Search

Ăn Trộm Long Bào

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật- Mu A Mu Sa

Con nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi tới muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn cũng như các bạn ở trên Facebook. Cảm ơn các bạn đã theo dõi chương trình pháp thoại của Bảo Thành mỗi ngày trên kênh Youtube này. Bảo Thành kể cho các bạn nghe một câu chuyện. Câu chuyện kể như vầy:

Thuở xưa ở một quốc độ kia có một vị vua, ngài có một cái áo thật là đẹp – hoàng bào của vua, ngoài vua ra không ai được mặc cái áo này. Rồi một hôm có một người nông dân khố rách áo ôm – quanh năm suốt tháng chỉ có cái khố quấn phía dưới, mình trần như vậy làm ruộng, đi lang thang lạc vào cung đình, thấy cái áo của vua (hoàng bào) quá đẹp ông ta liền ăn trộm và mang về nhà. Thế rồi khi vua phát hiện hoàng bào đã mất liền sai quân đi tìm. Tìm ngược xuôi mà vẫn chưa tìm được. Nhưng rồi một hôm cuối cùng đã tìm thấy hoàng bào ở nhà anh nông dân nọ. Anh ta bị bắt và nhà vua nói với anh nông dân rằng: Anh đã lấy trộm áo của ta rồi, thôi trả lại cho ta. Thế nhưng người nông dân cãi với nhà vua rằng: đây là áo của tôi. Vua hỏi: nếu đó là áo của anh, anh là nông dân, anh chỉ có mỗi cái khố quấn, mình trần quanh năm cày sâu cuốc bẫm ngoài ruộng kia thì cái áo này ở đâu mà anh có cái áo đẹp sặc sỡ như vậy với đủ màu sắc, rộng rãi và còn có rồng ở trên đó nữa. Anh ta nói: À, cái áo này là của ông bà tổ của tôi truyền lại và tôi chỉ thường mặc nó khi tôi đã làm ruộng xong rồi, sau đó cất đi. Nghe vậy vua mới khoan dung nói rằng: À vậy nếu là áo của anh thì anh mặc vô cho tôi coi. Anh nông dân luống cuống hoảng hốt, mặc hoài mà cũng chẳng biết mặc như thế nào bởi cả cuộc đời của anh ta là mình trần, chưa từng có áo để mặc, chỉ có quấn mỗi cái khố phía dưới thôi. Hơn nữa hoàng bào của vua thuộc loại cầu kỳ đủ thứ, cả đời mới nhìn thấy, thấy hoàng bào đẹp nên ăn trộm mà chẳng biết mặc làm sao, không biết chỗ nào đầu – đuôi ra sao, nên không biết cách phải mặc hoàng bào như thế nào bởi chưa từng mặc áo. Cuối cùng nhà vua mới mang mọi chứng cứ ra để nói cho anh ta biết rằng long bào này là của vua và anh ta là kẻ đã lấy trộm nên anh ta đã phải thừa nhận và vua đã phạt anh ta vào lao tù.

Các bạn thân mến, đây là câu chuyện thực sự về tiền kiếp của Đức Phật. Vị vua đó chính là tiền thân của Đức Phật, còn tất cả những vị mà ăn trộm – gọi là người nông dân đó là tiền thân của những vị tăng giả, đã ăn trộm áo của vua mặc vào mà cả cuộc đời không biết mặc như thế nào. Các bạn, câu chuyện này nói cho chúng ta thấy rằng ở trong cuộc đời, Đức Phật có áo chánh pháp của Như lai, có y của Như Lai, có pháp y của Như Lai. Nhưng ở đời thiếu gì những kẻ nông dân bình thường chẳng am tường được giáo lý của Phật mà cứ bừa bãi lấy một phần giáo lý của Phật, lấy một phần hình tướng của nhà Phật, lấy một phần những điều gọi là sắc tướng của Phật để trang điểm vào cuộc đời để rồi tự nhận mình là ta đã thông thạo, làm tổn hại đến thanh danh giáo pháp của Như Lai. Anh nông dân này cả cuộc đời đâu có áo để mặc cho nên khi ăn trộm hoàng bào của vua đâu có biết mặc thế nào. Cuộc đời thiếu gì có những con người vì một cảnh nào đó trong đời đã khoác lên mình hình hài của chủng tử Như Lai, mang chủng tử tưởng rằng thiện ở trong lòng nhưng thực sự không có thiện bởi vì chỉ có tướng hảo bên ngoài thôi. Chúng ta thấy cảnh này đầy rẫy ở Việt Nam cũng như các nước Phật giáo quanh chúng ta. Biết bao nhiêu những người, vì hoàn cảnh, đã khoác lên mình sắc tướng của một vị tu sĩ nhưng rồi làm mất đi hình ảnh cao quý của chủng tử Như Lai. Chúng ta thấy báo chí thường đăng tải những bài báo đoạn phim về những hình ảnh của những con người giả mạo tăng tài, đi ngoài đường chỗ này chỗ kia để xin sự cúng dường. Nhưng chẳng phải là cúng dường cho tăng bảo mà nhận cúng dường về nuôi thân. Dưới hình tướng của tăng hay của ni nhưng thực sự họ chẳng phải là tăng, chẳng phải là tu sĩ, họ chỉ khoác áo nhà tu rồi đóng vai đó hoặc là mang giáo lý của nhà Phật đóng vai ở trên ngôn ngữ, rồi hòa mình vào trong xã hội này để đạt được mục đích họ mong muốn. Nhưng họ chẳng biết mặc áo của vua, họ chẳng biết trang điểm cách tướng oai nghi của nhà vua. Các bạn, hiện tượng này xảy ra thật là nhiều và trong cuộc sống mà mỗi một con người đều có thể tự do làm những điều mình yêu thích thì áo của nhà vua thường bị những người nông dân kia lấy trộm mang về nhà.

Các bạn, chúng ta không đi sâu để ám chỉ hình tướng nào. Nhưng đây thực sự trong cuộc đời có những con người chỉ là nông dân thế mà ăn trộm áo của nhà vua lại nói của mình. Nghĩa là ở trong đời có nhiều người thực sự không có phát tâm đi vào con đường xuất thế gian để tu nhưng vẫn mặc áo xuất thế gian, hình tướng xuất thế gian để tìm kiếm sự lợi dưỡng cho cuộc sống bản thân của mình và mượn áo xuất thế gian, tướng xuất thế gian để phục dưỡng cho đời sống con người của họ. Từ đó mà xã hội nhìn nhận một cách riêng thì nhận thức rằng Phật giáo chúng ta mất đi sự thanh cao cao quý và chẳng có phẩm hạnh. Bởi thực tế có những con người khoác lên mình y bát của nhà Phật, có những con người khoác lên mình tướng hảo của nhà Phật, phong cách của nhà Phật, kinh kệ của nhà Phật nhưng đằng sau đó lại sống như người bình thường, làm tổn hại đến thanh danh giáo pháp của Dức Phật truyền lại cho chúng ta. Nếu chúng ta là nông dân, không hẳn chúng ta không thể tu. Chúng ta đã mình trần cả năm trời, mình trần cả cuộc đời có chi đâu mà phải ăn cắp cái áo vua để làm gì, bởi ta đâu có thể đắp áo vua lên người. Ta là nông dân, trong cuộc sống chúng ta sinh ra đời phước báu khác biệt, chỉ cần chúng ta đón nhận phước báu ta là người như thế nào và sống đúng với phẩm hạnh tánh thiện của chúng ta dù mình trần chân đất và chỉ có khố quấn trên người, chúng ta cũng xứng danh là một bậc thánh nhân. Chẳng cần phải đắp lên người áo của vua để rồi được gọi là vua, “chiếc áo không làm nên nhà vua và chiếc áo cũng chẳng làm nên nhà tu”. Tu là ở trong tâm. Chúng ta hãy đón nhận địa vị ta đang sống trong cuộc đời là người xuất gia hay là người tại gia, cư sĩ nam hay cư sĩ nữ. Hoàn cảnh như thế nào không quan trọng mà quan trọng là chúng ta biết giữ tâm chân thật, quan trọng là chúng ta phải biết giữ tâm thanh tịnh. Và để cho tâm chân thật có được tồn tại mãi trong cuộc sống thì ta phải tu để thực hành hạnh tâm chân thật đó bằng cách không bao giờ cho phép chúng ta gợi lên những ý tưởng sai trái, gian trá, hành động không đúng. Ta phải luôn luôn tự nhắc nhở hãy sống chân thật như người xưa nói: Đói cho sạch rách cho thơm. Như anh nông dân dù không có quần áo đi nữa thì cũng phải cho sạch cái tâm. Có chi đâu thấy hoàng bào lộng lẫy ăn trộm về khoác lên, mà cả đời đâu biết mặc như thế nào. Mỗi một địa vị của con người nó đều khác biệt, đói cho sạch rách cho thơm, dù ta có đói thì cũng phải cho sạch, rách thì cũng phải cho thơm. Các bạn nhớ: sách cũ thì giữ lấy nề, con người dù như thế nào cũng phải giữ cho ngay thẳng và chân thật.

Chúng ta hôm nay học được bài học như Đức Thế Tôn nói: hãy cẩn thận bởi vì sau đời Đức Phật tịnh diệt, nhất định sẽ có nhiều người như anh nông dân kia trộm áo nhà vua khoác lên mình mà chẳng biết khoác như thế nào. Trong cuộc sống hiện tại với sự xô bồ của nền văn minh hỗn loạn trong nền kinh tế thị trường quá phức tạp, con người thường đắp lên mình những tướng hảo không thuộc về mình hoặc chưa có sự chuẩn bị mà chỉ mượn tướng hảo đó, ngôn ngữ đó, hình tướng đó của nhà Phật để mưu cầu danh lợi. Do đó các bạn phải cẩn thận. Nếu các bạn nhìn thấy những người đó, ta cũng không nên chê trách gì họ, nhưng phải có con mắt trí tuệ để phân biệt cho đúng, đừng quá vội vàng đánh giá để rồi có những suy nghĩ và những lời nói miệt thị đến Phật giáo. Những ai vì một hoàn cảnh nào đó mà lỡ tay lấy áo của nhà sư đắp lên mình, mở miệng lấy ngôn ngữ của nhà Phật trang điểm cho mình để mưu cầu danh lợi thì chúng ta phải cẩn thận lại. Hãy buông bỏ một cách từ từ bởi điều đó chẳng làm nên ta như thế nào và quan trọng là các bạn giữ được tâm chân thành và lòng chân thật của các bạn. Sống với phẩm hạnh chân thành và chân thật thì các bạn thật là cao quý dù bạn là nông dân cả đời không có áo, thì trên màu da cháy sạm bởi ánh nắng của mặt trời cũng đủ cho mọi người kính trọng bạn bởi bạn là người nông dân chân thật. Không có người như bạn thì làm sao có lúa gạo để nuôi những người khác, người ta vẫn tri ân các bạn. Chứ không phải các bạn phải khoác lên hoàng bào – long bào để được người ta kính ngưỡng. Chúng ta chỉ cần khoác lên người tâm chân thật, lòng chân thành sống đúng phẩm hạnh với nghiệp duyên sinh ra trong kiếp này thì sự cao quý của các bạn nó sẽ toát ra từ đời sống bình thường của các bạn. Không cần phải nhập vai, đóng vai những hình ảnh không thuộc vế mình. Tiền thân Đức Phật là một vị vua nhắc nhở cho chúng ta thấy rằng để trở nên như một vị vua xứng đáng đắp vào hoàng bào, mỗi người chúng ta phải bắt đầu từ tâm chân thật, sống đúng với phẩm hạnh mình sinh ra và từ đó bước lên từng bước trong đời sống chánh niệm của chúng ta. Chúng ta nhớ, đối với Phật tử, nếu nhìn thấy ai đắp lên người áo của nhà sư mà chưa phải là sư thì cũng hồi hướng cho họ để họ nhận thức ra mà từ bỏ để sống đúng với phẩm hạnh của họ là một con người bình thường có tư chất chân thật, có lòng thành đáng kính, chẳng cần phải mượn hình tướng của ai. Hãy sống đúng với hình tướng của trái tim, của lòng thành, của tâm chân thật thì các bạn luôn luôn được mọi người tôn quý. Nếu lỡ có lạc vào cung đình, thấy áo của vua đẹp thì chúng ta cũng đừng nghĩ rằng phải lấy và đắp nó lên người. Trong cuộc sống cũng vậy, thiếu gì những con người đã mượn hình tướng sắc tướng và danh dự, danh phẩm, quyền lực của người khác để làm lợi cho ta. Không cần, hãy dùng tâm chân thật sống thực với chính mình thì các bạn có tất cả trong đời.

Đây là câu chuyện tiền thân Đức Phật ngầm ngụ ý dạy dỗ chúng ta rằng sau khi Phật tịnh diệt, ở đời luôn luôn có những kẻ trộm áo cà sa đắp lên cuộc đời để mang lại sự lợi dưỡng. Âu đó cũng là nghiệp chướng của họ. Nhưng chúng ta đừng chê trách, hãy hồi hướng để mọi người bình tâm sống đúng với địa vị của mình, sống cho thanh cao, sống cho chân thật. Cảm ơn các bạn. Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật-Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn