Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa. Con nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.
Bảo Thành kính chào các bạn trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn. Các bạn thân mến, cái gì là cao đẹp nhất trong cuộc sống của chúng ta hiện tại? cái gì là quý giá nhất trong cuộc đời này đây? Có biết bao nhiêu thứ, chúng ta không kịp thời gian trong cuộc sống để tự hỏi mình rằng ta có gì quý nhất, ta có gì đẹp nhất, ta có gì đáng trọng nhất trong cuộc đời. Có lẽ cuộc sống xoay nhanh quá các bạn, nó xoay nhanh đến mức mà chúng ta không còn thời gian để tự suy nghĩ và hỏi rằng: Cho tới tuổi này rồi đây khi nghe được lời của Bảo Thành nói, chúng ta suy nghĩ thử coi ta có gì là quý giá nhất trong cuộc đời. Nếu ta đếm những thứ thành tựu, thành công, những thứ có giá nhất và hãnh diện nhất trong cuộc đời là gì? Mỗi bạn sẽ có những câu trả lời riêng biệt. Người thì thấy rằng ta đã thành tựu những văn bằng cao trong xã hội như là: ta là bác sĩ, luật sư, kỹ sư, ta là giám đốc, là sếp của muôn người. Cũng có người nói ta có xe, có nhà, và cũng có người cười thật nhẹ nhàng: ta không có gì thì có gì đâu mà phải so sánh? Nhiều câu trả lời khác biệt giữa mỗi con người sống bởi trên đời này, đâu ai giống ai. Có người học cao, có người học rất bình thường, có người như thế này thế kia, thế gian này không bao giờ tìm được hai người giống nhau đâu, ngay cả sinh đôi, khác biệt về cuộc sống, tư tưởng suy nghĩ và hành động. Tựu trung câu hỏi là ta có gì để mà nhìn lại, để thấy quý giá nhất. Một câu chuyện kể như vầy.
Có một bà cụ, đã cuối đời rồi, già lắm rồi, già tới mức mà con cháu đã mất hết rồi chẳng còn ai, bơ vơ trơ trọi sống trên một sườn núi. Bà là người miền núi, chỉ nuôi thú vật sống qua ngày, mắt cũng đã mờ, chỉ còn mò mẫm ở trong căn nhà và ăn uống những thứ lặt vặt do bà con cô bác xa gần trong làng ghé ngang qua cho chút đồ ăn sống qua ngày. Bà cụ buồn rầu, rầu rĩ lắm, tuổi cao mắt mờ mà tiếng khóc than rơi lệ nơi khóe mắt làm cho bà cụ cằn cỗi thêm, từng giọt nước mắt rơi nhớ về con cái, nhớ về quá khứ và phận hèn sống ở hiện tại nó cứ chảy mãi chảy mãi tạo thành những dòng kênh rạch nhăn nheo trên gò má của bà cụ. Thế rồi một hôm bà cụ nghe tiếng gõ cửa, chạy ra mở mà chẳng thấy ai. Nhưng thực ra đó là một vị thiền sư đi ngang qua khu này và thấy một túp lều heo hắt nằm trên sườn đồi ít bóng người nên tiện ghé ngang qua như để thăm hỏi chủ nhà đang trú tại đây. Thấy bà cụ mắt mờ lạng quạng mò mẫm mở cửa, hỏi ra mới biết tình cảnh của cụ nên thiền sư đã trao cho bà cụ một câu mật chú vi diệu và nói cụ hãy hướng về hướng tây mà đọc câu thần chú này thì cụ sẽ tươi vui hạnh phúc sống khỏe sống an và tất cả mọi thứ sẽ sung túc ở tuổi đã cao tới khi mạng thọ viên chung. Bà cụ nghe theo và cảm ơn vị thiền sư đã khai thị mật chú vi diệu này – mật chú: Phật tại đây. Bởi thiền sư nói như vầy: ở hướng Tây có Phật ngụ ở đó – Phật Di Đà Tiếp Dẫn Đạo Sư, bà cứ niệm câu mật chú: Phật tại đây! Phật tại đây. Phật tại đây có nghĩa là Phật tại phương tây, nhưng vị thiền sư chỉ dạy cho bà ngắn gọn câu mật chú Phật tại đây! Phật tại đây. Từ đó bà cụ miên mật chí thành nghĩ đến Đức Phật Tiếp Dẫn Đạo Sư mà vị thiền sư đã khai thị hướng về phương tây niệm niệm từng giây từng phút niệm câu mật chú “Phật tại đây”- chỉ có 3 chữ. Nhưng thật ra con mắt của bà cụ đã mờ, đã lòa rồi, có biết hướng đông, hướng tây nào đâu, chỉ cứ hướng về hướng mà như vị thiền sư nói là tây. Nhưng mà xoay quanh xoay quẩn ở trong túp lều đó rồi chẳng biết hướng đó nó ở đâu. Nhưng trong tâm trí của bà cụ cứ hướng về cái hướng gọi là tây phương đó và niệm mật chú Phật tại đây! Phật tại đây. Thế rồi một thời gian sau, có một phái đoàn lớn tăng thân đi thỉnh kinh ngang qua miền núi đó, ngỡ ngàng vô cùng khi thấy ở trên sườn núi, ngay trên túp lều nhỏ bé có hào quang tỏa sáng, mây kiết tường ngũ sắc, ánh sáng của bảy báu như cõi phương tây cực lạc hiện tiền tại nơi đó. Liền đó phái đoàn tăng thân theo vị sư cả đi tới đó để coi coi vị thiền sư ẩn sĩ cao tăng chứng đắc nào đang hiển ngự tại nơi đây. Khi tới cái lều đó, đoàn tăng thân quỳ xuống trước túp lều thành kính đảnh lễ để cung thỉnh vị cao nhân chứng đắc ra để được diện kiến. Sau khi cung thỉnh xong, cánh cửa của túp lều hé mở ra thật nhẹ nhàng, tăng đoàn nhìn thấy ở hai mép cửa là hai bàn tay già nua nhăn nheo, run rẩy quờ quạng chạm vào vách cửa rồi từ từ với đôi chân run rẩy, đôi mắt mù lòa lần mò bước ra làm ai ai cũng ngỡ ngàng vô cùng. Tăng thân nhận thấy đây là bà cụ thật là già yếu, đôi mắt đã mù lòa nhưng toàn thân của bà hào quang sáng tỏ rừng rực đẹp vô cùng, hương thơm lạ bay tới, cảm tưởng như phương tây cực lạc đang hiện tiền trước mặt. Cả tăng thân đều cúi xuống quỳ lạy thành kính và hỏi thăm bà cụ rằng bà cụ là bậc cao nhân chứng đắc ở đâu? Bà cụ nghe thấy tiếng của tăng thân thì sợ hãi quỳ xuống và lạy. Sau khi hỏi, thì vị sư cả được nghe bà cụ nói cụ chỉ là một người nông dân bình thường, con cái mất hết, sống ở đây. Vài năm trước có một vị thiền sư đi ngang qua đã truyền dạy một câu mật chú vi diệu để cho bà cụ tụng niệm hàng ngày hàng giờ phút. Cho nên cuộc sống như vậy, từ đó bà con lui tới cho ăn dư dả và đôi mắt tưởng chừng đã mù nay đã sáng thấy đường để đi và cũng như các vị tăng thân đã thấy hào quang sáng lộ toàn châu thân của cụ. Vị sư cả và tăng thân mới tò mò rằng câu mật chú vi diệu nào mà có thể làm cho bà cụ chứng đắc siêu kỳ như vậy chỉ trong vài năm. Bởi đoàn tăng thân này cũng đang đi thỉnh kinh cũng mong muốn cùng với vị sư cả có được những kinh hay, nay thấy được câu mật chú thì vui, muốn hỏi để được thọ giáo. Bà cụ người miền núi lòng thật là ngay, nói thật là thẳng câu mật chú “Phật tại đây” mà vị thiền sư kia đã dạy. Phật tại đây, khi bà cụ nói “Phật tại đây” đó là mật chú thì gần như toàn bộ tăng thân các vị sư trẻ cười ồ lên, câu mật chú gì mà kỳ vậy “Phật tại đây”, bà cụ đâu phải là Phật, chỉ là người bình thường thôi mà mật chú gì mà “Phật tại đây” như chứng tỏ rằng ta là Phật. Còn vị sư cả trầm tĩnh suy nghĩ, nhưng trong tiếng cười hô hố hô hố của đệ tử và tăng thân trẻ kia làm bà cụ hoảng hốt sợ hãi. Vị sư cả suy nghĩ trong kinh, thực ra ở trên đời này không có câu mật chú “Phật tại đây” hay “Phật ở đây”, những câu này không có, đây không phải là câu mật chú. Truy cứu nhận thấy trong kinh nói thật là rõ, cả đời nghiên cứu kinh điển nay cũng đi thỉnh kinh để có kiến thức cao rộng, chưa bao giờ thấy có câu mật chú “Phật tại đây” hay “Phật ở đây”, đây chỉ là một câu nói thôi không phải mật chú. Bà cụ nghe xong sợ hãi run rẩy nghĩ rằng có lẽ mình đã nghe lầm vị thiền sư kia khi dạy, liền đó toàn thân tắt lịm những hào quang đang phát ra, túp lều sụp tối, mây đen phủ đầy. Các tăng thân trẻ cười và nói rằng bà cụ thật lẩm cẩm chẳng biết mật chú là gì bởi họ tu theo dạng gọi là mật tông mà, thần chú cao siêu, chưa bao giờ nghe nói câu mật chú “Phật tại đây”. Nhưng khi thấy mây đen bao phủ hào quang tắt lịm, bà cụ suy sụp, vị sư cả sợ hãi quán chiếu sám hối lại thấy hình như mình nói gì sai. Cuối cùng vị sư cả mới nhận ra rằng cái sai của mình là đánh mất tâm chí thành và niềm tin vào Tam Bảo. Sau đó vị sư cả mới nhận thấy đúng, “Phật tại đây” là một mật chú vi diệu, bởi lúc này ông ta mới giác ngộ rằng Phật chẳng phải ở phương tây phương đông phương trên phương dưới mà Phật tại đây tức là Phật nơi lòng chí thành, chân thật. Phật tại đây giờ này ông mới ngỡ ngàng hiểu ra, vị thiền sư cao nhân kia đã khai điểm Phật tại đây – tại tâm tại chỗ này, nơi tâm thành kính tâm chân thật chứ Phật không ở đâu xa. Thế nên bà cụ đã định được tâm Phật tại đây do đó phát hào quang và thánh chúng Di Đà hiển ngộ ngay tại nơi này. Vị sư cả sợ hãi liền quỳ mọp xuống kính lạy và nói với bà cụ rằng: Tôi đã sai bởi suy nghĩ không thấu, đúng mật chú Phật tại đây thật là vi diệu. Bà cụ nghe thế thì mừng quá bởi vì mình đã học đúng mật chú đó nên lại tiếp tục với tâm chân thật chí thành đảnh lễ Phật ở phương tây Di Đà đó mà niệm “Phật tại đây”, hào quang liền hiển lộ, tăng thân kinh hãi sợ, mọi người đều quỳ mọp lạy bà cụ.
Các bạn thân mến, câu chuyện thật là đơn giản phải không các bạn. Nhưng trong câu chuyện đơn giản này ý nói rằng chúng ta là người học Phật, ngoài trí tuệ suy nghĩ suy diễn văn tự, rồi chúng ta luận bàn về những ý nghĩa, nhưng thực ra văn tự và ý nghĩa trong kinh không thể diễn ta được sự giác ngộ của Phật đâu. Bởi khi xưa Phật đã nói toàn bộ những gì Phật đã giác ngộ mà Phật giải thích cho chúng ta như là nắm lá trong bàn tay – nhỏ bé lắm. Vậy thì làm sao có thể nhìn vào trong từng chữ văn tự ghi và ký lại ngày nay để có thể diễn tả được sự giác ngộ. Ngoài tâm chí thành và tâm chân thật rất quan trọng cho đời người tu, song hành với những sự tư duy suy nghĩ để hiểu rõ theo kiến thức nhận biết của từng căn cơ nghiệp thức của mỗi người mà chúng ta hành mới là quan trọng. Đừng so đo so tài trên kiến văn sự học rộng, giải bày những liễu nghĩa theo ý của ta. Nhớ rằng bà cụ với lòng chân thành thành kính chân thật đảnh lễ chư Phật và niệm Phật tại đây! Phật tại đây! ngay đây, chỗ này. Chính ngay chỗ này, tại đây, với chánh niệm hơi thở tại đó tịch tĩnh mà hương thơm cõi Di Đà đã tỏa, mây ngũ sắc đã sáng rực ở miền hoang vắng này. Các bạn, nếu chúng ta là những người có kiến thức học cao, hãy nhớ rằng tất cả những pháp chế định đó, pháp văn tự đó chỉ để cho chúng ta có sự tư duy vượt ngoài những sự chướng ngại của ngôn ngữ mà thôi. Quan trọng nhất vẫn là lòng thành kính và tâm chân thật như bà cụ, chẳng biết mật chú chẳng biết kinh chẳng biết phương hướng nào là hướng tây nhưng có một lòng chân thật bởi vậy hào quang đã phát.
Các bạn thân mến, trong cuộc đời nếu chúng ta may mắn có đầy đủ phước báu học hỏi để kiến giải văn tự kinh sách tế tụng nghi thức, nhưng nhớ rằng đừng quên tâm chí thành tâm chân thật mới là mấu chốt để chúng ta tìm gặp được ngay trong giây phút hiện tại tại đây: Phật tại đây! Phật tại đây! Phật tại nơi đây!
Cảm ơn các bạn đã nghe. Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa