Search

7 Pháp Thí Tăng Trưởng Phước Báu

Bảo Như bút ký

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa

Con nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào các bạn trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn!

Các bạn thân mến, hôm nay Bảo Thành lại gặp các bạn và chúng ta lại có nhân duyên gặp nhau trong tâm tình trao đổi chia sẻ để chúng ta có một cái nhìn rộng lớn, có cái tâm thoáng hơn trong cuộc sống. Hầu hết trong mỗi chúng ta luôn luôn mặc định cho mình rằng phải có mới làm được, còn không có sao làm, như câu ở đời thường hay nói “có thực mới vực được đạo”. Và cái cách nói đó hình như người ta cứ nói hoài để ám chỉ rằng nếu đời sống trong tâm hồn mà không có vật chất thì không thể thành tựu được, vật chất là thước đo cho hạnh phúc và bình an. Cái đó không sai nhưng nó chẳng phải là tất yếu quan trọng trong cách sống để có được hạnh phúc. Nhưng vẫn có biết bao nhiêu con người dùng cách suy nghĩ như vậy để áp dụng vào cuộc sống tâm thức cũng như cuộc sống của tâm linh. Từ đó chúng ta cứ nói rằng nếu như không có một cái gì, không có vật chất của cải chúng ta không làm được gì hết. Chúng ta không thể cứ ngồi đó tụng kinh, không thể cứ ngồi đó mà nghĩ đến Trời Phật khi không có miếng ăn. Thưa đúng các bạn ơi! Chúng ta cần phải có ăn, cần phải có uống nhưng không phải rằng vật chất đó nó đưa chúng ta tới sự bằng an, vẫn biết vật chất là một phần trong đời sống. Tuy nhiên trong cách sống của tâm linh, khi mà nhĩ căn của chúng ta đây nghe thấu được với đất trời, khi nhãn căn nhìn thấu được với đất trời thì mọi chuyện tuyệt đẹp vô cùng.

Các bạn ơi, có một vị kia tới gặp Đức Phật ở trong một thành phố. Khi đó ngài đang thuyết pháp thì vị đó nói với Phật rằng: Thưa Phật, tai của con đây không có nghe được lời của Phật, mắt của con đây không có nhìn được dung nhan của Đức Phật và tay chân của con đây không chạm vào được Đức Phật. Phật nhìn anh ta thấy mắt vẫn sáng, tai vẫn thính, tay chân vẫn di dộng được mà sao nói những điều hơi ngược nên Phật mới hỏi cặn kẽ rằng là như thế nào anh cho biết rõ. Anh ta nói vòng vo một hồi rồi mới trở lại vấn đề rõ ràng là ở trên đời này anh ta thiếu phước báu, gia cảnh nghèo khổ, không có cơ hội cúng dường cho Phật để tạo phước nên anh ta cảm thấy thua thiệt với mọi người vì biết bao nhiêu người có tiền có của, giàu sang phú quý tới hành hạnh pháp thí mà Phật dạy để tạo phước báu. Đức Phật ôn tồn nói với anh ta rằng: Này con ơi! Hạnh bố thí chẳng phải đặt trên cái nền tảng của tiền, vật chất hay là phẩm vị quan quyền con có, mà hạnh bố thí nó tới từ tâm của con.

Đây là 7 cái pháp thí mà con có thể làm được, tu được chẳng dựa trên những điều con đã quan niệm, 7 pháp thí này đầu tiên gọi là Nhan thí – Nhan thí là sắc đẹp của nụ cười, tức là nụ cười thanh thản không vướng mắc, là nụ cười luôn mang lại hạnh phúc cho muôn người, vì người ta cười, vì tự nhiên ta cười, vì điều mà chúng ta luôn nghĩ rằng thế giới này thật là đẹp nên ta cười, tâm ta thật an tịnh nên ta cười. Không cười gượng và nụ cười tự nhiên như vậy vốn có trong mỗi người. Không tiền, không quyền lực cười cũng được, những nụ cười là đẹp nhất để cho chúng ta bố thí cho muôn người và cho Phật nữa gọi là nhan thí – nụ cười tự nhiên của tâm thanh tịnh. Các bạn, tâm thanh tịnh không lệ thuộc vào tiền – Phật dạy như vậy.

Điều thứ 2 mà ta có thể thực hiện được pháp thí đó, gọi là ngôn thí. Ngôn thí là những lời nói dễ nghe, dễ thương, lời nói ái ngữ mà chúng ta thường tiếp xúc với người thân trong gia đình cũng như ở ngoài đời. Chúng ta lựa những lời dễ nghe đó để trao truyền cho nhau, chẳng cần có Phật ngồi đó thì gọi là pháp thí. Bởi ngoài nụ cười đẹp là nhan thí, ngôn thí đóng một vai trò quan trọng bởi nụ cười và lời nói thường ở trên môi miệng mà ra. Nếu chúng ta biết làm được điều đó thì hạnh phúc vô cùng, đó là pháp thí cao tột của một con người có cái tâm. Phật khuyến khích mọi người phải có cái nhan thí bằng nụ cười, ngôn thí bằng lời nói.

Pháp thí thứ 3 gọi là Tâm thí. Tâm thí là tâm hòa, tâm bình an, tâm an lạc, tâm hòa nhịp với nhau vào với tất cả mọi người. Lòng biết ơn, tâm hòa hợp dung thoa với nhau, không trên không dưới, không cao không thấp, không to không bé – bình đẳng với tâm thí đó ta sẽ tạo được phước báu. Và pháp thứ 4 gọi là Nhãn thí tức là chúng ta biết nhìn chân thật, biết nhìn vào lòng chân thật của mình và biết nhìn vào lòng hiền từ của muôn người với tâm nguyện cho mọi người rằng họ và ta luôn sống chân thật hiền từ thì đó gọi là nhãn thí bởi ta biết nhìn vào tâm chân thật hiền từ của mọi chúng sanh.

Pháp thí thứ 5 gọi là Thân thí – là những hành động nhân ái như san sẻ tình yêu thương tới những con người thật là gần gũi quanh ta, san sẻ ở đây không phải là vật chất mà là san sẻ tình yêu thương biểu lộ bằng nụ cười, lời nói, bằng tâm hòa hợp, bằng cái nhìn chân thật. Chỉ bằng những hành động đó thôi thì thật cao quý và là pháp thí tột cùng cao cả, tạo vô chừng phước báu cho chúng ta. Pháp thứ 6 gọi là Tọa thí – tức là chúng ta biết nhường nhịn, ví dụ như là nhường chỗ ngồi, chỗ ở, chỗ ăn. Chúng ta đi chung trên một chuyến xe thật là dài, có biết bao nhiêu những người lớn tuổi, những người phụ nữ đang mang thai, hoặc mang vác nặng thì ta có thể nhường chỗ cho họ ngồi, đó gọi là tọa thí – có nghĩa là thiền đó các bạn. Tọa thiền không hẳn là phải ngồi trong pháp tòa mà là ta biết nhường chỗ chỗ an toàn tốt đẹp nhất cho người khác đang cần. Đó là cách bố thí quan trọng mà hầu hết ai trong chúng ta cũng làm được.

Pháp thí thứ 7 gọi là Phòng thí – tức là chúng ta biết bố thí lòng bao dung chứ không phải bố thí phòng ốc nhà cửa của chúng ta – nghèo thì làm gì có nhà có cửa để bố thí. Khi chúng ta biết bố thí cái lòng bao dung để mọi người có thể vào trong lòng bao dung của chúng ta – nằm ở đó, ngồi ở đó, sống ở đó thì chúng ta đã tạo ra phước báu vô cùng. Rồi Phật nói với người đó rằng đó là 7 pháp thí mà mỗi người trong chúng ta nếu làm được dù không có của cải vật chất hay quyền lực trong thế gian thì chúng ta vẫn sẽ tạo được vô vô lượng phước báu trong cuộc đời.

Bảo Thành kể câu chuyện này để nhắc nhở cho mọi người thấy rằng tất cả những điều đó chúng ta đều làm được và chúng ta đừng quá đặt nặng về tiền bạc vật chất trong cuộc sống. Vẫn biết tiền bạc vật chất trong cuộc sống là một yếu tố rất cần thiết trong đời người. Nhưng để thành tựu được pháp bố thí tăng trưởng phước báu không nhất thiết phải dùng tiền bạc tài danh quyền lực, mà phải biết dùng những gì có được ở trong tâm. Bảo Thành xin nhắc lại 7 pháp thí: 1 là Nhan thí – tức là bố thí nụ cười; 2 là Ngôn thí – biết bố thí lời nói dễ nghe, ái ngữ dễ thương; 3 là Tâm thí – tức là bố thí tâm hòa, lòng biết ơn đối với mọi người; 4 là Nhãn thí – biết bố thí cái nhìn chân thật, hiền từ; 5 là Thân thí – tức là biết bố thí những hành động nhân ái; 6 là Tọa thí – tức là bố thí chỗ ở chỗ ngồi, chỗ đi chỗ đứng cho những người khác đang cần, nhất là những vị cao niên lớn tuổi hay những phụ nữ đang mang thai hoặc là người đang cần được nghỉ ngơi; 7 là Phòng thí – tức là bố thí lòng bao dung để mọi người có thể vào trong đó ngủ với chúng ta với lòng bao dung, lòng bao dung là chỗ dựa cao quý nhất cho mỗi một con người. Các bạn, đó là 7 pháp thí chư Phật dạy.

Trở lại với đời sống của con người bình thường của chúng ta thì ai cũng có thể làm được chuyện này. Nếu như một lúc nào đó các bạn than thở, thấy mình không thể thực hiện được pháp thí để tăng trưởng phước báu thì các bạn hãy nhớ lại 7 lời – 7 pháp thí Đức Phật dạy thật là thuận tiện cho chúng ta. Chúng ta có thể làm được những điều đó mỗi ngày mỗi phút mỗi giây. Các bạn ứng dụng những phương pháp Đức Phật truyền này vào cuộc đời để tăng trưởng phước báu thì thật là tuyệt vời. Đừng đợi chờ khi giàu, khi có tiền, có vật chất hay khi thành tựu được bởi chính cái tâm của chúng ta vốn đã có sẵn đầy đủ những điều kiện để hành các pháp thí đó rồi. Cho nên các bạn ơi, hãy thực hành pháp thí của Chư Phật để đời sống được bình an hạnh phúc, đừng mong cầu những gì quá cao, quá lớn như những vị đại phú đại quý ngoài kia làm, mà hãy làm cái chuyện thật lớn là mang tâm của chúng ta ra để thực hiện 7 cái pháp bố thí như đề cập ở trên, cúng dường 10 phương Chư Phật. Chúc các bạn luôn luôn suy nghĩ đến điều này và thấm được lời của Đức Phật dạy. Đừng cần phải nhìn vào những kẻ giàu, những kẻ có vật chất quyền lực để thấy rằng họ bố thí cho chùa quá nhiều, họ làm được chuyện này chuyện kia mà ta không thể làm được để rồi từ đó ta cứ dừng lại khựng lại. Hãy theo lời Phật bắt đầu bố thí từ tâm của chúng ta – tâm thí là 7 cái pháp thí như đã nói ở trên sẽ tạo được vô lượng phước báu cho ta, cho gia đình và cho muôn đời sau khi ta tái sanh trở lại trong pháp thiện. Các bạn nhớ rằng lời chân thật của Phật, lời thuyết pháp của Phật là được rút tỉa từ kinh nghiệm hành để trở thành Phật. Nếu các bạn có thể hành được những pháp thí này vô ngăn ngại trong chúng ta với vật chất, với những mặc định trong tư tưởng của mình thì chúng ta sẽ đạt được cứu cánh là Niết Bàn an vui trong cái hạnh của tâm thí – 7 pháp thí.

Bảo Thành xin nhắc lại một lần nữa để các bạn từ từ nhớ và chúng ta làm, không cần phải nhớ hết 7 cái: thứ 1 là Nhan thí – tức là bố thí nụ cười, cái này dễ chúng ta có thể làm được, các bạn cười với mọi người, cười với mọi hoàn cảnh; 2 là Ngôn thí – là lời nói dễ nghe, ái ngữ, không gây chướng lỗ tai gai con mắt; 3 là Tâm thí – tức là bố thí tâm hòa hợp, lòng biết ơn đối với mọi người; 4 là Nhãn thí – biết bố thí cái nhìn chân thật, hiền từ từ con mắt yêu thương; 5 là Thân thí – tức là biết bố thí những hành động nhân ái, từ bi san sẻ yêu thương; 6 là Tọa thí – tức là bố thí cái chỗ này chỗ kia khi ta đang ngồi mà những người lớn tuổi hoặc những người cần được ngồi thì ta có thể đứng lên mời họ ngồi xuống; 7 là Phòng thí – tức là bố thí lòng bao dung, lòng bao dung có thể chứa được vô lượng công đức phước báu ở trong đó, chúng ta hãy thực tập hạnh này. Cảm ơn các bạn đã lắng nghe.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Mu A Mu Sa.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn