Search

4129. Hóa Giải Cơn Nóng Giận

Bảo Đăng đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành xin kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu. Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo, để bắt đầu buổi đồng tu hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con tinh tấn miên mật hành trì mật thiền chánh niệm hơi thở, để lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh giác, hành các việc thiện, quán chiếu thấu rõ vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ ông bà cha mẹ, những người yêu thương đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cầu cho hàng đệ tử chúng con thân tâm thường an lạc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!

Mời các bạn đặt tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta hãy ngồi xuống và trở về với hơi thở của chánh niệm, hít vào thở ra chậm rãi, quán chiếu thân tâm, suy nghĩ, cảm xúc của mình và ghi nhận rõ, biết. Tổng trì các mật ngôn là để tưới tẩm tình thương và giữ cho sự sáng suốt luôn hiện diện trong cuộc đời để tỉnh thức, để biết pháp thiện, pháp ác, dừng ác hành thiện. Lời Phật dạy lấy Trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ bi nuôi dưỡng, lan tỏa tình yêu thương, chúng ta hãy bắt đầu.

Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, hồi hướng cho nhau.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Nam Mô Phật! Các bạn, ở nơi Bảo Thành đang cư ngụ đi ra ngoài đường đã cảm nhận được sự nhộn nhịp của mùa Noel tới. Không khí vào mùa đông lạnh, tuyết đã rơi vài nơi, ánh đèn của Noel được trang trí làm cho người ta hướng tới mùa Noel. Dù có đồng là tôn giáo hay không, sự nhộn nhịp của ngày lễ cũng làm cho lòng mình thổn thức. Nhưng Noel cũng báo hiệu cuối năm tới rồi, Noel vừa hết là Tết tây, rồi Tết ta. Hầu hết những ngày cuối năm công việc thì dồn ép, có người ngồi nghĩ lại những điều mong muốn trong năm qua chưa đạt được, áp lực của suy nghĩ tạo cho bực bội khó chịu, dễ nóng giận. Nghĩ một chút về sự nóng giận của mình các bạn ơi, trong ngày cuối năm có lẽ sẽ tốt cho mình ở tâm thái có cơ hội chuẩn bị, khi đón xuân về ta không mắc lầm vào những sự giận hờn, sân giận của năm cũ.

Nếu nói về tinh thần của người đồng tu, Đức Phật dạy có ba thứ độc hại luôn canh cánh ở trong lòng kẻ phàm phu như chúng ta, đó là tham, sân (sân đây là sân giận, giận hờn, cáu gắt) và si. Ba thứ này Đức Phật gọi là ba thứ độc dược, mỗi khi ta tham, ta sân giận, ta si mê, chẳng khác gì như người chuốc thuốc độc để đang tự sát mỗi ngày. Bởi những cơn sân là độc dược nguy hại giết chết không những mình, mà giết chết cả họ hàng, bà con, xã hội. Nếu nhẹ hơn một chút thì tê tái cõi lòng, tan nát con tim, sầu bi, gọi là không thể nói được nữa, u ám cả ngày, cả năm, cả giờ. Có những cơn nóng giận thoáng qua một vài phút đã hư nhà, hư việc. Có những cơn nóng giận âm ỉ cả năm và như vậy cả năm trời ta sống trong sự đau khổ, phiền não. Cũng có những cơn nóng giận phừng phực ở trong lòng cả cuộc đời, trước khi tắt thở vẫn còn giận hờn, vẫn còn sân giận. Đức Phật dạy đó các bạn, không cần biết phước báu, công đức của bạn tạo dựng được bao nhiêu. Như người trồng rừng chỉ một mẫu thuốc, chỉ một chút nóng giận như ngọn lửa có thể vụt cháy và thiêu rụi hết phước báu, công đức của chúng ta.

Ngoài tham sân si, sự nóng giận thường xảy ra trong đời của mình nhưng người tu Phật ít ai chú trọng tới để chuyển hóa nhân sân si này, cứ để cho tâm mình phừng phực lửa cháy sân giận. Rồi làm từ thiện, phóng sanh, rồi thì tu pháp này pháp kia, nhưng mà sự sân giận cứ xảy ra thường xuyên, dù như một ánh đom đóm các bạn nhớ cũng tổn phước, tổn đức đấy. Nhưng mấy ai chú ý đến đâu, vậy nên suốt một năm tổng kết lại phước báu và công đức suốt một đời, suy ngẫm lại xui xẻo, những chuyện không hay xảy ra mà ta chẳng biết được nó tới cũng là vì sân giận thiêu rụi phước báu, công đức cả năm trời tu và làm phước. Trong tánh sân giận thường xảy ra mỗi ngày nó cũng nói lên sự ngông cuồng, sự tự cao tự đại, nó nói thật rõ bản ngã, cái tôi và nó thể hiện được thật rõ những sự không như ý, không đáp ứng được nhu cầu mong muốn của mình, cái tôi, bản ngã. Cho nên chính đó khi tương tác hàng ngày với mọi người ta mang cái tôi tức là ý kiến, sự suy nghĩ, cách làm việc của chúng ta là đúng, ai cũng sai. Nên khi đụng vào ta cãi, ta giận, họ làm không như ý ta bực mình, ta khó chịu.

Đây là một trong những nguyên nhân rõ nhất, người tự cao tự đại thường rất dễ nóng giận, đụng đâu cũng không ưng ý, nghe gì cũng không hài lòng, thấy gì cũng không có hợp, gai mắt, chướng tai, bực bội. Nhìn kỹ đi các bạn đây là một trong những phần mà tác động để ta dễ sân giận, dễ nóng giận, dễ giận hờn. Trong cái ngã đó còn có pha trộn với màu sắc của đố kỵ, của ghen tuông, của hơn thua, tức là có thêm hương vị của tham và cũng có cái nhìn không rõ, thấy không tỏ, nghe không thông, đó gọi là si đó các bạn. Thực ra ba mà là một, trong sự sân giận, nóng giận có cả tham, có cả ngu dốt, dại khờ, si mê trộn lẫn phân tích thật là khó. Ta thật khó nhìn và nhận ra hầu hết mọi cơn giận sau khi tan cửa nát nhà, tình bạn, tình vợ chồng, tình cha mẹ, bằng hữu không còn nữa, sụp đổ, đau đớn, cô đơn, cô quạnh, ngồi lúc đó mới ngẫm nghĩ tại sao ta sân, ta giận. Nhưng các bạn nếu nhìn lại cơn sân giận của mình sau khi cái kết nguy hại kia đã xảy ra thì trễ rồi, trễ lắm, nói xin lỗi cũng chẳng còn gì, làm gì cũng chẳng bù đắp lại được đâu.

Trong mật thiền chánh niệm Đức Phật dạy nương vào hơi thở các bạn, nương vào hơi thở chánh niệm không phải để cột để giữ tâm, mà để luyện tâm. Luyện tâm sống trong hiện tại, biết quán chiếu để nhận thật rõ, ghi nhận rõ cảm xúc, suy nghĩ của mình, vậy thôi cũng đã có công năng vi diệu rồi. Huống hồ chi ta ghi nhận rõ, ta thấy rõ, ta biết rõ và ta đồng thời tưới tẩm vào đó tình thương, ánh sáng, sự tỉnh thức thì ta có thể chuyển hóa được cơn nóng giận thay vì chỉ nhìn chúng. Đây là một điều tuyệt vời rồi, nhưng nếu biết chuyển hóa ngay nó vẫn tốt đẹp hơn. Tuy nhiên nhiều vị cũng không để ý rằng cần phải chuyển hóa, cứ nhìn cơn nóng giận, Đức Phật dạy hãy nhìn thôi thì cơn nóng giận nó cũng đã biến mất rồi. Nhưng nếu cơn nóng giận tới chuyển hóa ngay thay vì để nó biến mất đi, thì chuyển hóa nóng giận thành sự an vui, thành hạnh phúc, thành ánh sáng, thành sự tỉnh thức, thành tâm thiện lành, được kích hoạt khơi dậy. Ta ngay từ nóng giận đó mà thành tựu được phước báu công đức nhiều lắm.

Các bạn, mình suy nghĩ như vậy để thấy rằng lời Phật dạy chẳng phải là dẫn dụ chúng ta tu những điều gì đó cao siêu nhiệm mầu, tu những pháp thần thông cái thế. Để rồi khi làm không được ta bắt đầu mê tín dị đoan, tới chùa, tới thiền viện, tới tịnh thất, tới am, tới cốc, tới miếu, tới đình, cầu xin van lạy. Cơn nóng giận tới do chính sự ngông cuồng, tham si, ghen ghét của ta và cũng của người nữa, hai cái này hòa trộn với nhau chẳng khác gì như dầu đổ vào lửa. Nếu mình thực tập đúng mình chuyển hóa được cơn nóng giận của mình. Nếu mình thực tập đúng thì mình như là một người hàng xóm tốt bụng, khi thấy lửa cháy bên nhà người mang nước đổ vào ngọn lửa đó, lửa hàng xóm sẽ tắt dần, tắt dần. Nó gọi là sự hồi hướng cộng hưởng sự tươi mát nơi tâm hồn của người biết tu tập. Tu tập để chuyển hóa cơn giận của mình, mình sống tươi mát lắm và mình cũng làm tươi mát hàng xóm, gia đình, người khác khi họ nóng giận. Ta có cả một giếng nước từ hương tỉnh thức ta tưới tẩm, ta dập tắt dùm họ trong sự hồi hướng, hay vô cùng.

Sự tu của Đức Phật dạy, các pháp của Đức Phật truyền trao rất đơn giản, nhưng có công hiệu lan tỏa từ tự thân người tu đến tất cả những người, chúng sanh và môi trường nữa ta đang sống chung. Cho nên để hóa giải cơn sân giận, cơn nóng giận, cơn giận hờn bộc phát bất chợt trong đời của mình hoặc của người khác, chúng ta phải nghe lời Phật thôi. Tu tập, quán chiếu hơi thở, tưới tẩm yêu thương, thắp sáng sự nhìn thấu nhìn rõ để xả buông. Muốn làm được phải thực tập các bạn, cầu chẳng thể được, nếu cầu mà được Phật xưa chắc chắn đã dạy và kinh sẽ tràn đầy những câu nói “Hãy cầu, hãy cầu ta”. Phật chẳng dạy cầu mà Phật chỉ đường và dạy cho ta đi trên con đường đó để chuyển hóa, để thay đổi, để có được hạnh phúc sung sướng ngay trong hiện tại của kiếp này. Kiếp này sung sướng, kiếp này an lạc, kiếp này không sân, không giận, thì kiếp sau cũng sung sướng, cũng an lạc, cũng không sân, không giận. Kiếp này như thế, kiếp sau như vậy, nhân nào quả đó, từ đời này tới đời sau.

Ý thức được ta phải vận hành hơi thở chánh niệm thường xuyên, thực tập quen rồi thì không phải chỉ khi tọa thiền thực tập đồng tu. Mà mỗi một sự việc tương tác hàng ngày từ trong nhà bếp, từ sự đối ứng với vợ chồng, con cái, cha mẹ, ông bà, người thân, bằng hữu, khách hàng, người trong nhà, kẻ ngoài đường, ta luôn giữ được tâm thái tươi mát để khuôn mặt ta lúc nào cũng xinh đẹp bằng nụ cười khả ái, chân thật. Vì chánh niệm hơi thở giúp ta đang sống thực sự giữa lòng người chơi vơi, giữa cuộc đời nhiều sóng gió. Ngày cuối năm suy nghĩ kỹ không có trễ các bạn, thực tập đi thì khi năm mới tới, những ngày cuối của năm tới bạn sẽ sống an lắm. Và bạn là đóa hoa sen tươi thắm, là búp của tình thương chớm nở trong cõi đời này. Chúng ta ý thức được điều này để nhận ra mọi hiện tượng trong cuộc sống dù có xây dựng bằng biết bao nhiêu công sức đi nữa, thì tâm sân của chúng ta cũng sẽ thiêu rụi hết.

Hôm nay sống trong thế giới mà có quá nhiều điều ta mong muốn, ta ao ước, ta thèm khát. Thế giới này nó kích động lòng tham, nó che mờ lý trí và nó đổ thêm dầu vào ngọn lửa sân. Chúng ta sống bất ổn hàng ngày, không có pháp mầu nào chữa được đâu, không có phép lạ nào chữa được đâu, ngoại trừ ta nghe lời Phật thật rõ và thực hành. Thực hành khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi ăn, khi nói, khi ngủ, khi tương tác, chỉ nhìn vào hơi thở của mình chánh niệm, thấy rõ, ghi rõ, biết rõ, hay xấu thành tốt, tiến lên trong sự tự tại. Thực hành đơn giản vậy thôi, chẳng phải khi đụng chuyện mà ngồi đó kéo cái mỏ, cái chuông rồi tụng Bát Nhã, Đại Bi, Dược Sư, kinh này, kinh kia, không! Tất cả những kinh chú đó là nhắc nhở cho chúng ta để thấy rõ được pháp vô thường, thấy rõ được sự nguy hại của tâm tham sân si, đặc biệt là tâm sân. Thấy rõ, biết rõ, ghi rõ và thực hiện sự chánh tinh tấn, nỗ lực vươn lên một cách đúng mức để chuyển hóa.

Bạn thấy không, hành trì rất quan trọng, pháp hành rất quan trọng. Nếu bạn tụng kinh, nghe kinh, hiểu thấu từ những thời khóa tu hoặc của những bậc cao tăng thạng đức mà bạn không mang vào ứng dụng thực hành, nó không lợi lạc là bao. Có chăng là về sự hiểu biết nhưng chẳng tạo được phước đức và công đức đủ đầy để chuyển hóa tâm sân tham si đâu. Rất đơn giản Đức Phật không cầu kỳ, các bạn hãy nhớ trong suốt 45 năm trời Đức Phật dạy, luôn nhắc nhở cho chúng sanh phải thấy được cái khổ đang hiện tiền trong cuộc sống và nơi cái khổ đó có hơi thở hiện tiền. Vì còn biết khổ là còn hơi thở, còn hơi thở là còn sự sống, còn sự sống thì phải sống với sự sống hiện tại. Chánh niệm hơi thở giúp ta nâng tầm sự sống thực thụ, giúp ta nâng tầm để chuyển hóa khổ đau, phiền não.

Tóm lại để chuyển hóa sự sân giận của mình hãy thực tập chánh niệm hơi thở, hãy mang tâm từ bi tưới tẩm vào những vùng u mê, những vùng ghen tuông, những sự tự cao ngã mạn, những sự ghen ghét, những sự giận hờn khởi dậy. Như ngọn lửa vừa cháy ta đổ nước vô, như tâm sân vừa khởi ta mang tâm từ bi Mu A Mu Sa tưới tẩm vào, ngọn lửa sẽ không có cơ hội bùng phát nhưng sẽ tắt lịm đi. Để làm tươi mát cõi lòng của các bạn, của Bảo Thành, của tất cả mọi người. Khi chúng ta gặp người thân trong gia đình, bạn bè, ai đó cũng đang sân giận, cũng pháp chánh niệm hơi thở quán chiếu tâm từ bi này hồi hướng cho họ, người ta sẽ nguội, người ta sẽ tươi mát trở lại. Một người tươi mát, một người hồi hướng, cộng hưởng năng lượng, cả hai đều tươi mát. Đời sống rất cần sự tươi mát ở trong tâm và rất cần sự chuyển hóa tâm sân giận, để đời ngắn ngủi này ta thêm vui, thêm an lạc, thêm hạnh phúc từ tự thân, từ trong gia đình lan tỏa đến cộng đồng, xã hội ngoài kia. Các bạn, chúng ta hãy cùng nhau trở về với hơi thở của chánh niệm.

Thưa Phật! Xin gia trì cho chúng con biết miên mật hình trì chánh niệm hơi thở mật thiền, để làm tươi mát cuộc sống của mình và làm cho muôn người mát tươi trong mỗi nghĩa cử, lời nói và suy nghĩ.

Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, hồi hướng cho muôn loài.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn