Search

4098. Tâm Không Và Tâm Trí Tuệ

Bảo Vô Lượng đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh. Và gia trì cho chúng con luôn tinh tấn tu học Mật Thiền Chánh pháp, lan toả tình yêu thương, thắp sáng đuốc tuệ, sống đời tỉnh giác, hành trì các pháp thiện, quán chiếu Vô thường, Khổ và Vô ngã. Chúng con cũng cầu nguyện cho Cửu huyền thất tổ, ông bà cha mẹ, những người yêu thương đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho hàng đệ tử chúng con thân tâm thường an lạc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học. Nguyện cho thế giới hoà bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật từ bi chứng minh.

Mời các bạn đặt tay phải vào lòng bàn tay trái. Chúng ta hãy ngồi xuống, và trở về với hơi thở của Chánh niệm. Hít vào phình bụng chậm rãi, thở ra hóp bụng chậm rãi buông thư. Từng hơi thở vào ra, chúng ta tổng trì mật ngôn, quán chiếu tình yêu thương, sự sáng suốt, sự tỉnh thức, và lòng bao dung bác ái.

Hãy hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, hồi hướng cho muôn loài.

Mu A Mu SaNamMô TaMô TaMô ĐaRaHoangMa Sa Ốp UêSa Bi Mô U (7 lần)

Mô Phật!

Các bạn đồng tu thân mến, thật tuyệt vời chúng ta vẫn ngồi ở đây trên không gian mạng gặp gỡ nhau và đồng tu Mật Thiền Chánh pháp hơi thở Chánh niệm, quán chiếu tâm yêu thương, sự sáng suốt, sự tỉnh thức và các pháp thiện lành trong đời sống của mình. Nhưng nhìn kỹ một chút xíu, những giá trị cốt lõi của đời người nó nằm ở chỗ nào? Nếu vội vàng, chúng ta sẽ chỉ cho nhau cái cốt lõi của cuộc đời là quyền lực, là đồng tiền, là sức mạnh, là cái gì đó mà ta thấy ta có được để hưởng sự sung sướng trong đời qua những thứ như về vật chất, về tinh thần. Điều đó hiển nhiên đó. Nhưng mình tu, mình nhìn xuyên qua những cái rất bình thường đó để nhận ra có những cái giá trị cao quý hơn mà Đức Phật dạy cho chúng ta. Thật ra, những điều Đức Phật dạy nó vốn có trong chúng ta rồi. Không phải Ngài đưa cánh tay của một vị Phật có thần thông vơ vét ở cõi trời cao rồi đặt để vào cõi nhân sinh. Không phải! Bạn nghĩ đi, tình thương, là tâm Mu A Mu Sa, tình thương, là tâm Từ Bi vốn có trong ta, không có ở đâu xa. Phật dạy ta quay trở về để nhận ra cái giá trị đích thực cốt lõi trong ta là tình thương lớn. Sự sáng suốt, gọi là Trí Tuệ, là NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang cũng vốn có trong ta. Bảo Thành và các bạn không cần phải ngẩng mặt lên trời để mà thâu nhiếp những cái vô vi của vạn vũ vào trong tâm, có thần thông lơ lửng trên cõi Trời khắp các cảnh. Sự sáng suốt nằm ở trong ta. Sự Tỉnh Thức cũng như vậy thôi. Và cái lòng bác ái yêu thương mọi người, biết chia cơm sẻ áo vốn có trong các bạn. Bốn điều cốt lõi của đời người, số một là tình thương, số hai là sự sáng suốt, số ba là sự tỉnh thức, số bốn là lòng bác ái biết san sẻ, san sẻ về vật chất, tinh thần, và bằng tất cả các pháp thiện lành.

Nhưng trong Phật học có những cái từ làm mình mê như điếu đổ các bạn à, từ nghe khoái lắm, nghe thích lắm. Nhưng mà chẳng ai đạt được trong thời kỳ này bởi cứ càng nghĩ đến những cái chữ đó mình cũng không biết nó nghĩa gì và rồi nó mênh mông quá. Đọc trong các sách về thiền hoặc các sách về Phật giáo có những cái từ người thường như Bảo Thành và các bạn càng đọc càng ngớ ra. Rồi những bậc đại học sĩ về Phật pháp diễn giải mình đọc cho phê, cho tê cả cái đầu, cho cứng cả người mà không biết sao để tu thành tựu được nó. Như hai cái chữ “Tâm Không” và “Tâm Trí Tuệ”, các bạn thấy không? Các bạn cũng nghe rồi, các bạn có suy nghĩ về cái Tâm Không như thế nào không, Tâm Trí Tuệ như thế nào không? Hai chữ Tâm Không sao nó mênh mông quá. Người thường trong đời này như các bạn là cư sĩ tại gia và Bảo Thành đây không biết Tâm Không là cái tâm gì. Rồi ta cứ suy nghĩ quanh quẩn, Tâm Không là cái tâm rỗng lặng, không có một cái thứ gì, không mà, tâm không. Rồi tụng kinh thì nói Tâm Không như là tâm tận hư không, mình nhìn ra cái vũ trụ các bạn ơi nó là không, không bờ, không bến và vô tận. Nhưng trong cái vũ trụ này nó có hằng hà sa số các hành tinh. Nói nhỏ trong cái Thái Dương hệ của ta có mặt trời, mặt trăng, sao hoả, sao kim, rồi có trái đất, có đủ thứ, bảy hành tinh chính… Chưa kể những cái vụn vụn nhỏ nhỏ. Trong cái vũ trụ mệnh mông vô tận nó là tâm không đó nhưng mà có tất cả. Nếu mình nhìn thấy như vậy, mình mới hiểu Tâm Không không phải là rỗng, chẳng có gì, mà là cái tâm rộng lớn. Câu Phật ngữ kế đó là Tâm Không tức là tâm rộng lớn, nhiếp thâu vạn hữu, là mọi thứ ở trong đó mà không có lỉnh kỉnh. Bảo Thành nghĩ, đơn giản đối với người Phật tử tại gia đừng để hai chữ Tâm Không làm lỉnh kỉnh cái đầu mà hãy hiểu đơn giản thôi. Tâm Không là cái tâm có tình thương rộng lớn, không kẹt vào hai cái bờ yêu-ghét, khen-chê, tốt-xấu, thành-bại. Đó gọi là Tâm Không, tâm quá lớn quá rộng. Và cái Tâm Không đó đã được biểu tượng hoá nơi phẩm hạnh Bồ Tát của mẹ hiền Quan Thế Âm. Hoặc được hoá hiện đơn giản hơn để ta có thể nhận diện được trong đời thường là tâm yêu thương rộng lớn của mẹ cha. Đó gọi là Tâm Không. Bạn hình dung một chút xíu đi. Tâm mẹ cha của chúng ta là Tâm Không. Có tất cả nhưng chẳng giữ cho mình, tận hiến cho con cái, một tình thương vô bờ vô bến, một tình thương như biển trời mênh mông vô tận và tình thương đó trong tháng này, Đức Phật dạy, tức là lòng hiếu đạo. Ta cần phải nhìn tới hai đấng sinh thành bởi hai ngài có cái Tâm Không nghĩa là tâm yêu thương rộng lớn. Nếu bạn hiểu Phật pháp đơn giản như vậy thôi, đừng cầu kỳ hoá, đừng thần thánh hoá ngôn ngữ, cái con chữ để làm điên đảo mộng tưởng thì hai chữ Tâm không được định nghĩa là tâm yêu thương rộng lớn, không có vướng mắc.

Còn Tâm Trí Tuệ đối với Bảo Thành không phải là cái tâm mà ta có thể nhìn thấu được trời xanh, thấy được cảnh giới này, cảnh giới kia để ngất ngưởng trên cái cõi lơ lơ lửng lửng, chân không đụng đất, đầu không có đụng trời. Ta phải nói cái Tâm Trí Tuệ là tâm biết ứng dụng tình yêu thương để san sẻ niềm vui, để gánh bớt nỗi khổ cho mọi người. Đó là Trí Tuệ! Đó là Tâm Trí Tuệ! Tâm Không và Tâm Trí Tuệ theo như Bảo Thành nghĩ nó đơn giản. Tâm Không và Tâm Trí Tuệ là tâm có tình thương rộng lớn và khéo léo mang tình thương rộng lớn đó san sẻ, an ủi, làm cho người ta thêm vui, bớt khổ. Đó là Tâm Không và Tâm Trí Tuệ. Khi nói như vậy các bạn đều thấy: a, hoá ra mỗi người trong chúng ta đều có khả năng thành tựu, thành đạt, chứng đắc được cái Tâm Không và Tâm Trí Tuệ. Và quả thật nó như thế, không thêm bớt. Khi một người có cái tình thương rộng lớn và có lòng bác ái, biết san sẻ để người đời, hoặc chúng ta, hoặc mọi người thêm vui bớt khổ thì người ấy có cái nhìn sáng suốt rồi. Người ấy có tình thương lớn.

Bảo Thành kể cho các bạn nghe một cái câu chuyện sơ sơ thôi để gợi ý cho ta về cái tâm không vướng mắc là Tâm Không và Tâm Trí Tuệ, tức là sự sáng suốt để giải quyết một cái vấn đề nha các bạn. Hồi đó trong cái gia đình kia đó, có người cha khi chết đi gia tài có mười bảy con bò, mà nhà có ba người con. Di chúc của người cha để lại là người anh hai cực khổ nhiều trong những năm tháng nên được một phần hai số bò. Người thứ hai được ba phần trong số mười bảy con bò. Và người em út được thì được một phần chín trong số mười bảy con bò. Các bạn nghe kịp không? Có mười bảy con bò để lại cho con thôi. Ba anh em ngồi chia ra không sao chia được hết, không có chẵn, chia không được nên cãi nhau. Cãi nhau liên tục rồi đánh đập, chửi bới nhau bởi không ai chịu nhường ai hết. Các bạn nhẩm tính thử coi mỗi người được bao nhiêu con? Tính không ra. Có một ông sư già cưỡi con bò đi ngang thấy sao cãi nhau quá trời nên dừng lại hỏi, sao ba anh em lại cãi nhau. Ông sư già lẩm cẩm thấy người ta cãi nhau không tránh xa mà lại hỏi, cưỡi bò đi lang thang vậy. Ba anh em mới kể chuyện cha để lại mười bảy con bò, đứa được 2 phần, đứa được ba phần, đứa được một phần chín, chia không có được. Ông sư già mới nói thôi ta có một con bò ta cho các ngươi thành mười tám con. Rồi mới tính nhẩm, mười tám con chia cho người anh hai được một phần hai, là một nửa, là chín con. Sướng ha, được chín con, khoái. Còn anh thứ được một phần ba là sáu con. Còn út được một phần chín mười tám là hai con. Thế là hết cãi nhau rồi các bạn. Nhưng chúng ta cộng lại đi. Con số chín của người anh, con số sáu của người anh kế và con số hai của em út đúng mười bảy. Mấy anh em nhìn đi nhìn lại sao thấy còn dư một con. Ai cũng có phần của mình. Người được chín con, người được sáu con, người được hai con đúng như lời di chúc của người cha nhưng còn dư lại một con. Nhưng con đó không nằm trong số mười bảy. Con đó thuộc về ông sư già. Cho nên người anh em tính trả lại nhà sư kia và cảm ơn nhà sư đã trao tặng để có con số tròn được chia sẻ mà vẫn y như con số mười bảy cha để lại.

Các bạn! Câu chuyện đó gợi ý rằng Trí Tuệ là chỗ nhìn thoáng, nhìn rộng, biết hiến dâng để chặn đứng cái sự cãi nhau, đánh đập nhau, tức là biết gánh bớt cái nỗi khổ cho người khác và làm cho họ an vui. Trí Tuệ và Tâm Không hay ở chỗ đó. Chứ đâu phải là nhìn thấy cung trời này cung trời kia để không có biết gì về khoa học, không gian học hết, mà ngồi diễn tả từng cái nguyên tử rồi những cái vi trần lung tung. Chúng ta thấy rằng chỉ có tình thương lớn dám hiến dâng. Nhà sư già kia dám tặng con bò duy nhất của mình dùng làm phương tiện cưỡi đây đó cho một nhóm người là ba anh em cãi cọ để họ được hoá giải yêu thương và được làm trọn lành cái di chúc của cha để lại. Mười bảy con bò chia đều ba người theo y như cái phần người cha muốn. Chúng ta có dám hiến dâng cuộc đời này cho ai đó không? Nhìn đi, chỉ có cha mẹ mà thôi mới có tình thương lớn thôi, thì cái đó gọi là Tâm Không, Tâm Trí Tuệ. Nhà sư kia tượng trưng cho cha cho mẹ. Người nhìn thấu được con cái của mình. Chúng ta trong cuộc sống này, các bạn, Tâm Không hãy hiểu đơn giản là tâm không vướng mắc, tâm hiến dâng, cho đi mà không cầu được đền đáp. Tâm Trí Tuệ là tâm nhìn thấu cái nỗi khổ của người khác để đồng hành thông cảm và san sẻ. Tâm Trí Tuệ là tâm nhìn rõ để mang lòng yêu thương của mình giúp cho những người khác tìm được sự ấm áp trong cuộc sống. Chỉ vậy là đủ.

Và trong Mật Thiền, chữ Tâm Không và Tâm Trí Tuệ gói trọn trong 4 mật ngôn: mật ngôn Mu A Mu Sa, mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, mật ngôn Ma Sa Ốp Uê, mật ngôn Sa Bi Mô U được phiên dịch đơn giản. Đó là 4 cái tinh tuý cốt lõi của người người. Tinh tuý thứ nhất là tình thương lớn. Tinh tuý thứ hai là sự sáng suốt nhìn thấu. Tinh tuý thứ ba là sự tỉnh thức không u mê. Tinh tuý thứ tư là lòng nhân ái. Bốn cái này là nhân cách cốt lõi của đời người để từ kẻ phàm phu như chúng ta có thể thoát khổ, có thể hết khổ, và được sự an lạc hạnh phúc. Đây là sự chứng đắc vi diệu, chẳng phân biệt kẻ có trí tuệ gọi là kiến thức cao siêu bác học, bác sĩ, hoặc người nông dân bình thường khờ khạo như Bảo Thành hoặc các bạn. Đôi khi, hãy nhẹ nhàng buông xuống những cái văn tự uyên thâm, đơn giản hoá như tình mẹ, tình cha yêu thương chúng ta, hy sinh cho tất cả con cái, để lại con số dù lẻ hay tròn nếu khéo một chút xíu thì mười bảy con bò có thể chia đúng mức. Nhưng nếu không khéo thì cãi nhau cả buổi trời. Và người nhìn thấu là người biết cho đi để trọn hảo ước muốn của người khác mà chẳng mất một chút gì. Lão sư già đã cho con bò mà chẳng mất bò, lại được hoàn trả và được ba anh em kia biết ơn. Hãy luôn luôn tâm niệm tình thương lớn để biết san sẻ cái niềm vui và gánh bớt nỗi khổ cho người khác. Hãy luôn luôn tâm niệm nhìn rõ mọi hiện tượng, mọi sự việc trong cuộc đời trong cái Chánh niệm hơi thở để sáng suốt phân giải những điều đang xảy ra quanh chúng ta trong sự tỉnh thức toàn diện không u mê và mang cái tâm thiện ra để ứng hoá. Tâm thiện nha các bạn. Chỉ có vậy thôi thì chúng ta đã thẩm nhập được cái Tâm Không và Tâm Trí Tuệ. Đơn thuần nhưng cao siêu, lợi lạc rõ ràng cho chúng ta.

Các bạn, mời các bạn trở về với hơi thở của Chánh niệm.

Thưa Phật, chúng con thường bị quay cuồng điên đảo trong những con chữ của Phật pháp cao siêu nhiệm màu do những người chưa giác ngộ chế tác. Xin gia trì cho chúng con biết phát triển tình thương và có một cái nhìn sáng suốt trong sự thực tập Chánh niệm hơi thở mỗi ngày.

Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, hồi hướng cho nhau.

Mu A Mu SaNamMô TaMô TaMô ĐaRaHoangMa Sa Ốp UêSa Bi Mô U (7 lần)

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn