Search

Bài 1161: Khóc Than Cho Mình – Thất Bảo #1 – Mu A Mu Sa

Bảo Minh đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Sư Cô, tất cả các bạn trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn. Đã tới giờ đồng tu mời các bạn quy ngưỡng thân tâm về với ba ngôi Tam Bảo. Chúng ta bắt đầu đồng tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Mu A Mu Sa.

Con nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn đang ở trên kênh Youtube. Các bạn thân mến, trong Bát Chánh Đạo, có một điều đức Phật nhắc nhở chúng đệ tử của mình thời đó. Đó là nói một cách riêng nhưng tựu chung hiểu cho rõ lời Ngài nhắn nhủ tới mọi chúng sanh đó gọi là chánh tinh tấn. Tại sao Ngài lại nhắc nhở chúng ta chánh tinh tấn? Với tâm chân chánh, hiểu đúng giáo lý của nhà Phật, nhưng chúng ta cần phải thật sự tinh tấn. Nếu chúng ta không tinh tấn mà chỉ có hôm nay, rồi ngày mai ngưng, ngày mốt tiếp tục và cứ gián đoạn liên tục, giãi đãi một ngày, tinh tấn một ngày, giãi đãi một ngày, cố gắng một ngày, lười biếng một ngày rồi siêng năng một ngày. Cách đó không phải là cách để chúng ta đi tới sự giải thoát của tự thân khỏi đau khổ. Để có thể giải thoát con người của mình khỏi đau khổ, đức Phật dạy phải tinh tấn, tinh tấn trong chánh đạo. Chúng ta không thể chỉ một ngày, hai ngày qua loa hoặc chạy rượt đuổi theo những phong trào tu tập, tu luyện hoặc những khóa tu này, khóa tu kia.

Thật ra ở trên đời không nên có những khóa tu, không nên có những cái lễ trong một thời, hai thời. Không có sự tu trong một ngày, hai ngày, một tuần, một tháng mà phải là một sự tu miên mật. Nhưng bởi hàng Phật tử của chúng ta bận rộn quá, các đấng ở trong Chùa, các bậc tôn túc mới phương tiện hóa để tạo điều kiện thật dễ cho chúng ta tu. Cho nên gọi là chúng ta có những khóa tu ngắn hạn, để gieo duyên.

Các bạn, đó là thời mà chúng ta cứ phải đi tới chùa, ngày nay phương tiện quá hiện đại, chúng ta tại nhà, căn phòng nhỏ bé, cũng có thể tu với nhau. Đây gọi là đồng tu nhưng các bạn nhớ phải miên mật đừng gián đoạn công phu tu tập. Chúng ta tinh tấn miên mật, đang đi lên nếu chúng ta dừng nghỉ bởi mệt mỏi, cố gắng tiếp cận với các bạn đồng tu và cố gắng sách tấn để chúng ta đi lên. Như người đồng thuyền, lỡ mà mệt mỏi rớt xuống nước cũng phải cố gắng bám vào mạn thuyền để các bạn, các người đồng thuyền kéo mình lên, đừng để rơi xuống dưới nước trầm mình trong những sự bận rộn, quên đi, rồi ngày tháng trôi qua thật nhanh, chúng ta sẽ hối tiếc.

Hơi thở của thiền mật song tu Thất Bảo Huyền Môn đi vào từ mũi, ngang xuống phổi đây và rồi đi từ từ xuống đan điền khí hải bụng ở dưới, lúc đó chúng ta phình bụng ra, và rồi khi chúng ta thở, chúng ta thở từ dưới bụng thở ra, hóp bụng vào và chúng ta trì mật chú Mu A Mu Sa. Các bạn, chúng ta bắt đầu vận hành hơi thở này bằng cách là đặt bàn tay trí tuệ là bàn tay phải lên lòng bàn tay trái bàn tay từ bi, mời các bạn.

Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực đại từ đại bi xuống cho mọi loài chúng sanh. Và gia trì Phật lực tiếp năng lượng từ bi khai mở trí tuệ để chúng con biết khóc than cho chính mình. Hít vào bằng mũi phình bụng, thở từ từ hóp bụng vào, trì mật chú Mu A Mu Sa. (7 lần)

Mô Phật! Các bạn, thiền mật song tu Thất Bảo Huyền Môn, hơi thở rất quan trọng và mật chú càng quan trọng hơn. Phải được phối hợp nhịp nhàng cùng với hơi thở vào ra, khi mỗi một người chúng ta huân tập. Hơi thở khi đi vào mũi, chúng ta phải thấy được hơi thở đi vào từ mũi một cách rất từ từ chậm rải theo khả năng có thể. Và nó đi qua phổi để được phổi lọc hơi thở đó. Rồi nó được đưa xuống dưới đan điền khí hải, đại huyệt chính ở dưới rốn của chúng ta một đốt ngón tay. Ngay tại đan điền khí hải, không khí có oxy lẫn lộn trong đó được đại huyệt này thanh lọc biến thành oxy thuần khiết, lúc đó bụng phình ra để dưỡng khí tại đó trong ba giây. Khi các bạn thở ra, các bạn phải thấy được tâm mình, phải thấy được hơi thở đi ra, lúc này thấy được hơi thở đi ra từ dưới bụng và bụng phải hóp lại từ từ, từ từ cho tới khi nào mình cảm giác như dính chặt vào xương sống, để làm gì? Để oxy có cơ hội đi qua nhâm đốc biến thành năng lượng, nhiệt lượng chạy theo cột sống của chúng ta, đi lên trên đỉnh đầu gọi là bách hội. Bách hội là ở trên đỉnh đầu, rồi từ đó đi dần xuống ấn đường, nhân trung và thoát ra, trì mật chú Mu A Mu Sa. Một chu kỳ vận khí như vậy, toàn thân của chúng ta sẽ nóng dần lên, một hơi ấm sẽ truyền từ đan điền lên bách hội, dọc theo cột sống. Một chu kỳ như vậy vận hành, trong đó có thiên địa hợp nhất, thân tâm an tịnh, nương vào năng lượng tha lực Phật điển của chư Phật, truyền vào thân của chúng ta, tiếp dẫn nguồn năng lượng của tự lực, vận khí an trú trong chánh niệm, giúp cho thân của chúng ta khỏe mạnh, đạt được sự dẻo dai, bền bỉ, đạt được sự thanh tịnh, và đặc biệt có một sức mạnh nội lực để vượt qua những chướng ngại, thử thách từ tâm và thân. Còn tâm của chúng ta nhờ tha lực Phật điển va chạm, hòa mình vào với tự lực, thắp sáng đuốc tuệ cho ta nhìn rõ mọi hiện tượng đang xảy ra trong giây phút mà chúng ta tu tập chánh niệm đó. Cho nên các bạn nhớ chú ý đến hơi thở mỗi ngày. Dĩ nhiên trong sự đầu tư, Bảo Thành sẽ nhắc thường xuyên để các bạn từ từ thẩm nhập làm cho đúng. Làm sai một chút, làm chưa trọn hảo một chút không sao, chỉ cần các bạn tinh tấn đồng tu thì các bạn sẽ dần dần thẩm nhập được, như mưa nó chảy xuống đất này, nó thấm vào lòng đất. Cho nên nếu các bạn chưa nắm vững, mỗi ngày đồng tu sự nhắc lại và thực hành như vậy sẽ làm cho chúng ta thấu rõ được cách vận hành hơi thở và trì mật chú Mu A Mu Sa.

Các bạn, trở lại chủ đề quán chiếu ngày hôm nay “Khóc Than Cho Mình”. Các bạn có khi nào tự than thân, trách phận chưa? Các bạn có khi nào tự khóc than cho chính mình khi lầm lỗi, khi sai phạm, khi buồn chưa? Chắc có lẽ có đôi lúc trong đời ta đã từng khóc than cho mình. Bởi vì mình quá khờ dại, mình cả tin, mình tốt bụng, mình tử tế, rồi những chuyện không đâu nó lại chảy ngược lại. Khóc than cho mình là một chuyện, thậm chí còn đưa tới điều tệ hại hơn. Bởi vì ở thế gian này có người lại đặt ra những thành ngữ: “Tốt bụng quá tai họa ập tới”. Đó là cách nói phản diện của con người để làm cho chúng ta chùn bước không còn tinh tấn trên con đường thực tập cái tốt bụng của mình. Các bạn có khi nào nghe nói: tốt bụng quá mang họa, tử tế quá người ta chà đạp, kham nhẫn quá người ta đè đầu. Các bạn thấy không? Và từ đó nó cứ đi nghịch lại với giáo lý của nhà Phật. Thật ra những sự đè đầu, khinh bỉ, coi thường, dèm pha, những tai họa tới với chúng ta chính là bởi vì nghiệp ác mà ta đã tạo ra nay nó trổ quả. Nhưng đồng hành với lúc nghiệp ác nó đang trổ quả đó, ta đang thực hành lòng tốt, sự tử tế, tâm thiện, thiện lương, pháp chánh rồi quả nó trổ, rồi ta ghép cho là bởi vì tu. Đời, miệng lưỡi là như vậy, họ đâu có con mắt và tâm trí tuệ như Phật, họ cứ đổ thừa, đổ thừa, nhưng người phàm như chúng ta nghe riết cũng thấy sợ. Từ đó bớt đi lòng tử tế, hẹp lại lòng khoan dung, từ bỏ lòng tốt, không hành những pháp thiện, nghiệp ác lại dâng trào, nghiệp quả lại tới nữa.

Các bạn thân mến, thế gian có cách nói của thế gian, Phật có cách nói của Phật. Thế gian nói trong vô minh, nhận xét trong vô minh. Còn Phật nói trong trí tuệ, nhận xét trong sự thông tuệ, thấy, biết rõ. Sự lựa chọn các bạn nghe theo thế gian, hay nghe theo lời Phật, đó là sự quyết định của mỗi chúng ta. Phải tư duy cho rõ để đi vào một con đường thực sự hiểu đúng, hiểu rõ chánh pháp để có được sự bình an, sự hạnh phúc, an lạc cho chúng ta.

Các bạn, có một câu chuyện kể như vầy để chúng ta bắt đầu đi từ từ khám phá vào bốn chữ “Khóc Than Cho Mình”

Có một đứa con, con một duy nhất của một vị đại phú giàu có nhất ở trong kinh thành. Nhưng đứa con này lại là nghịch tử bởi cha nó quá giàu có. Lớn lên trong sự phú quý, có người mớm cho ăn, có người giặt quần áo, có người nuôi, có người làm tất cả. Cho nên dần dần cậu ấm này hư, không nghe theo lời của cha mình để đi học cho có tài, tiếp tục con đường của cha tạo thêm của cải. Mà chỉ phung phí, phá làng, phá xóm, sử dụng các chất say và trở thành đứa con nghịch tử hoàn toàn. Nó cứ tránh xa cha nó, nó, bởi bỏ cha nó, nó đi ở ngoài đường, ở ngoài chợ, ở ngoài xóm gọi là đầu đường xó chợ. Trở thành những anh hùng mà giang hồ đồn lên bởi vì nó dựa dẫm vào của của cha. Nhưng từ khi nó cắt đứt với cha, nó sống một cuộc đời tàn ác bên ngoài, nhưng nó là con một, nó vẫn luôn luôn nghe ngóng tin tức của cha nó. Một hôm cha nó tới tuổi đã lớn rồi cưỡi hạc về trời, nó nghe cha nó mất, nó vội vàng trở về đeo tang, nó khóc lóc, nó than thở, cha mất quá sớm. Rồi nó làm lễ cầu siêu cho cha, rồi nó khóc từ sáng tới tối, từ tối tới sáng, nó khóc dữ lắm. Không ai hiểu được đứa con này, nghịch tử như thế, cha mất lại khóc nhiều. Nhưng bởi vì tiếng khóc nó quá nức nở, quá lớn và rồi nó than, nó khóc, động lòng tới tất cả mọi người tới phúng điếu, ai cũng khóc. Bởi đứa con này họ nghĩ đã quay đầu trở về, có hiếu đạo đây. Ngày cha mất nó mới có cơ hội trở về tỏ lòng hiếu đạo, khóc than rầm trời, trời đất cũng phải rung chuyển cảm động cho nên cũng tối sầm lại trước mắt mọi người. Nhưng rồi nó nghe thấy ở trên một ngọn núi ở gần đó có một bậc thiền sư chứng đắc đạo cao. Nó được biết rằng vị đạo sư này có nhìn thấy được quá khứ, tương lai và nhìn thấy được những điều con người đang muốn tìm. Những điều gì mất, hoặc vật nào đó chưa thấy, những điều gì chưa tỏ, vị thiền sư này tới cúng kiếng xong, là sẽ có thể chỉ cho những điều nó đang tìm. Nó bỏ thật là nhiều tiền để lót đường cho nó đi lên trên núi đó, khóc than từng bước, từng bước. Nó khóc từ nhà cho tới trên núi thỉnh vị thiền sư xuống cúng kiếng và cho nó tham vấn vài điều về cái chết của cha. Vị thiền sư nhận rõ mọi việc nhưng với sự thành khẩn, khóc lóc đó, muốn tới để cho người con này tham vấn và truyền dạy cho đứa con này một bài học, nên Ngài đã xuất động từ trên núi xuống. Khi tới đó, hương áng đầy đủ, đứa con đó bày đầy đủ, hương áng bày rình rang hết rồi, lớn lắm các bạn ơi. Hương khói, đồ cúng đầy hết, nào là heo, gà đủ mọi thứ giết để cúng cho cha, tiền, vàng mã cúng đầy đủ lắm. Vị thiền sư tới, đang ngồi ở trên ghế, đứa con lại càng khóc than gầm lên nghe như là tiếng sấm ở trời rống lên như vậy. Vị thiền sư thong dong đứng dậy, đứa con liền hỏi vị thiền sư: thưa Ngài xin Ngài hãy cúng cho cha. Vị thiền sư thắp một nén nhang, chỉ nói nhẹ nhẹ vài câu rằng: Ông à, ông đã đi và ông hoàn tất sứ mệnh rồi thôi đi đi. Chuyện gì còn ở đây thì người ở đây do nghiệp mà làm. Đơn giản vậy, chẳng có một nghi thức chuông mỏ rình rang chi. Rồi ông ta thắp ba nén nhang ở nơi đó vỗ lên cái hòm ba cái, như một lời từ biệt của một bậc đại phú mới từ biệt cõi đời ra đi. Ông ta trở lại ghế ngồi, người con bò xuống dưới đất, cúi gầm đầu xuống tới bàn chân của thiền sư, ngước lên thỉnh cầu và nói rằng: thưa thiền sư Ngài còn thấy gì nữa không?

Các bạn, mục đích của anh chàng này hỏi thiền sư còn thấy gì nữa không, các bạn có nhìn thấy được điều gì không các bạn? Một người cha là đại phú tiền bạc như núi đó, chết đi rồi, người con mới mò về khóc than. Lại hỏi thiền sư: cha đi rồi, thiền sư có còn thấy gì đó không, để lại đây cho tôi không đó mà. Tức là có còn thấy giang sơn, kho tài, vàng bạc của cha để lại ở đâu để cho nó thừa hưởng đó. Bởi vì cha vội chết đi, nó cũng vội vàng trở về, di chúc chưa có, vàng bạc chưa thấy, tiếng khóc của nó là đang đi tìm cái kho tàng của cha để lại chưa có di chúc thôi. Vị thiền sư nói thật là nhẹ: Con à! con đang khóc cho ai? Thì nó vội nói thật là to chứng tỏ cho mọi người thấy, con đang khóc than cho cha con đã phải chết quá sớm. Khi nó vừa nói xong, vị thiền sư nói với nó: Con à! Cha con đã đi trong sự viên mãn hoàn thành sứ mệnh an yên tự tại, lúc nãy ta nói với con, và ta nói chuyện với cha con, cha con mỉm cười đi rồi, chẳng có bận bịu một điều gì, chẳng có nhớ nhung, chẳng có đau khổ, chẳng có nuối tiếc. Vậy tại sao con lại khóc than cho cha? Nó ngớ ra, bởi vì nó vẫn tin vị thiền sư này hiểu được điều đó, thông được điều đó. Nó mới hỏi vị thiền sư rằng: vậy trước khi đi cha nói gì, và cha có để lại gì cho con không? Ý của nó rằng, cha có nói với vị thiền sư rằng cha nó để lại gia tài ở đâu đó để cho nó thừa hưởng hay không đó mà. Vị thiền sư mỉm cười nhẹ nhàng và nói: Cha có nói rằng, con à đừng khóc than cho cha, mà hãy khóc than cho chính mình.

Các bạn, đó là câu của người cha. Tâm của người cha cảm ứng được với vị thiền sư có cái tâm trong sáng, nói những lời thẳng thắng dõng mãnh, như đại hồng chung rống lên thiên địa đều phải rung chuyển. Đứa con nghe thấy lời cha nói: Con ơi! Đừng khóc than cho cha, mà hãy khóc than cho chính mình. Đó là âm thanh của đại hùng, đại lực vang lên. Đức con té ngửa ra, lúc này hắn đã khóc, hắn biết khóc thật sự, nhưng không còn rống than mà từng giọt lệ đã rơi xuống âm thầm, trong cái tiếng của tâm thức, của trái tim lịm dần đi. Bởi nó bây giờ mới cảm thấy được, cha thực sự đã ra đi. Bởi vì bao nhiêu năm tháng nó đã từ bỏ cha, nó đã ngỗ nghịch, nó đã ra đi, nó hoang phí tuổi trẻ trong sự ăn chơi đàn điếm ở ngoài đời. Cho đến khi cha chết nó cũng không gặp mặt, nhưng khi trở về nhìn thấy xác của cha, mục đích tối hậu của nó là tìm kho vàng mà thôi. Nhưng lời của cha qua vị thiền sư giác ngộ nhắn nhủ cho nó: Con đừng khóc than cho cha, hãy khóc than cho chính mình. Có lẽ ở trên đời này ta thường khóc than cho những người khác, có không các bạn? Suy nghĩ một chút các bạn trả lời, có không? Có. Khi thấy một ai bị lạc ta than ôi chao, sao tội nghiệp ông đó, ôi chu cha sao tội nghiệp người đó, cô đó, ôi tội nghiệp gia đình đó bất hạnh. Thậm chí mà chúng ta còn khóc nhẹ nhàng ở trên phone, than thở với bạn bè năm châu bốn bể vì người này, người kia. Khóc than cho những gia cảnh bất chợt xảy tới.

Các bạn, ở đời có câu: “Cười người hôm trước, hôm sau người cười.” Ta cứ khóc than, tức là ta không than thực sự với tấm lòng như đứa con biết nhỏ giọt lệ thương tiếc cho cha. Mà ta rống lên những cảnh tang thương, tai họa, bất thường của những người quen cho cả thế giới biết. Như đứa con ngỗ nghịch kia, khóc cho cả kinh đô phải sững sờ, bởi lòng hiếu đạo. Nhưng không phải, mục đích của đứa con là tìm kho tàng. Mục đích của chúng ta khóc than về người khác không phải là chúng ta thương cảm, đồng cảm để có cảm xúc. Dĩ nhiên chúng ta có đấy, nhưng phần đó thật là ít, hầu hết ta cứ than thân, trách phận của người khác với người khác. Hóa ra ta chỉ là một chuyến đò, nói trong giới thứ tư gọi là chớ nói dối, nói vu khống, nói thêm, nói bớt, trong đó có hai chữ thật rõ gọi là thị phi, hay tám chuyện, gọi là tạo nghiệp các bạn, tạo nghiệp, tạo nghiệp. Khóc than cho người tạo nghiệp. Nhưng phải nhìn vào đời sống của một con người khác, thấy nhân thiện nó tới họ gặp phước, thấy nhân bất thiện nó tới họ gặp họa, nhìn vào đời sống của họ để cảnh tỉnh chính mình, để khóc than cho chính mình rằng mình có phải là đứa con ngỗ nghịch kia không các bạn? Chắc chắn các bạn nói không, không, không bởi vì tôi hiếu đạo dữ lắm, tôi tốt với cha mẹ, tôi không bao giờ như đứa đó, nghịch tử đó bỏ cha mẹ rồi khóc than lúc chết đâu. Người cha nhắn cho vị thiền sư truyền lại cho con rằng đừng khóc than cho cha, nhưng hãy khóc than cho chính mình.

Đã bao nhiêu lần trong cuộc đời của các bạn, đã tới với Ngài Quan Âm Bồ Tát, chúng ta khóc than với Ngài Quan Âm Bồ Tát, ta than gì? Đã bao nhiêu lần chúng ta tới với đức Phật, chúng ta khóc than với đức Phật, khóc than gì? Cái than đó dĩ nhiên là khóc than cho số phận của mình, trước Quan Âm, trước Phật, trước các tôn tượng, trước các thần linh, chư thiên. Trước tất cả những vị nào đó mà chúng ta được nghe, hoặc đồn thổi rằng họ sẽ như vị thiền sư kia khai thị, ban ơn cho chúng ta, ta sẵn sàng tới đó khóc và than. Thậm chí còn sẵn sàng đóng thủ một vai hơn cả anh chàng nghịch tử kia nữa. Có đấy, có tư tưởng giống nghịch tử là bởi vì nghịch tử khóc than thật lớn, và thỉnh vị thiền sư chẳng phải là cầu xin cho cha, mà ý rằng nhờ sự cảm ứng của cha, của vị thiền sư này mà biết được những lời cuối, trăn trối của cha về kho tàng vốn có để mà mình hưởng. Chúng ta khác hành động, như đồng một ý nghĩa, ta tới với Bồ Tát, ta tới với Phật, ta tới với chùa chiền, am thất, vị thần tiên, các tôn giáo là để khóc than. Khóc than với Phật rằng, Phật ơi sao số con nghèo quá, phước báu khi nào tới? chẳng chịu làm việc thiện. Có phải rằng chúng ta đang muốn kho phước báu của Phật truyền tới chúng ta hay không? Bồ Tát ơi con khổ quá, vợ hoặc chồng nó không có nghe lời, mà cả đời chẳng bao giờ biết nghe lời vợ, lời chồng, chẳng bao giờ biết nói ái ngữ, chống đối kình nhau. Đến khi ép buộc, sai khiến nó không nghe rồi tới Bồ Tát than thân trách phận.

Chúng ta tới với Phật, với Bồ Tát, chúng ta vẫn than khóc trong những tiếng thỉnh nguyện, cầu để Bồ Tát và Phật đó phải làm việc cho chúng ta. Phải truyền cho chúng ta, phải ban cho chúng ta. Nhưng cả cuộc đời chúng ta đã chạy xa các Ngài. Như đứa con nghịch tử đó bỏ đi, vẫn biết cha giàu có, nhưng chẳng chịu học hành đức độ hiếu đạo của người con, đến phút chót mới chạy về, cha ơi, cha đã đi rồi, kho vàng để đó bây giờ nơi đâu. Tới là tìm vàng, nó khóc như vậy, ta tới là tìm ơn, tìm ân sủng ở Phật, ở Bồ Tát. Chứ chúng ta không tới để tiếp nhận, đón nhận, học hỏi thực hành giáo lý, con đường khai thị mở tuệ giác cho chúng ta. Chúng ta đã thật sự ngỗ nghịch với Phật, và Bồ Tát rồi các bạn ơi. Bảo Thành và các bạn nhiều kiếp, nhiều đời, ngay cả trong kiếp này chúng ta là những đứa con ngỗ nghịch. Nay mới có đủ phước báu chạy về với cha là đức Phật, chạy về với vị cha lành, là thầy Bổn Sư đó. Chúng ta đừng khóc than, đừng than thân trách phận nữa. Khóc than cho số phận, khóc than cho định mệnh, khóc than cho người này người kia, mà như người cha qua vị thiền sư nhắc nhở: Con ơi! Đừng khóc than cho cha, hãy khóc than cho chính mình. Chúng ta hãy khóc than cho chính mình là bởi vì khi sinh ra không nói có thể vì truyền thống chúng ta không tiếp cận được với Phật, nhưng từ thuở mười tám, đôi mươi, chúng ta đã có cơ hội tự lập, có trí tuệ và kiến thức đủ hiểu, ta đã chạy xa giáo lý khai ngộ của cha ta là Phật, ta đã xoay lưng lại với Phật. Vẫn biết là một bậc đại phú không phải bằng tiền bạc, giàu có của cải mà Ngài là bậc đại phú về trí tuệ, có cả một cái kho tàng trí tuệ. Chúng ta đến lúc cuối chạy tới cũng chẳng đón nhận trí tuệ đó mà cứ đòi đón nhận phước báu, tiền tài, danh vọng, địa vị của cải vật chất ở thế gian này. Đức Phật nói thật là rõ và ở trong kinh: Ngài có hai gia tài, thuở mà Ngài giác ngộ đi về với gia đình, vợ của Phật nói với La Hầu La, là con của mình. Con ơi, cha có gia tài là thái tử, là vua đấy, vàng nhiều lắm, con hãy ra mà nói cha truyền lại đi. Khi con của Ngài là thái tử La Hầu La tới, đức Phật nói và nghĩ ở trong đầu. Ta có tới hai gia tài, một gia tài của cải vật chất, chết không mang theo được, nhưng ta có một kho tàng gia tài của trí tuệ, ta nên trao cho La Hầu La và chúng sanh hay không? Và cuối cùng Ngài đã chọn lựa trao gia tài trí tuệ của Ngài cho La Hầu La, đón nhận La Hầu La vào làm hàng Tỳ Kheo, giao cho bậc đệ nhất trí tuệ là ông Xá Lợi Phất để hướng dẫn cho La Hầu La.

Chúng ta, chúng ta tới với Phật để lãnh nhận gia tài trí tuệ, hay chúng ta tới với Phật, Bồ Tát để than khóc hoài trong cuộc sống này, để tán thán những cảm thán, đau khổ, buồn vui, để moi móc như người con tìm kho bạc tức là tìm phước báu, tìm sự ban ân của Bồ Tát, của Phật. Sai! các bạn, coi chừng các bạn sẽ có một vị thầy, như vị thiền sư kia tới điểm thẳng mặt và nói rằng: Con ơi! Đừng khóc than cho số phận, đừng khóc than cho định mệnh, đừng khóc than cho ai hết, mà hãy khóc than cho chính các con bởi vì các con chưa bao giờ nhận rõ gia tài của cha là đấng ở trên trời, đó là Phật. Gia tài của trí tuệ mà chúng ta đi theo Phật, đi theo tôn giáo, chẳng qua là tìm kiếm chìa khóa moi móc gia tài phước báu ở trần gian, như danh, như tình, như tiền tài, phú quý ở đời. Chúng ta khác cảnh nhưng mà giống tâm tướng nghịch tử kia rồi. Các bạn phải cẩn thận và tránh xa. Đặc biệt ngày mai lễ Vu Lan, đích thân chùa Xá Lợi tổ chức, ngầm nhắc nhở cho chúng ta rằng, ngày lễ báo hiếu Vu Lan không phải là ta khóc thương cho mẹ cha đã ra đi. Mà khóc thương cho chính mình khi cha mẹ còn tại thế, có một kho tàng yêu thương vĩnh cửu không bao giờ cạn, ta đã không miệt mài đón nhận cái gia tài đó. Để khi cha mẹ đã đi rồi, ta khóc than cho chính mình đấy là bởi không sống tròn hiếu đạo. Cho nên các bạn, còn cha, còn mẹ tại thế này là còn hai gia tài vĩnh cửu của tình yêu. Tình yêu vô biên giới, tình yêu vô tận không bao giờ cạn. Hãy về không khóc, cười lên, vui mừng lên và nói với cha mẹ, xà vào lòng của cha mẹ và nói: “Xin hãy trao hết và con xin sẵn sàng đón nhận tình yêu của cha mẹ”. Đó mới là kho tàng của một đứa con hiếu đạo cần tìm, chẳng phải như đứa nghịch tử khóc rống hàng tháng trời. Khóc từ nhà tới chân núi thỉnh vị thiền sư tới với mục đích tìm kho tàng của cha để lại. Kho tàng của cha mẹ để lại là tình yêu vô giá, và kho tàng của Phật khi ta tới với giáo lý của Phật, tới với thiền mật song tu Thất Bảo Huyền Môn là trí tuệ và trong sự thông tuệ, tỉnh giác của chánh niệm ta có được, thêm gia tài của tự thân khỏe mạnh, có chánh định, có chánh lực, có chánh kiến, có chánh tinh tấn, có chánh ngữ, chánh hành động, chánh nghiệp, chánh niệm. Bát chánh đạo là kho tàng vô giá mà cha của chúng ta là Phật trao truyền. Chẳng cần phải mời một vị sư nào, một vị thiền sư nào, chẳng cần phải khóc rống lên, chẳng cần phải bò càng ra khóc, mà phải âm thầm đón nhận. Phút cuối người con đã nhận ra, khi người thiền sư kia đã khai thị. Cha nói rằng: Con đừng khóc than cho cha, hãy khóc than cho chính mình. Tiếng đại hồng chung đã rống lên, kinh thiên động địa, cõi địa ngục trong lòng của người con vỡ toang. Chân tâm thuần chất của một đứa trẻ thơ năm xưa lại trở về. Giọt nước mắt, giọt nước mắt hay giọt lệ sầu của một người con thực sự đã rơi xuống trên gò má hanh hao của tháng ngày bụi đời.

Các bạn, chúng ta là những đứa con đã chạy xa Phật, hôm nay có đủ phước báu về với Ngài. Chúng ta về với thiền mật song tu Thất Bảo Huyền Môn, về với tha lực Phật điển, đón nhận chìa khóa để đi vào niết bàn, chẳng phải kho báu ở trần gian. Hãy hiểu rõ để quay về với tự tâm, cất lên khúc khải hoàn, vượt qua chướng ngại, mở cửa niết bàn, đi tới sự an lạc.

Mời các bạn đặt bàn tay phải bàn tay trí tuệ vào bàn tay trái từ bi. Hãy lấy từ bi và trí tuệ vận hành bảy biến vi diệu âm Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh. Và gia trì Phật lực tiếp năng lượng từ bi khai mở trí tuệ để chúng con không con khóc than cho định mệnh, cho số mệnh, cho cuộc đời, mà khóc than cho chính bản thân đã quá mù mờ vô minh, không thấy được gia tài trí tuệ của Phật. Hít vào bằng mũi phình bụng, thở từ từ chúng ta hóp bụng lại, trì mật chú Mu A Mu Sa. (7 biến)    

Mô Phật! Các bạn, Bảo Thành và các bạn chắc chắn đã đón nhận được quá nhiều tha lực Phật điển mà chư Phật mười phương ban rải xuống cho chúng ta. Hạnh phúc và lành thay mỗi người chúng ta vẫn còn có cơ hội trở về nhà. Để đón nhận cha của mình là đức Phật vào trong cuộc đời, để đón nhận pháp bảo Như Lai trí tuệ. Các bạn, ta sẽ không bao giờ như đứa nghịch tử kia phải khóc than cho cha mình. Để vòi vĩnh, để tìm tòi, để kiếm vàng bạc, châu báu của cha mẹ. Nhưng chúng ta sẽ hoan hỷ vô cùng, chúng ta cất cao tiếng khải hoàn ca Mu A Mu Sa, thay vào tiếng khóc than cho chính mình bởi thân phận, để đón nhận gia tài của đức Phật là minh triết, tuệ giác giúp chúng ta thoát khỏi trầm luân đau khổ. Hãy thắp sáng sự suy nghĩ này, và phải hãnh diện trở nên là một người con Phật thật sự trở về ngay ngôi nhà của cha mình. Ngôi nhà của chân như, ngôi nhà của tự tánh, ngôi nhà của tự tâm, để vọng lên tiếng khải hoàn ca Mu A Mu Sa như một chìa khóa vô thường mở cửa sanh diệt, tận sanh luân hồi, đón lấy trí tuệ của đức Phật truyền trao cho chúng ta. Đừng đợi phút cuối, để rồi khóc than cho chính mình. Đừng để người khác như một chủ đề để ta khóc than, than vãn hoài trên phone với người khác, thị phi tạo nghiệp ai ơi, ngừng ngay tiếng khóc than cho đời. Hãy về nhà, về với chân như cất cao tiếng hát khải hoàn Mu A Mu Sa.

Các bạn thân mến, cuộc đời của chúng ta, con người có kiến thức bởi có phước báu, lành lặn sáu căn, hiểu mà, học biết mà. Và lại có nhân duyên gặp được Phật qua các bậc thầy tôn kính, hay những bậc thầy có nhân duyên tới với chúng ta. Hãy tôn kính, trân trọng, trân quý giây phút nhiệm mầu ở trong kiếp đời khi còn có nhau trên trang mạng đồng tu. Để chúng ta khai thác một cái mỏ cao quý mà Phật trao truyền đó là mỏ trí tuệ, mỏ hồng phúc, mỏ đại lực trong chánh pháp của Như Lai. Chìa khóa đã có, chỉ cần tinh tấn hòa mình vào với tất cả đồng môn, với tất cả những người có nhân duyên. Chúng ta tiếp sức cho nhau trên con đường đào bới kho tàng trí tuệ của Phật qua sự công phu, đồng tu mỗi ngày. Các bạn, đơn giản có thế, ta sẽ thay đổi được vận mạng của chính ta, ta sẽ thay đổi được vận mệnh, định mệnh của chúng ta. Ta sẽ thay đổi được chính cuộc đời của mình và chuyển vào trong kho tàng a lại gia thức phước báu của trí tuệ hơn là rác rưởi của vàng bạc châu báu, danh văn, địa dưỡng của cuộc dời.

Các bạn, chúng ta toàn là những người có kiến thức và kiến thức đó đã đưa chúng ta tới để học Phật, hãy mang kiến thức Phật học đi vào biển tuệ của Như Lai. Đặc biệt trong mùa Vu Lan này, hãy mang biển tuệ của Như Lai tắm gội vào tâm thức, rửa sạch trần lao nghiệp chướng của đời, để làm những việc thiện ngay trong ngày hôm nay, để dâng lên cho cha mẹ như lòng hiếu ân còn nhớ đến cửu huyền thất tổ bằng những pháp thiện hiện hữu ta có thể làm được. Nhưng đừng bằng những sự khóc than, nước mắt rơi xuống tìm tòi để thay đổi số mệnh qua sự ban ơn của cửu huyền thất tổ, ông bà, cha mẹ, sai. Cha mẹ chỉ có biển yêu thương, cha mẹ chỉ có ánh mắt biển trời thương yêu, hãy về đón nhận cho mùa Vu Lan. Đức Phật có gia tài trí tuệ, hãy về đón nhận trí tuệ.

Mời các bạn đặt bàn tay trí tuệ là bàn tay phải vào lòng bàn tay từ bi bàn tay trái. Chúng ta tiếp tục hành bảy biến vi diệu âm Mu A Mu Sa.

Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh. Và gia trì Phật lực tiếp năng lượng từ bi khai mở trí tuệ để chúng con hoan hỷ trở về với chánh pháp, đón nhận kho tàng minh tuệ của đức Phật truyền trao và kho tàng yêu thương vô tận của cha mẹ để lại. Hít vào bằng mũi phình bụng, thở từ từ hóp bụng vào, trì mật chú Mu A Mu Sa. (7 biến)

Mô Phật! Bảo Thành và các bạn, chúng ta vừa đồng tu hai mươi mốt biến vi diệu âm chánh niệm Mu A Mu Sa. Ngày mai Bảo Thành kính mời các bạn dự lễ Vu Lan với tăng thân chùa Xá Lợi tại tổ đình trên mạng. Mời gọi các Phật tử xa gần, chúng ta đồng nhân duyên hãy hội tụ trên mạng để đồng cầu nguyện, hướng về Vu Lan lễ hội, cầu nguyện cho cửu huyền thất tổ. Các bạn nhớ làm việc thiện ngay ngày hôm nay, như bó hoa thiêng liêng nhất của đời con dâng lên cho mẹ, cho cha, cho ông bà, cửu huyền thất tổ vào ngày mai. Cảm ơn các bạn đã đồng tu. Mời các bạn chắp tay vào chúng ta hồi hướng công đức.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Nhân mùa Vu Lan, chúng con nguyện hồi hướng công đức đồng tu lên cửu huyền thất tổ, ông bà, cha mẹ và tất cả mọi loài chúng sanh đã quá vãng nương vào đại hùng đại lực của lòng từ bi chư Phật, tái sanh vào cảnh thiện lành.

Nguyện cầu cho các nguyên thủ các quốc gia, nhớ đến cội nguồn của con người, thành lập được chính sách hòa bình cho thế giới. Nguyện cầu cho các nhà khoa học gia ngành y, ngành dược với tình thương rộng lớn và trí tuệ tạo ra được vaccine, thuốc trị bệnh. Cầu nguyện cho các bác sỹ, y tá, y sỹ, nhân viên cứu trợ luôn luôn biết bao dung, yêu thương, chữa lành bệnh tật cho mọi người đau khổ. Nguyện cầu cho thế giới, những ai còn khổ đau, nguyện cầu cho tổ quốc Việt Nam đang đau khổ thoát qua khỏi đại dịch, sống bình an, hạnh phúc.

Con xin chư Phật mười phương từ bi chứng minh.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn