Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập
Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu. Kính mời các bạn chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu hôm nay.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con tinh tấn miên mật hành trì mật thiền chánh niệm hơi thở, để lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh thức, hành các pháp thiện và quán chiếu thấu rõ vạn pháp Vô Thường, Khổ và Vô Ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Đồng nguyện cho hàng đệ tử chúng con bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Cũng đồng nguyện cho thế giới hòa bình, chấm dứt chiến tranh. Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!
Mời các bạn đặt tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta hãy ngồi xuống với tư thế phù hợp, trở về với hơi thở, thấy biết, ghi nhận rõ mọi cảm xúc suy nghĩ của mình. Chánh niệm hơi thở để nuôi dưỡng Trí tuệ đưa đến sự giải thoát, chánh niệm hơi thở lan tỏa tình yêu thương. Từng hơi thở vào ra mỗi người chúng ta tổng trì các mật ngôn, tiếp hiện nguồn năng lượng tỉnh thức trong chánh niệm và hồi hướng cho nhau.
Hãy hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm tổng trì mật ngôn tiếp hiện năng lượng hồi hướng cho nhau.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)
Nam Mô Phật, các bạn, nếu như mình học Phật, giáo pháp của Đức Phật dạy cho chúng ta, ít nhiều gì lịch sử của Đức Phật ta cũng nghe qua, không nhiều nhưng chắc đủ để hiểu về một Đức Phật lịch sử của nhân loại. Đức Phật quyết tâm đi tu và đạt đến sự giác ngộ bắt đầu từ sự nhận thức sâu sắc cái khổ của con người nơi kinh thành, ai cũng nhận rằng theo sử viết lại. Thời xưa ở trong kinh thành của Vua người ta luôn luôn tận hưởng sự vui sướng về vật chất, chẳng khi nào nghĩ đến cái chết và chẳng bao giờ nghĩ đến người dân đen khổ, đặc biệt là những người có vương quyền như Vua Chúa. Đức Phật là một hoàng tử chờ kế vị ngôi Vua của cha. Khác biệt ở chỗ Ngài đi xung quanh kinh thành thấy người sinh ra, thấy người chết đi, thấy người già nua, thấy người bệnh khổ. Ngài suy nghĩ và thương cho tất cả mọi người đang ở những tình trạng như thế.
Ngài tư duy và thấy không hẳn chỉ có loài người, muôn loài đều có sinh, có chết, có bệnh, có già, khổ lắm. Phát triển tình thương bằng cách nhìn thật sâu sắc vào sự khổ của chúng sanh. Ngài đi tu đạt được sự giác ngộ, thấu rõ con đường chân lý đưa đến sự thoát khổ cho muôn loài. Xuất phát từ tình thương các bạn ơi và ngày nay sau hai ngàn năm trăm sáu mươi mấy năm, kho tàng kinh điển của Phật còn lưu truyền và chúng ta đã thừa hưởng được sự giáo dưỡng của Phật qua kinh sách, qua các bậc tôn túc, qua nghiên cứu dịch thuật. Tựu chung Đức Phật là đấng từ phụ yêu thương chúng sanh muôn loài. Nói về chân lý như vậy và đúng, tình thương nên Đức Phật đã đi tu khám phá và chân lý thoát khổ, để lại cả kho tàng chân lý giác ngộ, hai chữ tình thương cao quý lắm.
Cha mẹ của chúng ta cũng thế, vì tình thương đối với con cái mà các đấng sinh thành dù cho phải chết, khi gặp thử thách nguy hiểm các Ngài vẫn sẵn sàng, dù cho phải khổ cực tới đâu các Ngài vẫn chịu đựng được. Một trăm, một ngàn, hàng tỷ tỷ những thứ ở trên đời này nếu có các Ngài đều để dành cho các con. Người Việt Nam của chúng ta theo truyền thống của nền giáo dục xưa của ông bà, lấy chữ hiếu làm đầu, hiếu kính cha mẹ vì cha mẹ là các đấng luôn luôn hy sinh tất cả vì con. Một câu người Việt nói “Phúc đức tại mẫu” hay “Có đức mặc sức mà ăn”, đã nói lên tất cả rằng Cha Mẹ làm tất cả để dành phước báu và công đức cho các con. Điều này luôn đúng và nền giáo dục của Việt Nam đã thấm đượm trong những câu rất bình thường nhưng cao trọng của tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Ngày hôm nay nếu đếm theo dòng thời gian, chỉ vài tuần nữa hết năm dương lịch, năm 2023 sẽ vụt bay vào quá khứ và 2024 một năm mới bắt đầu. Cứ năm cũ sắp ra đi và năm mới sắp tới, là con, là người học đạo, đệ tử của Phật, chúng ta lại nhớ về cội nguồn. “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là một điều nhắc nhở tinh tế tròn đầy ý nghĩa của người Việt. Người trồng cây Đức, người trồng cây Phước báu cho ta ngày hôm nay nên người, thành nhân, thành tài, có cái thân vững chãi mạnh mẽ, đều là do công đức và phước báu của cha mẹ để dành cho chúng ta. Nhớ về cội nguồn là nhớ về bản nguyên của Phật tánh.
Đúng, ở đời có nhiều người quên rằng công đức và phước báu của cha mẹ có thể lưu truyền lại cho chúng ta, bởi thuật ngữ ai tu thì người đó được. Điều này đúng mà, ai tu thì được, nhưng riêng phần công đức và phước báu trong pháp hồi hướng mà chư Phật dạy nó vượt ngoài tầm nhìn của ai tu người đó hưởng. Cha mẹ luôn luôn để dành phước báu, công đức cho các con vì cha mẹ thương yêu các con. Các Ngài có thể bị đày đọa trong bể khổ, nhưng vẫn dành dụm tất cả, đặc biệt phước báu công đức cho con cái. Nhớ điều ấy ta sẽ xúc động vô cùng, bởi khi suy ngẫm về ân đức sinh thành của cha mẹ, tạo nên một bước chân vững chãi cho đứa nhỏ sinh ra ở trong đời nằm một chỗ, rồi dần vào tương lai, đến sự thành công thì quả thật công sức của cha mẹ là vô bờ vô bến.
Các bạn ơi! Phật dạy hồi hướng phước báu và công đức đã phá vỡ đi thành kiến rằng ai tu người đó được, vì đạo Phật là nhân quả. Trong đạo Phật Ngài dạy luôn luôn phối hợp nhẹ nhàng với các duyên. Theo lý duyên khởi, hợp duyên hoặc khắc duyên đều là những điều kiện mà chúng ta, mỗi một con người đều có thể hỗ trợ cho nhau trên con đường tu qua pháp môn hồi hướng. Gọi là pháp môn thực ra là phương tiện, hay còn gọi đơn giản hơn là cách trao truyền những sự cao quý nhất hoặc cách biếu tặng, hoặc góp những sự cao quý nhất cho thế hệ sau hoặc cho những người mình yêu thương. Không thể phủ nhận phước báu công đức ta đang có không thuộc về cha mẹ. Cha mẹ là các đấng luôn luôn để dành phước báu công đức cho chúng ta.
Bảo Thành có cơ hội gặp thật nhiều các người mẹ khi các Ngài tâm sự, ngay cả những giây phút sắp nhắm mắt xuôi tay theo ông bà trở về với chín suối vẫn luôn luôn nghĩ đến con cái. Vẫn phát nguyện và nhắc Thầy làm sao đó để nói với con cái của tôi rằng tôi luôn thương chúng và tất cả những gì tôi làm vì tình yêu của người mẹ, của người cha. Các bạn, lời nhắn nhủ âm thầm nhiều khi thầm lặng trong trái tim của cha mẹ, vẫn là “Các con ơi cha mẹ rất yêu thương các con và tất cả những những gì cao quý nhất trong đạo Phật gọi là phước báu và công đức, cha mẹ không bao giờ giữ cho mình mà luôn luôn gửi xuống cho các con như gia tài vô giá để các con từ đó bước vào cuộc đời”.
Khi là người trẻ hình như ít có ai thấm đượm được ân tình đó, thấu hiểu được. Nhưng khi trở thành cha mẹ, thì những bậc cha mẹ trẻ đó đều hiểu thấu được tình thương vô bờ với con cái.
Hôm nay chúng ta nói không viễn vông dài dòng về phước báu, công đức cha mẹ luôn để lại cho các con. Mà nói để chúng ta nhớ rằng ân đức sinh thành của cha mẹ rất cao quý. Cao quý hơn, hơn đó nữa chính là vì điều khai thị của Phật cũng xuất khởi từ tình thương chúng sanh, đó là phước báu và công đức của mỗi người chúng ta kiến lập được, nhất là cha là mẹ đều hồi hướng và để dành được cho các con. Không một chút gì ngăn ngại trong thuật ngữ nói ai tu người đó hưởng. Các bạn, chúng ta tu không những bản thân của mình được hưởng phước báu công đức của mình tạo ra do các pháp thiện, do sự hành trì thiền định chánh niệm. Mà phước báu công đức đó chúng ta còn có thể hồi hướng, trao lại cho tất cả người mình yêu thương, nhất là các đấng bậc sinh thành đã khắc ghi và hiểu thấu điều đó rồi. Nên truyền thống Việt Nam của chúng ta ngàn đời qua, các đấng làm cha mẹ luôn hy sinh để dành dụm từng chút phước báu và công đức cho con cái.
Từ cái chìa khóa mở ra ở chỗ này, nên các bạn phải nhớ sự cộng hưởng trong hồi hướng phước báu và công đức là có thật. Nên mỗi một khi chúng ta, từng cá nhân tu tập và đồng tu online, nghĩ đến ông bà cha mẹ, nghĩ đến vợ chồng con cái, nghĩ đến thân bằng quyến thuộc, nghĩ đến nhân loại và chúng sanh. Ta hồi hưởng công đức ta có được, phước báu ta có được trong khi tu dù rất ít, nhưng những vị mà ta nghĩ tới để hồi hướng họ đều nhận được. Chẳng phải ta chỉ tu cho mình và ta chỉ hưởng được cái gì ta tu, như vậy hóa ra quá ích kỹ rồi. Ta tu cho ta và ta tu để ta hưởng, điều này đúng để khuyến khích mỗi người phải đứng dậy tự tu. Nhưng hãy nhớ nếu tu chỉ vì mình và chỉ cho ta, đó là bản ngã dìm ta xuống ngục tối của tham sân si.
Đức Phật chẳng tu vì chính Ngài, Ngài tu vì chúng sanh khổ. Chúng ta trong sự hồi hướng đó muôn loài nói rộng, nói hẹp hơn tự thân và gia đình, con cái, cha mẹ ông bà đều có sự cộng hưởng năng lượng vi diệu của tâm thanh tịnh ta tu tạo được phước báu và công đức. Do vậy ngày cuối năm ta đồng tu cũng nghĩ về để biết ơn các đấng sinh thành, đã luôn luôn để dành phước báu công đức cho những người làm con như chúng ta hôm nay. Như một nền tảng vững chắc, như một nền móng vững chãi để Bảo Thành và các bạn, những kẻ làm con như chúng ta đây có được một đời sống an vui, hạnh phúc, thành đạt. Nhớ về kẻ trồng cây, ăn quả gì ta hưởng hôm nay là quả của cha mẹ trồng cho chúng ta.
Đặc biệt cuối năm nhớ đến ân đức này là chúng ta có cơ hội để gội rửa những lầm lỗi đối với cha, đối với mẹ. Để khi năm 2023 ra đi, đón mừng năm mới các bạn và Bảo Thành thực sự có một tâm hồn trong trắng, thanh sạch và xứng đáng là con của cha, của mẹ. Vì luôn luôn khắc cốt ghi tâm cha mẹ luôn luôn để dành phước báu công đức cho các con. Các bạn hãy luôn luôn nhớ rằng sự tu của ta ít nhiều nếu có được phước hoặc công đức, đều có thể hồi hướng cho nhau được. Trong sự đồng tu ta luôn luôn nguyện hồi hướng công đức cho muôn loài chúng sanh.
Hôm nay chúng ta cũng thế, giữ tinh thần để khẳng định rằng sự tu của chúng ta dù phước và đức rất ít, rất mỏng, nhưng vẫn có thể làm thay đổi được đời sống của chúng sanh. Đặc biệt sự thay đổi đời sống của chúng ta mỗi ngày một tốt đẹp hơn, cũng chính là nhờ phần phước báu, công đức của cha mẹ luôn để dành cho chúng ta. Nhớ điều đó để ghi ơn các Ngài, nhớ điều đó để chúng ta nối truyền tinh thần ấy mà tu hồi hướng công đức phước báu cho những thế hệ sau. Các bạn ơi, chúng ta hãy cùng nhau trở về với hơi thở chánh niệm, khắc cốt ghi tâm công đức của cha mẹ đã luôn luôn để dành phước báu và công đức cho những phận làm con như chúng ta.
Thưa Phật! Chúng con đã hiểu ngoài sự tu, ai tu người đó hưởng, nhưng chúng con vẫn tận hưởng được phước báu công đức do sự hồi hướng của cha mẹ và muôn loài. Nguyện tri ân công đức này và nguyện phước báu công đức trong sự đồng tu nếu có được chút nào, cũng hồi hướng lại cho muôn loài chúng sanh, nhất là các bậc sinh thành nên chúng con.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, hồi hướng cho nhau.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)