện vi diệu để hỗ trợ chúng ta. Trong tưởng thức khi được kích hoạt bằng đạo đức và có lương tâm sẽ giúp cho chúng ta nhận định cuộc sống tốt đẹp hơn. Tưởng thức là một phương tiện trong ngũ uẩn: ý-thọ-tưởng-hành-thức. “Ý” là một phương tiện cho nên Phật mới dạy, không phải loại trừ ý ra làm chủ ý. Cho nên, Phật nói ta làm chủ được ý bằng điều thiện thì muôn điều tốt đẹp tới, còn nếu ý của ta để cho điều ác xâm chiếm thì họa nó tới. Tưởng thức cũng vậy, nếu để cho điều vô đạo đức, vô lương tâm kích hoạt, ta sẽ hoang tưởng tạo nghiệp. Còn để cho điều đạo đức và có lương tâm kích hoạt, ta sẽ ứng dụng được tưởng thức như một phương tiện, như một tuyệt kỹ để tăng trưởng đời sống thiện lành của chúng ta. Các bạn hãy cố gắng hãy chăm sóc cho mình trong năm mới này để kích hoạt tưởng thức của ta bằng một nền đạo đức Đức Phật đã dạy. Để kích hoạt tưởng thức của chúng ta sống đúng với lương tâm người Phật tử, để đời sống Phật tử của chúng ta không tạo khổ cho nhau nữa mà có thể san sẻ tình yêu thương tới cho muôn người.
Hãy đặt bàn tay phải và bàn tay trái vào với nhau, chúng ta hãy cùng đi vào 07 biến từ bi quán Mu A Mu Sa.
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh, và gia trì Phật lực để chúng con biết lắng nghe tiếng nói lương tâm chính mình. Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa (07 biến)
Mô Phật! Một người sống có đạo đức và có lương tâm thì chúng ta luôn luôn biết thiền chánh niệm hơi thở – từ bi quán. Khi chúng ta sống mà có đạo đức, có lương tâm và biết lắng nghe tiếng nói lương tâm của chính mình, thì chúng ta qua Phật ngôn Mu A Mu Sa được phủ sóng điện từ, năng lượng yêu thương của Phật. Để có thể nghe được những lời giáo huấn của Phật trực tiếp qua lương tâm, đạo đức của mình bằng hơi thở chánh niệm. Chẳng cần phải cầu kỳ văn tự, chữ nghĩa chi nhiều, chỉ cần nhắc nhở cho một đời sống bận rộn trăm bề của một người Phật tử tại gia hiện tại trong cảnh sống này. Rằng phải luôn luôn gắn kết với một đời sống chuẩn mực đạo đức, rằng phải luôn luôn là người có lương tâm. Và trong từng hơi thở vào ra ta gắn kết với đạo đức, với lương tâm, với năng lượng thiện lành của Phật ngôn Mu A Mu Sa. Năng lượng tình thương của Phật sẽ thúc đẩy, sẽ bao trùm, sẽ kích hoạt để chúng ta sống thực sự có đạo đức, lương tâm rõ ràng. Như vậy là đã đủ cho một đời sống Phật tử tại gia, bận rộn năm, sáu, bảy ngày một tuần. Chỉ còn một chút thời gian lo cơm nước cho vợ, cho chồng, con cái, ngả lưng xuống ngày mai lại tiếp tục đi làm. Với những sinh hoạt bừa bộn trong kế sinh nhai, bảo tồn sự sống, ta nào có nhiều thời gian để tĩnh tọa ngồi yên. Nhưng với mỗi một giây phút trôi qua các bạn biết trở về với chánh niệm hơi thở, niệm thiện, quán thiện tức là quán đạo đức và lương tâm. Người có lương tâm, đạo đức là người luôn luôn sống an hòa và luôn luôn gần gũi với Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền mười phương. Người luôn được nhắc nhở bằng tánh thiện, bằng tánh đức hạnh, bằng lương tâm thiện lành của nền đạo đức vững chãi, người đó sẽ thành công. Người đó luôn bình an, người đó sẽ thoát được khổ, chuyển hóa được phiền não, người đó sẽ là bông hoa thơm ngát giữa cuộc đời trần ai này.
Các bạn, thật là cao quý khi các bạn thấu hiểu được phát thiền, niệm thiện. Quán thiện có nghĩa là niệm lương tâm đạo đức, có nghĩa là quán lương tâm, đạo đức. Chỉ trong một hơi thở chánh niệm từ bi quán của Phật ngôn Mu A Mu Sa, có chất liệu của năng lượng đạo đức, lương tâm. Chúng ta rất cần phải có lương tâm, đạo đức. Là người Phật tử sống trên cuộc đời này đừng để cho người ta; hoặc tự mình đặt mình vào một con người vô đạo đức, vô lương tâm. Chỉ có như thế đã đủ rồi, chỉ có như thế chúng ta đã bình đẳng với sự an lạc, hạnh phúc của Chư Phật rồi. Và từ chỗ có thể kích hoạt để sống có đạo đức, có lương tâm, tránh xa những điều vô đạo đức, vô lương tâm là chúng ta đã có một nền tảng vững chãi, xây dựng được ngôi nhà đức hạnh sau này để thành tựu được muôn điều kỳ diệu về sau. Nếu không có đạo đức và lương tâm chẳng thể làm được điều gì hết. Dù chúng ta có đánh bóng bằng kinh điển, kinh kệ, chuông mõ, pháp này pháp kia, nghe văn nghe đĩa mà chẳng thể sống được một đời sống Phật tử tại gia, một đời sống có lương tâm và có đạo đức thì những điều nhồi nhét, tích trữ kia cũng chỉ là trang điểm ở trên bờ biển. Để rồi sóng vỗ vào cát tan biến, cuộc đời này cũng chẳng có gì mang theo ngoài nghiệp của vô đạo đức, vô lương tâm mà thôi.
Hãy tự thúc đẩy mình sống cho có đạo đức, sống cho có lương tâm. Hãy đi vào thiền quán niệm thiện, quán thiện, quán lương tâm. Hãy đi vào hơi thở chánh niệm từ bi quán Thiền Mật song tu để ta sống có lương tâm, sống có đạo đức, trong những hành vi nghĩa cử, trong những lời nói suy nghĩ của ta phải luôn có lương tâm và đạo đức. Người Phật tử tại gia hành được điều này nhất định bệnh tật sẽ tiêu trừ, nhất định tinh thần sẽ trong sáng, nhất định sẽ có kiến thức và trí tuệ sẽ bừng sáng. Nhất định sau những buồn khổ trôi qua, niềm vui hạnh phúc sẽ tới để thúc đẩy cho trí tuệ, cho tuệ giác, cho sự an vui và hạnh phúc tăng trưởng. Trong cuộc đời rất thường là Phật tử của chúng ta, trong hiện tại của cuộc đời này, các bạn hãy cố gắng và tinh tấn.
Bây giờ, chúng ta đặt bàn tay trí tuệ và từ bi vào với nhau để đi vào 07 biến vi diệu âm Mu A Mu Sa từ bi quán – chánh niệm hơi thở.
Thưa Phật, chúng con biết một đời sống vô đạo đức sẽ tạo ra thật nhiều nghiệp, nguyện xin luôn chánh niệm hơi thở từ bi quán. Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.
Thưa phật một đời sống vô lương tâm sẽ tạo ra thật nhiều nghiệp chướng, chúng con nguyện luôn luôn tinh tấn trong từ bi quán chánh niệm hơi thở Mu A Mu Sa. Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.
Người sống có đạo đức là người luôn bình an, chúng con nguyện chánh niệm hơi thở từ bi quán. Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.
Người sống có lương tâm là người luôn tiếp cận với những điều thiện lành, nguyện xin luôn luôn chánh niệm hơi thở từ bi quán. Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.
Chúng con nguyện là người có lương tâm và đạo đức, tinh tấn tu học, thiền quán từ bi – chánh niệm hơi thở. Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.
Chúng con nguyện an trú trong chánh niệm hơi thở từ bi quán để nghe được tiếng nói lương tâm thiện lành thúc đẩy chúng con tiến lên trên con đường đạo đức. Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.
Nguyện xin mười phương Chư Phật luôn gia trì Phật lực cho chúng con để chúng con biết sống trong chánh niệm hơi thở, để trở thành người có lương tâm đạo đức, là người Phật tử luôn luôn tinh tấn trong cuộc đời này. Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.
Mô Phật! Ta đã tu xong rồi, mời các bạn chắp tay hồi hướng công đức.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Mu A Mu Sa!
Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật luôn ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh. Chúng con nguyện Chư Phật gia hộ cho chúng con biết lắng nghe tiếng nói lương tâm thiện lành của chính mình, để có một đời sống đạo đức và một đời sống có lương tâm. Xin hồi hướng công đức này tới các nguyên thủ quốc gia, để họ sống có đạo đức và lương tâm thành lập chính sách hòa bình cho thế giới. Hồi hướng cho các nhà khoa học gia ngành y, ngành dược chế tạo ra được vắc-xin (vaccine), thuốc trị bệnh. Hồi hướng cho các bác sĩ, y tá, y sĩ, nhân viên cứu trợ cứu tế chữa lành các bệnh nhân. Hồi hướng cho những ai còn đau khổ phiền não tìm được nguồn hạnh phúc và an vui. Hồi hướng cho các chư hương linh trong thiện nghiệp tái sinh cảnh lành.
Xin Chư Phật từ bi chứng minh.