Search

4124. Người Hạnh Phúc

Bảo Đăng đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu. Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo, để bắt đầu buổi đồng tu hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con tinh tấn miên mật hành trì mật thiền chánh niệm hơi thở, để lan tỏa tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh thức, hành các pháp thiện, quán chiếu để thấu rõ vạn pháp đều là Vô Thường, đều là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Cầu nguyện cho hàng đệ tử chúng con thân tâm thường an lạc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu nhân quả. Đồng nguyện cho thế giới hòa bình, chấm dứt chiến tranh, xin chư Phật Từ Bi chứng minh!

Mời các bạn đặt tay phải vào lòng bàn tay trái, hãy nhớ lời Đức Phật dạy lấy Trí tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ bi lan tỏa tình yêu thương. Hơi thở vào ra của chúng ta trong chánh niệm tỉnh giác nhận biết, ghi rõ, thấu rõ mọi cảm xúc, suy nghĩ và tổng trì các mật ngôn để tưới tẩm vào tâm thức phàm phu, trổ mầm bồ đề. Mỗi người sẽ lãnh nhận được thật nhiều sự gia trì qua tha lực bởi tự lực tu luyện của chúng ta.

Hãy bắt đầu hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, hồi hướng cho nhau.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Các bạn đồng tu thân mến, chúng ta lại trở về sự đồng tu miên mật sau một chuyến đi dài của Bảo Thành. Vẫn biết cuộc đời là vô thường sanh diệt, nhưng chẳng vì sự vô thường biến đổi liên tục ta không làm chủ được mà bỏ đi hơi thở chánh niệm. Sự đồng tu của chúng ta mỗi một ngày để nhắc nhở chúng ta dù sao đi nữa thế sự vần xoay, chánh niệm hơi thở miên mật chẳng thể di dời khỏi đời sống người con Phật. Hôm nay trở về đây mùa đông đang hiển ngự nơi này, bước một vòng xung quanh tổ đình Chùa Xá Lợi và nhìn lên trên rừng cây lá xanh của mùa hè đã biến mất chẳng còn, cây trơ trọi, lá rụng hết. Nhiều người nhìn thấy cảnh lá rụng chẳng còn, rừng lưa thưa, cây khô tưởng là cằn cỗi, tưởng là hoang vắng tiêu điều. Chỉ có người sống ở vùng miền bốn mùa mới hiểu được cây không lá nhưng chẳng bao giờ khô. Bởi khi thu tới lá vàng, đông về lá rụng, cây trơ trọi nhưng không khô, không héo cũng chẳng úa, chẳng chết. Đứng giữa đất trời tuế nguyệt bốn mùa thay đổi khi đông về, cây ấp ủ thầm lặng dưới lòng đất lạnh, rễ bám sâu hút tinh khí của trời đất, vận hành nội lực bên trong một cách âm thầm lặng lẽ, dù cho đời có ồn ào tới đâu, thì cây vẫn đứng đó im lìm, như các bạn đồng tu tĩnh lặng trong hơi thở chánh niệm.

Cái lạnh của mùa đông không làm cây chết. Nhưng cái lạnh của mùa đông làm cho cây tăng trưởng nội lực, chờ khi xuân tới sẽ đâm chồi nảy lộc, trổ hoa kết trái. Đã bao nhiêu lần trong cuộc đời của Bảo Thành và các bạn, bị những mùa đông băng giá của sự lạnh lùng nơi đối xử của con người, do không nhận thức thấu suốt tình thương. Cũng chỉ vì khác biệt sự suy nghĩ, sự hành xử, khác biệt về kiến thức, khác biệt về phong tục tập quán, khác biệt về cách đối nhân xử thế, do mỗi một người tự thu lượm áp dụng trong cuộc đời. Rồi sự ưng ý xảy ra, không đâu, toàn là những sự bất như ý không như điều mình mong cầu, gặp toàn những người đâu đâu. Vì sao? Ta chỉ muốn người giống mình, như mình, chẳng bao giờ ta quên mình để đồng hành với người. Từ đó mà oan gia trái chủ cứ hiển hiện trước mắt như ma trơ chập chờn làm ta khó chịu, vì đâu? Vì chúng ta đã lạnh lùng bám chấp vào những điều ta mong muốn, gạt bỏ những người đang có thuận duyên hay nghịch duyên, chung đường chung lối trong cuộc đời này.

Các bạn có biết không, trên đời này có biết bao nhiêu người tầm cầu sự hạnh phúc? Nhưng nhìn vào đời sống của mỗi người chúng ta trên khuôn mặt nhăn nhó, ủ rũ, cay cú, âm u, u uất, hạnh phúc có đâu. Dẫu vẫn biết ta tầm cầu sự hạnh phúc, nhưng chẳng bao giờ dừng lại những sự suy nghĩ, những ngôn từ và hành vi tạo ra khổ mỗi một ngày. Cầu hạnh phúc vẫn cầu, nhưng cứ tạo nghiệp từ thân ngữ ý, gây đau khổ cho mình và mọi người. Thì hỏi sao khuôn mặt của ta có thể tươi được, hỏi sao trên khuôn mặt không u ám, u uất, sầu bi lai láng hết, đi tới đâu là mang sự rầu rĩ khó chịu tới đó. Bạn đi tới đâu bạn cũng phải mang gương đi để soi mặt, để thấy được khuôn mặt của mình tươi vui, hạnh phúc hay u uất, sầu bi. Phải nhìn đi mới thấy được, còn không chẳng ai nhận ra, người hạnh phúc là người nào đây? Phải chăng là người giàu có? Không! Biết bao nhiêu người giàu có vẫn đau khổ.

Hạnh phúc phải chăng là người có quyền lực trên thế giới, nơi đất nước họ sống hay thôn xóm họ đang ở, chẳng có, chẳng có. Biết bao nhiêu người quyền lực lên voi xuống chó, đau khổ vẫn là thường, hạnh phúc là ai? Phải chăng là người có nhà cao cửa rộng, có tiền, có quyền, có sắc, có tất cả, không! Hạnh phúc không phải từ những điều như thế, có những người rất tầm thường sống lất lẫy bên lề đường, xó chợ, nhìn mặt của họ tươi rói, hạnh phúc vô cùng, cơm thì bữa có bửa không, quần áo thì rách tả tơi, đứng gần thì mùi hôi của năm tháng nồng nặc, nhưng họ vẫn vui và hạnh phúc. Nếu tìm trong từ điển để tra ý nghĩa người hạnh phúc là như thế nào, thì chẳng bao giờ có một định nghĩa chuẩn xác để chúng ta theo đó mà làm. Nhưng nếu hỏi Đức Thế Tôn người hạnh phúc như thế nào, thì Đức Phật dạy thật rõ người hạnh phúc là người biết sống trong chánh niệm Tỉnh giác, sống trong chánh niệm Từ bi, sống trong chánh niệm của Trí tuệ.

Chánh niệm như bóng đèn che chở, để ánh lửa của ngọn đèn không bị phong ba bão tố thổi tắt. Chánh niệm như bình bát bằng ngọc, chứa đựng tràn đầy tình yêu thương để ta san sẻ với muôn người, muôn loài. Chánh niệm như tiếng chuông ngân, như tiếng khánh ngân, giữ cho sự tỉnh thức liên tục trong cuộc đời chúng ta. Và chánh niệm là cái đãi có đầy đủ mọi thứ, để thò bàn tay yêu mang san sẻ các pháp thiện tới muôn nơi. Người hạnh phúc là người biết giữ chánh niệm khi thất niệm. Chúng ta thấy biết bao nhiêu sự hoang tưởng, sự vọng niệm, sự vọng tâm, sự vọng động, sự vọng ngữ nó tràn ngập như những nguồn nước hôi thối, sình lầy, hầm xí tràn đầy lên đầu của ta. Còn nếu như biết giữ chánh niệm cũng là nước, nhưng nước cam lồ, nước Từ bi. Người biết quán tâm Từ bi khi thấm nhuần vào đời sống của mình, người ấy sẽ làm tươi mát cuộc đời, người ấy sẽ làm tươi mát xã hội, tươi mát bản thân và gia đình. Quán tâm Từ bi Mu A Mu Sa có hiệu lực phi thường.

Một thuở nọ các đại đệ tử của Phật chọn một khu rừng vào để thiền, nơi ấy có những năng lượng bất tịnh, quấy phá, họ không sao có thể ngồi thiền được, đầu óc rối bời, phiền não cãi cọ. Các đệ tử đó, các vị thầy đó đến hỏi Thế tôn rằng: “Thưa Thế Tôn, chúng con bị tình trạng như thế, làm sao đây?”.

Đức Phật quán chiếu và dạy cho quý thầy ấy thiền quán tâm Từ bi, nhìn rõ vào bản thể của mình, quán tâm Từ bi thể nhập vào năng lượng yêu thương, thấm nhuần năng lượng yêu thương vào chính mình. Chỉ vậy, các thầy đã tập luyện một thời gian, quán chiếu tâm Từ bi, các thầy đã tràn đầy năng lượng Từ bi từ trong trái tim, từ trong nhịp đập của sự sống, từ trong tư tưởng, lời nói và hành vi. Từng bước chân kinh hành của các thầy nơi khu rừng đó lan tỏa yêu thương. Từng lời nói của quý thầy xoa dịu sự đau khổ của những chúng sanh đang cần sự giúp đỡ. Từ những tư tưởng của quý thầy hào quang Từ bi chói sáng vào vùng tâm thức tối tâm lẫn quẫn, còn lảng vảng trong rừng để họ được sáng, thấy đường mà hạnh phúc. Và thế sau thời gian khu rừng đó trở thành rừng thiện, an lạc vô cùng.

Quán chiếu tâm Từ bi Mu A Mu Sa là một phương pháp trị liệu tâm linh tâm lý, giữ cho thân thăng bằng năng lượng, giữ cho tâm tỏa sáng và giữ cho cuộc đời thong dong tự tại. Để chuyển hóa tự thân của mình, lan tỏa và chuyển hóa trong sự cộng hưởng năng lượng thanh tịnh chung đối với muôn loài. Như vậy các Thầy đã là những bậc hạnh phúc nhờ quán chiếu tâm Từ bi Mu A Mu Sa. Người hạnh phúc là người biết nương vào hơi thở của chánh niệm, quán chiếu thường xuyên tâm Mu A Mu Sa – tâm Từ bi. Mu A Mu Sa có nghĩa là quán tâm Từ bi, Mu A Mu Sa có nghĩa là gắn kết với 10 phương chư Phật, để mang năng lượng tình thương rải tới muôn nơi. Cho sa mạc trổ bông, cho rừng khô trổ lá, cho cuộc đời khổ đau được an lạc và hạnh phúc. Đấy, Đức Phật nói người hạnh phúc là người sống trong chánh niệm Từ bi. Người có tâm Từ bi quán chiếu trong chánh niệm, Trí tuệ sẽ bừng sáng. Họ sẽ là người tỉnh giác và biết làm những chuyện từ ái, không phân biệt, chẳng có biên giới.

Các bạn, hôm nay chúng ta nói đến ai là người hạnh phúc, thì chúng ta phải cười lên, mừng vui với chính mình vì chính chúng ta là người hạnh phúc. Mỗi ngày đều cùng nhau đồng tu trong chánh niệm của hơi thở Tỉnh giác, của hương Từ bi – Mu A Mu Sa, của ánh sáng Trí tuệ – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, của sự Tỉnh thức suốt ngày lẫn đêm Ma Sa Ốp Uê, của bàn tay từ ái bao dung tha thứ và hành các pháp thiện Sa Bi Mô U. Chúng ta là người hạnh phúc nhất, người hạnh phúc như vậy và có chỉ số của Từ bi, của Trí tuệ, của Tỉnh giác, của Thiện lành, phước báu luôn luôn đầy đủ, công đức luôn luôn có. Người có phước, người có đức cuộc đời sẽ an lạc, muôn điều cần trong tinh thần thiểu dụng tri túc sẽ có. Và người hạnh phúc trong sự chánh niệm hơi thở tập luyện ấy là người sẽ dần dần chuyển hóa và đoạn diệt được tâm tham sân si, hạnh phúc lắm.

Các bạn đừng miệt mài tìm tòi những định nghĩa của những người tham đắm trong vòng vật chất ngũ dục, sắc ái, quyền lực, của nhà cao cổ rộng, của ăn uống phủ phê. Để lấy đó làm cứu cánh, lao đầu như con thiêu thân để tìm và cuối cùng đoạn kết nơi cuối đời là sự khổ đau tràn ngập. Người hạnh phúc là người biết sống trong chánh niệm Tỉnh giác, trong Từ bi, trong Trí tuệ, trong yêu thương. Mỗi một gia đình mà biết thắp sáng hơi thở chánh niệm này hạnh phúc vô cùng, sẽ chuyển hóa được toàn diện những năng lượng bất tịnh trong gia đình, trong nội tâm, trong cộng đồng, trong xã hội, trong bạn bè, nơi cộng đồng đồng tu của chúng ta. Các thầy khi xưa, đại đệ tử của Phật nghe theo Phật quán chiếu chánh niệm hơi thở Từ bi, mà cả khu rừng năng lượng bất tịnh đều được chuyển hóa thành thanh tịnh, thành rừng Thiền của trí tuệ. Đời người nếu không biết giữ chánh niệm hơi thở, thì cuộc sống là cả một khu rừng gai góc, đau khổ và phiền não. Nếu biết chánh niệm hơi thở thì đời ta sẽ là rừng thiền, mênh mông năng lượng yêu thương, tràn đầy ánh sáng, ai ai cũng đều thức tỉnh trong ánh sáng trí tuệ đó và biết nâng đỡ nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc đời. Các bạn, người hạnh phúc là người biết sống trong chánh niệm Từ bi – Trí tuệ – Tỉnh giác – Thiện lành. Mời các bạn trở về với hơi thở của chánh niệm.

Thưa Phật! Muôn điều đều vô thường, tiền tài, danh vọng, địa vị, sắc tướng, nhà cao cửa rộng, sự ăn uống phủ phê, ngay cả thân này cũng vô thường, tận duyên sẽ tan rã. Hạnh phúc đâu dựa trên những điều ấy, nay chúng con biết người hạnh phúc là người biết sống trong chánh niệm của hơi thở. Xin chư Phật mười phương gia trì cho mỗi người chúng con biết sống một đời sống chánh niệm trong hơi thở.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, hồi hướng cho nhau, sống đời tỉnh giác.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn