Bảo Đức đánh máy
Nay vui, đời sau vui
Làm Phước hai đời vui.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Chúng con đồng nguyện mười phương Chư Phật, Chư Bồ Tát, Thánh Hiền ban rải tha lực Phật điển đại Từ đại Bi tới muôn loài chúng sanh. Đặc biệt chúng con xin hồi hướng tới Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà, cha mẹ, thân bằng quyến thuộc của tất cả quý Phật tử đã quá vãng nhiều đời siêu sanh Tịnh độ…
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.
Ma Sa Ốp Uê.
Sa Bi Mô U.
Sa U Sa U Ba Thê Um.
Nam Mô SaKa PuốtTê, Nam Mô SaKa PuốtTê.
Ê Thê Ê Thê Sam Ma Tha.
Bảo Thành kính chào quý Phật tử, thân hữu và các bạn đồng tu trên Facebook livestream của Chùa Xá Lợi. Thay mặt cho Tăng thân Chùa Xá Lợi, Bảo Thành kính gửi lời chào tới tất cả!
Chúng ta vừa trì Chú Đại Bi và Mật chú Thất Bảo Huyền Môn để hồi hướng cho nhau tiếp được tha lực Phật điển đại Từ đại Bi từ mười phương Chư Phật vào thân tâm của chúng ta.
(18:36) Cuộc sống hiện tại trên cõi đời bao nhiêu thử thách cứ dồn dập kéo tới, chúng ta hoảng loạn, sợ hãi, chơi vơi trong cuộc đời. Cuộc đời ta thì nhỏ bé, thân xác cũng nhỏ bé nhưng thế giới lại mênh mông vô tận, có những điều tới không thể làm chủ bởi vì chúng ta thiếu phước báu ở trong đời. Phước báu đó không còn nữa, do đó, ta hoảng sợ, không vui. Chúng ta không có niềm vui trong cuộc sống rồi chúng ta chạy theo những niềm vui hời hợt từ vật chất, từ thân xác, từ tư tưởng, tìm đâu, vịn ở đâu có được niềm vui thoáng qua là chúng ta vui.
Hôm nay, Bảo Thành sẽ cùng với các bạn nghe qua lời của Đức Phật dạy trong Kinh Pháp Cú là chúng ta sẽ có được sự an vui, an vui thực sự tới trong đời của chúng ta, chúng ta sẽ an vui viên mãn. Niềm an vui này sẽ bất diệt, không bao giờ hư mất. Đây là phước báu của mỗi người chúng ta mà nó nằm trong tầm tay ta có thể thực hiện được như chủ đề hôm nay: “An vui trong Phước Thiện”.
Các bạn thân mến! Ở đời, theo Nhân Quả Đức Phật dạy có Ác và Thiện, chúng ta sẽ an vui trong Phước Thiện nhưng chẳng thể an vui trong Pháp Ác. Thiện − Ác luôn luôn tới với chúng ta. Thiện − Ác do ta tạo cũng do môi trường cộng hưởng của cộng nghiệp thường tác động lên chính chúng ta. Dù bất cứ một hình thức nào, khi Thiện − Ác tới, ta vẫn còn có trí tuệ để lựa chọn đắm mình trong cái Ác để gặp tai họa tới trong cuộc đời hay an vui trong Phước Thiện để trưởng dưỡng phước báu thành tựu những điều an lạc trong cuộc sống. Trong Kinh Pháp Cú nói ai sẽ được an vui trong Phước Thiện? “Người nào làm phước thì hai đời vui, nay vui, đời sau vui”. Nếu chúng ta biết làm phước, nghĩa là làm từ thiện, biết chia sẻ phước báu của ta với mọi người thì hai đời đều vui, đời hiện tại ngay bây giờ sẽ được vui và đời sau cũng sẽ tràn đầy niềm vui và hạnh phúc. Đây là lời dạy của Phật mà nếu như chúng ta, những người học Phật nghe được, tư duy rõ và hiểu sẽ thấy đây là một chân lý nằm gọn trong tầm tay của chúng ta. Ai trong chúng ta cũng đều có cơ hội và đều có khả năng để an vui trong Phước Thiện bởi ai trong chúng ta cũng đầy đủ phước báu. Phước báu có khác nhưng về mặt tiêu chuẩn của đời người, hiện thân nơi kiếp này, ta có một thân xác, có đầy đủ những căn sáng suốt và nghe, nhìn, hiểu được Giáo Pháp của Như Lai, của Đức Phật, của Đức Bổn Sư, đó là đại phước rồi.
Phước báu nghe được Pháp, phước báu hiểu được Pháp của Phật, phước báu hành được Pháp của Phật, đây là phước báu vô biên, không thể nghĩ bàn. Từ nguồn phước báu này nếu biết nuôi dưỡng, ta có được tất cả nhưng nuôi dưỡng ở nơi đâu? Nuôi dưỡng như thế nào? Phật dạy ta phải nuôi dưỡng trong sự an vui trong Phước Thiện ta làm từ thiện bởi ai làm phước thiện hai đời vui, nay vui, đời sau vui. Chúng ta làm phước thiện không hẳn là mỗi người chúng ta cứ ngày ngày phải đi làm từ thiện, tới các trại mồ côi, dưỡng lão, tới các trung tâm trại phong, những trẻ tật nguyền, cơ nhỡ, những con người đau khổ, vất vưởng trên lề đường của cuộc đời. Làm từ thiện là chúng ta phải biết trở về với cái căn Thiện bổn nguyên của chính mình, nó vốn có ở trong tâm. Chúng ta có một cách bố thí hiệu quả vô cùng, tăng trưởng được nhiều phước báu, nếu như chúng ta làm được thì ngày ngày ta đều tăng trưởng được phước báu này, đó là bố thí Pháp.
Khi nghe bố thí Pháp, khi nghe an vui trong bố thí Pháp, chúng ta thấy có vẻ cao siêu, huyền bí, khó thực hiện nhưng thực ra bố thí Pháp thật đơn giản. Đơn giản có nghĩa là chúng ta chỉ cần an trú trong hơi thở Chánh Niệm, nương vào Phật − Pháp − Tăng, thấu rõ Nhân Quả, Thiện − Ác và chúng ta biết giữ Giới, hành Thiện. Hành Thiện ở đây là chúng ta từ Thân − Ngữ − Ý biết khởi lên những ý thiện, nói những lời thiện, tạo tác những hành động thiện. Thiện ở đây là mang lại niềm vui cho chính ta và muôn người, chẳng não hại tới ai. Cái thiện đó ngay trong từng sát na an trú trong Chánh Niệm, ta có thể hồi hướng đến muôn loài, muôn vật. Đây là một loại bố thí tuyệt vời mà ai cũng có trong tầm tay để có thể làm được. Chúng ta có thể làm được mỗi ngày bằng thực tập hơi thở Chánh Niệm. Trong đời sống mỗi người nếu chúng ta thực tập đời sống trong Chánh Niệm thì chúng ta có tràn đầy phước báu để bố thí Pháp.
Nếu chúng ta không tăng trưởng Pháp Thiện trong lòng, nếu chúng ta không tăng trưởng phước báu bởi hành Thiện, hiểu rõ Chánh Pháp, an trú trong Chánh Niệm thì những việc phước thiện khác ít có thể tạo thành nhiều phước báu. Dù chúng ta làm từ thiện thật nhiều, mất thật nhiều sức, bỏ thật nhiều tiền, tinh thần, Trí lực nhưng cũng khó tạo được nhiều phước báu. Có tạo phước báu nhưng không nhiều. Nhưng nếu như các bạn an trú trong đời sống Chánh Niệm của từng hơi thở Chánh Niệm vào ra quán chiếu đến Phật − Pháp − Tăng, Nhân Quả, Thiện − Ác và giữ Năm Giới, các bạn sẽ tăng trưởng được đại Phước đại Báu. Từ cái đại Phước Báu này, chúng ta khi làm việc phước thiện như từ thiện giúp đỡ những trại dưỡng lão, những em mồ côi, cơ nhỡ, tật nguyền, bệnh phong, những người không có công ăn, việc làm, những người nghèo khổ, những người đau khổ, những người bệnh hoạn, chính chúng ta an trú trong Pháp Thiện đó mà những hành động khi chúng ta san sẻ dù rất nhỏ vẫn mang tới thật nhiều lợi lạc và phước đức được tạo thành.
Các bạn! Nền tảng của việc làm phước thiện vẫn phải khởi lên từ cái tâm an trú trong đời sống Chánh Niệm. Do vậy, Đức Phật mới dạy rằng: “An vui trong Phước Thiện”. Mà khi chúng ta an vui trong đời sống Chánh Niệm, trong hơi thở Chánh Niệm vào, ra quán chiếu tâm của ta trong từng giây phút của cuộc đời, mỗi việc làm, mỗi một hơi thở vào, ra, ta nhận biết, ta sống được với chính giây phút đó, an trú vào hơi thở Chánh Niệm đó, chúng ta sẽ thành tựu được Pháp Thiện viên mãn trong tâm chúng ta. Để từ đó tâm chúng ta sẽ khởi lên niềm an vui vô tận, bất diệt và khi chúng ta làm phước bởi cái tâm an vui, an trú trong đời sống Chánh Niệm đó thì hai đời của chúng ta sẽ được vui, chính trong đời này và đời sau sẽ vui, đây là lời dạy của Phật.
Các bạn! Chúng ta cứ nhìn lại cuộc đời của mình, chúng ta là Phật tử, chúng ta là những người con của Phật, chúng ta học giáo lý của Phật nhưng có lẽ làm phước thiện thì có, nhưng thật ít bởi chúng ta không nhận rõ được cái giá trị của sự an vui trong Phước Thiện của phước báu làm Phước để hai đời được vui, đời này vui đời sau vui.
Những ai an vui trong đời này thường là những người biết làm phước, biết tu Thiện Pháp, biết san sẻ, biết bố thí, biết làm từ thiện. Chúng ta đừng nghĩ làm từ thiện một cách quá cầu kỳ, chúng ta nhớ những việc chúng ta làm được gọi là từ thiện đều tới từ nền tảng biết an trú trong đời sống Chánh Niệm, trong hơi thở Chánh Niệm. Những việc làm tuy thật nhỏ, rất bình thường nhưng có ý nghĩa vô cùng. Câu chuyện đó được diễn tả thật rõ và lời dạy này được Đức Thế Tôn thị hiện khi Ngài còn sống.
Thời Đức Thế Tôn còn tại tiền, nghĩa là khi Ngài còn sống, có một người đệ tử của Ngài tên là A Na Luật, ông này tu theo hạnh Đầu Đà, không có ngủ, do vậy khi lớn tuổi, hai con mắt của ông ta bị mù lòa. Ông A Na Luật là đệ tử của Phật và khi mắt mù lòa, tuổi đã lớn, chiếc y của Ngài bị rách, Ngài liền lấy kim, chỉ xỏ để khâu nhưng Ngài xỏ không được bởi đôi mắt của Ngài đã bị mù lòa, Ngài liền nói: “Có ai giúp đỡ tôi hay không?”. Lúc đó Thế Tôn ở gần, Ngài liền tới xỏ chỉ vào kim cho ông A Na Luật để người đệ tử có thể vá được cái y trở lại cho tươm tất, sạch sẽ và trang nghiêm. Hành động này thôi để chứng tỏ rằng những việc phước thiện thật là nhỏ, chúng ta cũng không nên bỏ qua bởi tuy nhỏ nhưng tạo được phước báu thật là nhiều. Đức Phật Ngài là Bậc đại Giác đại Ngộ, Ngài thành Phật rồi, Ngài là Phật thế nhưng một việc thiện thật nhỏ là giúp đệ tử của mình xỏ kim Ngài vẫn bước tới, hoan hỷ vô cùng để xỏ kim cho đệ tử của mình khâu y. Hành động đó, nghĩa cử đó thật nhỏ, nhỏ đến mức mà hầu hết chúng ta không bao giờ để ý, nhưng Phật, dù việc rất nhỏ Ngài vẫn làm, đó là việc thiện, việc phước thiện, việc làm thiện.
Ngài còn sống đã dạy cho chúng ta phải biết làm phước thiện dù việc thiện đó, Pháp Thiện đó, việc phước lành đó nhỏ như xỏ chỉ giúp người, nhỏ như hạt bụi, nhỏ như tơ hồng, nhẹ như vậy ta cũng phải làm bởi vì chúng ta hoan hỷ thành tựu những Pháp Thiện dù rất nhỏ như vậy mới có thể thành tựu được những phước báu lớn.
Người ở đời thường chọn việc thiện lớn, làm việc lớn, lớn để thiên hạ biết, lớn để thiên hạ kính nể. Nhớ lại bài học Đức Phật thật nhẹ nhàng bước tới xỏ kim cho đệ tử. Một hành động thật Từ Bi, một hành động thật dễ thương, lan tỏa sự quan tâm và truyền thông cái thông điệp làm phước dù rất nhỏ, giúp đỡ dù rất bé. Chúng ta hãy noi gương của Phật, có những hành động thật là nhỏ như xỏ kim, châm nước, pha cafe, pha trà, giúp đỡ cho những người già, giúp đỡ cho trẻ em, giúp đỡ cho những trẻ mồ côi, vất vưởng ở trong trại, giúp đỡ cho những kẻ vô gia cư, nghèo khổ, bệnh phong, tật nguyền, những mảnh đời bất hạnh, những cảnh người già đau khổ không ai lui tới. Dù rất nhỏ lại giúp đỡ họ lau nhà một chút, tới giúp đỡ họ nấu cơm hay thậm chí may vá cho những chiếc áo bị hư của họ hay chỉ ngồi đó lắng nghe và tâm sự, chia sẻ, thăm viếng, an ủi thì phước báu có thật nhiều. Phước báu đó sẽ làm cho chúng ta an vui, an vui ở đời này và đời sau, an vui cho mình và cho những người đang sống chung quanh mình.
Các bạn! Chúng ta trong cuộc sống hiện tại đau khổ quá nhiều, hoang mang quá nhiều, hôm nay lại nghe được những lời Phật giảng lại cho chúng ta hiểu an vui trong Phước Thiện là loại phước báu đặc biệt để trưởng dưỡng cuộc đời mà mỗi người chúng ta đều có cơ hội làm được việc này trong tất cả mọi hoàn cảnh ở bất cứ một nơi đâu.
Nếu nói gọn, nhỏ lại trong đời sống gia đình giữa vợ chồng, nếu chúng ta chỉ cần giữ cái Tâm Thiện pha một ly cafe cho vợ hoặc pha một ly nước chanh cho vợ với cái Tâm Thiện nghĩ về vợ hoặc cho chồng nghĩ về chồng, đó cũng là an vui trong Phước Thiện. Thiện phải được thể hiện ngay trong gia đình với vợ chồng, với cha mẹ. Những ai còn cha mẹ, có khi nào ta nghĩ dâng cho cha một chén nước, dâng cho mẹ một chén cơm là sự an vui trong Phước Thiện, đừng nghĩ đó là trách nhiệm mà phải nghĩ đây là Phước điền, là cơ hội ta gieo trồng Thiện Pháp, tu phước tăng trưởng phước báu giúp cho chúng ta an vui và người trong gia đình an vui. Nghĩ như vậy chúng ta sẽ sẵn sàng dâng cho cha chén nước, dâng cho mẹ chén cơm. Khi dâng cho cha mẹ cơm, nước hàng ngày, sự lắng nghe cha mẹ, chia sẻ với cha mẹ trong khi tuổi đã lớn để có được nguồn an vui viên mãn trong gia đình, đó là phước.
Các bạn nhớ! Của dâng cho cha sẽ không bao giờ rơi vào quên lãng, của ta biếu cho mẹ sẽ đền bù tất cả mọi tội lỗi của chúng ta bởi khi dâng cho cha, cha sẽ không quên được đâu! Cha sẽ nhớ, Trời sẽ chứng giám, Chư Phật sẽ chứng minh. Khi biếu cho mẹ cũng là một Pháp sám hối vi diệu, những của dâng cho cha mẹ là sự nói đến lòng cao quý của người con hiếu thảo và sự hiếu thảo đó chính là Pháp sám hối cao quý để đền bù và tất cả những tội lỗi của chúng ta sẽ tiêu tan. Đó cũng là một Pháp an vui trong Phước Thiện. Chúng ta đừng nghĩ tới gia đình của người ta mà không nghĩ tới gia đình của mình, hạnh phúc và sự an vui trong Phước Thiện, tu phước bằng Pháp Thiện ở trong gia đình. Hãy làm phước với nhau bằng Ái ngữ, bằng tư tưởng và hành động thật Chân Thiện để tạo ra niềm an vui trong cuộc đời tại gia đình. Từ gia đình của chúng ta lan tỏa tới những gia đình của bạn bè, chòm xóm, thôn xóm, thôn làng. Như vậy, từ gia đình mẫu mực, từ gia đình gương mẫu sống an vui trong Phước Thiện, trong vấn đề tăng trưởng phước báu từ những Thiện Pháp hành trong gia đình, ta mới khơi nguồn cho sự từ thiện, làm phước với những tha nhân khác, với những người bất hạnh, những mảnh đời bất hạnh khác mới có được ý nghĩa và tạo được phước.
Nếu trong gia đình của chúng ta, chúng ta không an vui trong sự tăng trưởng phước báu bởi Pháp Thiện được ứng dụng ở trong nhà hằng ngày thì chuyện phước thiện, từ thiện ở ngoài đời không tăng trưởng phước báu là bao. Các bạn chú ý phần này. Quý Phật tử nên tư duy, khi chúng ta làm từ thiện giúp đời, giúp ở bên ngoài, giúp những mảnh đời bất hạnh, đó là những Pháp tu tối cao tạo được phước báu nhiều nhưng phải dựa trên nền tảng an vui trong những phước báu được nuôi dưỡng bởi Thiện Pháp trong gia đình đã. Nếu gia đình của các bạn, các bạn không thể tạo phước trong Pháp Thiện thì gia đình bất loạn không an vui, gia đình cãi cọ, gia đình tranh chấp, gia đình sống trong cái khổ thì làm sao các bạn có thể khởi lên việc từ thiện tạo được phước khi đi ra ngoài làm việc. Chúng ta tu là tu từ bên trong, chúng ta tu phước là tu từ bên trong để có được sự an vui trong Phước Thiện, an vui trong phước báu tại gia đình bởi nuôi dưỡng bằng Pháp Thiện.
Đức Phật trong Tăng thân nhỏ bé của Ngài, Ngài còn quan tâm tới đệ tử của Ngài, Ngài quan tâm đến ông A Na Luật đã già, mắt kém, mù lòa nên Ngài đã tới xỏ kim. Ta có khi nào tới với những người thương yêu trong gia đình như ông bà, cha mẹ hay những người lớn tuổi trong thân tộc để xỏ kim cho họ chưa? Ngày nay, các bạn có thể dịch chữ: “xỏ kim” qua những hành động khác như nâng đỡ, giúp đỡ đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, uống hay giúp đỡ đi khám bệnh, nhà thương hay giúp đỡ người lớn tuổi tới Chùa, tới những sinh hoạt họ cần phải có hay tới để nghe những Bậc Trưởng Thượng lớn tuổi dạy dỗ, chia sẻ, dù là một hai phút cũng tăng trưởng được phước thiện thật nhiều.
Ông A Na Luật tuổi tác lớn mắt đã mù. Cha mẹ chúng ta dần dần theo năm tháng cũng sẽ lớn tuổi, đôi mắt có thể mờ đi nhưng trí tuệ vẫn sáng, lòng Từ Bi vẫn đầy và tình thương đối với chúng ta vẫn luôn luôn ở đó. Nếu chúng ta biết tới thì suối nguồn tình yêu thương từ cha mẹ sẽ tuôn tràn trong chúng ta, có như vậy thì chúng ta mới xứng đáng để làm phước, làm từ thiện như câu Đức Phật dạy: “Làm phước hai đời vui, nay vui, đời sau vui”. Ở trong gia đình, chúng ta biết làm phước, làm việc thiện với cha mẹ thì hai đời đều vui, là đời cha mẹ đều vui, đời ta vui nữa mà không những thế mà đời con cháu cũng vui bởi ta là con, đứng giữa như là nhịp cầu giữa ông bà và cha mẹ, chúng ta biết tu phước làm thiện, ta biết phụng dưỡng cha mẹ, chính điều đó sẽ tạo được phước cho ta tuôn chảy tới cháu như một cái cội nguồn từ ông bà tới con, tới cháu, tới chắt, tới muôn đời. Hãy giữ cái mạng mạch yêu thương, phước thiện này ngay trong gia đình để từ đó chúng ta lấy nước yêu thương, an vui trong cái phước chúng ta có được bởi Pháp Thiện trong gia đình để chia sẻ tinh thần, vật chất, để chia sẻ tình yêu thương, lòng quan tâm tới những mảnh đời bất hạnh ở bên ngoài. Có như vậy phước báu mới tăng trưởng được tốt đẹp theo đúng như lời Đức Phật dạy.
Các Phật tử thân mến! Nay vui đời sau vui chính vì làm phước hai đời vui, phước ở đâu là phước cao quý nhất? Hành động nào là hành động tăng trưởng phước báu cao quý nhất? Các bạn nhớ rằng: “Chẳng phải nhiều tiền, nhiều vật chất, chẳng phải cái danh ở đời bạn lớn hơn người khác, chẳng phải chức vị của bạn cao quý hơn người khác. Đức Phật đã dạy, chúng sanh đều bình đẳng Tánh − Trí, Tánh Phật và Trí Tuệ bình đẳng dù chúng ta là người như thế nào, mang thân phận gì đi nữa thì Tánh − Trí đó đều bình đẳng. Và nếu chúng ta biết an vui trong Phước Thiện, an vui trong sự trưởng dưỡng phước báu bởi Thiện Pháp chính từ trong tự thân an trú trong đời sống Chánh Niệm, chính từ trong gia đình biết quan tâm thương yêu nhau, chính từ những nghĩa cử hiếu kính với cha mẹ, với ông bà, với những Bậc Trưởng lão lớn tuổi trong thân tộc của chúng ta chính là an vui trong Phước Thiện. Cái nguồn an vui trong Phước Thiện đó sẽ tuôn tràn mãi trong thân tộc, gia đình và lan tỏa tới những mảnh đời bất hạnh khi chúng ta phát tâm làm việc từ thiện. Những bé mồ côi sẽ ấm cúng vô cùng bởi các bạn làm từ thiện chính từ trong cái cội nguồn Phước Thiện vốn có an vui trong gia đình tới đó.
Đức Phật Ngài là Bậc đại Giác đại Ngộ, Ngài có tràn đầy năng lượng Từ Bi, những hành động nhỏ Ngài cũng không bỏ qua dù việc thiện đó bé, bé như xỏ chỉ, xỏ kim cho ông A Na Luật. Phật mà còn làm việc phước thiện nhỏ huống hồ chi ta, những việc nhỏ trong đời mà đôi khi giữa cuộc sống tương tác trong gia đình, ta thấy nhỏ quá, ta bỏ qua, nhỏ quá ta không làm. Nhỏ như là việc gặp mẹ ta chào mẹ, gặp cha ta chào cha, ta dần dần bỏ quên rồi. Các bạn có còn nhớ khi các bạn còn nhỏ được cha mẹ nuôi dưỡng, lớn lên dạy cho chúng ta nhớ biết chào cha mẹ, biết chào thầy cô, biết chào mọi người nhưng khi chúng ta lớn dần, chúng ta biết chào thầy cô ở trường, chúng ta biết chào bạn bè ở đời nhưng chúng ta quên dần quên dần lời chào cha mẹ, chúng ta tới chỉ cười gật đầu đôi khi còn im lặng. Một việc thiện thật nhỏ là biết chào cha mẹ của mình khi gặp hoặc trên điện thoại mỗi ngày cũng tạo được phước báu và nguồn an vui vĩnh cửu ở trong lòng. Biết hiếu kính với cha mẹ qua lời chào, qua lời tôn trọng, qua những hành động thật nhỏ, chúng ta sẽ tạo được phước báu để làm phước, như vậy sẽ có hai đời vui, đời cha mẹ tại tiền vẫn vui, đời ta vẫn vui và đời con cháu vẫn được thừa hưởng niềm vui đó như lời Đức Phật làm phước hai đời vui, nay vui, đời sau vui.
Các bạn hãy bắt đầu làm phước thiện từ trong gia đình. Nếu các bạn còn có cha mẹ hãy tương tác với cha mẹ bằng lòng hiếu kính, thương yêu thật rõ thì chúng ta tạo được niềm an vui trong đời. Còn nếu cha mẹ của các bạn đã mất thì sự hiếu kính với cha mẹ hiện tại là chúng ta phải biết chăm sóc bản thân, biết nuôi dưỡng cuộc đời của mình trong đời sống Chánh Niệm, an trú trong Chánh Pháp, tu Thiện, bỏ Ác để Tâm Thanh Tịnh gần gũi với Chư Phật, sống trong Tỉnh Thức, có sự an vui. Nếu chúng ta làm được điều đó, cha mẹ dù có thác đi về cảnh giới an vui rồi nhưng nương nhờ vào hồng phúc của cha mẹ, nương nhờ vào cái lòng còn nghĩ tới cha mẹ mà chúng ta an trú trong đời sống Chánh Niệm, chúng ta sẽ tăng trưởng được phước báu và niềm an vui trong cuộc đời.
Các bạn thân mến! Chúng ta rất cần niềm an vui trong cuộc đời, nhất là trong thời đại này, chẳng ai biết được ngày mai sẽ ra sao, hoảng loạn, điên cuồng, nhiều chuyện bất chợt xảy tới, tai họa sẽ rình rập chúng ta. Chúng ta cần phải tu ngay và trưởng dưỡng Phước Thiện trong gia đình. Hãy tăng trưởng phước báu từ trong gia đình bằng cách biết hành Pháp Thiện, hành Thiện Pháp để có an vui. Thiện Pháp ở đây là sự tương tác trong Pháp Thiện đối với cha mẹ, đối với Bậc lớn tuổi trong gia đình để từ đó khơi nguồn cho việc từ thiện mà chúng ta ứng dụng trong cuộc đời khi nới rộng vòng tay che chở cho những cuộc đời bất hạnh như những trẻ mồ côi, tật nguyền, các em cơ nhỡ, các cha mẹ bị bỏ rơi trong trại dưỡng lão hoặc những người bệnh phong, những người nghèo khổ ở trên đời. Hãy đi từ cái Phước Thiện trong gia đình trước để đi ra, để chúng ta có sự an vui hoàn hảo trong cuộc sống, để chúng ta sống được bình an, sống được an vui, sống mà chia sẻ với tình yêu thương đó.
Nếu ai còn cha còn mẹ, chúng ta hãy nhớ Đức Phật còn xỏ kim cho đệ tử thì sao chúng ta không biết lấy cái kim của Pháp Thiện, lấy sợi chỉ của Pháp Thiện để tu phước để dệt, thêu cái tình yêu thương giữa cha mẹ và ta, cha mẹ qua ta và con, cháu trong gia đình. Còn cha còn mẹ chớ quên, một mai mà các vị viên tịch rồi, ta sẽ mồ côi suốt đời. Các bạn hãy dùng kim, chỉ của Phước Thiện để thêu lại những niềm an vui dù rất nhỏ, để khâu lại những chỗ trống trong cuộc đời ta đã tạo ra để giữa ta và cha mẹ luôn có sự gắn kết trong Phước Thiện, trong cái tu phước của Thiện Pháp. Hãy nhớ đến hành động của Đức Thế Tôn xỏ kim cho ông đệ tử mù lòa là ông A Na Luật thì chúng ta cũng hãy tự xỏ kim cho chính cuộc đời của chính mình để may vá lại những chỗ rách rưới trong tâm. Hãy an vui trong cái tu Phước bởi Pháp Thiện dù rất là nhỏ ngay tại trong gia đình của chúng ta. Hãy tu từ gia đình trước như câu ông bà thường nói: “Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tại chợ, thứ ba tại Chùa”. Ngay tại tư gia của chúng ta là cơ hội để chúng ta tu dưỡng phước báu bằng Pháp Thiện. Ai chúng ta có thể tương tác hàng ngày? Cha mẹ, vợ chồng, con cái, cả ba thế hệ (nếu có), đó là một môi trường tốt đẹp nhất để chúng ta tu Phước, tu sự an vui bởi những Thiện Pháp trong giao tế với sự hiếu kính rõ ràng. Lòng hiếu kính và thực hiện được Thiện Pháp, đối ứng với cha mẹ bằng lòng kính trọng, chúng ta sẽ luôn an vui, an vui cho đời cha mẹ, an vui cho đời của chúng ta và con cháu. Đây là việc làm phước để hai đời đều vui, nay vui, đời sau vui. Sau đó, khi chúng ta làm từ thiện thì gắn kết với nguồn an vui vốn có trong gia đình thì từ thiện mới có ý nghĩa cao cả, còn không nó chỉ là việc làm bằng tướng chẳng tạo được sự an vui ở trong tâm. Chúng ta đừng theo đuổi cái bóng mà chúng ta hãy trở về với cái nhân Thiện, cái nhân An Vui ở trong lòng và làm việc từ thiện bằng cái nhân Thiện đó.
Chúng ta hãy cùng nhau tu tại gia đình của mình, tu sự hiếu kính với cha mẹ và chúng ta tu phước hành Pháp Thiện để ta được an vui. Từ đó, chúng ta lan tỏa cái tinh thần làm từ thiện tới các trung tâm, các mảnh đời bất hạnh bằng niềm an vui được khởi nguồn trong tu phước với Pháp Thiện ở ngay trong gia đình chúng ta. Chúng ta không cần thiết phải cố gắng về vật chất, tịnh tài mà chúng ta quên đi sự an vui trong Phước Thiện nơi gia đình. Khi chúng ta an vui trong Phước Thiện nơi gia đình thì vật chất dù có rất nhỏ, sự cống hiến đó thật cao quý khi gửi tới những mảnh đời bất hạnh bởi nó có năng lượng Từ Bi an vui trong Pháp Thiện mà ta tu tại gia đình, gửi gắm, hồi hướng, trao về cho họ.
Đây là mấu chốt của con đường tu! Các bạn hãy lấy mấu chốt này để chúng ta tu, để chúng ta trưởng thành.
Nhắc lại: “Đức Phật khi xưa còn xỏ kim cho đệ tử mù lòa của mình là ông A Na Luật thì hôm nay mỗi người chúng ta hãy biết xỏ kim cho chính mình để khâu lại những vết rách ở trong Tâm thức để thêu dệt niềm an vui trong cuộc đời của ta nếu còn cha mẹ. Nếu cha mẹ đã mất chúng ta an trú trong hơi thở Chánh Niệm, tu Pháp Thiện để hồi hướng cho các vị để ta luôn được nuôi dưỡng sự an vui trong Phước Thiện tại tư gia để từ đó, niềm an vui đó biến ta thành một con người khởi nguồn cho sự sống, chia sẻ với tất cả những mảnh đời bất hạnh để ta xứng đáng với hai câu:
“Làm phước hai đời vui
Nay vui đời sau vui”
Chúc cho tất cả các bạn, chúc cho tất cả quý Phật tử chúng ta nhận rõ được điều này để mang an vui trong Phước Thiện, luôn biết làm từ thiện để xứng đáng với hai câu:
“Làm phước hai đời vui
Nay vui đời sau vui.”
Hãy làm tất cả những việc dù rất nhỏ như xỏ kim, Đức Phật còn làm việc đó, Ngài là Phật mà Ngài chẳng gạt bỏ việc thiện nhỏ như vậy. Ngài đã làm gương cho chúng ta, chúng ta hãy noi gương Ngài để có thể tăng trưởng đời sống an vui trong tự thân, trong gia đình, chuyển hóa những niềm đau, nỗi khổ đang có ở trong gia đình chúng ta.
Cám ơn tất cả quý Phật tử, quý vị và các bạn đã đồng hành trong buổi trì Chú Đại Bi, cầu an cho…cũng như hồi hướng công đức lên Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà, cha mẹ của chúng ta đã quá vãng nhiều đời và cũng hồi hướng công đức đến cha mẹ tại tiền còn sống tăng long phước thọ, ở đời với chúng ta. Chúng ta cũng hồi hướng công đức nghe pháp, chia sẻ và trì Chú Đại Bi hôm nay tới tất cả mọi người, mọi chúng sanh để đồng thanh tịnh trong pháp giới của Như Lai và thành tựu được Phật Pháp.
Cám ơn sự đồng hành của các bạn, quý Phật tử!