Search

Bài 1300: Phật Ở Thật Gần – Thất Bảo#1 – Mu A Mu Sa

Bảo Minh biên tập

Mô Phật! Bảo Thành kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn đồng tu ở trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xá Lợi.

Tới giờ chúng ta đồng tu mời các bạn quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Mu A Mu Sa!

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.

Các bạn thân mến, từ bi quán chánh niệm hơi thở Mu A Mu Sa là Pháp môn phương tiện gắn kết chúng ta với mạng mạch năng lượng tình thương của mười phương Chư Phật. Ngay trong hiện tại, chúng ta có sự cảm ứng tương thông và cảm nhận được sự hiện diện của Phật trong đời sống của chúng ta.

Hãy bắt đầu bằng hơi thở. Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, từ bi và trí tuệ vào với nhau. Chúng ta đi vào 07 biến chánh niệm hơi thở và dùng tánh thấy biết lắng nghe những cảm xúc của thân, những suy nghĩ qua sự tương tác của các giác quan. Và mang năng lượng từ bi rải xuống các giác quan, cứ như vậy ta sẽ cảm ứng được năng lượng từ bi của Phật. Nguồn năng lượng thanh tịnh sẽ rung động chuyển xoay trong thân tâm, hãy để tự nhiên quán chiếu nhẹ nhàng.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh. Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa 7 biến)

Mô Phật! Các bạn thân mến, cuộc sống của con người luôn luôn xây dựng cho mình những ước mơ thật là cao. Và nếu tính trong cuộc đời ngắn gọn của mỗi người, ta có biết bao nhiêu những ước mơ, ước mơ lớn, ước mơ vĩ đại, ước mơ cao, ước mơ vượt tầm tay. Có bao nhiêu ước mơ mà ta có thể thành công? Chắc có lẽ trong đời người, chỉ một ước mơ của riêng mình mà ta thành tựu được, thành công được, điều đó đã đủ hạnh phúc. Nhưng ở trên đời không phải dễ dàng thành công với những ước mơ mà ta mơ ước nó vượt ngoài tầm tay, nó cao tận trời, nó rộng mênh mông mà ta nhìn không thấy.

Các bạn, trong xã hội đi làm việc, xếp lớn của ta thấy ta làm được một phần, làm được hai phần, ba phần, mười phần, mà chẳng bao giờ có một con mắt nhìn thấy khả năng của ta. Đôi khi ta có khả năng làm được 100 phần, nhưng chỉ giao cho ta một phần mà thôi. Mà đôi khi ta chỉ có khả năng làm một phần mà lại dồn vào cả trăm phần, làm cho ta mệt mỏi, đuối sức. Ở trên đời, hầu một việc lớn hay việc nhỏ tùy theo sức và khả năng của mỗi người chúng ta. Nếu nhận rõ được mình có khả năng như thế nào để ứng dụng vào đời sống phù hợp với kiến thức, kĩ năng, khả năng và sức mạnh, nội lực của tâm – thân ta, thì nhất định ta sẽ an vui, vượt quá ta đuối mà hạn hẹp quá ta tù túng. Phải biết được khả năng, kiến thức của chính mình. Người mà có thể nhìn ra khả năng, kiến thức của chúng ta không có mấy người ngoại trừ ta. Mà ta không nhận ra ta có khả năng, kiến thức như thế nào nhưng có một đấng nhận ra được đó chính là Đức Phật – bậc giác ngộ. Nhà Phật gọi là quán chiếu nhân duyên, tức là nhìn thấy nhân duyên của mỗi người, mỗi chúng sanh nên Đức Phật đặt để vào cho chúng ta và khai thị cho chúng ta những phương thức, phương pháp để ta bắt đầu đi vào con đường giải thoát.

Ngày nay, về ngôn ngữ diễn giải mặc định có chiều hướng xoay tròn bẻ ngang dọc. Cho nên, trước khi nói về vấn đề gì ta phải nói sơ qua cách ngôn ngữ ta sử dụng ứng được vào điều gì, còn không rất dễ bị bắt bẻ. Ví dụ như Pháp môn, chữ “Pháp môn” tức là phương pháp mà Đức Phật nhìn thấy nhân duyên khác biệt của mỗi người, để khai thị chúng ta đi vào con đường giải thoát từ góc độ đó. Nhưng ngày nay sự định nghĩa về Pháp môn, có thể nói Phật có đến 84 vạn Pháp môn có nghĩa 84 vạn cách khác nhau; mà Đức Phật dùng trong phương tiện hoằng pháp để sách tấn con người bước vào tìm hiểu giáo lý. Bởi căn cơ khác biệt, nhưng rồi nó lại được quy chụp, sửa đổi lại rằng 84 vạn Pháp môn chẳng có, bởi Đức Phật không dạy 84 vạn Pháp môn. Chữ “Pháp môn” hình như nó có đa dạng ngữ nghĩa tùy theo ngữ cảnh khác biệt. Ta không đi sâu để đào bới nhưng hãy đi vào hiện tại ngay bây giờ, là chúng ta thấy thật rõ Đức Phật tới với mỗi người chúng ta. Có người ở chợ gặp được Phật, gặp được giáo lý của Phật trong công việc buôn bán và mang giáo lý của Phật ứng dụng vào công việc buôn bán ở chợ. Nhưng ứng thị được lời của Phật vào trong công việc, có người làm việc ở trên đồng án, phải cày, phải cấy cũng thấy được Phật ở trên mạng, ở trên lúa, ở trên đồng, ở trên ruộng, trên nước. Cũng có người làm ăn buôn bán, thương gia họ cũng thấy được Phật. Có những người làm công nhân, quét rác giữa đường, làm cha làm mẹ, làm học trò, làm sếp lớn, bất cứ ai ở mọi sinh hoạt của cuộc sống đều có thể nhận diện được Phật trong cuộc đời và ứng dụng giáo lý của Phật vào mỗi một phần việc ta đang có trách nhiệm phải làm trong cuộc sống. Pháp môn có nghĩa là phương pháp Đức Phật tiếp cận, giáo lý Đức Phật tiếp cận, ánh sáng trí tuệ của Phật tiếp cận với mỗi người chúng ta theo một phương pháp khác biệt.

Có người thích văn chương, ngữ nghĩa cao siêu, huyền bí thì họ mới có thể tiếp cận được giáo lý của Phật, đó là phước phần của họ. Có những con người phải nghe giáo lý căn bản, ngôn ngữ chuẩn mực từng bước rõ ràng để họ đi vào con đường Phật Pháp, đó là phước duyên của họ. Có những con người đơn giản chỉ bái sám là đủ, là đã tiếp cận đến sự an lạc và có sự trải nghiệm về hạnh phúc. Lại có người chỉ tụng kinh, trì chú. Lại có người chỉ quỳ xuống nhìn tôn tượng của Phật Bồ Tát thôi họ cũng đã có sự trải nghiệm bình an và hạnh phúc. Có người nghe giảng, có người thực tập, có người gõ mõ, có người tụng kinh, có người thiền định thật sâu; hoặc là Mật – Thiền; hoặc là Thiền Mật song tu; hoặc là Tịnh Độ; hoặc nghiên cứu kinh điển, tuỳ theo phước duyên của mỗi người.

Chúng ta nhân duyên phù hợp sẽ hiểu được giáo lý của Phật theo trình độ và khả năng, phước báu hiện kiếp này ta đang có. Tuần tự và thứ tự, thứ lớp sau này. Thế nhưng ở trên đời không hẳn như vậy, các bạn cứ nghĩ đi, khi chúng ta xây nhà, chúng ta luôn luôn muốn xây đến tầng hai, tầng ba, tầng bốn. Bởi vì nhìn xung quanh người ta xây nhà cũng cao chót vót ở trên, nhà của ta nhất định cũng phải cao. Nhưng rồi ta xây ba, bốn, năm, sáu tầng đó, ta có ở hết các tầng đâu. Cứ loay hoay, lẩn quẩn ở tầng trệt mà thôi.

Bảo Thành đã đi hành hương ở Ấn Độ ba lần liên tục. Mỗi một lần như vậy từ một tháng trở lên. Có sự trải nghiệm thấy các người dân Ấn Độ dù thật là nghèo, xây nhà thậm chí họ không có tô xi măng, chỉ xây bằng gạch xếp lên thôi. Khả năng của họ chỉ có thể xây được một tầng, nhưng họ vẫn luôn luôn xây những cột sẵn sàng dư móc sắt đàng hoàng. Tức là luôn luôn có ước mơ, bởi vậy khi qua Ấn Độ ta luôn thấy nhà nào cũng lởm chỏm cột kèo ở trên để sẵn sàng cho tầng kế tiếp. Mà tô nhà thì không tô, xây dựng thì không xây dựng đâu vào đâu. Cứ dở dang suốt cả thế hệ đó để mong rằng có thêm lầu, thêm tầng. Đó là quan niệm sự sống của người Ấn Độ. Có lẽ là một phần do hoàn cảnh, ta không thấu hiểu được tâm ý của họ. Nhưng có thể nhìn thấy cách cấu trúc nhà cửa của người dân bình thường ở Ấn Độ xây lúc nào cũng dư. Bởi luôn luôn có mơ ước thêm một tầng, thêm một tầng và thêm một tầng.

Trên toàn thế giới, người ta học Phật cũng như vậy, chẳng bao giờ vững chắc trên nền tảng căn bản thật rõ. Tầng một chưa xây xong, ta đã ước được bắt cầu thang lên tầng hai. Vừa ngước lên tầng hai đã có cầu thang nối tiếp đưa ta đến tầng ba. Và ngước lên tầng ba chút xíu là có cầu thang đưa lên nữa để ngước lên tầng bốn, rồi ngước lên tầng năm, rồi ngước thẳng cổ lên trên trời chẳng nhìn ở trước mặt, đi cứ bị vấp vào đá rồi té bể đầu. Và người học Phật ngày nay ngưỡng cổ đỉnh đỉnh nhìn lên trời không nhìn phía trước, đi hay té. Có nghĩa họ chỉ mơ ước thành tựu cái cuối cùng, tột cùng là phẩm vị Phật cao quý. Nhưng chẳng thành tựu được những cái gì rất cần thiết trong ngôi vị Phàm phu là người với phước báu, căn duyên hiện tại. Họ bỏ qua tất cả để dệt mơ, dệt mộng tới những phẩm vị cao siêu, huyền bí bay bổng trên trời cao. Để suốt cuộc đời ngửa mặt lên trên trời ngắm những vì sao tinh tú, mơ ước ở một chỗ nào đó trùng trùng điệp điệp xa vời. Mà chẳng thực tế nhìn trước mắt, nên chập choạng trong cuộc đời lơ lửng như kẻ ở bên trên rồi chẳng biết phải đi về đâu. Cách học Phật như vậy ngày nay rất dễ bị rơi vào. Bởi chúng ta nếu chỉ căn bản giữ năm giới, người ta bảo: “tu mà chỉ giữ được có năm giới sao?” Nếu căn bản hiểu thấu được nhân quả người ta lại nói: “tu mà chỉ có nhân quả vậy sao?” Nếu mà chúng ta hành được mười điều thiện, quy y với Phật–Pháp–Tăng, thấu được nhân quả, hành ngũ giới, người ta bảo: tu mà chỉ có xoàng thế hả?”. Bởi vì người ta chạy rượt đuổi trong những khóa tu, người ta thích đắm mình ngồi nghe những ngôn ngữ vi diệu. Những bài giảng có thứ lớp cao siêu, mầu nhiệm, huyền bí. Nói đến những phương thức thượng đẳng nghe còn chưa sáng tỏ. Thế mà ngày nay tu, kinh thì chồng đầy ở đằng sau. Có nghĩa là nếu ngồi thì có cả hai, ba tủ kinh. Kinh là để đầy hết như những luật sư ở bên Mỹ.

Ngày nay, chúng ta tu kinh sách trang trí đầy hết từ nhà cho đến chùa, cho đến tịnh thất chỗ nào cũng kinh sách phải nhiều. Không biết có đủ thời gian đọc, học, nghiên cứu, hiểu thấu hay không nhưng ít nhất trong mỗi nhà phải có một tủ kinh Phật thật là nhiều. Để chứng tỏ rằng ta có nhiều kinh, điều đó hình như là một sự chạy đua về kinh dịch. Tức là dịch tích trữ kinh sách ở trong những cái tủ. Kinh dịch có nghĩa là sự tích trữ, cơn dịch của sự tích trữ kiến thức, tích trữ văn chương, tích trữ kinh điển, tích trữ nhiều sư phụ vào môi miệng để giới thiệu tôi có nhiều thầy. Nhiều chùa để giới thiệu tôi có nhiều chùa. Nhiều kinh để nói ra được nhiều kinh. Các bạn biết tích trữ là một điều rất nguy hại, tích trữ kiến thức Phật học, tích trữ kinh điển, tích trữ mọi sinh hoạt của Phật giáo mà không thông dù một chút xíu để hành thì vô ích. Học Phật không nên tích trữ mà học Phật cần phải thấu được nghĩa của một điều gì đó phù hợp với nhân duyên, căn cơ. Để ta thực hiện được điều đó, để rồi mở mang, tích trữ kiến thức, văn chương, kinh điển, chùa chiền, sinh hoạt Phật giáo. Mà không suy nghĩ, không tư duy, không có một cái nhìn chân chánh hiểu thấu để ứng dụng vào đời. Thật là uổng các bạn!  Chẳng khác gì người chỉ có đủ khả năng xây một tầng mà cứ vươn lên tầng thứ mười. Người chỉ có khả năng nhìn rõ đằng trước mà không nhìn ngẩng mặt lên trời, rồi cứ nhìn lên những tinh tú diệu vời. Rồi cứ để cho những tưởng thức bay bay bỏng, lơ lơ lửng lửng như người say ở cõi nào đó, phán ra những ngôi lời chính họ cũng chẳng biết. Nhưng họ vẫn nói đó chính là lời của thần linh.

Căn bệnh mà tích trữ kinh điển, giáo điều, căn dịch mà tích trữ kiến thức, tích trữ những kinh sách, tích trữ những truyền thống hầu như luôn luôn có. Là tôn giáo không phải để trang trí. Càng trang trí, càng tích trữ, càng trang điểm cuộc đời bằng tôn giáo, kinh điển thì ta càng xa Đức Phật. Đó là sự thật, bởi vậy mà trong bao nhiêu ngàn năm qua, khi Đức Phật viên tịch, nhập Niết Bàn, mấy ai còn nhận thấy Phật thực sự trong đời sống? Phật ở thật gần trong đời sống của con người, Phật không ở xa trên cung trời này, cung trời kia, Phật không ở quá khứ hai ngàn năm trăm sáu mươi mấy năm trước, Phật chẳng ở Niết Bàn, Phật ở thật gần trong đời sống thường của chúng ta. Ta phải thấy được Phật trong từng câu chữ của những câu kinh nếu ta có nhân duyên đọc qua. Ta phải thấy được Phật trong từng ngôn lời của những bậc Tôn Túc cao quý, mang lời Phật truyền dạy cho chúng ta. Chúng ta phải thấy được Phật trong những tôn tượng của Phật, Bồ Tát được tôn thờ trong các chùa, trong nhà, trong các thiền viện, ta phải thấy được Phật trong sinh hoạt của cuộc đời. Phật phải thấy ngay ở nơi đời sống của cha mẹ, vợ chồng con cái, xã hội, cộng đồng, công việc, sự tương tác, hành xử mỗi ngày. Ta phải thấy được Phật ở đó bởi thói quen ta luôn nghĩ Đức Phật phải là một đấng có sự hiện hữu của thân, của tâm; hoặc ít nhất của sự huyền bí giác ngộ cao siêu. Và dần dần ta đã biến Đức Phật thành như một đấng tương ưng với thượng đế, đấng thần linh, đấng cao quý. Trong khi Đức Phật nói có hằng hà sa số Phật, có thật nhiều vị Phật quá khứ và tương lai, hiện tại. Có thật nhiều, Phật không độc chiếm một ngôi vị là Phật và chỉ có Phật mà thôi, không có Phật thứ hai. Phật đã khai thị, Phật nói: “Phật là Phật, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Điều đó đã thấy Phật đã không độc bá ngôi vị là Phật, mà nói tới khả năng mọi chúng sanh đều có thể trở thành Phật. Vậy chữ “Phật” trong dân gian của người Phật tử rất bình thường trong đời sống này, phải hiểu đúng với ngữ cảnh, hoàn cảnh của cuộc sống chúng ta, Phật là sự tỉnh giác. Nếu chúng ta trong cuộc sống hằng ngày không bị mê lầm vào những ước mơ xa vời, vào những sự chấp thủ, vào những sự đắm chìm trong tham dục, ái dục, trong phẩm chất, danh vọng, địa vị, trong tình ái, trong mọi hiện tượng của cuộc đời. Mà luôn luôn tỉnh thức để biết ứng dụng toàn diện những phương tiện trong cuộc đời vào đời sống. Ngõ hầu mang lại hạnh phúc, bình an cho ta và cho người thì Phật chính là những suy nghĩ, ngôn ngữ của một người tỉnh thức. Và nhìn trong sự tỉnh thức của một cá nhân ta nhận thấy Phật không xa, Phật gần gũi với đời sống của chúng sanh. Phật trong hơi thở, Phật trong ánh mắt, Phật trong nụ cười, Phật trong vòng tay. Phật trong sự tương ưng tương ái, Phật trong sự sự thế ở đời, trong hãng xưởng, văn phòng. Phật ở những ngóc ngách của cuộc đời, ngỏ hẻm, xó chợ. Tất cả mọi nơi trong xã hội, chỗ nào cũng có thể thấy được Phật, Phật thật là gần, Phật là tình thương trong sự tỉnh thức.

Ta có Phật tánh , nếu chúng ta sống được với tánh Phật thực thụ của ta, tức là sống phải biết chan hòa yêu thương và luôn giữ mình trong trạng thái tỉnh, đừng mê. Thì mọi người sẽ nhận ra Phật thật gần trong ta và ta sẽ nhìn thấy Phật thật gần ở xung quanh cuộc sống của mỗi người. Môi trường nào chúng ta tới, chúng ta tiếp cận, chúng ta đều có cơ hội nhận diện ra Phật ở thật gần. Gần như ngày 30 Tết, ta thấy hương xuân thật gần, xuân đã về thật gần. Y chang như thế, nếu chúng ta có được Giới hương, Định hương, Huệ hương thì chúng ta qua hương trầm của Giới, của Định, của Trí Tuệ đó ta sẽ nhận diện ra Phật thật gần gũi trong đời sống của chúng ta. Để rồi chúng ta không nhất thiết phải xây những tầng lầu kinh điển quá cao, tích trữ vào đó mà chúng ta mang ra ứng dụng vào lời của Phật để phá mê. Người mà tỉnh thức sẽ luôn luôn thấy Phật gần gũi, người mê Phật hiện diện trước mặt cũng không bao giờ nhận ra Phật. Phật trong dân gian, Phật trong đời sống đời bình thường của Phật tử, là một vị Phật thật tỉnh thức.

Ở trong tâm của các bạn, người ta sẽ nhận ra Phật trong suy nghĩ của chúng ta. Người ta sẽ nhận ra Phật trong ngôn ngữ ta sử dụng hằng ngày. Người ta sẽ nhìn thấy Phật thật gần gũi trong cuộc đời khi họ nhìn thấy những nghĩa cử, hành vi, tạo tác của các bạn. Người ta sẽ nhận ra Phật thật gần trong sự sinh hoạt hằng ngày, đời sống của các bạn. Cha mẹ thấy được Phật trong các con, các con thấy được Phật trong cha mẹ. Nếu các bạn làm được điều này luôn luôn hạnh phúc. Phật không phải là một vị xa lắm, đã mất rồi hai ngàn năm trăm sáu mươi mấy năm trước để rồi ngày nay ta cầu. Không, nhiều người nói Phật đã ở cảnh giới nào rồi, khó thấy; hoặc Phật ở trong một quốc độ, hành tinh nào rồi chúng ta không thể liên lạc được với Phật. Nhiều ví dụ được nói Phật đã sinh về một hành tinh khác làm sao nói chuyện, cầu nguyện Ngài sao nghe, thì thầm Ngài sao biết, kinh điển đọc Ngài sao hay? Nhớ ngày nay ở trên mặt trăng, ở trên không trung người ta còn nói chuyện được. Và bây giờ lên tới Sao Hoả rồi, mà ở trên Sao Hoả và Trái Đất người ta còn truyền trao những thông tin cho nhau được. Đó là phương tiện khoa học, gọi là phát triển nhưng cũng chưa đi tới gọi là tuyệt kĩ đâu. Vậy mà thật xa ở trên Sao Hoả ta vẫn còn gắn kết để trao đổi thông tin, nói chuyện được qua làn sóng từ trường của điện tử.

Đức Phật qua làn sóng từ trường của năng lượng yêu thương vượt lên trên tất cả. Và năng lượng yêu thương đó có khả năng chuyển tải sự sống thực sự trong mọi giây, mọi phút của đời người. Nếu chúng ta thể nhập vào trong sự thanh tịnh, từ bi và trí tuệ của nhà Phật thì chúng ta có khả năng bắt sóng với Phật và nhận diện ra Phật đang hiện diện thật gần trong đời sống của chúng ta. Phật nơi cha mẹ, Phật nơi vợ chồng con cái, Phật nơi người hàng xóm, Phật ở trên lề đường, trong ánh mắt của người ăn xin. Trong đời sống của muôn vật, muôn loài, ta thấy được Phật. Phải thấy được Phật thật gần gũi trong cuộc đời, phải thấy được như vậy, ta mới phá vỡ được những mê tín dị đoan, sự lầm chấp. Vì sao? Thấy được Phật là thấy được sự giá trị của sự tỉnh thức, của sự tỉnh giác. Không thấy được Phật trong đời thường, không thấy được Phật trong cuộc đời, không thấy được Phật trong sinh sống hằng ngày là ta vẫn còn u mê. Người thấy Phật thật gần trong cuộc đời là người đã thấy được giá trị của sự tỉnh thức. Người đó luôn luôn có một niềm tin bất thối, bất động vào ba ngôi Tam Bảo: Phật–Pháp–Tăng. Người thấy được Phật trong mọi sinh hoạt trong cuộc đời là người luôn luôn hiểu thấu được nhân quả thiện ác mà Phật đã dạy qua luật Nhân Quả. Người đó sẽ lìa ác hành thiện, và khi họ đã từ bỏ ác hành được điều thiện, tin vào Tam Bảo, họ luôn luôn sống một đời sống tỉnh thức. Người đó lại hiểu thêm giá trị của các Giới, 05 giới Đức Phật trao truyền để giữ, để bảo vệ sự tỉnh thức của họ, không để cho năng lượng u mê, si mê xâm nhập, chiếm cứ. Nên cuộc đời của họ lúc nào cũng tươi vui, khoẻ mạnh, tịch tĩnh, an nhiên và tự tại. Người thấy được Phật thật gần trong đời sống và hiểu được Phật ở thật gần trong cuộc đời, người đó luôn luôn biết thiền định và trí tuệ, biết chánh niệm và từ bi, biết bình đẳng và luôn luôn mở rộng tất cả những hành vi, nghĩa cử, lời nói, tư tưởng của mình. Để Chư Phật hiện diện trong đời sống của họ. Người thấy Phật thật gần là người hiểu được mười điều thiện và tinh tấn làm những việc đó dù rất nhỏ, dù rất bé. Không cần phải lớn lao như tầng 10, tầng 20 xây cho nhiều. Chỉ cần xây dựng một sự nhận thức rõ trong đời sống, Phật ở thật gần trong mọi tạo tác, hành vi, lời nói, suy nghĩ của ta và suy nghĩ của những người đang sống. Thì chúng ta sẽ tôn vinh giá trị của đời sống tỉnh thức.

Hầu hết chúng ta mê, bởi chúng ta nào có thấy Phật ở gần chúng ta đâu. Mà không thấy Phật tức là mê, thấy được Phật là tỉnh. Suy nghĩ một chút xíu nghe các bạn. Ai không thấy được Phật ở thật gần trong đời sống, người đó là mê. Ai thấy được Phật thật gần trong cuộc đời người đó là tỉnh. Bởi Phật là ánh sáng, là ngọn đèn, trí tuệ là sự tỉnh giác. Nếu ta thấy được Phật hiện diện trong cuộc đời là thấy được mặt trời giác ngộ chiếu xuống cuộc đời – ta tỉnh, còn không thấy được điều đó – ta mê. Ta mê trong những lời nói, ta mê trong những dòng tư tưởng đắm chìm, ta mê trong những hành động vượt ngoài đạo đức nhân bản của con người. Ta phải thấy được Phật thật gần trong cuộc sống để khi chúng ta tương tác giữa người với người, ta hiểu được giá trị của con người đó và phước báu của ta có để gặp được người đó. Cho nên ta luôn tôn trọng giá trị được gặp nhau và đối xử với nhau bằng sự tỉnh thức không u mê. Để từ những tư tưởng nghĩ về họ, từng những lời nói trao đổi với họ, từng những hành động mà chúng ta tương tác với họ. Luôn luôn phải trong trạng thái tỉnh thức, tôn trọng, bình đẳng, trí tuệ, từ bi. Giữ được như vậy là người thấy được giá trị của cuộc sống qua sự tỉnh thức. Thấy được như vậy là người hiện diện trong cuộc đời bằng tánh Phật và sống bằng phẩm cách cao quý nơi phẩm tánh được gọi là Phật. Sống như vậy là người đã mang Phật đến cuộc đời thật gần gũi. Phật phải thật gần, Phật không thể ở quá xa. Như người con xa cha xa mẹ, sự chờ đợi, trông ngóng nó sẽ héo mòn đi dần dần và rồi nó có thể gục ngã trong cuộc đời và chết. Cho nên người con phải luôn luôn gần gũi với cha mẹ.

Chúng ta, Đức Phật là mặt trời trí tuệ, nếu chúng ta không thấy được mặt trời trí tuệ trong cuộc đời mà chúng ta thật xa thì chúng ta sẽ chết. Bởi không có ánh sáng, không có sự sống. Trí Tuệ của Phật là ánh sáng xuyên qua nước; hoặc xuyên qua không khí, xuyên qua không gian, xuyên qua những khe hở để đi vào vùng tăm tối, có thể là rất ít nhưng cũng đủ khơi dậy sự sống. Nếu không thấy được Phật trong cuộc đời dù ở những góc độ bình thường thôi, thì ta sống uổng phí kiếp người. Bởi sống mà chỉ chờ tới kiếp nào mới gặp được Phật, mới hiểu được Phật, mới thấu được Phật. Sống ngay trong kiếp này mỗi người chúng ta phải nhận diện được Phật ở thật gần trong đời sống của mỗi người. Phật ở trên bàn ta làm việc, Phật ở trên bàn của bữa ăn trưa, bữa ăn tối cùng với vợ chồng con cái, cha mẹ. Phật ở trong nhà bếp, Phật nơi công sở, Phật ở ngoài chợ, Phật ở ngoài đường, Phật trong chùa, trong đình, trong miếu, Phật trong nhà, trong tư gia, Phật trong lòng người của thế gian. Phật là tỉnh giác, khi nhận thức như vậy ta luôn luôn tự nhắc mình phải sống tỉnh thức. Ở trong ta đã thấy Phật thật gần trong cuộc đời. Đây không phải là cách nói tâm lý và làm cho ta bay bay – không! Đây là cách nói rất thực, rất rõ. Bởi Phật dạy chánh niệm hơi thở tức là ta phải thấy được Phật trong hơi thở. Phật là sự sống, Phật là mặt trời, Phật là trăng sao, Phật là tất cả, Phật là năng lượng từ bi trong mỗi hơi thở chánh niệm vào ra, quán từ bi, quán tình thương ta nhận thấy Phật trong hơi thở, Phật trong đời sống. Bởi đời sống của con người dài ngắn chỉ bằng một hơi thở và chỉ trong một hơi thở đó ta nhận ra Phật ở đó, ta là người đang tỉnh thức, chứ không phải là người ngủ, người mê, người đắm chìm trong mộng tưởng.

Các bạn, chúng ta phải thay đổi suy nghĩ mới như thế trong năm nay. Để nhận diện được Phật ở thật gần trong cuộc đời của chúng ta. Phật không xa, Phật không ở ngoài tầm tay. Có như vậy mỗi người chúng ta mới trân quý tất cả những ai ta có phước duyên tiếp cận với họ trong cuộc đời này. Có như vậy ta mới luôn luôn giữ mình trong 05 giới, ta mới luôn luôn thực hành nhân quả thiện ác của Phật, ta vẫn luôn luôn nương vào Phật–Pháp–Tăng, vị Thầy tự giác ngộ, giáo pháp của Ngài và sự hoà hợp của Tăng thân. Để trên con đường tỉnh thức đó ta có cơ hội tăng trưởng kiến thức về Phật học, ta có cơ hội tạo thêm phước duyên và phước báu. Để có nhân duyên gặp được những bậc minh tuệ, những bậc giáo thọ sư, những bậc Tôn Túc tôn quý, những bậc đại đức Tăng Ni, những bậc thiện tri thức để làm gì? Để ta được học hỏi, được tiếp cận và để quý Ngài trao truyền cho ta những lời của Phật qua tâm tỉnh giác của các Ngài. Rất quan trọng! Bước đầu như vậy cần phải thành lập, cần phải thành tựu một cách vững chãi. Đừng ngước mặt lên cao nhìn sao trên trời mà chẳng nhìn phía trước để rồi đi vấp và té. Cuối cùng kết quả là gì? “Ôi! ai làm điều đó gây tai hại cho ta, nghe quanh nghe quẩn rồi lại đi tìm các vị thầy pháp để mà giải hạn, giải sao, giải xui năm này năm kia”. Ta không nhìn ở đây, nhìn trên trời không à. Cuộc đời ngày nay người ta tu Phật người ta nhìn ở cõi nào không à. Mở miệng ra là nói cõi cao siêu nhiệm màu đâu đó, chứ không nói đến thực tế đang hiện hữu trong cuộc sống. Phật ở ngay trong cuộc đời. Ở ngay trong tâm của ta, trong lời nói của ta, trong hành động của ta, trong mọi sinh hoạt của cuộc sống ta phải thấy Phật ở thật gần.

Phật là sự tỉnh thức, Phật là từ bi trí tuệ, Phật là bình đẳng, Phật là yêu thương. Thể hiện được những cái tánh như vậy ta sẽ nhận diện ra Phật. Phật không bon chen, Phật không tranh chấp, Phật không đè bẹp, dèm pha, Phật không hơn thua, Phật không đẩy người ta té xuống sình lầy của cuộc đời, Phật không sát hại, đó gọi là u mê. Cho nên chỉ cần chúng ta nhận diện rằng lời giáo lý của Phật không xa vời trong cuộc sống này đâu. Nếu mỗi người chúng ta hiểu thấu như vậy, xã hội sẽ tốt đẹp, thế giới sẽ hòa bình, mọi người sẽ an ổn. Bởi vì ta thấy Phật thật gần gũi trong cuộc sống của mỗi một con người. Qua sự thể hiện nhân cách của ta đúng với phẩm cách Phật tánh đó là yêu thương, từ bi, bình đẳng, trí tuệ, tỉnh giác. Chỉ như vậy, cứ ứng dụng ta sẽ thấy được Phật trong trái tim của mỗi người, ta sẽ thấy được Phật ở khắp mọi nơi. Trên trời, dưới đất, bất cứ chỗ nào ta tới, bất cứ chúng sanh nào, con người nào chúng ta gặp, bất cứ môi trường nào ta tiếp cận, ta đều nhận diện ra được Phật ở thật gần trong đời sống và Phật luôn luôn gần gũi với chúng ta, Phật không ở xa. Và sống được với tinh thần đó, ta đã bắt sóng được với Phật rồi. Như vậy, từng lời nói, suy nghĩ, hành vi của ta, Phật sẽ thấy, Phật sẽ hiểu và Phật sẽ chứng minh. Đừng nghĩ rằng xa quá Phật không thấy, đó là cách nói rất người, rất phàm phu. Cách nói đó là của những thế kỷ trước, ngàn năm xưa, khi con người chưa có phương tiện, không thể chứng minh để chúng ta hiểu. Ngày nay ta biết, Bảo Thành ngồi tại chùa Tổ Đình Xá Lợi Maryland ở bên Mỹ. Ngay bây giờ đang nói mà các bạn ở các tiểu bang khác cũng có thể nghe. Xa như vậy, các bạn ở Việt Nam cũng có thể nghe. Và đúng, các nhà phi hành gia ở trên không trung, không gian, sao hoả, mặt trăng cũng vẫn có thể liên hệ với trái đất. Người với người ngày nay không xa lắm. Nhìn nhau trên màn ảnh, nghe nhau ở trên phone (điện thoại).

Đức Phật là bậc giác ngộ vượt qua giới hạn của giác quan bình thường Phàm phu. Chỉ cần chúng ta bắt được sóng điện từ yêu thương của Ngài, bắt được sóng điện từ tỉnh giác của Ngài, bắt được sóng điện từ của trí tuệ, của bình đẳng, của chánh niệm hơi thở. Thì mọi hành động, nhất cử nhất động của ta Phật đều chứng minh và gia hộ cho ta. Không phải là ban phép cho ta, “gia hộ” có nghĩa là gì? Có nghĩa là Ngài luôn bảo bọc chúng ta bằng năng lượng từ bi và yêu thương. Để chúng ta được sống và được trưởng dưỡng cuộc đời này trong tình yêu thương của Phật để nâng cao kiến thức Phật học và kiến thức loài người. Sống trong sự tỉnh giác mang lại sự an vui và hạnh phúc cho mình, cho mọi người.

Hãy đặt bàn tay trí tuệ và từ bi vào với nhau. Chúng ta cùng bắt đầu 07 biến từ bi quán – chánh niệm Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương tới cho mọi loài chúng sanh và gia trì Phật lực để chúng con thấy được Phật ở thật gần trong thế gian này. Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa (07 biến)

Các bạn thân mến, một hiện tượng vừa xảy ra tại nước Mỹ, đó là ở bên Texas vài ngày qua tuyết đổ xuống, trời đông đá, lạnh lắm. Và rồi điện bị cúp, người ta chẳng thể mở được máy sưởi, tất cả mọi người dân bên Texas có một cơ hội trải nghiệm đời sống thiên nhiên vào mùa đông băng giá, có sự đồng cảm với những người sống ở xứ tuyết. Nhưng ở đây chẳng nói về điều đó, Bảo Thành nói rằng ai cũng đặt ra một câu hỏi như thế này, nếu như bị cúp điện trong mùa đông, mọi sinh hoạt bị đóng kín, ta mới thấy sự tiện nghi của cuộc đời nó nguy hại như thế nào. Những cái quạt gió người ta bắt ở tiểu bang đó để tạo ra điện, mùa đông đá nó đóng kín không thể chạy phát điện. Đó cũng là một phần ảnh hưởng đến việc không cung cấp đủ nguồn điện. Điện không có, không sử dụng được máy tính, không sử dụng được mạng Internet, không sử dụng được gì bởi cúp điện mà. Và rồi những người sống nương nhờ vào máy thở cũng nguy hại bởi điện cúp. Người lớn tuổi không có máy thở nếu không có pin để phòng hờ thì nhất định sẽ nguy hiểm. Và có nhiều vị lớn tuổi không chịu được lạnh của mùa đông, vài tiếng thôi cũng đã đủ chết rồi huống hồ cả một ngày hoặc mấy ngày. Có điện, có năng lượng sẽ phục vụ cho đời sống của con người thích nghi hơn. Mang tư tưởng đó để thấy rằng ta có một nguồn điện không lệ thuộc vào sự sắp đặt của loài người, để muốn cúp là cúp. Mưa gió, hạn hán, băng giá, nguồn điện đó vẫn đầy đủ cung cấp cho chúng ta. Đó là nguồn từ trường năng lượng yêu thương của Chư Phật, năng lượng đó không có gồ ghề bằng những bộ máy thật là cao, bằng những quạt gió để hứng gió tạo điện, bằng dầu, bằng xăng, bằng than ô nhiễm. Mà chỉ bằng tâm thanh tịnh và phước báu, trí tuệ, từ bi và bình đẳng thì chúng ta sẽ tiếp được nguồn năng lượng từ bi, nguồn điện năng vĩnh viễn không bao giờ bị cắt đứt để tăng trưởng phương tiện đời sống tâm linh. Để mọi thông tin giữa ta và sự liên lạc giữa ta và Phật không bị gián đoạn trong chánh niệm hơi thở từ bi. Để Phật thật gần, Phật ngay trong đời sống của chúng ta.

Chúng ta không bị chết cứng bởi mùa đông, chúng ta không bị khô cứng bởi không còn nhận ra Phật. Nguồn năng lượng yêu thương của Phật là nguồn năng lượng vô giá, chỉ cần bạn tăng trưởng một đời sống biết yêu thương, một đời sống từ bi, một đời sống bình đẳng, trí tuệ, chánh niệm hơi thở và từ bi quán. Các bạn luôn luôn gắn kết được với năng lượng tình thương này, năng lượng vi diệu này. Chỉ một ví dụ đơn giản, trong mấy ngày qua ở Texas người ta đã than gầm trời rồi. Mất điện là mất hầu hết tất cả. Mất nguồn điện tình thương của Chư Phật chúng ta sống trở thành vô nghĩa. Nếu gắn kết, tiếp nối được với nguồn điện tình thương của Chư Phật, dù là thân phận như thế nào cũng đều có giá trị cao cả hết. Bởi trong nhà Phật bình đẳng tánh trí, chỉ cần tiếp nối được với năng lượng từ bi, tỉnh giác, bình đẳng, yêu thương, trí tuệ của Phật trong từng giây phút của chánh niệm hơi thở. Đó mới là điều cao quý tột bậc, đó là dấu chỉ để chúng ta nhận ra Phật ở thật gần trong đời sống của chúng ta, Phật không ở xa.

Các bạn phải thấy được giá trị của sự liên kết với tha lực Phật điển từ bi, với năng lượng tình thương của Chư Phật trong pháp phương tiện từ bi quán – chánh niệm hơi thở Phật ngôn Mu A Mu Sa. Các bạn nếu có phước duyên, đầy đủ phước báu để chúng ta cùng đi vào con đường thực tập như vậy mỗi ngày. Dù rất đơn giản, trong 21 biến và nghe chia sẻ để chúng ta có một cái nhìn mới ở trong một khuôn khổ, khuôn mẫu bám chặt và chấp chặt vào trong đó. Để chúng ta mở ra cho lan tỏa cả cuộc đời và thấy được Phật thật gần trong cuộc đời. Thấy được sự tỉnh giác là giá trị cao quý nhất, thấy được sự bình đẳng yêu thương, trí tuệ và thấy được chánh niệm hơi thở từ bi quán thật là cao quý trong cuộc đời.

Hãy đặt trí tuệ và từ bi vào với nhau. Chúng ta thẩm nhập 07 biến vi diệu âm Mu A Mu Sa.

Phật là sự tỉnh giác, chúng con nguyện sống tỉnh thức để nhận ra Phật ở thật gần trong cuộc đời. Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Phật là từ bi, chúng con nguyện sống yêu thương nhau để nhận thấy Phật ở thật gần trong cuộc đời. Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Phật là trí tuệ, chúng con nguyện sống trong chánh niệm hơi thở để có được trí tuệ và nhận ra Phật thật gần trong đời sống. Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Phật là bình đẳng, chúng con nguyện sống bình đẳng với mọi người để nhận ra Phật ở thật gần trong cuộc đời. Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Phật ở thật gần trong cuộc đời nơi cha mẹ, nơi gia đình, nơi mọi người chúng con tương tác bằng tình yêu thương. Con đã nhìn thấy được Phật ở thật gần trong cuộc đời. Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Phật ở tất cả mọi nơi chúng con tương tác hằng ngày, Phật ở trong mọi công việc chúng con làm. Chúng con nguyện luôn luôn nhận biết Phật bằng tánh trí của chánh niệm hơi thở. Phật ở thật gần trong cuộc đời của chúng con. Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Phật không ở xa, Phật ở ngay lòng người biết chánh niệm hơi thở, biết từ bi quán và trì Phật ngôn Mu A Mu Sa, chúng con nguyện và đã nhận ra được Phật ở thật gần trong đời sống của chúng con. Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm, trì mật chú Mu A Mu Sa.

Mô Phật! Các bạn, chúng ta đã tu xong rồi. Mời các bạn chúng ta hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Mu A Mu Sa!

Thưa Phật, chúng con đã hiểu được Phật là bậc giác ngộ và sống một đời tỉnh giác, chánh niệm hơi thở, yêu thương, bình đẳng, từ bi, tánh trí. Sống một đời sống nhận ra giá trị thật gần trong đời sống của con người. Chúng con nguyện hồi hướng công đức tới các nguyên thủ các quốc gia cũng nhận ra được giá trị này, thành lập chính sách hoà bình cho thế giới. Hồi hướng cho các nhà khoa học gia ngành y, ngành dược chế tạo được vắc-xin (vaccine), thuốc trị bệnh đại dịch. Hồi hướng cho các bác sĩ, y tá, y sĩ, nhân viên cứu trợ cứu tế trên thế giới chữa lành các bệnh nhân. Và hồi hướng cho những ai còn đau khổ và phiền não tìm được nguồn hạnh phúc và an vui. Hồi hướng cho chư vị hương linh theo thiện nghiệp tái sanh cảnh thiện lành.

Con nguyện xin mười phương Chư Phật từ bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn