Trần Công Minh đánh máy
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, các bạn đồng tu. Kính mời tất cả mọi người đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo, để chúng ta bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh và gia trì cho chúng con miên mật hành trì mật thiền chánh pháp chánh niệm hơi thở, quán chiếu lan tỏa tình yêu thương, có sự nhìn sáng suốt trong tỉnh thức, hành các pháp thiện để thấu được Vô Thường, Khổ và Vô Ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho mỗi người đệ tử chúng con thân tâm thường an lạc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Chúng con hôm nay cũng nguyện và hồi hướng cho đệ tự Bảo Duy có đầy đủ phước báu, có năng lượng gia trì của chư Phật để bé được mau lành, mau khỏe, mau sống an vui cùng với cha mẹ, gia đình và mọi người thân. Xin chư Phật Từ Bi chứng minh cho lời nguyện của chúng con.
Mời các bạn đặt tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta trong giờ phút này hãy cùng nhau ngồi xuống, buông thư toàn thân, hít thở chậm rãi, lắng nghe, ghi nhận, biết rõ mọi cảm xúc, mọi suy nghĩ. Chánh niệm Tỉnh giác – Từ bi – Trí tuệ – Thiện lành trong hơi thở qua sự tổng trì các mật ngôn giúp cho chúng ta gạn lọc, thanh tịnh hóa thân tâm, gắn kết với chư Phật và Bồ Tát, tiếp hiện được năng lượng vi diệu, hãy bắt đầu.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, hồi hướng cho nhau.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)
Mô Phật! Kiếp sống của con người luôn luôn phải va chạm nhiều thứ trong cuộc sống mỗi ngày, sự va chạm đó không dễ bỏ qua, không dễ buông xả và quên đi. Có những sự va chạm trong tương tác in sâu vào trong tâm khảm, cả cuộc đời chẳng thể quên, nó dính mãi vào trong đó, tìm đủ mọi cách nhưng khó đẩy lùi đi được. Chúng ta theo lời Phật dạy hình thành nên con người qua ba chất tố di truyền của gen tham, sân và si. Đặc biệt chủng tử tham, gen di truyền tham này nhiều đời, nhiều kiếp ta tích lũy rồi, tạo thành một lực hút mạnh còn hơn nam châm, gặp gì cũng dính, cũng bám, cũng kéo, cũng vơ vét, cũng ôm ấp, cũng chấp. Vậy nên Bảo Thành và các bạn cùng tất cả mọi người chẳng khác nhau, có phiền não, có đau khổ, chính là chỗ này, chỗ dính mắc. Tham, tâm tham, nên dính, nói một lời không vừa lòng dính chặt vào trong tâm, đăng đắng ở trong lòng, rồi giận, rồi sân, rồi buồn, rồi tủi, rồi từ bỏ nhau, rồi cãi vã nhau, tranh đấu với nhau. Điều này không sai, đúng, nếu quan sát thấy quá đúng.
Nhưng đời người quá ngắn ngủi, thời gian đầu tư vào để sân, để giận, để đè bẹp, để tranh giành, để đấu đá, để hơn thua nhiều hơn thời gian ta đầu tư vào sự tĩnh lặng, an vui hạnh phúc. Ta muốn an vui, ta muốn hạnh phúc, lẽ thường của đời người, nhưng không bao giờ đầu tư thời gian vào đó. Mà lại đầu tư toàn phần thời gian của cuộc đời vào sự chấp trược, dính mắc và tự tạo khổ cho mình, gây phiền não cho những người khác. Ta vẫn nói hình như ai đó cứ dính mắc hoài, khổ. Chúng ta dính mắc nhiều, khổ, bạn bè có thể khuyên thôi đừng dính mắc nữa, bỏ đi, buông xả đi. Hai chữ buông xả nghe quen trong Phật giáo, ai nói cũng được, mà xả được đâu, buông được đâu, nhưng ít nhất biết nói hai chữ buông xả cũng là tiêu đề, cũng là đề mục để chúng ta quán chiếu thấy rõ ta có buông được chưa, ta có xả được chưa. Nhiều bạn trong chúng ta quan niệm rằng tâm không dính mắc là tâm không còn cảm xúc, họ chửi mặt chai như đá, không buồn, không vui, bất động. Những từ đó nghe hay quá, người ta chửi, người ta nhục mạ, người ta này kia đó mà bất động, tâm bất động. Để rồi ai cũng tập thiền rồi tu theo pháp này, pháp kia để có được tâm bất động, không còn cảm xúc.
Ta không phân tích chiều sâu về sự bất động, nhưng nghĩa thú của Phật pháp qua các nhà phiên dịch, mà ta chỉ nói sơ sài ý nghĩa quờ quạng của những người mù như Bảo Thành và các bạn, nghĩ đến chữ bất động tức là không còn cảm xúc, họ nói sao cũng trơ trơ ra. Vậy cái tâm của mình không có bị những cái này kia nó xâm nhập vô, nó trơ trơ ra, chẳng có sao hết. Rất nhiều người trong chúng ta rất từ từ sống theo kiểu đó, tu tập theo kiểu đó và tình nghĩa giữa người với người hình như đã nhạt nhẽo. Có những vị xuất gia thì cũng được đấy, họ vào cao sơn, rừng sâu núi thẳm, họ vào trong hang, trong cốc, họ nhập vào trong thất, họ rời xa cuộc đời, họ tránh xa thế tục để chú tâm toàn diện vào thời gian của mình, nhìn rõ cái chấp, cái dính mắc, luyện tập quán chiếu nhìn sâu vào nội tâm, nhìn thẳng vào chính mình chánh niệm tỉnh giác. Những cái hạnh như vậy cao quý, luôn luôn sách tấn và ca ngợi các đấng bậc làm được chuyện ấy.
Quý Phật tử tại gia chúng ta có cha mẹ, chúng ta có ông bà, chúng ta có vợ chồng con cái, chúng ta có bạn bè, thân bằng quyến thuộc, chúng ta có biết bao nhiêu những mối sinh hoạt hàng ngày. Nghe theo lời của đức Phật dạy chúng ta hành trì và tu tập là để có được sự thăng bằng cảm xúc, sống hạnh phúc an vui. Ta không thể tu theo Phật mà cắt đứt mọi sự tương tác với đời, với ông bà cha mẹ, với xã hội như các bậc cao nhân rời xa thế tục, ẩn nơi rừng sâu núi thẳm, trong thất, trong cốc, trong chùa, vì sao? Vì chúng ta là Phật tử tại gia, nhưng không phải vì là Phật tử tại gia mà chúng ta không thể tu, nhưng càng không thể là Phật tử tại gia mà tu theo chiều hướng suy nghĩ của các bậc xuất gia để hoàn toàn không dính mắc nữa.
Các bạn có biết không khi đã tu chứng đắc rồi, chúng ta thấy các bậc tổ, các bậc thầy giác ngộ, các vị thánh Tăng, Alahán, Bồ Tát và ngay cả chư Phật, quý Ngài đâu phải là những vị không còn cảm xúc, chai đá tâm hồn, trơ trơ như núi, bất động. Không, Phật biết cười, Phật biết nói vui và Phật cũng biết khóc. Vui, cười, khóc, đồng hành đồng sự, thông cảm cho mọi cảm xúc của loài người để dẫn dắt, để dìu dắt, để đưa đường dẫn lối cho mọi người thoát ra. Nhưng các Ngài không có dính mắc, không dính mắc ở đây có nghĩa là tâm các Ngài lớn như thái không, lớn như vũ trụ mênh mông vô tận, lớn như biển trời. Hãy nhìn và tưởng tượng thử đại dương mênh mông vô tận chẳng đẩy lui một thứ gì hết, chẳng từ bỏ một thứ gì hết. Mọi nguồn nước trong thế gian này từ cao từ thấp, từ nhỏ từ lớn, từ dơ từ bẩn, từ đục từ trong xuôi về biển khơi, biển đều giang rộng vòng tay đón nhận và dù mùi hôi, mùi thối, dù là vị dơ dáy gì không cần biết, không biết đâu. Nhưng khi về với đại dương đồng một chất, đồng một vị, vị mặn của tình thương.
Cái không dính mắc phải nói rằng là chỗ tu luyện để tâm có tình thương rộng lớn mà ôm ấp, che chở tất cả. Dù là lỉnh kỉnh hợp hay không hợp, dù là buồn hay vui, thì trong vũ trụ này đều có chỗ đứng cho mọi hành tinh, hành tinh lớn như mặt trời, mặt trăng, mặt đất, sao hỏa và hằng hà các tinh tú lớn, thế vẫn có chỗ đứng riêng biệt, độc lập để tồn tại. Vũ trụ mênh mông thế mà cũng còn có chỗ cho những vi trần, hạt bụi nhỏ tồn tại đấy, cái lớn và cái nhỏ đều có chỗ trong vũ trụ này. Chuyện tốt và chuyện xấu, động đất, hỏa hoạn, núi lửa, các hành tinh va chạm vào nhau, hay giữ được trạng thái trung dung, khoảng cách an toàn, đều nằm trong vũ trụ. Vũ trụ chẳng gào thét, chẳng chê bai, chẳng loại trừ, đó chính là chỗ không dính mắc bởi mênh mông vô tận.
Người học Phật chúng ta tu tâm Từ bi, quán chiếu tâm Từ bi để chuyển hóa tâm nhỏ bé, ích kỷ, vụn vặt, tham chấp, ghen tuông, giận hờn. Chuyển hóa những tâm đó trở thành những hành tinh, những hạt bụi nằm trong tâm Phật mênh mông vô tận như vũ trụ. Những cái tâm vụn vặt kia đều có chỗ đứng, chẳng thể làm chật chội tâm Phật, tâm Từ bi yêu thương của chúng ta. Chính hành trì trong chánh niệm Tỉnh giác, trong chánh niệm Từ bi, trong chánh niệm Trí tuệ và Thiện lành ta đã trở về với biển trời mênh mông vô tận với thái không, với vũ trụ của tâm Phật. Để mọi cảm xúc của đời người ta đều nhận ra, ta đều biết, ta đều ghi rõ. Nhưng những thứ cảm xúc đó không dẫn dắt chúng ta, ta cân bằng được cảm xúc, ta làm chủ được cảm xúc của chính mình.
Người Phật tử tại gia chú ý chỗ này để không mơ hồ ở chỗ tâm không dính mắc là trơ trơ, là bất động, là không còn cảm xúc. Mà tâm không dính mắc là tâm yêu thương rộng lớn, rộng lớn đến mức mọi cảm xúc của đời thường đều có chỗ đứng, nhưng tâm ta không vì thế mà lỉnh kỉnh bởi nó mênh mông vô tận như vũ trụ. Tình thương lớn đó chính là phẩm hạnh của Ngài Quan Âm, của các vị Bồ Tát, của chư Phật. Thấy đi ngày này tháng này đang là lễ Vu Lan, ta nhớ đến Ngài Mục Kiền Liên, rồi ta lại nhớ đến Ngài Địa Tạng Bồ Tát. Hãy nhớ Ngài Địa Tạng Bồ Tát là một vị có tâm hạnh yêu thương chúng sanh ở địa ngục lớn, để rồi mọi chúng sanh trong địa ngục Ngài Địa Tạng Bồ Tát đều dung thông và những chúng sanh đó đều có chỗ đứng trong trái tim yêu thương vô cùng của Ngài.
Vậy thì nói yêu thương chúng sanh gọi là dính mắc sao? Yêu thương không có dính mắc, nhưng nếu yêu thương với sự ích kỷ cái cho mình, của mình, cái tôi thì là dính mắc. Nhưng yêu thương, vị tha, phụng hiến, hy sinh cho tất cả với sự sáng suốt nhìn rõ để dìu dắt, dẫn đường. Với sự tỉnh thức tuyệt đối để soi đường, dẫn lối cho mọi người. Với những hành vi nghĩa cử yêu thương đích thực, đó chính là tâm không dính mắc. Biết khóc với người khóc, như Phật đấy, trong mùa Vu Lan Kinh nói Ngài thấy đống xương Ngài khóc, Ngài thấy chúng sanh khổ Ngài dìu dắt, Ngài thấy người bệnh Ngài an ủi, người què Ngài đưa tay ra để dìu dắt, người đói giúp cho hết đói, khát giúp cho hết khát, bệnh giúp cho hết bệnh, đó là yêu thương đích thực. Tâm không dính mắc là tâm yêu thương lớn.
Tu tập của người Phật tử tại gia quán chiếu tâm Từ bi trong chánh niệm hơi thở, để làm lớn tình thương ra mỗi một ngày. Để mọi sự không như ý tới với chúng ta chúng ta đều có một cái nhìn sáng suốt, chúng ta đều có một cái nhìn sáng suốt trong sự tỉnh thức và mang lòng bao dung tha thứ để đối nhân xử thế trong sự tương tác hàng ngày, đó chính là tâm không dính mắc. Trong chánh niệm của mật thiền hít vào và thở ra quán chiếu tâm Từ bi, là ta đang làm cho tình thương vốn có nơi tâm Phật của mình lớn dần lên mỗi ngày. Đó chính là chỗ ta đang tu tập để thành tựu được tâm không dính mắc đúng nghĩa trong cuộc đời của Phật tử tại gia trăm sự bộn bề, ngàn sự vụn về. Nhưng ta vẫn đó an yên và tự tại, san sẻ tình thương với lòng bao dung tha thứ rộng lớn của sự tỉnh thức, sáng suốt và yêu thương qua các nghĩa cử bác ái đối xử với nhau. Các bạn, mời các bạn trở về với hơi thở của chánh niệm.
Thưa Phật! Xin gia trì cho chúng con hiểu thấu được ý nghĩa của tâm không dính mắc nghĩa là phát triển tình thương lớn, tình thương thật lớn như tâm Từ Bi Đức Phật dạy.
Hãy hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, tiếp hiện năng lượng, hồi hướng cho nhau.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê – Sa Bi Mô U (7 Biến)