Thu Hằng đánh máy
Mô Phật! Bảo Thành xin kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và tất cả các bạn đồng tu. Chúng ta hãy cùng nhau quy kính về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con tinh tấn miên mật hành trì mật thiền chánh niệm hơi thở, để lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh thức, hành các pháp thiện, quán chiếu thấu được Vô Thường, Khổ và Vô Ngã. Chúng con cũng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ ông bà cha mẹ, những người yêu thương đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho hàng đệ tử chúng con thân tâm thường an lạc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học và tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!
Mời các bạn đặt tay phải vào lòng bàn tay trái, xin mọi người hãy ngồi trong sự tĩnh lặng. Hãy trở về nương vào hơi thở của chánh niệm vào ra, thấy biết, ghi nhận thật rõ mọi cảm xúc, suy nghĩ của mình ngay trong hiện tại. Mang tình thương, sự sáng suốt, sự tỉnh thức và tâm thiện lành bác ái tưới tẩm vào mọi cảm xúc, suy nghĩ của chúng ta.
Hãy bắt đầu hít vào bằng mũi, phình bụng ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, hồi hướng cho nhau.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)
Mô Phật! Các bạn đồng tu thân mến, hình như trong lòng của chúng ta đã rộn ràng rồi, vì ở những xứ sở ấm của nhiệt đới như Việt Nam, thỉnh thoảng mùa này đây chúng ta đã thấy những cánh én báo xuân chập chờn ở ngoài bầu trời. Thấy tất cả những ai chuẩn bị cho những người khác đón xuân có hoa, họ cũng rần rần chuẩn bị gửi hoa lên thành phố, chỗ đông người để chúng ta có cơ hội mua hoa về chưng Tết hoặc cúng cho ông bà cha mẹ, cho Phật. Nhìn những bông hoa thật tươi, thật đẹp nở rộ, nếu mà mình suy nghĩ, mình tư duy cho tận gốc sẽ thấy được những tháng ròng rã mà người trồng hoa tần tảo chăm sóc, gieo trồng, cắt tỉa mới có được những bông hoa đẹp. Vừa đẹp của hoa, thơm của hoa, mà vừa đẹp theo cách cắt tỉa hình dáng của cây nửa.
Bên cạnh hoa cây kiểng cũng như thế, nếu chỉ nhìn thấy cái đẹp mà không nhìn thấy sự chăm sóc tảo tần của người trồng, thì chúng ta chẳng bao giờ ơn. Hình ảnh này để chúng ta nhớ rằng, muốn đạt được một điều gì đẹp đẽ cho mình hoặc dâng hiến cho người đều phải trải qua công phu tảo tần sớm hôm chăm sóc, gieo trồng. Nói về Hoa Bảo Thành lại nhớ đến một bạn đồng tu khi xưa thường trồng hoa huệ, để cho mọi người có bông hoa huệ dâng cúng chưng bày trong ngày Tết. Những ngày ấy người bạn đồng tu này rất vất vả, trước đó vài tháng củ của hoa huệ đã phải ươm, phải bảo vệ và người ấy phải chăm sóc canh đúng ngày để hoa huệ nở vào dịp tết, nở trước đó hoặc sau đó là xong, hỏng rồi. Một bông hoa huệ mang tới cho người, nhìn rõ đều là công sức và cuộc đời này nếu không biết chăm sóc chẳng có gì sẽ đưa đến sự thành công.
Trong đạo Phật bậc giác ngộ dạy cho chúng ta muốn chăm sóc cho người, muốn chăm sóc cho thế giới, muốn làm chuyện mà cho người đó. Thì chính mỗi người chúng ta phải có trách nhiệm với chính bản thân của mình. Đức Phật dạy chúng ta không phải là cứ tìm tòi những chuyện ở trên trời dưới đất, những chuyện cao siêu huyền bí, những chuyện tin tưởng lễ giáo ở trong những nghi khoa hoặc những chuyện mà quỳ lạy van xin. Ngài giác ngộ và Ngài thấy nguyên nhân khổ của thần, của trời, của người, của muôn loài, nhất là của chúng ta, đều do bản thân của mình không có trách nhiệm với suy nghĩ, với hành vi và lời nói tương tác trong cuộc sống. Điều này rất đúng, xưa đến giờ mấy ai trong chúng ta nghĩ và chịu trách nhiệm về suy nghĩ của mình đâu, chịu trách nhiệm về những lời nói trong cuộc sống đâu, chịu trách nhiệm về những hành vi mình tạo ra đâu. Nếu có chuyện gì xảy ra mà không phù hợp cho người, cho mình, đầu tiên để mình lên án đó là người, đổ lỗi cho người.
Bảo Thành còn nhớ hồi còn rất nhỏ nhà cũng đông anh em, mỗi khi mình làm sai chuyện gì đó mà cha mẹ mắng nhiếc mình hoặc bắt đầu răn đe mình, mình nhất định phải tìm một người anh, một người em để đổ lỗi. Là lỗi của anh, lỗi của em, chẳng phải lỗi của mình, đó là một thói quen. Hình như nó được xuất phát từ tuổi thơ trốn tránh trách nhiệm của bản thân, đổ lỗi cho người khác. Thói quen đó ít được cân nhắc, dạy dỗ và điều chỉnh. Chúng ta lớn lên cũng cùng với thói quen đó, luôn luôn tìm lỗi của người, lỗi của mình không bao giờ thấy và luôn luôn đổ lỗi cho người. Khi lập gia đình người vợ sai cũng đổ lỗi cho chồng, người chồng sai cũng đổ lỗi cho vợ, cho con, cho mọi người, chạy tội lung tung. Rồi trong xã hội làm việc gì cũng đổ lỗi cho nhau, dù mình có lỗi nhưng không nhận, chạy tiền chạy bạc đút lót. Lỗi mình chẳng nhận, đổ lỗi cho người khác, đâm ra hối lộ tạo biết bao nhiêu nghiệp chướng, tai ương cho mình mà không hay.
Pháp của Đức Phật dạy chẳng phải là để chúng ta tìm tòi lỗi của người khác, mà nhìn vào lỗi mình. Chúng ta hãy nhìn vào lỗi mình, tìm lỗi mình để làm gì? Thưa các bạn, nhìn rõ lỗi lầm của mình, thấu được những điều mình làm có lỗi để chịu trách nhiệm, trách nhiệm với tất cả mọi chướng ngại, đau khổ, phiền não xảy ra cho chúng ta. Những điều đó không ai tạo ra cho mình mà chính mình đã tạo ra cho mình. Vậy nên nếu Bảo Thành và các bạn còn cứ đổ lỗi cho người khác “Ôi người này làm cho tôi buồn, làm cho tôi giận, làm cho tôi khổ, làm cho tôi phiền não, làm cho tôi thế này thế kia”.
Nghĩa là Bảo Thành và các bạn đã không nhìn thấu được rồi. Bảo Thành và các bạn đã không có trách nhiệm với bản thân, sống vô trách nhiệm, chỉ biết đổ lỗi cho người, không nhìn thấu được mình. Thì dù có khoác lên mình là nhà tu, người xuất gia hay tại gia, thì chúng ta chưa đi đúng vào con đường của Đức Thế Tôn truyền dạy cho mình. Đức Phật dạy cho chúng ta mọi điều xảy ra cho mình đều do mình và đều do sự suy nghĩ, lời nói và hành vi. Nhìn rõ để thấu lỗi lầm của mình, sửa chữa là người có trách nhiệm với bản thân.
Bạn nhìn đi bông hoa rất đẹp là nhờ sự chăm sóc và bông hoa đẹp kia, cái sắc để ở ngoài thôi lan tỏa đến mọi ánh mắt khi nhìn thấy, hương của hoa lan tỏa tới mọi người khi ngửi thấy. Hoa không mang cái đẹp và hương sắc kia nhồi nhét vào đầu người khác, nhưng vì hoa có cái đẹp và có hương thơm nồng nàn lan tỏa và người có tâm đón nhận sẽ nhận được sự lan tỏa của hoa. Chúng ta cũng như thế, nếu mỗi một người chúng ta có trách nhiệm thì cái đẹp của tâm hồn, hương của Giới – Định – Tuệ sẽ tự động lan tỏa. Hai chữ lan tỏa này đã được chỉnh sửa thành hai từ gọi là hồi hướng. Hồi hướng là sự lan tỏa, hồi hướng không phải là nhét vào đầu, nhét vào tâm, nhét vào mạng số của người khác để người ta được tốt, mà hồi hướng là sự lan tỏa. Muốn lan tỏa thì tự thân phải đẹp, đẹp từ trong tư tưởng, đẹp từ trong ngôn từ ứng xử hàng ngày, đẹp từ trong những hành vi dù rất nhỏ đối sự với nhau. Hương đức hạnh của chúng ta, hương đó là hương giới biết giữ giới của Phật – Giới hương. Hương đó là hương Định là tâm có sự an định, bất thối chuyển trước muôn trùng thử thách, chông gai, sóng gió, bão tố của cuộc đời. Hương đó là hương Tuệ, sự sáng suốt của chánh kiến, chánh tư duy. Hương đó ba thứ Giới – Định – Tuệ được gọi là hương đức hạnh.
Trong Kinh Pháp Cú có câu “Hương các loài hoa không bay ngược chiều gió”, hương hoa kia gió thổi chiều nào thì hương hoa theo chiều ấy. Câu kế tiếp hay hơn nữa
“Hương các loài hoa không bay ngược chiều gió
Nhưng hương người đức hạnh ngược gió vẫn tung bay”.
Nếu chúng ta có trách nhiệm với bản thân, tu từ sự suy nghĩ, lời nói và hành vi, giữ giới để tâm định mà có tuệ thì đó chính là hương đức hạnh ngược gió, ngược thời gian, ngược dòng đời vẫn thơm lừng. Chúng ta là Phật tử tại gia hay xuất gia đều phải cẩn trọng đứng dậy. Đừng đổ lỗi cho người mà phải chịu trách nhiệm với bản thân, bằng cách tu nương vào chánh niệm hơi thở để nhận diện thật rõ bản thân của mình, thấy thật rõ bản thân của mình. Tu là sửa, sửa đây chẳng phải là sửa người sai, sửa hàng xóm, sửa chồng vợ, con cái, cha mẹ, ông bà, những người ta nhìn thấy. Mà sửa ở đây là sửa nơi chính bản tâm của mình, bản thân của mình, sửa cái gì? Sửa sự suy nghĩ, sửa lời nói và sửa hành vi của mình, dựa trên nền tảng của thiện ác.
Nhìn rõ cái ác ta đã tạo trong suy nghĩ, lời nói hành vi, sửa chúng thành thiện, suy nghĩ thiện, nói lời thiện, hành vi thiện, chỉ vậy. Để sửa được điều ấy và làm cho chúng ta vững chãi, không bao giờ lung lay, năm giới – ngũ giới của nhà Phật: không sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, sử dụng các chất say là hàng rào, là hộ pháp, là sự che chở, bao bọc, gìn giữ chúng ta để tâm được an định, suy nghĩ sáng suốt, chỉ vậy các bạn ơi. Nếu người trồng bông hoa biết chăm sóc là người có trách nhiệm với vườn bông của mình để có bông, có hoa dâng hiến cho đời vào dịp Tết. Thì chúng ta cũng là một vị nông dân phải biết chăm sóc vườn tâm cho chính mình, để hoa tâm của ta và hoa suy nghĩ, hoa ngôn ngữ, hoa hành vi được nở thật to, sắc thật đẹp, hương thật thơm và lan tỏa đến cho mọi người trong sự hồi hướng. Hồi hướng là lan tỏa và muốn lan tỏa trong sự hồi hướng tốt đẹp, thì tự thân phải tu sửa để xiển dương và thăng hoa những giá trị tuyệt vời của chúng ta.
Còn nếu chúng ta không tu sửa để thăng hoa giá trị tốt đẹp của mình, nơi suy nghĩ lời nói và hành vi thiện lành đó các bạn. Mà chúng ta chỉ có những suy nghĩ tối tăm, đen tối, uế trược, những lời nói bất thiện, thô ác, đâm thọc, gian dối, thêm bớt, những hành vi tàn bạo, hại người, những cái xấu đó. Mà cứ nghĩ đến sự hồi hướng thì là lệch lạc rồi, mà phải nói cho rõ hơn là ta làm ô nhiễm đến muôn người. Các bạn nhìn đi một người xấu làm ô nhiễm đến môi trường, gần đèn thì sáng, gần mực thì đen, mấy ai muốn con cái của mình hoặc bản thân sống và chơi trong môi trường trưởng dưỡng và lớn lên trong môi trường xấu đâu. Do vậy mà hãy nhớ hồi hướng và lan tỏa giá trị tốt đẹp, ô nhiễm là xâm chiếm và làm hại đến người khác qua những cái xấu của mình tạo ra. Đức Phật dạy cho chúng ta chẳng nhìn vào người ta, chẳng sửa người ta, chẳng tầm lỗi lầm của người khác. Phật dạy ta phải có trách nhiệm với bản thân, tu theo Phật là người có trách nhiệm với bản thân.
Người trồng hoa biết chọn đúng mùa, đúng thời, đúng giống, chúng ta nhớ nhất là giống, đến nước, đến phân, chăm sóc, đúng. Chúng ta có giống tốt rồi Phật dạy, giống của chúng ta là giống thiện lành tâm Phật, cần phải có nước Từ bi Mu A Mu Sa, cần phải có phân của Trí tuệ, của Tỉnh giác. Canh nông phải như vậy mới có thể lan tỏa trong sự hồi hướng những giá trị tốt đẹp nhất. Tu theo Phật là phải có trách nhiệm với bản thân, đời sống của mình, không đổ lỗi cho người, không tìm lỗi của người, mà nhìn thấu được những lỗi lầm của chúng ta trong sự suy nghĩ. Một điều gì đó mà ta thấy khó chịu, chướng, ngại bực bội, sân giận, không ưa chẳng phải là lỗi của đối tượng ta đang giao tiếp, mà là lỗi của sự chấp trược, u mê, sân si, vốn có trong ta tạo ra. Nhìn rõ như vậy ta sửa ngay, sửa bằng cách mang nước tẩy rửa, nước Mu A Mu Sa, nước của Trí tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, nước của sự Tỉnh thức Ma Sa Ốp Uê, nước của các pháp Thiện Sa Bi Mô U, tẩy rửa đi lòng sẽ nhẹ, tâm sẽ thanh thoát. Rồi ta không còn có chướng ngại nơi lỗ tai, gai góc nơi con mắt, nhìn đâu cũng đẹp, nghe đâu cũng dịu dàng, nhẹ nhàng hết.
Tu theo Phật là người có trách nhiệm với chính mình, những ngày cuối năm này ta phải nhìn lại để có trách nhiệm với bản thân. Đừng để cho vườn tâm hoang phế, ngổn ngang nơi những suy nghĩ, lời nói, hành vi xấu ác. Mà hãy sửa ngay, sửa ngay để vườn tâm của chúng ta được gieo trồng những chủng tử bồ đề tốt đẹp nơi tâm Phật và được chăm sóc bằng Trí tuệ, sự Tỉnh giác và tâm bác ái yêu thương. Từ đó mùa xuân này, năm Giáp Thìn này, mỗi người chúng ta có được giá trị đặc biệt tinh tuyền tốt đẹp do sự có trách nhiệm với bản thân trong tu sửa, lan tỏa tới muôn nơi và hồi hướng cho muôn người. Các bạn, mời các bạn trở về với hơi thở của chánh niệm.
Thưa Phật! Chúng con vẫn thường nhìn thấy thật rõ lỗi lầm của người khác và thường đổ lỗi cho người. Cần nhắc cho nhau về trách nhiệm đời sống bản thân qua lời dạy của Phật nay chúng con đã hiểu. Xin gia trì cho chúng con có trách nhiệm với bản thân, nhìn rõ lỗi của mình mà sửa, để tự thân thơm như loài sen vươn lên từ bùn lầy, lan tỏa tới muôn nơi.
Hãy hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, lan tỏa tới muôn nơi.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)